Thứ năm, 13 Tháng 7 2023 03:19

Phân tích một số thành tựu và hạn chế trong quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc

     1. Những thành tựu đạt được trong quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc

Trong hơn 30 năm cải cách mở cửa, quá trình đô thị hóa của Trung Quốc đã diễn ra nhanh chóng, dân số đô thị tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hóa tăng mạnh. Từ năm 1978 đến 2013, số lượng và quy mô của các thành phố ngày càng được mở rộng. Hiện nay, số lượng thành phố tăng từ 193 lên hơn 600, 4 thành phố trực thuộc Trung ương, 2 đặc khu hành chính, dần hình thành ba cụm thành phố lớn với tầm ảnh hưởng quốc tế là vành đai Bột Hải, đồng bằng sông Trường Giang, đồng bằng sông Châu Giang. Ba khu vực này đã trở thành đại diện của nền kinh tế Trung Quốc tham gia vào tiến trình hợp tác và cạnh tranh trong môi trường kinh tế quốc tế. Năng lực phục vụ của các công trình công cộng trong thành phố được nâng cao, môi trường sống dần được cải thiện, công cuộc xây dựng đô thị hóa đã đạt được những thành tựu to lớn và đáng kể.

1.1 Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, chất lượng xây dựng đô thị được cải thiện rõ rệt

Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, tỷ lệ đô thị hóa đã được cải thiện rất nhiều và thể hiện xu hướng phát triển đang trên đà tăng tốc. Năm 1949, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc chỉ đạt 10,64 đến năm 1981, tỷ lệ này lần đầu tiên vượt mốc 20% đạt 20,16%; năm 1996, vượt mốc 30%, đạt 30,48%; đến năm 2003, tỷ lệ đô thị hóa vượt mốc 40%, đạt 40,53% cuối năm 2011, vượt mốc 50%, đạt 51,27%; cuối năm 2013 tiếp tục tăng lên 53,37%. Đến năm 2020 tỷ lệ này đã vượt qua mức 60%. Quá trình đô thị hóa của Trung Quốc mất hơn 30 năm để vượt qua mốc 10%, lần vượt mốc thứ hai cần 15 năm, nhưng lần vượt mốc thứ ba chỉ mất 7 năm, lần vượt mốc thứ tư cũng chỉ cần 8 năm. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc đã cao hơn một chút so với tỷ lệ đô thị hóa trung bình của thế giới, theo đó, Trung Quốc cùng đang dần tiến tới một quốc gia có tỷ lệ đô thị hóa cao, giai đoạn từ năm 2021- 2025 Trung Quốc đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa là 65%.

Cùng với việc nâng cao mức độ đô thị hóa thì số lượng dân số đô thị ở Trung Quốc cũng tăng ngày càng nhanh. Năm 1949, tổng dân số của Trung Quốc là 541,67 triệu người, dân số đô thị là 57,65 triệu người. Tháng 01/2010, tổng dân số của Trung Quốc đại lục là 1,337 tỷ người, dân số đô thị là 665,57 triệu người. Đến cuối năm 2013, tổng dân số của Trung Quốc đại lục là 1,361 tỷ người, dân số thường trú tại đô thị đạt đến 731 triệu người. Tính đến năm 2021, tổng dân số của Trung Quốc đại lục là 1,411 tỷ người dân số thường trú tại đô thị là khoảng 750 triệu người và dân số thường trú tại nông thôn khoảng hơn 660 triệu người[1].

Dân số đô thị ngày càng tăng kéo theo số lượng đô thị cũng tăng nhanh chóng. Đến năm 2012, diện tích xây dựng đô thị của Trung Quốc đã được mở rộng tới hơn 40.000 km2, tăng hơn 27.000 km2 so với năm 1990, tức là đã tăng gần hai lần. Số lượng thành phố đã tăng 1949 lên 657, tức từ 136 thành phố vào năm 1949 lên 657, tức là tăng 521 thành phố. Số lượng các thị trấn hành chính đã tăng từ 5.402 thị trấn vào năm 1952 lên đến 19.683 thị trấn vào năm 2012, tức là tăng 14.281 thị trấn. Hiện nay, cả nước Trung Quốc có 30 thành phố có số dân thường trú đạt mức hơn 8 triệu người, trong đó 13 thành phố có số dân trên 10 triệu người. Trung Quốc bước đầu hình thành hệ thống đô thị phát triển đồng bộ nhiều cấp độ, lấy các thành phố lớn làm trung tâm, các thành phố vừa và nhỏ làm xương sống và các thị trấn nhỏ làm cơ sở.

Trong khi số lượng đô thị không ngừng tăng nhanh thì chất lượng đô thị hóa cũng được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng đô thị ngày càng được hoàn thiện, chức năng của đô thị như cư trú, dịch vụ công và dịch vụ xã hội cũng từng bước được kiện toàn. Từ năm 2000 đến 2011, diện tích cung cấp hệ thống sưởi tập trung của đô thị tăng từ 1,11 tỷ m2 lên 4,74 tỷ m2, tức tăng hơn 4 lần; diện tích phủ xanh bình quân đầu người đã tăng từ 3,7 m2 lên 11,8 m2, tức tăng hơn 3 lần; tổng chiều dài đường ống thoát nước đô thị tăng từ 142.000 km2 lên 414.000 km2, tức tăng gần 3 lần; diện tích đường phố bình quân đầu người tăng từ 6,1 m lên 13,8 m, khí đối được sử dụng phổ biến và tăng từ 45,4% lên 92,4%, cả hai chỉ số này đều tăng hơn 2 lần.

1.2. Dịch vụ công không ngừng phát triển, đời sống của cư dân được cải thiện rõ rệt

Các dịch vụ công như giáo dục, y tế và an sinh xã hội cơ bản không ngừng phát triển nhanh chóng, diện bao phủ cũng ngày càng rộng. Từ năm 2002 đến 2010, số nhân viên kỹ thuật y tế trên 1.000 người tăng từ 5,15 người lên 7,62 người, số giường bệnh tại các cơ sở y tế tăng từ 1,96 triệu giường lên 2,07 triệu giường. Từ năm 2001 đến 2011, số người tham gia bảo hiểm hưu trí cơ bản dành cho lao động đô thị tăng từ 114,83 triệu người lên 283,39 triệu người, tức tăng 100,19%; số người tham gia bảo hiểm y tế cơ bản đối với dân cư đô thị tăng từ 72,86 triệu người lên 472,91 triệu người, tăng 549,07%. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp dành cho dân cư đô thị tăng từ 103,55 triệu người lên 143,17 triệu người, tăng 38,26%; số người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tăng từ 43,45 triệu người lên 176,89 triệu người, tăng 307,11%. Số người tham gia bảo hiểm thai sản tăng từ 34,55 triệu người lên 138,8 triệu người, tăng 301,74%.

Từ năm 2001 đến 2010, tỷ lệ phủ xanh đô thị trong cả nước tăng từ 29,5% lên 38,62%. Diện tích công viên, không gian xanh đô thị bình quân đầu người tăng từ 7.73 mở lên 11,18 m2. Đến cuối năm 2011, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 82,6%, tăng 42,6%. Các thành phố trực thuộc tỉnh và các thành phố cấp thấp đều nới lỏng việc quản lý hộ tịch. Các siêu đô thị và thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải không ngừng triển khai các biện pháp mới để cải thiện điều kiện lao động cho lao động nhập cư, bảo đảm an toàn trong sản xuất, mở rộng diện phủ khắp của các loại bảo hiểm như bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí đối với lao động nhập cư, nới lỏng giáo dục nghĩa vụ bắt buộc, nhà ở xã hội. Cùng với việc chính quyền thành phố ngày càng cải thiện năng lực dịch vụ công, công tác cải cách chế độ hộ tịch đô thị cũng đã có những bước tiến thực chất, các rào cản về thể chế làm chậm sự phát triển của đô thị hóa đã dần được dỡ bỏ.

Khi quy mô đô thị được mở rộng, mức độ đô thị hóa được nâng cao, chất lượng cư trú và đi lại của người dân đô thị cũng không ngừng được cải thiện, các hoạt động nâng cấp cơ cấu tiêu dùng với trọng tâm là vấn đề cư trú và đi lại liên tục được đẩy mạnh. Từ năm 2001 đến 2011, số lượng ô tô trên 100 hộ gia đình đô thị đã tăng từ mức chưa đến một chiếc lên 18,6 chiếc, số lượng ô tô cá nhân đã tăng từ 18,2 triệu chiếc lên 93,5 triệu chiếc. Diện tích nhà ở bình quân đầu người cũng tăng từ 24,5 m2 lên 31,6 m2.

Việc nâng cấp cơ cấu tiêu dùng không ngừng giúp thị trường ô tô và nhà ở được mở rộng, dẫn đến sự phát triển bền vững và nhanh chóng của ngành công nghiệp ô tô và ngành xây dựng bất động sản, đồng thời cũng kéo theo sự phát triển của hàng loạt các ngành công nghiệp có liên quan, nhờ đó đã thúc đẩy một cách hiệu quả tiến trình công nghiệp hóa.

Mặt khác, các hoạt động nâng cấp cơ cấu tiêu dùng mà trọng tâm là vấn đề cư trú và đi lại cũng làm tăng nhu cầu về nhà ở, giao thông, cơ sở hạ tầng phụ trợ và yêu cầu về điều kiện thị trường, từ đó thúc đẩy phát triển xây dựng đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

1.3. Tiếp nhận một lượng lớn lao động dư thừa ở nông thôn, thúc đẩy các ngành phi nông nghiệp phát triển, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa quốc gia

Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh đồng nghĩa với việc mỗi năm có một lượng lớn người dân nông thôn vào các nhà máy và thành phố làm việc, bắt đầu tiếp cận lối sống hiện đại của đô thị. Từ một quốc gia với dân số nông nghiệp truyền thống chiếm đa số, Trung Quốc dân phát triển trở thành một quốc gia có hơn một nửa dân số sống trong các đô thị, đây chính là tiêu chí quan trọng chứng tỏ công cuộc hiện đại hóa của nước này không ngừng được cải thiện. Đô thị hóa phát triển đã tạo ra không gian và nền tảng cho các ngành phi nông nghiệp tập trung hội tụ, thúc đẩy kinh tế phát triển liên tục cả về quy mô và hiệu quả. Sự phát triển của đô thị còn thu hút một lượng lớn lao động dư thừa ở nông thôn, cung cấp đủ nguồn lao động cho công cuộc công nghiệp hóa và phát triển ngành dịch vụ, giúp Trung Quốc giành được lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu về phát triển ngành công nghiệp chế tạo, hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc phát triển bền vững với tốc độ cao.

Đặc biệt, kể từ khi thực hiện cải cách mở cửa, đã có tổng cộng 500 triệu người từ các vùng nông thôn đổ về thành phố. Điều này đã thúc đẩy hiệu quả sự lưu thông của các yếu tố sản xuất nông nghiệp, giảm bớt mâu thuẫn nổi cộm về tình trạng người dân nông thôn thiếu đất canh tác. Cho đến nay, trong cơ cấu lao động của ngành công nghiệp Trung Quốc, lao động nông thôn chiếm 58%; trong số lao động của ngành dịch vụ, lao động nhập cư chiếm đến 52%, nhóm lao động này đã trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc. Trong những năm gần đây, có khoảng 10 triệu lao động làm việc ở thành phố đã đem theo vốn, công nghệ, tư tưởng tiên tiến quay trở về quê hương của họ, thay đổi tình hình bất lợi vốn đã kéo dài trong một thời gian dài trước đây khi các yếu tố sản xuất liên tục từ chảy nông thôn về thành phố. Điều này cũng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, xã hội giữa nông thôn với thành thị ngày càng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Công việc ở thành phố đã trở thành cơ hội để nông dân tăng thu nhập phi nông nghiệp và cải thiện đời sống. Thu nhập của những nông dân làm việc ở khu vực phi nông nghiệp thường chiếm đến hơn 40% thu nhập của gia đình họ. Với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị, thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn đều đã được cải thiện đáng kể. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành thị đã đạt 21.986 NDT, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn đạt 7.917 NDT, tăng khá nhiều so với năm 2002. Đến năm 2020, cư dân thành thị kiếm được bình quân 43.834 NDT mỗi năm trong và ở nông thôn con số này chỉ là 17.131 NDT[2]. Đồng thời, trong quá trình đô thị hóa, Trung Quốc cũng trở thành quốc gia xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, từ năm 1981 đến 2005, có tới 250 triệu người Trung Quốc thoát nghèo, chiếm đến 67% số dân thoát nghèo trong cùng kỳ của toàn thế giới. Đến năm 2010, số lượng người nghèo đói cùng cực của Trung Quốc chỉ chiếm 13% trong tổng số đối tượng. này của cả thế giới, Đến năm 2021, đã có tới 770 triệu người nghèo ở khu vực nông thôn Trung Quốc thoát nghèo kể từ khi nước này cải cách mở cửa, chiếm hơn 70% số dân thoát nghèo trên toàn cầu[3].

1.4. Các cụm thành phố dần trở thành hình thái chủ yếu của đô thị hóa, lợi ích tổng hợp tăng mạnh

Nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng nên các khu vực đô thị có sức lan tỏa lớn với nền tảng là các siêu đô thị đã trở thành cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Trung Quốc, là một khu vực quan trọng chi phối sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và tham gia vào cạnh tranh quốc tế, đồng thời làm nổi bật và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện của quốc gia. Sự phân bố của các khu vực đô thị và khu kinh tế trọng điểm của Trung Quốc, trong đó, ba khu vực đi thị lớn Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Trường Giang và đồng bằng sông Châu Giang đã trở thành cực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời cũng là khu vực có những tiến bộ về kinh tế và xã hội rõ nét nhất. Với việc nhà nước thực hiện chiến lược đại khai phá miền Tây và làm cho miền Trung trỗi dậy, các khu vực đô thị ở các địa phương khác của Trung Quốc cũng đang phát triển và lớn mạnh, như khu đô thị bán đảo Sơn Đông, ở bờ Tây eo biển Phúc Kiến, khu đô thị ở khu vực Trung Nguyên của tỉnh Hà Nam. Hiện tại Trung Quốc đang hình thành 10 khu đô thị lớn bao gồm: Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Trường Giang, đồng bằng sông Châu Giang, bán đảo Sơn Đông, khu vực giữa và phía Nam tỉnh Liêu Ninh, khu vực Trung Nguyên, vùng trung lưu sông Trường Giang, khu vực bờ Tây eo biển, Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Quan Trung. Sự hình thành của các cụm thành phố này không chỉ cải thiện đáng kể tỷ lệ đô thị hóa của khu vực sở tại, mà còn thể hiện những đặc trưng mới trong cấu trúc không gian đô thị hóa ở Trung Quốc.

Khu đô thị Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc với trung tâm là thành phố Bắc Kinh và Thiên Tân, bao gồm các thành phố như Thạch Gia Trang, Bảo Định, Đường Sơn, Lang Phường và Tần Hoàng Đảo. Bắc Kinh và Thiên Tân kết hợp chặt chẽ với nhau, dựa vào những ưu thế về khoa học - công nghệ, văn hóa, giao thông của hai thành phố này để xây dựng một thành phố quốc tế mang tính tập trung và kéo theo sự phát triển của các khu vực xung quanh, trở thành một khối đô thị mật độ cao ở miền Bắc Trung Quốc. Khu đô thị đồng bằng sông Trường Giang có trung tâm là thành phố Thượng Hải, trung tâm lân cận là Hàng Châu và Nam Kinh, bao gồm các thành phố như Ninh Ba, Hồ Châu, Gia Hưng, Thiệu Hưng, Chu Sơn, Tô Châu, Vô Tích, Thường Châu, Nam Thông, Trấn Giang, Dương Châu và Thái Châu.

Với nền tảng là mạng lưới giao thông mang tính khu vực như cảng Thượng Hải, cảng Ninh Ba, sân bay quốc tế Phố Đông, tuyến đường cao tốc Thượng Hải - Hàng Châu – Ninh Ba và tuyến đường sắt Trường Giang, Bắc Kinh - Thượng Hải, Thượng Hải - Hàng Châu, khu vực này đã phát triển thành khu đô thị lớn nhất ở Trung Quốc với mức độ phát triển tổng thể đứng đầu các khu vực đô thị của nước này, đồng thời được coi là siêu đô thị lớn thứ sáu trên thế giới. Khu đô thị đồng bằng sông Châu Giang có trung tâm là hai thành phố Quảng Châu và Hồng Công, bao gồm các thành phố như Thâm Quyến, Ma Cao Phật Sơn, Đông Hoản, Huệ Châu, Chu Hải, Trung Sơn Giang Môn, dựa vào các mạng lưới giao thông mang tính Quảng khu vực như cảng Quảng Châu, cảng Victoria, đường sắt Bắc Kinh - Cửu Long và đường sắt Bắc Kinh - Châu, đường cao tốc Quảng Châu - Thâm Quyến, sân bay Thâm Quyến, sân bay Quảng Châu, đã phát triển thành khu đô thị có mối liên hệ với bên ngoài chặt chẽ nhất của Trung Quốc.

Ba khu đô thị lớn này có diện tích là 273.700 km, chiếm 2,85% diện tích đất toàn Trung Quốc, chiếm 13% dân số cả nước (tổng số dân là 160 triệu người), nhưng lại tạo ra 37,4% GDP, thu hút 79% vốn đầu tư nước ngoài, có vai trò quan trọng trong việc phát triển các khu vực thành thị - nông thôn lần cận. Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất khái niệm “tổ hợp đô thị”. Một hệ thống “chạm khảm” đô thị với cấu trúc có trật tự, có chức năng bổ sung lẫn nhau nhằm tối ưu hóa tổng thể, cùng xây dựng cùng chia sẻ đã dần được hình thành.

1.5. Tư tưởng đô thị hóa hoàn toàn mới dần thay đổi

Tư tưởng phát triển đô thị hóa đã trải qua một quá trình thay đổi căn bản, tư tưởng đô thị hóa khoa học quyết định đến mức độ và chất lượng phát triển đô thị. Một trong những thành tựu lớn nhất trong quá trình đô thị hóa của Trung Quốc là việc hình thành một tư tưởng đô thị hóa khoa học đặc sắc Trung Quốc. Tư tưởng này dần được hình thành sau khi trải qua những thay đổi cơ bản ở bốn khía cạnh. Về mục đích và tôn chỉ của sự phát triển, tư tưởng “lấy vật làm gốc” chuyển thành tư tưởng “lấy con người làm gốc”, về phương châm phát triển, tư tưởng “ưu tiên phát triển” chuyển thành tư tưởng “phối hợp phát triển”; về phương thức phát triển, tư tưởng “phát triển theo chiều rộng” chuyển thành tư tưởng “phát triển theo chiều sâu”; về việc xử lý mối quan hệ thành thị - nông thôn, tư tưởng “phân chia thành thị - nông thôn” chuyển thành tư tưởng “quy hoạch tổng thể thành thị - nông thôn”. Dưới sự định hướng của tư tưởng đô thị hóa khoa học, mức độ và chất lượng đô thị hóa ở Trung Quốc đã ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, công cuộc cải cách thể chế thành thị nông thôn cũng đã dẫn được triển khai. Đô thị hóa chính là một cuộc cách mạng lớn trong tư tưởng quan niệm của mọi người dân cũng như trong các mối quan hệ kinh tế – xã hội. Đô thị hóa không những có thể thúc đẩy nông thôn và nông dân thay đổi quan niệm, làm quen với lối sống của đô thị, mà chắc chắn còn thúc đẩy sự chuyển biến trong quan niệm của người dân đô thị Từ đó đẩy mạnh cải cách cơ chế kinh tế đô thị và nông thôn, ví dụ như cải cách trong các lĩnh vực: quy định về hộ tịch thành thị - nông thôn, chế độ việc làm tại thành thị, chế độ giáo dục tại thành thị, chế độ thương mại tại thành thị, chế độ ruộng đất tại nông thôn, hệ thống quản lý hành chính cũng như cải cách thể chế sở hữu nhà nước.

     2. Một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc

Trong quá trình phát triển đô thị hóa một cách nhanh chóng, mặc dù đô thị hóa ở Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn, đồng thời cũng đã tích lũy được một loạt các kinh nghiệm và phương pháp, nhưng cùng với những thay đổi rõ nét trong việc sử dụng các nguồn lực môi trường cũng như những cải cách to lớn trong cấu trúc kinh tế và xã hội, thì trên thực tế, công cuộc xây dựng đô thị hóa ở Trung Quốc vẫn tồn tại một số vấn đề nổi bật, chủ yếu tập trung ở các khía cạnh sau:

2.1. Tỷ lệ sử dụng đất không cao, tài nguyên đất bị lãng phí

Cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, số lượng đất đai mà Chính phủ Trung Quốc thu hồi tăng dần qua từng năm. Đất đai bị thu hồi ngày càng nhiều, đất canh tác liên tục sụt giảm, mâu thuẫn giữa con người và tình trạng sở hữu quyền sử dụng đất vì thế cũng càng trở nên căng thẳng hơn. Năm 2008, đất canh tác của Trung Quốc chỉ còn 1,826 tỷ mẫu Trung Quốc[4] giảm 120 triệu mẫu so với năm 2000. Đến năm 2022 Trung Quốc có 127,87 triệu héc-ta đất canh tác, với diện tích đã giảm 7,5 triệu héc-ta trong 10 năm qua và đang tiến gần đến ranh giới đỏ[5]. Tính trung bình đất canh tác bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng 1,37 mẫu, chưa bằng 40% mức trung bình của thế giới. Nghiêm trọng hơn, trong quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc, tỷ lệ sử dụng đất ở cả thành thị và nông thôn đều không quá cao.

Vì lý do đó, trong quá trình đô thị hóa, tình trạng sử dụng đất đai bừa bãi để xây dựng đô thị vẫn còn rất phổ biến. Nhiều thành phố đã xây dựng rất nhiều quảng trường lớn, con đường lớn và cả những tòa nhà văn phòng lớn, gây lãng phí rất nhiều đất đai. Theo thống kê, trong vài năm qua, chỉ riêng các khu kinh tế mở khác nhau được quy hoạch đã chiếm đến 38.600 km2 diện tích đất toàn Trung Quốc, thậm chí vượt quá tổng diện tích khu xây dựng đô thị, nhưng hầu hết trong số đó đều bị bỏ không, trong đó có đến 57,3% đất bỏ không trong hơn 2 năm. Điều này chủ yếu là do việc thu hồi cưỡng chế đất đai ở nông thôn và phương thức chuyển nhượng đất một lần đã thúc đẩy việc mà rộng đất đô thị trong ngắn hạn. Đồng thời, do chịu áp lực của việc đánh giá thành tích chính trị theo GDP, Chính phủ không tính chi phí đất đai khi xúc tiến đầu tư, khiến mức độ sử dụng đất cho công nghiệp nói chung không cao, làm trầm trọng thêm tình trạng sử dụng đất đai bừa bãi ở đô thị.

Đất nông thôn của Trung Quốc vẫn còn tương đối phân tán. Diện tích đất bình quân mỗi hộ là 0.6 hécta cũng thấp hơn mức trung bình của giai đoạn đầu cải cách mở cửa. Ngoài ra, còn hơn 60% các lô đất có diện tích dưới 0,1 hécta. Mặc dù Luật Quản lý đất nông thôn năm 2003 quy định rằng đất nông nghiệp có thể cho thuê, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp cũng ngày càng gia tăng, nhưng việc kinh doanh tập trung đất đai vẫn diễn ra khá chậm chạp. Hơn nữa, việc thiếu một cơ chế giải quyết hiệu quả khi phân bố đất ở tại nông thôn đã dẫn đến tình trạng một số hộ gia đình ở nông thôn có nhiều đất ở, đất ở bị bỏ không, xây nhà mới không dỡ bỏ nhà cũ ngày càng phổ biến.

2.2. Mô hình phát triển đô thị bừa bãi, môi trường sống ngày càng xấu đi

Mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tính trên 10.000 NDT GDP là 1,03 tấn than tiêu chuẩn, gấp 3 lần mức trung bình của thế giới và gấp 5 lần so với các nước Tây Âu. Đối với mức tiêu thụ năng lượng công nghiệp, 18 ngành công nghiệp có năng lực sản xuất lạc hậu chỉ chiếm 15% - 25% tổng năng lực sản xuất của ngành, nhưng lượng khí thải SO2, COD (Chemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy hóa học dùng trong xử lý nước thải) và CO2 lại lần lượt chiếm tới 86%, 38% và 70% cả nước. Cùng với đó, diện tích xây dựng nhà ở đã hoàn công mỗi năm là khoảng 2 tỷ m2, diện tích nhà ở mới xây chiếm khoảng 50% của thế giới, mức tiêu thụ năng lượng trong xây dựng chiếm hơn 25% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Mô hình phát triển không theo quy hoạch này đã gây áp lực lớn cho việc sử dụng tài nguyên năng lượng và môi trường sống của con người.

Chất lượng không khí tốt theo ngày của 77 thành phố lớn và vừa ở Trung Quốc chỉ đạt 60 ngày. Chỉ số giám sát chất lượng không khí của 33 thành phố trên toàn quốc vượt ngưỡng 300, trong 5 ngày liên tiếp chất lượng không khí ở mức bị ô nhiễm nặng hoặc ô nhiễm nghiêm trọng. trong đó có 2 ngày vượt ngưỡng 500, đạt mức “không thể đánh giá”.

Đồng thời, ô nhiễm nước đô thị đang có xu hướng gia tăng, 82% các con sông của Trung Quốc bị ô nhiễm, 78% các đoạn sông ở đô thị có nước kém chất lượng vượt quá 3 tiêu chuẩn cho phép. Trong số đó, sông Tùng Hoa và sông Hoài Hà bị ô nhiễm ở mức nhẹ, sông Hoàng Hà và sông Liêu Hà bị ô nhiễm ở mức trung bình và sông Hải Hà bị ô nhiễm nặng. Trong số 182 thành phố được khảo sát, có 40,44% thành phố có chất lượng nước tương đối kém, 16,7% là cực kỳ kém, tổng cộng có hơn 57% thành phố ở mức kém. Khảo sát cho thấy, khu vực có nguồn nước ngọt dồi dào như đồng bằng sông Trường Giang và đóng bằng sông Châu Giang, do một lượng lớn nước thải xã vào nguồn nước nên đã dẫn đến tình trạng thiếu nước sử dụng được và suy giảm chất lượng nước. Ví dụ, tại các nhánh của hai con sông này ở Trùng Khánh, khu vực bị ô nhiễm nặng và 6 nhiễm nghiêm trọng lên tới 40%[6].

     3. Tiến trình đô thị hóa đất đai diễn ra nhanh hơn đô thị hóa dân số, tình trạng nông dân mất đất ngày càng nghiêm trọng

Cốt lõi của quá trình đô thị hóa chính là việc đô thị hóa dân số nông thôn. Tuy nhiên, xét về tổng quan, “cơn sốt đô thị hóa” trong những năm qua trên thực tế đã trở thành “cơn sốt xây dựng đô thị”. Diện tích quy hoạch khu vực xây dựng đô thị và diện tích đất đai dùng để xây dựng đô thị đều gia tăng nhanh chóng, nhưng tỷ lệ đô thị hóa dân số lại chưa được cải thiện tương ứng. Trong 21 năm, từ 1990 đến 2011, diện tích quy hoạch khu vực xây dựng đô thị trên toàn Trung Quốc tăng gấp 2,39 lần, diện tích đất dùng để xây dựng đô thị tăng gấp 261 lần, nhưng tỷ lệ đô thị hóa dân số chỉ tăng 0,94 lần. Điều đó có nghĩa là tốc độ mở rộng không gian gấp 2,54 lần tốc độ tăng của đô thị hóa dân số, tốc độ tăng diện tích đất xây dựng đô thị bằng 2.78 lần tốc độ tăng dân số đô thị. Cho tới nay, diện tích quy hoạch khu vực xây dựng đô thị toàn quốc lên tới 94%, diện tích đất dùng để xây dựng độ thị tăng 89%, nhưng tỷ lệ đô thị hóa dân số tăng 55%. Tốc độ mở rộng không gian bằng 2,24 lần tốc độ tăng đô thị hóa dân số. Tốc độ tăng diện tích đất xây dựng đô thị bằng 2,12 lần tốc độ tăng đô thị hóa dân số. Theo tiêu chuẩn quốc tế, tốc độ của đô thị hóa đất đại và tốc độ của đô thị hóa dân số về cơ bản phải tương ứng với nhau, được đo bằng hệ số co giãn tăng trưởng sử dụng đất đai, có giá trị nằm trong khoảng 1 – 1,12. Nhưng trong giai đoạn 21 năm, từ 1990 đến 2011 và 11 năm, từ 2000 đến 2011, hệ số co giãn tăng trưởng sử dụng đất đai ở Trung Quốc lần lượt là 2,02 và 1,78, đều vượt quá tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với thực trạng một số lượng lớn đất đai bị thu hồi và sử dụng, ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện tình trạng rất nhiều nông dân bị mất đất. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện, từ năm 1987 đến 2001, hơn 24 triệu mẫu đất canh tác đã được thu hồi trên toàn quốc, diện tích đất canh tác bình quân đầu người của ít nhất 34 triệu nông dân bị giảm xuống còn chưa đầy hơn 0,3 mẫu hoặc mất trắng hoàn toàn. Nếu xét đến hành vi chiếm dụng đất canh tác bất hợp pháp, thì số dân sở hữu chưa đến 0,3 mẫu đất canh tác/người hoặc hoàn toàn có thể lên tới 40 đến 50 triệu người, chiếm từ 5% đến 6% dân số nông thôn của cả nước, đây là một con số rất lớn. Trong những năm gần đây, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa của Trung Quốc đang được thúc đẩy nhanh chóng thì đất công tại nông thôn bị thu hồi với số lượng lớn, nông dân mất đất đã trở thành một nhóm đặc biệt trong số nông dân và số lượng này càng ngày càng tăng. Theo dự đoán, tổng số nông dân không có đất ở Trung Quốc sẽ lên tới hơn 130 triệu người vào năm 2025. Do tình trạng phạm vi thu hồi đất rộng và bồi thường không đầy đủ ngày càng nghiêm trọng nên chất lượng cuộc sống của những người dân bị thu hồi đất giảm sút, vấn đề thiếu việc làm trở nên nổi cộm. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã khảo sát 2.942 hộ gia đình bị mất đất ở Trung Quốc, kết quả cho thấy mức sống của 46% số hộ bị giảm sút; có 7.187 người lao động sinh sống. trong những hộ mất đất này, chỉ có 2,7% trong số đó nông được tuyển dụng và có tới 20% bị buộc phải sống nhân rồi ở nhà. Hơn 60% kiến nghị của nông dân là có liên quan đến đất đai. Thực trạng một số lượng lớn dân mất đất và thất nghiệp đã trở thành một nhân t quan trọng ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội.

2.4. Đô thị hóa dân số không triệt đế, hiện tượng “bán đô thị hóa” nổi cộm

Kể từ cuộc điều tra dân số lần thứ năm của Trung Quốc vào năm 2000, việc thống kê dân số thành thị và nông thôn được dựa trên nguyên tắc đăng ký thường trú, “những người đã sống tại thôn xóm, thị trấn, khu phố từ 6 tháng trở lên, có hộ khẩu thường trú ở bên ngoài thôn xóm, thị trấn, khu phố” và “những người đã sống ở thôn xóm, thị trấn, khu phố dưới 6 tháng, nhưng đã rời khỏi nơi đăng ký thường trú trong hơn 6 tháng” đều phải đăng ký thường trú tại nơi ở hiện tại. Căn cứ vào hai điều này, đại đa số lao động nhập cư được tính là dân thành thị. Theo tính toán của Trung tâm cải cách phát triển thành thị thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, trong năm 2011, khoảng 270 triệu người có hộ khẩu ở khu vực nông thôn được tính trong dân số thành thị. Mặc dù lao động nhập cư được tính là cư dân thành thị khi thống kê tỷ lệ đô thị hóa, nhưng họ không thuộc dân số thành thị sẵn có trước đó mà họ đã “được nội bộ hóa". Theo nghiên cứu có liên quan, chỉ có 1,7% lao động nhập cư đã định cư ở các thành thị, tỷ lệ đô thị hóa theo hộ tịch thấp hơn gần 20% so với tỷ lệ đô thị hóa theo dân số thường trú. Một lượng lớn lao động nhập cư đã phải thay đổi nghề nghiệp vì chưa có hộ khẩu hợp pháp ở thành thị, không được hưởng các phúc lợi xã hội tương ứng, nên đành miễn cưỡng di chuyển qua lại giữa thành thị và nông thôn mỗi năm. Điều này đã góp phần hình thành hiện tượng “bán đô thị hóa” rất đặc trưng của Trung Quốc.

Căn cứ vào sự khác biệt trong phạm vi thống kê thành thị - nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa có thể được chia thành tỷ lệ đô thị hóa theo dân số thường trú, tỷ lệ đô thị hóa theo hộ tịch và tỷ lệ bán đô thị hóa. Trong đó, tỷ lệ đô thị hóa theo dân số thường trú là tỷ lệ dân số thường trú ở thành thị so với tổng dân số thường trú ở thành thị và nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa theo hộ tịch là tỷ lệ dân số có hộ khẩu thành thị trên tổng dân số thường trú ở thành thị và nông thôn. Tỷ lệ bán đô thị hóa là tỷ lệ dân số thường trú ở thành thị nhưng không có hộ khẩu trên tổng dân số thưởng trú ở thành thị và nông thôn. Nhìn chung, từ năm 1990 đến 2011, tỷ lệ đô thị hóa theo dân số thường trú, tỷ lệ đô thị hóa theo hộ tịch và tỷ lệ bán đô thị hóa của Trung Quốc đều có xu hướng tăng lên tục. Năm 1990, tỷ lệ đô thị hóa theo dân số thường trú là 26,41%, tỷ lệ đô thị hóa theo hộ tịch là 20,89% và tỷ lệ bán đô thị hóa là 5,52%. Trong bối cảnh cải cách ngày càng sâu rộng và tính lưu động của dân số tăng lên, đến năm 2000, tỷ lệ bán đô thị hóa của Trung Quốc đã đạt 10,58%. Sau năm 2000, tỷ lệ đô thị hóa theo hộ tịch tăng với tốc độ chậm hơn rõ rệt so với hai tỷ lệ đô thị hóa còn lại. Năm 2011, tỷ lệ đô thị hóa theo hộ tịch là 34,93%, tỷ lệ bán đô thị hóa cũng cao tới 16,34%. Về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ bán đô thị hóa có tốc độ cao hơn. nhiều so với tỷ lệ đô thị hóa theo dân số thường trú. Nên 1990, dân số thường trú đô thị là 301,95 triệu người

Năm 2011, dân số thường trú đô thị tăng lên 690,79 triệu người, tốc độ tăng là 1,29 lần. Năm 1990, dân số bán đô thị hóa là 60,38 triệu người. Năm 2011, dân số bản đô thị hóa tăng đến 220,21 triệu người, tốc độ tăng trưởng cao tới 2,49 lần.

2.5 Hiệu ứng tập trung của các thành phố lớn quá mạnh, các thị trấn nhỏ phát triển chậm chạp

Một đặc điểm chính của quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và sự tập trung của các hoạt động kinh tế về các thành phố lớn có liên kết chặt chẽ với thị trường quốc tế. Theo thống kê, tại các thành phố có dân số từ 2,5 triệu người trở lên, hoạt động xuất khẩu chiếm 95% tổng hoạt động xuất khẩu của toàn bộ các thành phố của Trung Quốc. Từ năm 2000 đến 2010, trong số 57 thành phố có dân số hơn 1 triệu người, GDP khu vực tăng từ 50,8% lên 58,6%, GDP đô thị tăng từ 32,8% lên 43%. Trong đó vào năm 2010, tổng sản lượng kinh tế của Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến và Thiên Tân đạt 1.000 tỷ USD, tương đương với tổng sản lượng kinh tế của Hàn Quốc. Cùng với đó, thu nhập của người dân đô thị cũng tăng nhanh. Từ năm 2000 đến 2010, GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến tăng từ 35.000 NDT lên 82.000 NDT, của Thượng Hải tăng từ 32.000 NDT lên 66.000 NDT. Về hàm ý chính sách của hiệu ứng tập trung, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy: sự tổn tại của một nền kinh tế tập trung không có nghĩa là thành phố càng lớn thì càng tốt, chính phủ cũng không thể mù quáng hỗ trợ các doanh nghiệp hay cá nhân phát triển và sinh sống tại những nơi có năng suất cao nhất. Bởi vì tập trung cao độ cũng sẽ có những ảnh hưởng không tốt. Khi tốc độ mở rộng kinh tế và tốc độ tập trung dân số tại các thành phố lớn vượt quá tốc độ xây dựng các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng nó sẽ gây ra hàng loạt các “căn bệnh” của thành phố lớn như tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường,...

Ở Trung Quốc, hậu quả trực tiếp của việc phát triển quá mức tại các thành phố lớn là sự giảm sút về vị thế của các thành phố vừa và nhỏ, các thị trấn nhỏ phát triển tương đối chậm. Ở các thành phố có dân số hơn 10 triệu dân và từ 02-10 triệu dân, bất kể là tăng trưởng dân số, tăng trưởng sử dụng đất đô thị hay tăng trưởng GDP đều cao hơn đáng kể số với các thành phố vừa và nhỏ. Theo ước tính, từ năm 2000 đến 2010, quy mô của các thành phố có số dân dưới 500.000 người đã giảm từ 16,6% xuống 14%, GDP của các thành phố trực thuộc tỉnh giảm từ 20,7% xuống 19,4%. Số dân của các thị trấn nhỏ trên toàn quốc độ giảm từ mức cao nhất 27% xuống còn 20,7% trong năm 2010. Ví dụ như tại Trùng Khánh, chỉ số đất xây dựng mới do quốc gia ban hành hằng năm trung bình khoảng 150 km, 93% trong số đó dùng để bảo đảm nhu cầu sử dụng đất ở khu vực đô thị chính của Trùng Khánh và 31 quận huyện, trong khi chỉ số này của hơn 900 thị trấn nhỏ chỉ chiếm 7%. Do thiếu cơ hội phát triển, hỗ trợ công nghiệp yếu kém và cơ sở hạ tầng lạc hậu, việc xây dựng các thị trấn nhỏ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ thu hút dân số nông nghiệp, vì thế đã rơi vào tình trạng phát triển khó khăn.

2.6. “Quy trình hóa” và “tổ ong hóa” quá trình xây dựng đô thị hóa

Trong quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc, một số thành phố chỉ đơn giản coi đô thị hóa là một “quy trình”. Từ những con đường với kiến trúc châu Âu đến các cánh đồng cỏ rộng lớn, từ các tòa nhà cao sát nhau đến các khu xây dựng mới, đều xuất hiện hiện tượng “sao chép” cảnh quan đô thị. Điều này không chỉ dẫn đến việc khó nhận biết và làm mất đi đặc trưng của các thành phố, mà song song với việc tiến hành cái gọi là “đô thị hóa” này, các kiến trúc lịch sử và cảnh quan đô thị của một số thành phố đã bị phá hủy đến mức có khả năng biến mất hoàn toàn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa thông tin, hội nhập đô thị trong khu vực đã trở thành một xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc lại tồn tại những vấn đề như có sự tách biệt giữa các thành phố, các địa phương tự bảo hộ và cạnh tranh khốc liệt với nhau. Chính quyền của tất cả các địa phương đều muốn các thành phố và thị trấn dưới quyền quản lý của mình ngày càng lớn mạnh hơn và thực hiện cát cứ hành chính. Hậu quả trực tiếp của việc này là đã xuất hiện hiện tượng “tổ ong hóa” đô thị. Các thành phố lân cận có kết cấu công nghiệp tương tự nhau, cơ sở hạ tầng xây dựng rập khuôn nhau, cạnh tranh đã giành giật các dự án đầu tư nước ngoài lẫn nhau, từ đó dẫn đến tình trạng nội bộ tự suy yếu.

Mặt khác, một số thành phố đã coi mô hình và thực trạng của các nước phát triển phương Tây như một khung tham chiếu, đòi hỏi quá trình phát triển đô thị của Trung Quốc phải giống với các nước phát triển phương Tây, hoàn toàn lãng quên lịch sử gian khổ đã phải trải qua trong quá trình đô thị hóa, coi “thành phố sinh thái” và “thành phố vườn hoa” là kiến trúc bề mặt một cách phiến diện, xây dựng các quảng trường lớn, các con đường rộng thênh thang, các công viên lớn, gây lãng phí tài nguyên kinh tế; một số thành phố chỉ tập trung đến việc xây mới và phát triển bất động sản cao cấp, bỏ qua việc cải tạo các khu vực tập trung dân cư có thu nhập trung bình thấp như các khu vực cũ và các khu dân nhập cư tập trung; ngoài ra, một số thành phố còn có hiện tượng “ghét nghèo yêu giàu”, nghĩa là cơ sở hạ tầng đô thị ở những thành phố này chỉ xây dựng theo nhu cầu của người dân có hộ khẩu và người giàu, điều này không chỉ kéo giãn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, mà còn nâng cao ngưỡng thu hút nông dân vào thành phố.

 


[1] https://kinhtedothi.vn/trung-quoc-va-ke-hoach-1-3-2-ve-do-thi-hoa.html

[2] https://etime.danviet.vn/bat-binh-dang-thu-nhap-tang-manh-o-trung-quoc

[3] https://vov.vn/the-gioi/ho-so/xoa-doi-giam-ngheo-thanh-tuu-cua-dang-cong-san-trung-quoc-870293.vov

[4] 01 mẫu Trung Quốc = 0,0666667 hécta, tương đương khoảng 122,342 triệu hécta.

[5] https://nongnghiep.vn/chuyen-gia-trung-quoc-tiep-can-lau-dai-de-bao-ve-dat-canh-tac

[6] Ngụy Hậu Khải: Báo cáo đánh giá tổng hợp chất lượng đô thị hóa ở Trung Quốc, Tham khảo nghiên cứu kinh tế, 2020

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 20 Tháng 7 2023 04:23

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành