Thứ tư, 18 Tháng 10 2023 02:52

Khái quát sự độc lập của Tòa án liên bang ở Hoa Kỳ

1. Sự độc lập của Tòa án liên bang Hoa Kỳ với cơ quan lập pháp, hành pháp

Hệ thống Tòa án có thể được xem là chế định bền vững và ít thay đổi nhất tại Hoa Kỳ. Những nhà soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ đã tiên đoán được những thách thức mà nhánh quyền lực này gặp phải khi giải thích và thi hành pháp luật, đặt trong khung cảnh của một quốc gia liên bang, cũng như các bang trong tổng thể hệ thống chính quyền liên bang. Các học giả nghiên cứu về tư pháp Hoa Kỳ đều thống nhất quan điểm rằng, từ pháp độc lập là một giá trị cốt lõi trong văn hóa chính trị - pháp lý của Hoa Kỳ. Giá trị ấy được công nhận và theo đuổi từ khi sáng lập hợp chủng quốc Hoa Kỳ[1].

Theo nguyên tắc phân lập quyền lực được thể hiện trong Hiến pháp Hoa Kỳ, chính quyền liên bang được chia thành ba nhánh quyền lực là nhánh lập pháp, nhánh hành pháp và nhánh tư pháp. Cụ thể: “mọi quyền lập pháp được trao cho một Quốc hội gồm Thượng viện và Viện dân biểu”[2]; “quyền hành pháp được trao cho Tổng thống Hoa Kỳ”[3], “quyền tư pháp được trao cho Tòa án tối cao và các Tòa án thấp hơn do Quốc hội thành lập”[4].

Các Tòa án liên bang không có mối quan hệ mang tính chất bảo cáo công tác với Tổng thống và Nghị viện. Tuy Tổng thống và Nghị viện cùng tham gia vào quá trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án liên bang nhưng khi thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vụ việc, Tòa án liên bang thực hiện công việc của mình một cách độc lập trong phạm vi thẩm quyền luật định. Nghị viện và Tổng thống không được phép tạo ra bất cứ áp lực nào đối với việc thực thi chức trách bình thường của các Thẩm phán.

Thẩm phán Tòa án liên bang được lựa chọn bằng một quy trình thống nhất với sự can dự của Tổng thống và Thượng viện. Theo đó, Tổng thống là người đề cử Thẩm phán liên bang và Thượng viện là cơ quan phê chuẩn[5]. Trong thực tế, các thượng nghị sỹ hoặc hạ nghị sỹ cùng với Tổng thống ở địa bàn đang khuyết Thẩm phán sẽ đề xuất tên của những ứng viên tiềm năng, sau đó Bộ Tư pháp liên bang sẽ tư vấn cho Tổng thống về việc chọn lựa ứng viên chính thức đề nghị Thượng viện phê chuẩn. Trước khi được Thượng viện phê chuẩn, Ủy ban Tư pháp của Thượng viện sẽ tiến hành các phiên điều trần để bàn về sự phù hợp của mỗi ứng viên cho vị trí Thẩm phán Tòa án liên bang.

Khi đã được bổ nhiệm, các Thẩm phán Tòa án liên bang không bị bãi nhiệm khi không có lý do chính đáng và cũng không bị giảm lương trong suốt thời gian tại vị vì bất kỳ lý do gì. Khoản 1 Điều 3 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định, “các Thẩm phán Tòa án Liên bang sẽ có nhiệm kỳ suốt đời nếu làm việc tốt và đảm bảo rằng tiền lương của họ sẽ không bị cắt giảm trong suốt thời gian tại vị”. Và trong thực tế, lương của Thẩm phán Tòa án luôn cao hơn đáng kể so với các quan chức hành chính trong bộ máy chính quyền. Chế độ lương của Thẩm phản được công khai và thường cao hơn so với thu nhập bình quân đầu người của xã hội khoảng 5 - 6 lần[6].

Tổng thống không có quyền bãi nhiệm Thẩm phán. Việc thay thế một Thẩm phán liên bang chỉ được tiến hành thông qua một quy trình đàn hạch hay luận tội[7] do Nghị viện thực hiện (theo quy định tại Mục 5 Khoản 1 và Mục 6 Khoản 3 Điều 8 Hiến pháp Hoa Kỳ). Song, các cơ sở để thay thế Thẩm phán rất hạn hữu và quy trình cùng vô cùng phức tạp, mang tính bảo vệ các Thẩm phán rất cao. Theo Edwards và những người khác (2011), chỉ có bảy Thẩm phán liên bang từng bị luận tội và chưa từng có bất kỳ Thẩm phán nào của Tòa án Tối cao liên bang bị thay thế thông qua các phiên luận tội này[8].

Hệ thống Tòa án liên bang độc lập cả về mặt hành chính đối với nhánh hành pháp và nhánh lập pháp liên bang vì không chịu sự quản lý hành chính của cơ quan hành pháp hay cơ quan lập pháp. Việc quản lý cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các Thẩm phán, quản lý đội ngũ cán bộ giúp việc cho các Thẩm phán được giao cho Văn phòng quản lý hành chính của các Tòa án liên bang[9] với tư cách là một cơ quan độc lập chịu sự giám sát trực tiếp của Hội đồng Thẩm phán liên bang[10]. Song, Hội đồng Thẩm phán Hoa Kỳ, Văn phòng quản lý hành chính của các Tòa án liên bang cũng như các Tòa án liên bang (kể cả Tòa án Tối cao liên bang) đều không có vai trò gì trong việc đề cử hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán liên bang. Như vậy, Hoa Kỳ thực hiện tổ chức, quản lý theo phương thức: người bổ nhiệm thì không quản lý và ngược lại người quản lý thì không bổ nhiệm; tổ chức bộ máy lẫn quản lý hành chính, tất chính của hệ thống Tòa án liên bang tách bạch với tổ chức bộ máy của cơ quan hành pháp và lập pháp.

Trên thực tế, dù Tổng thống và Thượng viện có thể cố gắng lựa chọn những người có cùng quan điểm với mình, nhưng các Thẩm phản liên bang khi được bổ nhiệm đã thề sẽ giữ vị thế độc lập đối với Chính phủ và Nghị viện. Đồng thời, Hiến pháp trao cho Tòa án quyền tuyên bố luật pháp do Nghị viện ban hành hoặc một hành động của Tổng thống là bất hợp hiến. Mối quan hệ phân quyền theo phương ngang có tính cân bằng và đối trọng giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như vậy giúp các cơ quan này kiêm chế và kiểm soát lẫn nhau. Nhờ vậy, các Thẩm phán đã giành được sự tôn trọng của người dân, cũng như mang lại uy tín, thẩm quyền to lớn cho Tòa án liên bang trong chính trị và pháp luật nước Mỹ. Họ luôn tỏ rõ sự độc lập của mình, chỉ ra quyết định dưới màu sắc công lý. Chẳng hạn, sự độc lập của Thẩm phán Tòa án liên bang đối với cơ quan hành pháp mà đại diện cao nhất là Tổng thống thể hiện rõ nét khi Tòa án Tối cao liên bang xem xét tính hợp hiến của hành động tịch thu các nhà máy thép lớn ở Mỹ của Tổng thống Harry S. Truman, hai trong số bốn Thẩm phán do Tổng thống Truman bổ nhiệm đã bỏ phiếu chống lại ông. Hoặc khi cảnh sát trưởng bang Arizona khởi kiện chính sách DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals: chính sách giành cho trẻ em dưới 16 tuổi, không có quốc tịch Hoa Kỳ, không có giấy tờ hợp lệ được phép cư trú tại Hoa Kỳ trong vòng hai năm) và DAPA (Deferred Action for Parents of Americans) chính sách dành cho những người là cha mẹ của công dân Hoa Kỳ (những người cha/mẹ này không có quốc tịch Hoa Kỳ) được hoãn trục xuất khỏi nước Mỹ), Thẩm phán Tòa án Tối cao liên bang đã bác bỏ hai đạo luật đó của Tổng thống Obama vì cho rằng đó là những đạo luật vi hiến và hai chính sách này đã không được thực hiện[11].

Để tìm hiểu sự ảnh hưởng của nhánh quyền lực lập pháp đối với quyết định của Tòa án Tối cao liên bang, Segal (1997) đã thực hiện một số phân tích thực nghiệm trong đó ông sử dụng nhiều mô hình khác nhau của quá trình ra quyết định của Nghị viện và ông rút ra kết luận rằng, không có sự ảnh hưởng nào từ lợi ích của nhánh quyền lập pháp đối với quyết định của Tòa án Tối cao liên bang. Các quyết định của Tòa án Tối cao liên bang không nhằm làm hài lòng Nghị viện[12].

Nhiều nhà nghiên cứu không đồng ý với những kết luận của Segal và chỉ ra rằng, sự độc lập của Tòa án đối với cơ quan hành pháp và lập pháp không phải là tuyệt đối. Trong quan hệ với cơ quan hành pháp, sự độc lập của Tòa án tối cao liên bang vẫn có thể bị ảnh hưởng mạnh bởi Tổng thống với quyền đề cử các viên chức tư pháp, nên Tòa án tối cao liên bang vẫn có thể tuyên bố một quyết định của Tổng thống không vi hiến và cùng với đó ủng hộ chính sách của Tổng thống[13]. Và, ảnh hưởng của cơ quan hành pháp đối với Tòa án còn thể hiện ở chỗ, Tòa án chỉ có quyền đưa ra phán quyết, còn phán quyết có được thực thi hay không lại phụ thuộc vào cơ quan hành pháp.

Trong quan hệ với cơ quan lập pháp, Rutkus, Denis Steven (2010) cho rằng, Tòa án liên bang vẫn có thể chịu sự ảnh hưởng chi phổi, kiềm chế đáng kể từ Nghị viện Mỹ[14]. Cụ thể, Thượng viện được quyền xem xét, cố vấn, phê chuẩn hoặc không phê chuẩn tất cả các vị trí Thẩm phán Tòa án liên bang. Tổng thống. Nghị viện có quyền quyết định quy mô của Tòa án Tối cao liên bang và số lượng các Tòa án liên bang cấp dưới; xem xét, phê chuẩn hoặc điều chỉnh ngân sách dành cho hoạt động của hệ thống Tòa án liên bang mà đứng đầu và quan trọng nhất là Tòa án Tối cao liên bang; hỗ trợ hoặc cản trở việc thực thi những phán quyết, quyết định của Tòa án; soạn thảo và thông qua những đạo luật ủng hộ hoặc gây bất lợi cho Tòa án; đưa ra những phản đối, công kích cá nhân các Thẩm phán đương nhiệm. Đặc biệt, Nghị viện có thể cáo buộc hoặc kết tội Thẩm phán đương nhiệm và buộc người này rời khỏi cương vị của mình do có những hành vi mà Nghị viện cho là phạm pháp hoặc không đúng, không phù hợp.

Nghị viện có thể vô hiệu hóa phản quyết, quyết định của Tòa án liên bang bằng hai phương thức: 1) đưa ra quy chế hoặc sửa đổi đạo luật vi hiến, trong đó né tránh những vấn đề thuộc Hiến pháp hoặc được Hiến pháp quy định, điều chỉnh trực tiếp; 2) thực hiện sửa đổi Hiến pháp về vấn đề liên quan để đảo ngược phán quyết, quyết định của Tòa án liên bang.

Chẳng hạn, Thẩm phán Kozinski (1998) cho rằng, nhánh quyền lập pháp đã can thiệp quá chức năng một trong những quyết định của ông thậm chí trước khi ông viết xong ý kiến[15]. Hay, đầu thế kỷ XX Nghị viện Hoa Kỳ đã hủy bỏ Tòa tải chính mới được thiết lập nơi không thích những phán quyết của Tòa này[16]. Thậm chí, có nghiên cứu còn cho thấy Nghị viện đã trừng phạt những quyết định của ngành tư pháp mà cơ quan này không mong muốn bằng việc cắt giảm ngân sách cho Tòa án, và yêu cầu Tòa án Tối cao liên bang phải có trách nhiệm với quyết định mang thiên hướng có thể sửa đổi cho ngành lập pháp[17]. Theo Thẩm phán Calabresi, sự quan tâm ngân sách khuyến khích các Thẩm phán khác thúc giục ông viết lại các ý kiến mà có thể làm phiền lòng các thành viên của Nghị viện[18].

2. Sự độc lập giữa các Tòa án với nhau ở Liên bang Hoa Kỳ

Hoa Kỳ thiết lập hai hệ thống Tòa án (lưỡng cấp) gồm: hệ thống Tòa án liên bang và hệ thống Tòa án bang. Hệ thống Tòa án liên bang được thiết lập bởi Hiến pháp Hoa kỳ và Đạo luật tư pháp liên bang, còn hệ thống Tòa án bang được thiết lập bởi hiến pháp và luật của 50 bang khác nhau. Ở đây, chúng tôi chỉ xem xét sự độc lập của Tòa án liên bang ở Hoa Kỳ mà không đề cập đến sự độc lập của Tòa án ở các bang của Hoa Kỳ.

Hệ thống Tòa án liên bang Hoa Kỳ gồm ba tầng: Tòa án quận (giải quyết các vụ việc sơ thẩm), Tòa án phúc thẩm (giải quyết vi việc theo thủ tục phúc thẩm) và Tòa tối cao. Hệ thống Tòa án này được coi là các cơ quan của liên bang nên các công việc của Tòa án liên bang không phải báo cáo với các cơ quan ở địa phương (dù đó là cơ quan dân cử) hoặc các cơ quan của bang[19].

Trong nội bộ hệ thống Tòa án liên bang, mối quan hệ giữa các cấp Tòa án chỉ là mối quan hệ về tố tụng chứ không có mỗi quan hệ cấp trên, cấp dưới. Các Thẩm phán thực hiện thẩm quyền của mình một cách độc lập, không cần và cũng không được phép thực hiện việc thỉnh thị án với các Tòa án ở tầng cao hơn bởi hệ thống Tòa án luôn được đặc trưng bởi sự độc lập, phi tập trung hóa và tính cá nhân. Các Thẩm phán tòa cấp sơ thẩm có nhiều sự tùy quyền trong việc thực thi các chính sách của tòa cấp phúc thẩm.

3. Sự độc lập của Hội đồng xét xử ở Hoa Kỳ

Các cơ quan công tổ của Mỹ được phân chia theo cấp bang và liên bang. Ở cấp bang, do pháp luật mỗi bang khác nhau nên nhiệm vụ và quyền hạn của Công tố viên ở từng bang cũng khác. nhau. Tuy nhiên, cơ quan công tố các cấp có nhiệm vụ chung là truy tố phạm ra trước Tòa án. Ở cấp liên bang, việc truy tố tội phạm bang do Chưởng lý liên bang truy tố. Các tội phạm liên bang thường là những tội nghiêm trọng như buôn bán ma túy, giết người, quan chức chính quyền phạm tội hoặc tham nhũng, các tội xâm phạm lợi ích an ninh quốc gia như phản quốc v.v... Các thông tin về chứng cứ đã được Điều tra viên thu thập số được trình lên Bộ Tư pháp hoặc Chưởng lý liên bang. Sau đó, công tố viên liên bang sẽ quyết định có truy tố vụ việc ra Tòa hay không[20].

Cảnh sát là cơ quan hợp tác với các công tố viên trong giai đoạn điều tra hình sự, thu thập các chứng cứ cần thiết để có được lời kết tội trước Tòa. Các cơ quan cảnh sát cấp liên bang là cơ quan thực thi pháp luật cấp liên bang, một phần của nhánh hành pháp thuộc chính quyền quốc gia gồm những cơ quan chủ yếu là: Cục điều tra liên bang (FBI); Cục chống buôn lậu rượu, thuốc lá và vũ khí (ATF); Cục bài trừ ma túy (DEA); Cơ quan cảnh sát Mỹ (USMS); Cơ quan mật vụ Hoa Kỳ (SS); Cơ quan nhập cư và quốc tịch (INS). Nhiệm vụ của điều tra viên là tiến hành điều tra “trực tiếp” tìm kiếm nhân chứng và những thông tin khác có thể giúp cho điều tra viên và công tố viên xác định người đó thực hiện hành vi phạm tội. Ghi chép trong quá trình lấy lời khai nhân chứng và các đồ vật đó thu được, nhìn chung không được phép trực tiếp đưa ra trước phiên tòa với tư cách là chứng cứ. Sau khi thu thập được, điều tra viên hình sự liên bang phải chuyển thông tin, đồ vật tới cho Công tố viên liên bang, người sẽ quyết định thông tin nào nên được sử dụng và có thể chuyển hóa thành chứng cứ chỉ tại phiên tòa, bằng cách chứng minh chứng cứ đó phù hợp với Quy tắc liên bang về Chứng cứ và đề nghị để Tòa án chính thức chấp nhận những thông tin, đồ vật đó là chứng cứ[21].

Giống như Vương quốc Anh, mô hình tố tụng của Hoa Kỳ là tố tụng tranh tụng. Các quy định về mối quan hệ giữa Tòa án với cơ quan công tố, điều tra theo mô hình tố tụng tranh tụng có sự phân chia rất rõ về chức năng buộc tội, gỡ tội và Tòa án giữ vai trò trọng tài nên về căn bản, hoạt động của Tòa án là độc lập với cơ quan công tố, điều tra.

Tuy không có Bộ luật tố tụng hình sự riêng, nhưng pháp luật của liên bang Hoa Kỳ điều chỉnh về tố tụng bằng nhiều văn bản như: Quy tắc tố tụng hình sự Liên bang, Quy tắc tố tụng phúc thẩm liên bang, Quy tắc của Tòa án tối cao, Quy tắc về bằng chứng của liên bang, hàng loạt các đạo luật của liên bang và các quyết định hợp hiến của Tòa tối cao, Quy tắc nội bộ của cơ quan điều tra (Quy tắc Miranda)...

Đặc điểm của mô hình tố tụng Hoa Kỳ là ưu tiên cho việc kiểm soát tội phạm và đảm bảo quá trình tố tụng được thực hiện công bằng. Thẩm phán và Bồi thẩm viên hoàn toàn độc lập với cơ quan điều tụng khác. tra, cơ quan công tố, luật sư và những người tham gia tổ

Trong giai đoạn điều tra, công tố viên là người lập các trạng hình sự, song cả cơ quan điều tra lẫn cơ quan công tố không có quyền quyết định bắt giữ nghi can mà Tòa án mới có quyền phê chuẩn các lệnh khám xét, bắt giữ và kiểm soát bằng thiết bị điện tử hợp pháp. Tòa án lựa chọn các Bồi thẩm viên trong đại Bồi thẩm đoàn; thực thi trát hầu tòa; ban hành lệnh yêu cầu nhân chứng ra khai nhận; ra lệnh tạm giam những nhân chứng cổ tình không chịu ra khai nhận và chấp nhận miễn trừ truy tố cho bị cáo để đổi lại việc người này đứng ra khai nhận với tư cách là nhân chứng Ngoài ra, Tòa sẽ chỉ định luật sư đại diện cho những nhân chứng có hoàn cảnh khó khăn; đặt ra các quy tắc để luật sư của các nhân chứng/người bị tinh nghi phạm tội có thể thực hiện phản đối đối với các quy trình thủ tục của đại Bồi thẩm đoàn.

Trước khi xét xử, Tòa án sẽ tổ chức Phiên họp (Phiên điều trần sơ bộ (áp dụng đối với tội đại hình để nghe lời khai của các nhân chứng mà công tố viên triệu tập); Phiên tuyên bố tội danh (để bị cáo ký kết lời khai không nhận tội) và Phiên xem xét các đơn kiến nghị trước khi xét xử).

Tại Phiên xem xét các đơn kiến nghị trước khi xét xử, Tòa án có thể hủy bỏ cáo trạng vì các sai sót trong bản cáo trạng hoặc sai sát về thủ tục tố tụng; bác bỏ những chứng cứ được thu thập trái phép và yêu cầu các nhân chứng phải trình diện[22].

Trong quá trình xét xử, Tòa án luôn đóng vai trò trung lập, vừa bảo vệ quyền được xét xử công bằng của bị cáo, vừa bảo đảm cho Phiên tòa được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục luật định. Họ đứng giữa một bên là công tố viên, một bên là bị cáo, luật sư bảo chữa của bị cáo để nghe, xem xét các chứng cứ và quyết định luật áp dụng. Họ có quyền đối chất và quyền kiểm tra chéo; hủy bỏ các chứng cứ được thu thập trái phép; hủy bỏ các cáo trạng không đủ cơ sở pháp lý nhưng không thể cân nhắc hoặc lệnh cho Bồi thẩm đoàn cân nhắc một tội danh nặng hơn tội danh đã nêu trong cáo trạng của công tố viên và đại Bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn, chứ không phải Thẩm phán là người quyết định cuối cùng về việc bị cáo có tội hay không có tội dựa trên tình tiết và chứng cứ khách quan của vụ án. Thẩm phán không có thẩm quyền yêu cầu điều tra tiếp hoặc trả lại vụ án cho cơ quan điều tra hoặc cho đại Bồi thẩm đoàn.

Luật sư không có quyền tham gia vào giai đoạn điều tra, sự tham gia của họ chỉ bắt đầu từ giai đoạn bắt giữ bằng quyết định phê chuẩn lệnh bắt của Tòa án. Sự có mặt của họ là bắt buộc trong mọi giai đoạn xét xử tại Tòa án. Ở giai đoạn tiền xét xử, luật sư và công tố viên có quyền điều tra như nhau. Do đó, luật sư có quyền thu thập chứng cứ, phỏng vấn nhân chứng và tự lập hồ sơ hình riêng phục vụ mục đích bảo chữa của mình[23]. Việc điều tra có thể thực hiện bằng cách rà soát các tài liệu tìm hiểu thông tin; thẩm vẫn tự nguyện các nhân chứng chính phủ và nhân chứng bàn chứa; thuê giám định viên. Trong giai đoạn tiền xét xử, luật sư cũng có quyền đàm phán việc nhận tội; thông báo cho công tố viên về các lý do bào chữa trước khi xét xử (chứng cứ ngoại phạm, tình trạng tâm thần...); tìm cách cho bị cáo được tại ngoại. Luật sư cũng có quyền yêu cầu công tố viên phải trao đổi thông tin, chứng cứ và hồ sơ hình sự của mình cho họ, nếu không họ có quyền kiện ra Tòa án.

Pháp luật liên bang Hoa Kỳ quy định rất chặt chẽ về các chứng cứ có thể được sử dụng tại phiên tòa xét xử. Theo Quy tắc về Chứng cứ của Liên bang, chỉ được coi là chứng cứ nếu tại phiên xét xử được các bên đưa ra, đối chất và được Tòa án chấp nhận. Trong đó, có quy định không sử dụng các chứng cứ gián tiếp, chứng cứ nhằm kích động, bôi xấu bị cáo, đương sự hay người làm chứng. hoặc chứng cứ nhằm đánh vào tình cảm của Bồi thẩm đoàn, các chứng cử được thu thập vi phạm thủ tục tố tụng (khám nhà chưa có lệnh, xét hỏi khi chưa thông báo quyền...)[24]. Sở dĩ quy định chặt chẽ như vậy là bởi người thực tế đưa ra phán quyết định tội là Bồi thẩm đoàn, những người không có kiến thức pháp luật và cũng không có nghiệp vụ xét xử, trong khi luật sư và công tố viên là những người chuyên nghiệp, luôn tìm cách chi phối Bồi thẩm đoàn. Các quy định chặt chẽ về chứng cứ sẽ cung cấp cho Bồi thẩm đoàn những chứng cứ “sạch” để có thể căn cứ vào đó đưa ra phán quyết định tội một cách chính xác.

Trong một phiên tòa hình sự ở Hoa Kỳ, tầm quan trọng của lời chứng của nhân chứng được nhấn mạnh, mặc dù các chứng cứ băng tài liệu giấy tờ được trình bày. Các luật sư đóng vai trò những bên đối lập, đi đầu trong việc thẩm vấn các nhân chứng trước tòa. Lời chứng được ghi lại nguyên văn bởi thư ký Tòa án hoặc ghi âm điện tử. Bị cáo có quyền đối chất với người buộc tội, luật sư bên bị có quyền kiểm chứng nhân chứng, và tất cả điều này diễn ra trước sự chứng kiến của Thẩm phán và/hoặc Bồi thẩm đoàn, những người sẽ độc lập xác định sự thật trong vụ án. Không Thẩm phán nào được phép trò chuyện bên ngoài phòng xử án mà không có sự hiện diện của cả hai luật sư hai bên. Đây là yêu cầu của quy định về đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán và là một yếu tố quan trọng đối với việc giữ thái độ trung thực và tránh khả năng tham nhũng trong hệ thống này. Thẩm phán có nhiệm vụ bảo đảm trật tự của những người dự phiên tòa và hai bên trong phiên tòa, đồng thời điều hành phiên tòa. Nếu các luật sư không cư xử một cách chuyên nghiệp thì Thẩm phán có quyền buộc tội họ không tuân lệnh tòa và họ có thể bị phạt tiền hoặc bị kết án tù ngắn hạn, dù điều này hiếm khi xảy ra. Đồng thời, Thẩm phán cũng phải duy trì được một cách cư xử đúng mực cần có của một cán bộ cao cấp ngành tư pháp. Cách cư xử và tính khí là những yếu tố rất quan trọng.

Chẳng hạn như, đôi khi Thẩm phán khó có thể giữ được bình tĩnh khi luật sư cố tình muốn tranh luận với tòa nhưng lúc đó Thẩm phán cần yêu cầu luật sư phải tôn trọng không phải phẩm giá của cá nhân Thẩm phán mà là phẩm giá của cơ quan mà Thẩm phán đang đại diện.

Ở Hoa Kỳ, truyền thông đại chúng được coi là một thiết chế xã hội có quyền lực thứ tư có tác động mạnh mẽ tới các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, sau khi ra phán quyết, các Thẩm phán phải giải thích công khai và biện minh cho các phán quyết của mình. Stuart Gorin và Bruce Carey (1999) cho rằng, sự công khai đối với báo giới và công chúng là một sự kiểm soát tốt đối với cơ quan tư pháp. Các tác giả đưa ra dẫn chứng về một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra ở Mỹ về việc có nên cho phép truyền hình các phiên tòa trong đó có các lập luận về sự cân bằng giữa quyền của công chúng được biết về vụ án và quyền của bị cáo được giữ bí mật riêng tư. Và Thẩm phán Espinoza cho rằng báo viết có quyền vào phòng xử án nhưng máy quay phim có thể dẫn tới việc bóp méo vụ án, đặc biệt trong những vụ án nghiêm trọng. Các bộ luật tiểu bang khác nhau đề ra những quy định của mình về truyền hình trong phòng xử án nhưng dù được phép thì Thẩm phán vẫn có quyền cấm trong một số trường hợp. Ngược lại, máy quay phim không được phép đưa vào phòng xử án Liên bang[25].

Do đó, theo quy định, hầu hết các phán quyết của Tòa án đều phải công khai và các ý kiến bằng văn bản cung cấp những luận cứ cho phán quyết đó cũng được công khai cho bất kỳ ai có nhu cầu tiếp cận chúng. Các phán quyết này có thể được thảo luận rất rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường hướng chủ để đến những bài phê bình được trau chuốt bởi các luật gia, Thẩm phán và các học giả. Việc hạn chế sự tiếp cận của công chúng đối với một số quyết định tư pháp phải theo quy định của Hiến pháp và nó chỉ được thực hiện dựa trên lợi ích của chính quyền, tổ chức, cá nhân và lợi ích này lớn hơn quyền tiếp cận của công chúng. Đồng thời, việc hạn chế chỉ được áp dụng đối với bản ghi âm và tài liệu tư pháp tại buổi bào chữa vô tội và tuyên án có tội trong vụ án hình sự và tài liệu tổng kết của Tòa án trong vụ án dân sự hoặc các bị mật cá nhân, bí mật thương mại trong vụ án dân sự... Hơn nữa, Tòa án vẫn phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt trước khi tuyến bỏ bảo mật bản ghi âm và tài liệu tư pháp đó. Quy trình này gồm: 1) Công bố cho công chúng biết khả năng của việc bảo mật và cung cấp cho những bên có lợi ích có cơ hội được phản đối; 2) chỉ ra lý do cho việc bảo mật trên bản ghi âm đó; và 3) giải thích tại sao biện pháp khác cho việc bảo mật là không đủ[26]. Rõ ràng, sự công khai, minh bạch các quyết định tư pháp đảm bảo các Thẩm phán không thể bóp méo những quy định của pháp luật một cách bừa bãi; bởi quyết định thận trọng của họ luôn chịu áp lực của công chúng.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng có các quy định liên quan đến quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ Thẩm phán để phòng tránh các trường hợp xảy ra xung đột lợi ích. Năm 1989, Bộ pháp điển số 5 (5 United States Codes) được ban hành, trong đó có quy định về minh bạch hóa những món quà mà Thẩm phán được tặng, các khoản thu nhập ngoài lương mà Thẩm phán có được từ các hoạt động liên quan tới nghề nghiệp. Thẩm phán có thể thực hiện một số hoạt động liên quan tới việc viết sách hoặc giảng dạy, tuy nhiên, thu nhập từ các nguồn ngoài lương này không được vượt quá 15% mức lương mà Thẩm phán đã nhận hàng năm. Thẩm phán phải từ chối thụ lý và giải quyết các vụ việc mà do có lợi ích liên quan nên không bảo đảm tính vô tư, khách quan, độc lập trong quá trình giải quyết vụ việc. Đồng thời, Thẩm phản cũng phải thực hiện việc công khai hóa tài sản và thu nhập của mình để công chúng có thể biết và kiểm soát[27].

Đối với một số vụ án hình sự nghiêm trọng thì Bồi thẩm đoàn bị cách ly trong suốt phiên tòa. Điều này có nghĩa là các Bồi thẩm viên không thể về nhà và bị giữ lại trong các phòng khách sạn, không được nghe đài, xem tivi hay đọc báo để không bị chi phối bởi các bản tin về vụ án của giới truyền thông.

4. Sự độc lập của Tòa án với các Đảng phải chính trị ở Hoa Kỳ

Nước Mỹ có nhiều đảng phái khác nhau, trong đó có cả đảng cộng sản và một số đảng xã hội, nhưng từ trước đến nay chỉ có hai đảng chính trị lớn có ảnh hưởng thống trị trên nền chính trị Hoa Kỳ là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Hệ thống lưỡng đảng đã bắt rễ sâu trong nền chính trị Mỹ và cho dù có đảng thứ ba xuất hiện trong các cuộc bầu cử Tổng thống, thì đảng thứ ba cũng chưa bao giờ giành được chiến thắng. Các đảng thiểu số đôi khi cũng giành được một số chức vụ trong chính quyền cấp dưới, nhưng hầu như không có vai trò gì quan trọng trong nền chính trị Mỹ. Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa luôn chiếm ưu thế ở mọi cấp độ chính quyền và luôn khống chế nền chính trị Mỹ. Tuy nhiên, điều đặc biệt là, các đảng chính trị không phải là những tổ chức có cơ cấu chặt chẽ mà là những liên minh lỏng lẻo, rộng lớn và không có chương trình nhất quán. Bốn năm một lần, các đảng thông qua quan điểm về chương trình trong hội nghị đề cử ứng viên Tổng thống nhưng quan điểm này cũng rất chung chung. không rõ ràng và có thể có nhiều cách hiểu khác nhau[28]. Dù không được tổ chức chặt chẽ, thống nhất theo một quy định chung từ trung ương đến địa phương, song, về cơ bản, cơ cấu tổ chức của các đảng phải chính trị ở Hoa Kỳ gồm: Ủy ban quốc gia - với Chủ tịch là người đứng đầu của đảng; Ủy ban vận động tranh cử Thượng viện và Hạ viện được tổ chức độc lập với Ủy ban quốc gia; tổ chức đảng ở các bang, hạt, thành phố và ở cấp địa phương. Và dù không có Cương lĩnh thống nhất, chính sách liên tục thay đổi, nội bộ các đảng chính trị liên tục bất đồng, các đảng chính trị liên tục tranh cãi, song, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa giống nhau về những quan điểm cơ bản như: hoàn toàn tán thành chủ nghĩa tư bản cùng với các thể chế của nó, ủng hộ sứ mạng toàn cầu của Hoa Kỳ và cả hai đảng đều có chung mục đích là cạnh tranh để thành lập một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Do đó, có rất ít sự khác nhau về tư tưởng giữa hai đảng.

Tổng thống và các thành viên của Nghị viện (Thượng viện và Hạ viện) là người của các Đảng nên, có thể nói, Đảng chính trị là nhân tố quan trọng trong đời sống chính trị Hoa Kỳ, chỉ phối phần nào đường lối chính sách của Nhà nước, từ bầu cử đến chi phối nhất định về mặt tổ chức, hoạt động của các cơ quan lập pháp và hành pháp.

Tuy nhiên, với cơ quan tư pháp, các nhà lập quốc không thiết chế ngành này thành một công cụ để thể hiện ý chí chính trị chung, và do đó không mang tính chính trị. Các yếu tố chính trị cần được giải quyết bởi một trong hai ngành lập pháp và hành pháp. Do đó, các nhà lập hiến Hoa Kỳ đã nỗ lực thiết lập mối quan hệ độc lập giữa chính trị với cơ quan tư pháp thông qua các nền tảng cho một hệ thống tư pháp phi chính trị và tự điều chỉnh, nhằm tránh hỏi những tác động từ các nhánh quyền lực hoặc những tổ chức khác.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Thẩm phán có thể làm việc trọng đời, không cần trải qua các cuộc bầu cử theo nhiệm kỷ với một số năm hữu hạn như đối với các nghị sĩ và Tổng thống. Quy định này có ý nghĩa quan trọng nhằm giữ cho các Thẩm phán độc lập với các áp lực chính trị. Một khi họ có nhiệm kỳ trọn đời, điều đó có nghĩa là không một thế lực nào có thể gây sức ép hay đe dọa bãi nhiệm họ. Thẩm phán Tòa án liên bang không cần phải lấy lòng thế lực nào để tiếp tục tại vị Thẩm phán, và họ chỉ cần đưa ra phán xét của mình khách quan và công bằng nhất có thể.

Song, Hiến pháp Hoa Kỳ cũng không có bất cứ yêu cầu nào bắt buộc một Thẩm phán phải “phi đảng phái”. Trên thực tế, nhiều Thẩm phán Tòa án Tối cao liên bang được bổ nhiệm dù có quan điểm hoặc thuộc đảng phái khác với quan điểm chính trị của Tổng thống. Chẳng hạn, hai trong số những Thẩm phán theo xu hướng tự do nổi tiếng nhất thế kỷ XX, Chánh án Earl Warren và Thẩm phán Willian Brennan lại được đề cử bởi Tổng thống đảng Cộng hòa Dwight Eisenhower.

Để đảm bảo các Thẩm phán cho ra những phán quyết độc lập và không bị ảnh hưởng ngay cả với định kiến chính trị của mình, năm 1973, Hội nghị Tư pháp Hoa Kỳ thông qua Bộ Quy tắc ứng xử dành cho Thẩm phán Hoa Kỳ (The Code of Conduct for U.S. Judges). Bộ Quy tắc này được bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần, theo đó, các Thẩm phán không được phát biểu về các ứng cử viên chính trị, công khai tán thành hay phản đối các ứng cử viên ở những môi trường công cộng, hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào khác. Phán quyết của Tòa án chỉ nên được xem là sản phẩm của pháp luật và các lập luận pháp lý không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề chính trị. Nếu công chúng tin rằng các quyết định của tòa có động cơ chính trị thì việc chấp hành các phán quyết sẽ không được đảm bảo. Các Thẩm phán có thể không đồng ý với nhau, nhưng các bất đồng phải dựa trên những nguyên tắc pháp lý, chứ không phải bị ảnh hưởng bởi một ứng cử viên chính trị hoặc một đảng phái nào đó[29]. Theo Anthony Kennedy (1999), nếu bộ máy tư pháp muốn có tính độc lập, nó phải tự biết cách ly với những hoạt động chính trị. Một bộ máy tư pháp không được phép có dính líu tới các cuộc tranh luận mang tính đảng phái mà bất kỳ một hệ thống chính trị mạnh mẽ nào cũng cần có[30].

Đồng thời, cấu trúc và chức năng của cơ quan tư pháp cũng làm giảm đi khuynh hướng cá nhân của các Thẩm phán đối với việc áp đặt ưu tiên chính trị của họ. Hoạt động xét xử của Thẩm phán phải tuân theo những trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định. Trong quy trình xét xử của Tòa án Hoa Kỳ, quá trình nghị án cũng đóng vai trò quan trọng để kiềm chế sự ảnh hưởng của chính trị đến phán quyết của Thẩm phán. Hoạt động tranh tụng của các luật sư, công tổ, các bên đương sự chỉ tập trung vào vấn đề pháp lý chứ không phải là vấn đề chính trị dù các bên có thể có những quan điểm chính trị khác nhau.

Tuy nhiên, qua nhiều biến chuyển của lịch sử Hoa Kỳ, những nỗ lực đảm bảo sự độc lập của Tòa án với chính trị phần nào bị ảnh hưởng và hạn chế nhiều. Theo Pamel S. Katz và Lê Nguyễn Gia Thiện (2018), trong thế kỷ XXI, đặc biệt là khoảng đầu năm 2016, vấn đề chính trị hóa Tòa án đã thách thức các chức năng cũng như mục đích của hệ thống Tòa án Hoa Kỳ[31]. Các Tổng thống là người của đảng chiếm thiểu số ở Thượng nghị viện hoặc là những người thực hiện việc bổ nhiệm vào cuối nhiệm kỳ của mình phải đối mặt với nhiều khả năng bị phản đối vì lý do chính trị. Chẳng hạn, năm 2016, khi Thẩm phán Antonin Scalia qua đời, việc bổ nhiệm đã gặp rất nhiều khó khăn vì lý do chính trị. Lãnh đạo của nhóm Nghị sỹ chiếm đa số thuộc Đảng Cộng hòa thông báo rằng họ sẽ không xem xét sự giới thiệu của Tổng thống Obama (thuộc Đảng dân chủ), nhưng vẫn sẽ đợi cho đến khi cuộc bầu cử vào tháng 11/2016. để xem liệu nguyện vọng của người dân về vấn đề này như thế nào[32]. Ngày 16/3/2016, Tổng thống Obama giới thiệu Thẩm phán Merrick Garland vào chỗ trống, vi “tìm một ứng viên có quan điểm phù hợp sẽ dẫn đến sự phản đối của Đảng Cộng hòa, đơn giản vì lý do chính trị”[33]. Đến ngày 10/5/2016, Thẩm phán Garland nộp các yêu cầu bổ nhiệm và các bản cáo bạch cho Ủy ban Tư pháp của Thượng viện, nhưng không được xem xét, đồng nghĩa với việc Thẩm phán Garland không thể ngồi vào vị trí của Thẩm phán Tòa án tối cao[34]. Sự kiện tương tự sự kiện năm 2016 lại diễn ra vào tháng 9/2020 khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời và Tổng thống Donald Trump thông báo bổ nhiệm Thẩm phán tòa phúc thẩm theo đường lối bảo thủ Amy Coney Barrett thay thế. Trước thông báo đó, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã kêu gọi Thượng viện Mỹ không thông qua đề cử cho vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao của Tổng thống Donald Trump cho tới sau cuộc bầu cử vào ngày 3/11, Trong một tuyên bố, cựu Phó Tổng thống Joe Biden cho rằng: “Thượng viện Mỹ không nên đưa ra hành động liên quan tới vị trị này cho tới khi người dân Mỹ chọn được tổng thống và Quốc hội tiếp theo”[35]. Rõ ràng, chính trị đã tác động mạnh đến việc bổ nhiệm Thẩm phán.

Nhìn chung, sự độc lập của Tòa án liên bang Hoa Kỳ là một giá trị căn bản mà Hiến pháp và pháp luật Hoa Kỳ ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong hàng trăm năm qua. Sự độc lập của Tòa án liên bang được định hình bởi các quy định pháp lý, truyền thống chính trị và yếu tố văn hóa đặc thù của Hoa Kỳ và đã phát triển theo thời gian cùng với những thay đổi của tỉnh hình đất nước. Các yếu tố về cấu trúc tổ chức bộ máy, quản lý tài chính, nhân sự, phương thức bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ Thẩm phán, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán... được sử dụng để đảm bảo sự cân bằng giữa tính độc lập với tính chịu trách nhiệm của Tòa án ở Hoa Kỳ. Tòa án liên bang Hoa Kỳ có sự độc lập trong hoạt động nhưng không phải là sự độc lập tuyệt đối mà vẫn chịu sự kiểm chế, ảnh hưởng của cơ quan hành pháp, lập pháp, đảng phái chính trị chịu sự giám sát, ảnh hưởng của truyền thông và dư luận xã hội qua cơ chế công khai, minh bạch các phán quyết cũng như trách nhiệm giải trình. Đồng thời, việc thực thi quyền lực tư pháp của Tòa án vẫn trông cậy nhiều vào sự sẵn sàng và hợp tác của quyền lực lập pháp và quyền lực hành pháp, bởi một phán quyết không được thì hành có thể không có hiệu lực[36].

 


[1]Xem Nguyễn Văn Cương (2014), Cơ chế bảo đảm độc lập tư pháp ở Hoa Kỳ http://csnd.vn/Home/Quoc-te/493/Co-che-bao-dam-doc-lap-tu-phap- o-Hoa-Kỳ, truy cập ngày 30/9/2020

[2]Mục 1 Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ

[3]Mục 1 Điều 2 Hiến pháp Hoa Kỳ

[4]Mục 1 Điều 3 Hiến pháp Hoa Kỳ

[5]Trích quy định tại Mục 2, Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp Hoa Kỳ

[6]Chế độ lượng dành cho thẩm phân Hoa Kỳ được công bố công khai tại website: http://www.uscourts.gov/Judges AndJudgeships/Judicial Compen sation/judicial-salaries-since-1968.aspx

[7]Đàn hạch hay luận tội (impeachment) là hoạt động của cơ quan lập pháp xem xét việc bãi nhiệm chức vụ của một quan chức nhà nước với những cáo buộc về những hành vi sai trái (Theo: Black's Law Dictionary, 7 edition, p. 755).

[8]George C. Edwards III, Martin P. Wattenberg, Robert L. Lineberry (2011). Government in America: People, Politics and Policy, Pearson Custom Publishing, AP ed of 15th revised ed edition

[9]Website của cơ quan này là: http://www.uscourts.gov/FederalCourts UnderstandingtheFederal Courts/Administrative Office.aspx

[10]Hội đồng Thẩm phán liên bang gồm 26 thẩm phán phúc thẩm do Chánh án Tòa Tối cao làm Chủ tịch (được thành lập theo Điều 331 Bộ pháp điện số 28 của Hoa Kỳ: 28 USC, 331).

[11]Trần Đức Tuấn (2014), Sự độc lập của thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang Mỹ, https://tiasang.com.vn/-dien-dan/su-doc-lap-cua-tham-phan-toa- an-toi-cao-lb-my-8257, truy cập ngày 30/9/2020.

[12]Segal, J. A. (1997), "Separation-of-powers games in the positive theory of Congress and courts", American Political Science Review, Vol. 91, p. 28-44

[13]McMillion, Barry J. (2010), Supreme Court Appointment Process:President's Selection of a Nominee, CRS Report for Congress No. R44235, https://fas.org/sgp/crs/misc/RL31989 pdf, truy cập ngày 30/9/2020.

[14]Rutkus, Denis Steven (2010), Supreme Court Appointment Process: Roles of the President, Judiciary Committee, and Senate, CRS Report for Congress No. RL31989, https://fas.org/sgp/crs/misc/RL31989.pdf, truy cập ngày 30/9/2020.

[15]Kozinski, A. (1998), "The many faces of judicial independence", Georgia State University Law Review, No. 14, p. 870

[16]Dix, G. E. (1964), "The death of the Commerce Court: a study in institutional weakness", American Journal of Legal History, No. 8.

[17]Toma, E. F. (1996), "A contractual model of the voting behavior of the Supreme Court: the role of the chief justice", International Review of Law and Economics, Vol. 16, pp. 433-445.

[18]Dẫn theo Cross, Frank (2003). "Thoughts on Goldilocks and judicial independence", Ohio State Law Journal, Vol. 64, pp. 195 – 219.

[19]Nguyễn Văn Cường (2014), Std

[20]Thông tin Khoa học kiểm sát (2007), “Mô hình tổ tung hình sự Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, Tạp chí Thông tin Khoa học kiểm sát, Số chuyên de 5+6

[21]Thông tin Khoa học kiểm sát (2007), “Mô hình tổ tung hình sự Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, Tạp chí Thông tin Khoa học kiểm sát, Số chuyên de 5+6.

[22]Phương Thảo (2014), Một vài đặc điểm về tổ tung hình sự của Hoa Kỳ, https://noichinh.vn/ho-so-tu-lieu/201410/mot-vai-dac-diem-ve-to-tung- hình-su-cua-hoa-ky-295957

[23]Phương Thảo (2014), Sdd.

[24]Phương Thảo (2014), Sdd.

[25]Stuart Gorin và Bruce Carey (1999). “Các chủ thể trong quá trình tư pháp trong Phương thức hoạt động của tòa án Hoa Kỳ, https://photos.state gov/libraries/vietnam/8616/transdoc/trans_HowUSCourts Work.pdf, truy cap ngày 30/9/2020

[26]Ellis III, T. S. (2008), "Sealing, Judicial Transparency and Judicial Independence", Villanovo Law Review, Vol. 53, p. 945

[27]Dẫn theo Nguyễn Văn Cương (2014). Cơ chế bảo đảm độc lập tư pháp ở Hoa Kỳ, http://canhsatnhandan.vn/Home/Quoc-te/493/Co-che-bao-dam- doc-lap-tu-phap-o-Hoa-Kỳ, truy cập ngày 30/9/ 2020.

[28]Nguyễn Quốc Văn (2010), Đảng phải chính trị và Quốc hội Mỹ, http: www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid-207371.

[29]Judicial Conference (2019), The Code of Conduct for United States Judges, https://www.uscourts.gov/judges-judgeships/code-conduct-united- States-judges, truy cập ngày 30/9/2020

[30]Anthony Kennedy (1999), Đạo đức tư pháp và pháp quyền, trong Phương thứ hoạt động của tòa án Hoa Kỳ, https://photos.state.gov/libraries vietnam/8616/transdoc/trans HowUSCourtsWork pdf, truy cập ngày 30/9/2020

[31]Pamel S. Katz và Lê Nguyễn Gia Thiện (2018), Cấu trúc và chức năng của tòa án Hoa Kỳ, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 1+2

[32]Pamela S. Katz, Lê Nguyễn Gia Thiện (2018), Sđd.

[33]Theo New York Times ngày 16 tháng 3 năm 2016

[34]Pamel S. Katz và Lê Nguyễn Gia Thiện (2018), Cấu trúc và chức năng của tòa án Hoa Kỳ, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, số 1+2.

[35]Thông tấn xã Việt Nam (2020), Tổng thống Trump chính thức đề cử Thẩm phân Tòa án Tối cao, https://tinnhanhchungkhoan.vn/tong-thong-trump- chinh-thuc-de-cu-tham-phan-toa-an-toi-cao-post251200.html.

[36]Nguyễn Đức Minh (2011), “Khái quát về quyền tư pháp ở một số nước trên thế giới". Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 2 (274), tr. 11-20.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành