Thứ năm, 22 Tháng 6 2023 21:35

Phân tích một số vấn đề liên quan đến tội phạm về hối lộ theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành

Ngày 27/11/2015, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2016), sau đó vì một số lý do mà đến 01/01/2018 mới có hiệu lực thi hành, Bộ luật đã kế thừa Bộ luật hình sự năm 1999 và sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới liên quan đến tội phạm về tham nhũng, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống hối lộ; khắc phục những bất cập trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, chính trị của đất nước.

Các tội phạm về hối lộ được quy định Chương XXIII - Các tội phạm về chức vụ, tuy không bổ sung điều luật, tội danh mới, nhưng cấu thành của một số điều luật đã được quy định cụ thể chặt chẽ hơn. Theo Luật số 12/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, trong đó Chương XIII bao gồm 14 tội phạm từ Điều 353 đến 366 BLHS, trong số 14 tội phạm này[1], Bộ luật hình sự phân chia thành 02 nhóm quy định, Mục 1 - Các tội phạm tham nhũng gồm 7 tội, trong đó có Điều 354 - Tội nhận hối lộ. Mục 2 quy định quy định các tội phạm khác về chức vụ, gồm 7 tội, trong đó có Điều 364 - Tội đưa hối lộ, Điều 365 - Tội môi giới hối lộ. So với Bộ luật hình sự năm 1999, BLHS năm 2015 - Chương XXIII “Các tội phạm về chức vụ” được bổ sung những nội dung mới, như sau:

Mở rộng phạm vi của các tội phạm về chức vụ: các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ đã được mở rộng khái niệm, phạm vi sang khu vực tư (các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước). Điều đó được thể hiện rõ nét tại khoản 1 Điều 352, “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Có thể thấy, Bộ luật hình sự năm 2015 đã xác lập và mở rộng khách thể bị các tội phạm này xâm hại là những quan hệ xã hội bảo đảm cho hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà nước. Đối tượng tác động của các tội phạm về chức vụ chính là hoạt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Việc bổ sung đối tượng tác động của tội phạm chức vụ là hoạt động thực hiện “nhiệm vụ” bên cạnh hoạt động thực hiện “công vụ” vốn đã được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 đã khẳng định việc mở rộng phạm vi của tội phạm về chức vụ sang khu vực tư.

Mở rộng chủ thể và đối tượng của tội nhận hối lộ: Theo quy định được bổ sung tại khoản 6 Điều 354, chủ thể của tội nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Đó là những người làm công tác quản lý từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất hoặc những người tuy không có chức vụ nhưng được giao nhiệm vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức này và nhiệm vụ đó làm phát sinh quyền của họ đối với người khác. Đối với chủ thể của tội nhận hối lộ ở khu vực tư, đó phải là người được các tổ chức, doanh nghiệp tín nhiệm giao vị trí công tác hoặc công việc (họ là người lao động trong mối quan hệ với chủ doanh nghiệp) và hành vi nhận lợi ích của họ trong lúc thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện sự bội tín với chủ doanh nghiệp hoặc với tổ chức của mình.

Quy định người có chức vụ, quyền hạn ở khu vực ngoài Nhà nước có thể trở thành đối tượng của các tội phạm về chức vụ như tội đưa hối lộ (Điều 364), tội môi giới hối lộ (Điều 365) trong Bộ luật hình sự năm 2015. Như vậy, trong khi đối tượng tác động của các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ theo Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ là hoạt động thực hiện công vụ của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan đơn vị của Nhà nước thì Bộ luật hình sự năm 2015 đã mở rộng đối tượng tác động của các tội này tới hoạt động thực hiện nhiệm vụ nói chung của tất cả những người có chức vụ, quyền hạn trong và ngoài nhà nước.

Mở rộng phạm vi “của hối lộ”: Khái niệm “của hối lộ”, ở các tội nhận hối lộ (Điều 354), đưa hối lộ (Điều 364), môi giới hối lộ (Điều 365)… “Của hối lộ” hoặc lợi ích được đưa, nhận không chỉ gồm các loại lợi ích vật chất như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác mà còn bao gồm các lợi ích phi vật chất, tức là những lợi ích tuy không quy giá trị thành tiền nhưng có khả năng đem lại sự hài lòng, sự thỏa mãn cho người nhận, do đó có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn, ví dụ: việc khen ngợi trên phương tiện truyền thông, việc quan hệ tình dục, chỗ học tại một trường chuyên cho con cái. Việc mở rộng này phản ánh đầy đủ yêu cầu của Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc về “của hối lộ”, theo đó bất kỳ loại lợi ích nào được đưa, nhận một cách bất chính để thay đổi hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người có thẩm quyền đều bị xem là “của hối lộ”, điểm này phù hợp với thực tiễn lập pháp của nhiều quốc gia trên thế giới[2].

Quy định cụ thể về bên thứ ba hưởng lợi trong các tội phạm về hối lộ: Bộ luật hình sự 2015 quy định cụ thể và trực tiếp vấn đề bên thứ ba hưởng lợi từ hành vi hối lộ. Cụ thể Điều 354 về tội nhận hối lộ và Điều 364 về tội đưa hối lộ đều quy định “của hối lộ” có thể được thụ hưởng bởi chính bản thân người có chức vụ, quyền hạn hoặc cho người khác hoặc tổ chức khác.

Quy định bổ sung hối lộ công chức nước ngoài: Đối tượng tác động của tội đưa hối lộ theo Bộ luật hình sự năm 2015 không chỉ có hoạt động thực hiện công vụ của người có chức vụ, quyền hạn của Việt Nam mà còn bao gồm hoạt động thực hiện công vụ của công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công… Hành vi hối lộ công chức nước ngoài đã chính thức được ghi nhận là một trường hợp của tội đưa hối lộ theo Điều 364 khoản 6. Như vậy, Bộ luật hình sự năm 2015 đã xác định rõ ràng uy tín và hoạt động của các cơ quan, tổ chức quốc tế công và nước ngoài cũng bảo vệ khỏi sự xâm hại của hành vi đưa hối lộ cho công chức quốc tế hoặc công chức nước ngoài.

Thay đổi dấu hiệu định lượng ở một số cấu thành tội phạm: Dấu hiệu định lượng trong cấu thành tội phạm cơ bản của nhiều tội phạm về chức vụ đã có sự thay đổi. Cụ thể đó là sự thay đổi của mức định lượng tối đa của giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị của hối lộ, giá trị của tài sản bất chính hoặc của thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Với tội nhận hối lộ, định lượng về “của hối lộ” đã có sự thay đổi, trong Bộ luật hình sự năm 1999 khung hình phạt cơ bản áp dụng đối với trường hợp “của hối lộ” có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định khung hình phạt này đối với trường hợp “của hối lộ” có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (mức tối đa đã tăng lên 10 lần).

(Trên đây là trích dẫn tài liệu, để xem toàn văn xin tải đính kèm)


[1] Quốc hội (2017), Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của BLTTHS số 101/2015/QH13, Luật tổ chức Cơ quan Điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13, Hà Nội.

[2] Đào Lệ Thu (2015), “Những điểm mới quy định về các tội phạm về chức vụ trong BLHS 2015”, Tạp chí TAND điện tử, TAND tối cao, https://tapchitoaan.vn/bai- viet/phap-luat/nhung-diem-moi-quy-dinh-ve-cac-toi-pham-ve-chuc-vu-trong-blhs- 2015, truy cập ngày 02/4/2021.

Sửa đổi lần cuối Thứ ba, 04 Tháng 7 2023 21:39

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành