Thứ năm, 13 Tháng 7 2023 07:14

Khái quát vấn đề ruộng đất ở Nhật Bản

Nhìn chung, quan hệ ruộng đất ở Nhật Bản có thể chia thành ba thời kỳ lớn:

- Thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ hai

- Thời kỳ trong Chiến tranh thế giới thứ hai

- Thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai

1. Thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ hai

Ruộng đất ở Nhật Bản đã được từ nhân hóa rất sớm (vào thế kỷ XIV, ruộng đất ở Nhật Bản đã được tư nhân hóa toàn bộ). Đây là một yếu tố quan trọng để quan hệ ruộng đất vận động theo những quy luật khách quan, góp phần khá quan trọng vào việc sớm chuyển nền kinh tế của Nhật Bản từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, rút bớt lao động nông nghiệp sang cho lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ. Có thể thấy được điều này qua cơ cấu lao động trong các ngành vào tháng 10/1940 (tức thời gian đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai) như sau:

- Lao động trong nông và lâm nghiệp: 13,850 triệu, chiếm 42,6%.

- Lao động trong ngư nghiệp: 0,543 triệu, chiếm 1,7%.

- Lao động trong thương nghiệp: 4,991 triệu, chiếm 15,4%.

- Lao động trong khai mỏ, chế tạo, giao thông 9,985 triệu, chiếm 30,7%.

Như vậy là trước Chiến tranh thế giới thứ hai cả chục năm, ở Nhật số lao động làm nông nghiệp, làm nghiệp đã rút xuống dưới 50%[1].

Tuy nhiên, phương thức canh tác phong kiến vẫn là chủ đạo trong thời kỳ trước chiến tranh, ruộng đất phần lớn nằm trong tay địa chủ.

2. Giai đoạn trong Chiến tranh thế giới thứ hai

Trong thời gian này, phương thức canh tác phong kiến vẫn thống trị. Tuy nhiên, do nhu cầu của chiến tranh, nước Nhật đứng trước mâu thuẫn cần rút nhiều nhân lực phục vụ quân đội, phục vụ chiến tranh, đồng thời lại cần có lương thực để phục vụ cho chiến tranh, bảo đảm sự ổn định trong nước. Tầng lớp địa chủ không đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực cho Chính phủ, vì vậy, năm 1941, Chính phủ đã thiết lập hệ thống quản lý lương thực với những chính sách bảo vệ lợi ích của nông dân, đặc biệt là của tả diễn dưới hình thức kiểm soát giá gạo. Do tầm quan trọng của sản xuất lương thực trong thời chiến, Chính phủ quy định chung giá thu mua thóc là 55 yên một koku (bằng 180,4 kilôlít), đồng thời còn trả thêm cho những người trực tiếp sản xuất mà bán trực tiếp số lúa gạo dư cho Chính phủ (nhưng Chính phủ không trả phụ cấp này khi mua lúa gạo của địa chủ). Như vậy là Chính phủ có sự phân biệt đối xử khi mua lúa gạo của nông dân và địa chủ, như thế đã làm tăng thu nhập thực tế của nông dân, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, hạn chế bóc lột của địa chủ. Giá thu mua thóc vẫn duy trì 55 yên/koku cho đến năm 1945, nhưng phụ giá trả thêm cho nông dân không ngừng tăng lên lúc đầu 5 yên/koku, đến năm 1945 lên tới 245 yên/koku. Như vậy, người trực tiếp sản xuất lúa gạo bán cho Chính phủ thu được 300 yên/koku, trong khi đó địa chủ vẫn chỉ được trả 55 yên/koku.

Bằng cách đó, không cần phải đợi đến cải cách ruộng đất (sau chiến tranh), chế độ lĩnh canh ruộng đất bị thu hẹp lại và nó chủ yếu còn là cái vỏ bên ngoài.

Điều này lý giải tại sao cuộc cải cách ruộng đất ở Nhật Bản sau chiến tranh được thực hiện khá thuận lợi.

3. Thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Nước Nhật bị chiến bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, đất nước rơi vào tình trạng suy thoái, nạn thất nghiệp tăng lên, lao động dư thừa đồ dẫn về nông thôn, tạo nên sức ép về lao động, dân số, đất đai. Có thể thấy qua bảng số liệu sau:

Năm 1940 1947 1950 1955 1960 1965 1970 1975

Số lao động

(triệu người)

14,193 17,812 17,224 16.1 14,3 11,73 10,07 7,35

Việc tăng số lượng lao động trong nông nghiệp - nông thôn đã gây ra một tình trạng căng thẳng hơn về ruộng đất, đồng thời làm cho năng suất cận biên của ngành nông - lâm - nghiệp bị giảm sút lớn. Nhất là khi đó chưa có điều kiện mở rộng nhanh đất đai canh tác và thiếu tiến bộ khoa học - kỹ thuật làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Số liệu trên cho thấy, phải sau 20 năm (1940 - 1960) thì số lao động trong nông - lâm - ngư mới giảm xuống ở mức năm 1940. Tức là khi nền kinh tế hồi phục và phát triển mới tạo điều kiện rút dần lao động ra khỏi nông nghiệp.

Quá trình này cũng chỉ ra một xu thế khi lao động dư thừa dồn về nông thôn thì các loại đất đai canh tác đều được cố gắng khai thác. Tuy nhiên, khi công nghiệp và dịch vụ phát triển, lợi nhuận thu được từ các ngành này cao hơn sẽ làm cho dòng lao động chuyển từ nông nghiệp - lâm nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Khi đó, các loại dất đai khó canh tác, cho năng suất thấp có khuynh hướng bị bỏ không canh tác hoặc chuyển sang sử dụng cho mục đích khác.

Điều đáng lưu ý là quá trình di chuyển lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác thường chiếm tỷ lệ ngày càng tăng là số lao động trẻ tuổi ngoài 20 cũng như số người chủ hộ kiêm quản lý cùng con cái của họ - đó lại là chỗ dựa chính của lực lượng lao động nông nghiệp. Hiện tượng này làm cho lao động trong nông nghiệp có độ tuổi trung bình ngày càng “già”.

Cuộc cải cách ruộng đất lần thứ nhất:

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Nhật đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Mỹ thay mặt cho lực lượng đồng minh. Năm 1945, Bộ Nông - Lâm của Nhật dự thảo một chương trình cải cách ruộng đất với những nội dung chính sau:

- Xác lập quyền sở hữu ruộng đất của nông dân.

- Mỗi địa chủ chỉ được giữ lại 5 chỗ ruộng đất (tương ứng khoảng 5 ha), số ruộng đất còn lại quá số lượng trên buộc phải chuyển nhượng cho nông dân.

- Toàn bộ ruộng đất của địa chủ vắng mặt phải chuyển nhượng cho nông dân.

- Địa tô phải được thanh toán bằng tiền mặt.

Lập “Hội đồng ruộng đất nông nghiệp” gồm 5 đại diện do nông dân bầu ra và 3 đại biểu trung gian được chỉ định. Hội đồng này thực hiện cải cách ruộng đất.

Dự luật này được đưa ra thảo luận tại Nghị viện và bị phản đối gay gắt vì cho rằng trật tự nề nếp lâu đời ở nông thôn vẫn có thể tồn tại (thực chất là muốn lưu giữ chế độ ruộng đất phong kiến). Song, khi đó lực lượng chiếm đóng Mỹ đã đưa ra một bức giác thư ủng hộ việc cải cách. Cuối cùng, đạo luật được thông qua với đôi chút sửa đổi và quy định là có hiệu lực từ tháng 4-1946.

Trên thực tế, do bị các lực lượng muốn bảo lưu chế độ ruộng đất cũ cản trở nên công cuộc cải cách ruộng đất lần này chỉ mới làm được một số nội dung thanh toán địa tô bằng tiền mặt, xác định giá đất nông nghiệp, còn những nội dung khác hầu như chi tồn tại trên giấy tờ. Như vậy, trên thực tế đạo luật này không đáp ứng yêu cầu của giác thư mà lực lượng chiếm đóng Mỹ đưa ra.

Cuộc cải cách ruộng đất lần thứ hai:

Lực lượng chiếm đóng đưa ra một giác thư thứ hai với nội dung nghiệt ngã hơn, buộc phía Nhật phải cải cách triệt để. Căn cứ vào giác thư này Bộ Nông - Lâm nghiệp Nhật đã thảo ra nội dung cai cách ruộng đất lần thứ hai gồm:

- Xác lập, củng cố quyền sở hữu ruộng đất của nông dân nhằm làm giảm nhẹ địa tô.

- Việc chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất thuộc thẩm quyền Chính phủ.

- Củng cố quyền sử dụng ruộng đất.

- Hủy bỏ quyền sử dụng ruộng đất thuộc thẩm quyền của Nhà nước.

Ban hành sắc lệnh riêng về việc xác lập quyền làm chủ của nông dân trong cả nước nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Xác định vai trò của Nhà nước trong việc mua và bán ruộng đất, mua và bán đất không canh tác, mua và bán đất đồng cỏ.

Tất cả ruộng đất của địa chủ vắng mặt và phần ruộng đất lớn hơn 1 chỗ, tức là 1 ha (ở vùng nhiều ruộng như Hokkaido nếu vượt quá 4 chò), Nhà nước thu lại để nhượng cấp cho nông dân, nếu địa chủ có mặt ở nông thôn sẽ được Chính phủ mua lại để phân phối cho tá diễn đang phải lĩnh canh ruộng đất.

Tổ chức “Ủy ban đất đai nông nghiệp” để tiến hành cải cách gồm: 5 đại diện của tá điền, 2 đại diện của nông dân, 3 đại diện trung gian.

Cuộc cải cách bị một số địa chủ chống đối, đưa ra kiện tụng trước tòa, nhiều địa chủ bắt Nhà nước bồi thường. Song tại tòa án tối cao cải cách ruộng đất được ủng hộ năm 1946, Chính phủ trả các khoản bồi thường cho địa chủ, từ đó không có sự phản đối nữa. Cuộc cải cách ruộng đất đã hoàn thành vào năm 1948 và đã đưa lại kết quả thay đổi về quan hệ ruộng đất như sau:

Bảng: Thay đổi quan hệ ruộng đất sau cải cách

Vùng Tổng diện tích gieo trồng (1.000 chò) Diện tích do tá điền canh tác (%)
Tháng 11-1946 Tháng 8-1950
Hokkaido 726 48,7 6,7
Tohoku 823 48,2 8,4
Kanto 874 50,6 12,5
Hokuriku 426 49,4 9,1
Tozan 298 43,4 10,3
Tokai 343 50,5 12,4
Tinki 352 44,9 13.6
Chugoku 398 40,3 10,2
Shikoku 220 43,5 10.0
Kyuchu 706 41,0 10,3
Tổng 5.156 45,9 10,1

Như vậy, cải cách ruộng đất đã làm sụp đổ hệ thống địa chủ, chế độ phát canh thu tô chiếm 50% tổng diện tích trước chiến tranh, sau cải cách chỉ còn 10%. Hầu hết nông dân đã là chủ nhân của ruộng đất, quyền sở hữu ruộng đất đã trở thành động lực kích thích mạnh mẽ nông nghiệp phát triển (hầu hết các quận đều tăng năng suất thóc lúa, có quận như Hokkaido tăng 74% so với thời kỳ 1930 - 1934, hay 32% so với thời kỳ 1939 - 1943), mở rộng sản xuất và lưu thông hàng hóa, tăng nhanh tích lũy của nông dân. Người nông dân có ruộng đất, tư liệu sản xuất, kỹ thuật canh tác tiên tiến đã thực sự trở thành một tầng lớp xã hội quan trọng trong xã hội Nhật Bản. Sau khi được quyền sở hữu ruộng đất, người nông dân tiến hành việc cải tạo lại quy mô ruộng đất gieo trồng kết hợp với áp dụng kỹ thuật canh tác mới để tăng năng suất nông nghiệp.

Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất, Nhật Bản đã ban hành Luật đất đai nông nghiệp và Luật về những biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm quyền sở hữu ruộng đất của người dân cày nhằm bảo đảm thành quả của cải cách ruộng đất, kể cả việc hạn chế hình thức phát canh thu tô, ngăn ngừa việc khôi phục chế độ bóc lột phong kiến.

Bắt đầu từ năm 1957, nhiều tập đoàn nông nghiệp được hình thành (nội dung ban đầu chủ yếu là các hoạt động hợp tác nhằm tạo điều kiện phân bổ các nguồn lực và thu thuế), sau đó Bộ Nông - Lâm coi đây là các hình thức hợp tác xã nông nghiệp. Bộ quyết định cho phép các tập đoàn này có quyền sử dụng đất đai nông nghiệp dựa trên cơ sở những hợp đồng thuê đất trên cơ sở thừa nhận quyền sở hữu đất đai của nông dân. Vì vậy, đến năm 1962, luật đất đai nông nghiệp được sửa đổi, giúp cho các hợp tác xã có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng quy mô canh tác, có quyền bố trí sử dụng ruộng đất nhằm nâng cao tính cơ động và linh hoạt sử dụng đất đai.

Nhằm đối phó với tình trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp do sử dụng vào các mục đích khác, năm 1969, Chính phủ Nhật đã ban hành Luật về tổ chức lại ngành nông nghiệp đối với những vùng cần phát triển. Luật này xác định những vùng chuyên canh để phát triển nền nông nghiệp của cả nước một cách tổng hợp, sử dụng đất đai một cách có hiệu quả cao. Nhiều biện pháp được để ra nhằm hạn chế việc sử dụng đất đai nông nghiệp vào các mục đích khác, đồng thời thực hiện chế độ thuế ưu đãi nếu sử dụng đất đai khác vào mục đích nông nghiệp. Năm 1989, Nhật đã ban hành điều luật đẩy mạnh sử dụng đất nông nghiệp, điều luật này có một vị trí quan trọng trong việc hoàn thiện và phát triển cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với một nước đất chật người đông, đất nông nghiệp lại quá ít ỏi.

Để sử dụng đất một cách có hiệu quả, đồng thời nâng cao độ phì của đất, ngay từ 1945, Chính phủ Nhật đã ra tuyên bố về việc thực hiện một chương trình cải tạo đất, dự kiến cải tạo 1.550.000 ha và bố trí định cư cho 1 triệu hộ gia đình trong thời gian 5 năm.

Năm 1949, Chính phủ Nhật ban hành Luật cải tạo đất. Do ruộng đất đã thuộc sở hữu của tuyệt đại đa số nông dân, cho nên công cuộc cải tạo đất lần này được nông dân trực tiếp tiến hành và giữ vai trò chủ đạo, đồng thời có sự giúp đỡ tài chính của Nhà nước.

Cơ cấu ruộng đất của hộ nông dân:

Khái niệm về kinh tế hộ nông dân ở Nhật Bản có sự thay đổi gắn với quá trình phát triển. Nếu xét về quy mô ruộng đất thì kể từ năm 1990, hộ bình thường là hộ có quy mô canh tác từ 1.000 m2 trở lên (ở phía Tây là 500 m), còn “hộ ngoại lệ” là hộ canh tác dưới 1000 m2 (ở phía Tây là dưới 600 m2) nhưng có giá trị sản phẩm từ 250.000 yên/năm trở lên (mức giá trị sản phẩm tối thiểu của hộ ngoại lễ cũng được nâng lên theo thời gian: 50.000 yên những năm 1970 - 1974: 70.000 yên những năm 1975 - 1979; 100.000 yên những năm 1980- 1989; 150.000 yên năm 1990).

Kinh tế hộ gia đình được chia làm hai loại (có tính chất tương đổi): Loại hộ “hàng hóa” (sản phẩm làm ra chủ yếu để bản) và loại hộ “không hàng hóa”. Hộ hàng hóa có quy mô canh tác thưởng từ 3.000 m2 trở lên hoặc có giá trị sản phẩm từ 500.000 yên trở lên.

Năm 1990, số hộ nông dân trong cả nước còn 3.739 triệu hộ (1985: 4,120 triệu hộ), trong đó số hộ “không hàng hóa” là 0,855 triệu chiếm 23%, số hộ “hàng hóa” là 2.884 triệu hộ, chiếm 77% tổng số hộ nông dân. Diện tích đất đai bình quân một hộ nông nghiệp như sau:

Diện tích (ha) 1975 1985 1990

Tổng số đất canh tác:

Trong đó:

2,288 2,697 2,788
- Đất lúa 1,131 1,260 1,311
- Đất thổ cư 0,650 0,717 0,756
- Đất khác (m2) 770 880 930

Như vậy, chúng ta thấy rằng, quy mô ruộng đất của một hộ sau 15 năm tăng không nhiều, đặc biệt đất canh tác và đất lúa; nhưng giá trị sản phẩm của một hộ làm ra không ngừng tăng lên, điều đó được biểu thị ở giới hạn thấp nhất của hộ ngoại lệ có giá trị sản phẩm bán ra đã tăng từ 100.000 yên lên 150.000 yên (tức 1,5 lần) trong vòng 10 năm (1980 - 1990). Như vậy, để trở thành hộ hàng hóa nói chung phải có một quy mô ruộng đất canh tác thích hợp. Tuy nhiên, những nông trại quy mô nhỏ vẫn hoàn toàn có thể phát triển sản xuất hàng hóa nhờ đẩy mạnh thâm canh với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ tiên tiến.

Số hộ làm lâm nghiệp năm 1990 là 1,850 triệu hộ (kể cả số hộ có dưới 1 ha rừng không kể đất khác hộ tự sản xuất - kinh doanh rừng hoặc hộ thuê làm rừng). Trong đó số hộ làm lâm nghiệp có từ 1 ha trở lên phân bổ như sau:

- 1 đến dưới 5 ha có 777. 207 hộ 5 đến dưới 20 ha có 229.941 hộ.

- 20 đến dưới 50 hạ có 37. 958 hộ 50 đến dưới 100 ha có 7.400 hộ

- 100 đến dưới 500 ha có 3.376 hộ. trên 500 ha có 378 hộ.

Như vậy, khác với trong nông nghiệp, trong lâm nghiệp, quy mô kinh doanh có sự khác nhau đáng kể giữa các loại hộ. Trong nghề lâm nghiệp, tính chất chuyên canh đòi hỏi cao hơn nông nghiệp, nhưng tính thời vụ và sự phụ thuộc vào thời tiết lại không ngặt nghèo như trong nông nghiệp do đó quy mô canh tác có thể mở rộng lớn hơn trong khuôn khổ của kinh doanh hộ gia đình.

Thực tiễn của Nhật cũng chỉ ra rằng bằng các cuộc cải cách ruộng đất hợp lý đã xóa bỏ chế độ bóc lột phong kiến trong nông nghiệp, đồng thời bằng các chính sách hợp lý vừa thực hiện hạn điền lại vừa tạo điều kiện cho ruộng đất tích tụ tập trung cho sản xuất hàng hóa. Song không hề có quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, không có quá trình bần cùng hóa nông dân. Thực tiễn ở Nhật cũng chỉ ra rằng, kinh tế hộ nông dân hoàn toàn có thể hiện đại hóa chuyển sang sản xuất hàng hóa dù quy mô ruộng đất canh tác nhỏ (trên dưới 1 ha), thực hiện được quá trình rút lao động ra khỏi nông nghiệp một cách hợp lý và thực hiện sự phân công lại lao động xã hội ở nông thôn, đồng thời xây dựng một nông thôn kinh tế - sinh thái - xã hội hài hòa. Cần lưu ý một điều quan trọng sau đây: Vai trò rất quan trọng của Nhà nước trong việc xác lập chế độ sở hữu đất đai hợp lý, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể đất chật người đông của Nhật Bản, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù xác lập sở hữu ruộng đất cho hộ nông dân, nhung Nhà nước vẫn có quyền can thiệp khá sâu vào quan hệ sở hữu đất đai, như vai trò của Nhà nước trong việc cho mua và bán ruộng đất, mua và bán đất không canh tác, mua và bán đất đồng cỏ; việc chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất thuộc thẩm quyền của Chính phủ... Điều đó nói lên một chế độ sở hữu tư nhân có điều kiện (hay gọi là hạn chế) về đất đai.

Ngày nay, nước Nhật đang gặp khó khăn vì đã bắt đầu có hiện tượng các nông trại ở nông thôn không có người thừa kế, lao động nông nghiệp đang ngày càng già đi. Nước Nhật đang tìm cách giải quyết vấn đề này theo hướng tự động hóa cao độ ngành nông nghiệp, đồng thời xây dựng cuộc sống ở nông thôn vừa gắn với thiên nhiên vừa đáp ứng những nhu cầu của đời sống hiện đại. Đối với Nhật Bản, nông nghiệp không phải là ngành sinh lãi, thậm chí Nhà nước còn phải trợ giá rất lớn, nhưng nông nghiệp vẫn là một cơ sở để ổn định xã hội, bảo đảm an ninh lương thực. Do đó, Nhà nước vẫn kiên quyết bảo trợ cho nông nghiệp phát triển.

 


[1] Kevin Cahill: Who owns the world: The hidden facts behind the landownership? Mainstream Publishing, 2006

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành