Thứ ba, 23 Tháng 5 2023 17:27

Một số phương thức thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc

1. Phương thức xây dựng các khu kinh tế mở

Xây dựng các khu kinh tế mở là phương thức tiêu biểu nhất trong quá trình thúc đẩy đô thị hóa ở Trung Quốc đồng thời cũng là một ví dụ điển hình của đô thị hóa do chính phủ lãnh đạo. Khu kinh tế mở là một mô hình phát triển dựa vào chính phủ, được định hướng bởi các chính sách và tích hợp nguồn lực của tất cả các bên. Khu kinh tế mở phản ánh động lực to lớn của các nguồn lực hành chính và quy hoạch của chính phủ đối với công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Thông qua việc xây dựng các khu kinh tế mở, có thể hoàn thành quá trình tập trung ngành nghề và tích tụ dân số trong một thời gian ngắn, đạt được một bước nhảy vọt về quy mô không gian và dân số đô thị, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nhanh chóng. Theo cấp hành chính, các khu kinh tế mở có thể được chia thành khu kinh tế mở cấp quốc gia và khu kinh tế mở cấp địa phương, trong đó khu kinh tế mở cấp địa phương lại được chia thành 2 cấp là cấp tỉnh và cấp thành phố, Theo chức năng, các khu cấp quốc gia có thể được chia thành khu phát triển kinh tế và công nghệ, khu phát triển ngành nghề công nghệ cao, khu ngoại quan, khu hợp tác kinh tế biên giới, khu chế xuất... Còn khu kinh tế mở cấp tỉnh có thể được chia thành khu phát triển kinh tế, khu công nghiệp, khu sản xuất và khu liên hợp sản xuất công nghiệp.

Các khu kinh tế mở sớm nhất của Trung Quốc bắt nguồn từ các khu kinh tế đặc biệt được thành lập khi bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa. Sau đó quá trình xây dựng các khu kinh tế mở trải qua 4 giai đoạn là bước đầu hình thành (1985-1991), phát triển nhanh (1992-1998), phát triển ổn định (1999-2002) và phát triển khoa học (2003-2014). Xây dựng các khu kinh tế mở là một trong những phương thức chính để mở rộng không gian đô thị ở Trung Quốc, mục tiêu phát triển của quá trình này chủ yếu gồm ba điều chỉnh lớn:

Từ năm 1984 đến 2004 là “ba trụ cột, một toàn lực”, tức là “lấy các dự án công nghiệp làm trọng tâm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài làm chính, xuất khẩu làm chủ đạo, toàn lực phát triển công nghệ cao”. Từ năm 2004 đến 2012 là “ba trụ cột, hai toàn lực, một thúc đẩy”, tức là “lấy việc nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài làm trọng tâm, phát triển ngành sản xuất hiện đại làm chính, tối ưu hóa cơ cấu xuất khẩu làm chủ đạo, toàn lực phát triển các ngành công nghệ cao, toàn lực phát triển ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, thúc đẩy chuyển đổi các khu vực phát triển kinh tế và công nghệ quốc gia thành các khu công nghiệp tổng hợp đa chức năng”. Từ năm 2012 đến nay là “ba đồng quan trọng, hai toàn lực, một thúc đẩy”, tức là “ngành sản xuất và ngành dịch vụ hiện đại đều quan trọng như nhau, tận dụng đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước quan trọng như nhau, phát triển kinh tế và hài hòa xã hội quan trọng như nhau, dốc toàn lực nâng cao chất lượng và trình độ phát triển, dốc toàn lực tăng cường sức mạnh của cơ chế thể chế, thúc đẩy chuyển đổi các khu vực phát triển kinh tế và công nghệ cấp quốc gia thành các khu tổng hợp đa chức năng lấy công nghiệp làm chủ đạo”.

Theo số liệu thống kê năm 2005, trước khi cải tổ các khu kinh tế mở, trên toàn Trung Quốc đã có 6466 khu kinh tế mở thuộc nhiều loại hình khác nhau, với diện tích quy hoạch 38.600 km, lớn hơn tổng diện tích các khu xây dựng đô thị trên toàn quốc. Xét về quy mô của các khu kinh tế mở đã có, khu kinh tế mở Thiên Tân, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Chu Hải và Phố Đông đều có quy mô rộng hơn 20 km. Khu đô thị mới Đại Liên được phát triển từ các khu kinh tế mở và khu Tân Hải ở Thiên Tân, có quy mô tương đương với các thành phố vừa. Khu Phố Đông ở Thượng Hải có diện tích hơn 50 km, tương đương với một thành phố lớn. Hiện nay, có 15 khu phát triển kinh tế và công nghệ cấp quốc gia, 115 khu kinh tế mở ngành nghề công nghệ cao cấp quốc gia, 13 khu ngoại quan cấp quốc gia, 15 khu kinh tế mở công nghệ biên giới cấp quốc gia và 63 khu chế xuất cấp quốc gia[1].

(Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn xin tải đính kèm)


[1] Lý Cường, Tiết Lan (Chủ biên): Nghiên cứu chiến lược phát triển đô thị hóa đặc sắc Trung Quốc: Quá trình đô thị hóa nghiên cứu về dân số và đô thị hóa con người ở Trung Quốc- Nghiên cứu về quản trị công trong quá trình đô thị hóa (Quyển 4), NXB. Công nghiệp kiến Trúc Trung Quốc, Bắc Kinh, 2018

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành