Thứ tư, 12 Tháng 4 2023 18:00

Lịch sử hình thành chủ nghĩa hiến pháp ở Việt Nam

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á, bịảnh hưởng của một nền văn minh mới, chính quyền quân chủ Việt Nam đứng trước các vấn đề: mở cửa giao thương hay bế quan, hòa hay chiến, duy tân hay thủ cựu. Ngay từ khoảng thời gian đầu thuộc địa, đã có những cá nhân hiểu rõ thời thế nhờ tài năng, tự học hay do đi du học, đã làm các bản điều trần kể rõ tình hình trong và ngoài nước, rồi xin Nhà vua phải cải cách. Quan đi sứ các nước lân bang cũng tâu bày mọi sự với Nhà vua, về cách giao thiệp với người ngoại quốc,… Những nhân vật có tư tưởng canh tân tiêu biểu như: Đặng Huy Trứ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch,… Tuy nhiên, sau khi đệ trình lên Nhà vua và đem ra để các quan duyệt nghị, đình thần đều cho là nói càn, không hợp thời và bác đi. Ở đây, chính quyền quân chủ không hẳn không muốn thay đổi, mà sự lỗi thời của truyền thống kinh viện Nho giáo, cách nhìn thiển cận không đánh giá được thời thế, bị động không biết phải xoay sở như thế nào, đã là lực cản lớn cho sự thay đổi của xã hội.

Người đầu tiên đưa ra các đề nghị cải cách một cách có hệ thống là Nguyễn Trường Tộ (1828-1871), qua các điều trần. Ngay từ rất sớm, ông đã hiểu rõ thời cuộc, có cơ hội ra nước ngoài học hỏi và làm các điều trần, nói rõ về tình hình trong và ngoài nước, rồi đề nghị Nhà vua phải mau cải cách để tránh mất nước. Các đề nghị cải cách chính trị của ông dựa trên ba nguyên lý cơ bản: quốc dân nhất thể (tức nhà nước và nhân dân đồng một khối thống nhất, không mâu thuẫn và không đấu tranh), thượng hạ tình thông (xuất phát từ quốc dân nhất thể, theo đó mối quan hệ giữa quốc gia và nhân dân là cơ sở của mọi chính sách lớn), và quân chủ thần quyền (quyền lực tập trung vào vua)[1].

Nguyễn Trường Tộ ủng hộ tập trung quyền lực vào Nhà vua, nhưng vua phải biết trách nhiệm của mình nặng nề, cho nên phải tự hạ mình ghép vào vòng pháp luật (Di thảo số 13: Ngôi vua là quý, chức quan là trọng, 1866)[2]. Ông cho rằng vua quan nên dùng pháp luật để trị dân, dân theo luật mà giữ gìn, bất cứ hình phạt nào cũng không vượt ra ngoài luật. Trong việc xét xử, quan xử án xử theo luật, chỉ có thăng trật chứ không bao giờ bị biếm truất để có thể vô tư trong việc chấp hành pháp luật, vua cũng không được đoán phạt theo ý riêng. Nhưng đề nghị này lại xuất phát từ đạo nhân ái trị quốc, đạo công bằng để bảo vệ uy quyền của Nhà vua (Di thảo số 27: Tế cấp bát điều, 1867)[3]. Trong cải cách giáo dục, ông đề nghị mở thêm nhiều môn học mới, trong đó có khoa luật học và muốn bắt quan dân đều phải học, ai học giỏi sẽ được làm quan. Ông ngợi ca các nướcphương Tây lập pháp rất chặt chẽ thế mà lại rộng rãi, người dân sống yên ổn trong pháp luật, không cảm thấy bị pháp luật ràng buộc. Pháp luật tựa hồ vô tình mà lại rất có tình. Do đó, nếu như ai cũng biết dựa theo cái lẽ công bằng trong luật mà xử sự thì mọi quyền pháp đều là đạo đức (Di thảo số 27: Tế cấp bát điều, 1867)[4].

Như vậy, có thể thấy, ở góc độ nào đó, Nguyễn Trường Tộ chủ trương cải cách chế độ phong kiến theo hướng thiết lập nền quân chủ lập hiến (dù chưa đề cập đến vấn đề hiến pháp), với những dấu hiệu pháp quyền (như: đề cao pháp luật, tư pháp độc lập). Đây đều là những tư tưởng rất tiến bộ so với đương thời, nhưng hầu như chỉ mới dừng lại ở các bản điều trần trên giấy, không được đón nhận và áp dụng trong thực tế.

Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam thường được so sánh với các nhân vật Fukuzawa Yukichi và Ito Hirobumi của Nhật Bản. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các nhân vật này, ngoài phẩm chất cá nhân, là xã hội Việt Nam không có nền tảng kinh tế và một tầng lớp trí thức-trung lưu tiến bộ đủ mạnh để có thể hậu thuẫn, tập hợp và thúc đẩy những cải cách chính trị[5], thiếu những phương tiện để truyền bá tư tưởng, giúp dân chúng ý thức được các vấn đề chính trị của đất nước[6].

Phan Bội Châu (1867-1940) thời kỳ đầu cũng đi theo hướng của Nguyễn Trường Tộ, tức ủng hộ chế độ quân chủ nghị viện hay quân chủ lập hiến (trước 1906). Tuy nhiên, về sau ông thay đổi sang quan điểm ủng hộ thể chế dân chủ cộng hòa (từ sau 1912). Được ra nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều nhân vật cách mạng, đọc Tân thư, ông như giác ngộ và bừng tỉnh. Tư tưởng của ông đề cao nhân dân và dân quyền, coi trọng sự độc lập chủ quyền quốc gia, chủ trương dùng bạo động để giành độc lập. Ông nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính thể của nhiều nước, cho rằng nhân dân là chủ của đất nước; Nghị viện (gồm nhiều viện) đại diện cho nhân dân, có quyền rộng rãi; Chính phủ là cơ quan chấp hành, lệ thuộc và chịu sự giám sát của Nghị viện. Ông cũng là người đầu tiên đề cập đến vấn đề lập hiến, coi đây là yêu cầu bức xúc của đất nước. Ông đã tự soạn thảo một bản hiến pháp gửi cho Lê Văn Miến (Tế tửu Quốc tử giám) đọc góp ý và sau đó đã tự xé đốt bản thảo[7].

Cùng thời với Phan Bội Châu, đại diện tiêu biểu cho đường lối đấu tranh ôn hòa bất bạo động là Phan Châu Trinh (1872-1926). Cũng đi ra nước ngoài, đọc Tân thư, nhưng Phan Châu Trinh lại có viễn kiến khác mà ngày nay được đánh giá sáng suốt hơn cả. Ông tiếp thu những tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây và tư tưởng cải cách của thế hệ trước, từ đó đề xướng phong trào “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Ông ủng hộ thể chế đại nghị với Nghị viện là trung tâm (gồm Thượng và Hạ nghị viện), giữ quyền lập pháp; Chính phủ (hay Quốc vụ viện) giữ quyền hành pháp, quyền lực theo hạn định; Viện tư pháp giữ quyền tư pháp, gồm các quan xử án có quyền độc lập, xét xử theo pháp luật và lương tâm[8]. Phan Châu Trinh đề cao pháp trị (mọi người bình đẳng trước pháp luật) và các quyền tự do chính trị của nhân dân, đặc biệt là tự do hội họp và lập hội, tư do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí. Theo ông, dân chủ gắn liền với việc mở rộng các quyền tự do, và mở rộng tự do dân sự là để củng cố chế độ dân chủ[9].

Một số nhân vật thuộc thế hệ này như: Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Lương Văn Can (1854-1927), và Trần Quý Cáp (1870-1908), được tiếp xúc và chịu ảnh hưởng nhất định của Tân thư đã dẫn đến những chuyển biến tư tưởng và đa số đều theo hướng đấu tranh bất bạo động (cũng có những hoán đổi giữa ôn hòa-bạo động và ngược lại). Huỳnh Thúc Kháng quan niệm quyền lực cần phải đặt trên cơ sở một thỏa ước [hiến pháp], hình thành từ nền tảng dân tộc và từ mỗi cá nhân. Ông đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hiến pháp để cải thiện tình hình chính trị trong nước. Lúc đầu,ông chủ trương chính thể quân chủ lập hiến, về sau chuyển sang ủng hộ chính thể đại nghị dựa trên cơ sở của hiến pháp và quyền lực nhà nước được phân chia. Ông đề cao dân quyền, muốn xây dựng một xã hội bình quyền giữa mọi giai tầng, đặc biệt là các tự do báo chí và tự do ngôn luận[10].

Lương Văn Can là Thục trưởng (Hiệu trưởng) của Đông Kinh Nghĩa Thục, một phong trào dân chủ tư sản noi theo tinh thần của Fukuzawa và các cộng sự, với mục đích khai trí cho dân bằng cách mở lớp dạy học miễn phí, tổ chức các cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng và cổ động trong dân chúng[11]. Đông Kinh Nghĩa Thục đã phổ biến được nhiều sách báo, tài liệu, thơ văn yêu nước cách mạng có giá trị của các nhà Nho tiến bộ đương thời. Một số tác phẩm đề cập đến các vấn đề như: vai trò của hiến pháp để giới hạn quyền lực của chính thể lập hiến hay chính thể cộng hòa, vai trò của Nghị viện đại diện cho nhân dân, và quyền của người dân, đặc biệt là quyền sở hữu, quyền bầu cử[12]. Những tài liệu này tuy còn khá giản đơn và thiếu tính hệ thống, nhưng đã đáp ứng được một phần yêu cầu lúc bấy giờ là “muốn mở cái óc mê muội, muốn gõ những tiếng chuông duy tân, muốn gây một thế hệ cách mạng trong quần chúng”[13].

Nhìn chung, ở giai đoạn này, các Nho sĩ yêu nước nhờ tiếp xúc với luồng sinh khí mới Tân thư mà bừng tỉnh, tinh thần yêu nước trở nên sôi nổi. Tân thư, dù chủ yếu được giới thiệu qua thế giới quan Hán học, đã dẫn đến những chuyển biến tư tưởng của giới Nho sĩ đương thời. Qua Tân thư, họ biết đến các xã hội phương Tây, thuyết tam quyền phân lập, lý thuyết khế ước xã hội, công cuộc duy tân ở Nhật Bản, Trung Quốc, vai trò của hiến pháp đối với quốc gia,… từ đó tiếp biến áp dụng trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Quan điểm chung là đòi một bản hiến pháp cho người dân Việt, thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa, bảo đảm quyền lợi cơ bản của người dân.

Tuy nhiên, là thế hệ đầu tiên tiếp thu tư tưởng dân chủ phương Tây, lại chủ yếu qua Tân thư bằng chữ Hán, cùng với những yếu tố khách quan thuộc về thời đại, nên nhận thức hay tư tưởng của các Nho sĩ giai đoạn này về văn minh phương Tây, dân chủ, hay công cuộc duy tân còn chưa đầy đủ, thiếu tiền đề lý luận và thực tiễn. Dẫu vậy, tư tưởng duy tân của giới Nho sĩ giai đoạn này là một dấu mốc quan trọng của lịch sử tư tưởng Việt Nam, là tiền đề và cầu nối cho sự tiếp biến tư tưởng của thế hệ trí thức yêu nước tiếpsau.

Các đại diện tiêu biểu của thế hệ tiếp theo có ảnh hưởng lớn về tư tưởng và văn hóa gồm có: Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Phạm Quỳnh (1892- 1945), Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Phạm Duy Tốn (1881-1924), Phan Khôi (1887-1959). Đây là những học giả, trí thức tân học nổi tiếng (trừ Phan Khôi), thông thạo cả tiếng Pháp và chữ Hán, có đóng góp lớn với việc phổ biến và phát triển chữ quốc ngữ và tiếng Việt. Chủ trương chính trị chung của họ là “ỷ Pháp cầu tiến bộ” (dựa vào Pháp mong tiến bộ), “Pháp-Việt đề huề” (hợp tác Pháp-Việt) để nâng cao dân trí, dân khí, dân sinh – điều kiện để đất nước có thể tiến đến tự trị và độc lập. Các hoạt động chủ yếu của họ bao gồm dịch thuật, làm báo, dùng chữ quốc ngữ tuyên truyền để nâng cao dân trí, phản biện xã hội, tố cáo chính quyền thuộc địa, gửi kiến nghị tới chính phủPháp.

Tư tưởng của Phạm Quỳnh chủ yếu được thể hiện trên tạp chí Nam Phong. Qua bài viết Vấn-đề lập-hiến cho nước Nam (số 151) và Câu chuyện lập-hiến (số 173), có thể thấy Phạm Quỳnh chủ trương xây dựng một nhà nước quân chủ lập hiến (theo mô hình Nhật Bản). Ông cho rằng có thể xây dựng một hiến pháp bảo đảm được quyền dân chủ cho nhân dân, quyền cai trị của vua và quyền bảo hộ của Pháp. Ông đề nghị cải cách lại thiết chế Đại biểu viện để nhân dân được tham dự vào chính sự hiệu lực hơn, làm tiền đề cho Nghị viện chính thức sau này. Nghị viện gồm hai viện (Thượng-viện và Hạ- viện), được bầu cử theo đầu phiếu có hạn định và phù hợp với trình độ dân trí.

Nghị viện có quyền kiểm sát công việc của Chính phủ, có quyền chất vấn các Bộ trưởng (hay các quan Tổng trưởng của các Bộ). Quốc vương đứng đầu quyền hành pháp (hành-chính) và giao phó quyền hành pháp cho các Bộ trưởng (Nội các) theo quyền hạn sẽ định. Nội các sẽ có trách nhiệm đối với Vua, Bảo hộ và viện Dân-biểu. Ngoài ra, trên Nam Phong, Phạm Quỳnh còn viết, dịch, biên khảo rất nhiều bài viết giới thiệu các tư tưởng chính trị phương Tây [117,tr.146-199].

Tư tưởng lập hiến của Phạm Quỳnh bị Nguyễn Văn Vĩnh cực lực phản đối. Nguyễn Văn Vĩnh ủng hộ thuyết trực trị, dùng trực tiếp Hiến pháp và pháp luật của Pháp, triệt bỏ hẳn vai trò trung gian của quan lại nhà Nguyễn để cho người Pháp trực tiếp cai trị. Dựa trên sự so sánh tình hình phát triển giữa Nam, Bắc và Trung Kỳ, ông cho rằng cai trị trực tiếp như Nam Kỳ thì đất nước sẽ nhanh phát triển hơn và dần tiến đến tự trị, độc lập. Theo ông, trong một nước dân chủ thực sự, người dân có những quyền chính đáng và trước hết phải có trình độ và khả năng để sử dụng quyền đó. Tuy nhiên, ông được cho là không có lập trường chính trị vững vàng. Đóng góp nổi bật nhất của ông là trong lĩnh vực dịch thuật (Dân ước Vạn pháp tinh lý), và là chủ bút nhiều tờ báo, trong đó có tờ Đông Dương Tạp chí (xuất bản từ 1913-1917) [85, tr.11-14].

Còn Phan Khôi là người có tư tưởng tranh biện, tác giả của nhiều bài viết đề nghị trao đổi hoặc chất vấn về những vấn đề thời sự được nêu trên các báo và khiến cho các nhân vật có ảnh hưởng đương thời phải lên tiếng phúc đáp, thảo luận. Nhìn chung, các cuộc “bút chiến” đã giúp nâng cao tính phản biện xã hội, làm rõ vấn đề đang được những người am hiểu và có ảnh hưởng nhất đương thời bàn luận. Trên phương diện tư tưởng chính trị, Phan Khôi phê phán thuyết lập hiến của Phạm Quỳnh mà ông gọi nó là “hiến pháp tam giác”. Ông phê phán thái độ của những người được coi là làm chính trị trước các sự kiện liên quan đến vận mệnh dân tộc, mà cụ thể là Đảng Lập hiến (ở Nam Kỳ). Phan Khôi luôn ủng hộ cải cách, duy tân và phải bắt đầu từ học thuật tư tưởng (theo kinh nghiệm Nhật Bản, Trung Quốc). Ông đề cao quyền tự do ngôn luận (quyền được nói) và bênh vực quyền lợi của phụ nữ.

Đại diện cho giới trí thức trẻ Tây học là Phan Anh (1912-1990) và Nguyễn An Ninh (1900-1943). Phan Anh là một người có tư tưởng lập hiến tiên phong. Trong thời gian cộng tác làm báo Thanh Nghị (1941-1945), ông nghiên cứu và xuất bản nhiều bài viết phân tích về các luồng tư tưởng lập hiến trên thế giới và việc lập hiến ở Việt Nam. Qua các bài viết, có thể thấy rõ tư tưởng lập hiến của ông tập trung vào các nguyên tắc: độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do, dân chủ, đề cao nguyên tắc phân quyền để ngăn ngừa sự hà lạm quyền lực và độc tài, nhằm bảo đảm một chế độ tự do, dân chủ thực sự.

Còn Nguyễn An Ninh là chủ bút tờ La cloche fêlée (lập năm 1923, đổi tên thành L’Annam năm 1926). Cùng với sự cộng tác của Phan Văn Trường (1876-1933), hai ông đã thể hiện các tư tưởng lập hiến như: đề cao các quyền tự do cá nhân, phải ban hành hiến pháp để bảo đảm các quyền tự do [97, tr.170 và 90, tr.148-149], đề cao học thuyết phân quyền và việc ứng dụng nó trong xây dựng hiến pháp [104, tr.18-20 và 90, tr.159], và tổ chức bộ máy nhà nước theo thể chế cộng hòa. Nguyễn An Ninh đã biên soạn cuốn Dân ước-dân quyền-dân đạo (1923), nhằm truyền bá tư tưởng về các quyền tự do dân chủ đến người dân. Tờ L’Annam cũng đăng trọn vẹn bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1791 của Pháp và bản Tuyên ngôn cộng sản của KarlMarx.

Như vậy, ở giai đoạn này, giới trí thức tân học đóng vai trò chủ yếu trong việc tiếp nhận và truyền bá tư tưởng dân chủ tiến bộ phương Tây vào Việt Nam. Được đào tạo theo nền giáo dục thuộc địa, du học hay tự học, họ có đủ nền tảng tri thức và ngoại ngữ để tiếp cận trực tiếp nguyên gốc các tác phẩm, tác giả của các trường phái tư tưởng tiến bộ khác nhau. Các thực tiễn chính trịtrên thế giới diễn ra trong khoảng thời gian này cũng đã tác động mạnh đến tư tưởng chính trị và hoạt động của giới trí thức tân học. Nổi bật là Cách mạng Tân Hợi với tư tưởng “tam dân”, Cách mạng tháng Mười cùng học thuyết Marx-Lenin. Trong môi trường tự do báo chí và xuất bản nhiều thuận lợi, họ đã thực hiện các hoạt động dịch thuật, làm báo, diễn thuyết,… để truyền bá các tư tưởng dân chủ tiến bộ trong xã hội Việt Nam, thức tỉnh ý thức về chủ quyền của nhân dân.

Tuy nhiên, giống như giới Nho sĩ yêu nước thế hệ trước, nỗ lực của giới trí thức cũng chỉ là bày tỏ ý kiến để thức tỉnh xã hội. Họ không đủ mạnh để tạo ra những áp lực thay đổi lên chính quyền quân chủ-thực dân. Hơn nữa, xã hội Việt Nam không có nền tảng kinh tế và một tầng lớp trung lưu tiến bộ đủ mạnh để có thể thúc đẩy những cải cách chính trị. Do đó, dù các tư tưởng tiến bộ được du nhập trong nhiều thập niên, các chuyển biến quan trọng trong đời sống chính trị-xã hội chỉ xảy ra khi cách mạng lật đổ chế độ quân chủ-thuộc địa diễn ra, chuyển sang thể chế dân chủ cộng hòa. Nhìn chung, đặc trưng của xã hội Việt Nam cho đến trước năm 1945 là sự khủng hoảng của mô hình chính trị cũ và sự tìm kiếm những mô hình thể chế quốc gia mới.

Ở Nam Kỳ trước năm 1945, Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ (Conseil Colonial de la Cochinchine) là định chế duy nhất tồn tại gần với ý nghĩa dân chủ phương Tây, và pháp luật cho phép một vài mức độ đối lập chính trị nhất định đối với chính quyền trong một nền báo chí Pháp ngữ tương đối cởi mở. Một dạng phong trào xuất hiện là sử dụng các phương pháp hiến định để buộc chính quyền phải tiến hành cải cách và mở rộng tự do cho người bản xứ theo đúng chính sách đã tuyên bố (Pháp-Việt đề huề, Pháp-Việt liên kết). Nổi bật là Đảng Lập hiến do Bùi Quang Chiêu (1873-1945) đứng đầu, chủ trương nhằm giành được những cải cách cụ thể với các chiến dịch như: đòi hỏi cải tổ Hội đồng thuộc địa và mở rộng đại diện của người Việt nhằm phát triểnthànhmột Quốc hội đại diện thực sự; mở rộng giáo dục bằng cách thành lập các trường học miễn phí tự quản lý; đòi quyền bình đẳng về kinh tế cho người Việt, bênh vực người yếu thế [171]; yêu cầu ban hành hiến pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ của người dân [90, tr.42]. Hoạt động của Đảng Lập hiến duy trì được một vài năm rồi mất dần ảnh hưởng bởi chủ trương ôn hòa cũng như phạm vi hoạt động hẹp.

Cũng giống nhiều trí thức Tây học khác, cho đến trước năm 1920, tư tưởng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc (1890-1969) là đấu tranh ôn hòa với hoạt động viết báo, diễn thuyết, gửi thỉnh nguyện thư, yêu sách tới chính phủ Pháp nhằm lên án, tố cáo chính quyền thực dân, và đòi quyền lợi cho người dân Việt. Nổi bật nhất đó là bản Yêu sách của nhân dân An Nam (Revendications du Peuple Annamite, 1919) gửi tới Hội nghị Versailles, về sau được diễn ca lại bằng thể thơ lục bát dễ hiểu, dễ nhớ hơn với tên gọi Việt Nam yêu cầu ca để tuyên truyền phổ biến đến người dân [61, tr.439-442]. Sau khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin được đăng trên báo L’Humanité (16-17/7/1920), Nguyễn Ái Quốc đã có những chuyển biến trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị. Ông lựa chọn chủ nghĩa Marx-Lenin là tư tưởng cứu nước của mình, đồng thời bổ sung, hoàn thiện và tích cực truyền bá nó vào Việt Nam. Tư tưởng của ông cùng với chủ nghĩa Marx-Lenin về sau đã trở thành những nguồn ảnh hưởng chủ yếu, là khởi đầu và là nền tảng chính trị của [nền] văn hóa lập hiến hiện đại ở ViệtNam.

Ngay sau khi giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiệm vụ cấp bách là sớm tổ chức tổng tuyển cử để bầu Quốc hội lập hiến, xây dựng một bản hiến pháp dân chủ. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp năm 1946 (và Hiến pháp năm 1959). Tư tưởng Hồ Chí Minh về những giá trị dân chủ, pháp quyền thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập 1945, Hiến pháp năm 1946, và trong các tác phẩm còn để lại đã và vẫn là những yếu tố được tham chiếu trong tiến trình lập hiến hiện đại ở Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 là điểm mốc khởi đầu tiến trình đó và được đánh giá là bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ nhất trong lịch sử lập hiến hơn 70 năm qua của Việt Nam. Dù chưa chính thức được công bố và thực thi, nhưng tinh thần của một số quy định của Hiến pháp đã phần nào được thực hiện trong thực tế [25,tr.643].

Bắt đầu từ Hiến pháp năm 1959, tư tưởng lập hiến chủ nghĩa xã hội dần đóng vai trò chủ đạo, chủ nghĩa hiến pháp thoái trào ở Việt Nam. Các bản hiến pháp mang những dấu ấn đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội, thể hiện đậm nét ở bản Hiến pháp năm 1980. Theo đó, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền và tập trung dân chủ. Quyền lực được tập trung vào Quốc hội: nhân dân trực tiếp bầu ra Quốc hội; sau đó Quốc hội thành lập các thiết chế khác của bộ máy nhà nước, chịu trách nhiệm và sự giám sát tối cao của Quốc hội. Mặc dù có vẻ giống chính thể đại nghị, nhưng thực chất có nhiều khác biệt với vị trí Quốc hội tối cao, dẫn đến sự phụ thuộc của các thiết chế khác vào Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội là chủ thể duy nhất có quyền lập hiến và không có quy định về trưng cầu ý dân, thực chất chủ quyền nhân dân thuộc về Quốc hội lập pháp chứ không phải thuộc về nhân dân. Hơn nữa, truyền thống hiến pháp chủ nghĩa xã hội không quan niệm hiến pháp là công cụ giới hạn quyền lực nhà nước, mà coi đó như một công cụ mang tính định hướng, tính chương trình lãnh đạo của đảng cầm quyền cho việc tổ chức cai trị [71,tr.22].

Ở một góc độ khác, trước Đổi Mới (1986) và một khoảng thời gian sau đó, hiến pháp và pháp luật đã không được coi trọng đúng mức. Quan điểm chủ đạo của thời kỳ này là xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản với đặc trưng quản lý nhà nước và xã hội chủ yếu bằng đường lối, nghị quyết của Đảng. Nhiều cải cách pháp luật nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng đã được thực hiện trước cải cách hiến pháp, không phù hợp với hiến pháp. Tuy nhiên, từ Đại hội Đảng VI (1986), nhận thức và quan điểm của Đảng về nhà nước chuyên chính vô sản dần thay đổi. Yếu tố “chuyên chính” được làm nhẹ đi, dần nhường chỗ cho yếu tố pháp quyền (tức quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật). Thuật ngữ Nhà nước pháp quyền xuất hiện chính thức trong các văn kiện Đảng và được thể chế hóa trong hiến pháp [40,tr.660-661].

Qua các văn kiện Đảng khóa VIII (1996), IX (2002), X (2006), XI (2011), các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền dần được định hình rõ, gồm: Thứ nhất, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Thứ hai, nhà nước được tổ chức, hoạt động dựa trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp. Thứ ba, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội. Thứ tư, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân. Thứ năm, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua các tổ chức xã hội. Thứ sáu, nhà nước và xã hội do một Đảng duy nhất lãnh đạo [111, tr.233-315 và 110, tr.266-267]. Đến Đại hội Đảng khóa XII (2016), mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền tiếp tục được khẳng định, cùng với đó là yêu cầu tuân thủ “nguyên tắc pháp quyền” trong tổ chức và hoạt động của nhà nước, yêu cầu hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp và pháp luật [30, tr.175].

Trong giai đoạn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (xây dựng Hiến pháp năm 2013), các nghiên cứu và thảo luận về chủ đề hiến pháp đã diễn ra sôi nổi. Các giá trị chuẩn mực của chủ nghĩa hiến pháp phương Tây như: pháp quyền, phân quyền, kìm chế - đối trọng, quyền con người, tư pháp độc lập, tài phán hiến pháp,… được giới nghiên cứu diễn giải nhiều hơn trong sự so sánh với các chế định hiến pháp hiện hành của Việt Nam. Chủ nghĩa hiến pháp có khuynh hướng được tiếp nhận trở lại với nhiều đặc trưng thể hiện trong Hiến pháp năm 2013, phản ánh quá trình thay đổi quan điểm, nhận thức của Đảng trong việc tìm kiếm, thử nghiệm xây dựng một mô hình nhà nước và pháp luật ở Việt Nam phù hợp với mục tiêu chính trị của Đảng, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu thế phát triển của các nhà nước hiện đại.

Như vậy, nếu lấy hiến pháp làm điểm mốc, nền văn hóa lập hiến Việt Nam hơn 70 năm qua có thể được chia thành ba (3) giai đoạn, phản ánh ba mô hình ảnh hưởng: Hiến pháp năm 1946 phản ánh các giá trị hợp hiến phương Tây, cả ở quy trình xây dựng lẫn nội dung như là kết quả của nỗ lực du nhập chủ nghĩa hiến pháp trước đó. Trong khi đó, các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 lại phản ánh các giá trị, quan niệm của truyền thống hiến pháp chủ nghĩa xã hội về hiến pháp, quyền lực nhà nước, các nguyên tắc tổ chức, điều hành chính quyền. Ở giai đoạn này, một nguyên nhân khác là đất nước trải qua thời kỳ chiến tranh, xung đột kéo dài và mô hình kinh tế tập trung bao cấp, hiến pháp và pháp luật ít phát triển và không được coi trọng đúng mức cả trong nhận thức và thực tiễn, chủ nghĩa hiến pháp thoái trào ở Việt Nam. Các giá trị hợp hiến tiến bộ phương Tây có khuynh hướng được tiếp nhận trở lại trong các lần sửa đổi hiến pháp đầu thế kỷ 21 như là đòi hỏi và kết quả của quá trình Đổi Mới, hội nhập quốc tế, phản ánh sự thay đổi lớn trong tư duy, nhận thức của các nhà lập hiến về hiến pháp và việc tổ chức quyền lực nhà nước theo hướng tiệm cận hơn với nhận thức phổ biến của nhân loại về chủ nghĩa hiến pháp.

 


[1]Trần Văn Giàu (1996), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, HàNội, tr.tr.389-391.

[2]Trương Bá Cần (2002), Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh và Trần Văn Giàu (1996), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, HàNội, tr.tr.390-391.

[3]Trương Bá Cần (2002), Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ ChíMinh vàTrần Văn Giàu (1996), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, HàNội, tr.tr.391-393.

[4]Trương Bá Cần (2002), Nguyễn Trường Tộ: Con người và di thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ ChíMinh vàNguyễn Lân (1942), Nguyễn Trường Tộ, Mai Lĩnh xuất bản, Nội, tr.42

[5]Phan Văn Trường (1926), Pháp luật lược luận, Nhà in Xưa-Nay, Sài Gòn, tr.104-105

[6]Lê Đình Chân (1975), Luật hiến-pháp: Khuôn mẫu dân chủ. Cuốn thứ II, Tủ sách đại học,Saigon, tr.168

[7]Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa (2013), Lược sử lập hiến Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ ChíMinh vàPhạm Thị Duyên Thảo (2012), Giải thích pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, tại Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, HàNội, tr.108-110.

[8]Vũ Quốc Thông (1971), Pháp chế sử Việt-Nam, Tủ sách đại học, Sài Gòn, tr.281-283

[9]Mai Thái Lĩnh (2014), “Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh”, đăng trên chungta.com ngày 20/03/2014, tại: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/cuong_linh_chinh_tri_phan_chau_trinh.html, [truy cập: 15/11/2017],

[10]Chương Thâu (chủ biên) (2005), Phan Châu Trinh toàn tập, Tập 3, Nxb. Đà Nẵng, Tp. ĐàNẵng, tr.213-222,292-293.

[11]Nguyễn Hiến Lê (1968), Đông Kinh Nghĩa Thục, Lá Bối xuất bản, SàiGòn, tr.44 và ĐinhXuânLâm(chủbiên)(2000),ĐạicươnglịchsửViệtNam,Tập II, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.159-160.

[12]Đỗ Văn Hỷ, Vũ Văn Sạch (dịch) (1997), Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, Nxb. Văn hóa, Nội, tr.18, 78 vàPhạm Thị Duyên Thảo (2012), Giải thích pháp luật ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, tại Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, HàNội, tr.136-137.

[13]Nguyễn Hiến Lê (1968), Đông Kinh Nghĩa Thục, Lá Bối xuất bản, SàiGòn, tr.59.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành