Thứ sáu, 18 Tháng 8 2023 03:37

Khái quát sự hình thành khuôn khổ pháp lý đảm bảo việc sử dụng công bằng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông

1. Khái quát về sông Mê Kông quốc tế

1.1. Đặc điểm tự nhiên của sông Mê Kông

“Sông Mê Kông là sông dài nhất ở Đông Nam Á và là sống quốc tế đứng thứ 12 trên thế giới về tổng chiều dài - sông dài 4.200 km, và đứng thứ 10 trên thế giới về lưu lượng dòng chảy. Sông bắt nguồn từ Cao nguyên Ti-bét ở Trung Quốc, với độ cao 16.400 feet (khoảng 5.000 m) trên mực nước biển.”[1]

Từ nguồn, sông Mê Kông chảy qua lãnh thổ của Mi-an-ma, Lào, Thái Lan, sau đó sông Mê Kông tạo nên đường biên giới giữa Lào và Thái Lan lần thứ hai. Rời khỏi lãnh thổ Lào, sông chảy vào Cam-pu-chia, đến Phnôm-Pênh sống được chia làm hai nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy vào nước ta trước khi đổ ra Biển Đông thông qua nhiều phân lưu với những cửa sông khá rộng.

“Trên thế giới có 214 sông và hồ quốc tế, nhưng chỉ có chín sông được chia sẻ bởi sáu quốc gia trở lên và sông Mê Kông là một trong số chín sông đó"[2].

“Khu vực tập trung nước hay gọi là lưu vực của sông Mê Kông có diện tích 795.000 km bao gồm một phần của Trung Quốc, Mi-an-ma, một phần ba của Thái Lan, toàn bộ của Lào và Cam-pu-chia, một phần năm của Việt Nam"[3].

Như vậy lưu vực sông Mê Kông gồm có 6 quốc gia cùng chia sẻ nguồn nước chung là Trung Quốc, Mi-an-ma, Lào, Thái Lan. Cam-pu-chia và Việt Nam.

“Hạ lưu vực sông Mê-Công bắt đầu từ khu "Tam giác vàng" là biên giới giữa Mi-an-ma, Lào, Thái Lan tới cửa sông của Việt Nam với tổng chiều dài là 2.400 km."[4]

“Khu vực tập trung nước của hạ lưu vực sông Mê-Công là 607.000 km chiếm 77% tổng diện tích của toàn lưu vực, trong đó Lào: 222.900 km, Cam-pu- chia: 158.000 km, Thái Lan: 182.000 km", Việt Nam 65.000 km”[5].

Như vậy hạ lưu vực sông Mê Kông chỉ bao gồm 4 quốc gia: Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Việt Nam.

Từ thế kỷ 19 trở về trước, người dân xung quanh khu vực sông Mê Kông hầu như không biết đến toàn bộ con sông này, trừ những đoạn sông chảy qua khu vực họ đang sinh sống. “Vì vậy sông Mê Kông có những tên gọi khác nhau: ở Ti- bét Trung Quốc gọi là sông Nậm-chu, ở Thái Lan gọi là sông Mê-Com, ở Cam- pu-chia gọi là Tonle Thom hay sông Cửu Long (sông Chín Rồng) ở Việt Nam”[6].

Dòng chính của sông Mê Kông và các phụ lưu có liên quan chặt chẽ đến lượng mưa, trong suốt mùa mưa sông Mê Kông chứa một khối lượng nước khổng lỗ thường xuyên gây lũ lụt cho hạ lưu (từ tháng 6 đến tháng 11); trong mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5) nước sông Mê Kông lại bị suy giảm tạo nên sự thiếu hụt nước. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp của người dân vùng lưu vực sông Mê Kông.

1.2. Vai trò của sông Mê Kông đối với một số nước lưu vực

Sông Mê Kông, cũng giống như tất cả những con sông trên thế giới, là nguồn cung cấp nước ngọt cho những nhu cầu thiết yếu của con người và cho những mục đích sử dụng khác. Ngoài ra, sông Mê Kông còn có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trong lưu vực.

Đối với Thái Lan, với tốc độ phát triển nền kinh tế của mình, Thái Lan rất cần đến sức nước của sông Mê Kông để xây dựng thuỷ điện. Ngoài ra, là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới cho nên Thái Lan cũng cần rất nhiều nước để tưới tiêu cho những cánh đồng rộng lớn. Hơn một nửa vùng đất có thể trồng trọt được của Thái Lan nằm ở vùng Tây Bắc ngoài lưu vực Mê Kông bị thiếu nước. Vùng Đông Bắc Thái Lan là bình nguyên rộng lớn, có gần 10 triệu ha đất nông nghiệp trong đó hơn 6 triệu ha đất trồng lúa, số lượng dân cư đông nhưng mưa ít, đất đai cằn cỗi, nước ở các phụ lưu sông Mê Kông khai thác chỉ tưới được khoảng 1 triệu ha.

Hiện nay Thái Lan đang triển khai những kế hoạch phát triển vùng Đông Bắc trong vài thập kỷ tới, vì vậy sẽ có nhu cầu lớn về việc chuyển nước từ sông Mẽ Kông cho những mục đích sử dụng nông nghiệp và công nghiệp.

Đối với Lào, là quốc gia có tỉ trọng trữ lượng nước và tiềm năng thuỷ điện lớn nhất trong số bốn quốc gia lưu vực (Lào: 12.200 MW, Thái Lan 390 MW, Cam-pu-chia 1.200 MW, Việt Nam 2.300MW). Do tiềm năng thuỷ điện trên những phụ lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ của Lào lớn cho nên Lào đã tiến hành sử dụng nước bằng việc xây dựng công trình thuỷ diện để xuất khẩu cho một số quốc gia trong lưu vực. Từ đầu thập niên 70, Lào đã xây dựng trên phụ lưu sông Mê Kông nhà máy thuỷ điện Nậm Ngừm để bán điện cho Thái Lan.

Đối với Cam-pu-chia, thiên nhiên phú cho Cam-pu-chia phần lưu vực Mỹ Công với nguồn tài nguyên đã dùng về đất và nước (3 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó 1,8 triệu hạ trống lúa). Cam-pu-chia có Biển Hồ thuộc phụ lưu của sông Mê Kông là nơi điều hoà nước trong mùa lũ và chứa nước trong mùa khô nên nước này không bị gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của sông. Ngoài ra Biển Hồ chứa một khối lượng cũ khổng lồ cung cấp cho người dân sống xung quanh khu vực và đề xuất khẩu.

Đối với Việt Nam, sông Mê Kông đã bồi đắp phù sa hàng năm cho 3,9 triệu ha đất thuộc đồng bằng sông Cửu Long - là hạ lưu châu thổ sông Mê Kông, làm cho chất lượng đất ở đây rất thuận lợi cho cây lúa và các loại cây nông nghiệp khác phát triển. Chính vì vậy mà khu vực này đã trở thành một vựa thóc lớn, cung cấp lương thực chủ yếu cho các tỉnh phía Nam nói riêng cũng như trên cả nước nói chung.

Tóm lại, bốn quốc gia lưu vực đều rất quan tâm đến việc sử dụng tài nguyên nước sông Mê Kông do những nhu cầu khác nhau. Như “Cam-pu-chia cần nước để tưới, Lào cần nước để xây dựng thuỷ điện, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, Thái Lan cần nước để tưới cho đất đai ở vùng đông bắc, Việt Nam muốn tăng lưu lượng dòng chảy của nước trong mùa khô để hạn chế sự xâm nhập mặn vào đồng bằng châu thổ sông Cửu Long"[7].

Cũng chính do những nhu cầu khác nhau giữa bốn quốc gia hạ lưu cho nên mỗi quốc gia có sự quan tâm khác nhu đến quá trình sử dụng và phát triển tài nguyên nước riêng. So với ba quốc gia hạ lưu, Thái Lan có nền kinh tế phát triển hơn cả, lại nằm ở vị trí địa lý thuận lợi là ở đầu nguồn hạ lưu sông Mê Kông nền Thái Lan có nhiều ưu thế trong quá trình sử dụng nước. Tiếp theo là Lào, Cam- pu-chia và cuối cùng là Việt Nam. Nước ta ở vị trí địa lý bất lợi nhất, nằm ở cuối hạ lưu vực sông Mê Kông trước khi chảy ra Biển Đông nên phải gánh chịu mọi ảnh hưởng của sông, mùa kiệt nước mặn từ biển xâm nhập vào châu thổ, mùa lũ nước dâng cao ngập cả đóng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên trong quan hệ quốc tế, lợi ích giữa các quốc gia thường đan xen với nhau, mặt khác đối với sông Mê

Kông Thái Lan là quốc gia thuận lợi hơn Lào, Cam-pu-chia, và Việt Nam nhưng cũng thuộc hạ nguồn Trung Quốc và Mi-an-ma nên Thái Lan rất muốn hợp tác với ba quốc gia hạ lưu để dảm bảo cho quá trình sử dụng tài nguyên nước của mình.

Quá trình hợp tác để sử dụng và khai thác tài nguyên nước sông Mê Kông với đầy đủ 4 nước thành viên tham gia là vào năm 1957. So với một số lưu vực sống quốc tế khác trên thế giới, lưu vực sông Mê Kông hợp tác muộn hơn do tình hình bất ổn định về chính trị trong khu vực, tuy nhiên 4 quốc gia đã bước đầu tạo nên một khuôn khổ pháp lý quốc tế đảm bảo cho việc sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông.

2. Quá trình hợp tác giữa các quốc gia trong việc sử dụng công bằng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông

Lưu vực sông Mê Kông có sáu quốc gia cùng chia sẻ tài nguyên nước chung, nhưng hai quốc gia ở thượng lưu là Mi-an-ma và Trung Quốc không đồng ý hợp tác và tham gia ký kết những hiệp ước quốc tế liên quan đến việc sử dụng tài nguyên nước với 4 quốc gia hạ lưu. Bởi vì Mi-an-ma và Trung Quốc cho rằng tài nguyên nước của sông Mê Kông thuộc chủ quyền tuyệt đối mà họ được hoàn toàn sử dụng và khai thác không cần phải có sự đồng ý hay sự hợp tác của các quốc gia cùng lưu vực. Cho nên sự hợp tác trong lưu vực Mê Kông chỉ diễn ra trong 4 quốc gia hạ lưu là Thái lan, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam

Sự hợp tác giữa 4 quốc gia hạ lưu trong việc sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là từ khi Thực dân Pháp xâm chiếm các nước Đông Dương đến năm 1957 (thời điểm thành lập Uỷ ban Mê Kông 1957). Giai đoạn thứ hai là từ năm 1957 đến năm 1995 (khi thành lập Uỷ hội Mẹ Công 1995).

2.1. Giai đoạn trước năm 1957

Ở thời gian này, giao thông thuỷ trên sông Mê Kông luôn là vấn để quan trọng hàng đầu đối với Thực dân Pháp ở Đông Dương, vì Pháp nhận thấy sông Mê Kông là cầu nối trao đổi buôn bán và thương mại giữa các nước Đông Dương thuộc Pháp với Trung Quốc. Cho nên một thời gian sau khi Pháp xâm lược nước ta từ năm 1863 đến năm 1926, những hiệp ước do Pháp ký kết với Chính phủ Xiêm (Thái Lan ngày nay) lúc đó chỉ liên quan đến giao thông thuỷ.

Bắt đầu từ năm 1926, những hiệp ước quy định về vấn đề sử dụng nước cho mục đích khác ngoài giao thông thuỷ mới dần dần được xuất hiện. Văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên là Công ước giữa Pháp và Xiêm quy định về quan hệ của Xiêm với các nước Đông Dương ngày 25/8/1926. Công ước này quy định các nước Đông Dương và Xiêm đều có quyền đánh bắt cá trên sông, tuy nhiên các quốc gia chỉ được sử dụng những công cụ đánh bắt thủ công và trên tầu cỡ nhỏ.

Công ước Pa-ri về hoạt động giao thông thuỷ trên sông Mê Kông ngày 29/12/1954 đã quy định một nguyên tắc chung việc sử dụng nước cho những mục đích công nghiệp và nông nghiệp. Điều 4 Công ước quy định: “Tuân theo những quy định của hiệp ước về giao thông thuỷ, các quốc gia ven sông công nhận cho các quốc gia khác quyền sử dụng trên lãnh thổ của họ, nước sông Mê Kông, các phụ lưu và những luồng giao thông thuỷ cho những mục đích công nghiệp và nông nghiệp”.

Như vậy trong những năm 50, ngoài vấn đề sử dụng nước sông Mê Kông truyền thống là cho giao thông thuỷ, các quốc gia lưu vực sông Mê Kông đã quy đình những hình thức sử dụng khác phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp và đánh cá. Tuy nhiên những quy định này chỉ là quy định phụ, còn quyền ưu tiên vẫn là sử dụng cho mục đích giao thông thủy,

Trong thời kỳ này, để hợp tác chặt chẽ trong việc sử dụng tài nguyên nước chung các quốc gia đã 3 lần thành lập tổ chức Mê Kông quốc tế vào các năm: Năm 1926 thành lập Hội đồng Cao cấp Thường trực Mê Kông (The Parmanent High Commission of the Mekong); Năm 1950 thành lập Commission of the Mekong), Hội đồng Tư vấn Mê Kông (the Consultative); Năm 1954 thành lập Hội đồng Mê Kông (the Mekong Commission).

Chức năng chính của 3 Hội đồng là điều tra và tư vấn cho chính phủ các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan đến sử dụng tài nguyên nước sông Mê Kông. Những nghị quyết của Hội đồng chỉ có giá trị pháp lý khi có sự chấp thuận của Chính phủ các quốc gia thành viên.

Những quy định về tổ chức và thủ tục của các Hội đồng rất đơn giản. Thời gian hoạt động của Hội đồng đều ngắn, đặc biệt là Hội đồng Mê Kông đã không được hoạt động (Hội đồng Mê Kông thành lập năm 1954, sau đó không hoạt động và giải thể năm 1956).

2.2. Giai đoạn từ năm 1957 đến 1995

2.2.1. Từ năm 1957 đến 1977:

Bắt đầu giai đoạn này, sự hợp tác giữa 4 quốc gia lưu vực được sự trợ giúp của tổ chức ECAFE. Tổ chức ECAFE là Hội đồng Kinh tế về Châu Á và Trung Đông (The United Nations Economic Commission for Asian and the Far East), một trong năm Uỷ ban khu vực của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc. Từ năm 1974 tổ chức này đổi tên thành Hội đồng Kinh tế-Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (The Economic and Social Commission for Asian and the Pacific, viết tắt tiếng Anh là ESCAP).

Chức năng của ECAFE bao gồm: Thực hiện những biện pháp phát triển hoạt động kinh tế và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, tiến hành tài trợ việc điều tra và nghiên cứu những vấn đề kinh tế và kỹ thuật giữa Châu Á và Trung Đông. Thành viên của ECAFE mở rộng cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Do sự quan tâm đặc biệt đến Châu Á, Mỹ cũng là thành viên của ECAFE[8].

Năm 1955, Ban thư ký của ECAFE đã thành lập một nhóm chuyên gia nghiên cứu mở rộng Mê Kông. “Hai năm sau, nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị một bản báo cáo ủng hộ sự tiếp cận quốc tế để phát triển sông Mê Kông, nội dung báo cáo kêu gọi hợp tác chặt chẽ giữa 4 quốc gia ven sông trong việc thu thập dữ liệu, kế hoạch sử dụng và phát triển tài nguyên nước”[9].

Bản báo cáo đã được ECAFE thông qua ở kỳ họp lần thứ 13 vào tháng 3 năm 1957. Trong cuộc họp này đại diện của 4 quốc gia ven sông đã đồng ý với bản báo cáo của ECAFE và nhất trí đưa nội dung chính này vào một bản “Tuyên bố chung”[10]. Ngày 17 tháng 9 năm 1957, Chính phủ của Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam và Thái Lan đã thông qua Quy chế thành lập tổ chức quốc tế liên chính phủ, đó là Uỷ ban Hợp tác Nghiên cứu Hạ lưu vực sông Mê Kông (sau đây gọi là Uỷ ban Mê Kông 1957). Uỷ ban Mê Kông bao gồm có 4 thành viên với các đại diện toàn quyền được các quốc gia thành viên chỉ định (Điều 1). Chủ tịch của Uỷ ban do các quốc gia thành viên luân phiên nhau một năm một lần (Điều 2), Chức năng chính của Uỷ ban là “thúc đẩy, giám sát, kiểm soát, quy hoạch và nghiên cứu các dự án phát triển nguồn nước hạ lưu vực sông Mê Kông" - Điều 4.

Điều 3 Quy chế quy định mối quan hệ đặc biệt giữa ECAFE và Uỷ ban Mê Kông. Cuộc họp của Uỷ ban phải có mặt của các quốc gia thành viên, quyết định phải được sự nhất trí. Ban thư ký của ECAFE có thể tham dự bất kỳ cuộc họp nào của Uỷ ban và có thể phát biểu liên quan đến các vấn đề đang được xem xét (Điều 5). Uỷ ban cũng phải trình những báo cáo hàng năm tới chính phủ của các quốc gia thành viên và ECAFE, cũng như gửi tới các tổ chức quốc tế hoặc các chính phủ khác nếu Uỷ ban xét thấy cần thiết (Điểu 6). Uỷ ban có thể mời đại diện một số cơ quan đặc biệt của Liên hợp quốc tham dự cuộc họp (Điều 7).

Trong Uỷ ban Mê Kông có Ban Tư vấn được Uỷ ban thành lập năm 1958. “Ban Tư vấn có nhiệm vụ cung cấp cho Uỷ ban những đề nghị liên quan đến tài nguyên nước sông Mê Kông, giúp đỡ Uỷ ban trong việc lập kế hoạch, lãnh đạo, phối hợp nghiên cứu, điều tra, và những hoạt động khác trong chương trình công việc hàng năm của Uỷ ban. Chuyên viên trong Ban tư vấn là những chuyển gia về lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, kinh tế và luật pháp”[11].

Năm 1963 Uỷ ban đã thành lập Ban thư ký. Ban thư ký có 3 chức năng chính: "Lập chương trình cho hạ lưu vực Mê Kông; Quản lý khía cạnh tài chính của các dự án được các tổ chức và chính phủ tham gia (bao gồm chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế); Phối hợp các dự án phát triển khác trong lưu vực"[12]. Ban Thư ký do Trưởng điều hành Uỷ ban lãnh đạo. Trong việc thực hiện chức năng, Trưởng điều hành giữ liên hệ với Ban thư ký của ECAFE, và tuân theo sự hướng dẫn và chỉ đạo của Ban thư ký ECAFE về những vấn đề chính sách. Như người đứng đầu Ban thư ký, Trưởng điều hành trợ giúp Uỷ ban thực hiện những công việc thường ngày, đặc biệt chuẩn bị những đề nghị trợ giúp từ các quốc gia tài trợ và các tổ chức quốc tế, chuẩn bị những báo cáo cho Uỷ ban, kiểm soát việc thực hiện những dự án trong khuôn khổ của Uỷ ban, nhận xét những công việc của Uỷ ban được các quốc gia thành viên chấp thuận, đàm phán với chính phủ quốc gia thành viên, chỉ đạo và phối hợp những công việc về thu thập dữ liệu cần thiết liên quan đến sông Mê Kông.

Trưởng điều hành có chức năng quản lý quỹ. Điều này rất quan trọng bởi vì “Uỷ ban hoạt động nhờ nguồn tài chính từ các quốc gia thành viên và các nhà tài trợ và hầu hết các dự án Mê Kông đều do các quốc gia và các tổ chức quốc tế tài trợ”[13].

Uỷ ban Mê Kông do 4 quốc gia thành lập đã hoạt động trong 18 năm (từ năm 1957 đến năm 1975), trong thời gian này Uỷ ban đã có nhiều đóng góp vào việc quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông. Những hiệp ước quốc tế đầu tiên ký kết sau khi thành lập Uỷ ban Mê Kông quốc tế 1957 đều liên quan đến phát triển thuỷ điện, như Công ước 1965 gồm 5 quy định về việc cung cấp điện giữa Lào và Thái Lan (dự án phụ lưu Nậm Pong - Thái Lan, và dự án Nậm Ngừm-Lào), mặc dù những dự án này liên quan đến việc trao đổi điện giữa Lào và Thái Lan nhưng Công ước vẫn có sự tham gia ký kết của Cam-pu-chia, Việt Nam, cơ quan điều hành của Uỷ ban Mê Kông quốc tế, Ban thư ký ECAFE.

Uỷ ban Mê Kông quốc tế đã tiến hành được 69 kỳ họp mặc dù khu vực của các nước hạ lưu lúc đó đang có sự bất ổn định về chính trị. Uỷ ban đã nhận được 97 triệu USD từ viện trợ quốc tế cho việc nghiên cứu, khảo sắt, trên 250 triệu USD cho xây dựng phát triển.

Một đóng góp quan trọng của Uỷ ban là vào ngày 31 tháng 1 năm 1975, Uỷ ban Mê Kông 1957 đã thông qua Tuyên bố chung về những nguyên tắc sử dụng nước hạ lưu vực sông Mê Kông. Tuyên bố này đã chứa đựng nguyên tắc sử dụng công bằng và những yếu tố liên quan đến việc quyết định thế nào là sử dụng tài nguyên nước một cách công bằng và hợp lý. Tuyên bố chung 1975 đã áp dụng gần giống với quy định trong Quy tắc Hen-sinh-ki 1966.

Từ năm 1975 đến 1977, Uỷ ban Mê Kông 1957 không thực hiện được chức năng và nhiệm vụ do những sự kiện bất ổn định về chính trị và quân sự ở Cam-pu-chia, Uỷ ban Mê Kông 1957 ngừng hoạt động.

2.2.2. Từ năm 1978 đến 1995:

“Năm 1977 Lào và Thái lan đề nghị Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cam-pu-chia Dân chủ trở lại Uỷ ban Mê Kông nhưng Cam- pu-chia Dân chủ không trả lời ý định muốn gia nhập.”[14]

Ngày 5/1/1978, 3 quốc gia đã ký Tuyên bố thành lập Uỷ ban Mê Kông Lâm thời (Interim Mekong Committee), thiếu một thành viên là Cam-pu-chia, để tiếp tục những hoạt động hợp tác nhằm sử dụng và phát triển tài nguyên nước lưu vực.

Sau 12 năm Uỷ ban Lâm thời Mê Kông hoạt động, ngày 24/6/1991, Cam-pu-chia gửi đơn xin gia nhập lại tổ chức Mê Kông quốc tế. Từ ngày 16 đến 18 tháng 12 năm 1992, đại diện của các quốc gia: Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã thảo luận vấn đề tiếp tục hợp tác để sử dụng bền vững tài nguyên nước sông Mê Kông[15].

Ngày 28 tháng 12 năm 1994, tại kỳ họp thứ năm và là kỳ họp cuối cùng của Nhóm công tác Mê Kông (Mekong Working Group) ở Hà Nội, đại diện của Vương quốc Cam-pu-chia, CHDCND Lào, Vương quốc Thái Lan và CHXHCN Việt Nam đã ký tất dự thảo Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực Mê Kông. Ngày 5 tháng 4 năm 1995, tại Chiếng Rai - Thái Lan, đại diện bốn quốc gia đã ký chính thức Hiệp định. “Đây là một Hiệp định nhằm tiếp tục hợp tác trên tinh thần xây dựng và cũng có lợi cho phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ, khai thác và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Kông phục vụ cho việc nâng cao đời sống của hơn 53 triệu người thuộc 4 quốc gia sống trong lưu vực”[16].

3. Khuôn khổ pháp lý đảm bảo sử dụng công bằng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông trong Tuyên bố chung 1975 và Hiệp định 1995

3.1. Tuyên bố chung 1975

Tuyên bố chung năm 1975 đã được thông qua sau một thời kỳ hợp tác trong cơ chế của Uỷ ban Mê Kông và đã chứa đựng nguyên tắc về việc sử dụng tài nguyên nước sông Mê Kông. Mục tiêu của bản Tuyên bố chung năm 1975 về nguyên tắc sử dụng nước là: "Bảo đảm cho việc duy trì, phát triển và khai thác tài nguyên nước của lưu vực được tiến hành tốt nhất vì lợi ích của tất cả các quốc gia trong lưu vực" - Điều 2.

Điều 1 của Tuyên bố chung 1975 đã định nghĩa một số thuật ngữ trong đó có khái niệm lưu vực “là phần diện tích địa lý nằm trên các quốc gia của lưu vực, xác định bởi đường phản thuỷ của hệ thống các nguồn nước trong lưu vực Mê Kông kể cả nước mặt và nước ngầm mà nước ngầm đó cung cấp cho nước mặt hoặc ngược lại được nước mặt cung cấp". Như vậy nội dung khái niệm lưu vực trong Tuyên bố chung 1975 đã quy định giống với Quy tắc Hen-sinh-ki 1966.

Nội dung chính của Tuyên bố chung 1975 cũng như tên gọi của Tuyên bố này là quy định về những nguyên tắc sử dụng nước ở lưu vực sông Mê Kông. Do vậy Tuyên bố chung 1975 đã quy định nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng nước đó là nguyên tắc sử dụng công bằng.

Về điểm này, Điều 5 của Tuyên bố chung 1975 quy định như sau: “Những dự án riêng biệt trên dòng chính sẽ được hoạch định và thực hiện sao cho phù hợp với việc phát triển toàn bộ hệ thống tài nguyên nước của lưu vực, trong việc sử dụng một cách hữu ích, mỗi quốc gia lưu vực trong địa phận lãnh thổ của mình có quyền được sử dụng công bằng tài nguyên nước.

Mỗi dự án phải được thừa nhận là có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật, xác đáng về mặt kinh tế, phù hợp với yêu cầu về mặt xã hội và với chủ quyền của các quốc gia lưu vực".

Theo quy định trên thì mỗi dự án sử dụng nước trên dòng chính do quốc gia thực hiện phải nằm trong Kế hoạch phát triển lưu vực do Uỷ ban Mê Kông lập ra. Các quốc gia có quyền bình đẳng trong việc sử dụng tài nguyên nước nằm trong lãnh thổ của quốc gia mình. Tuy nhiên các quốc gia phải sử dụng một cách có ích, tránh lãng phí và không được ảnh hưởng đến quyền sử dụng của quốc gia khác.

Bốn quốc gia lưu vực sông Mê Kông có quyền sử dụng công bằng tất cả tài nguyên nước chứa trong lưu vực bao gồm cả phụ lưu và nguồn nước ngầm, điều 23 Tuyên bố chung 1975 quy định "những tầng chứa nước ngầm hoặc nguồn nước ngầm cấp nước cho dòng chính hay ngược lại được dòng chính cấp sẽ bị chỉ phối bởi điều khoản áp dụng đối với lưu vực của bản tuyên bố về nguyên tắc này..." Để xác định thể nào là sử dụng công bằng tài nguyên nước lưu vực sông Mã Công, các quốc gia phải xem xét tất cả các yếu tố liên quan như:

“1. Địa lý lưu vực với diện tích lưu vực tập trung nước nằm trên của mỗi quốc gia lưu vực lãnh thổ.

2. Yếu tố thuỷ văn, thuỷ lực chịu sự ảnh hưởng của mỗi quốc gia lưu vực

3. Khí hậu ảnh hưởng đến lưu vực

4. Việc sử dụng nước trước đây trong lưu vực, nhất là việc sử dụng hiện tại

5. Những nhu cầu kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia lưu vực

6. Số lượng dân cư phụ thuộc vào nguồn nước lưu vực trong mỗi quốc gia lưu vực

7. Chi phí được lựa chọn những giải pháp để thoả mãn các nhu cầu kinh tế xã hội của mỗi quốc gia lưu vực

8. Tiềm năng có thể sử dụng được của các tài nguyên khác

9. Việc loại trừ phí tổn không cần thiết trong sử dụng nước của lưu vực

10. Khả năng có thể đền bù cho một hoặc nhiều quốc gia lưu vực để giải quyết những bất đồng giữa các quốc gia sử dụng nước

11. Mức độ có thể thoả mãn nhu cầu của một quốc gia lưu vực mà không gây thiệt hại lớn cho quốc gia khác trong lưu vực

12. Tỉ lệ giữa chi phí xây dựng và hiệu quả đạt được của mỗi dự án có tính đến thiệt hại và lợi ích về mặt xã hội, kinh tế và tài chính. Bao gồm cả những thiệt hại và lợi ích ảnh hưởng phía thượng và hạ lưu của dự án.”

So với Quy tắc Hen-sinh-kỉ 1966, Tuyên bố chung 1975 đã quy định thêm một yếu tố khi xem xét việc sử dụng công bằng (Yếu tố thứ 12). Nội dung của yếu tố này thể hiện quan điểm rất thận trọng của các quốc gia lưu vực khi đánh giá một sự sử dụng tài nguyên nước được coi là công bằng. Mỗi dự án sử dụng tài nguyên nước được xây dựng phải có giá trị về mặt kinh tế và xã hội. Tuy nhiên đối với quốc gia có dự án đều chứng minh tính hiệu quả của dự án và trên thực tế có thể có, nhưng yếu tố 12 yêu cầu phải so sánh giữa lợi ích thu được với những chi phí trong việc xây dựng dự án và ảnh hưởng của chúng tới toàn lưu vực. Nếu các quốc gia lưu vực sông Mê Kông xác định được hiệu quả của dự án lớn hơn thì việc sử dụng tài nguyên nước được coi là công bằng. Tức là dự án sẽ không gây thiệt hại đáng kể cho các quốc gia khác trong lưu vực.

Tuyên bố chung 1975 đã phân biệt và quy định cụ thể đối với việc sử dụng nước trên dòng chính và phụ lưu (dòng nhánh) của lưu vực sông Mê Kông. “Dòng chính có nghĩa là sông Mê Kông", "nước dòng chính là tài nguyên chung thuộc quyền sở hữu của các quốc gia lưu vực" - điều 8 và 10 Tuyên bố chung 1975. Tài nguyên nước sông Mê Kông là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực cho nên các quốc gia đều có quyền sở hữu và sử dụng như nhau, không một quốc gia nào có quyền sử dụng ưu tiên hơn quốc gia khác. Và một quốc gia cũng không được quyền ngăn cản việc sử dụng nước hợp lý của quốc gia khác trong thời điểm hiện tại với lý do đòi giành quyền sử dụng nước của mình trong tương lai.

Trong thứ tự ưu tiên sử dụng nước dòng chính sông Mê Kông, Tuyên bố chung 1975 đã áp dụng linh hoạt quy định ưu tiên trong Quy tắc Hen-sinh-ki cho phù hợp với hoàn cảnh và thời điểm đó, cụ thể như sau: “sử dụng nước sông Mê Kông cho nhu cầu sinh hoạt và đô thị phải được ưu tiên hơn bất kỳ loại sử dụng nào, trừ phi các quốc gia lưu vực có thoả thuận khác”. Như vậy so với giai đoạn hợp tác trước năm 1957, Tuyên bố chung 1975 đã quy định việc sử dụng nước cho sinh hoạt và đô thị được ưu tiên hơn các loại hình sử dụng nước khác, trên cả hình thức sử dụng cho giao thông thuỷ.

Về nội dung của nguyên tắc sử dụng công bằng tài nguyên nước sông Mê Kông trong Tuyên bố chung 1975:

a) Trách nhiệm không gây hại: Điều 3 quy định “Bất kỳ việc sử dụng nước phải được nghiên cứu xem có ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tài nguyên nước của lưu vực không". Trong trường hợp gây thiệt hại đáng kể tới các quốc gia khác do hoạt động sử dụng nước của quốc gia mình thì “đều phải có bồi thường một cách thích đáng", và trong mỗi dự án sử dụng nước các quốc gia lưu vực “phải đề cập đến việc xác định và thực hiện bởi thường".

Trong quá trình “xây dựng, khai thác, quản lý một dự án mà gây thiệt hại đáng kể trên lãnh thổ một quốc gia khác trong lưu vực sẽ phải bồi thường một cách thích đáng, không bỏ qua một trường hợp đặc biệt nào. Mỗi hiệp định dự án cụ thể sẽ phải để cập đến việc xác định và thực hiện bồi thường" - điều 9.

Tuyên bố chung 1975 quy định cụ thể về trách nhiệm không gây hại. Về nguyên tắc thì các quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông không được gây nên những thiệt hại cho quốc gia khác. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường một cách thoả đáng, tức là bồi thường theo đúng với hậu quả thiệt hại đã xảy ra. Và để việc bồi thường được khả thi, Tuyên bố chung 1975 yêu cầu mỗi dự án sử dụng nước phải có điều khoản quy định trách nhiệm và mức bồi thường khi có thiệt hại.

b) Trách nhiệm thông tin: Tuyên bố chung 1975 quy định các quốc gia có trách nhiệm thông tin tới các quốc gia lưu vực khác khi sử dụng nước của dòng chính. “Một quốc gia hay nhiều quốc gia trong lưu vực có hay không liên quan về lãnh thổ, nếu định làm một dự án trên dòng chính thì phải thông tin và gửi cho những quốc gia khác trong lưu vực một bản nghiên cứu chi tiết về tất cả những ảnh hưởng có hại có thể xảy ra, bao gồm cả những tác động trước mắt và lâu dài, hình thức và mức độ bồi thường thiệt hại, để các quốc gia nghiên cứu và có kết luận chính thức về dự án này” - Điều 17.

Bất kỳ dự án sử dụng tài nguyên nước trên dòng chính sông Mê Kông phải được các quốc gia chấp thuận, nên trước khi có quyết định chính thức dự án được xây dựng có đảm bảo nguyên tắc sử dụng công bằng tài nguyên nước hay không, các quốc gia phải được biết thông tin tổng thể vẻ dự án để nghiên cứu xem dự án có ảnh hưởng đến lưu vực không.

c) Trách nhiệm bảo vệ và duy trì tài nguyên nước: Các quốc gia lưu vực sông Mê Kông đã quy định trách nhiệm về việc duy trì và bảo vệ tài nguyên nước. Điều 4 Tuyên bố chung 1975 quy định như sau:

“Các quốc gia lưu vực sẽ đảm bảo duy trì tài nguyên nước của lưu vực bằng cách áp dụng mọi biện pháp thích hợp cần thiết để:

1. Duy trì lưu lượng và chất lượng nước.

2. Ngăn ngừa việc sử dụng lãng phí và gây ô nhiễm”.

“Các quốc gia lưu vực sẽ áp dụng những biện pháp hợp lý để đảm bảo việc phối hợp kiểm soát tài nguyên nước lưu vực bao gồm kiểm soát lũ và điều tiết dòng chảy, cải tiến giao thông thuỷ, hạn chế xâm nhập mặn, tiêu nước thích hợp và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đó" - Điều 8.

Ngoài ra, Điều 26 Tuyên bố chung 1975 quy định: “Khi khai thác các nguồn nước, mỗi quốc gia lưu vực sẽ áp dụng những biện pháp thực tế. và hợp lý cần thiết để tránh hoặc giảm đến mức thấp nhất các ảnh hưởng có hại đến cân bằng môi trường sinh thái của lưu vực hoặc một phần lưu vực".

Trách nhiệm bảo vệ và duy trì tài nguyên nước lưu vực sông Mã Công đã thể hiện sự quan tâm của quốc gia đến việc bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực. Tài nguyên nước sông Mê Kông có thể là nguồn gây hại nếu các quốc gia làm nhiễm bẩn, suy thoái đến chất lượng nước.

d) Trách nhiệm hợp tác: Trách nhiệm hợp tác trong việc sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông đòi hỏi mọi hoạt động sử dụng nước trên dòng chính phải được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia lưu vực, Điều 20 quy định: “Việc lấy nước dòng chính ra ngoài lưu vực của một quốc gia ven sông sẽ phải có sự thoả thuận của tất cả các quốc gia lưu vực, thông qua một thoả thuận dự án”.

“Các dự án trên dòng chính phải được khảo sát, quy hoạch và thiết kế theo những tiêu chuẩn và định mức phù hợp với bản tuyên bố về nguyên tắc này và được sự thoả thuận trong từng thời gian của tất cả các quốc gia lưu vực thông qua Uỷ ban" - Điều 15.

Việc sử dụng nước chỉ được coi là công bằng nếu như việc sử dụng nước đó “dựa trên cơ sở quy hoạch khai thác toàn diện do Uỷ ban cùng xây dụng và chấp thuận”.

Quy định về trách nhiệm hợp tác trong việc sử dụng tài nguyên nước nói trên rất chặt chẽ, bảo vệ cho quyền lợi của các quốc gia nằm ở hạ nguồn, kém lợi thế về vị trí địa lý, cho nên đây cũng là lý do mà Thái Lan không phê chuẩn Tuyên bố chung 1979,

Tóm lại, Tuyên bố chung 1975 về nguyên tắc sử dụng tài nguyên nước đã tạo nên một khuôn khổ pháp lý giữa 4 quốc gia nằm ở hạ lưu vực sông Mê Kông Chính vì vậy, 3 quốc gia thành viên là Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam đều nhất trí áp dụng Bản Tuyên bố này. Trong đó quan điểm của Việt Nam luôn được đưa ra trong các kỳ họp của Uỷ ban Lâm thời Mê Kông, như tại kỳ họp thứ 31 của Uỷ ban Lâm thời Mê Kông tháng 4/1990 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam đã tuyên bố quan điểm của Việt Nam là “Vận dụng các nguyên tắc của Tuyên bố chung 1975, theo đó lưu vực sống được quan niệm là một thể thống nhất về tài nguyên và môi trường". Và tại kỳ họp thứ 32 của Uỷ ban Lâm thời Mê Kông ở Băng cốc - Thái Lan, Chủ tịch Uỷ ban Mê Kông Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng mở rộng hợp tác với các quốc gia thượng lưu, và tin tưởng là sau khi có đủ 4 thành viên thì các nguyên tắc của Tuyên bố chung 1975 sẽ được áp dụng”[17].

Nhưng Thái Lan không đồng ý thực hiện văn bản pháp lý này vì cho rằng Tuyên bố chung 1975 do Uỷ ban Mê Kông quốc tế thông qua nhưng chưa được chính phủ các quốc gia lưu vực phê chuẩn trong đó có Thái Lan. Tuy nhiên lý do Thái Lan không muốn thực hiện là vì Tuyên bố chung 1975 sẽ cản trở việc chuyển nước từ dòng chính để thực hiện dự án tưới tiêu với quy mô lớn cho vùng Đông Bắc của Thái Lan và các dự án khác nữa. Do đó Bản Tuyên bố chung 1975 do đại diện của Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam lúc đó ký kết đã không được thực hiện trên thực tế.

3.2. Hiệp định 1995

Từ năm 1992, sau khi Hội đồng Dân tộc Tối cao Cam-pu-chia để nghị được quay lại Uỷ ban Mê Kông, 4 quốc gia đã tiến hành đàm phán nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý quốc tế trong giai đoạn mới. Nội dung chính trong các cuộc họp là văn kiện pháp lý cơ bản của Uỷ hội Mê Kông, và vấn đề được đặt ra là Tuyên bố chung 1975 sẽ được thực hiện hay thay thế. Thái Lan vẫn khẳng định quan điểm không thực hiện Tuyên bố chung 1975 và đưa ra điều kiện: “nếu duy trì Tuyên bố chung 1975 thì sự hợp tác 4 bên không thể tiếp tục được”[18].

Sau 3 năm đàm phán và thương lượng, do khu vực đã có nhiều thay đổi lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, 4 quốc gia đã chấp nhận những quan điểm mới, trong đó, đồng ý thay thế các nguyên tắc trong Tuyên bố chung 1975. Do vậy ngày 5/4/1995, Hiệp định về Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực Sông Mê Kông đã được đại diện 4 quốc gia ký chính thức.

Hiệp định 1995 là khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc sử dụng công bằng tài nguyên nước nhằm thực hiện mục đích hợp tác và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông như tên gọi và lời mở đầu của Hiệp định. Hiệp định 1995 bao gồm những quy định về việc sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông, ngoài ra Hiệp định còn có những quy định về thể chế để quản lý quá trình sử dụng nước giữa các quốc gia thông qua Uỷ hội Mê Kông quốc tế.

Hiệp định 1995 đã quy định 3 nguyên tắc hợp tác để sử dụng tài nguyên nước: Nguyên tắc bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nguyên tắc sử dụng công bằng tài nguyên nước.

3.2.1. Nguyên tắc bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái

Nguyên tắc bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái của lưu vực sông quốc tế là nội dung của nguyên tắc sử dụng công bằng như đã trình bày ở phần trên. Trong Hiệp định 1995, bốn quốc gia lưu vực sông Mê Kông đã quy định thành một nguyên tắc riêng, bởi vì các quốc gia đã “nhận thấy tài nguyên nước và môi trường lưu vực là tài sản thiên nhiên có giá trị to lớn về kinh tế, xã hội và cho đời sống nhân dân của các nước này". Do đó, các quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái của lưu vực sông Mê Kông. Bất cứ một kế hoạch sử dụng tài nguyên nước trong lưu vực và tài nguyên khác liên quan không được gây ô nhiễm về môi trường hoặc những ảnh hưởng có hại khác. Các quốc gia thực hiện đúng nguyên tắc này thì đồng thời cũng đã thực hiện được nguyên tắc sử dụng công bằng tài nguyên nước.

3.2.2. Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Với quyết tâm hợp tác trong việc sử dụng, bảo vệ, quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Kông, các quốc gia đã thoả thuận và ký kết Hiệp định 1995. Hiệp định 1995 đã tạo một khuôn khổ pháp lý mà tất cả các bên tham gia Hiệp định có thể chấp nhận được, dung hoà được lợi ích giữa các quốc gia. Do vậy, Hiệp định 1995 đã khẳng định một nguyên tắc hợp tác trong việc sử dụng tài nguyên nước: Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bình đẳng về chủ quyền, tức là các quốc gia đều có quyền sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông. Các quốc gia không được đưa ra những lý do và hoạt động gây cản trở việc sử dụng hợp lý tài nguyên nước của quốc gia khác.

Các quốc gia lưu vực sông Mê Kông có chủ quyền bình đẳng trong việc sử dụng, đồng thời cũng có chủ quyền trong việc bảo vệ tài nguyên nước. Các quốc gia có quyền bảo vệ tài nguyên nước trong lãnh thổ của mình được tuân theo một chu trình thuỷ văn tự nhiên, không bị ảnh hưởng về chất lượng và số lượng nước. Nếu một quốc gia có hoạt động sử dụng nước mà gây nên thiệt hại, thì các quốc gia khác có quyền phản đối và yêu cầu quốc gia đó phải chấm dứt hoạt động, bởi thường thiệt hại.

3.2.3. Nguyên tắc sử dụng công bằng

Về vấn đề này, Hiệp định 1995 quy định rất ngắn gọn.

Các quốc gia “sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông một cách công bằng trong phần lãnh thổ của mình theo các yếu tố và hoàn cảnh thích hợp. theo các Quy tắc sử dụng nước và chuyển nước ra ngoài lưu vực" - điều 5.

Hiệp định 1995 không quy định "các yếu tố và hoàn cảnh thích hợp" là những hoàn cảnh và yếu tố nào như Tuyên bố chung 1975, Quy tắc Hen-sinh-ki 1966, và Công ước 1997. Nhưng Hiệp định 1995 quy định một điểm mới trong việc xác định quốc gia sử dụng nước có công bằng hay không là do dự án đó có tuân theo Quy tắc sử dụng nước và chuyển nước ra ngoài lưu vực không. Đây chính là những quy định về tiêu chuẩn pháp lý kỹ thuật đảm bảo cho việc sử dụng công bằng tài nguyên nước.

Ngoài ra, Hiệp định 1995 quy định các quốc gia lưu vực sông Mê Kông phải thông báo cho Uỷ ban Liên hợp - cơ quan điều hành của Uỷ hội Mê Kông, những dự án sử dụng nước và chuyển nước ra ngoài lưu vực, cụ thể như sau:

“Trên dòng nhánh của sông Mê Kông, kể cả Tonle Sap, sử dụng nước trong lưu vực và chuyển nước ra ngoài lưu vực phải thông báo cho Uỷ ban Liên hợp. Trên dòng chính sông Mê Kông:

1. Trong mùa mưa:

a) Sử dụng nước trong lưu vực sẽ phải thông báo cho Uỷ ban Liên hợp. b) Chuyển nước ra ngoài lưu vực sẽ phải tuỳ thuộc vào việc trao đổi ý kiến trước để có được một thoả thuận trong Uỷ ban Liên hợp.

2. Trong mùa khô:

a) Sử dụng nước trong lưu vực sẽ phải tuỳ thuộc vào việc trao đổi ý kiến trước để có được một thoả thuận trong Uỷ ban Liên hợp.

b) Bất kỳ dự án chuyển nước nào ra ngoài lưu vực đều phải được Uỷ ban Liên hợp chấp thuận thông qua một thoả thuận cụ thể đối với quan thảo luận vũ thành giả những tác động của một đề nghị sử dụng nước. Tuy nhiên việc trao đổi ý kiến trước không phải là quyền phủ quyết việc sử dụng nước hoặc là quyền đơn phương được sử dụng nước của bất kỳ nước ven sông nào mà không tính đến quyền của các nước ven sông khác" - Chương II-Hiệp định 1995.

Chính vì vậy mà điều 5 chỉ quy định những trường hợp chuyển nước ra ngoài lưu vực trên dòng chính trong mùa khô mới cản phải được Uỷ ban Liên hợp chấp thuận thông qua một thoả thuận cụ thể. Và thoả thuận của Uỷ ban Liên hợp là “quyết định của Uỷ ban Liên hợp" và nội dung của quyết định nhằm đạt được mục tiêu của thoả thuận là “để đảm bảo việc sử dụng tối ưu và ngăn ngừa lãng phi nước thông qua sự nhất trí chung, năng động và thực tế, phù hợp với Quy tắc sử dụng nước và chuyển nước ra ngoài lưu vực nêu tại điều 26"- Chương II, Hiệp định 1995.

Qua định nghĩa trên và quy định tại đoạn cuối điều 5 của Hiệp định cho thấy các quốc gia mong muốn sử dụng tối ưu và ngăn ngừa việc sử dụng nước một cách lãng phí. Sự lãng phí nước có thể là việc sử dụng nước một cách quá mức không đảm bảo công bằng giữa các quốc gia hoặc là việc giữ nước không sử dụng để nước chảy ra biển. Do đó, trong trường hợp mà có “một lượng nước dư thừa" trong mùa khô được Uỷ ban Liên hợp xác định là đúng thì các quốc gia có thể được tiến hành chuyển nước sau khi trao đổi ý kiến trước với Uỷ ban Liên hợp mã không cần Uỷ ban Liên hợp chấp thuận.

Về trách nhiệm không gây hại: Điều 7 Hiệp định 1995 yêu cầu các quốc gia. “Thực hiện mọi cố gắng để tránh, giảm tới mức thấp nhất và giảm bởi các ảnh hưởng có hại có thể xảy ra đối với môi trường, đặc biệt đối với chất lượng và số lượng nước, các điều kiện thuỷ sinh (hệ sinh thái), và cân bằng sinh thái của hệ thống sông do việc phát triển và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Kông hoặc xả chất thải và do dòng hồi quy gây ra.

Khi một hoặc nhiều quốc gia được thông báo với những chứng cứ phù hợp và có giá trị là mình đang gây ra thiệt hại đáng kể cho một hoặc các nước cùng lưu vực thì quốc gia hoặc các quốc gia đó sẽ phải ngừng ngay nguyên nhân được cho là đang gây ra thiệt hại".

Điều 7 của Hiệp định 1995 cho thấy rằng: 1. Các quốc gia có trách nhiệm ngăn chặn và giảm tối đa những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động sử dụng nước của mình gây ra; 2. Thuật ngữ “có thể xảy ra" trong điều 7 bao hàm cả thiệt hại thực tế và thiệt hại chưa xảy ra (thiệt hại tiềm tàng); 3. Và môi trường là các điều kiện của tài nguyên nước và đất, không khí, thực vật, động vật của lưu vực sông.

4. Kết luận

Cho đến nay, có 2 văn bản pháp lý quy định những nguyên tắc sử dụng công bằng tài nguyên nước ở lưu vực sông Mê Kông giữa 4 quốc gia, đó là Tuyên bổ chung 1975 và Hiệp định 1995. Nhưng chỉ Hiệp định 1995 mới có hiệu lực, bởi vì theo điều 36 - Hiệp định 1995 quy định: “Giá trị hiệu lực (của Hiệp định) thay cho Tuyên bố chung về nguyên tắc sử dụng nước hạ lưu sông Mê Kông năm 1975”.

Tuyên bố chung 1975 được Uỷ ban Mê Kông do 4 quốc gia thành lập năm 1957 thông qua không được áp dụng trên thực tế, đến nay văn bản này chỉ còn là tài liệu tham khảo. Tuy nhiên trong lịch sử lập pháp của 4 quốc gia lưu vực sông Mê Kông thì Tuyên bố chung 1975 vẫn là một tài liệu cần nghiên cứu do những điểm tiến bộ về nội dung. Ưu điểm của Ban Tuyên bố chính là quy định; các dự án sử dụng nước trên dòng chính hay phụ lưu đều phải được 4 quốc gia xem xét và thông qua.

Hiện nay, Hiệp định 1995 là một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng công bằng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông. Hiệp định 1995 có một phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm những quy định về thể chế nhằm đảm bảo những nguyên tắc sử dụng công bằng, đó là việc Hiệp định 1995 đã thành lập Uỷ hội Mê Kông quốc tế với một số cơ quan phụ trợ.

 


[1] Mekong Secretariat, The Annual Report 1993, Bangkok: Public Information Unit, 1993, p.24.

[2] Rene-Jean Dupuy.... The Settlement of Disputes on the New Natural Resourse. The Hague: Martinus Nifhoff 1983, p.208.

[3] Báo cáo Hội thảo nâng cao vai trò điều phối Uỷ ban Mê Kông Việt Nam, Văn phòng Thường trực Uỷ ban Mê Kông Việt Nam, Hà Nội tháng 2-1999, tr.1

[4] Mekong Secretariat, The Annual Report 1993, Bangkok: Public Information Unit, 1993, p.24.

[5] Rene-Jean Dupuy.... The Settlement of Disputes on the New Natural Resourse. The Hague: Martinus Nifhoff 1983, p.24; Mekong Secretariat, The Annual Report 1993, Bangkok: Public Information Unit, 1993, p.41.

[6] M. Osborn, River Road to China, New York: Liveright, 1975. Overview of the Legal Framework for the Cooperation in the Lower Mekong Basin, LTS November 1992, p.15.

[7] Secretariat of the Interim Committee for the Coordination of Investigations of the Lower Mekong Basin. Mekong Committee a historical account 1957-1989, p.9.

[8] I.Paenson, Manual of Terminology of Public International Law and International Organizations, Brussels, Bruylant 1983, p.482.

[9] ESCAP. Development of Water Resources in the Lower Mekong Basin, U.N.Doc. Bangkok 1958 1221. Mekong Secretariat. Draft Agreement on Framework for Future Mekong Cooperation, Mekong News, December 1994.

[10] Secretariat of the Interim Committee for the Coordination of Investigations of the Lower Mekong Basin. Mekong Committee a historical account 1957-1989, p.12.

[11] P. Chomchai, The Mekong Project: An exercise in Regional Cooperation to develop the Lower Mekong Basin, Water Resources Policy for Asian (Rotterdam: A.A. Balkema, 1987, p.498.

[12] Secretariat of the Interim Committee for the Coordination of Investigations of the Lower Mekong Basin. Mekong Committee a historical account 1957-1989, p.21.

[13] H.G. Halbertsma. Legal Aspects of the Mekong River System. 34 Net. International Law, 1987, p.34.

[14] Báo cáo số 2, Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình và dự án hợp tác sông Mê-Công thời kỳ 1978-1997, Văn phòng Uỷ ban sông Mê Kông, tr.1.

[15] Mekong Secretariat. Draft Agreement on Framework for Future Mekong Cooperation, Mekong News, December 1994, p.2.

[16] Việt Nam trong sự hợp tác với Uỷ hội Mê Kông quốc tế vì sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Thuỷ lợi. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn. 2 – 1997, tr.2.

[17] Báo cáo số 2, Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình và dự án hợp tác sông Mê-Công thời kỳ 1978-1997, Văn phòng Uỷ ban sông Mê Kông, tr.5.

[18] Báo cáo số 2, Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình và dự án hợp tác sông Mê-Công thời kỳ 1978-1997, Văn phòng Uỷ ban sông Mê Kông, tr.6.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành