Thứ ba, 11 Tháng 7 2023 04:05

Tác động của toàn cầu hóa đối với lĩnh vực luật Hiến pháp - hành chính

Tác động của toàn cầu hóa dẫn đến sự thay đổi có tính căn bản nhất không chỉ diễn ra trong các lĩnh vực kinh doanh - thương mại, dân sự, lao động, môi trường mà cả trong lĩnh vực công - lĩnh vực thực thi quyền lực nhà nước và quản trị quốc gia. Những tư tưởng nhân văn về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, nhà nước pháp quyền, dân chủ và và quản trị tốt là những tư tưởng toàn cầu. Theo xác nhận của TS. Nguyễn Văn Quân, trong ba báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì quản trị tốt và dân chủ được xem là điều kiện tiên quyết cho mở cửa thị trường[1]. Các tư tưởng đó đã thực sự có những điểm đến trong hệ thống pháp luật Việt Nam, làm thay đổi diện mạo ý nghĩa và nội dung của các ngành luật như Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.

Nhận thức đạt được về tính tối thượng của Hiến pháp là kết quả của sự tiếp nhận quan điểm có tính pháp quyền về quyền lực của nhân dân và nhu cầu bảo vệ quyền con người một cách có hiệu quả nhất trên cơ sở Hiến pháp - nền tảng pháp lý cao nhất và vững chắc nhất. Sự chuyển dịch trong nhận thức về vị trí tối thượng của Hiến pháp được bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền, cũng như việc khởi xướng xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp[2]. Trên tinh thần đó, Hiến pháp năm 2013 đã đưa ra các quy định “mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý” và “cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đặt ra một loạt quy định mới:

Thứ nhất, xác định bảo đảm tính hợp hiến là một trong những nguyên tắc số một của việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 1, Điều 5);

Thứ hai, xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp (khoản 2, Điều 7);

Thứ ba, quy định coi việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 1, Điều 14);

Thứ tư, xác định tính hợp hiến trong đề nghị về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nội dung hàng đầu của việc thẩm tra, đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh cho Chính phủ trình (Điều 47). Sự tôn trọng Hiến pháp còn được đưa lên thành một nghi thức quốc gia quan trọng, theo đó, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp (khoản 7 Điều 69 Hiến pháp năm 2013). Cũng từ nhận thức mới về Hiến pháp, nên trong quy trình sửa đổi Hiến pháp thì chủ thể của quyền lập hiến đã không còn chỉ là Quốc hội. Thay vào đó, một cơ chế kết hợp giữa quyền lập hiến của Quốc hội với quyền lập hiến của nhân dân đã được Hiến pháp năm 2013 phác họa. Theo đó, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp sẽ do Quốc hội quyết định sau khi bản Hiến pháp đã trải qua một trình tự soạn thảo, lấy ý kiến và được Quốc hội biểu quyết tán thành (Điều 120).

Trong lĩnh vực Luật Hiến pháp: Nếu trở lại với thời kỳ trước đổi mới có thể thấy được một điểm quan trọng khác của thời kỳ đổi mới trong hệ thống pháp lý Việt Nam với việc tiếp thu các giá trị tư tưởng toàn cầu đó là tư tưởng lập hiến - một hợp phần của tư tưởng Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp năm 2013 đã đánh dấu sự thay đổi trong một loạt các quy phạm, chế định, trước hết là chế định quyền con người. Cụ thể, thay vì các tên gọi mà tất cả các bản Hiến pháp trước đó (1946, 1959, 1980, 1992) đã sử dụng đối với chế định này (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) là tên gọi mới: “Quyền con người, quyền công dân”; thay vì vị trí thứ V trong Hiến pháp, chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đã được đặt ở vị trí thứ II. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là ở những giá trị hình thức ấy mà trước hết là ở sự khẳng định việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948; các công ước quốc tế về quyền con người. Với nhận thức mới đó, một loạt quy định được coi là hoàn toàn mới trong luật Hiến pháp Việt Nam như quy định về hạn chế quyền phải trên cơ sở luật và trong những trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng (khoản 2 Điều 14), quy định về quyền sống (Điều 19), nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 31). Tương ứng với việc ghi nhận nguyên tắc về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là việc xác định trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan của Nhà nước tạo điều kiện, bảo đảm cho việc thực hiện các quyền đó cũng như xác định nhiệm vụ bảo vệ từ phía các cơ quan tư pháp (các Điều 102, 107 Hiến pháp năm 2013). Đề cao giá trị quyền con người và xác định nhiệm vụ của các cơ quan công quyền trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người là nét nổi bật nhất của Hiến pháp năm 2013. Quan điểm cốt lõi của chủ nghĩa hiến pháp Việt Nam hiện đại là gắn quyền con người với các chế định khác như đề cao dân chủ, trong đó có dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện (Điều 6 Hiến pháp). Theo đó, thông qua việc thực thi các quyền dân sự, chính trị người dân tham gia vào việc giám sát, kiểm soát hoạt động của công quyền[3]. Chính đó là cơ sở để thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là có giới hạn và phải được kiểm soát (Điều 2 Hiến pháp).

Nói đến những yếu tố của chủ nghĩa hiến pháp hiện đại có sức lan tỏa toàn cầu trong thời đại ngày nay, không thể không nói đến tư tưởng về tổ chức quyền lực nhà nước một cách dân chủ, bảo đảm sự tham gia chính trị của người dân. Do đó, có thể nhận thấy sự chuyển biến tích cực của lĩnh vực Luật Hiến pháp Việt Nam khi lần đầu tiên các hình thức dân chủ trực tiếp được đặt lên vị trí trang trọng (Điều 6 Hiến pháp 2013). Từ đó, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 đã ra đời sau nhiều thập niên tồn tại và phát triển của Nhà nước, là chỉ số của nhận thức đó. Cùng với đó là sự ra đời của một thiết chế mới về bầu cử: Hội đồng bầu cử quốc gia (Điều 117), được hình dung như một thiết chế hiến định độc lập (do Quốc hội thành lập, không nằm trong các thiết chế nhà nước hiện hữu như Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, các cơ quan tư pháp), có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Sự xuất hiện của thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia trong thể chế chính trị Việt Nam phản ánh việc tiếp nhận giá trị dân chủ toàn cầu, theo đó, các cam kết quốc tế về quyền bầu cử, chẳng hạn như về tổ chức bầu cử tự do, công bằng và trung thực thông qua bầu cử phổ thông, tự do, bỏ phiếu kín và trực tiếp, đã trở thành một giá trị quan trọng; làm tăng tính chính danh và mức độ tín nhiệm của chính quyền của một quốc gia[4].

Quan hệ phân quyền theo chiều ngang được xác lập theo nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3 Điều 2 Hiến pháp). Trong khi đó, theo chiều dọc, lần đầu tiên chính quyền địa phương được xác định như là một thiết chế thống nhất gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (Điều 111 Hiến pháp) và đi liền với đó là việc xác định “chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên” (Điều 112 Hiến pháp 2013). Trên cơ sở các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định về chế độ phân quyền cho chính quyền địa phương (Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương) và đây cũng là lần đầu tiên chế độ phân quyền cho địa phương được xác lập trong cấu trúc tổ chức quyền lực nhà nước theo chiều dọc ở Việt Nam. Có thể nói rằng, bằng con đường tiếp cận vấn đề phân quyền cho địa phương (decentralization), Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thực sự bắt nhịp với một xu hướng, một trào lưu rộng khắp trên thế giới. Theo PGS.TS. Vũ Công Giao thì hiện có khoảng 80% số nước đang phát triển đã và đang tiến hành phân quyền dưới những dạng thức khác nhau, có một sự liên hệ có tỉ lệ thuận giữa mức độ phát triển của quốc gia hoặc nhiều quốc gia với hiệu quả của sự phân quyền[5].

Sự dịch chuyển của tư tưởng lập hiến hiện đại ở Việt Nam được nhìn nhận ở việc khởi động xác lập cơ chế bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp với việc gắn Hiến pháp với chủ quyền của nhân dân và cơ chế dân chủ trực tiếp. Đây chính là mấu chốt của sự thay đổi để có thể trở lại với cơ chế được xác lập từ Hiến pháp năm 1946 và đã không tồn tại ở ba bản Hiến pháp sau đó. Cơ chế mà theo đó, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp (Điều 82 Hiến pháp năm 1980 và Điều 83 Hiến pháp năm 1992) đã được thay thế bằng một cơ chế có sự kết hợp giữa thẩm quyền lập hiến của Quốc hội với việc trưng cầu ý dân, tức là với quyền lập hiến của nhân dân (Điều 120 Hiến pháp năm 2013).

Trong số những giá trị dân chủ của thời đại, bản thân chủ nghĩa hiến pháp là một giá trị to lớn. Vì vậy, nói về sự thay đổi trong luật Hiến pháp Việt Nam không thể không nói đến nhận thức mới về vị trí và vai trò của Hiến pháp và ý thức về thượng tôn Hiến pháp trong những năm gần đây.

Hướng tới việc hình thành một cơ chế bảo đảm hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp, các nhà lập hiến Việt Nam đã xác định ba yếu tố có tính nguyên tắc sau đây:

Một là, ghi nhận khả năng về sự vi phạm Hiến pháp.

Hai là, ghi nhận khả năng về việc xử lý vi phạm Hiến pháp.

Ba là, ghi nhận sự cần thiết của một cơ chế pháp lý bảo vệ Hiến pháp (Điều 119 Hiến pháp 2013).

Có thể khẳng định rằng, nếu được “kích hoạt”, sự ra đời và vận hành cơ chế bảo vệ Hiến pháp trên đây sẽ thúc đẩy duy trì và hoàn thiện một cơ chế pháp lý bảo vệ quyền con người hữu hiệu nhất, thể hiện vai trò của chủ nghĩa hiến pháp Việt Nam.

Khi nghiên cứu tác động của toàn cầu hóa trong lĩnh vực luật hành chính cần căn cứ vào quan điểm về quản trị hành chính minh bạch và có trách nhiệm trong một nền hành chính dân chủ là quan điểm phổ quát của thế giới đương đại[6] và đây cũng là một hướng phát triển quan trọng của pháp luật hành chính Việt Nam trong những năm gần đây. Pháp luật hành chính của Việt Nam trong hơn một thập niên trở lại đây đã có những đổi mới theo hướng đề cao các giá trị của thời đại là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Hệ thống các văn bản pháp luật làm cơ sở cho việc thực hiện chủ trương lớn đó của Đàng và Nhà nước là các quy định rất rõ ràng của Hiến pháp, của các đạo luật như Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (năm 2015), Luật Thanh tra (năm 2010), Luật Khiếu nại (năm 2011), Luật Tố cáo (năm 2018), Luật Tiếp công dân (năm 2013), Luật Tố tụng Hành chính (năm 2010), Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), Luật Báo chí (năm 2016), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016); Nghị định số 90/2013 ngày 8/8/2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, v.v… Chẳng hạn, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân” (Điều 8); Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước (Điều 94); Thủ tướng Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Điều 98); Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Chánh án các Tòa án khác do Luật định (Điều 105); Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (Điều 116) v.v… Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội ban hành ngày 6/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 là chỉ dấu hết sức quan trọng trong việc nỗ lực minh bạch hóa quản trị quốc gia ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Các quy định của Luật này hướng vào giải quyết các vấn đề về chủ thể của quyền tiếp cận thông tin, phạm vi thông tin được cung cấp và tiếp cận; trình tự, thủ tục và phương thức tiếp cận thông tin v.v… Các quy định của pháp luật đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trên hai bình diện: trách nhiệm giải trình chủ động (tức là khi cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động cung cấp thông tin và công khai hoạt động của mình) và giải trình bị động (tức là khi việc cung cấp thông tin được thực hiện theo yêu cầu của những người, tổ chức liên quan).

Hướng phát triển thứ hai của pháp luật hành chính Việt Nam dưới tác động tích cực của toàn cầu hóa là tạo ra những cơ sở pháp lý cho việc xây dựng nền hành chính kiến tạo, phát triển trong khuôn khổ của nền hành chính phục vụ. Trước hết đó là việc xác định trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu (Nghị định số 157/NĐ- CP ngày 27/10/2007 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Thứ hai, đó là việc xác định trách nhiệm cung cấp thông tin và dịch vụ công (Nghị định số 43/2011/NĐ- CP ngày 13-6-2011 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên mạng thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, bao gồm dịch vụ cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó ở các mức độ trực tuyến khác nhau. Thứ ba, đó là việc xây dựng hệ thống hành chính công với phạm vi bao gồm việc quản lý các lĩnh vực công cộng nhằm thỏa mãn các nhu cầu của xã hội, cung cấp các sản phẩm công cộng một cách toàn diện, chất lượng tốt và phục vụ tốt[7]. Theo hướng đó, đã có nhiều văn bản được ban hành, trước hết phải kể đến Nghị định số 32/2019/NĐ- CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Từ sự khẳng định, công bằng, công lý và quyền con người là những giá trị có tính toàn cầu cũng như của Cộng đồng ASEAN, những giá trị cần được bảo đảm và bảo vệ trước tác động của toàn cầu hóa, vì vậy, những giá trị này sẽ vẫn tiếp tục là mục tiêu hướng tới của các chế định và quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật quan trọng như luật hiến pháp, luật hành chính, pháp luật về quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia.

Trước hết, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới luật bầu cử nhằm khẳng định trên thực tế tư tưởng về chủ quyền nhân dân, cũng như tư tưởng về công bằng xã hội, các quyền tự do đã được hiến định.

Bầu cử luôn luôn là chế định dân chủ quan trọng và cốt lõi đối với việc bảo đảm công bằng lợi ích và đồng thuận xã hội. Ý nghĩa của bầu cử tự do và công bằng trong tư tưởng pháp quyền là ở chỗ các cơ quan do nhân dân bầu ra phải đại diện cho lợi ích, ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Thông qua bầu cử, các lợi ích xã hội, các khuynh hướng và quan điểm chính trị được bộc lộ và cọ xát lẫn nhau, được phản ánh và tiếp nhận vào trong các chính sách và pháp luật do cơ quan đại diện của nhân dân làm ra và thực hiện.

Nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc trụ cột của chế độ bầu cử ở Việt Nam. Bởi lẽ, sự tham gia đông đảo, tính phổ quát (phổ thông) của bầu cử chưa thể hiện hết được tính dân chủ của chế độ bầu cử. Ở nghĩa rộng, bình đẳng trong bầu cử là sự bảo đảm những điều kiện như nhau cho quá trình bầu cử, chẳng hạn như các điều kiện của cử tri, các đảng chính trị, của các phương tiện tuyên truyền, vận động tranh cử, tài trợ cho vận động bầu cử... Ở nghĩa hẹp, bình đẳng trong bầu cử là nội dung của quyền bình đẳng của các cử tri. Quyền này bao gồm hai nội dung. Nội dung thứ nhất thể hiện nguyên lý: một cử tri có một lá phiếu và không lá phiếu nào có giá trị vượt trội về định tính và định lượng so với các lá phiếu khác. Nội dung thứ hai là yêu cầu về “sức nặng” của tính đại diện: người được bầu làm đại diện phải đại diện cho một số lượng cử tri như nhau, tức là sự bình đẳng trong tỷ lệ đại diện trên số cử tri.

Ở nghĩa đó, chế độ bầu cử theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành theo đơn vị bầu cử cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi.

Nguyên tắc tự do trong bầu cử ở Việt Nam đã từng được hiến định trong Hiến pháp năm 1946 (Điều thứ 17). Nguyên tắc này có mục đích làm cho ý chí của cử tri được phản ánh xác thực, trực tiếp tác động đến kết quả của sự lựa chọn đại biểu. Theo hướng này, cơ chế bầu cử hiện hành thông qua chế độ hiệp thương, bên cạnh những ưu điểm của nó là bảo đảm hài hòa lợi ích vùng miền, cơ cấu thành phần đại diện... cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, cần được đổi mới.

Vì vậy, pháp luật về bầu cử cần được đổi mới theo hướng trở lại với nguyên tắc tự do của Hiến pháp năm 1946 (Điều 17) trong việc lựa chọn đại biểu cho nhân dân, khắc phục bất cập và thiếu bình đẳng trong việc thiết kế các đơn vị bầu cử của lá phiếu cử tri, khắc phục sự bất cập của cơ chế hiệp thương “nặng về khâu cử, nhẹ về khâu bầu”[8] theo hướng coi trọng khả năng bầu cử trực tiếp của cử tri. Những thay đổi này là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia dân chủ trên thế giới đề cao khả năng tham gia của người dân vào quản trị đất nước. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã ghi rõ: “mọi người đều có quyền và cơ hội tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp và gián tiếp” (Điều 25). Hiến chương châu Âu năm 1985 về tự quản địa phương, khi xác định nội hàm của chế độ tự quản địa phương đã coi tiêu chí dân chủ trực tiếp này là tiêu chí bắt buộc, theo đó, quyền quản trị địa phương “được thực hiện bởi các Hội đồng hoặc Hội nghị được xác lập thông qua bầu cử phổ thông tự do, bỏ phiếu kín, trực tiếp và bình đẳng” (Điều 3 Hiến chương).

Cũng như đối với chế định bầu cử, các chế định trưng cầu ý dân, bãi nhiệm đại biểu dân cử là những chế định về các quyền và tự do về chính trị đã có những bước tiến mới trong thời gian qua. Cụ thể là, sau 5 lần được hiến định (Điều thứ 21 Hiến pháp năm 1946, Điều 53 Hiến pháp năm 1959, Điều 100 Hiến pháp năm 1980, Điều 91 Hiến pháp năm 1992, Điều 29 và Điều 74 Hiến pháp năm 2013) lần đầu tiên vào năm 2015 Luật Trưng cầu ý dân đã được ban hành. Mặc dù vậy, có hai vấn đề nổi lên ở đây, trong đó có vấn đề về thực hiện luật và một vấn đề về phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Thứ nhất, nhiều năm qua chưa có một cuộc trưng cầu ý dân nào được tổ chức trên thực tế. Điều đó phải chăng là chưa có nhu cầu thực tế ở nước ta trong việc bảo đảm để nhân dân trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thứ hai, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 chỉ quy định một phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân là tổ chức trong phạm vi cả nước (Điều 7 Luật Trưng cầu ý dân), trong khi đó, phải chăng những vấn đề quan trọng và bức xúc về phát triển kinh tế - xã hội không tồn tại ở các địa phương? Một vấn đề khác cần được chú ý ở đây là, trong khi Hiến pháp năm 2013 không hạn chế mức độ của tầm quan trọng của vấn đề trưng cầu ý dân, thì Luật Trưng cầu ý dân chỉ hạn chế việc tổ chức trưng cầu về những vấn đề “đặc biệt quan trọng” (Điều 6) và bản thân Điều 6 này cũng mâu thuẫn với chính quy định tại Điều 3 của Luật này khi điều này giải thích về khái niệm trưng cầu ý dân. Như vậy, sự thu hẹp khả năng tổ chức trưng cầu ý dân theo các Điều 6 và 7 của Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Trong lĩnh vực hành chính và công vụ thì bảo đảm quyền tiếp cận công vụ là điều kiện cần thiết đối với việc bảo đảm công bằng và quyền chính trị quan trọng của công dân, thực hiện yêu cầu về quản trị tốt. Hiến pháp quy định “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội” (Điều 28). Từ nội dung của quyền công dân quan trọng này, nền công vụ của nước ta phải tạo ra những kênh bình đẳng, minh bạch để thu hút các nhà quản trị thực sự là công bộc của dân; mặt khác, phải có những khả năng để liên kết với xã hội, người dân, doanh nghiệp nhằm tiếp nhận và xử lý yêu cầu, đòi hỏi, xử lý nhanh chóng các bức xúc của xã hội. Những sự cố môi trường như thảm họa do công ty thép Formosa gây ra ở Hà Tĩnh, các sự cố gần đây nhất gây ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho thành phố Hà Nội của công ty nước sạch Sông Đà, vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, sự cố “bức tử” Sông Hậu năm 2016 do hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Giấy Lee Man Việt Nam gây ra v.v… cũng như những vấn đề về quản lý xuất khẩu lao động tự do là những minh chứng cho thấy sự yếu kém của bộ máy công vụ và của đội ngũ công chức mà chắc chắn rằng, một trong những nguyên nhân của nó là sự thiếu công bằng và minh bạch trong các quy định pháp luật về tiếp cận công vụ, trong thực hiện pháp luật về công vụ, công chức. Vì lẽ đó, các chế định pháp luật về công vụ hành chính ở nước ta cần được nghiên cứu để đổi mới theo những hướng như: thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình (giải trình trực tiếp với nhân dân, trước cơ quan dân cử; giải trình trong chính hệ thống công vụ theo các kênh như thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm toán; giải trình trong sử dụng ngân sách vốn và tài sản nhà nước; giải trình theo chiều dọc giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và chính quyền địa phương v.v…); quy định mối quan hệ bình đẳng về pháp lý giữa chính quyền hành chính các cấp theo chức năng và nhiệm vụ được Hiến pháp và luật quy định đồng thời với quy định khả năng áp dụng cơ chế tư pháp trong giải quyết tranh chấp công vụ, trong xử phạt hành chính, hoàn thiện thủ tục tố tụng hành chính hiện nay.

Cần hoàn thiện pháp luật bảo đảm công bằng và hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của đất nước. Tư tưởng công bằng của chế độ pháp quyền đặt ra trong bối cảnh hiện nay ở nước ta sẽ có giá trị và ý nghĩa cho việc bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của quốc gia. Theo những con số của 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm hơn 500 vụ khiếu kiện kéo dài về tranh chấp đất đai, trong số đó có khiếu kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án thu hồi đất có 250 vụ chiếm 50%, tranh chấp đất đai hơn 150 vụ, đòi lại đất cũ có gần 100 vụ, khiếu kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi giấy phép có hơn 30 vụ. Có những vụ việc kéo dài 20 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều bộ, ban, ngành của Đảng và Nhà nước. Các khiếu nại, tố cáo chủ yếu là về các quyết định hành chính về thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất[9]. Những con số và tình hình về quản lý và sử dụng đất đai với tính cách là nguồn lực quan trọng hàng đầu của đất nước cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm tính công bằng, minh bạch của pháp luật quản lý nguồn tài nguyên đất đai. Tình hình tương tự cũng có thể thấy trong các lĩnh vực khác, thuộc phạm vi của quản lý nhà nước, chẳng hạn như trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, một lĩnh vực có nhiều bất cập hiện nay ở nước ta liên quan đến việc phê duyệt chủ trương đầu tư, nguồn vốn, thẩm định các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, đánh giá hiệu quả đầu tư. Thiếu cân đối giữa các lĩnh vực, các khu vực, tính dàn trải, sự lãng phí, tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong các khâu phê duyệt và nghiệm thu dự án đầu tư v.v… đã và đang gây bức xúc trong xã hội và có những hệ lụy tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội[10]. Chẳng hạn, việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hiện nay ngày một tăng với quy mô lớn trong khi Luật Đầu tư không quy định việc đăng ký đầu tư cho những trường hợp này và vì vậy, trong một số trường hợp, do còn những lỗ hổng pháp luật mà chính sách khuyến khích đầu tư đã bị lạm dụng. Biểu hiện phổ biến nhất là hành vi đầu tư kiểu “núp bóng”, đầu tư chui. Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng như Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 cũng chưa có quy định về hoạt động chuyển giá, các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, các biện pháp chống suy thoái nguồn thu. Đây chính là lỗ hổng dẫn đến việc trốn thuế và che giấu phần vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

 


[1] Nguyễn Văn Quân (2007), “Nguồn gốc sự phát triển của quản trị tốt”, trong sách: Quản trị tốt: luận thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, Nội, tr.79.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.126-127.

[3] David Held (2013), Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại (tái bản lần 1), Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.357-360.

[4] Tư pháp bầu cử (2015), Sổ tay của IDEA Quốc tế, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.12.

[5] Vũ Công Giao (2011), “Decentralization: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trên thế giới”, trong cuốn: Phân cấp quản lý nhà nước, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.37.

[6] G.Simon (1993), Philosophy of Democratic Government, First University of Notre Dame Press Edition, pg.19.

[7] United Nations (2015), Responsive and Accountable Public Governance, World Public Sector Report, http://workspace.unpan.org/sites/Internet/Documents/UNPAN95253.pdf, pg3-4.

[8] Thái Vĩnh Thắng (2012), “Những bất cập của chế độ bầu cử hiện nay”, trong sách: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.178-189.

[9] Ủy ban thường vụ Quốc hội (2017), Báo cáo số 263/BC-UBTVQH-13 ngày 5/11/2017 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định bất chính về đất đai, Hà Nội.

[10] Báo pháp luật TP Hồ Chí Minh (2018), Đầu tư công sai, ai chịu trách nhiệm?, Thoa.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành