Thứ năm, 25 Tháng 5 2023 21:49

Tổng quan chiến lược quá trình đô thị hóa kiểu mới của Trung Quốc

Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng chiến lược đô thị hóa và coi đó là một vấn đề quan trọng trong điều chỉnh cơ cấu kinh tế, là con đường trọng yếu để giải quyết vấn đề nông nghiệp và nông thôn.

1. Lộ trình đề xuất quá trình đô thị hóa kiểu mới[1]

Giai đoạn 1: Luận giải về đô thị hóa của “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV Đảng Cộng sản Trung Quốc”

Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng liên quan đến công tác nông nghiệp và nông thôn” năm 1998 đã đề ra, “phát triển đô thị nhỏ là một chiến lược lớn kéo theo sự phát triển của kinh tế và xã hội nông thôn, có lợi cho việc tập trung tương đối các doanh nghiệp hương trấn, điều kiện thúc đẩy quá trình đô thị hóa đã chín muối, luận giải con đường đô thị hóa phù hợp với sự phát triển hài hòa của đô thị nhỏ và thành phố lớn, vừa và nhỏ, phù hợp với tình hình đất nước Trung Quốc, tức là song song với việc chú trọng phát triển đô thị nhỏ, còn cần tích cực phát triển các thành phố vừa và nhỏ, hoàn thiện chức năng của thành phố trung tâm mang tính khu vực, phát huy vai trò kích thích phát triển các thành phố lớn.

Giai đoạn thứ 2: Luận giải của Đại hội lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc về đô thị hóa kiểu mới

Bắt đầu từ Đại hội lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2003, Chính phủ Trung ương từng bước làm rõ ý tưởng đô thị hóa kiểu mới. Báo cáo lần đầu tiên của Đại hội lần thứ XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ: đưa nguyên mẫu Đô thị hóa kiểu mới - “đi theo con đường đô thị hóa đặc sắc Trung Quốc” và coi sự phát triển hài hòa giữa đô thị nhỏ với thành phố vừa và lớn là nội hàm ban đầu của khái niệm đó. Tháng 10 năm 2003, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XVI đề ra, cần dựa yêu cầu quy hoạch tổng thể thành thị và nông thôn, quy hoạch tổng thể sự phát triển khu vực, quy hoạch tổng thể sự phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể sự phát triển hài hòa giữa con người và tự nhiên, quy hoạch tổng thể giữa phát triển trong nước và cải cách mở cửa, phát huy hơn nữa vai trò cơ bản của thị trường trong phân bổ nguồn lực, bảo đảm một thể chế mạnh để xây dựng xã hội toàn diện khá giả. Năm 2004, “Văn kiện số 1” của Trung ương về “Ý kiến về một số chính sách thúc đẩy việc tăng cường thu nhập cho nông dân” nêu rõ, dựa vào yêu cầu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đô thị và nông thôn, kiên trì phương châm “cho nhiều, thu ít, nới lỏng”, điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho nông dân, đẩy mạnh tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyên sâu hóa việc cải cách nông thôn và tăng cường đầu tư cho nông nghiệp.

Năm 2005, “văn kiện số 1” của Trung ương về “Ý kiến về một số chính sách về việc tăng cường hơn nữa công tác nông thôn để nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp toàn diện” đã đề ra, kiên trì chiến lược phát triển đồng bộ giữa thành thị và nông thôn, kiên trì phương châm “cho nhiều, thu ít, nới lỏng”, ổn định, hoàn thiện và tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ nông thôn. Tháng 10 năm 2005, “Kiến nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11” trong Hội nghị Trung ương 5 khóa XVI đã lần đầu tiên sử dụng các khái niệm “công nghiệp hóa, đô thị hóa, thị trường hóa, quốc tế hóa”, đưa đô thị hóa kiểu mới trở thành nội dung chủ yếu của “tứ hóa mới”, đặt ở cấp độ chiến lược quốc gia và tạo dựng nền móng cho công cuộc đô thị hóa kiểu mới.

Giai đoạn 3: Luận giải của Đại hội lần thứ XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc về đô thị hóa kiểu mới

Tháng 10 năm 2007, báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa đô thị hóa kiểu mới vào phạm trù “ngũ hóa mới”, xây dựng đô thị kiểu mới đã bước vào giai đoạn đầu. Đại hội lần thứ XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định rõ ràng nội hàm của đô thị hóa kiểu mới, chỉ ra đường lối xây dựng và tư tưởng chỉ đạo của đô thị hóa kiểu mới. Năm 2008, “Văn kiện số 1” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số ý kiến về tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và tiếp tục thúc đẩy tăng thu nhập của nông dân trong phát triển nông nghiệp" đã đề ra, kiên trì giải quyết tốt vấn đề “Làm nông” là ưu tiên hàng đầu trong các công tác quan trọng của toàn Đảng, không ngừng đẩy mạnh sự lãnh đạo trong công tác nông nghiệp và nông thôn; kiên trì quy hoạch tổng thể phát triển thành thị và nông thôn, không ngừng tăng cường công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, thành thị hỗ trợ nông thôn. Năm 2009, “Văn kiện số 1” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số ý kiến thúc đẩy phát triển ổn định nông nghiệp và tiếp tục tăng thu nhập của nông dân" đã đề ra, thúc đẩy nhất thể hóa phát triển kinh tế - xã hội giữa thành thị và nông thôn. Năm 2010, “Văn kiện số 1” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số ý kiến về việc tăng cường quy hoạch tổng thể phát triển thành thị và nông thôn và củng cố hơn nữa nền tảng để phát triển nông nghiệp nông thôn" đã đề ra, coi quy hoạch tổng thể phát triển thành thị và nông thôn trở thành yêu cầu cơ bản trong việc xây dựng xã hội toàn diện khá giả, coi xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy quá trình đô thị hóa là động lực lâu dài bảo đảm phát triển kinh tế nhanh chóng, ổn định.

Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 được xây dựng năm 2011, chỉ ra rằng kiên trì con đường đô thị hóa đặc sắc Trung Quốc, xây dựng một cách khoa học kế hoạch phát triển đô thị hóa, thúc đẩy quá trình đô thị hóa phát triển lành mạnh. Đô thị hóa kiểu mới bắt đầu chỉ đạo toàn diện quá trình xây dựng thành thị và nông thôn cả nước. Tiếp theo, “Đề cương Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 12” của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều lấy “đô thị hóa kiểu mới" làm phương châm chỉ đạo, việc xây dựng xã hội toàn diện khá giả, đô thị hóa kiểu mới được triển khai trên khắp các tỉnh.

Giai đoạn 4: Luận giải của Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc về đô thị hóa kiểu mới

Tháng 11 năm 2012, Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định việc xây dựng đô thị hóa kiểu mới của Trung Quốc, đề ra “mức độ đô thị hóa được nâng cao rõ rệt, tăng cường phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn” và “kiên trì con đường hiện đại hóa nông nghiệp, đô thị hóa, thông tin hóa, công nghiệp hóa kiểu mới đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng giữa thông tin hóa và công nghiệp hóa, sự thúc đẩy lẫn nhau một cách hiệu quả giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa, hài hòa cân đối giữa hiện đại hóa nông nghiệp và đô thị hóa, thúc đẩy phát triển đồng bộ công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp”. Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định con đường “tứ hóa mới” gồm đô thị hóa kiểu mới, thông tin hóa, công nghiệp hóa kiểu mới và hiện đại hóa nông nghiệp, đề ra phương hướng rõ ràng cho sự phối hợp toàn diện, hài hòa bốn yếu tố trên trong tương lai.

Tháng 11 năm 2013, Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra: kết cấu nhị nguyên thành thị và nông thôn đã trở thành trở ngại chính cho sự phát triển nhất thể hóa giữa thành thị và nông thôn. Cần phải kiện toàn cơ chế, thể chế, hình thành mối quan hệ công nghiệp - nông nghiệp, thành thị - nông thôn kiểu mới trong đó công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, thành thị dìu dắt nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp cùng có lợi, hài hòa giữa thành thị và nông thôn để đông đảo quần chúng nhân dân được tham gia bình đẳng vào tiến trình hiện đại hóa, cùng chia sẻ thành quả của hiện đại hóa. Cần đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng hệ thống kinh doanh nông nghiệp kiểu mới, trao cho nông dân nhiều quyền lợi về tài sản hơn nữa, thúc đẩy sự trao đổi bình đẳng các yếu tố sản xuất giữa thành thị và nông thôn, phân bổ đồng đều nguồn tài nguyên chung, hoàn thiện hệ thống phát triển đô thị hóa lành mạnh. Tháng 3 năm 2014, bản quy hoạch đô thị hóa đầu tiên của Trung Quốc - “Quy hoạch đô thị hóa kiểu mới quốc gia giai đoạn 2014 - 2020” chính thức ban hành, đây là một quy hoạch cơ bản mang tính chiến lược, có tầm vĩ mô định hướng phát triển đô thị hóa lành mạnh ở Trung Quốc từ đó về sau.

Đô thị hóa kiểu mới là một hệ thống các chiến lược hoàn chỉnh sẽ định hướng dài hạn trong tương lai cho việc xây dựng thành thị, nông thôn trong nước và phát triển ngành nghề ở các lĩnh vực khác nhau, nó mang các đặc trưng mới được hình thành như tính hệ thống hóa, tính trình tự hóa, phân cấp hóa và mạng lưới hóa. Trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 và Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, mục tiêu trọng tâm của đô thị hóa kiểu mới Trung Quốc có thể khái quát thành 6 mục tiêu là: đô thị hóa bình đẳng, đô thị hóa hạnh phúc, đô thị hóa chuyển đổi, đô thị hóa xanh, đô thị hóa lành mạnh và đô thị hóa chuyên sâu.

Thứ nhất, đô thị hóa bình đẳng. Chìa khóa của mục tiêu đô thị hóa bình đẳng nằm ở đặc trưng quy hoạch tổng thể và tích hợp, thể hiện chủ yếu ở việc thị dân hóa lực lượng lao động nhập cư là công nhân xuất thân từ nông dân, triển khai thống nhất, đồng bộ các dịch vụ công tại thành thị và nông thôn, thực hiện đột phá chế độ đất đai và hộ tịch, đổi mới hệ thống phân phối thu nhập. Thứ hai, đô thị hóa hạnh phúc. Chìa khóa của mục tiêu đô thị hóa hạnh phúc nằm ở thu nhập và ổn định cuộc sống của người dân, biểu hiện chủ yếu ở việc thực hiện nâng cao thu nhập chung và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa dân cư thành thị và nông thôn. Thứ ba, đô thị hóa chuyển đổi. Chìa khóa của mục tiêu đô thị hóa chuyển đổi nằm ở vấn đề cấu trúc đô thị và nâng cấp đô thị, chủ yếu thể hiện ở việc thực hiện nâng cấp và phân cấp kiểu bậc thang dây truyền sản xuất công nghiệp, tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp và quy mô hóa ngành dịch vụ hiện đại. Thư tư, đô thị hóa xanh. Chìa khóa của mục tiêu đô thị hóa xanh là bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2. Nội dung chủ yếu là thực hiện tối ưu hóa sinh thái và khí hậu, giảm lượng khí thải CO2, trong khu vực. Thứ năm, đô thị hóa lành mạnh. Chìa khóa của mục tiêu đô thị hóa lành mạnh chính là môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm. Nội dung chủ yếu là giảm tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng môi trường, nâng cao độ an toàn thực phẩm và tăng cường sức khỏe cộng đồng. Thứ sáu, đô thị hóa chuyên sâu. Chìa khóa của đô thị hóa chuyên sâu là tiết kiệm và hiệu quả cao, nội dung chủ yếu là hiện thực hóa việc sử dụng tiết kiệm và chuyên sâu đối với đất đai tại thành thị và nông thôn, sử dụng hiệu quả hạ tầng đã được xây dựng.

2. Ý nghĩa chiến lược của đô thị hóa kiểu mới

Đô thị hóa kiểu mới là sự lựa chọn tất yếu theo phương châm chỉ đạo của quan điểm phát triển khoa học, là yêu cầu tất yếu đối với sự chuyển đổi xã hội và kinh tế, là con đường tất yếu để thực hiện hiện đại hóa Trung Quốc. Kinh nghiệm lịch sử chỉ rõ rằng, một đất nước, đặc biệt là một nước lớn muốn thực hiện thành công hiện đại hóa thì song song với việc thúc đẩy công nghiệp hóa, cần đồng bộ tiến hành đô thị hóa, quá trình một quốc gia phát triển trở thành cường quốc trên thế giới chính là quá trình quốc gia đó từng bước gia tăng tỷ lệ đô thị hóa. Để từ một nước lớn về kinh tế lên vươn mình trở thành cường quốc kinh tế, Trung Quốc nhất thiết phải tự giác tuân thủ yêu cầu nội tại của quy luât phát triển đô thị hóa, nỗ lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới, sau đó thực hiện hiện đại hóa đất nước.

2.1. Đô thị hóa kiểu mới là động lực quan trọng để mở rộng nhu cầu nội bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế

Sau khi thực hiện cải cách mở cửa, xét về góc độ lịch sử phát triển kinh tế, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh đầu tư và nhu cầu trong nước không đủ, phải bắt đầu bằng việc dựa vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Chiến lược phát triển hướng ngoại do công cuộc cải cách mở cửa mang lại trên thực tế có tác dụng quan trọng trong việc dẫn dắt phát triển kinh tế và cải cách xã hội. Những năm gần đây, kinh tế Trung Quốc luôn dựa vào xuất khẩu và đầu tư để tăng trưởng, trong khi nhu cầu trong nước lại không đủ. Cùng với sự thay đổi trong điều kiện phát triển kinh tế, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, nhu cầu quốc tế giảm, hơn nữa tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã đứng đầu thế giới thì rất khó để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng nhảy vọt, do đó việc chỉ dựa vào nền kinh tế hướng ngoại và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã không còn khả thi. Trong bối cảnh này, nhu cầu trong nước không đủ, mâu thuẫn cung vượt cầu ngày càng bộc lộ rõ nét đã trở thành vấn đề nổi cộm trước mắt mà nền kinh tế Trung Quốc buộc phải giải quyết. Làm thế nào để nâng cao nhu cầu trong nước, khiến động lực nội sinh của tăng trưởng kinh tế càng trở nên dồi dào chính là vấn đề mấu chốt để bảo đảm duy trì sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội Trung Quốc trong tương lai. Mà đô thị hóa là tiềm lực nội sinh lớn nhất, có thể tạo ra nhu cầu xã hội to lớn cho sự phát triển kinh tế, xóa bỏ sự phụ thuộc thái quá vào đầu tư và xuất khẩu. Xuất phát từ ý nghĩa này, đô thị hóa hiện nay chính là nguồn tăng trưởng quan trọng nhất để phát triển kinh tế, sẽ đóng vai trò hỗ trợ và định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế trong tương lai. Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới, sẽ kéo theo đầu tư và tiêu dùng, khởi động nhu cầu trong nước lớn nhất của Trung Quốc.

Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới có thể kích thích hiệu quả nhu cầu đầu tư. Xây dựng đô thị hóa kiểu mới có thể đẩy mạnh nhu cầu đầu tư, kèm theo là thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng hành chính đô thị như nhà ở đô thị, đường giao thông, thông tin liên lạc, nước, điện, khí đốt, nhiệt, bảo vệ môi trường và đầu tư cho các cơ sở dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc y tế, văn hóa, giải trí và dịch vụ cộng đồng, trực tiếp kéo theo sự phát triển của cả một hệ thống các ngành nghề liên quan. Ngoài tập trung nhân khẩu, mở rộng quy mô đô thị, đô thị hóa kiểu mới còn tạo ra những nhu cầu xã hội mới, thúc đẩy phát triển các ngành nghề dịch vụ. Theo thống kê có liên quan, đô thị hóa có thể kéo theo sự phát triển của 47 ngành nghề lớn và 117 ngành nghề nhỏ khác nhau[2].

Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới có thể gia tăng nhanh chóng nhu cầu tiêu dùng. Thứ nhất, đô thị hóa có thể tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho dân cư thành thị và nông thôn, nâng cao mức tiêu dùng xã hội. Một mặt, nguồn lao động dư thừa từ nông thôn chuyển ra thành phố chủ yếu sẽ tham gia các công việc thuộc ngành công nghiệp và dịch vụ, mức thu nhập sẽ cao hơn nhiều so với lao động thuần nông; mặt khác, việc chuyển dịch lao động dư thừa ở nông thôn sẽ tạo điều kiện cho quy mô hóa kinh doanh nông nghiệp, cũng sẽ nâng cao thu nhập bình quân của lực lượng lao động còn ở nông thôn. Cùng với đó, sự gia tăng của dân số thành thị, sự mở rộng của quy mô sản xuất cũng như tiêu dùng sẽ nâng cao thủ nhập vốn có của cư dân. Thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn tăng lên tất sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng tiềm năng. Thứ hai, cư dân nông thôn di chuyển ra thành phố, một mặt sẽ mở rộng nhóm tiêu dùng thành thị, mặt khác sẽ nâng cao mức tiêu dùng, mở rộng hiệu quả quy mô tiêu dùng xã hội ở thành thị. Cư dân nông thôn trở thành cư dân thành thị, tự nhiên sẽ thay đổi tình hình tiêu dùng bán tự cung tự cấp, gia tăng nhu cầu tiêu dùng đối với việc ăn, mặc, ở, đi lại, đồng thời, thay đổi quan niệm tiêu dùng cũng sẽ kích cầu tiêu dùng của cư dân.

Từ đó có thể thấy, đô thị hóa chứa đựng nhu cầu xã hội lớn, là nguồn động lực mở rộng nhu cầu trong nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh chiến lược đô thị hóa kiểu mới có thể cho phép nền kinh tế Trung Quốc duy trì sức tăng trưởng và sức sống trong một thời gian dài. Đây cũng là con đường được lựa chọn cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.

2.2. Đô thị hóa kiểu mới là con đường trọng yếu góp phần tăng cường hỗ trợ lẫn nhau giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy cùng phát triển

Thực tế phát triển của Trung Quốc cho thấy, kết cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn đã hình thành từ lâu, vấn đề “tam nông” là trở ngại lớn nhất trong quá trình thực hiện hiện đại hóa, cũng là vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến sự hài hòa giữa nông thôn và thành thị ở Trung Quốc. Đô thị hóa truyền thống chỉ tập trung vào lợi ích của thành phố, càng gia tăng sự đối lập giữa thành thị và nông thôn. Muốn cải thiện tận gốc tình hình phát triển riêng biệt giữa thành thị và nông thôn thì bắt buộc phải thông qua đô thị hóa kiểu mới. Quá trình này sẽ phá vỡ những rào cản về cơ chế ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa giữa hai khu vực trên để xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa thành thị và nông thôn kiểu mới.

Đô thị hóa kiểu mới góp phần phá vỡ kết cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn

Đô thị hóa kiểu mới nhấn mạnh sự hài hòa trong mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn, đặt ra yêu cầu xây dựng môi trường, chế độ bình đẳng giữa thành thị và nông thôn. Kinh nghiệm lịch sử trong và ngoài Trung Quốc cho thấy, thể chế phát triển thiên về thành thị sẽ làm trầm trọng thêm kết cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn, không có lợi cho việc phát triển bền vững kinh tế cũng như những tiến bộ và sự hài hòa trong xã hội, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng kinh tế trì trệ và xã hội nhiễu loạn. Thông qua thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới mới có thể phá bỏ kết cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn, xây dựng cơ chế, thể chế phát triển thống nhất giữa thành thị và nông thôn, thực hiện “công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, thành thị ủng hộ nông thôn” thực sự.

Đô thị hóa kiểu mới thúc đẩy sự chuyển dịch hợp lý của các yếu tố sản xuất giữa đô thị và nông thôn

Đô thị hóa kiểu mới nhấn mạnh sự kết hợp giữa sự dẫn dắt của thị trường với định hướng của chính phủ để thúc đẩy sự phát triển hợp lý của các nguồn lực đô thị và nông thôn, đẩy nhanh sự chuyển dịch tự do của các yếu tố sản xuất như vốn, lao động, thông tin, công nghệ nhân lực..., làm cho hoạt động kinh tế giữa thành thị và nông thôn càng thêm hợp lý. Từ đó sẽ hình thành nên một cấu trúc không gian đô thị và nông thôn hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ tích cực và phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Đô thị hóa kiểu mới đòi hỏi sự đột phá trong ranh giới về hệ thống quản lý và đầu tư giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy mở rộng cơ sở hạ tầng đô thị đến nông thôn, dịch vụ công đô thị phủ sóng đến nông thôn, mang ánh sáng văn minh hiện đại của đô thị đến nông thôn.

2.3. Đô thị hóa kiểu mới là phương thức quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình phát triển và điều chỉnh cơ cấu kinh tế

Đô thị hóa kiểu mới là nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế - xã hội, là biểu hiện quan trọng của việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. So với mô hình đô thị hóa truyền thống thô sơ, đô thị hóa kiểu mới đòi hỏi phải thay đổi mô hình phát triển và xây dựng thành thị, song song với việc mở rộng quy mô thành phố, không ngừng nâng cao nội hàm và chất lượng của đô thị hóa. Vì thế, đô thị hóa kiểu mới càng nhấn mạnh phát triển chuyên sâu, yêu cầu sử dụng tập trung và phân bổ hiệu quả nguồn tài nguyên, nâng cao hiệu suất sử dụng các nguồn tài nguyên như đất đai, nước, năng lượng..., giảm áp lực lên môi trường, nguồn tài nguyên trong quá trình phát triển kinh tế và xây dựng đô thị, thực hiện mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Mà điều này phải được điều chỉnh đồng bộ với việc tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp cùng với hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa kiểu mới và các ngành dịch vụ hiện đại cùng làm nền tảng, cùng thúc đẩy lẫn nhau. Nếu không có sự dẫn dắt và chèo chống của đô thị hóa kiểu mới, nông nghiệp và các ngành dịch vụ hiện đại sẽ mất đi điều kiện và thị trường tất yếu, điều chỉnh và nâng cấp tối ưu cơ cấu công nghiệp cũng sẽ thiếu động lực cần thiết. Đô thị hóa kiểu mới có tác dụng thúc đẩy quan trọng đối với việc điều chỉnh kết cấu, chuyển đổi kinh tế.

Đô thị hóa kiểu mới sẽ hỗ trợ phát triển công nghiệp hóa kiểu mới

Dựa theo quy luật phát triển của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và đô thị hóa có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa kiểu mới. Một mặt, đô thị hóa kiểu mới yêu cầu thành thị phải hội tụ đầy đủ các điều kiện ưu việt như: hiệu quả tập trung cao, cấu trúc hợp lý, cơ sở vật chất đầy đủ, chức năng hoàn thiện để cung cấp những điều kiện cần và đủ cho sự phát triển của công nghiệp hóa kiểu mới. Mặt khác, đô thị hóa kiểu mới với đặc trưng là sự phát triển chuyên sâu sẽ cung cấp nguồn tài nguyên chuyên sâu cho sự phát triển của kinh tế thành thị, yêu cầu mang tính ràng buộc để bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành một ngành công nghiệp phải áp dụng “cơ chế áp lực ngược” trong phương thức phát triển theo mô hình thân thiện chuyên sâu, hiệu quả cao và bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển dịch và nâng cấp tối ưu hóa mô hình phát triển công nghiệp.

Đô thị hóa kiểu mới sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp

Đô thị hóa kiểu mới đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến trình “thị dân hóa” (đưa nông dân vào thành phố và trở thành cư dân thành phố), làm cho lực lượng lao động dư thừa ở nông thôn thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào đất đai. Điều này có lợi cho sự luân chuyển quy mô lớn đất nông thôn, thúc đẩy quy mô hóa nông nghiệp, ngành nghề hóa kinh doanh. Bên cạnh đó còn thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, cung cấp những điều kiện cần thiết cho việc hiện đại hóa nông nghiệp. Đô thị hóa kiểu mới giúp tạo ra và giải phóng các nhu cầu xã hội khác nhau, thúc đẩy sự phát triển của đời sống nông nghiệp hiện đại, môi trường sinh thái, du lịch, chức năng văn hóa, phát triển nông nghiệp hiệu quả cao với những nét hiện đại đặc sắc trong sự kết hợp với sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ.

2.4. Đô thị hóa kiểu mới là sức mạnh quan trọng để giải quyết các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển, thực hiện phát triển hài hòa, cân đối

Coi việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới là trọng điểm chiến lược phát triển xã hội và kinh tế, nó không chỉ có vai trò và mang nội hàm của quá trình đô thị hóa kiểu mới mà còn là nhu cầu hiện thực trong công cuộc phát triển của Trung Quốc. Trước hết, đô thị hóa kiểu mới liên quan đến tất cả các khía cạnh của sự phát triển kinh tế - xã hội và hầu hết các vấn đề nóng, khó khăn hiện nay trong kinh tế, xã hội như vấn đề “tam nông”, vấn đề giải phóng mặt bằng, vấn đề lao động nhập cư sinh sống tại thành phố, giá nhà đất, ùn tắc độ thi, dịch vụ công…, tất cả đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới chất lượng phát triển đô thị. Tiếp đó, đô thị hóa kiểu mới liên quan đến sự chuyển đổi quan niệm phát triển và sự thay đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình thúc đẩy đô thị hóa kiểu mới, có thể điều chỉnh các mối quan hệ trong phát triển kinh tế - xã hội, ví dụ như quan hệ giữa thành thị và nông thôn, quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, mối quan hệ giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa và mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị với tài nguyên môi trường...có thể giải quyết hàng loạt các vấn đề và mâu thuẫn khó khắc phục trong mô hình đô thị hóa truyền thống. Thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới đem lại hiệu ứng tổng hợp rất mạnh mẽ.

Xét về nhiệm vụ phát triển và tình hình của Trung Quốc, đô thị hóa kiểu mới chính là chìa khóa giải quyết một loạt các mâu thuẫn gặp phải trong quá trình phát triển của Trung Quốc. Một là, khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn của Trung Quốc rất lớn, vấn đề “tam nông” nổi cộm, nhiệm vụ quan trọng là phá vỡ kết cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn, giải quyết vấn đề “tam nông”, chỉ có thông qua đô thị hóa kiểu mới trên cơ sở thống nhất đặc trưng cơ bản thành thị và nông thôn mới có thể thực hiện được. Thứ hai, ở Trung Quốc tài nguyên tính theo bình quân đầu người ít, mối quan hệ giữa con người và đất đai luôn căng thẳng, nhiệm vụ an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp vô cùng khó khăn, cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với vấn đề chiếm dụng đất canh tác và sản xuất nông nghiệp, lối thoát cơ bản chính là con đường đô thị hóa mô hình chuyên sâu. Thứ ba, vấn đề nổi cộm mang tính kết cấu của sự phát triển kinh tế. Nâng cấp và tối ưu cơ cấu công nghiệp và phát triển ngành dịch vụ hiện đại đòi hỏi đô thị hóa kiểu mới cung cấp các phương tiện truyền tải tương ứng và không gian thị trường, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải thúc đẩy quá trình đô thị hóa kiểu mới.

 


[1] Bành Hồng Bích, Dương Phong: “Nội hàm khoa học của con đường đô thị hóa kiểu mới”, Tìm hiểu lý luận, 2018

[2] Cừu Bảo Hưng: Ứng pho với cơ hội và thách thức: Những vấn đề chính và đối sách trong nghiên cứu chiến lược đô thị hóa ở Trung Quốc, Nxb. Công nghiệp kiến trúc Trung Quốc, 2019

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành