Thứ tư, 13 Tháng 12 2023 08:38

PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ HÀNH VI PHẢN CẠNH TRANH CỦA CỘNG HÒA PHÁP

Cạnh tranh là một lĩnh vực năng động và không ngừng thay đổi, nhưng đôi khi cũng phải dừng lại trong dòng chảy của nó để xem xét, dù chỉ là để đánh giá đúng hơn vai trò, vị trí của việc phân tích đánh giá các chính sách liên quan đến thị trường đối với hoạt động thường này trong quá trình quản lý kinh tế vĩ mô. Hoạt động cạnh tranh tự do và không bị làm sai lệch hiện đang được phát huy và trở thành một trong số các mục tiêu mà Liên minh Châu Âu hướng tới. Sau những cuộc cải cách pháp luật cạnh tranh ở Pháp vào các năm 2001 và 2002 cũng như pháp luật cạnh tranh của Liên minh Châu Âu được áp dụng từ ngày 1/05/2004, khuôn khổ pháp lý về cạnh tranh đã có những thay đổi hết sức sâu sắc, và các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ nó sẽ ổn định như hiện nay trong khoảng một thời gian tương đối dài tiếp theo.

Để xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của các quy định này, cần phải giải đáp ba câu hỏi chính:

Thủ tục kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh được áp dụng trong những lĩnh vực nào? (A) Khả năng áp dụng thủ tục kiểm soát có bị giới hạn về mặt lãnh thổ hay không? (B) Các quy định về các hành vi phản cạnh tranh được áp dụng cho những đối tượng nào? (C) Ngoại trừ một số nét đặc biệt, giải đáp được những câu hỏi trên không chỉ giúp xác định rõ phạm vi áp dụng Thiên II Bộ luật Thương mại về các hành vi phản cạnh tranh, mà còn giúp xác định phạm vi áp dụng toàn bộ Quyển IV của Bộ luật đó.

1. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

Theo quy định tại Điều L.410-1 Bộ luật Thương mại (trước đây là Điều 53, Pháp lệnh ngày 1-12-1986) thì những quy định tại Quyển IV, tức là những quy định về tự do giá cả và tự do cạnh tranh, được áp dụng đối với: "mọi hoạt động sản xuất, phân phối hoặc dịch vụ, bao gồm cả hoạt động của các pháp nhân công, đặc biệt là các hoạt động được tiến hành trong khuôn khổ các hợp đồng uỷ thác dịch vụ công".

Phạm vi điều chỉnh này được đặc trưng bởi tính toàn diện với một số hạn chế nhất định.

Về bản chất, không có loại hoạt động nào không thuộc vào phạm vi điều chỉnh đó.

Đôi khi cũng đã nảy sinh tranh cãi xung quanh việc có nên coi việc liên kết mua là hành vi vi phạm giống như hoạt động bán hàng chung hay không, bởi vì các thuật ngữ "sản xuất, phân phối hoặc dịch vụ" không hẳn đã bao hàm hết toàn bộ các hành vi cung ứng.

Tuy nhiên trong thực tiễn, Ủy ban Cạnh tranh trước kia và nay là Hội đồng Cạnh tranh đều không sử dụng cách giải thích theo kiểm bám chặt vào câu chữ này. Ví dụ như trong một công văn nêu ý kiến về các siêu trung tâm cung ứng chung của nhiều doanh nghiệp phối hợp hành động với nhau, Ủy ban Cạnh tranh đã nhìn thấy ở đó khả năng tồn tại những thỏa thuận cần phải kiểm soát.

Về phần mình, Hội đồng Cạnh tranh đã từng xử lý một bên mua trong một vụ thỏa thuận giữa các bên cung ứng[1] và nhiều lần xử lý các hành vi cung ứng độc quyền.

Không một lĩnh vực hoạt động nào có tồn tại cạnh tranh mà lại vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền của Hội đồng Cạnh tranh. Trường hợp ngoại lệ đối với các sản phẩm than và thép đã không còn tồn tại kể từ khi Hiệp ước Paris hết 50 năm hiệu lực, tức là từ tháng 7-2002. Kể từ thời điểm đó, các sản phẩm than và thép cũng phải tuân thủ quy định chung của pháp luật theo đó các cơ quan quốc gia và các cơ quan của Liên minh châu Âu đều có thẩm quyền đối với các sản phẩm này, chứ chúng không còn thuộc thẩm quyền tuyệt đối của Ủy ban châu Âu như trước kia.

Nhìn chung, việc xây dựng và ban hành một số quy định chuyên biệt về cạnh tranh, để áp dụng cho một số lĩnh vực hoạt động theo yêu cầu của đại diện một số ngành nghề, đã bị các cơ quan quản lý thị trường có thẩm quyền chung phản đối mạnh mẽ.

Các cơ quan này lập luận rằng một trong những lý do tồn tại của họ chính là để tính tới những đặc thù của mỗi thị trường. Họ biết rằng trong những lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm hoặc vận tải hàng không thì những yêu cầu về an toàn đòi hỏi phải có cách xử lý nương nhẹ hơn đối với các thỏa thuận, các quy tắc chia sẻ rủi ro hay những lợi ích dành cho các tác nhân có bề dày hoạt động, cho dù thị trường có thể không được mở rộng cửa cho cạnh tranh hay không được khơi thông.

Tuy nhiên, trong pháp luật của Liên minh châu Âu, một vài lĩnh vực hoạt động kinh tế có tính đặc thù tương đối lớn cho nên cần phải có những cơ chế riêng mang tính ngoại lệ so với luật chung.

Các quy tắc về cạnh tranh áp dụng đối với doanh nghiệp quy định tại Hiệp ước Rome chỉ được áp dụng đối với sản phẩm nông nghiệp trong những giới hạn quy định tại Quy chế số 26 ngày 4-4-1962.

Mặc dù Pháp lệnh ngày 1-12-1986 của Cộng hòa Pháp đã được sửa đổi bổ sung năm 1996, có thừa nhận tính chất đặc thù của lĩnh vực nông nghiệp, nhưng lĩnh vực này vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyển IV, Bộ luật Thương mại.

Điều L.420-4 (trước đây là Khoản 2, Điều 10, Pháp lệnh năm 1986) về các trường hợp miễn trừ đối với các thỏa thuận và hành vi phối hợp hành động, dường như loại bỏ khỏi phạm vi áp dụng quy định cấm những thỏa thuận tổ chức sản phẩm nông nghiệp hoặc có nguồn gốc nông nghiệp, kể cả khi những thỏa thuận đó quy định những mức giá bán như nhau. Những quy định này thể hiện rõ mong muốn loại bỏ lĩnh vực nông nghiệp ra ngoài phạm vi áp dụng cơ chế kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh.

Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ pháp lý thì những thỏa thuận trong lĩnh vực nông nghiệp không phải là một trường hợp ngoại lệ, cùng lắm chỉ là một trường hợp được suy đoán hưởng miễn trừ. Không có gì cản trở việc xem xét tác động kinh tế của một thỏa thuận trong lĩnh vực nông nghiệp và không cho thỏa thuận đó hưởng miễn trừ một khi thỏa thuận đó không đáp ứng một trong số những điều kiện cần thiết[2], đặc biệt là khi thỏa thuận đó gây ra những hạn chế cạnh tranh trên mức cần thiết để có thể thực hiện mục tiêu tiến bộ kinh tế chứng minh cho tính hợp pháp của nó.

Sự tồn tại của những quy định riêng áp dụng cho một lĩnh vực nhất định hay sự tồn tại của những cơ quan chuyên giám sát các hoạt động trong lĩnh vực đó chỉ cản trở việc áp dụng các quy định chung về cạnh tranh trong một số ít trường hợp và trong giới hạn được quy định rõ trong luật chuyên ngành.

Về vấn đề này, được thể hiện ở những giới hạn áp dụng đối với lĩnh vực báo chí và phát thanh truyền hình.

Luật ngày 2-4-1947 về quy chế của các doanh nghiệp tập hợp và phân phối báo và ấn phẩm thường kỳ tuy có những quy định về tự do phát hành báo chí, nhưng cũng không cho phép doanh nghiệp báo chí vi phạm các quy định về cạnh tranh[3].

Hoạt động xây dựng chương trình phát hành phim cũng có những quy định riêng (điều 90, 91, 92 Luật nghe nhìn ngày 29-7-1982), nhưng không vì thế mà không chịu sự điều chỉnh của các quy định tại Quyển IV Bộ luật Thương mại.

Theo quy định tại Điều 5, Luật năm 1995 về hiện đại hóa nông nghiệp[4], các phương thức tổ chức nông nghiệp phải nhằm cân đối cung với cầu và trong một số trường hợp phải hạn chế sản lượng, nhưng đồng thời phải "phù hợp với các quy định về cạnh tranh".

Hội đồng Cạnh tranh đã có dịp khẳng định thẩm quyền của mình trong việc kiểm soát những hình thức hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 1.611-4 Bộ luật Nông thôn, tức là những hạn chế thực hiện trong khuôn khổ các hợp đồng khung mà các tổ chức ngành nghề nông nghiệp có thể ký kết nhưng phải thông báo cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Hội đồng Cạnh tranh. Hội đồng Cạnh tranh có quyền kiểm tra các điều kiện để những hợp đồng này được hưởng miễn trừ theo loại[5].

Hoạt động quản lý quyền tác giả hoặc khai thác tác phẩm âm nhạc cũng không vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy định về kiểm soát hành vi phản cạnh tranh.

Mặc dù Luật Ngân hàng ngày 24-1-1984 có một số quy định riêng về cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng, nhưng các quy định tại Quyển IV Bộ luật Thương mại vẫn điều chỉnh toàn bộ các hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đây là kết quả của một quá trình phát triển có nhiều biến động. Ngành ngân hàng từ lâu đã cố gắng tách ra khỏi sự ràng buộc của các quy định về cạnh tranh, và phần nào đã đạt được mong muốn đó trong một vài năm. Về phần mình, Ủy ban Ngân hàng chưa bao giờ có những hành động tích cực nhằm phát huy cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng. Ngược lại, Ủy ban này vẫn thường xuyên tỏ ý lo ngại về tình hình cạnh tranh mà Ủy ban đánh giá là thái quá và có hại trong lĩnh vực quản lý của mình.

Luật ngày 25-6-1999 về tiết kiệm và an toàn tài chính[6] đã quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh của những quy định về cạnh tranh đối với lĩnh vực ngân hàng. Luật đã tạo cơ chế để Ủy ban Ngân hàng tham gia vào thủ tục trước Hội đồng Cạnh tranh. Điều 62 của luật này quy định: khi tống đạt những căn cứ buộc tội cho các ngân hàng hay tổ chức tín dụng, Hội đồng Cạnh tranh phải thông báo cho Ủy ban Ngân hàng về những căn cứ đó. Ủy ban Ngân hàng phải có công văn trả lời Hội đồng Cạnh tranh trong thời hạn hai tháng. Trong trường hợp tuyên áp dụng chế tài, Hội đồng Cạnh tranh phải nêu rõ lý do không đồng ý với ý kiến của Ủy ban Ngân hàng, nếu cần thiết.

Các quy định chung về cạnh tranh được áp dụng đối với mọi hoạt động phi ngân hàng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng mà không có những điểm đặc thù nêu trên.

Lĩnh vực ngân hàng càng không nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu. Điều này đã được thừa nhận qua bản án Zuckner và ngay tại Quy chế ngày 21-12-1989 về kiểm soát tập trung kinh tế.

Như vậy là trong những lĩnh vực ít nhiều chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành, sẽ là vô ích nếu các doanh nghiệp, và đôi khi là các cơ quan chủ quản của họ, tìm cách thoát ly khỏi sự điều chỉnh của pháp luật chung về cạnh tranh.

Sự điều chỉnh của pháp luật chung về cạnh tranh chính là tính đặc thù của các hoạt động trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền áp dụng luật chung - mà một trong những lý do tồn tại của họ chính là sự cần thiết phải tính tới những yếu tố đặc thù trong việc áp dụng những quy phạm pháp luật rất chung - luôn khẳng định họ có quyền can thiệp vào những lĩnh vực này. Quyền can thiệp đó hoàn toàn có căn cứ pháp luật, bởi vì theo quy định tại Điều L.410-1 của Bộ luật Thương mại, thì các quy định tại Quyển IV của Bộ luật được áp dụng đối với tất cả các hoạt động sản xuất, phân phối và dịch vụ.

Tuy nhiên, nếu trong lĩnh vực liên quan có tồn tại một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì cần phải phòng ngừa những xung đột về mặt học thuyết hoặc về thực tiễn thực thi pháp luật bằng cách xây dựng cơ chế tham khảo lẫn nhau.

Ví dụ như trong lĩnh vực viễn thông, Cơ quan Quản lý nhà nước về viễn thông (ART) có quyền hoặc có nghĩa vụ, tuỳ từng trường hợp cụ thể, tham khảo ý kiến của Hội đồng Cạnh tranh, và ngược lại, Hội đồng Cạnh tranh cũng có thể hoặc có nghĩa vụ tham khảo ý kiến của ART khi Hội đồng thụ lý giải quyết những vụ việc liên quan đến lĩnh vực viễn thông[7].

Sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tham khảo ý kiến của Hội đồng Cạnh tranh, ART có quyền yêu cầu một doanh nghiệp khai thác mạng lưới sửa đổi một thỏa thuận kết nối mà doanh nghiệp đó đã ký kết với một doanh nghiệp khai thác mạng lưới khác, nếu việc sửa đổi đó là điều kiện không thể thiếu để bảo đảm các điều kiện cạnh tranh bình đẳng[8].

Tương tự như vậy, hàng năm, sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Cạnh tranh, ART phải lập danh sách những doanh nghiệp có nghĩa vụ công bố các điều kiện kỹ thuật và chi phí kết nối mạng lưới sau khi trình ART phê duyệt, do bị coi là "có ảnh hưởng đáng kể trên một thị trường liên quan trong lĩnh vực viễn thông".

Trong lĩnh vực tố tụng cạnh tranh, ART có quyền tham khảo ý kiến của Hội đồng Cạnh tranh về mọi vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời có nghĩa vụ yêu cầu Hội đồng xử lý mọi hành vi phản cạnh tranh mà ART phát hiện được trong lĩnh vực quản lý của mình[9].

Ngược lại, Hội đồng Cạnh tranh phải tham khảo ý kiến của ART về mọi hành vi phản cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông đang được Hội đồng thụ lý giải quyết theo yêu cầu hoặc không theo yêu cầu của ART.

Cuối cùng, với tư cách là cơ quan xét xử các quyết định của Hội đồng Cạnh tranh, Tòa án Phúc thẩm Paris cũng có nhiệm vụ giám sát các quyết định của ART. Đây là một bảo đảm bổ sung cho tính thống nhất trong việc giải quyết các vụ việc cạnh tranh.

Như vậy là nhà lập pháp đã cố gắng không làm phân tán thẩm quyền của Hội đồng Cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, và qua đó bảo đảm tuân thủ tinh thần của Điều L.410-1 Bộ luật Thương mại.

Đương nhiên, có thể hiếm xảy ra khả năng áp dụng thực tế luật chung trong một lĩnh vực mà ở đó có tồn tại những quy định chuyên biệt, nhưng điều đó xuất phát từ những lý do thực tiễn hơn là từ những căn cứ do pháp luật quy định.

Chúng ta có thể lấy lĩnh vực ngân hàng làm ví dụ. Trong tư tưởng của rất nhiều ngân hàng và cơ quan chủ quản của họ, khái niệm thỏa thuận mang một ý nghĩa đặc biệt: chính Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp đã yêu cầu các tổ chức tài chính phải thông báo cho một đơn vị trung ương về những điều kiện "ưu đãi bất thường" dành cho một số khách hàng. Bộ trưởng Bộ Kinh tế đã xét thấy không có trách nhiệm phải đưa thỏa thuận đó ra trước Hội đồng Cạnh tranh để yêu cầu xử lý, cho dù vào cuối tháng 1-1996 thỏa thuận ngân hàng này đã buộc Thủ tướng Chính phủ phải giảm lãi suất của số tiết kiệm loại A để đổi lại việc các ngân hàng thống nhất giảm nửa điểm trên lãi suất cơ bản.

2. PHẠM VI ÁP DỤNG VỀ MẶT LÃNH THỔ

Trong pháp luật Pháp, phạm vi áp dụng về mặt lãnh thổ của Quyển IV Bộ luật Thương mại được xác định theo lý thuyết về “hệ quả nội biên". Căn cứ duy nhất để xác định phạm vi áp dụng về mặt lãnh thổ là lãnh thổ nơi xảy ra hệ quả của hành vì đối với cạnh tranh: chỉ cần xác định có hệ quả đối với cạnh tranh trên thị trường trong nước của Pháp là có thể áp dụng các quy định tại Quyển IV Bộ luật Thương mại.

Thị trường trong nước của Pháp bao gồm cả các tỉnh và lãnh thổ hải ngoại của Cộng hòa Pháp, với một số ngoại lệ[10].

Một điều từ lâu đã trở nên rõ ràng, đó là các quy định tại Quyển IV được áp dụng đối với các công ty có trụ sở tại nước ngoài nếu hành vi của các công ty đó gây ra hệ quả phản cạnh tranh tại Pháp. Tuy nhiên, nhà lập pháp của Pháp vẫn xét thấy cần thiết phải bổ sung vào Điều L.420-1 của Bộ luật Thương mại một quy định, theo đó quy định cấm các hành vi phản cạnh tranh sẽ được áp dụng "kể cả đối với các hành vi do một công ty thuộc tập đoàn có trụ sở ngoài lãnh thổ nước Pháp thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp".

Pháp luật của Liên minh châu Âu cũng quy định những nguyên tắc tương tự như pháp luật Pháp: nơi đặt trụ sở doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định tại các Điều 81 và 82 Hiệp ước Rome không làm ảnh hưởng đến việc xem xét tính phù hợp của hành vi đó với các điều luật này: không cần phải tính tới việc các tác nhân kinh tế có liên quan đặt trụ sở trong Liên minh châu Âu hay tại các nước ngoài Liên minh châu Âu[11]. Cũng không cần biết liệu các quyết định, giao dịch hay hành vi vi phạm được thực hiện trong hay ngoài lãnh thổ của Liên minh châu Âu. Tiêu chí duy nhất cần xem xét đó là hệ quả phản cạnh tranh có xảy ra "bên trong thị trường chung" hoặc trên một phần đáng kể của thị trường này hay không[12].

Uỷ ban châu Âu đã nhiều lần tuyên phạt tiền đối với một số doanh nghiệp tham gia các thỏa thuận phản cạnh tranh, mặc dù tất cả các doanh nghiệp này đều có trụ sở nằm ngoài Liên minh châu Âu[13].

Các hành vi phản cạnh tranh được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động xuất khẩu không chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật của Pháp với điều kiện chúng không gây ra những ảnh hưởng hiện tại hoặc tương lai đối với cạnh tranh trên thị trường quốc gia[14]. Tuy nhiên, các hành vi này phải chịu sự điều chỉnh của các Điều 81 và 82 Hiệp ước Rome nếu chúng có khả năng làm ảnh hưởng đến thương mại giữa các quốc gia thành viên.

Như chúng tôi sẽ phân tích trong phần sau, Điều 3 Quy chế số 1/2003 về phương thức áp dụng Điều 81 và các điều tiếp theo có thể sẽ kéo theo việc xử lý các tập đoàn xuất khẩu không thuộc diện áp dụng nội luật của Pháp, bởi vì pháp luật của Liên minh châu Âu có hiệu lực áp dụng cao hơn so với pháp luật của các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, Hội đồng Cạnh tranh của Pháp cũng được phép áp dụng pháp luật của Liên minh châu Âu, chỉ cần căn cứ vào điều kiện có sự ảnh hưởng đến thương mại giữa các quốc gia thành viên mà không cần tính tới điều kiện hệ quả cạnh tranh phải xảy ra trên thị trường Pháp. Hội đồng đã nhiều lần tự thừa nhận thẩm quyền áp dụng các điều 81 và 82 "ngay cả khi các hành vi đó không gây ra hệ quả trên lãnh thổ nước Pháp[15].

3. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Đối tượng áp dụng các quy định về thỏa thuận phản cạnh tranh và lạm dụng sức mạnh kinh tế cũng rất rộng.

Về đối tượng áp dụng, pháp luật của Liên minh châu Âu và pháp luật Pháp có một vài điểm khác biệt, nhưng những khác biệt này mang tính hình thức nhiều hơn là thực chất.

Điều 81 của Hiệp ước Rome được áp dụng đối với các thỏa thuận giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác và các quyết định của hiệp hội doanh nghiệp. Điều 82 được áp dụng đối với các hành vi lạm dụng của một hoặc nhiều doanh nghiệp. Các thuật ngữ "doanh nghiệp" và "hiệp hội doanh nghiệp" ở đây được hiểu theo nghĩa rộng.

Theo quy định tại các điều luật kể trên, doanh nghiệp hoặc hiệp hội doanh nghiệp được hiểu là "mọi thực thể thực hiện một hoạt động kinh tế, bất kể quy chế pháp lý và phương thì đầu tư của thực thể đó như thế nào".

Như vậy, doanh nghiệp có thể là:

- Một tổ chức chứng nhận thành lập và hoạt động theo luậ tư có chức năng cấp cho các doanh nghiệp thuê cần cơ cấu thành viên hoặc không phải là thành viên của tổ chức để chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức đó xác định một các độc lập; đổi lại doanh nghiệp phải trả một khoản phí[16].

- Một tổ chức không có tư cách pháp nhân độc lập với tư cách pháp nhân của Nhà nước, nhưng được quyền t quyết, tự chủ về quản lý, ngân sách và tài sản[17];

- Các thành viên của một ngành nghề tự do[18];

* Hội đồng quốc gia của một hội nghề nghiệp; Một tổ chức hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận quản lị một hệ thống bảo hiểm tuổi già bổ sung không bắt buộc dựa trên nguyên tắc tự đóng góp[19], Hiệp hội các đoàn khảo cổ quốc gia (AFAN), thành lập theo sáng kiến của một số Bộ của Pháp[20]. Nhưng theo tinh thần của điều 81 và 82 thì những tổ chức sau đây không được coi là "doanh nghiệp":

Các quỹ quản lý dịch vụ công về an sinh xã hội[21], Tổ chức Eurocontrol, bởi vì các hoạt động kiểm soát không lưu của tổ chức này không có tính chất là hoạt động kinh tế, mà gắn liền với việc thực hiện các chức năng công quyền[22];

Một tổ chức hoạt động xã hội chiếm vị thế là người mua duy nhất hoặc chủ yếu không được coi là "doanh nghiệp" như quy định tại Điều 82 và do đó không thể bị xem là đã lạm dụng vị trí thống lĩnh, nếu như các hoạt động của tổ chức đó về bản chất không phải là hoạt động kinh tế. Điều này đã được Tòa án Sơ thẩm của Liên minh châu Âu khẳng định đối với trường hợp một cơ quan y tế Tây Ban Nha có tên là SNS[23]. Nếu căn cứ vào trường hợp này, thì Cơ quan Trợ giúp công cộng Paris cũng không được coi là doanh nghiệp.

Như Hội đồng Cạnh tranh đã khẳng định trong một văn bản cho ý kiến về việc áp dụng các quy định pháp luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu đối với hoạt động khai quật khảo cổ mang tính phòng ngừa (4), Tòa án Công lý đã giải thích khái niệm "doanh nghiệp" theo nghĩa rộng và khái niệm "hoạt động dịch vụ công" theo nghĩa hẹp.

Trong pháp luật Pháp, Điều L.420-2 Bộ luật Thương mại nghiêm cấm doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh. Trong khi đó, Điều L.420-1 lại không nhằm vào bất kỳ đối tượng nào. Điều luật này nghiêm cấm một số hành vi thỏa thuận hoặc phối hợp hành động, nhưng không nêu rõ chủ thể thực hiện hành vi.

Do đó, cần phải giải thích điều luật này trong mối quan hệ với một số quy định khác.

Điều L.464-2 của Bộ luật (trước kia là Điều 13 của Pháp lệnh) quy định các hình thức chế tài mà Hội đồng Cạnh tranh có quyền áp dụng trong trường hợp có sự vi phạm các quy định điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh. Điều luật này quy định rõ mức phạt tiền tối đa là 10% tổng doanh số chưa tính thuế, và "nếu đối tượng vi phạm không phải là doanh nghiệp" thì mức phạt tối đa là 3 triệu euro.

Nếu không phải là doanh nghiệp thì đó có thể là một hiệp hội, một tổ chức hoạt động vì mục đích kinh tế, một nghiệp đoàn hoặc các pháp nhân khác. Nhìn chung, đối tượng phải chịu sự áp dụng của các quy định trên thông thường là các pháp nhân.

Các cá nhân cũng có thể bị liên quan và bị áp dụng chế tài trong hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là khi một cá nhân lẫn với một pháp nhân, ví dụ như trường hợp doanh nghiệp cá thể chẳng hạn.

Tòa án Phúc thẩm Paris đã giữ nguyên một quyết định của Hội đồng Cạnh tranh, trong đó tuyên phạt một số bác sĩ phẫu thuật răng[24] vì đã tham gia vào một hành động phối hợp gây ảnh hưởng đến thị trường răng giả.

"Sự thỏa thuận ý chí đặc trưng cho hành vi phối hợp hành động đáng bị trấn áp có thể diễn ra không chỉ giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, mà còn được thực hiện giữa các pháp nhân và giữa các thể nhân khi những pháp nhân và thể nhân này thực hiện một hoạt động kinh tế và có khả năng thông qua thỏa thuận giữa họ để thay đổi hoặc cố gắng thay đổi những điều kiện bình thường của một thị trường"[25]

Trong trường hợp còn lại, khi các thể nhân có thể bị liên quan, thì họ sẽ không bị áp dụng các hình thức chế tài giống với chế tài dành cho pháp nhân, mà là các chế tài quy định tại Điều L.420-6 của Bộ luật (Điều 17 của Pháp lệnh năm 1986) dành cho "bất kỳ cá nhân nào" dùng thủ đoạn gian dối tham gia trực tiếp và giữ vai trò quyết định trong việc chuẩn bị, tổ chức hoặc thực hiện các hành vi quy định tại các Điều L.420-1, L.420-2 hoặc L.420-5 Bộ luật Thương mại (Điều 7, 8 và 10-1 của Pháp lệnh năm 1986).

Tính chất phi thương mại hoặc phi lợi nhuận – theo quy định trong Điều lệ - của một pháp nhân hoặc của hoạt động thường ngày của pháp nhân đó không đủ để loại trừ pháp nhân ra khỏi phạm vi áp dụng các quy định về cạnh tranh, nếu như pháp nhân đó vẫn thực hiện các hoạt động sản xuất, phân phối hoặc dịch vụ theo quy định tại Điều L.410-1 Bộ luật Thương mại (Điều 35 của Pháp lệnh năm 1986).

Điều này đã được Tòa án Phúc thẩm Paris khẳng định đối với trường hợp của một số công ty tương hỗ[26] và một tổ chức công đoàn của người lao động: Hội đồng Cạnh tranh đã cho rằng có thể tuyên phạt Ủy ban liên công đoàn ngành sách Paris và các công đoàn thành viên vì sự tham gia của họ vào lĩnh vực in ấn[27] đã gây ra hệ quả phản cạnh tranh. Tòa án Phúc thẩm Paris đã huỷ quyết định của Hội đồng với lý do hoạt động của các tổ chức này không phải là hoạt động của các tác nhân kinh tế. Tuy nhiên, cần phải tìm hiểu xem "liệu ít nhất một trong các bên tham gia thỏa thuận có thể được coi là tác nhân kinh tế tiến hành một hoạt động trên thị trường hay không"[28].

Tương tự như vậy đối với các pháp nhân công pháp.

4. KHẢ NĂNG ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ CẠNH TRANH ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN CÔNG PHÁP[29]

Vai trò của Nhà nước về khả năng áp dụng các quy định về cạnh tranh đối với pháp nhân công ở Pháp được thể hiện ở mọi lĩnh vực. Các cấp chính quyền địa phương được phép tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế. Cùng với sự phát triển của phương thức ủy thác quản lý dịch vụ và cơ sở hạ tầng công, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân được trao những quyền hạn gắn với chức năng công quyền và vì thế có nhiều điểm tương đồng với các pháp nhân công pháp. Do sự hạn hẹp về nguồn ngân sách, nhiều đơn vị của Nhà nước phải cố gắng phát huy giá trị các nguồn lực, sản phẩm hoặc dịch vụ của họ: ví dụ như cơ quan dự báo thời tiết hoặc đo đạc bản đồ tìm cách bán những thông tin mà họ thu thập được, một số bảo tàng bán những bản sao của hiện vật hoặc bản sao tác phẩm hội họa mà họ trưng bày, v.v..

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, những khác biệt có lợi mà một số tác nhân được hưởng vì lý do họ thuộc sở hữu của Nhà nước hoặc của các cấp chính quyền nhà nước đã ngày càng khó có thể chấp nhận được.

Cuối cùng, một điều cần ghi nhận là mức độ áp dụng pháp luật cạnh tranh đối với các pháp nhân công pháp đã từng là tâm điểm của một cuộc đấu tranh quyền lực thực sự giữa các thiết chế khác nhau cùng có thẩm quyền thi hành pháp luật cạnh tranh. Những xung đột về thẩm quyền giữa các thiết chế đó đã làm cho vấn đề này trở thành một trong những vấn đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi nhất.

 


[1] Vụ vận chuyển sản phẩm vệ sinh y tế cho bệnh viện Saint-Gaudens.

[2] Xem các mục từ Điều 669 đến Điều 704.

[3] Tòa án Phúc thẩm Orléans (Ch.civ), ngày 29 - 8 - 1995, Champagne.

[4] Luật số 95-95 ngày 1-2-1995, Công báo ngày 2-2-1995.

[5] Xem bài bình luận của Johanne Peyre về công văn số 02-A-12 ngày 1-10-2002 về thị trường đào và đào lộn hột, Phụ lục tạp chí ADCC Lamy, số 907.

[6] Luật số 99-532 ngày 25-6-1999.

[7] Điều L.36-10 Bộ luật Bưu chính viễn thông. Xem thêm bài bình luận về công văn số 750 trong Phụ lục tạp chí ADCC Lamy.

[8] Điều L.34-8 Luật số 96-659 ngày 26-7-1996 về điều tiết viền thông.

[9] Điều L.34-8 Luật số 96-659 ngày 26-7-1996 về điều tiết viễn thông.

[10] Quyển IX Bộ luật Thương mại về các quy định áp dụng ở hải ngoại quy định cụ thể như sau: Quyển IV được áp dụng với tỉnh Mayotte (trừ các điều L.441-2, L.442-1 và L.470-6), Saint-Pierre và Miquelon (trừ Khoản 3 Điều L.470-6). Quyển IV không áp dụng đối với đảo Nouvelle-Calédonie và vùng Polynésie thuộc Pháp. Đối với tỉnh Mayotte và các đảo Wallis và Futuna, một số quy định được thay đổi không đáng kể, chủ yếu liên quan đến việc công bố công khai giá cả và thời hạn thanh toán.

[11] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 27-9-1988, Woodpulp, Rec. 1988, trang 5193, 24-10-1996, Viho/Commission.

[12] Tòa án Sơ thẩm của Liên minh châu Âu, Aff.T-102/96.

[13] Xem "Jurisdiction and cooperation issues in the investigation of inter-national cartels", Georgios Kiriazis, DG Conc. A-4.

[14] Quyết định của Hội đồng Cạnh tranh số 97-D-37 ngày 20-5-1997, Tekimex/Sandoz, Bån tin chính thức về cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận thương mại, ngày 30-7-1997.

[15] Hội đồng Cạnh tranh, quyết định số 02-MC-07 ngày 15-5-2002, Pharma Lab. Trong quyết định này Hội đồng Cạnh tranh đã quy chiếu đến hai quyết định trước đó.

[16] Tòa án Sơ thẩm của Liên minh châu Âu, ngày 22-9-1997, SCK và FNK c/Commission.

[17] Ủy ban châu Âu, ngày 17-6-1998, AAMS, Công báo của Liên mình châu Âu L.252.

[18] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 18-6-1998, Ủy ban Công hòa Italia.

[19] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 16-11-1995, CNAVMA

[20] Công văn số 98-A-07, ngày 19-5-1998 của Hội đồng Cạnh tranh, Phụ lục tạp chí ADCC Lamy, số 766-11.

[21] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 17-2-1993, CANCAVA.

[22] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 19-2-1994, Eurocontrol.

[23] Tòa án Sơ thẩm của Liên minh châu Âu, ngày 4-3-2003, FENIN

[24] Quyết định số 89-D-36, ngày 7-11-1989, Phụ lục tạp chí ADCC Lamy SỐ 377.

[25] Tòa án Phúc thẩm Paris, ngày 3-5-1990, Bản tin chính thức về cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận thương mại ngày 1-4-1990, tr.195.

[26] Tòa án Phúc thẩm Paris, ngày 5-12-1991, Bản tin chính thức về cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận thương mại, ngày 3-1-1992, tr.3.

[27] Hội đồng Cạnh tranh, số 99-D-41, ngày 21-6-1999, Rec. Lamy số 797.

[28] Tòa án Phúc thẩm Paris, ngày 29-2-2000, Công đoàn ngành sách và thông tin viết, Bản tin chính thức về cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận thương mại, ngày 31-3-2000.

[29] Về các điều kiện và phạm vi áp dụng các quy định pháp luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu đối với doanh nghiệp nhà nước và các pháp nhân công pháp khác, có thể xem thêm phần trình bày về các pháp nhân nắm giữ độc quyền.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành