Thứ tư, 18 Tháng 10 2023 02:12

Phân tích chính sách về những đặc thù và phổ quát của bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở các quốc gia Châu Âu

1. Tính phổ quát

Ở các quốc gia châu Âu vận hành một hệ thống an sinh xã hội riêng cho nông dân, các tổ chức được thành lập cho mục đích này không chỉ nhằm mang lại lợi ích cho người lao động nông nghiệp và gia đình họ, mà họ còn thực hiện chức năng của một công cụ chính sách nông nghiệp, liên quan đến thu nhập của nông dân và chuyển đổi cấu trúc nông nghiệp, hướng tới mục tiêu quan trọng là bảo hiểm xã hội toàn diện cho người nông dân. Tuy nhiên, hệ thống bảo hiểm xã hội riêng biệt như mô hình ở châu Âu (Pháp, Ba Lan và Hy Lạp) có thể phải đối mặt với áp lực chính trị đối với việc hài hòa các nguyên tắc bảo hiểm xã hội cho nông dân với hệ thống chung[1]. Qua nghiên cứu, bảo hiểm xã hội của các nước châu Âu cho thấy một số điểm tương đồng như sau:

Xây dựng được khung chính sách cho hoạt động bảo hiểm xã hội nông dân

Bảo hiểm xã hội nông dân ở các quốc gia châu Âu (Pháp, Hy Lạp và Ba Lan) xuất phát từ điều kiện kinh tế và xã hội nhất định[2]. Hầu hết các nguyên tắc chung của luật xã hội như đoàn kết xã hội, nguyên tắc cân bằng và các nguyên tắc khác ban đầu được thiết lập với án lệ khi luật thành văn chưa có hiệu quả. Những nguyên tắc này có vai trò ưu tiên trong việc giải thích luật xã hội. Chi khi các nguyên tắc luật xã hội không đưa ra giải pháp cho vấn đề, thì việc tham khảo được thực hiện theo các nguyên tắc chung của luật công (hiến pháp hoặc hành chính), như nguyên tắc về phẩm giá con người, nguyên tắc nhà nước pháp quyền, nguyên tắc quản trị công bằng, nguyên tắc quyền bình đẳng.... Ngoài ra, hai nguyên tắc cơ bản chi phối lĩnh vực trợ giúp xã hội: đó là nguyên tắc đưa thẩm quyền về cấp thấp nhất và nguyên tắc cá nhân được hưởng phúc lợi.

Các quốc gia châu Âu (Pháp, Hy Lạp, Ba Lan) với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu đều áp dụng tất cả các văn bản luật thứ cấp của EU trong lĩnh vực an sinh xã hội. Các cơ chế ràng buộc của luật pháp EU đã được đưa vào hệ thống pháp lý của các quốc gia thành viên. Pháp luật về an sinh xã hội, trong đó có thực hiện bảo hiểm xã hội cho người nông dân bao gồm sự phối hợp của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng trong các hệ thống bảo hiểm theo luật định, nghề nghiệp và bảo vệ quyền của các thành viên di cư với các chế độ lương hưu bổ sung. Đó là sự tác động đến những cải cách cơ cấu với những thay đổi đối với các chế độ thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe và hưu trí, gồm cả đối tượng là người nông dân: Giới thiệu tuổi nghỉ hưu thống nhất theo luật định và tạo ra một cơ chế điều chỉnh tự động liên kết tuổi nghỉ hưu với sự gia tăng tuổi thọ; Hài hòa tuổi hưu trí cho nam và nữ; Khuyến khích hạn chế chi tiêu cho y tế...

Hệ thống bảo hiểm xã hội cho nông dân ở các nước châu Âu (Pháp, Hy Lạp và Ba Lan) đều tham gia các công ước và thỏa thuận bảo hiểm xã hội song phương do là thành viên của Liên minh châu Âu. Các văn kiện số 1408/71 và 574/72 của Liên minh châu Âu quy định các vấn đề về bảo hiểm xã hội của người lao động sinh sống tại các quốc gia thành viên EU[3]. Mục tiêu chính của các Công ước và Hiệp định này là thúc đẩy sự phối hợp quốc tế về an sinh xã hội thông qua các nguyên tắc cụ thể như bảo đảm sự đối xử bình đẳng. Theo nguyên tắc này, một bên đồng ý rằng quốc tịch của bên kia hoặc các bên tham gia thỏa thuận sẽ có các quyền và nghĩa vụ tương tự theo luật an sinh xã hội quốc gia như quốc tịch của họ. Tất cả các công ước có chứa các điều khoản quy định áp dụng. Các điều khoản phải giải quyết mâu thuẫn pháp luật, chẳng hạn khi có một công nhân phải tuân thủ luật pháp an sinh xã hội của hai quốc gia cùng lúc và nếu xảy ra xung đột dẫn đến việc người đó không biết phải tuân thủ luật pháp của quốc gia nào, thì theo nguyên tắc chung của quốc tế, người lao động đó phải tuân theo luật pháp của nhà nước trong lãnh thổ mà người đó đang làm việc. Các công cụ này áp dụng trực tiếp trong lãnh thổ của các bên ký kết, được ưu tiên hơn luật pháp trong nước trong trường hợp có xung đột giữa các quy định của hai bên.

Mặt khác, các quốc gia (Pháp, Hy Lạp và Ba Lan) đều chịu điều chỉnh của các chính sách và khung pháp luật của EU, trong đó trong lĩnh vực nông nghiệp có Chính sách Nông nghiệp chung (Common Agricultural Policies - CAP) của EU. Năm 1958, CAP ra đời với các nguyên tắc nền tảng là xúc tiến việc hình thành thị trường chung cho các sản phẩm nông nghiệp và các chi phí cho CAP được chia đồng đều giữa các quốc gia thành viên[4]. Trong các mục tiêu của CAP, mục tiêu tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho nông dân là nguyên tắc mang tính định hướng cho việc ra đời chính sách bảo hiểm xã hội cho người nông dân. Vì thế, các quốc gia thuộc thành viên EU đều áp dụng tất cả các văn bản luật thứ cấp của EU trong lĩnh vực an sinh xã hội và các cơ chế ràng buộc của luật pháp EU đã được đưa vào trật tự pháp lý trong nước phối hợp với các chế độ an sinh xã hội quốc gia, áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng trong các chế độ an sinh xã hội theo luật định, nhất là thực hiện trợ cấp ngân sách đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và cho người nông dân nói riêng trong hệ thống bảo hiểm xã hội, với mục tiêu nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp và rủi ro đối với người người nông dân.

Về đối tượng tham gia

Bảo hiểm xã hội nông dân đã xác định đối tượng tham gia là tất cả người lao động và chủ trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp và gia đình của họ. Đồng thời, các quốc gia châu Âu đều xác định ngưỡng quy mô tối thiểu đối với hoạt động nông nghiệp (đất nông nghiệp, cây trồng, gia súc,...). Quy mô tối thiểu này được xác định có tính đến các loại hình hoạt động nông nghiệp và/hoặc kết hợp các hoạt động đó (ví dụ: sản xuất cây trồng, hoạt động lâm nghiệp, gia súc, chăn nuôi côn trùng,...). Điều cần thiết là quy mô tối thiểu phải cho phép một (gia đình) nông dân sống và kiếm tiền dựa trên các hoạt động nông nghiệp. Các yếu tố như giá cả các sản phẩm nông nghiệp, tỷ lệ cho tiêu dùng bản thân, mức thu nhập nghề nghiệp của quốc gia đó,... góp phần xác định quy mô tối thiểu. Quan trọng là trang trại có tiềm năng đạt đến mức tối thiểu đã đặt ra, mà không có liên quan đến thực tế có đạt được hay không. Có thể nói thêm rằng gần đây trong chính sách nông nghiệp của EU, có mục tiêu tạo ra các công ty nông nghiệp, quy mô của chúng đủ lớn để cho phép đầu tư cho các thiết bị hiện đại. Diện tích tối thiểu để canh tác trên đất đai tăng lên từ 5 đến 10 ha.

Về chế độ bảo hiểm xã hội và độ bao phủ của chế độ bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội nông dân ở châu Âu (Pháp, Hy Lạp và Ba Lan) được dựa trên nguyên tắc đoàn kết dân tộc, có đặc trưng chung với hai hình thức bảo hiểm, đó là loại hình bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện. Cá nhân có thể tham gia cả hai hình thức của loại hình bắt buộc và tự nguyện. Với trường hợp bắt buộc, đối tượng tham gia phải là nông dân, sinh sống tại khu vực nông thôn và sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp mà có tài khoản riêng. Bảo hiểm xã hội gồm chế độ hưu trí, ốm đau, tai nạn lao động, tử tuất, y tế, thai sản, trợ cấp gia đình. Bảo hiểm xã hội cung cấp cho tất cả mọi người và cho tất cả các thành viên trong gia đình họ gồm bảo hiểm cho bệnh tật, chi phí thai sản cũng như chi phi sinh hoạt gia đình. Phạm vi bảo hiểm này được áp dụng thông qua tư cách thành viên của các bên liên quan và người phụ thuộc của họ đối với một (hoặc nhiều) chương trình bắt buộc.

Một trong những hậu quả trong ngắn hạn nếu không có các công cụ quản lý rủi ro hiệu quả, đó là việc giảm đáng kể thu nhập của người nông dân. Thậm chí, khi rủi ro đó liên quan đến những cú sốc mang tính hệ thống và ảnh hưởng tới toàn ngành, chẳng hạn như những cú sốc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người nông dân và dẫn đến việc mất khả năng chi trả đối với các khoản vay. Hệ quả là việc các tổ chức cho vay sẽ có xu hướng giảm thiểu cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Theo thời gian, việc không thể tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài sẽ giới hạn khả năng mở rộng, đa dạng hóa và hiện đại hóa các hoạt động nông nghiệp của người nông dân. Việc người nông dân ít được tiếp cận với bảo hiểm khi nguồn thu nhập giảm dẫn đến ảnh hưởng tới việc bảo đảm quyền an sinh xã hội là điều không thể tránh khỏi.

Những cú sốc thời tiết sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của người nông dân sau khi chúng xảy ra, mà chúng còn ảnh hưởng đến các quyết định về sinh kế của họ. Trong điều kiện không được bảo vệ thì nguy cơ những điều bất lợi có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến hành vi của nông dân, khiến họ có xu hướng tránh đầu tư vào các hoạt động mạo hiểm, thay vào đó là giữ lại các tài sản có tính thanh khoản cao nhưng khả năng sinh lợi hầu như rất thấp. Việc cho phép các hộ nghèo đối phó tốt hơn với những cú sốc là điều cần thiết để cải thiện phúc lợi của họ trong ngắn hạn cũng như cải thiện cơ hội tăng trưởng thu nhập trong dài hạn. Vì thế, vai trò của Nhà nước, các chủ sử dụng lao động (doanh nghiệp) trong việc cung cấp, hỗ trợ bảo hiểm cho người nông dân là rát quan trọng.

Bảo hiểm xã hội cho nông dân ở các quốc gia châu Âu được xác định: là một phần quan trọng trong chính sách phát triển bền vững khu vực nông thôn; cung cấp công cụ đối với chính sách việc làm; phối hợp với chính sách thuế nông nghiệp cho các mục tiêu phân phối lại; tăng cường hiệu quả của chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tương tác với các chính sách hội nhập; nhằm đảm bảo phòng ngừa và chăm sóc y tế cho nông dân. Mặt khác, xu hướng hiện nay ở các nước châu Âu là đang dần thúc đẩy để lợi ích bảo hiểm của những người nông dân tiến gần nhau hơn, hướng đến có chương trình chung cho những người làm công ăn lương và những người không có lương khác. Ví dụ, các lợi ích sức khỏe, trợ cấp gia đình và các chương trình tai nạn lao động được liên kết với các chương trình khác. Nghỉ ốm và trợ cấp tai nạn hiện tỷ lệ tham gia vẫn còn thấp, một phần là do cách nhận thức khác nhau của những người nông dân dẫn đến mức độ sẵn sàng chi trả cho bảo hiểm thấp. Do đó, nghỉ ốm có lương và trợ cấp tàn tật không được các nông dân lao động tự do coi trọng và đặc biệt họ cho rằng nghi ốm có lương ít cần thiết hơn các loại bảo hiểm khác[5].

Mức đóng phí bảo hiểm xã hội

Một số quốc gia đã loại trừ các hoạt động nông nghiệp nhỏ ra khỏi phạm vi bảo hiểm xã hội, và thực hiện bằng cách áp đặt mức ngưỡng tối thiểu áp dụng rõ ràng. Do việc đánh giá thu nhập của nông dân đôi khi rất khó thực hiện, các quốc gia thiết lập điều kiện liên quan đến ngưỡng tối thiểu về quy mô trang trại (lô đất tối thiểu, số lượng gia súc tối thiểu...). Những người không đáp ứng các tiêu chí này không thể được coi là một nông dân chuyên nghiệp; nhưng họ có thể tiếp cận vào hệ thống an sinh xã hội dựa trên cơ sở trạng thái khác (ví dụ như người làm công ăn lương, người hưu trí...) và có thể xem xét đến khoản thu nhập từ các hoạt động nông nghiệp nhỏ của họ vào mục đích tính toán các khoản đóng góp. Mặt khác ở phạm vi cá nhân, hoạt động tối thiểu được quy định không đề cập về thu nhập thực sự của người nông dân. Nó chỉ là một giả định cho rằng trên cơ sở hoạt động tối thiểu này, người nông dân có thể kiếm sống cho bản thân, cho dù trong thực tế lại là một vấn đề khác: có thể là do một số điều kiện như quản lý không tốt hay thời tiết xấu... nên người nông dân phải chịu thua lỗ, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Một cách tính toán khác là mức đóng góp tối thiểu mà người nông dân có thể trả cho hệ thống bảo hiểm. Mức đóng góp tối thiểu này lần lượt được tính dựa trên thu nhập tối thiểu cho phép những người hoạt động nghề nghiệp đảm bảo được cuộc sống của họ. Đối với những người làm công ăn lương, điều này có thể sử dụng mức lương tối thiểu được đảm bão trong pháp luật lao động; đối với người tự làm chủ và nông dân, đây có thể là một khoản thu ở mức tương tự (hoặc ít nhất là doanh thu của mức sinh hoạt tối thiểu) như được quy định trong luật an sinh xã hội. Khi áp dụng hệ thống này một cách nghiêm ngặt, những người canh tác trên các mảnh đất nhỏ sẽ không tồn tại như các chủ thể kinh tế, vì họ có thể không thể trả các khoản đóng góp tối thiểu cần thiết. Tất nhiên sẽ dễ dàng hơn khi áp dụng các hệ thống cứng nhắc như vậy để loại những người thuê đất nhỏ khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, khi số lượng của họ là khá hạn chế. Tuy nhiên, nếu quốc gia có số lượng lớn người chỉ có một mảnh đất nhỏ đề canh tác kiếm sống (chính thức) thì sẽ khó khăn hơn nhiều khí loại những gia đình này khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn như chế độ bảo hiểm của Pháp đã quy định việc thực hiện hoạt động nông nghiệp tự làm chủ trên một khu vực ít nhất bằng một nửa theo tiêu chuẩn SMI (khu vực quy định tối thiểu) như quy mô, địa điểm và loại hình hoạt động kinh tế nông nghiệp, thời gian lao động cần thiết. Ngưỡng SMI trung bình 0,25 ha, trong khi thời gian sử dụng là 1.200 giờ một năm[6].

Quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội

Quỹ Bảo hiểm xã hội nông dân là một hệ thống trợ giúp xã hội dành cho cả những người tiến hành hoạt động kinh tế nông nghiệp (chủ sở hữu nông nghiệp, nghề phụ trợ và một phần thợ thủ công nông nghiệp) và cho người lao động tự do (người nông dân tự làm chủ hoặc có sử dụng lao động). Hệ thống bảo hiểm xã hội cho người nông dân, tương tự như các hệ thống bảo hiểm khác, mang tính định hướng nghề nghiệp. Hệ thống bảo hiểm xã hội cho người nông dân là một phần không thể thiếu của hệ thống bảo hiểm chung, mặc dù nó được tách ra trên cơ sở theo luật định. Mặc dù bảo hiểm xã hội cho người nông dân không phải do Nhà nước quản lý vận hành nhưng nó vẫn tuân thủ theo các nguyên tắc hoạt động chung của các loại hình bảo hiểm, vẫn chịu sự giám sát chung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi cho người nông dân thì hệ thống bảo hiểm xã hội cho người nông dân cũng góp phần hỗ trợ cho các lĩnh vực bảo hiểm khác đảm bảo mục tiêu của Nhà nước là nâng cao đời sống của toàn dân, phổ cập bảo hiểm cho mọi đối tượng trong xã hội.

Về trợ cấp của Nhà nước đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội cho người nông dân

Nhà nước là chủ thể điều tiết các chính sách: tài khóa, tài chính, lao động, việc làm nhằm hỗ trợ, đảm bảo cho người nông dân trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội. Nhà nước có vai trò đảm bảo hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đối với những rủi ro nghiêm trọng, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nông dân. Do đối tượng nông dân và các hoạt động sản xuất nông nghiệp thường có rủi ro lớn, Nhà nước và các nhà sản xuất kết hợp với nhau nhằm làm giảm bớt những áp lực này và quản lý rủi ro xảy ra và thông qua đó, ngân sách nhà nước bằng công cụ thuế hoặc hỗ trợ ngân sách cho người nông dân tham gia bảo hiểm xã hội với các chế độ bắt buộc.

Sự phát triển bền vững của chế độ bảo hiểm xã hội ở mỗi quốc gia gắn liền với mức độ rủi ro, song chính sách bảo hiểm nhằm hỗ trợ cho hệ thống nông nghiệp cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của bảo hiểm xã hội ở quốc gia đó. Các quy định về hỗ trợ của Chính phủ đối với nông nghiệp ở các quốc gia EU trước năm 2006 cũng rất khác nhau. Mặc dù hầu hết các quốc gia đều thực hiện chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp theo các nguyên tắc chỉ dẫn của Ủy ban châu Âu. Từ tháng 12 năm 2006, khi quy định về việc áp dụng các Điều 87 và 88 của Hiệp ước Maastricht về chống trợ cấp được thông qua cùng với các nguyên tắc chỉ dẫn mới của Ủy ban châu Âu, các quốc gia thành viên EU đã có một khung khổ pháp luật chung về việc hỗ trợ cho bảo hiểm xã hội nhằm ngăn ngừa rủi ro. Khung khổ pháp luật này cho phép các quốc gia EU duy trì chính sách của riêng họ phù hợp với mức độ rủi ro và hệ thống bảo hiểm xã hội cho nông dân của mỗi quốc gia.

2. Tính đặc thù

Hiện nay tồn tại phổ biến hai loại hình tổ chức bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở các quốc gia, một là do Nhà nước quản lý chung cho mọi đối tượng và hai là mô hình phân biệt rõ từng nhóm đối tượng giao cho các cơ quan theo nhóm đối tượng vận hành, Pháp, Hy Lạp và Ba Lan là các quốc gia theo mô hình thứ hai. Những tiến bộ và thành công đạt được trong mô hình này cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập khung chính sách khác biệt hóa nhằm mục tiêu cụ thể vào từng đối tượng bảo hiểm. Việc các quốc gia Pháp, Hy Lạp và Ba Lan thành lập những quỹ bảo hiểm riêng cho từng lĩnh vực như nông nghiệp quản lý đã mang lại những đổi mới lớn, bước đầu đạt được kết quả cải thiện các dịch vụ, mở rộng các lĩnh vực bảo hiểm, tiến tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hộicho toàn bộ nông dân. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu mô hình bảo hiểm xã hội cho người nông dân của các quốc gia này, ta có thể rút ra một số điểm mang tính phổ quát như sau:

Về xác định khái niệm, đến tiêu chí xác định thế nào là nông dân

Qua nghiên cứu cho thấy rằng ở các quốc gia châu Âu (Pháp, Hy Lạp và Ba Lan) cũng như nhiều quốc gia khác tổn tại một thực tế là có một lượng lớn người lao động trên đất nông nghiệp hoặc thuê đất hoặc tự làm chủ trên phạm vi đất canh tác nhưng đối chiếu theo quy định của pháp luật vẫn không được coi là nông dân vì không đáp ứng được các quy định về diện tích đất canh tác tối thiểu, thời gian lao động trên đất đó hoặc số lượng gia súc, gia cầm cần phải có hoặc phải đạt mức thu nhập tối thiểu để được coi là nông dân. Số lượng người này vô hình trung đang bị bỏ lại hay nói cách khác đang bị loại khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội cho người nông dân trong khi thực tế họ là nông dân, vì vậy đưa họ vào tình thế đối mặt với nguy cơ rủi ro, đi ngược lại mục đích tính bền vững của bảo hiểm xã hội.

Thực tế cho thấy với những đối tượng như vậy, mỗi nước đã sáng tạo những cách giải quyết rất khác nhau liên quan cơ cấu thu nhập của họ. Chẳng hạn như có cách giải quyết đến cho những người theo quy định không phải là nông dân nhưng thực tế làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp bằng cách không loại trừ họ hoàn toàn khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, nhưng cũng không cung cấp cho họ một vỏ bọc an sinh xã hội đầy đủ. Do vậy, so với những người được coi là nông dân, họ chi được hưởng những bảo hiểm cơ bản, quyền lợi ít hơn nhiều. Do đó vì mục đích an sinh xã hội thì một số yếu tố trong việc xác định thế nào là nông dân nên được nới lỏng hơn hoặc nên có một sự nhấn mạnh khác, chẳng hạn như khi xác định khái niệm nông dân, cần chú trọng hơn vào bản chất kinh tế của hoạt động nông nghiệp.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy vận hành bảo hiểm xã hội cho người nông dân

Với quốc gia có hệ thống an sinh xã hội chung và có hệ thống quản trị thống nhất, không có sự phân biệt giữa các nhóm đối tượng bảo hiểm. Ví dụ có thể thấy ở Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Anh, Ireland,... đã phân cấp cho cơ quan phụ trách thu phí bảo hiểm và cơ quan chi trả lợi ích bảo hiểm sẽ lần lượt thu các khoản phí đóng góp và trả các khoản bảo hiểm xã hội cho bất kể nhóm đối tượng nào được bảo hiểm[7], còn ở các quốc gia (Pháp, Hy Lạp và Ba Lan) đều do một quỹ bảo hiểm xã hội nông dân quản lý và điều hành.

Tuy nhiên, ở các quốc gia vận hành mô hình quỹ bảo hiểm xã hội theo các nhóm đối tượng khác nhau, cơ cấu tổ chức hành chính phức tạp. Điều này có liên quan đến sự phân chia theo nhóm riêng biệt trong các hệ thống. Pháp là một điển hình, sư phân chia đó đã dẫn tới sự phức tạp về cấu trúc, bộ máy hành chính cồng kềnh nhiều tầng lớp vì có các cơ quan phụ trách khác nhau không chỉ cho mỗi nhóm đối tượng mà còn cho mỗi loại rủi ro được bảo hiểm. Ví dụ, ở Pháp các nhóm khác nhau của những người tự làm chủ có cơ quan phụ trách lương hưu riêng. Đối với bảo hiểm y tế cũng có cơ quan phụ trách riêng cho tất cả những người nông dân tự làm chủ. Đối với lĩnh vực lợi ích gia đình sẽ do Quỹ phúc lợi gia đình đảm nhiệm. Các quy định của ngành nông nghiệp cuối cùng được tổ chức xoay quanh Quỹ xã hội trung ương cho tất cả các rủi ro an sinh xã hội[8]. Các quỹ này đều trực thuộc một bộ do Chính phủ quản lý.

Về cơ sở để xác định thu nhập để làm căn cứ tính mức tiền đóng góp bảo hiểm

So sánh tài chính của các hệ thống an sinh xã hội cho người nông dân có một sự phức tạp đáng kể so với các nhóm đối tượng khác. Đối với bảo hiểm xã hội cho người nông dân, hầu hết các quốc gia có một hệ thống tài chính dựa trên sự đóng góp của người tham gia bảo hiểm. Ngoại lệ là các quốc gia như Hy Lạp, Nhà nước tài trợ hầu hết các lợi ích an sinh xã hội cơ bản của họ thông qua ngân sách nhà nước. Đối với hệ thống bảo hiểm xã hội có sự đóng góp của người dân như ở Pháp và một số quốc gia khác, một trong những vấn đề khó khăn liên quan đến tài chính của các hệ thống bảo hiểm cho người tự làm chủ nói chung và nông dân nói riêng là việc xác định cơ sở thu nhập để làm căn cứ đóng góp bảo hiểm. Trái ngược với người làm công ăn lương có cơ sở rõ ràng để tính phản tỷ lệ đồng bảo hiểm xã hội, những người tự làm chủ và người không có tiền. lương cố định có thể tự khai báo thu nhập của mình hoặc cơ quan bảo hiểm có thể áp dụng một khung chung cho từng khu vực, điều này dẫn đến một xu hướng là họ thường đánh giá thấp thu nhập của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào người nông dân tự làm chủ cũng có thái độ gian lận thuế, đa số họ được cơ quan bảo hiểm tin tưởng nhưng thực tế cũng cho thấy rằng trong trường hợp xác định thu nhập được thực hiện dựa hoàn toàn trên sự tự nguyện thường dẫn đến sự không chính xác và điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của quỹ bảo hiểm[9].

Để hạn chế những khó khăn trong việc xác định thu nhập làm căn cứ đóng góp bảo hiểm, có hai xu hướng ở các quốc gia hiện nay. Một là hợp tác với các dịch vụ thuế, hai là các tổ chức an sinh xã hội tự xác định một mức đóng góp chung cho từng khu vực địa lý. Xu hướng thứ hai thường được sử dụng khi cơ quan thuế của quốc gia đó không hoạt động tốt hoặc do hợp tác với các cơ quan thuế là quá phức tạp. Việc hợp tác với các dịch vụ thuế có thể được thực hiện theo hai cách: (1) Giao luôn cho cơ quan thuế phụ trách thu phí đóng góp bảo hiểm; (2) Sử dụng thông tin về thu nhập lấy từ ca quan thuế làm cơ sở tham khảo để xác định phí đóng bảo hiểm (đây là hình thức được áp dụng ở Pháp). Cách làm này thường trở nên phức tạp và cũng chưa chính xác. Sử dụng thông tin thuế trong một giai đoạn xác định nào đó có thể không đúng vì thu nhập của một người thay đổi theo thời gian. Nói cách khác, cơ sở cho đóng góp bảo hiểm xã hội không phản ánh đúng thực tế thu nhập của người tham gia bảo hiểm bởi việc lấy thông tin thuế cố định của một người tại thời điểm đăng ký tham gia bảo hiểm, trải qua thời gian thu nhập chịu thuế của người này đã thay đổi nhưng mức tiền đóng bảo hiểm vẫn như vậy, dẫn đến mức đóng góp bảo hiểm không còn tương ứng với thu nhập hiện tại của năm đóng góp.

Tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội nông dân

Quỹ Bảo hiểm xã hội có vai trò cung cấp tài chính khi có rủi ro xảy ra để mọi người có thể duy trì mức sống của họ, nếu so với thuế thì thuế phục vụ nhiều mục đích khác nhau không chỉ làm tăng đời sống của người dân. Trong trường hợp mức thu nhập thấp, điều này có thể có nghĩa là việc cung cấp các lợi ích thấp. Việc thúc đẩy một nhóm riêng biệt như nông dân tham gia bảo hiểm xã hội (ví dụ bằng cách giảm mạnh các khoản đóng góp) là một chính sách không nên được phát huy. Bởi cần tính đến sự phức tạp, cũng như mối liên kết giữa tăng đóng góp và tăng các lợi ích được hưởng, hay nói cách khác, an sinh xã hội đơn giản không phải là môi trường lý tưởng để đảm bảo tất cả các lợi ích cho các nhóm riêng biệt trên cơ sở miễn phí. Điều này càng đúng khi các nhóm đối tượng được bảo hiểm được tổ chức theo mô hình sơ đồ phân loại đối tượng. Qua nghiên cứu các quốc gia châu Âu, chúng ta thấy rằng hầu hết các nước châu Âu có xu hướng chuyển sang hình thức có những cơ quan quản lý riêng biệt về an sinh xã hội cho từng nhóm đối tượng nói chung và nông dân nói riêng.

Biểu đồ trợ cấp của Nhà nước cho Quỹ Bảo hiểm xã hội nông dân[10]

Chế độ bảo hiểm xã hội chủ yếu ở các quốc gia là hình thức bắt buộc nhưng trong một số chế độ bảo hiểm xã hội như bảo hiểm hưu trí tự nguyện hay chế độ bảo hiểm y tế thì một số quốc gia cho phép áp dụng chế độ BHXH tự nguyện, thậm chí một số chế độ bảo hiểm còn do tư nhân quản lý. Chẳng hạn như ở Pháp, Luật Bảo hiểm xã hội của Pháp quy định các chương trình bảo hiểm xã hội là bắt buộc đối với người nông dân. Một số lĩnh vực bảo hiểm là bắt buộc như bảo hiểm y tế, y hưu trí, thương tật và tử vong. Riêng trong lĩnh vực rủi ro thương tích về sức khỏe và việc làm, họ có quyền tự do lựa chọn nhà cung cấp bảo hiểm cho mình có thể không phải là MSA. Nó có nghĩa là các công ty bảo hiểm tư nhân có thể cung cấp các chương trình bảo hiểm đó. Một điểm đặc biệt đối với bảo hiểm xã hội cho người nông dân ở Pháp đó là đóng góp bảo hiểm là bắt buộc, bảo hiểm được quy định tùy theo ngành nghề và cơ quan phụ trách bảo hiểm cho từng ngành nghề được ấn định rõ ràng.

Cơ chế quản lý sử dụng Quỹ

Các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội chung có hiệu lực chủ yếu thực hiện quy trình thống nhất, không có sự phân biệt giữa người lao động, người tự làm chủ và các nhóm nghề nghiệp hoặc nhóm theo tiêu chí nhân khẩu học khác. Ngược lại, các quốc gia có nhiều hệ thống phân loại bảo hiểm xã hộicó cấu trúc hành chính phức tạp hơn nhiều. Điều này có liên quan đến sự phân chia trong hệ thống theo nhóm nghề nghiệp. Mặt khác, Quỹ Bảo hiểm xã hội nông dân được phân loại theo đối tượng tham gia và Quỹ được phân cấp quản lý tới các chi nhánh đại diện làm việc tại các khu vực nông thôn, mỗi khu dân cư (thôn) có 1 đại diện của mình. Mỗi chi nhánh này gồm khu dân cư (thôn) được phân chia hoặc nhiều hơn 1 khu dân cư (thôn) được thực hiện ở tất cả các quỹ. Mỗi chi nhánh đại diện được thực hiện nhiệm vụ như đã phân tích là nhằm ngăn chặn rủi ro nghề nghiệp trong hoạt động có vai trò rất lớn của các đại diện ở khu vực thôn, địa bàn phụ trách.

Như vậy, sự phát triển của bảo hiểm xã hội và đặc tính chung của nó có thể liên quan đến lý thuyết tiết kiệm. Nó dựa trên hai hiện tượng kinh tế, đó là về việc xem xét nhu cầu trong tương lai và bảo vệ bản thân trước tương lai. Các khía cạnh chính của tiết kiệm là cơ sở để xây dựng tất cả các hệ thống bảo hiểm xã hội, có thể được xem là một mong muốn hiệu quả cho tích lũy. Điều này đòi hỏi phải hy sinh một phần nguồn tài chính của hiện tại để có được một mức lợi ích nhất định trong tương lai. Bảo hiểm là một dạng tài sản không còn thuộc sở hữu của người tiết kiệm, nhưng họ lại có quyền sẽ được trợ cấp bởi các cơ quan bảo hiểm trong tương lai[11]. Bảo hiểm xã hội tạo thành một công cụ chính sách xã hội. Các chương trình bảo hiểm xã hội không chỉ hoạt động như các chế độ lương hưu, mà còn là công cụ tài chính của nhà nước nhằm phân phối lại thu nhập, bảo hiểm xã hội mang tính chất kinh tế - xã hội, giúp cho mối quan hệ lao động ổn định, người lao động, doanh nghiệp phát triển, kinh tế phát triển bền vững. Bảo hiểm xã hội cho người nông dân cũng giống như các loại hình bảo hiểm xã hội chung khác. Bảo hiểm xã hội cho người nông dân là cung cấp một loạt các dịch vụ xã hội, bao gồm không chỉ bảo hiểm hưu trí và lương hưu, mà còn cả bảo hiểm sức khỏe, tai nạn và bệnh tật, cũng như các loại lợi ích và phụ cấp khác nhau, phù hợp với nhu cầu và tình trạng của dân số nông nghiệp, đảm bảo cho nông dân có một cuộc sống ổn định, bảo đảm khả năng tài chính hiệu quả và bền vững trước mọi hoàn cảnh có thể xảy ra. Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu trong xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay.

 


[1]Joanna Pawłowska-Tyszko, PhD Prof. Marian Podstawka, PhD Pierre-Yves Lelong, PhD Sebastian Filipek-Kaźmierczak MSc. The social insurance system for farmers and its impact on public finances, Warsaw, 2013.

[2]Maria Panezi, A Description of the Structure of the Hellenic Republic, the Greek Legal System, and Legal Research, https:// www.nyulawglobal.org/globalex/Greece.html.

[3]Frans Pennings, Introduction to European Social Security Law. Social Europe Series, Intersentia, Oxford, New York, 2003, p.23.

[4]Nicholas C. Baltas, The Convergence of Agricultural Policy of Greece towards the Common Agricultural Policy: Lessons for the New EU Member States, http://www.balcannet.eu/papers_grecia/ Baltas Nicholas.pdf.

[5]Một số ý kiến cho rằng vì trang trại của nông dân vẫn có thể hoạt động được một thời gian khi người nông dân bị bệnh nhờ vào tỉnh đoàn kết gia đình, nên nông dân không coi trọng việc nghỉ ốm, và do đó, các hiệp hội nông dân không muốn chấp nhận bảo hiểm bắt buộc khi đàm phán với Nhà nước. Cũng cần nhấn mạnh sự phức tạp của việc thực hiện nghi phép có lương đối với người lao động độc lập (kiểm soát,...).

[6]Authors: Joanna Pawłowska-Tyszko, PhD Prof. Marian Podstawka, PhD Pierre-Yves Lelong, PhD Sebastian Filipek-Kaźmierczak MSc, The social insurance system for farmers and its impact on public finances, Warsaw, 2013

[7]Social Institutions Support Programme, Securing social protection for farmers Farmers' social protection in Serbia, Albania and Macedonia set off against European best practices, Regional CARDS-SISP Project Paul Schoukens Spring, 2007.

[8]https://www.coe.int/t/dg3/sscssr/Source/RepSelecTopSchoukens.pdf

[9]Social Institutions Support Programme, Securing social protection for farmers. Farmers' social protection in Serbia, Albania and Macedonia set off against European best practices, Regional CARDS-SISP Project Paul Schoukens Spring 2007.

[10]Nguồn: Social Institutions Support Programme, Securing social protection for farmers. Farmers' social protection in Serbia, Albania and Macedonia set off against European best practices, Regional CARDS-SISP Project Paul Schoukens, Spring, 2007.

[11]Joanna Pawłowska-Tyszko, PhD Prof. Marian Podstawka, PhD Pierre-Yves Lelong, PhD Sebastian Filipek-Kaźmierczak MSc, The social insurance system for farmers and its impact on public finances, Warsaw, 2013.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành