Thứ hai, 12 Tháng 6 2023 22:30

Khái lược mô hình đô thị hóa ở Trung Quốc

Kể từ khi cải cách mở cửa, các thành phố phát triển ven biển miền Đông Trung Quốc đã cho thấy xu thế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, lựa chọn và đi theo con đường phát triển kinh tế khu vực mang đặc trưng riêng. Trong đó, đại diện tiêu biểu nhất là “mô hình Tô Nam”, “mô hình Ôn Châu” và “mô hình đồng bằng sông Châu Giang”... được coi là ba mô hình thành công lớn trong sự phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa của Trung Quốc.

1. Mô hình Tô Nam[1]

Mô hình Tô Nam, thông thường chỉ phương thức phát triển phi nông nghiệp thông qua việc phát triển các doanh nghiệp hương trấn ở các khu vực như Tô Châu, Vô Tích và Thường Châu (đôi khi bao gồm Nam Kinh và Trấn Giang) ở tỉnh Giang Tô. Phương thức tổ chức nguồn lực khu vực Tô Nam chủ yếu dựa vào chính quyền hương trấn. Chính quyền đứng ra sắp xếp các tư liệu sản xuất như đất đai, vốn, lực lượng lao động để thành lập doanh nghiệp và sẽ chỉ định người có năng lực phụ trách doanh nghiệp. Đặc trưng chủ yếu của mỗ hình Tô Nam là: người nông dân dựa vào sức mạnh của mình để phát triển các doanh nghiệp hương trấn, cơ cấu sở hữu của các doanh nghiệp hương trấn chủ yếu là kinh tế tập thể và chính quyền hương trấn dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp này.

1.1. Giai đoạn phát triển đô thị hóa ở miền Nam Giang Tô

Đô thị hóa tại chỗ với hình thức chủ yếu là phi nông nghiệp (từ năm 1978 đến đầu những năm 1990)

Trong giai đoạn đầu cải cách hệ thống kinh tế nông thôn, dựa vào lợi thế về vị trí địa lý là gần Thượng Hải, thôn, làng ở miền Nam Giang Tô đã tự lực cánh sinh thành lập nhiều doanh nghiệp công nghiệp, tạo nên một làn sóng công nghiệp hóa nông thôn “nhà nhà nhả khói làng trên xóm dưới đỏ đèn”, một lượng lớn lao động nông nghiệp dư thừa thoát ly khỏi lực lượng lao động nông nghiệp, các doanh nghiệp hương trấn này trở thành một nửa trong nền kinh tế của miền nam Giang Tô, tạo ra “mô hình Tô Nam” dẫn đầu về phát triển kinh tế khu vực. Ví dụ như ở thành phố Tô Châu, từ năm 1984 đến 1991, số thị trấn được thành lập tăng từ 18 lên 88 thị trấn, số thị trấn được thành lập trong tổng số xã, thị trấn của thành phố này tăng từ 9,95% lên 41,5% và tỷ lệ cư dân của các thị trấn mới được hình thành trên tổng số dân đô thị là 23,76%, chiếm 13,26% tổng số dân nông thôn. Số dân phi nông nghiệp ở các thị trấn mới hình thành chiếm 29,36% số dân phi nông nghiệp của toàn khu vực[2].

Mô hình đô thị hóa tại chỗ tập trung vào sự phát triển của các đô thị nhỏ (giữa những năm 1990 đến 2001)

Vào cuối những năm 1990, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và kinh tế tri thức, khu vực miền nam Giang Tô đã từ bỏ lối tư duy truyền thống ưu tiên công nghiệp, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành dịch vụ như giao thông, truyền thông, tài chính, thương mại, du lịch, văn hóa, giáo dục và các ngành dịch vụ khác, nâng cao chức năng dịch vụ của đô thị. Các đô thị nhỏ ở miền nam Giang Tô không chỉ trở thành địa bàn chủ yếu để chuyển dịch lực lượng lao động nông thôn địa phương, mà còn thu hút một lượng lớn lao động nhập cư. Khu vực miền nam Giang Tô đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị. Thống kê cho thấy, năm 1997, thu nhập của kinh tế nông thôn ở Tô Châu, Vô Tích, Thường Châu chiếm 45% tổng thu nhập kinh tế của tỉnh Giang Tô và giá trị sản lượng của các doanh nghiệp hương trấn đạt 369,22 tỷ NDT, chiếm 31,16% giá trị sản lượng của tỉnh Giang Tô[3].

Mô hình đô thị hóa kết hợp giữa phát triển tại chỗ) và ngoài địa phương, tập trung phát triển các thành phố cấp huyện (từ sau năm 2002)

Năm 2001, khi Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của WTO, ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với nền kinh tế Trung Quốc đã tăng lên đáng kể và nền kinh tế định hướng xuất khẩu ở miền nam Giang Tô đã phát triển nhanh chóng. Việc một số lượng lớn các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư vào khu vực miền nam Giang Tô đã thổi bừng một sức sống mới vào sự phát triển kinh tế của địa phương này. Các thành phố cấp huyện khu với hình thức các khu quy hoạch thống nhất đã phát triển nhanh chóng nhờ đất đai cạnh tranh hơn, lợi thế về nguồn lực lao động và môi trường chính sách linh hoạt. Nhiều doanh nghiệp định hướng xuất khẩu không chỉ trở thành kênh chính sử dụng lao động nông thôn của địa phương, mà còn thu hút một lượng lớn lao động nhập cư. Dữ liệu cho thấy năm 2010, số lao động nhập cư ở miền nam Giang Tô đạt 10,94 triệu người, trong đó 7,459 triệu người đến từ các tỉnh khác, miền nam Giang Tô trở thành khu vực có dân số du nhập ròng[4].

1.2. Các đặc trưng chủ yếu

Trên cơ sở thực tiễn nhiều năm, mô hình Tô Nam đã dần hình thành các đặc trưng cơ bản, đó là “ba chính, hai phối hợp, một cùng” mang đậm bản sắc địa phương. “Ba chính” là: thứ nhất, dựa trên sở hữu tập thể là chính. Vốn kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp hương trấn ở miền Nam Giang Tô đến là vốn đầu tư tập thể trong phạm vi phường xã/khu vực. Thuộc tính cơ bản của chế độ sở hữu là kinh tế tập thể do chính quyền phường xã khu vực đại diện. Thứ hai, lấy các doanh nghiệp hương trấn là chính, bao gồm cả doanh nghiệp do thôn thành lập. Thứ ba, dựa trên sự thúc đẩy hành chính của chính quyền cơ sở và cơ chế hoạt động kinh tế theo định hướng thị trường là chính. Các doanh nghiệp hương trấn ở miền Nam Giang Tô được các tổ chức đảng và chính quyền hai cấp thị trấn và thôn trực tiếp lên kế hoạch thành lập và sản xuất hàng hóa theo định hướng thị trường.

“Hai phối hợp” là: Thứ nhất, phối hợp giữa thành thị và nông thôn, sự phát triển của các doanh nghiệp hương trấn đã tạo điều kiện vật chất cho sự phát triển của nông thôn, công nghiệp hương trấn thực hiện phương châm “lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, dựa vào công nghiệp để xây dựng nông nghiệp" thiết lập một hệ thống dịch vụ xã hội nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh chóng, tạo thuận lợi cho sự phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn. Thứ hai, phối hợp giữa kinh tế và xã hội. Sự phát triển của các doanh nghiệp hương trấn đã giúp nâng cao tố chất của lực lượng lao động, có lợi cho nông dân chuyển đổi thành thị dân và có lợi cho sự phát triển hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần; phát triển kinh tế đồng thời cũng đầu tư vào giáo dục, môi trường và phúc lợi, giúp cho nền giáo dục miền Nam Giang Tô phát triển, môi trường sạch đẹp, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hài hòa kinh tế và xã hội. “Một cùng”, nghĩa là người giàu trước dẫn dắt người giàu sau, để thịnh vượng chung cùng sung túc. Thực hiện chế độ sở hữu tập thể, sau khi các doanh nghiệp hương trấn phát triển, mức sống của người dân đã được nâng cao nhanh chóng, khoảng cách thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn đã được thu hẹp, tạo thuận lợi để cùng sung túc.

1.3. Mô hình Tô Nam mới

Khi bước sang thế kỷ mới, sự phát triển kinh tế - xã hội của miền nam Giang Tô đã được nâng cấp thành “Mô hình phát triển Tô Nam mới” - hội nhập thành thị - nông thôn, phát triển hài hòa trong khu vực. Ý nghĩa chính và đặc điểm nổi bật của nó là “một mục tiêu, hai tay cùng nắm, ba tinh thần và bốn sáng kiến”. Mục tiêu là đi đầu trong việc xây dựng xã hội toàn diện khá giả, đi đầu trong việc cơ bản thực hiện hiện đại hóa, các khu kinh tế là đối tượng triển khai, mục tiêu là xây dựng được một nơi sản xuất quốc tế hiện đại. Kiên trì phát triển nhanh chóng, phát triển khoa học, phát triển hài hòa, thực hiện hội nhập kinh tế và xã hội giữa thành thị và nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thông tin hóa và quốc tế hóa cùng tiến triển.

Trong khái niệm phát triển, kiên trì một mục tiêu. Theo đuổi mục tiêu toàn thể nhân dân cùng sung túc. Kiên trì ưu tiên hiệu quả, bảo đảm sự công bằng và không ngừng nâng cao mức độ sung túc của toàn dân là kinh nghiệm đầu tiên để thực hiện cùng sung túc ở miền Nam Giang Tô. Về cách thức phát triển, việc thực hiện hai tay cùng nắm, thị trường và chính phủ phối hợp hiệu quả. Trong bối cảnh chủ thể thị trường đa dạng, chính quyền các địa phương miền Nam Giang Tô đã tạo cho nền kinh tế thị trường một môi trường phát triển lành mạnh, đã phát huy đầy đủ vai trò định hướng của các cơ chế thị trường. Về động lực phát triển, đẩy mạnh ba tinh thần và cố gắng đi đầu trong phát triển. “Ba tinh thần” với nội hàm cốt lõi gồm gian khó lập nghiệp, dũng cảm sáng tạo, phấn đấu dẫn đầu, là cội nguồn sức phát triển của miền Nam Giang Tô. Trên con đường phát triển, bốn vượt trội lớn về cấu trúc quyền sở hữu tài sản, phát triển ngành nghề, cấu trúc xã hội và mô hình phát triển đã được hiện thực hóa, thực hiện phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và xây dựng môi trường sinh thái.

2. Mô hình Ôn Châu

Mô hình Ôn Châu là mô hình phát triển các ngành phi nông nghiệp dưới dạng công nghiệp gia đình và chuyên nghiệp hóa thị trường, từ đó hình thành cục diện phát triển hàng hóa nhỏ, thị trường lớn. Đặc trưng cơ bản của mô hình Ôn Châu là: hình thức kinh tế hộ gia đình, chuyên nghiệp hóa phương thức kinh doanh tuần tự hóa sản xuất chuyên nghiệp, thị trường hóa các yếu tố sản xuất và xã hội hóa các khâu dịch vụ. Sự phát triển của kinh tế hộ gia đình và thị trường hàng hóa đã chuyển lực lượng lao động dư thừa sang hoạt động cho thị trường chuyên biệt sản xuất hộ gia đình, từ đó thúc đẩy dân số tập trung tại ở các đô thị nhỏ, mở rộng quy mô của các đô thị nhỏ và thúc đẩy phát triển đô thị hóa nông thôn.

2.1. Các giai đoạn phát triển và những đặc trưng chủ yếu của quá trình đô thị hóa ở Ôn Châu

Giai đoạn đầu tiên: Giai đoạn xuất hiện của các thị trấn giàu mạnh thuộc thành phố và khôi phục dựng thành phố trung tâm (1978–1991)

Sau khi cải cách mở cửa, được thúc đẩy mạnh mẽ của thị trường hóa thời kỳ đầu và công nghiệp hóa thời kỳ đầu, việc xây dựng các đô thị nhỏ đã mở ra cục diện mới trong đô thị hóa ở Ôn Châu. Một loạt các thị trấn công nghiệp phát triển như: thị trấn Long Cảng “Đô thị số 1 của người nông dân Trung Quốc”, thị trấn Kiều Đầu - “Chợ các đệ nhất phương Đông”, thị trấn Liễu Thị - “Thiết bị điện hạ thế lớn nhất toàn quốc, Quá trình xây dựng đô thị hóa của Ôn Châu ngay từ đầu đã có tính tự phát mạnh mẽ, mang đậm bản sắc địa phương. Vì luôn đi đầu trong cả nước về cải cách theo định hướng, nên “mô hình Ôn Châu” đã phát huy hiệu quả to lớn. Thành phần kinh tế sở hữu mới và cơ chế vận hành kinh tế mới bổ sung cho nhau, không ngừng nâng cao vai trò của thị trường trong việc phân bổ tài nguyên, đồng thời cùng với việc xác định mô hình mục tiêu cải cách và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi về thể chế kinh tế, thành phần kinh tế ban đầu được tạo ra ở ngoài thể chế ban đầu đã trở thành yếu tố nội tại và là thành phần cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường cũng như cơ chế hoạt động của nó trong nền kinh tế khu vực.

Năm 1986, tỉnh Chiết Giang chỉ rõ rằng Ôn Châu nên dựa trên việc mở cửa, coi việc xây dựng cảng là động lực chính của phát triển đô thị, xây dựng Ôn Châu trở thành trung tâm công nghệ, văn hóa, kinh tế của miền Nam Chiết Giang. Về không gian, thành phố chủ yếu phát triển kiểu cụm dọc theo sông và vượt sông tiến về hạ lưu. Trong dự án xây dựng đô thị, thành phố trung tâm chủ yếu hoàn thành cơ sở hạ tầng khu vực như cầu Phẫu Giang, sân bay Ôn Châu và hai bến 10.000 tấn tại cầu cảng Long Loan của cảng On Châu, xây dựng một loạt các công trình cấp thoát nước, đường đô thị và 16 khu dân cư. Đến năm 1991, số lượng thị trấn được thành lập ở Ôn Châu đã tăng lên 121 thị trấn, với số dân là 2,6 triệu người, chiếm 38,7% tổng số dân của thành phố. Số lượng và số dân của các thị trấn được thành lập gấp khoảng 7 lần so với năm 1978[5].

Giai đoạn thứ hai: các đô thị nhỏ phát triển ổn định và đẩy nhanh việc xây dựng thành phố trung tâm (năm 1992 đến 1999)

Năm 1992, Ôn Châu ban hành “Quyết định về việc trao quyền quản lý kinh tế cấp huyện cho một số thị trấn vệ tinh công nghiệp trọng điểm cấp huyện”, theo sự bố trí chiến lược “đột phá trung tâm, mở rộng hai cánh và ba dọc cùng tiến”, hai thị trấn Long Cảng và Liễu Thị đã lần lượt được xác định là khu thí điểm hội nhập nông thôn - đô thị của Ôn Châu. Việc xây dựng thành phố Ôn Châu đã xuất hiện cao trào mang tính giai đoạn. Năm 1994, chính quyền thành phố đã ban hành “Quyết định tăng cường xây dựng các thị trấn mới”, triển khai các biện pháp, chính sách nhằm đi sâu cải cách thể chế kinh tế ở các đô thị nhỏ và khuyên khích phát triển các thị trấn mạnh. Tháng 8 năm 1995, 11 bộ, ban, ngành đã xác định Long Cảng là thị trấn thị điểm cải cách toàn diện trong số đô thị nhỏ trên cả nước. Ở giai đoạn này, trong khi hoàn thiện cơ sở và xây dựng các thiết chế văn hóa và đời sống, các đô thị nhỏ trên cả nước cũng đã thành lập các tiểu khu, công nghiệp và thị trường thương mại. Nhìn chung, mức độ xây dựng đô thị nhỏ được nâng cao đáng kể.

Sự phát triển của các thành phố trung tâm ở Ôn Châu nhanh hơn. Năm 1993, thành phố Ôn Châu đã khởi xướng phương pháp lập kế hoạch kiểm soát ba cấp và liên tục cải tiến nó thông qua thực tiễn xã hội. Năm 1996, Ôn Châu tiếp tục công bố các bản vẽ quy hoạch phát triển, bao gồm các bước thiết kế phân cấp và các bước phát triển mở rộng. Đồng thời, “Quy hoạch tổng thể thành phố Ôn Châu (1993-2010)” lần đầu tiên tích hợp một cách hữu cơ việc tái thiết các thành phố cũ với việc xây dựng các khu mới, tích cực thúc đẩy xây dựng các khu mới trên cơ sở tái thiết các thành phố cũ. Tương tự như các thành phố khác, việc xây dựng nhà ở của Ôn Châu giai đoạn này tương đối điển hình. Ôn Châu đã thực hiện cải cách nhà ở từ năm 1993 và là địa phương đầu tiên thiết lập một hệ thống nhà ở mới tương thích với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, năm 1997 được Quốc vụ viện trao tặng danh hiệu “Thành phố tiên tiến quốc gia về cải cách nhà ở”. Việc phá dỡ nhà và tái định cư của thành phố cổ Ôn Châu tương đối suôn sẻ. Người dân tích cực ủng hộ phương án bồi thường tại chỗ, nên về khách quan đã giúp đẩy nhanh tốc độ tái thiết của thành phố cũ. Nhờ tích cực huy động sức mạnh trong nhân dân và thị trường, việc xây dựng đồn thi của Ôn Châu đã phát triển nhanh chóng, đến năm 1999, diện tích xây dựng khu trung tâm thành phố của Ôn Châu đã gần gấp bốn lần năm 1992.

Giai đoạn thứ ba: Giai đoạn chuyển đổi phương thức tăng trưởng đô thị hóa (năm 2000 đến 2008)

Năm 1998, tỉnh Chiết Giang đã đi đầu trong việc đề ra quyết sách quan trọng thực hiện chiến lược đô thị hóa. Thành phố Ôn Châu đã xây dựng hai tài liệu đại cương tương ứng có ảnh hưởng sâu rộng là “Đề cương quá trình đô thị hóa” và “Đề cương hệ thống đô thị Ôn Châu”, nội dung cốt lõi là xây dựng hệ thống đô thị hiện đại hóa cơ bản và kiểu mẫu đô thị với các thành phố lớn là trung tâm, thành phố vừa là trung tâm phụ, thành phố nhỏ làm xương sống và các thị trấn có cùng một cơ cấu tổ chức làm cơ sở. Điều này đã vẽ ra một kế hoạch chi tiết cho sự phát triển đô thị hóa trong thế kỷ mới. Kể từ năm 2000, việc đô thị hóa của Ôn Châu đã duy trì tăng trưởng bền vững và lành mạnh, chất lượng đô thị hóa được nâng cao đều đặn. Mức độ đô thị hóa đã tăng đáng kể với tốc độ trung bình hằng năm là 1,26%. Năm 2001, các khu vực hành chính được điều chỉnh, các thị trấn vệ tinh sáp nhập khu vực đô thị trung tâm, sau khi điều chỉnh, diện tích của thành phố Ôn Châu mở rộng từ 1.082 km lên 1.187,9 km và dân số tăng 1,21 triệu người lên 1,29 triệu người[6].

Từ năm 2000, Ôn Châu đã bắt đầu xây dựng các khu công nghiệp khép kín như khu công nghệ cao, khu ven biển, khu công nghiệp nhẹ và các cơ sở kinh tế và công nghệ tư nhân. Các dự án xây dựng công cộng, cơ sở hạ tầng và quản trị môi trường sinh thái quy mô lớn là trọng tâm của giai đoạn này. Thông qua “100 dự án trăm tỷ NDT” một loạt các dự án như đường cao tốc cảng Thâm Thủy, Dũng Đài Ôn, Kim Lệ Ôn, đường sắt Dũng Đài Ôn, nhà máy điện Ôn Châu,... đã được hoàn thành hoặc có bước phát triển vượt bậc. Về xây dựng trung tâm hành chính, các hạng mục xây dựng công cộng lớn như trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, bảo tàng khoa học, bảo tàng lưu trữ, viện bảo tàng, nhà hát lớn,... đã lần lượt hoàn thành; cải tạo lối vào thành phố và môi trường “ba dọc”[7] đã cải thiện đáng kể môi trường đô thị, “công trình phúc lợi cho hàng vạn hộ dân thôn Bách Hạng” đã cải thiện đáng kể môi trường thành phố cũ. Ở giai đoạn này, khung xây dựng đô thị của Ôn Châu đã được thực hiện tối đa và diện mạo thành phố đã có nhiều thay đổi to lớn. Vòng quy hoạch tổng thể đô thị thứ ba định hướng thành phố Ôn Châu xây dựng một kiểu kiến trúc đô thị lớn dựa lưng vào núi Đại La và núi Súy Đài, hướng ra biển ở phía Đông, hướng sự phát triển của các thành phố trung tâm từ của thành phố ven sông” sang “thành phố ven biển. Đến năm 2008, diện tích xây dựng đô thị của Ôn Châu đã lên tới 170,3 km, bước đầu hình thành cục diện đô thị đa trung tâm.

Nhìn chung, việc đô thị hóa của Ôn Châu đã có thay đổi lớn về hệ thống, điều chỉnh lớn về ngành nghề, tiến bộ rõ rệt trong xã hội và cải thiện lớn về chất lượng, hiện đang tiến tới một “mô hình mới” lành mạnh. Trong bối cảnh nhấn mạnh sự tập trung, hài hòa, chuyên sâu này, Ôn Châu một mặt phải thúc đẩy nâng cấp các ngành nghề truyền thống của đô thị thành sự kết hợp giữa các mô hình tổ chức tập trung công nghệ và lao động, thúc đẩy chuyển đổi phương thức tăng trưởng kinh tế; mặt khác, cần tối ưu hóa hơn nữa bố cục không gian đô thị, thực hiện quy hoạch đô thị, nâng đô thị hóa lên thành thành thị hóa, mở rộng không gian phát triển của các thành phố trung tâm bằng cách xây dựng các khu đại đô thị Ôn Châu, thực hiện việc nâng cấp, bổ sung chức năng cho nhau giữa các cấp đô thị.

2.2. Kinh nghiệm phát triển đô thị hóa tại Ôn Châu

Thứ nhất, áp dụng linh hoạt các cơ chế thị trường Ôn Châu đi đầu trong các cải cách theo định hướng thị trường. Nền kinh tế tư nhân và thị trường chuyên nghiệp là động lực bên trong thúc đẩy Ôn Châu xây dựng và phát triển đô thị. Nền kinh tế tư nhân Ôn Châu được xây dựng dựa trên cơ chế thị trường, vì không phụ thuộc vào các tổ chức hành chính hay kinh tế tập thể nên dễ dàng vượt qua các giới hạn địa lý của nông thôn, sự dịch chuyển tự do và phân bổ hợp lý các yếu tố sản xuất đã đáp ứng yêu cầu nội bộ của đô thị hóa nông thôn ở mức độ cao. Đây cũng là một lý do quan trọng khiến các nhóm đô thị nhỏ ở Ôn Châu phát triển nổi bật trong thời kỳ đầu cải cách. Về kinh nghiệm xây dựng đô thị, Ôn Châu đã sử dụng hiệu quả cơ chế thị trường để giải quyết vấn đề thiếu vốn xây dựng. Chính quyền thành phố tích cực triển khai biện pháp kiểm soát vĩ mô “người nào đầu tư thì người đó sở hữu và được hưởng lợi”. Thông qua việc thu phí sử dụng cơ sở hạ tầng, áp dụng mức giá hợp lý cho các tiện ích công cộng, định hướng nguồn vốn trong nhân dân phát huy hiệu quả vai trò đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các tiện ích công cộng thông qua mô hình mở rộng mang tính kinh doanh.

Thứ hai, dựa vào cải cách toàn diện để thúc đẩy hiện đại hóa các đô thị nhỏ. Ôn Châu tích cực thực hiện cải cách toàn diện ở nhiều đô thị nhỏ, như cải cách chế độ sử dụng đất, cải cách cơ chế đầu tư, cải cách hệ thống tài chính, cải cách chế độ hộ tịch, cải cách thể chế quản lý đô thị, cải cách cơ cấu chính quyền và xây dựng hệ thống an sinh xã hội đô thị. Ví dụ, thị trấn Long Cảng, huyện Thương Nam - một thị trấn nông dân, thu được những hiệu quả cải cách rõ rệt, đã được trao thẩm quyền quản lý cấp huyện đối với bảy lĩnh vực là nhân sự, kế hoạch, tài chính, công nghiệp. xây dựng đô thị, hộ tịch và giáo dục. Để đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế, thị trấn Long Cảng đã hợp nhất và thành lập sáu cơ quan là: lập kế hoạch và phát triển kinh tế, phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển xã hội, xúc tiến đầu tư, tài chính và quản lý xây dựng đô thị và nông thôn. Thông qua những cải cách này, thị trấn Long Cảng đã hoàn thiện các chức năng của chính quyền thị trấn và tạo nền tảng về cơ chế để phát triển hơn nữa.

Thứ ba, phát huy đầy đủ vai trò kích thích sự phát triển của một thị trấn mạnh về kinh tế. Kinh tế khu vực (cấp huyện) là nguồn quan trọng nhất để kích thích Ôn Châu phát triển, mà sự phát triển của kinh tế khu vực (cấp huyện) phụ thuộc vào nhóm các thị trấn giàu mạnh với sức phát triển toàn diện mạnh mẽ tốc độ phát triển nhanh. Sự hình thành và phát triển của các thị trấn mạnh về kinh tế là một điểm sáng lớn trong quá trình đô thị hóa của Ôn Châu. Các thị trấn mạnh về kinh tế đã trở thành “cực tăng trưởng” của kinh tế khu vực. Những thị trấn này có thực lực kinh tế tốt và tốc độ phát triển cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của toàn thành phố, về vị trí địa lý và giao thông, cũng có lợi thế phát triển tốt. Ví dụ, 30 thị trấn mạnh được thành phố lựa chọn chủ yếu tập trung ở các vùng “ba dọc” đó là dọc theo bờ biển, dọc theo sông và dọc theo đường quốc lộ”. Với sự chuyển đổi và nâng cấp ngành nghề ở các thị trấn mạnh về kinh tế, mở rộng quy mô, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và quy tụ năng lực, một loạt các thành phố hiện đại nhỏ và vừa sẽ ra đời.

Thứ tư, phát huy hiệu quả vai trò định hướng của quy hoạch đô thị đối với phát triển đô thị. Sự phát triển lành mạnh đô thị hóa ở Ôn Châu là do sự coi trọng quy hoạch đô thị và nông thôn, thông qua đổi mới liên tục và thăm dò táo bạo, hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn đã được hình thành và không ngừng cải thiện. Kế hoạch chi tiết kiểm soát thành phố cổ do Ôn Châu chuẩn bị vào năm 1988 là cuộc thăm dò thực tế sớm nhất về kế hoạch kiểm soát của Trung Quốc. Để kiểm soát tốt hơn việc mở rộng có hiệu quả và có trật tự của đất đô thị, Ôn Châu sau đó đã tiên phong trong phương pháp kiểm soát ba cấp để kiểm soát chặt chẽ sự mở rộng của đô thị. Cách làm này là mô hình điển hình, đã được nhân rộng ra toàn Trung Quốc.

Thứ năm, lấy cơ sở hạ tầng làm sự bảo đảm cho độ thị hóa. Coi xây dựng cơ sở hạ tầng là điểm khởi đầu quan trọng của xây dựng đô thị hóa, Ôn Châu đã thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông đường bộ, vườn hoa cây cảnh trong thành phố, công trình công cộng và môi trường cảnh quan để thúc đẩy hiện đại hóa các thành phố trung tâm. Vành đai giao thông một giờ đồng hồ trong thành phố, ngoại trừ huyện Thái Thuận và mạng lưới giao thông đa tầng và đa dạng ở khu vực trung tâm thành phố đã hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình đô thị hóa của Ôn Châu; “xử lý núi, xử lý nước, xanh hóa môi trường” và các dự án công trình công cộng được coi là trọng điểm của dân sinh và xây dựng xã hội hài hòa; cơ sở hạ tầng của chính quyền thành phố được coi là sự bảo đảm cơ bản nhất cho đô thị hóa.

3. Mô hình đồng bằng sông Châu Giang[8]

Khu vực đồng bằng sông Châu Giang bao gồm 9 thành phố: Quảng Châu, Thâm Quyến, Phật Sơn, Đông Hoản, Trung Sơn, Chu Hải, Huệ Châu, Giang Môn và Triệu Khánh. Cách tiếp cận chính của mô hình đồng bằng sông Châu Giang là thông qua tập hợp ngành nghề để thu hút cư dân, từ đó thúc đẩy sự vươn lên nhanh chóng của các khu vực xung quanh thành phố. Hai đường hướng phát triển chính bao gồm: Thứ nhất, dựa vào sự phát triển của các thị trấn trung tâm tập trung các doanh nghiệp hương trấn và doanh nghiệp tư nhân, thu hút một số lượng lớn cư dân bên ngoài thông qua tập hợp ngành nghề, thúc đẩy phát triển đô thị hóa; thứ hai là mô hình vùng núi, nghĩa là phát triển xoay quanh các thị trấn chuyên biệt bao quanh thành phố huyện.

3.1. Quá trình phát triển

Giai đoạn phát triển công nghiệp làm chủ đạo, từ năm 1978 đến 1992

Khi bắt đầu cải cách mở cửa, đồng bằng sông Châu Giang đã cho thấy một hiện tượng đô thị hóa hoàn toàn mới, đặc trưng là sự tăng trưởng nhanh chóng của nông nghiệp, sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp hương trấn, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh và đô thị hóa nông thôn đã thu hút một lượng lớn lao động dư thừa ở nông thôn. Trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông Châu Giang, sự phát triển nông thôn từ dưới lên đã tạo động lực ban đầu cho quá trình đô thị hóa và chính sách mở cửa đã thu hút một lượng lớn vốn nước ngoài, đặc biệt nguồn vốn từ Hồng Công đầu tư vào đồng bằng sông Châu Giang, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở vùng này. Năm 1986, vùng này đã phát triển thành một trong những khu vực có số nhiều thành phố và thị trấn, mật độ cao và mức độ đô thị hóa cao của Trung Quốc. Ở đồng bằng sông Châu Giang, một nhóm các ngành công nghiệp nhẹ chủ đạo, chiếm ưu thế, bao gồm điện tử, đồ gia dụng, dệt may, thực phẩm và đồ uống đã được hình thành và xuất hiện một số tập đoàn doanh nghiệp nổi tiếng trên toàn quốc. Tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp tăng 31% mỗi năm từ năm 1980 đến 1992. Trong cơ cấu ngành nghề, tỷ lệ giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đã tăng từ 25,8 : 45,5 : 28,9 vào năm 1980 lên 8,8 : 51,2 : 40 vào năm 1994. Cơ cấu ngành nghề của khu vực đồng bằng sông Châu Giang về cơ bản đã được thực hiện từ nông nghiệp truyền thống đến công nghiệp hóa[9].

Đồng thời, cấu trúc và cách bố trí của các đô thị đã có những thay đổi cơ bản, đại bộ phận các đô thị nhỏ như Thâm Quyến, Chu Hải, Trung Sơn, Đông Hoản, Thuận Đức, Thái Sơn và Phiên Ngung đã dần dần phát triển thành các thành phố vừa và lớn. Số thành phố tăng từ 5 thành phố lên đến 12 thành phố, số thị trấn hình thành mới tăng từ 32 thị trấn lên 374 thị trấn (không bao gồm các đô thị huyện). Mức độ đô thị hóa năm 1992 đạt 43%, cao hơn 16 điểm phần trăm so với cùng kỳ của cả nước.

Giai đoạn phát triển ngành nghề, từ năm 1992 đến 2013

Sau những năm 1990, cùng với sự tiến bộ của công nghiệp hóa, mức sống của người dân đã dần được cải thiện, đồng bằng sông Châu Giang đã thoát nghèo vươn lên mức khá giả. Do đó, xã hội ngày càng chú ý đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống và bắt đầu chú trọng cải thiện môi trường sống và điều kiện sống. Ví dụ như cơn sốt bất động sản năm 1992, chính quyền các cấp đã chuyển từ phát triển nhóm ngành nghề thứ nhất (nông nghiệp) sang đồng thời phát triển nhóm ngành nghề thứ hai (công nghiệp) và nhóm ngành nghề thứ ba (dịch vụ), nhận thức về đô thị tăng cao chưa từng thấy. Số lượng các thành phố ở vùng đồng bằng sông Châu Giang đã tăng từ 12 thành phố lên 26 thành phố, tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa đã tăng nhanh rõ rệt.

3.2. Mô hình chủ yếu

Trong thực tế, không tồn tại “mô hình đồng bằng sông Châu Giang” thống nhất nào. Trong quá trình đô thị hóa ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang, có bốn mô hình phát triển độc đáo là mô hình Thuận Đức, mô hình Nam Hải, mô hình Đông Hoản và mô hình Thâm Quyến.

“Mô hình Nam Hải” là mô hình kinh tế tư nhân địa phương điển hình nhất. Những người nông dân địa phương giỏi kinh doanh ở đồng bằng sông Châu Giang đã tận dụng yếu tố thuận lợi về thời gian và địa điểm của lần cải cách đầu tiên ở đồng bằng sông Châu Giang để bắt đầu giao thương và thu lợi nhuận đầu tiên. Ngay lập tức cơ cấu ngành nghề đã chuyển từ thương mại trở lại lĩnh vực công nghiệp chế tạo và dân phát triển thêm các yếu tố nghiên cứu và phát triển công nghệ, từng bước nâng cấp ngành nghề, hoàn thành quá trình chuyển đổi thương mại - công nghiệp - công nghệ. Mô hình Nam Hải cũng có thể thấy ở các khu vực khác như Phiên Ngẫu của Quảng Châu, Tân Hội của Giang Môn,...

Trong “Mô hình Thuận Đức”, chính quyền cơ sở phát huy vai trò nhiều hơn. Thuận Đức đã có một số ngành công nghiệp máy móc nông nghiệp và cơ sở công nghiệp se tơ trong thời kỳ kinh tế kế hoạch và bồi dưỡng được một số nhân tài kinh doanh tiểu công nghiệp. Sau khi thực hiện mở cửa sớm nhất vào những năm 1980, chính quyền huyện, thị trấn và làng xã đã rất quan tâm đến công nghiệp hóa, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp hương trấn quy mô lớn và tìm cách huy động vốn từ các tổ chức tài chính, để Thuận Đức nhanh chóng trở thành địa phương dẫn đầu Trung Quốc trong một số ngành nghề. Qua đó, đã tạo nền tảng cho năng lực cạnh tranh ngành nghề của Thuận Đức. Các địa phương như Tiểu Lãm, thị trấn Đông Phụng ở phía Tây Bắc thành phố Trung Sơn và một số khu vực của thành phố Phật Sơn, cũng có những đặc điểm của mô hình Thuận Đức.

“Mô hình Thâm Quyến” sử dụng con đường “thương mại - công nghiệp - công nghệ”. Đầu những năm 1980, Thâm Quyến đã dựa vào các chính sách ưu đãi dành cho đặc khu để bắt đầu giao thương và tạo ra cơ sở về nguồn vốn cho đặc khu. Từ năm 1985 đến 1986, đặc khu kinh tế Thâm Quyến bắt đầu lần chuyển đổi ngành nghề đầu tiên từ thương mại sang đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp.

Vào giữa những năm 1990, Thâm Quyến đã đề xuất kế hoạch phát triển ngành công nghệ cao, với trọng tâm là nâng cấp từ công nghiệp sang công nghiệp công nghệ và ngành thương mại chế biến vốn có đã được chuyển dịch đến vùng ngoại ô như Bảo An, Long Cảng và Đông Hoản. Từ năm 2006 đến 2008, Thâm Quyến bắt đầu chuyển đổi công nghiệp lần thứ ba. Trên nền tảng công nghiệp vốn có và công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm ngành nghề bắt đầu chuyển sang ngành dịch vụ cao cấp.

“Mô hình Đông Hoản” tương tự như tiền thân của “mô hình Thâm Quyến”. Vào những năm 1980, Đông Hoản đã chuyển dịch hệ thống gia công, thương mại từ Thâm Quyến, cho đến năm 2013, các khu vực ngoại vi Thâm Quyến như là Bảo An, Long Cảng vẫn còn rất nhiều tàn dư của “mô hình Đông Hoản”. Đặc điểm của mô hình Đông Hoản nhanh chóng được mô phỏng và nhân rộng theo cấp số nhân với quy mô lớn đáng kinh ngạc, khiến Đông Hoản như một “công xưởng của thế giới” và giành phần thắng trước các “thành phố sản xuất nổi tiếng” khác.

3.3. Những đặc điểm chủ yếu của quá trình độ thị hóa tại đồng bằng sông Châu Giang

Phát triển nông thôn từ dưới lên là động lực ban đầu cho quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông Châu Giang

Sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng trong gia đoạn đầu của đồng bằng sông Châu Giang chủ yếu dựa vào sự phát triển của các ngành công nghiệp hương trấn. Sự phát triển theo phương thức từ dưới lên với xây dựng nông thôn và thị trấn nhỏ làm chủ đạo đã phá vỡ ranh giới của phát triển công nghiệp đô thị và nông thôn theo cấu trúc kép, thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn và sự phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mở rộng quy mô và gia tăng về số lượng. Đồng thời, các doanh nghiệp hương trấn ở các thành phố vừa và nhỏ và các thị trấn được thành lập đã thu hút đáng kể lượng lao động dư thừa ở nông thôn và lao động làm thuê ở chính khu vực đó và các khu vực lân cận, khiến cho tỷ lệ dân số phi nông nghiệp ở các thành phố nhỏ (thị trấn) trong tổng dân số đô thị tăng lên, do đó quá trình đô thị hóa của vùng đồng bằng sông Châu Giang luôn được duy trì ở mức cao.

Ở các khu vực khác nhau của đồng bằng sông Châu Giang, do sự khác biệt về môi trường địa lý và điều kiện vốn có, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển doanh nghiệp hương trấn khác nhau, đặc biệt là các mô hình kinh tế tập thể ở các đô thị bờ Tây của đồng bằng sông Châu Giang, như “hương trấn làm công nghiệp và doanh nghiệp xương sống quy mô lớn giữ vai trò chủ đạo" của huyện Thuận Đức và mô hình phát triển toàn diện của nền kinh tế sở hữu ngoài công lập ở huyện Nam Hải “do huyện điều hành, chủ thể là thị trấn, thôn là trụ cột và bổ sung bằng thể hợp nhất các cá thể” đều là những mô hình điển hình cho việc doanh nghiệp hương trấn thúc đẩy phát triển kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp hương trấn đã thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông thôn, đồng thời cũng nhanh chóng biến cảnh quan nông thôn thành cảnh quan đô thị, chuyển đổi nhanh chóng đất nông nghiệp thành đô thị, từ đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa, một số khu vực đã hình thành cục diện phát triển đồng thời cả thành thị và nông thôn.

Nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu cung cấp động lực liên tục cho sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa

Trong những năm 1980, tốc độ tăng trưởng hằng năm của các chỉ số kinh tế chính của đồng bằng sông Châu Giang là cao nhất là mức vốn đầu tư nước ngoài thực tế sử dụng và tổng kim ngạch xuất khẩu ngoại thương. Năm 1991, hai chỉ số này lần lượt chiếm 18,4% và 14,8% tỷ trọng của cả nước và là khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo ra ngoại hối chính của Trung Quốc. Vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu được thu hút dưới các hình thức như “ba nhập một tài nhập”[10], hợp tác và liên doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp hương trấn và ngành công nghiệp ở địa phương phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là các doanh nghiệp hương trấn, do quy mô nhỏ, đa dạng và linh hoạt, công nghiệp gia công từ nguyên liệu nhập ngoại chủ yếu chuyển hướng sang các doanh nghiệp hương trấn, dẫn đến sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp hương trấn. Việc sử dụng vốn đầu tư nước ngoài khiến các doanh nghiệp hương trấn phá vỡ lối mòn trước đây là “nguyên vật liệu mua tại chỗ, gia công tại chỗ, tiêu thụ tại chỗ”. Việc sử dụng lượng lớn nguồn vốn công nghệ và thiết bị nước ngoài, đã thay đổi nguồn nguyên liệu và tính khép kín thành mô hình định hướng thị trường rộng mở; hàng trăm sản phẩm mới với trình độ tiên tiến trong nước được sản xuất, tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.

Từ những năm 1980, các doanh nghiệp đông lao động với đại diện tiêu biểu là ở các ngành công nghiệp chế tạo tại Hồng Công đã dựa vào lợi thế về địa lý và văn hóa với khu vực đồng bằng sông Châu Giang mà nhanh chóng chuyển dịch đến đồng bằng sông Châu Giang, hình thành mô hình phân công lao động khu vực trước là cửa hàng sau là nhà máy”. Sau đó, ngành công nghệ thông tin của Đài Loan, chủ yếu là các sản phẩm ngoại vi máy tính, tiếp tục thâm nhập khu vực đồng bằng sông Châu Giang qua Hồng Công. Đồng thời, các nước Âu Mỹ và các nước Đông Nam Á có nhiều người Hoa sinh sống cũng quan tâm đến lợi thế về giá thành của đồng bằng sông Châu Giang, nô nức đầu tư và xây dựng các nhà máy ở đây. Đến đầu những năm 1990, chính quyền các cấp ở đồng bằng sông Châu Giang đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, ngoại hối và ngoại thương, thu hút được đầu tư nước ngoài quy mô lớn về vùng này. Đồng bằng sông Châu Giang là khu vực chủ yếu thu hút vốn nước ngoài, tạo ra ngoại hối, đồng thời là cỗ máy gia tăng tốc độ đô thị hóa đồng bằng sông Châu Giang thời kỳ đầu.

Lực lượng lao động nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa của đồng bằng sông Châu Giang

Việc đầu tư và xây dựng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở đồng bằng sông Châu Giang và sự phát triển của các doanh nghiệp hương trấn đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Một lượng lớn lao động dư thừa ở nông thôn đã dịch chuyển đến thành thị làm việc dưới các hình thức khác nhau. Do lực lượng lao động dư thừa tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu lao động và mức thù lao lao động cao tại địa phương lại hấp dẫn hơn đối với lực lượng lao động ngoại tỉnh nên đã dẫn đến hiện tượng một lượng lớn người lao động nhập cư dịch chuyển đến khu vực này làm việc. Đến đầu những năm 1990, đồng bằng sông Châu Giang đã trở thành khu vực có số dân nhập cư lớn nhất ở Trung Quốc và một lượng lớn người nhập cư đã trở thành nguồn tăng dân số đô thị quan trọng, dẫn đến sự nâng cấp đột ngột về quy mô tại một số đô thị ở đồng bằng sông Châu Giang.

Hiện nay, hơn 80% dân số lưu động ở tỉnh Quảng Đông tập trung ở khu vực đồng bằng sông Châu Giang khiến khu vực này trở thành khu vực đông dân nhất trong cả nước. Ở hầu hết các đô thị nhỏ, người nhập cư chiếm hơn 50%, hầu hết các khu vực (đặc biệt là khu vực ven biển ở phía Đông) là hơn 80% và một số khu vực thậm chí đạt tới hơn 90%. Lực lượng đông đảo của người nhập cư đã hình thành nên thị trường lao động phong phú ở đồng bằng sông Châu Giang, tạo ra nguồn lao động chi phí thấp và thúc đẩy điều chỉnh cơ cấu ngành nghề của khu vực này, và họ cũng trở thành một trong những nguồn lực duy trì đô thị hóa ở đồng bằng sông Châu Giang.

Phát triển đô thị hóa được thúc đẩy bởi các thị trấn chuyên biệt với những nét đặc trưng riêng

Sự phát triển của các thị trấn chuyên biệt thông qua sự tập trung các ngành sản xuất, đã dẫn đến sự hình thành và phát triển của các đô thị nhỏ, đồng thời đã sản sinh ra một loạt thị trường chuyên biệt mang đặc trưng riêng. Với sự phát triển sâu rộng của thị trường chuyên biệt, xoay quanh các ngành sản xuất và sản phẩm chủ đạo, trong khu vực đã hình thành các nhóm ngành nghề, nhóm sản xuất, nhóm sản phẩm có mức độ phân công lao động xã hội cao và hợp tác chuyên nghiệp. Trong quá trình hình thành các thị trấn chuyên biệt, các doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp sản xuất, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cùng ngành hoặc có liên quan tập trung tại các khu công nghiệp hoặc khu công nghiệp chuyên ngành, tạo ra sự hội tụ và khuếch tán của dòng hàng hóa, dòng vốn, dòng thông tin, dòng công nghệ và dòng nhân tài, gia tăng mức độ đô thị hóa. Mô hình phát triển đô thị hóa dưới sự lãnh đạo của các thị trấn chuyên biệt có thể được tóm tắt như sau: nhóm ngành nghề chủ đạo thị trấn chuyên biệt, nhóm hệ thống ngành nghề chủ đạo, phát triển thành thị cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn, phát triển nhất thể hóa thành thị, phát triển xã hội, phát triển hài hòa giữa các khu vực.

Sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, nền kinh tế của đồng bằng sông Châu Giang được kết nối trực tiếp với hệ thống kinh tế thế giới và sư phát triển kinh tế của quần thể đô thị của vùng đồng bằng sông Châu Giang chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc hơn từ môi trường chính trị, kinh tế và văn hóa trong và ngoài nước. Hơn nữa, cơ chế động lực vốn có của quá trình phát triển và thay đổi không gian đô thị, cụ thể là đầu tư trực tiếp nước ngoài đã bắt đầu suy yếu và động lực mới đưa không gian đô thị ở đồng bằng Châu Giang bắt đầu chuyển sang cục diện mới. Năm 2005, một trong những trọng điểm của “quy hoạch điều phổi cụm đô thị đồng bằng sông Châu Giang” đã tập trung vào việc xây dựng hài hòa các hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực, đặc biệt là đường cao tốc, nhà máy điện, đường sắt, cảng, sân bay và cầu. Đối với đồng bằng sông Châu Giang, quy hoạch tập trung vào việc làm nổi bật chức năng vận chuyển của trục trung tâm “xương sống", tăng cường các tuyến giao thông vận tải trục Đông - Tây của đồng bằng sông Châu Giang, hỗ trợ vận chuyển đường sắt nhanh liên tỉnh và thực hiện chia sẻ hạ tầng giao thông trong khu vực ngoại ô, ngoại vi của đồng bằng sông Châu Giang, tăng cường kết nối giao thông với Hồng Công, Ma Cao và nâng cao hiệu quả vận chuyển trong tỉnh. Đối với các tỉnh thành ở đồng bằng sông Châu Giang, trọng tâm là thông các tuyến đường cao tốc và đường sắt. Có thể thấy rằng đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên sâu do Chính phủ lãnh đạo, trong đó bao gồm các công trình hạ tầng giao thông như sân bay, cảng và đường sắt và các khu vực phát triển trọng điểm dựa trên các dự án quy mô lớn này, đã trở thành một nguồn năng lượng mới và đồng thời, trên cơ sở những điều này lại định hướng phân phối lại nguồn vốn đầu tư nước ngoài,... để hình thành một mô hình không gian đô thị chuyên sâu. Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, con đường đô thị hóa đặc sắc Trung Quốc đã bước đầu hình thành. Chính phủ Trung ương luôn coi trọng chiến lược đô thị hóa và coi đó là một vấn đề quan trọng trong điều chỉnh cơ cấu kinh tế, là con đường trọng yếu để giải quyết vấn đề nông nghiệp và nông thôn.

 


[1] Thôi Thự Bình, Triệu Thanh Vũ: “Gợi ý và suy nghẫm về mô hình đô thị hóa tại chỗ của Tô Nam”, Nghiên cứu phát triển thành phố, 2019

[2] Trần Hiểu Tuyết, Tạ Trung Thu: Mô hình Tô Nam chuyển mình đổi mới, phát triển thành phố, Nxb. Kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh 2018

[3] Thôi Thự Bình, Triệu Thanh Vũ: “Gợi ý và suy nghẫm về mô hình đô thị hóa tại chỗ của Tô Nam”, Nghiên cứu phát triển thành phố, 2019

[4] Trần Hiểu Tuyết, Tạ Trung Thu: Mô hình Tô Nam chuyển mình đổi mới, phát triển thành phố, Nxb. Kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh 2018

[5] Ngụy Hậu Khải: “Báo cáo đánh giá tổng hợp chất lượng đô thị hóa ở Trung Quốc”, Tham khảo nghiên cứu kinh tế, 2013

[6] Ngụy Hậu Khải: “Báo cáo đánh giá tổng hợp chất lượng đô thị hóa ở Trung Quốc”, Tham khảo nghiên cứu kinh tế, 2013

[7] “Ba dọc” là dọc bờ biển, dọc sông, dọc biên giới (BT).

[8] Trần Hồng Vũ, Chu Lập Thái: “Mô hình phát triển thành thị hóa khu vực đồng bằng châu thổ sông Châu Giang”, Tạp chí học thuật Lĩnh Nam học, 2019

[9] Trần Hồng Vũ, Chu Lập Thái: “Mô hình phát triển thành thị hóa khu vực đồng bằng châu thổ sông Châu Giang”, Tạp chí học thuật Lĩnh Nam học, 2019

[10] . “Nhập nguyên liệu để gia công”, “nhập linh kiện để lập đặt”, “nhập hàng mẫu để gia công” và “tái nhập sản phẩm” (BT).

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành