Thứ năm, 07 Tháng 9 2023 08:06

Khái quát chung về bảo hiểm xã hội cho nông dân ở Châu Âu

1. Chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội nông dân

Khi nói về nông dân, chúng ta đang đề cập tới những người tham gia trong “một hoạt động nông nghiệp”. Một hoạt động nông nghiệp trước tiên được coi là một hoạt động kinh tế; điều này có nghĩa là các hoạt động nông nghiệp cần bao gồm một động cơ lợi nhuận (mà không thực sự được kiểm tra xem có bất kỳ khoản lợi nhuận thực sự nào đạt được hay không). Nói cách khác, hoạt động nông nghiệp là để đạt được lợi nhuận, theo nghĩa là người nông dân và gia đình anh ta có thể kiếm sống trên hoạt động đó.

Do đó, hai thành phần rất quan trọng gồm: nông nghiệp và hoạt động. “Nông nghiệp” là sự phân biệt hoạt động canh tác với các hoạt động kinh tế và ngành nghề khác, còn “hoạt động” đề cập đến đặc tính có thu lợi.

“Nông nghiệp” đề cập đến các hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp được thực hiện trong các lĩnh vực nông nghiệp bao gồm sản xuất cây trồng, hoạt động lâm nghiệp, chăn nuôi, chế biến chính các sản phẩm nông nghiệp và từ động vật, do hoặc thay mặt cho người điều hành thực hiện; Nông nghiệp thậm chí có thể đề cập đến việc sử dụng và bảo trì máy móc, thiết bị, dụng cụ, lắp đặt nông nghiệp, bao gồm mọi quy trình, lưu trữ, vận hành hoặc vận chuyển trong hoạt động nông nghiệp có liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

Nhưng một hoạt động nông nghiệp cũng cần đạt được lợi nhuận để được coi là một hoạt động nghề nghiệp. Người nông dân cần có ý định kiếm sống dựa trên các hoạt động nông nghiệp được thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động nông nghiệp là một cái gì đó khác với việc kiếm lợi nhuận từ hoạt động. Ngay cả khi người ta có ý định kiếm sống dựa trên một hoạt động, có thể trong một số thời kỳ, hoạt động đó không mang lại lợi nhuận, hoặc thậm chí là thua lỗ. Một số quốc gia không hoàn toàn đánh giá cao việc theo đuổi một hoạt động có để thu lợi của người nông dân. Nói cách khác, các nước này đặt ra những tiêu chí tối thiểu khi xem xét người đó có thể được coi là một nông dân chuyên nghiệp hay không.

Một số nước quy định một quy mô tối thiểu đối với hoạt động nông nghiệp (đất nông nghiệp, cây trồng, gia súc,...). Quy mô tối thiểu này được xác định có tính đến các loại hình hoạt động nông nghiệp và/hoặc kết hợp các hoạt động đó (ví dụ: sản xuất cây trồng, hoạt động lâm nghiệp, gia súc, chăn nuôi côn trùng...). Điều cần thiết là quy mô tối thiểu phải cho phép một (gia đình) nông dân sống và kiếm tiền dựa trên các hoạt động nông nghiệp. Các yếu tố như giá cả các sản phẩm nông nghiệp, tỷ lệ cho tiêu dùng bản thân, mức thu nhập nghề nghiệp của quốc gia đó... góp phần xác định quy mô tối thiểu. Quan trọng là trang trại có tiềm năng đạt đến mức tối thiểu đã đặt ra, mà không liên quan đến thực tế có đạt được hay không, thông thường quy mô trang trại với diện tích đất canh tác tối thiểu là 5 đến 10 ha.

Một cách tính thay thế cho diện tích tối thiểu, đó là tham chiếu đến một khoản thu nhập hàng năm tối thiểu; nói cách khác, người đó phải tạo ra một lượng doanh thu tối thiểu từ hoạt động nông nghiệp để được coi là một nông dân. Khi không tạo ra thu nhập đủ cho hoạt động nông nghiệp, người đó sẽ không được coi là nông dân. Vì nông dân (tự làm chủ) thưởng tự khai báo doanh thu thu nhập kiếm được nên đối với hệ thống bảo hiểm, họ có xu hướng khai báo dưới mức thu nhập thực tế (để không được coi là một nông dân). Bằng cách áp đặt các tiêu chí tối thiểu, người ta cũng có thể nhận ra các hoạt động nông nghiệp có tính chất kinh tế từ các trang trại thuộc sở hữu của những người thuê đất diện tích nhỏ. Các trang trại nhỏ này chủ yếu cho phép chủ sở hữu sống bằng các sản phẩm trồng trọt của riêng họ, nhưng không cho phép họ tăng thu nhập nghề nghiệp (từ một nghề mà người đó kiếm được thu nhập). Mặc dù những người thuê đất nhỏ đôi khi sống nhờ vào hoạt động nông nghiệp của chính họ (và bằng cách đó cũng tăng thu nhập, bằng cách tiết kiệm một số chỉ tiêu cho sinh hoạt cơ bản), nhưng nó không mang lại thu nhập nghề nghiệp trên cơ sở mà người ta có thể sống cuộc sống bình thường trong một nền kinh tế truyền thống. Do đó, mỗi người tự làm chủ như định nghĩa trên không tồn tại, chỉ có những người nghề nghiệp tự do, thợ thủ công, thương nhân, nông dân... Nhóm các nông dân chủ yếu được xác định thông qua đăng ký chính thức trong Cơ quan nghề nghiệp của người nông dân. Một nông dân là người chính thức thuộc Cơ quan nghề nghiệp này do thực tế anh ta đang thực hiện các hoạt động nông nghiệp cho phép được đăng ký làm nông dân. Trong hầu hết trường hợp, nông dân được đưa vào một hệ thống an sinh xã hội nói chung và do đó đơn giản là một người hoạt động nghề nghiệp tương tự như các lao động khác, đóng góp vào hệ thống bảo hiểm và cuối cùng sẽ được hưởng lợi ích từ hệ thống này. Ở hầu hết các nước châu Âu, nông dân trên thực thuộc nhóm người tự làm chủ rộng hơn và như tất cả những người tự làm chủ khác, họ đang làm việc cho chính họ (tức là họ không đứng trong mối quan hệ cấp dưới với người chủ của họ).

2. Đặc điểm của bảo hiểm xã hội cho người nông dân

Hầu hết các hệ thống bảo hiểm xã hội, bao gồm đối tượng nông dân ở châu Âu đều có mục tiêu là đảm bảo mức sống của nông dân khi họ gặp rủi ro về mặt xã hội. Điều này có thể được thực hiện thông qua loại hình bảo hiểm xã hội nghề nghiệp truyền thống, trong đó các lợi ích của bảo hiểm có liên quan đến thu nhập mà họ kiếm được trước đó[1]; hoặc thông qua sự kết hợp của việc đảm bảo lợi ích cơ bản, bao gồm tất cả cư dân hoặc tất cả những người có hoạt động nghề nghiệp[2] (mà trọng tâm là việc cung cấp khoản lợi ích cố định).

Nói cách khác, mục tiêu chính của hệ thống bảo hiểm không tập trung vào xóa đói giảm nghèo mà hướng nhiều hơn tới đảm bảo thu nhập và/hoặc mức sống của người lao động kiếm được trước đó. Triết lý này giúp mọi người, luôn chịu rủi ro nhất định, sẽ có thể tránh khỏi nghèo đói trong tương lai khi tham gia đóng góp vào chế độ bảo hiểm. Các chế độ bảo hiểm chỉ cung cấp cơ bản của chế độ bảo hiểm, trong đó mức chi bảo hiểm sát với mức sinh hoạt tối thiểu. Tuy nhiên, nếu quy định không phù hợp với thực tiễn thì người dân gặp rủi ro và có thể đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói.

Bảo hiểm xã hội cho nông dân tham gia hoạt động kinh tế được xác định bằng cách thực hiện ngưỡng giới hạn quy mô tối thiểu và/hoặc thu nhập tối thiểu, những người thuê đất nhỏ không thể tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội cho nông dân vì hoạt động của họ không đủ điều kiện để chi trả các khoản đóng góp theo quy định. Nói cách khác, người thuê đất diện tích nhỏ sẽ không được tiếp cận với hệ thống bảo trợ xã hội. theo cách thông thường, mà là trên cơ sở của một phương diện khác (ví dụ là người hưu trí, qua một hoạt động chuyển môn chính khác, trợ giúp xã hội...). Ở một số quốc gia, người thuê đất diện tích nhỏ sẽ được miễn bảo trợ xã hội; một số nước khác vẫn áp dụng những nghĩa vụ tài chính đối với họ nhưng ở mức thấp hơn. Đôi khi, những người thuê đất nhỏ được bảo hiểm theo một cách khác (chỉ dành cho một số nhu cầu cơ bản; một loại bảo hiểm nhỏ).

Nhiều quốc gia đã tổ chức an sinh xã hội xung quanh các nhóm nghề nghiệp nhất định. Điều này sau đó được gọi là phương pháp hệ thống phân loại; theo cách tiếp cận này, nông dân thường tạo thành một nhóm riêng. Những hệ thống như vậy có thể thấy ở Đức (nông dân, nghề tự do, nghệ sĩ và nhà văn), Pháp (nông dân, thợ thủ công, thương mại và công nghiệp, luật sư và các ngành nghề tự do khác), Italy (nông dân, thương nhân, thợ thủ công và chuyên gia tự do), Áo (nông dân, thương nhân, chuyên gia tự do, công chứng viên, còn lại tự làm chủ), Tây Ban Nha (nông dân, tự làm chủ, thợ may), Ba Lan (chi nông dân là một nhóm phân loại riêng biệt) và Hy Lạp (nông dân là nhóm quan trọng nhất, ngoài ra còn có thương nhân, thợ thủ công, luật sư, kỹ sư, giáo dục).

Sự tồn tại của hệ thống bảo hiểm phân loại riêng cho nông dân không loại trừ việc một người tham gia một hệ thống bảo hiểm tổng quát hơn đối với những lợi ích an sinh xã hội nhất định. Ví dụ, ở Pháp có bảo hiểm y tế chung cho tất cả những người lao động tự làm chủ, ngoại trừ người nông dân là người có hệ thống bảo hiểm riêng của họ cùng với những người làm công ăn lương trong ngành nông nghiệp; tuy nhiên, vì lợi ích gia đình, nông dân chia sẻ một chương trình bảo hiểm tương tự với những người lao động khác (người làm công ăn lương và lao động tự làm chủ). Ba Lan đã thiết kế một hệ thống bảo hiểm phân loại riêng dành cho nông dân (tự làm chủ), được quản lý bởi KRUS, được tách biệt về mặt cấu trúc với hệ thống bảo hiểm chung dành cho những người hoạt động nghề nghiệp (khác), (những người lao động và người lao động tự làm chủ tham gia vào các hoạt động kinh doanh phi nông nghiệp).

Bên cạnh đó, các hệ thống bảo hiểm phân loại cho nông dân thường phát triển theo hướng tiến tới các hệ thống bảo hiểm chung hơn (đối với người lao động) khi xem xét các nội dung được bảo hiểm. Ví dụ, lương hưu cơ bản của Pháp cho nông dân được tính và trả theo cách tương tự như lương hưu cho người lao động. Ở Hy Lạp, chương trình lương hưu IKA (tức là hệ thống chung cho người lao động) đóng vai trò như một mô hình cho cải cách các chương trình bảo hiểm phân loại khác nhau, bao gồm cả chương trình bảo hiểm của những người nông dân. Đối với hệ thống bảo hiểm của nông dân Hy Lạp (OGA) cùng hoạt động bên cạnh hệ thống bảo hiểm dành cho những người lao động nông nghiệp tự làm chủ áp dụng đối với tất cả những người sống ở nông thôn. Ví dụ một thợ thủ công làm việc trong một ngôi làng có số lượng cư dân ít hơn mức tối thiểu được quy định, anh ta sẽ không được tham gia hệ thống bảo hiểm riêng, mà là tham gia hệ thống bảo hiểm dành cho nông dân (OGA). Ở Pháp những người nông dân tự làm chủ đã tạo ra một hệ thống an sinh xã hội riêng biệt cùng với những người lao động của ngành nông nghiệp, bao phủ tất cả các trường hợp bảo hiểm chính.

Trong nhiều trường hợp, chế độ bảo hiểm xã hội đã thực hiện trợ giúp trong trường hợp người tham gia bảo hiểm mất khả năng làm việc trong thời gian ngắn (khi người nông dân bị bệnh và các hoạt động của anh ta bị gián đoạn), thay vì thực hiện trợ cấp bù đắp thu nhập cho nông dân. Các quốc gia khác cung cấp bảo hiểm thất nghiệp tạm thời cho nông dân khi thời tiết khắc nghiệt làm thất thu mùa vụ (hay nói chung là doanh thu nông nghiệp theo mùa của họ bị giảm sút). Rõ ràng là trong trường hợp các chương trình bảo hiểm hoặc lợi ích cụ thể được thiết kế cho nông dân trong hệ thống an sinh xã hội nói chung, cần phải xác định rõ nhóm nông dân cụ là đối tượng nào.

Một vấn đề điển hình khác trong các hệ thống bảo hiểm của nông dân châu Âu là sự hiện diện mạnh mẽ của các chương trình bảo hiểm theo luật định; nói cách khác, các khoản dự phòng thường không được thực hiện trên cơ sở bảo hiểm tư nhân. Thường thì các đối tác tư nhân có mặt trong hệ thống an sinh xã hội, tuy nhiên điều này không khiến cho bảo hiểm mang tính tư nhân. Ví dụ, một số chương trình bảo hiểm tai nạn lao động cho nông dân được điều hành bởi các công ty tư nhân (hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận), nhưng họ chỉ thực hiện một chương trình quy định theo luật định trong đó mức đóng góp và lợi ích được quy định theo luật. Một ví dụ khác là sự hiện diện ngày càng tăng của các quỹ tư nhân (ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí), điều hành một phần của chương trình lương hưu. Ở một số quốc gia, nông dân buộc phải tham gia chương trình bảo hiểm như vậy do tư nhân cung cấp[3]. Mặc dù một vài trong các chương trình này có thể được gắn nhãn là các chương trình “tư nhân”, nhưng chỉ là những phần nhỏ trong phạm vi bảo hiểm cuối cùng.

Một lĩnh vực khác mà bảo hiểm tư nhân đôi khi đưa ra các chương trình bảo hiểm theo luật định, chẳng hạn như trợ cấp ốm đau. Vì những lý do có tính chất đặc thù của người lao động tự làm chủ, loại bảo hiểm dự phỏng này rất khó tổ chức cho nông dân. Do đó, nông dân đôi khi tham gia bảo hiểm do tư nhân cung cấp để bảo vệ thêm trong trường hợp ốm đau, thai sản. Nhìn chung, việc bảo vệ cho nông dân ở châu Âu thông qua các chương trình bảo hiểm tư nhân vẫn còn hạn chế.

3. Quỹ Bảo hiểm xã hội cho người nông dân

Xác định nhóm nông dân được hưởng các chế độ an sinh xã hội không phải lúc nào cũng dễ dàng ở các quốc gia châu Âu. Điều này có thể do thực tế là nông dân “không tồn tại” ngay khi áp dụng quy định về an sinh xã hội; chính xác hơn là tượng họ không tồn tại dưới dạng phạm trù pháp lý riêng biệt vì không có chương trình cụ thể nào được áp dụng cho đối này. Vì vậy, thường cần tham khảo các nguyên tắc pháp lý để xác định nhóm nông dân. Việc xác định quy định chính xác về nông dân được để dành cho các lĩnh vực pháp lý khác, trong đó quan trọng nhất là luật thuế: một nông dân đối với an sinh xã hội trước hết được xác định là một người theo quy định về thuế là đủ điều kiện thực hiện các hoạt động nông nghiệp, các khoản thu của họ là đối tượng chịu thuế thu nhập cụ thể. Tính đặc thù của thuế nằm ở chỗ, việc thực hiện áp thuế đối với thu nhập từ trang trại được tổ chức khác nhau (ví dụ: sử dụng các tiêu chi cố định, chẳng hạn như diện tích của đất canh tác hoặc số lượng gia súc để xác định cơ sở thu nhập của trang trại). Các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội chung có hiệu lực, chủ yếu thực hiện quy trình thống nhất, không có sự phân biệt giữa người lao động, người tự làm chủ và các nhóm nghề nghiệp hoặc nhóm theo tiêu chí nhân khẩu học khác[4].

Quỹ bảo hiểm chung: Quỹ này thu nhận các khoản đóng góp và chi trả các khoản phụ cấp khác nhau của hệ thống cho tất cả những người lao động (bao gồm cả nông dân). Tuy nhiên, Quỹ này hợp tác để thực hiện nhiệm vụ của mình với nhiều tổ chức công và tư nhân khác. Các đơn vị quản lý của cơ quan này bao gồm các đại diện của người tự làm chủ (cũng như một đại diện của nhóm nông dân)[5].

Ngược lại, các quốc gia có nhiều hệ thống phân loại có cấu trúc hành chính phức tạp hơn nhiều. Điều này có liên quan đến sự phân chia trong hệ thống theo nhóm nghề nghiệp. Ở Pháp, điều này đã dẫn đến một cấu trúc rất phức tạp, vì có các cấu trúc hành chính khác nhau có hiệu lực không chỉ đối với từng nhóm nghề nghiệp mà còn đối với từng rủi ro được bào hiểm. Ví dụ, ở Pháp, các nhóm người tự làm chủ khác nhau có các hệ thống hành chính quản lý hưu trí của chính họ (nông dân là đối tượng thuộc nhóm này). Tuy nhiên, đối với bảo hiểm y tế, chỉ có một tổ chức đảm nhiệm các nhiệm vụ về hành chính đối với tất cả những người tự làm chủ, ngoại trừ những người nông dân tự điều hành quản lý hành chính về bảo hiểm y tế của họ. Khi xem xét lợi ích gia đình, Quỹ quốc gia vì lợi ích gia đình đều có thẩm quyền, bất kể tình trạng nghề nghiệp của các thành viên gia đình như thế nào. Tất cả các rủi ro an sinh xã hội của ngành nông nghiệp đã được tổ chức xung quanh Quỹ Xã hội Trung ương đối với các quy định của lĩnh vực nông nghiệp (Central Social Fund for Provisions of the Agricultural Sector).

Bảng 1. Cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở một số quốc gia châu Âu[6]

Nước Tên cơ quan Năm hình thành
Áo SVB (Sozialversicherungsanstalt Der Bauern) 1974
Phần Lan MELA (Maatalousyrittajien Elakelaitos) 1969
Pháp MSA (Mutualite Sociale Agricole) 1945
Hy Lap OGA (Organizmoz Georgikon Azfalizeon) 1961
Đức LSV (Die Landwirtschaftlichen Sozialversicherung) 1919
Ba Lan KRUS (Kasa Rolniczego Ubezpieczenia Spolecznego) - the Agricultural Social Insurance Fund 1990

Tại Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, theo yêu cầu của Chủ tịch KRUS, sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Nông dân, chỉ định các Phó Chủ tịch KRUS. Giám đốc của Văn phòng Trung ương KRUS, Giám đốc các Sở Khu vực, Giám đốc Văn phòng hiện trường và các đơn vị tổ chức khác (ví dụ: trung tâm phục hồi chức năng nông dân và các cơ sở phục hồi chức năng) chịu trách nhiệm trước Chủ tịch về việc thực hiện các nhiệm vụ của mình. KRUS bao gồm một quỹ hưu trí (chi trả cho người già, người tàn tật và trợ cấp hưu trí cho người thân còn sống) và một quỹ chăm sóc sức khỏe (chi trả cho ốm đau, thai sản và chăm sóc sức khỏe).

Trong các hệ thống phân loại và trong chương trình chung áp dụng đối với người tự làm chủ, hoạt động quản lý hành chính hầu hết được phân cấp theo phương thức chức năng. Điều này có thể được giải thích bởi tính chất chuyên nghiệp của các hệ thống bảo hiểm. Các cơ quan liên quan đến luật (bán) công hoặc thậm chí các tổ chức liên quan đến luật tư nhân, được tạo ra để giải quyết một khía cạnh cụ thể của quản lý an sinh xã hội. Những tổ chức này thường được quản lý bởi nhóm nghề nghiệp (tự làm chủ). Tuy nhiên, một số loại kiểm soát của chính phủ luôn luôn hiện diện, thông qua các đại diện chính phủ hiện diện trong các cơ quan hành chính của tổ chức hoặc bằng cách áp đặt các điều kiện pháp lý nhất định cho các tổ chức.

Mức độ tự chủ của các cơ quan chức năng phi tập trung có thể khác nhau đáng kể. Ví dụ, các tổ chức hành chính trong hệ thống an sinh xã hội Hy Lạp được Chính phủ kiểm soát mạnh mẽ, bởi vì tất cả các cơ quan này đều được hưởng các khoản trợ cấp của Chính phủ. Do thực hiện trợ cấp, thường Chính phủ có đại diện với tiếng nói quyết định. Tuy nhiên, ở Italy, các tổ chức hành chính cho hệ thống bảo hiểm của các ngành nghề tự do đã được tư nhân hóa; cụ thể hơn, họ đã đạt được sự tự chủ tài chính lớn hơn từ hệ thống an sinh xã hội nói chung. Các quỹ này có thể tự tổ chức trong một tổ chức liên quan đến luật từ nhân, nhưng các quyết định được đưa ra vẫn được xác nhận bởi một nghị định cấp Bộ trưởng. Nhìn chung, trong các cơ quan quản lý của hệ thống phân loại và cả trong hệ thống chung cho những người tự làm chủ, nhóm người tự làm chủ thường có tính đại diện tốt.

Trong các hệ thống chung, đại diện đặc biệt của người tự làm chủ hiếm khi được tìm thấy, chỉ thấy một đại diện cụ thể của nhóm nông dân. Ở đây, lợi ích của những người tự làm chủ thường được bảo vệ bởi đại diện của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, không nên nhấn mạnh quá nhiều tầm quan trọng của đại diện riêng. Do sự can thiệp về tài chính của chính phủ vào các hệ thống phân loại khác nhau, hoặc do sự kết hợp cấu trúc của các hệ thống này trong một hệ thống an sinh xã hội chung, các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong các hệ thống này mất rất nhiều quyền tự chủ.

Bảng 2: Hệ thống bảo hiểm cho người nông dân ở một số quốc gia Châu Âu[7]

Quốc gia

Nguyên tắc trợ cấp tài chính cho hệ thống bảo hiểm xã hội nông dân

(Tỷ lệ)

Số lượng người thụ hưởng và người đóng phí bảo hiểm

(% theo tỷ lệ dân số quốc gia)

Pháp

Nhà nước hỗ trợ cho hệ thống bảo hiểm xã hội: 82

Chế độ hưu trí - hỗ trợ phí: 36

Hỗ trợ của Nhà nước cho chế độ người làm công: 53

Chế độ hưu trí - hỗ trợ phí: 28

Người thụ hưởng: 9,4

Người đóng phí bảo hiểm: 2,0

Hy Lạp

Nhà nước hỗ trợ cho hệ thống bảo hiểm xã hội: 76,8

Quỹ Hưu trí: 100

Người thụ hưởng: 18,7

Người đóng phí bảo hiểm: 6,7

Ba Lan

Nhà nước hỗ trợ cho hệ thống bảo hiểm xã hội: 92

Chế độ hưu trí - hỗ trợ: 65

Chế độ y tế - hỗ trợ: 100

Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động- Nhà nước hỗ trợ: 0

Người hưởng thụ: 3,7

Người đóng phí bảo hiểm: 3,5

Áo

Nhà nước hỗ trợ cho hệ thống bảo hiểm xã hội: 70

Chế độ hưu trí - hỗ trợ phí: 74,3

Chế độ y tế - hỗ trợ phí: 46,4

Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động- Nhà nước hỗ trợ: 24,5

Phúc lợi gia đình - hỗ trợ phí: 99,8

Người thụ hưởng: 4,8

Người đóng phí bảo hiểm: 3,5

Phần Lan

Chế độ hưu trí và bảo hiểm gia đình - hỗ trợ phí: 70

Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động- ốm đau do quỹ MeLa - hỗ trợ phí: 28

KELA: trợ cấp phí: 40

Hệ thống bổ sung cho ngày nghỉ phép - Nhà nước trợ cấp: 1

Người thụ hưởng: 3,0

Người đóng phí bảo hiểm: 1,6

Đức

Nhà nước hỗ trợ cho hệ thống bảo hiểm xã hội: 65

Chế độ hưu trí - hỗ trợ phí: 75

Chế độ y tế - hỗ trợ phí: 50

Người thụ hưởng:

- Chế độ tai nại lao động: 4,0

- Chế độ hưu trí: 0,8

- chế độ y tế: 1,0

Người đóng phí bảo hiểm:

- Chế độ tai nạn lao động: 1,5

- Chế độ hưu trí: 0,3

- Chế độ y tế: 0,25

Ngược lại, có thể thấy rằng việc quản lý các chương trình bảo hiểm liên quan đến các ngành nghề cụ thể trong các hệ thống bảo hiểm xã hội chung thường được dành cho nhóm nghề nghiệp liên quan[8].

4. Các tiêu chí đánh giá về bảo hiểm xã hội cho người nông dân

Mô hình được hiểu là mang tính khái quát hóa nhằm mô tả quy luật vận động phát triển, sự tương tác, gắn kết giữa các bộ phận trong chỉnh thể của đối tượng nghiên cứu. Mô hình vừa mang tính hệ thống, vừa mang tính quá trình:

Tính hệ thống phản ánh về cấu trúc với các bộ phận cấu thành, gồm những bộ phận gì, kết cấu như thế nào, sự tương tác, chuyển hóa giữa các bộ phận, các quy luật, cơ chế vận hành. Còn tỉnh quá trình: thể hiện sự vận động phát triển của hệ thống theo thời gian, theo không gian, thực hiện các hàm mục tiêu có sự tương tác giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài. cũng như chuyển hóa biện chứng cho nhau như một quá trình, trong hoạt động bảo hiểm xã hội. Sự đóng góp và chia sẻ giữa các chủ thể trong chế độ bảo hiểm xã hội sẽ phản ánh mức độ của mô hình bảo hiểm xã hội của một quốc gia.

Mô hình là một “khái niệm trừu tượng của một tổ chức, nó có thể là một khái niệm, văn bản và hoặc đồ hoạ của cấu tạo tương quan, hợp tác, sự sắp xếp tài chính được thiết kế và được phát triển bởi một tổ chức hiện tại và trong tương lai, cũng như tất cả các sản phẩm chính và hoặc các dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, hoặc sẽ cung cấp, dựa vào sự sắp xếp cần thiết đó để đạt được mục tiêu và mục đích chiến dịch của nó”. Khái niệm này được đúc kết bởi Al - Debei, El - Haddadeh và Avison (2008), nó chỉ ra rằng sự dự định giá trị. mô hình giá trị (cơ sở hạ tầng của tổ chức và kiến trúc công nghệ mà hướng theo sự vận động của sản phẩm, dịch vụ thông tin), giá trị tài chính (thông tin mô hình liên quan và tổng chi phí của chủ đầu tư, phương pháp giá và cấu trúc tới doanh thu), và mạng giá trị chỉ rõ cấu tạo chính hoặc kích thước của mô hình hoạt động[9].

Trong lý thuyết và thực tế, “mô hình” được sử dụng bao gồm mục đích, mục tiêu, các đề xuất, chiến lược, cơ sở hạ tầng, cấu trúc tổ chức, nguồn lực tài chính, thực hiện các hoạt động, quá trình tổ chức và chính sách, đặc biệt là sự tham gia của các nhân tố, nhưng nó cũng được sử dụng bởi các nhà quản lý nhằm quản trị cho sự phát triển tương lai. Sự vận hành của mô hình phụ thuộc vào mục tiêu và chiến lược phát triển ở mỗi quốc gia khác nhau, cách thức vận hành là khác nhau và sẽ có đặc trưng khác nhau.

Một số tiêu chí đánh giá mô hình bảo hiểm xã hội nông dân như sau:

Thứ nhất, về đối tượng tham gia. Hệ thống bảo hiểm xã hội nông dân được thiết kế riêng cho nhóm nông dân. Bên cạnh đó, nông dân cũng có thể tham gia vào một hệ thống chung dành cho người lao động tự làm chủ, trong đó tất cả các loại nghề nghiệp của người tự làm chủ được đưa vào một hệ thống an sinh xã hội. Hệ thống này có cấu trúc hành chính riêng và tham gia vào việc thu nhận và tự quản lý các nguồn tài chính. Nông dân thường được coi là những người theo đuổi các hoạt động kinh tế một cách độc lập và thường xuyên Những loại hoạt động này đang được “chính thức hóa” theo nghĩa là nông dân được đăng ký đối với các hoạt động về thu (với tư cách là người tự làm chủ). Nếu thu nhập từ các hoạ động nông nghiệp không phải là loại thu nhập chịu thuế được đăng ký, người đó không thể được coi là nông dân. Trong trường hợp như vậy, một người thuê đất nhỏ khác với người nông dân tự làm chủ, đó là không được bảo hiểm đầy đủ Người thuê đất nhỏ chỉ được bảo hiểm (một phần) cho lương hưu và rủi ro về sức khỏe (khi họ không được bảo hiểm đối với những rủi ro khác).

Đối với chế độ lương hưu, họ chỉ được chi trả cho lương hưu cơ bản và không dành cho phần thu nhập bổ sung liên quan. Do vậy, họ chỉ phải trả một khoản đóng góp nhỏ hơn. Mặc dù cố gắng giải quyết phần nào vấn đề an sinh xã hội của những người sử dụng đất nhỏ, nhưng hệ thống bảo hiểm xã hội này gặp khá nhiều khó khăn. Những đóng góp của nhóm này vẫn còn quá ít để trang trải chi phí lương hưu tối thiểu và bảo hiểm y tế; phạm vi bảo hiểm cơ bản đối với những người thuê đất nhỏ dường như không đủ.

Hơn nữa, do việc đánh giá thu nhập không dễ quản lý (khô xác định thu nhập của nông dân là bao nhiêu), một số nông dân tự làm chủ đã cố gắng tự đổi sang nhóm những người thuê đất nhỏ để giảm chi phí (đóng góp) và để được loại ra khỏi thủ tục đăng ký chính thức. Liên quan đến thực tế này một số người nông dân chính thức là người thuê đất nhỏ nhưng có khá nhiều hoạt động phụ tạo ra thu nhập không được báo cáo ở trong nước hoặc ngoài nước (công việc không chính thức). Do đó, hệ thống bảo hiểm xã hội dường như không thành công và thậm chí còn được coi là đã loại bỏ sự bảo vệ riêng biệt đối với nhóm người thuê đất nhỏ này.

Thứ hai, về các chế độ bảo hiểm/độ bao phủ. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hay bù đắp một phần thu nhập của người dân khi họ gặp rủi ro trong đời sống (sức khoẻ, tại nạn, mùa màng...) thông qua việc đóng thường xuyên một khoản tiền (phí bảo hiểm) cho tổ chức (nhà nước hoặc tư nhân) tương ứng với xác xuất xảy ra và chi phi của rủi ro liên quan đến chu kỳ sống của người lao động và gia đình họ. Bảo hiểm xã hội tốt sẽ đóng vai trò tích cực cho sự ổn định kinh tế - xã hội, mang đến trạng thái an toàn về tinh thần, giảm bớt sự lo âu trước rủi ro, bất trắc cho người nông dân tham gia bảo hiểm, đồng thời giảm sức ép đối với hệ thống phúc lợi xã hội. Bảo hiểm xã hội nông dân bao gồm: (i) Bảo hiểm hưu trí; (ii) Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp; (ii) Bảo hiểm y tế (gồm cả bảo hiểm thai sản); (iv) Bảo hiểm phúc lợi gia đình; (v) Tử tuất.

Về hình thức bảo hiểm nông dân, thường ở các quốc gia châu Âu đều quy định hình thức bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Căn cứ theo phương thức triển khai, bảo hiểm bao gồm 2 hình thức là bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.

- Bảo hiểm tự nguyện: Những nghiệp vụ bảo hiểm mà hợp đồng bảo hiểm được ký kết theo ý nguyện của bên mua bảo hiểm, hoàn toàn trên nguyên tắc thoả thuận thì thuộc loại bảo hiểm tự nguyện.

- Bảo hiểm bắt buộc: Những nghiệp vụ bảo hiểm mà pháp luật có quy định về nghĩa vụ tham gia bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ nhất định với loại đối tượng bát buộc phải được bảo hiểm. Đối với bảo hiểm bắt buộc, thông thường pháp luật còn có quy định thống nhất về các điều khoản cơ bản của hợp đồng bảo hiểm, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm và mức phí bảo hiểm tối thiểu mà bên bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ tuân thủ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Điểm cần lưu ý là “bắt buộc” ở đây không làm mất đi nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong quan hệ hợp đồng khi các bên được tự nguyện lựa chọn đối tác và thoả thuận những vấn đề nằm ngoài các quy định thống nhất của pháp luật.

Thứ ba, mức phí đóng của nông dân. Chế độ bảo hiểm xã hội không chỉ bảo đảm cho người dân chống lại ốm đau và tuổi giả mà còn có chức năng tái phân phối thu nhập. Vì thế, làm thế nào để kết nối chế độ bảo hiểm xã hội hiện có, với không chỉ là chế độ hưu trí, mà còn kết nối được với hệ thống tái phân phối thu nhập. Ý nghĩa của nó là thay đổi cấu trúc thu nhập để hỗ trợ cho các gia đình yếu thế, mà chỉ có một cá nhân lao động, họ có thể chuyển thu nhập từ những thế hệ lao động hiện tại cho những người đang hưởng lương hưu.

Nông dân thường có đất canh tác với diện tích khác nhau, thậm chí phải thuê đất hoặc nhiều gia đình tồn tại trên cơ sở các hoạt động nông nghiệp nhỏ là chủ yếu. Việc đối xử với những người thuê đất nhỏ trong hệ thống bảo hiểm xã hội không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, trong trường hợp một quốc gia có số lượng rất lớn những người sống phụ thuộc (một phần) vào lợi ích của các mảnh đất nhỏ; Điều này đặc biệt đúng khi những nông dân này và gia đình họ chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ những mảnh đất nhỏ này. Theo một cách nào đó, quốc gia bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan đặt những người này ra khỏi hệ thống vì họ không có đủ thu nhập để được bảo hiểm xã hội; hoặc đưa họ vào hệ thống với rủi ro tiềm tàng mang lại đối với sự bền vững của hệ thống bảo hiểm.

Thứ tư, hỗ trợ của nhà nước. Quỹ bảo hiểm xã hội được hình thành từ các công cụ tài chính mà qua đó nhà nước có thể tái phân phối thu nhập. Tái phân phối, theo nghiên cứu của Goáasa, trong nông nghiệp có thể nhìn nhận dưới hai khía cạnh[10]: (1) mức thu nhập của người nông dân với phần còn lại của xã hội, giá trị thứ hai có thể tái phân phối giữa bản thân người nông dân và ngân sách nhà nước. Điều này được giải thích là người nông dân tích cực tham gia vào việc hình thành các quỹ nhà nước. Mức phí đóng bảo hiểm xã hội tuỳ thuộc vào thu nhập là một nền tảng tái phân phối thu nhập cho người nông dân. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ đến nhóm nông dân yếu thế, thông qua các chính sách bảo hiểm được sử dụng hỗ trợ phí phụ thuộc vào thu nhập ở một số quốc gia[11] . Mặt khác, nhà nước đóng vai trò tái phân phối lại tài sản của các cá nhân không thể tham gia vào thị trường, mục đích bảo vệ tài sản chung của quốc gia - thông qua tái phân phối tài chính công. Điều này giải thích cho một số quốc gia hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội (phân chia công bằng về thu nhập và tài sản, đảm bảo khả năng lao động của mỗi cá nhân tại nơi làm việc và đảm bảo phòng chống rủi ro khi gặp ốm đau hoặc tuổi già[12].

Tham gia bảo hiểm xã hội là công cụ quản lý rủi ro tốt nhất cho người lao động. Để rủi ro được đưa vào diện bảo hiểm, cần đáp ứng hai yêu cầu là: quản lý những tác động bất lợi của thông tin không cân xứng và vượt qua những vấn đề liên quan đến rủi ro có hệ thống (nghĩa là nhiều người cùng chịu tổn thất tại một thời điểm). Ở Liên minh châu Âu, người nông dân chịu trách nhiệm chủ yếu đối với những rủi ro trong sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp. Thông qua hoạt động quản lý rủi ro cho người nông dân được xác định ở cấp độ trang trại hay hộ gia đình. Sự đa dạng hóa là một yếu tố quan trọng trong quản lý rủi ro ở tất cả các khu vực, trong đó có khu vực sản xuất nông nghiệp. Sự đa dạng hóa có thể là một chiến lược quản lý rủi ro, đặc biệt nếu người nông dân biết rõ về tất cả những sự lựa chọn của họ. Với những rủi ro thông thường, nhà nước đóng vai trò khuyến khích người nông dân phát triển các chiến lược quản lý rủi ro của riêng họ. Các công cụ bảo hiểm có thể cải thiện khả năng của người nông dân trong việc đánh giá và quản lý rủi ro. Các điều khoản thuế thu nhập và an sinh xã hội có thể được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của người nông dân[13].

Vấn đề tiếp theo sẽ là ở mức độ nào thì người ta tính đến tình huống cụ thể để tài trợ cho an sinh xã hội: chúng ta có nên tạo điều kiện cho người nông dân trong giai đoạn đang phải đối mặt với các khó khăn về tài chính, ví dụ như cấp quyền được miễn hoặc hoãn các khoản thuế phải thanh toán? Điều này có liên quan đến việc tổ chức tài chính của hệ thống bảo hiểm, và cụ thể hơn là liên quan đến chính sách phải tuân thủ khi giải quyết đối với nông dân gặp khó khăn tạm thời.

Một lựa chọn khác, như được áp dụng bởi một số quốc gia, là tính toán mức đóng góp tối thiểu mà mọi người lao động sẽ có thể trả cho hệ thống bảo hiểm. Mức đóng góp tối thiểu này lần lượt được tính dựa trên thu nhập tối thiểu cho phép những người hoạt động nghề nghiệp đảm bảo được cuộc sống của họ. Đối với những người làm công ăn lương, có thể sử dụng mức lương tối thiểu được đảm bảo trong pháp luật lao động đối với người tự làm chủ và nông dân, đây có thể là một khoản thu ở mức tương tự (hoặc ít nhất là doanh thu của mức sinh hoạt tối thiểu) như được quy định trong luật an sinh xã hội.

Khi áp dụng hệ thống này một cách nghiêm ngặt, những người canh tác trên mảnh đất nhỏ sẽ không tồn tại như các chủ thể kinh tế, vì họ có thể không thể trả các khoản đóng góp tối thiểu cần thiết. Tất nhiên sẽ dễ dàng hơn khi áp dụng các hệ thống cứng nhắc như vậy để loại những người thuê đất nhỏ khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, khi số lượng của họ là khá hạn chế. Tuy nhiên, các quốc gia có số lượng lớn người chỉ có một mảnh đất nhỏ để canh tác kiếm sống (chính thức) sẽ khó khăn hơn nhiều khi loại những gia đình này khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội[14]. Có một sự khác biệt giữa hai loại nông dân, mỗi loại do đó có một sự bảo vệ xã hội khác nhau: nhóm “nông dân và thành viên của gia đình nông dân làm việc tại trang trại”, và nhóm “những người sử dụng đất nhỏ và các thành viên trưởng thành trong gia đình của họ”.

Thứ năm, quản lý quỹ và tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm là một cơ chế, theo cơ chế này, một người, một doanh nghiệp hay một tổ chức chuyển nhượng rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm/Quỹ Bảo hiểm, doanh nghiệp Quỹ Bảo hiểm đó sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm các tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm và phân chia giá trị thiệt hại giữa tất cả những người được bảo hiểm. Ngoài đặc điểm chung của bảo hiểm đó là: (1) Bảo hiểm là sự đóng góp của số đông vào sự rủi ro cho số ít; (2) Bảo hiểm là một sự dàn xếp nhằm chuyển nhượng và chia sẻ rủi ro trong trường hợp xảy ra sự tổn thất về nhân mạng hoặc tài sản; (3) Bảo hiểm là loại hình dịch vụ cung cấp một cơ chế chuyển giao rủi ro, thông qua việc lập một quỹ tài chính tập trung (hay gọi là quỹ bảo hiểm) được huy động từ sự đóng góp của các thành viên là những người tham gia bảo hiểm[15]. Quỹ bảo hiểm này được sử dụng để bồi thường, bù đắp những tổn thất xảy ra do rủi ro mang tính khách quan đem lại cho bên được bảo hiểm. Bảo hiểm xã hội cho người nông dân là một hiện tượng vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính xã hội. Nhưng dù ở góc độ nào thì việc đảm bảo bền vững quỹ bảo hiểm xã hội luôn được đặt ra. Như chúng ta đã biết, bảo hiểm xã hội cho người nông dân vẫn phải đảm bảo được các nội dung: Một là, bảo hiểm phải là hoạt động tạo lập quỹ tài chính của bên bảo hiểm chú yếu trên cơ sở thu phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm; Hai là, bên bảo hiểm phải cam kết chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng (trong trường hợp bảo hiểm tính mạng), hoặc bồi thường cho bên được bảo hiểm khi đối tượng được bảo hiểm gặp phải những tổn thất do những rủi ro được bảo hiểm gây ra.

Chức năng bảo hiểm xã hội dựa trên sự tham gia của các bên trong hệ thống, với vai trò đóng góp của nhà nước trong quá trình hình thành nên hệ thống và quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội. Quỹ Bảo hiểm xã hội được hình thành từ đóng góp của cá nhân dựa trên mức thu nhập trong quá trình lao động. nguyên tắc đóng có đặc điểm thực hiện bắt buộc và với mục đích xã hội[16]. Tức là đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội giúp ổn định tài chính, thể hiện rõ nhất trong một nhóm người nhất định (chẳng hạn như nông dân) hoặc rộng hơn là toàn xã hội. Sự tham gia của nhà nước có thể dưới nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào liệu chỉ giải quyết trong quá trình thành lập nền tảng pháp lý cho bảo hiểm xã hội hoặc nắm lấy trách nhiệm tài chính cho hệ thống được hình thành. Tuy nhiên, phạm vi can thiệp của nhà nước bắt buộc là nhằm thực hiện nguyên tắc trợ cấp, ổn định và vì con người. Các nguyên tắc này có thể được áp dụng hầu hết trong chính sách xã hội, như là biện pháp, điều kiện tiên quyết ổn định tài chính bền vững[17] và bảo đảm các tiêu chuẩn an sinh xã hội nhất định trong một số đối tượng cụ thể[18] góp phần bảo đảm tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội cho người nông dân.

 


[1] Điển hình các quốc gia như Pháp, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Hy Lạp, Slovenia, Cộng hòa Slovakia, Cộng hòa Séc, Ao, Hungary, Litva, Latvia

[2] Điển hình các quốc gia như Phần Lan, các nước Scandinavia, Hà Lan, Anh và Ireland.

[3] Điển hình là các quốc gia Pháp, Thụy Điển, Hungary hay Ba Lan.

[4] Thực tế này có thể được thấy ở Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Vương quốc Anh, Ireland và cả ở Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Slovenia, Bulgaria, Romania, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, cơ quan đóng góp và cơ quan phúc lợi sẽ lần lượt thu các khoản đóng góp và trả các khoản phụ cấp cho Bộ Các vấn đề Xã hội, bất kể nhóm nghề nghiệp nào được bảo hiểm. Ở Ireland, Cục Thuế chịu trách nhiệm thu tiền đóng góp của cả người lao động và người tự làm chủ; trong khi các bộ phận xã hội chịu trách nhiệm chi trả các khoản phụ cấp

[5] Chẳng hạn, ở Bỉ được quản lý bởi cơ quan đặc biệt của riêng mình, dó là Rijksinstitut voor de Sociale Verzekeringen der Zelfstandigen (RSVZ).

[6] Nguồn: Joanna Pawłowska-Tyszko, Marian Podstawka, Pierre- Yves Lelong và Sebastian Filipek-Kaźmierczak (2013), The social insurance system for farmers and its impact on public finances, https://www.icrigz.waw.pl/download/7586-r_2.1 b5.pdf

[7] Nguồn: Joanna Pawłowska-Tyszko, Marian Podstawka, Pierre- Yves Lelong và Sebastian Filipek-Kaźmierczak (2013), The social insurance system for farmers and its impact on public finances, https://www.ierigz.waw.pl/download/7586-r 2.1 b5.pdf.

[8] Ví dụ, bảo hiểm thất nghiệp ở Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan được quản lý bởi các tổ chức chuyên nghiệp của những người tự làm chủ. Ở Phần Lan, trong hoạt động quản lý các chương trình bảo hiểm xã hội cho nông dân (MELA), đại diện của các nhóm nông dân đang đóng một vai trò quan trọng. Phân cấp chức năng do đó cũng có thể được nhìn thấy trong các hệ thống bảo hiểm xã hội chung.

[9] Đặng Minh Đức (2017), Bảo hiểm nông nghiệp ở một số nước châu Âu: Vấn đề lý luận, thực tiễn và hàm ý chính sách cho Việt Nam, Báo cáo kết quả tổng hợp, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ.

[10] Goaasa P., Redystrybucyjna rola rolniczych instrumentów finansowych w Polsce, Praca doktorska SGGW, Warsaw, 2010, s.49

[11] Blok F., Sikora J., Sztumska B., Wybrane aspekty socjologii rynku. Politechnika Czestochowska, Czestochowa, 2001, s. 51-53

[12] Preston S., Children and the Aged in the US, Scientific American, 2000, vol. 251, pp. 44-49.

[13] Chẳng hạn, việc đánh thuế đối với thu nhập trung bình của người nông dân có thể giúp họ đối phó với tình trạng thu nhập thay đổi thất thường. Các biện pháp kích thích tăng thu thuế cũng có thể giúp người nông dân ổn định thu nhập hàng năm.

[14] Litva đã đưa ra quyết định liên quan đến người thuê đất nhỏ, đô là không loại trừ họ hoàn toàn khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, nhưng không cung cấp cho họ bảo hiểm xã hội đầy đủ. Ở Litva, những người thuê đất nhỏ có thu nhập thấp cũng được coi là những người hoạt động chuyên nghiệp, nhưng với nguồn lực hạn chế. Do đó so với những người tự làm chủ khác (nông dân), họ chỉ được hưởng bảo hiểm giới hạn (chỉ một số ít rủi ro xã hội được bảo hiểm và chỉ đảm bảo bảo hiểm cơ bản).

[15] Hồ Sĩ Sà (2000), Giáo trình bảo hiểm, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Noi, tr.7-13.

[16] Muszalski W., Ubezpieczenia spoȧeczne, PWN, Warsaw, 2004, s. 12.

[17] Hadyniak B., Szumlicz T., Ubezpieczenia jako ... op. cit. s. 78.

[18] Szumlicz T., "Ubezpieczenia w systemie zabezpieczenia spoáecznego", [w:] Handschke J. i Monkiewicz J. (red. nauk.), Ubezpieczenia. Podrocznik akademicki, Wydawnictwo Poltext, Warsaw, 2010, s. 475

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành