Thứ hai, 15 Tháng 5 2023 17:38

Phân tích một số vấn đề liên quan đến khái niệm hối lộ trong tội hối lộ

1.       Khái niệm hối lộ, phân biệt hối lộ với tham nhũng

Cơ sở pháp lý vững chắc sẽ tạo nên một nhà nước minh bạch và vững mạnh. Từ ngày đầu thành lập nước đến nay, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tội tham nhũng, hối lộ. Tham nhũng, hối lộ luôn gắn chặt và đi kèm với nhau, để hiểu rõ bản chất về các tội phạm về hối lộ với tư cách là các hành vi phạm tội, cần làm rõ khái niệm hối lộ, phân biệt hối lộ với khái niệm tham nhũng.

Trước hết, bản chất của“hối lộ” (Bribery) là sựđổi chácđể lấy lợiích cụ thể nào đó khiến cả hai bên hài lòng và có hành vi trái pháp luật. Hối lộ là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội thông qua hành vi lobby, đút lót để làm thay đổi sự công bằng về mặt lợi ích được pháp luật quy định.

Còn theo Đại từ điển Tiếng Việt, “hối lộ” là hành vi lén lút đưa tiền (vật chất có giá trị) để nhờ người có quyền làm điều trái với pháp luật nhưng có lợi cho mình... [1]. Hoặc Từ điển Tiếng Việt do GS. Hoàng Phê chủ biên định nghĩa: “hối lộ” là việc đưa tiền của cho người có quyền hành để làm việc gì đó có lợi cho mình, bằng hành vi lạm dụng chức vụ hoặc làm sai pháp luật[2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, hối lộ là “giặc nội xâm”, là thứ giặc ở trong lòng; hậu quả mà tham nhũng, hối lộ gây ra cho xã hội là rất lớn, do đó Đảng và Nhà nước ta luôn coi đấu tranh chống tham nhũng, hối lộ và các hiện tượng tiêu cực khác là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đến sự tồn vong của chế độ.

Có quan điểm cho rằng, có rất nhiều cách tiếp cận và quan điểm khác nhau về “hối lộ”. Hối lộ có thểlà một hành vi vi phạm pháp luật, một tệ nạn xã hội, một hiệntượng tiêu cực trong xã hội, thậm chí là một dạng tham nhũng... Hiện tượng hối lộ thường được nghiên cứu từ góc độ đạo đức, chính trị, kinh tế và pháp lý. Tuy nhiên, phần lớn những nghiên cứu này đều tiếp cận “hối lộ” từ một góc độ rộng hơn, đó là “tham nhũng”[3].

Dưới góc độ xã hội, hối lộ có thể được xem là một hình thức biến tướng của việc đền đáp, trả ơn hoặc cậy nhờ một việc gì đó có lợi cho người nhờ; “hối lộ là một kiểu đền đáp; cuộc sống của loài người tràn ngập những sự trả ơn. Một số sự đền đáp bị xem là hối lộ trong từng nền văn hóa cụ thể, được phân biệt với các trường hợp khác bởi sự cố ý, bởi hình thức và hoàn cảnh cụ thể”[4]. Chính vì vậy, hối lộ có thể được xem là hiện tượng xã hội tiêu cực, là sự lạm dụng những truyền thống tốt đẹp của xã hội loài người (như truyền thống tặng quà, truyền thống đền đáp ơn nghĩa đã từng tồn tại trong đời sống xã hội. Ở đây, sự nhận thức đó chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố văn hóa - xã hội và điều này dường như lại ảnh hưởng ít nhiều đến việc xác định tính nguy hiểm cho xã hội của hiện tượng hối lộ và ranh giới khó phân biệt giữa đạo lý và vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ chính trị, “hối lộ là một trong những loại bổng lộc của quyền lực và là một hình thức trao đổi chung giữa quyền lực và sự giàu có”[5]. Như vậy, hối lộ mang bản chất chính trị sâu sắc, là “sản phẩm tiêu cực” của quyền lực. Qua hành vi “hối lộ”, quyền lực tạo ra tiền bạc và tiền bạ lại được sử dụng để “có thể mua được quyền lực”. Bên cạnh đó, hối lộ trở thành công cụ để kiếm tiền nhằm duy trì quyền lực chính trị, nó tạo ra sự bất công trong xã hội. Có nhiều ý kiến lên án mạnh mẽ hiện tượng hối lộ, vì đây là nguyên nhân trực tiếp tác động, làm giảm thiểu niềm tin của nhân dân với cá nhân các chính trị gia và hệ thống chính trị. Khi chúng ta nhận thức đầy đủ tính nguy hiểm của hành vi hối lộ đối với hệ thống chính trị, việc phải xử lý hành vi này bằng pháp luật hình sự càng trở nên cấp thiết và rõ ràng hơn[6].

Dưới góc độ hành chính - nhà nước, hối lộ được các học giả cũng như hầu hết các quốc gia nhìn nhận và định vị là một hành vi trong nhóm hành vi tham nhũng. Hối lộ là những hành vi có xu hướng xảy ra phổ biến ở những nơi thiếu sự minh bạchvề thông tin và thiếu sự tuân thủ các quy tắc đạo đức, đồng thời tác động trở lại làm cho bộ máy nhà nước trở nên quan liêu, thiếu minh bạch, trì trệ. “Nơi nào tồn tại hiện tượng hối lộ có hệ thống của một số công chức nơi đó sẽ có xu hướng hoạt động kém hiệu quả và đạo đức của các nhân viên trở nên xuống cấp”[7]. Vì vậy, từ góc độ này, bản chất của hối lộ thể hiện rõ nét ở nhóm hành vi xâm phạm trực tiếp hoạt động bình thường của các cơ quan công quyền, hoặc việc thực thi các nhiệm vụ, công vụ.

Đặc biệt, tiếp cận từ góc độ pháp lý, pháp luật của đa số các quốc gia trên thế giới đều xem hối lộ là một sự “trao đổi lợi ích bất hợp pháp”, thể hiện thông qua việc bên đưa hối lộ sử dụng “của đưa hối lộ là những lợi ích không chính đáng” để đổi lấy việc bên nhận hối lộ làm theo yêu cầu của mình. Bên nhận hối lộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm hoặc không làm một việc gì đó nhằm thỏa mãn mục đích của người đưa hối lộ để đổi lấy của hối lộ. Hối lộ bị xem là hành vi bất hợp pháp ở việc người nhận hối lộ đạt được lợi ích cá nhân thông qua việc lợi dụng quyền lực công ...

Trong khi đó, “tham nhũng” (Corruption) là hiện tượng kinh tế - xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước. Theo nhóm tác giả trong cuốn sách “Tools to support transparency in local governance” (Công cụ hỗ trợ cho tính minh bạch trong công tác cai trị ở địa phương) đã xác định ra quy luật hoạt động của tham nhũng trong thực tế công quyền dưới dạng công thức tạm dịch như sau: Tham nhũng (Corruption) = Độc quyền (Monopoly) + bưng bít thông tin (Discretion) - trách nhiệm giải trình (Accountability).

Các quốc gia có các điều kiện về xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế khác nhau quan niệm về tham nhũng cũng khác nhau. Ở mỗi giai đoạn phát triển của từng quốc gia, khái niệm tham nhũng cũng đưa ra tương ứng theo từng giai đoạn lịch sử, không có một khái niệm có thể sử dụng cho mọi quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định, “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (lưu ý, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 giữ nguyên khái niệm này).

Như vậy, tham nhũng là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội, tệ nạn xã hội, là tội phạm, là quốc nạn, là một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước là đại diện cho quyền lực của một giai cấp nhất định có chức năng điều hòa những lợi ích của các giai cấp khác nhau, thậm chí có thể đối lập nhau. Ở đây, khi quyền lực của Nhà nước khi được trao cho các con người cụ thể là những người đại diện cho Nhà nước để thực thi quyền lực công, nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì dễ dẫn tới sự lợi dụng quyền lực hoặc lạm quyền. Vì vậy, sự gặp nhau giữa quyền lực công khi không được chế ước với nhu cầu cá nhân vượt quá giới hạn cho phép, lòng tham, đã dẫn tới việc sử dụng quyền lực công phục vụ cho nhu cầu cá nhân thì là cơ sở để nảy sinh “tham nhũng”.

Từ đây, tham nhũng được xem là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo, yếu kém, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc vấn đề thực thi pháp luật yếu kém, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ tạo có nhiều “kẽ hở” tạo cho người có chức vụ, quyền hạn “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính. Ngoài ra, phẩm chất, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý bị suy thoái về chính trị, tư tưởng. Có quan điểm cho rằng, “có thể thấy, với tội phạm tham nhũng, các đối tượng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội… sẽ tìm mọi cách “tẩu tán” ngay từ khi có được tài sản phi pháp”[8], cùng với đó, cộng với trình độ dân trí thấp, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân không tốt cũng tạo điều kiện cho người có chức vụ, quyền hạn nhũng nhiễu, đòi hỏi và thực hiện tham nhũng, hối lộ. Cuối cùng, các chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức chưa thỏa đáng cũng là các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Từ những phân tích trên có thể thấy, “hối lộ” là một loại hành vi cụ thể, nằm trong “tham nhũng”. Một số nước trên thế giới (Mỹ, Australia ...) coi hối lộ là một tội phạm và được định nghĩa theo Từ điển pháp luật bao gồm các hành vi “đề nghị”, “đưa”, “nhận” hoặc “gạ gẫm” dưới bất kỳ một dạng giá trị, làm ảnh hưởng đến hành vi của người nào đó thực hiện công vụ hoặcchức vụ pháp lý; hay hối lộ “là hình thức tham nhũng thể hiện bằng cách một người đưa tiền để thuyết phục một công chức Nhà nước chấp thuận để làm hoặc không làm một việc có lợi cho mình”… [9]. Do đó, hối lộ được hiểu là một dạng của tham nhũng; một số tác giả khác chia sẻ quan điểm này khi cho rằng tham nhũng bao gồm hối lộ và nhiều dạng hành vi khác[10] hoặc cho rằng hối lộ là một trong những hình thức tham nhũng rõ nét và hiển nhiên nhất[11]; v.v ...

Các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng nhận thức khái niệm về tham nhũngkhông có sự khác biệt nhiều so với những quan điểm nhưđã phân tíchở trên. Tham nhũngđược xem là hiện tượng xã hội tiêu cựcđược tiếp cận từ gócđộđạo đức, kinh tế và nhà nước - pháp luật và cho rằng khái niệm tham nhũng xét dưới khía cạnh nhà nước - pháp luật là hành vi lợi dụng chức quyền để vụ lợi cá nhân[12]. Hành vi tham nhũng được xácđịnhlà hành vi của người có chức vụ, quyền hạn; còn hối lộ lại bao gồm cả hành vi của người có chức vụ quyền hạn, như hành vi nhận hối lộ và hành vi của người không có chức vụ, quyền hạn, như hành vi đưa hối lộ, hành vi môi giới hối lộ[13]. Theo cách nhìn nhận này chỉ hành vi nhận hối lộ được coi là một dạng của tham nhũng. Từ góc độ lập luận này cho thấy, khái niệm tham nhũng không hoàn toàn bao hàm khái niệm hối lộ. Khái niệm tham nhũng có nội hàm rộng hơn so với khái niệm hối lộ. Và như vậy, logic là các tội phạm về tham nhũng chỉ có tội nhận hối lộ trong nhóm đó, còn tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ không thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng. Do đó, có thể kết luận khái niệm hối lộ và khái niệm tham nhũng có những điểm chung và khác biệt với nhau như đã phân tíchở trên.

2.       Khái niệm các tội phạm về hối lộ

Về bản chất của hiện tượng “hối lộ” cần phân biệt với hiện tượng tham nhũng, dù xem xét từ bất kỳ phương diện nào thì hành vi hối lộ vẫn luôn thể hiện bản chất của một hiện tượng tiêu cực, phi đạo đức và gây rất nhiều tác động xấu tới đời sống xã hội. Tính chất tiêu cực của hối lộ chính là sự luận giải hợp lý nhất chosự cần thiết phải quy định những hành vi này là tội phạm và quy định việc xử lý về biện pháp pháp lý hình sự ở mức độ nghiêm khắc cao. Do đó, việc tội phạm hóa những hành vi này cần bảo đảm bản chất nêu trên của hối lộ được thể hiện rõ nét và xã hội không còn hiểu nhầm về tính chất nguy hiểm cho xã hội của chúng.

Nhìn từ góc độ pháp lý hình sự, khái niệm các tội phạm về hối lộ cũng thường được tiếp cận bởi những nghiên cứu chung về nhóm tội phạm về tham nhũng[14] hoặc về nhóm tội phạm về chức vụ (nói chung)[15] hoặc nhóm tội xâm phạm hoạt động của cơ quan nhà nước[16].

Một số định nghĩa khác tiếp cận dưới góc độ khoa học luật hình sự lại nêu “hối lộ là hành vi đưa tiền, hàng hóa, dịch vụ, thông tin, hoặc bất kì một thứ có giá trị nào với mục đích gây ảnh hưởng đối với các công chức để họ hành động theo một cách cụ thể nào đó”[17] nhưng thực chất đây chỉ là định nghĩa về hành vi phạm tội đưa hối lộ mà thôi.

Luật hình sự củaAustralia đã thừa nhận một số định nghĩa dựa trên quan đểm từán lệ“hối lộ là hành vi nhận bởi hoặc đưa bất kì một lợi ích không chính đáng nào cho bất kỳ người nào làm việc trong cơ quan công quyền để gây ảnh hưởng tới hoạt động công vụ của người đó hoặc để thúc đẩy người đó hành động trái với các quy tắc về sự trung thực và liêm chính” hoặc theo quan điểm của Ủy ban tư vấn xây dựng Bộ luật hình sự mẫu của Australia, “hối lộ là việc đưa tiền hoặc các lợi ích khác cho các công chức để thúc đẩy họ xa rời khỏi trách nhiệm công của họ”. Ngoài ra, Ủy ban độc lập chống tham nhũng của bang NSW trên trang web của mình cho rằng tội phạm hối lộ là hành vi đưa cho hoặc nhận bởi những công chức của chính quyền tiền hoặc các loại quà để đạt được một lợi ích hoặc một sự ưu đãi”. Như vậy, các định nghĩa mang tính truyền thống nêu trên có một vấn đề tranh luận là chỉ giới hạn tội phạm về hối lộ trong khu vực công, trong khi rõ ràng loại tội phạm này có thể xảy ra cả trong khu vực tư[18].

Trên thực tế, trong bình luận khoa học hình sự và các văn bản có liên quan vềcác tội phạm về hối lộ, mỗi quốc gia đều có định nghĩa pháp lý riêng về hối lộ và các tội phạm về hối lộ mà các định nghĩa riêng biệt về từng tội phạm hối lộ cụ thể trong luật thành văn của các quốc gia.

Tác giả Langseth đã tổng kết rằng khi hối lộ được định nghĩa bằng các thuật ngữ của luật hình sự thì hiện tượng này thường được định nghĩa thông qua hai khái niệm “hối lộ chủ động” và “hối lộ thụ động”. Trong đó, “hối lộ chủ động” thường được dùng để chỉ hành vi mời hoặc đưa của hối lộ, trong khi “hối lộ thụ động” thường để chỉ hành vi nhận của hối lộ[19].

Ngoài ra, có định nghĩa mang tính “mô tả” hai tội phạm trong các tội phạm về hối lộ như sau:

Nhận hối lộ xảy ra khi những người có chức vụ tìm cách sử dụng vị trí công tác và quyền lực của mình để đạt được một cách bất hợp pháp những lợi ích từ người khác và đưa hối lộ xảy ra khi các cá nhân tìm cách tác động tới những người có chức vụ làm cho họ sử dụng những quyền lực chính thức của họ hoặc thực hiện những chức năng công của họ để thỏa mãn một cách bất hợp pháp những mục đích riêng của các cá nhân đó[20], tuy nhiên, lại chưa rõ nội hàm của tội môi giới hối lộ trong nhóm các tội phạm này; v.v…

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu riêng rẽ, độc lập về các tội phạm về hối lộ trong khoa học hình sự Việt Nam chưa có nhiều mà thường nghiên cứu chung về các tội phạm về chức vụ, các tội phạm về tham nhũng hoặc từng tội danh độc lập để phân tích các dấu hiệu pháp lý hoặc thực tiễn định tội danh.

Trước hết, có quan điểm cho rằng, sử dụng cụm từ “tội hối lộ” và quan niệm tội hối lộ bao gồm ba hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ, các tội phạm này không độc lập mà chỉ coi là những hình thức phạm tội của một tội đơn nhất phức hợp - tội hối lộ và quan điểm này dựa trên quy định tại Điều 1 Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ ngày 20/5/1981 vì trong Điều 1 quy định tội hối lộ bao gồm nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Điều này chưa chính xác, vì trongBộ luật hình sự và trong thực tiễn định tội danh không có tội hối lộ mà chỉ có 3 tội độc lập - tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ và đây là các tội danh độc lập, thể hiện rõ nét bản chất pháp lý và tính nguy hiểm cho xã hội của mỗi hành vi tương ứng, và tương ứng, có mục đích, nội dung và chủ thể thực hiện mỗi hành vi khác nhau, và vì vậy, cần có chính sách hình sự và nguyên tắc xử lý tương ứng với mỗi hành vi trên[21].

Quan điểm khác trên cơ sở phân tích các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự Việt Nam trong sự so sánh với luật hình sự Thụy Điển và Australia đã nêu:

Các tội phạm về hối lộ là những hành vi đưa hoặc mời nhận; nhận hoặc đòi hỏi; hoặc tạo điều kiện cho việc đưa, nhận lợi ích dưới bất kì hình thức nào cho hoặc/và bởi người có chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thực thi chức trách của người có chức vụ, quyền hạn một cách cố ý và trái pháp luật hình sự[22].

Quan điểm này cũng có nhân tố hợp lý, đã nêu được các tội phạm về hối lộ bao gồm các hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ và nội dung đặc trưng của nhóm tội phạm này, tuy nhiên, cần nêu rõ các tội phạm về hối lộ bao gồm ba tội phạm cấu thành - tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ, đồng thời nêu rõ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự, vì có trường hợp “của hối lộ” chưa đủ trị giá để truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ đã bị các tội phạm này xâm hại đến.

Cũng có quan điểm đưa ra khái niệm đồng nhất tội phạm về hối lộ với khái niệm “hối lộ” dựa trên ba loại hành vi phạm tội tương ứng với ba tội hối lộ cụ thể: tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Theo đó, các phạm trù “hối lộ”, “đưa hối lộ” và “môi giới hối lộ” chỉ được hiểu thông qua khái niệm “nhận hối lộ” đã ghi nhận tại Bộ luật hình sự về tội nhận hối lộ. Theo đó, “hối lộ là việc sử dụng một lợi ích nào đó tác động vào hành vi của người có chức vụ, quyền hạn để hành vi của người đó (người có chức vụ, quyền hạn) diễn ra theo cách người đưa hối lộ mong muốn”. Vì vậy, hối lộ được biểu hiện bằng các hành vi phạm tội cụ thể và nói chung, các hành vi này đều bị hầu hết các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) coi là tội phạm, đồng thời ghi nhận biện pháp xử lý và chế tài nghiêm khắc[23], đây là sự đánh đồng hành vi hối lộ với các tội phạm về hối lộ mặc dù nó gồm ba tội cụ thể là tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ nhưng nội dung chưa thể hiện rõ nội dung của các tội phạm này và điều kiện truy cứu trách nhiệm hình và vật chất hối lộ, cũng như khách thể - xâm phạm đến quan hệ xã hội nào.

Tuy nhiên, khi xem xét đặc điểm pháp lý hình sự của nhóm tội phạm này, khái niệm các tội phạm về hối lộ phải thể hiện được bao hàm trong đó ba tội danh cấu thành - tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ, phản ánh được các hành vi khách quan của tội phạm này, cũng như nội dung của nó.

Từ những phân tích nêu trên, khái niệm các tội phạm về hối lộ được định nghĩa, như sau:

Các tội phạm về hối lộ là những hành vi đưa, nhận hoặc trung gian môi giới hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào (tiền, vật chất, thỏa mãn các nhu cầu lợi ích khác...) được quy định trong pháp luật hình sự, do chủ thể thực hiện một cách cố ý, tác động đến hoạt động thực thi chức trách, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích trục lợi của các chủ thể tham gia.

Từ khái niệm này có thể rút ra những ưu điểm như sau: Một là, bao hàm hành vi hối lộ cả trong khu vực công và tư như cách hiểu của Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng; hai là, những hành vi được mô tả trong định nghĩa này bao gồm cả hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ; ba là, các dấu hiệu đặc trưng của nhóm tội phạm về hối lộ như chủ thể nhận hối lộ, hành vi khách quan của tội phạm về hối lộ, “của hối lộ”, ảnh hưởng gây ra đối với hoạt động thực thi chức trách, lỗi của người phạm tội, được phản ánh rõ nét trong khái niệm; bốn là, “của hối lộ” theo định nghĩa này không chỉ giới hạn đối với những lợi ích vật chất và như vậy của hối lộ được đưa, nhận dưới bất kỳ hình thức nào cũng thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm theo định nghĩa này; năm là, các tội phạm về hối lộ bao gồm ba tội danh tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ và ba tội phạm này là ba tội danh độc lập, có hành vi khách quan, mục đích, nội dung, chủ thể khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ với nhau.

3.       Đặc điểm của các tội phạm về hối lộ

Từ những phân tích các khái niệm của các nhà nghiên cứutrong nước và trên thế giới; thực tiễn công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật về các tội phạm về hối lộ… có thể rút ra những đặc điểm chính sau đây của loại tội phạm này:

Thứ nhất, các tội phạm về hối lộ tác động đến hoạt động thực thi chức trách, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích trục lợi của các chủ thể tham gia.

Các tội phạm về hối lộ với sự khác biệt về hành vi nguy hiểm cho xã hội, nội dung, mục đích và chủ thể thực hiện tội phạm, cụ thể là hành vi nhận, hành vi đưa và hành vi trung gian - môi giới hối lộ. Tuy nhiên, có sự gắn bó chặt chẽ với nhau và đều có liên quan ở việc cùng hướng tới tác động đến hoạt động thực thi chức trách, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn, liên quan đến lợi ích của các chủ thể trong đó mà xếp các hành vi phạm tội thành một nhóm chung. Bởi lẽ, ở nước ta, trong nhiều năm qua, các tội phạm về hối lộ vẫn tồn tại như một hiện tượng xã hội và đang phát triển rất nghiêm trọng, gây tác hại lớn đến hoạt động của bộ máy nhà nước. Do vậy, phát hiện, đấu tranh và xử lý, cũng như xây dựng, hoạch định chính sách hình sự đối với các tội phạm về hối lộ là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng nói chung, qua đó, nhằm góp phần khôi phục trật tự, kỷ cương đất nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, hành vi phạm tội trong các tội phạm về hối lộ thể hiện cụ thể ở các hành vi đưa, nhận hoặc tạo điều kiện trung gian cho việc đưa, nhận, đòi hỏi lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào.

Các tội phạm về hối lộ phản ánh qua các hành vi nguy hiểm cho xã hội tương ứng với các tội danh: Một là đối với tội nhận hối lộ - đó là hành vi nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào trực tiếp hoặc qua trung gian cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hai là đối với tội đưa hối lộ - đó là hành vi đãđưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào trực tiếp hay qua trung gian để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Ba là còn đối với người môi giới hối lộ - đó là hành vi trung gian, tạo điều kiện đòi hỏi về lợi ích giữa bên đưa và bên nhận dưới bất kỳ hình thức nào. Các hành vi này thường có mối liên hệ thống nhất, chặt chẽ và hữu cơ với nhau.

Thứ ba, trong quan hệ hối lộ luôn tồn tại ít nhất hai chủ thể có liên quan là người nhận hối lộ và người đưa hối lộ.

Thực tế, có thể có hai trường hợp có trường hợp đưa hối lộ và nhận hối lộ (không có người môi giới hối lộ) và có trường hợp đưa hối lộ và nhận hối lộ (có người môi giới hối lộ), do đó, trong “quan hệ hối lộ” luôn tồn tại hai chủ thể có liên quan hoặc chịu tác động của hoạt động hối lộ là người đưa hối lộ và người nhận hối lộ (hoặc người được hối lộ). Một bên chủ thể có nhu cầu giải quyết một việc nhất định thông qua trao đổi lợi ích một cách không chính đáng với một bên chủ thể khác có quyền trong việc giải quyết nhu cầu của bên kia. Vì vậy, sự có mặt của các chủ thể này là điều kiện tiên quyết cho hành vi hối lộ được thực hiện trên thực tế. Mặc dù vậy, có quan điểm cho rằng, thực tiễn xét xử không phải trường hợp nào cứ có người nhận thì phải có người đưa hối lộ mà tùy từng trường hợp có thể có người nhận hối lộ nhưng lại không có người đưa, ngược lại có trường hợp có người đưa hối lộ nhưng lại không có người nhận”[24]. Trong “quan hệ hối lộ” luôn tồn tại hai chủ thể có liên quan hoặc chịu tác động của hoạt động hối lộ là người đưa hối lộ và người nhận hối lộ (hoặc người được hối lộ). Có thể về thực tiễn, việc chứng minh, làm rõ của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gặp khó khăn, tuy nhiên, về nội dung phải có người đưa hối lộ mới có người nhận hối lộ và ngược lại.

Thứ tư, hành vi nhận hối lộ do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ do chủ thể thường thực hiện, nhưng đều xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và liên quan đến hành vi của người có chức vụ, quyền hạn.

Trong các hành vi liên quan đến hối lộ, hành vi nhận hối lộ bắt buộc phải do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, còn hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ do chủ thể thường thực hiện, nhưng tất cả đều xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và liên quan đến hành vi của người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi của người nhận hối lộ được xếp là hành vi nguy hiểm nhất cho xã hội trong các tội phạm về hối lộ và Bộ luật hình sự năm 2015 xếp hành vi này nằm trong nhóm các tội phạm về tham nhũng.

Như vậy, chủ thể của tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn, là người có trách nhiệm trong việc giải quyết các yêu cầu của người đưa hối lộ, các yêu cầu đó có thể là về lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ. Ở đây, phân biệt chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong tội tham ô tài sản là người có trách nhiệm quản lý tài sản, còn trong tội nhận hối lộ, phạm vi của người có chức vụ, quyền hạn này rộng hơn.

Ngoài ra, lưu ý, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà nhận hối lộ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung.

Trong khi đó, chủ thể của hai tội phạm còn lại trong nhóm các tội phạm về hối lộ là tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ không đòi hỏi bắt buộc là người có chức vụ, quyền hạn, tuy nhiên, vẫn có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đưa hối lộ, nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Tương tự, người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước hoặc người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung.

Thứ năm, lợi ích trong quan hệ hối lộ là bắt buộc.

Lợi ích nói chung là khái niệm dùng dế chi sự vui thích, hài lòng, thỏa mãn mà chủ thể có được khi tiêu dùng một hàng hóa hay dịch vụ, cũng có thể hiểu là mối lợi, phúc lợi, phúc lợi kinh tế, sự thỏa mãn và hạnh phúc ...

Do đó, trong quan hệ hối lộ, lợi ích được bên đưa trao cho bên nhận là yếu tốkhông thể thiếu trong mối quan hệ này. Lợi ích này chính là một yếu tố thể hiện rõ tính chất “không chính đáng” của hành vi hối lộ. Vì vậy, sẽ không thể có hành vi hối lộ nếu không có sự tồn tại của “của hối lộ” với tư cách là thứ lợi ích được dùng để trao đổi một cách bất chính với việc thực thi chức trách của người có chức vụ, quyền hạn.

Của hối lộ hay lợi ích ở đây chính là “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất hoặc phi vật chất khác tùy thuộc vào quan niệm, chính sách hình sự của Nhà nước được thể hiện trong luật hình sự.

Thứ sáu, các tội phạm về hối lộ được thực hiện bằng hình thức lỗi cố ý và được quy định trong luật hình sự.

Đối với các tội phạm về hối lộ, thì đây là những hành vi được thực hiện một cách cố ý, kể cả đối với trường hợp đưa hối lộ do bị đòi hối lộ hay nhận hối lộ do bị mua chuộc; bởi đây đều là những trường hợp hành vi được thực hiện bởi quyết định của bản thân chủ thể, là kết quả hoạt động ý chí của chủ thể.

Các tội phạm về hối lộ phải là những hành vi bị quy định trong luật hình sự, cụ thể là Bộ luật hình sự năm 2015. Nói cách khác, đây là những hành vi bị luật (thành văn hoặc án lệ) coi là tội phạm và tương ứng là ba tội danh cụ thể - Tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Ngoài ra, chính đặc điểm này cũng là một biểu hiện của nguyên tắc pháp chế trong luật hình sự Việt Nam.

 


[1]Nguyễn Như Ý (Chủ biên, 2013), Đại Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.365

[2]Hoàng Phê(chủ biên,2004),Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr.459

[3]Đào Lệ Thu (2011), Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự Việt Nam trong sự so sánh với luật hình sự Thụy Điển và Ôt-xtrây-lia, Luận án tiến sĩ luật học,Trường Đại học Luật Hà Nội,Hà Nội, tr.19-25.

[4]Noonan,J.T.,Bribes(1984), NewYork: Macmillan,Nicholls, p.13.

[5]Reisman,W.M.(1979),Foldedlies-Bribery, Crusades, and Reforms, New York:The FreePress –A division of Macmillan Publishing Co.,Inc, p.39-40.

[6]Van Duyne, P. C. (1996), Organized crime in Europe, New York: NovaSciencePublishers,INC,p.163.

[7]Van Duyne, P. C. (1996), Organized crime in Europe, New York: NovaSciencePublishers,INC, p.163

[8]Trần Văn Độ (2021), “Thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao, bởichưa chú trọng cơ chế phòng ngừa và thiếu chặt chẽ trong các biện pháp tốtụng”,Tạpchí pháp lýonline,phaply.net.vn,truycậpngày05/8/2022.

[9]Đào Lệ Thu (2011), Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự Việt Nam trong sự so sánh với luật hình sự Thụy Điển và Ôt-xtrây-lia, Luận án tiến sĩ luật học,Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr.25.

[10]Johnson, R. A. and Sharma, S. “About corruption” in R. A. Johnson (ed.)(2004), The Struggle against Corruption: A Comparative Study, New York:PalgraveMacmillan, p.48.

[11]Andersson, S. (2002), Corruption in Sweden - Exploring Danger Zones andChange,Department of Political Science of Umeå University of Sweden, p.21.

[12]Trần Công Phàn (2004), Tình hình, nguyên nhân và các biện pháp đấu tranh phòng chống các tội tham nhũng, Luận án tiến sĩ luật học, Viện Nhà nước và Pháp luật,Hà Nội, tr.8.

[13]Võ Khánh Vinh (1996),Tìm hiểu TNHS đối với các tội phạm về chức vụ,Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, HàNội, tr.96-97.

[14]Trần Công Phàn (2004), Tình hình, nguyên nhân và các biện pháp đấu tranh phòng chống các tội tham nhũng, Luận án tiến sĩ luật học, Viện Nhà nước vàPhápluật,HàNội, tr.8-17.

[15]Võ Khánh Vinh (1996), Tìm hiểu TNHS đối với các tội phạm về chức vụ,Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.96-97.

[16]Reid,S.T.(2000),CrimeandCriminology,NinthEdition,McGrawHillCompanies,p.224.

[17]Reid,S.T.(2000),CrimeandCriminology,NinthEdition,McGrawHillCompanies,p.225.

[18]Đào Lệ Thu (2011), Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự Việt Nam trong sự so sánh với luật hình sự Thụy Điển và Ôt-xtrây-lia, Luận án tiến sĩ luật học,Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr.22.

[19]Langseth,P.(2006),“MeasuringCorruption”inC.Sampford,A.Shacklock,

C. Connors and F. Galtung (eds) Measuring Corruption, Burlington: AshgatePublishingCompany

[20]Schwark, A. (2004), A Market in Liberty: Corruption, Cooperation, and theFederalCriminalJusticeSystem, inW.C.Heffernan, J.Kleinig, eds.,Private and Public Corruption, Rowman &LittlefieldPublishers,Inc, p.184-185.

[21]Võ Khánh Vinh (1996),Tìm hiểu TNHS đốivới các tội phạm về chức vụ,Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật,Hà Nội, tr.95-97.

[22]Đào Lệ Thu (2011), Các tội phạm về hối lộ theo luật hình sự Việt Nam trongsự so sánh với luật hình sự Thụy Điển và Ôt-xtrây-lia, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội,Hà Nội, tr.25.

[23]Trần Văn Toàn (2017), Các tội phạm về hối lộ theo pháp luật hình sự ViệtNam từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ luật học, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.7-8.

[24]Đinh Văn Quế (2019), Bình luận BLHS năm 1999, Phần thứ hai - Các tội phạm, Chương XV và Chương XXIII, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr.414.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành