Thứ sáu, 10 Tháng 11 2023 02:55

Một số so sánh về thẩm quyền trọng tài của các quốc gia thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP[1], trừ Việt Nam, đều có quy định theo hướng loại trừ trong việc xác định các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài Theo đó, trường hợp việc giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài là trái với chính sách công, hoặc pháp luật khác có quy định riêng một loại tranh chấp nào đó không thể giải quyết bằng trọng tài, hoặc qua thực tiễn áp dụng án lệ cho thấy một loại tranh chấp nào đó không thể giải quyết bằng trọng tài thì mới không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Thông thường, các tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài đó là những tranh chấp thương mại và đầu tư có liên quan đến việc phá sản doanh nghiệp, hoặc liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Khác với 10 quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP còn lại, Việt Nam quy định theo hướng liệt kê các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài, theo đó, nếu pháp luật có quy định trường hợp nào được lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp thì các bên mới có thể áp dụng.

Với tính chất là một phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, trọng tài thương mại sẽ có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp phát sinh nếu thỏa mãn điều kiện: (i) các bên có thỏa thuận trọng tài và (ii) tranh chấp đó phải thuộc phạm vi được pháp luật cho phép giải quyết bằng trọng tài. Tuy nhiên, không phải mọi tranh chấp thương mại và đầu tư đều có thể giải quyết bằng trọng tài và điều này được hầu hết các quốc gia thừa nhận.

Hầu hết các quốc gia, trừ Việt Nam, đều giống nhau trong việc lựa chọn cách quy định loại trừ khi đề cập thẩm quyền trọng tài (theo hướng: mọi tranh chấp đều có thể giải quyết bằng trọng tài, trừ trường hợp..., theo đó, các trường hợp loại trừ sẽ được liệt kê). Phạm vi các tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài đều bao gồm trường hợp trái với chính sách công, phạm vi các tranh chấp còn lại có thể khác nhau, nguồn luật áp dụng để xác định tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài cũng có sự khác nhau, tùy từng quốc gia.

Cụ thể, cách quy định của các quốc gia thành viên CPTPP về vấn đề thẩm quyền trọng tài thường là: mọi tranh chấp đều được giải quyết bằng trọng tài miễn là các bên thỏa thuận như vậy, trừ trường hợp việc giải quyết bằng trọng tài là trái với chính sách công hoặc trừ một số loại tranh chấp có tính chất đặc biệt. Việc xác định thế nào là “trái với chính sách công” thường được xác định trong một số luật khác hoặc qua các án lệ.

* Singapo, Brunây và Canada có cách tiếp cận gần như tương tự nhau trong việc xác định thẩm quyền trọng tài Cụ thể:

- Theo pháp luật trọng tài của Xingapo, mọi tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại đều có thể được giải quyết bằng trọng tài nếu như các bên thỏa thuận giải quyết bằng phương thức này, trừ trường hợp việc giải quyết bằng trọng tài đó được cho là trái với chính sách công. Bên cạnh đó, nếu luật thành văn quy định thẩm quyền tài phán với một vấn đề nào đó có thể thuộc bất cứ Tòa án nào, nhưng không đề cập thẩm quyền của trọng tài, thì quy định này tự nó sẽ làm mất đi quyền giải quyết vấn đề đó bằng trọng tài[2]. Tuy nhiên ở Xingapo, các vấn đề không thể giải quyết bằng trọng tài vì trái với chính sách công không được quy định cụ thể trong các luật về trọng tài, mà được tổng kết qua các án lệ. Theo đó, các vấn đề liên quan đến chính sách công và không thể giải quyết bằng trọng tài bao gồm các vấn đề liên quan đến quyền công dân, hôn nhân, giấy phép theo luật định, phá sản hay vấn đề trách nhiệm hình sự[3]. Một trong số dẫn chứng về các án lệ của Tòa án Singapo về vấn đề thẩm quyền trọng tài đó là vụ Larsen Oil and Gas Pte Ltd vs. Petroprod Ltd (2011),3 SLR 414. Trong vụ này, Tòa án phúc thẩm Xingapo cho rằng cần có sự phân biệt giữa các tranh chấp liên quan đến một công ty mất khả năng thanh toán xuất phát từ quyền và nghĩa vụ trước khi mất khả năng thanh toán, với những tranh chấp phát sinh chỉ khi bắt đầu mất khả năng thanh toán do hoạt động của công ty sau khi phá sản. Nếu như vấn đề thứ hai là không giải quyết bằng trọng tài, thì vấn đề thứ nhất lại có thể (miễn là việc phân xử tranh chấp không ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của các chủ nợ khác hoặc làm suy yếu mục tiêu chính sách cơ bản của chế độ phá sản ở Xingapo).

Tương tự, Brunây - quốc gia có nhiều tham khảo kinh nghiệm từ Singapo trong quá trình xây dựng pháp luật về trọng tài – cũng có quy định tương tự tại Điều 13 Pháp lệnh Trọng tài quốc tế. Nói chung, các tranh chấp có tính chất “thương mại” đều có thể giải quyết bằng trọng tài, ngoại trừ những vấn đề liên quan đến quyền công dân, tính hợp pháp hoặc trẻ em, các vấn đề về Luật Hôn nhân và gia đình khác, trách nhiệm hình sự, thành lập công ty và những vấn đề trái với chính sách công...[4]

Ở Canada, trên cơ sở chính sách công, các Tòa án có quyền từ chối cho phép một vấn đề được phân xử. Thông thường, các vấn đề của Luật Thương mại mang tính tư nhân giữa các bên sẽ được giải quyết bằng trọng tài. Câu hỏi về việc liệu đối tượng của tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài được hay không thường dựa vào sự tồn tại của một quy chế có thể loại bỏ quyền của các bên trong hợp đồng cho bên thứ ba giải quyết tranh chấp của họ. Ví dụ: một số tranh chấp về bảo vệ người tiêu dùng nhất định có thể không được giải quyết bằng trọng tài theo quy định của pháp luật liên bang (theo Án lệ: Seidel v. TELUS Communications Inc., 2011 SCC 15)[5].

* Ở một số quốc gia khác, phạm vi các tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài được xác định theo cả án lệ và các quy định của luật khác. Cụ thể:

- Malaixia quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Trọng tài năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2011, 2018: “bất cứ tranh chấp nào mà các bên có thỏa thuận đưa tranh chấp đó ra trọng tài giải quyết theo một thỏa thuận trọng tài thì đều có thể giải quyết bằng trọng tài trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài trái với chính sách công hoặc đối tượng của tranh chấp, theo quy định trong các luật của Malaixia, không thể được giải quyết bằng trọng tài”. Khoản 2 Điều 4 Luật Trọng tài Malaixia năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2011, 2018 còn khẳng định: “việc mà một văn bản pháp luật nào đó quy định thẩm quyền Khi quyết vụ việc ấy thuộc thẩm quyền của Tòa án và không để cập việc giải quyết vụ việc ấy bằng trọng tài, tự nó, không đủ để khẳng định rằng tranh chấp về vấn đề ấy không thể được giải quyết bằng trọng tài”[6].

- Ôxtrâylia cũng lựa chọn cách quy định loại trừ, theo đó, mọi tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại đều có thể được giải quyết bằng trọng tài nếu như được các bên thỏa thuận, trừ trường hợp thỏa thuận đó được cho là trái với chính sách công. Như vậy, để tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài thì nó phải thỏa mãn hai điều kiện: thuộc phạm vi có thể giải quyết bằng trọng tài theo luật nội địa của Ôxtrâylin và thuộc phạm vi của thỏa thuận trọng tài có liên quan.

Ở Ôxtrâylia, những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài được thể hiện trong cả án lệ và một số luật, như: Luật Hợp đồng bảo hiểm năm 1984; Luật Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển năm 1991; một số điều khoản nhất định của Đạo luật Tổng công ty năm 2001 liên quan đến việc mất khả năng thanh toán và các lệnh sắp xếp, mặc dù khả năng phân xử của các vấn để theo Đạo luật để thường sẽ phụ thuộc vào bản chất của vấn đề (theo Án lệ WDR Delaware Corporation v Hydrox Holdings Pty Ltd (2016) 245 FCR 452, Foster J (đoạn 144)...

Bên cạnh đó, Án lệ WDR Delaware Corporation v Hydrox Holdings Pty Ltd (2016) 245 FCR 452, Foster J tại đoạn 124 cũng nêu rằng: “Một tranh chấp dù các bên thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài mà pháp luật quốc gia đó không công nhận thì các bên cũng không thể lựa chọn trọng tài để giai quyết”. Tòa án ở Ôxtrâylia cũng nhấn mạnh rằng các tội hình sự, ly hôn, quyền nuôi con, giải quyết tài sản, di chúc, khiếu kiện việc làm, một số tranh chấp về sở hữu trí tuệ, tranh chấp Luật Cạnh tranh, phá sản và mất khả năng thanh toán không thể giải quyết bằng trọng tài[7]. “Đối với những loại tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài, yếu tố chung là yêu cầu của lợi ích công, khiến cho việc giải quyết riêng các tranh chấp đó bên ngoài hệ thống tòa án quốc gia là không phù hợp” (theo Án lệ Comandante Marine Corp v Pan Australian Shipping Pty Ltd (2006) 157 FCR 45, Allsop J ở đoạn 200).

- Luật Trọng tài Niu Dilân năm 1996 quy định: “Bất kỳ tranh chấp nào mà các bên thỏa thuận lựa chọn giải quyết bằng trọng tài theo thỏa thuận trọng tài đều có thể được giải quyết bằng cơ chế này, trừ trường hợp thỏa thuận trọng thi trái với chính sách công hoặc theo một luật khác thì tranh chấp đó được xác định là không thể giải quyết bằng trọng tài”[8].

* Đối với các nước thuộc hệ thống Civil Law thì nguồn luật để xác định tranh chấp có được giải quyết bằng trọng tài hay không cơ bản là các quy định pháp luật khác liên quan.

- Ở Pêru, chỉ những tranh chấp liên quan đến quyền mà các bên có thể tự do từ bỏ mới được đưa ra trọng tài. Ngoài ra, tranh chấp khác cũng có thể được đưa ra trong tài nếu pháp luật hoặc điều ước quốc tế cho phép, ngay cả khi nó liên quan đến các quyền không thể từ bỏ. Các tranh chấp liên quan đến các quyền có thể được từ bỏ thường bao gồm tranh chấp về hợp đồng và các vấn để thương mại, và thường loại trừ các vấn đề hình sự, vấn đề năng lực pháp lý và vấn đề luật gia đình. Các vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp có thể được giải quyết bằng trọng tài. Tuy nhiên, các vấn đề về Luật Cạnh tranh không thể được giải quyết bằng trọng tài.

- Ở Mêhicô: Theo các quy định khác nhau của pháp luật Mêhicô, có một số vấn đề không thể giải quyết bằng trọng tài, chẳng hạn như tranh chấp phát sinh từ:

- Tài nguyên đất và nước nằm trong lãnh thổ quốc gia và tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, hoặc tài nguyên liên quan đến bất kỳ quyền chủ quyền nào liên quan đến vùng đó;

- Các hành vi có thẩm quyền hoặc các hành vi liên quan đến chế độ nội bộ của nhà nước và của các thực thể liên bang:

- Các chế độ nội bộ của các đại sứ quán và lãnh sự quán Mêhicô và các thủ tục chính thức của họ (Điều 568 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang);

- Các tranh chấp liên quan đến việc chấm dứt hành chính các hợp đồng do Ủy ban Hydrocacbon quốc gia thực hiện (Điều 20 và Điều 21 Luật Hydrocacbon);

- Tranh chấp về tính hợp pháp của việc bãi bỏ hành chính hoặc việc chấm dứt sớm các hợp đồng được thực hiện giữa các tổ chức nhà nước và các bên tư nhân (Điều 80 Luật Mua lại, cho thuê và dịch vụ của khu vực công và Điều 98 Luật Khu vực công và dịch vụ liên quan);

- Thủ tục phá sản cá nhân và thương mại (Điều 1 Luật Phá sản);

- Trách nhiệm hình sự (Điều 1 Bộ luật Tố tụng hình sự quốc gia);

- Các vấn đề liên quan đến Luật Gia đình và hộ tịch (những vấn đề này phải được quyết định bởi các Tòa án quốc gia (Điều 52 Đạo luật Tổ chức quận Liên bang);

- Các vấn đề về thuế (Điều 1 Luật Tổ chức Tòa án Liên bang hành chính);

- Tranh chấp lao động (Điều 123 Mục XXXI Hiến pháp Mêhicô);

- Tranh chấp nông nghiệp (Điều 27 Phần XIX Hiến pháp Mêhicô); hoặc

- Theo Điều 27 Luật Sở hữu công nghiệp, chỉ các tranh chấp ảnh hưởng riêng đến quyền lợi tư nhân mới có thể được đưa ra phân xử bởi trọng tài. Ngược lại, nếu tranh chấp liên quan đến lợi ích công cộng, tranh chấp đó không thể được phân xử bởi trọng tài.

- Ở Chilê, các vấn đề ảnh hưởng đến chính sách công và quyền của bên thứ ba được coi là không thể đưa ra xét xử tại trọng tài.

Cụ thể hơn, Điều 229 và Điều 230 Bộ luật Tổ chức tư pháp (CJO) đề cập các tranh chấp chính được coi là không thể phân xử bởi trọng tài trong nước. Theo các quy định đó, tiền cấp dưỡng, phân chia tài sản giữa vợ và chồng, nguyên nhân tội phạm, vấn đề của cảnh sát địa phương, tranh chấp giữa bên giao đại lý và tranh chấp trong đó tài chính tư pháp phải được điều trần, không thể được chuyển đến trọng tài. Ngoài ra, Điều 5 Bộ luật Lao động Chilê quy định các vấn đề lao động không thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài. Ngoài ra, Điều 1(5) Luật Trọng tài thương mại quốc tế số 19.971 (ICAL) quy định cụ thể rằng Luật này không thay đổi các quy định trong nước về các vấn đề không thể giải quyết bằng trọng tài, hay phạm vi “arbitrability” giống nhau đối với cả trọng tài quốc tế và trọng tài trong nước. Hơn nữa, lịch sử lập pháp của ICAL cho thấy rằng các vấn đề về chính sách công sẽ không được giải quyết theo thủ tục trọng tài quốc tế. Cả CJO và các điều khoản của ICAL liên quan đến các vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài đều không được sửa đổi trong những năm gần đây[9].

- Đối với Nhật Bản, Điều 13 Luật Trọng tài năm 2003 quy định:

Trừ khi pháp luật có quy định khác, thỏa thuận trọng tài chỉ có hiệu lực khi đối tượng của thỏa thuận là tranh chấp dân sự mà các bên có thể giải quyết (không bao gồm ly hôn, ly thân).

Như vậy, tranh chấp thương mại và đầu tư ở Nhật Bản là tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài. Pháp luật nước này cũng có cách quy định loại trừ, tuy nhiên, khác với các quốc gia đã đề cập ở trên, Điều luật này không đề cập vấn đề “chính sách công". Trong thực tiễn trọng tài tại Nhật Bản, người ta thường coi những điều sau đây là không thể phân xử bằng trọng tài như hiệu lực của các quyền sở hữu trí tuệ do chính phủ cấp (chẳng hạn như bằng sáng chế và nhãn hiệu); hành động của c hat 0 đông nhằm hủy bỏ nghị quyết đại hội cổ đồng; các quyết định hành chính của các cơ quan chính phủ; quyết định về thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định trong các vụ án dân sự và mất khả năng thanh toán; và các tranh chấp liên quan đến lao động[10].

Có thể thấy rằng, các quốc gia thành viên khác của Hiệp định CPTPP đều lựa chọn quy định loại trừ, tức là nếu việc giải quyết tranh chấp là trái với chính sách công, hoặc nếu theo án lệ hoặc theo pháp luật có quy định riêng một loại tranh chấp nào đó không thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài thì các bên không thể lựa chọn cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp đó. Những vấn đề tranh chấp thương mại, đầu tư cụ thể không được giải quyết bằng trọng tài có sự khác biệt nhất định ở mỗi quốc gia (thậm chí ở các bang trong quốc gia đó). Mặc dù vậy, nhìn chung, hầu hết tranh chấp thương mại và đầu tư đều có thể giải quyết bằng trọng tài, trừ một số loại tranh chấp điển hình, đó là: tranh chấp liên quan đến phá sản, tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

* Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài tại Điều 2 như sau:

"1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài”.

Như vậy, Điều luật này đã quy định rõ ba nhóm vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại, cụ thể:

Thứ nhất, tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại: Tính chất thương mại theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 được hiểu là “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

Thứ hai, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại: Với quy định này, chủ thể thực hiện các hoạt động thương mại này có thể là giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với bên còn lại có thể tham gia quan hệ với các mục đích phi lợi nhuận như tiêu dùng, nhu cầu cá nhân... Quy định này mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài. Như vậy, tranh chấp giữa một thương nhân và các cá nhân, tổ chức không kinh doanh (có thể bao gồm cả các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) cũng có thể được giải quyết bởi trọng tài thương mại. Trong quan hệ với các bên có hoạt động thương mại thì các bên này có thể đóng vai trò là người tiêu dùng.

Tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tuy không thuần túy là tranh chấp kinh doanh thương mại song nó vẫn thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại nếu các bên có thỏa thuận trọng tài[11].

Thứ ba, tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định phải giải quyết bằng trọng tài thương mại: Trong trường hợp này, nếu pháp luật chuyên ngành có quy định tranh chấp có thể giải quyết bằng trọng tài thương mại thì các bên có thể lựa chọn. Ví dụ: Trọng tài thương mại có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp trong nội bộ công ty, như theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022 của Việt Nam: “Trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định đó vẫn có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều này cho đến khi có quyết định hủy bỏ của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”[12]. Các quy định khác có liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022; Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019,...

Quy định như trong pháp luật Việt Nam về thẩm quyền của trọng tài tưởng chừng là liệt kê cụ thể, rõ ràng hơn so với quy định của các quốc gia khác, nhưng so với việc quy định mang tính loại trừ của các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP còn lại, thì quy định liệt kê như trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam vô hình trung lại làm thu hẹp các trường hợp được giải quyết bằng trọng tài. Nếu trong trường hợp tranh chấp về một vấn đề mới phát sinh mà chưa kịp luật hóa, các bên có thể không được lựa chọn trọng tài để giải quyết nếu theo pháp luật Việt Nam, còn đối với pháp luật của các quốc gia khác, chỉ cần bảo đảm nguyên tắc “không trải với chính sách công” thì có thể giải quyết bằng trọng tài.

Hơn nữa, đối với tranh chấp liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, đa phần các quốc gia xác định đó là tranh chấp không được giải quyết bằng trọng tài. Tuy nhiên, theo pháp luật trọng tài Việt Nam, đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận[13].

 


[1] Các thành viên CPTPP gồm Nhật Bản, Niu Dilân, Malaixia, Pêru, Mêhicô, Singapo, Ôxtrâylia, Canada, Brunây, Chilê và Việt Nam.

[2] Theo Điều 11 Luật Trọng tài quốc tế Xingapo năm 1994

[3] https://www.mondaq.com/litigation-mediation-arbitration/793086/ international-arbitration-comparative-guide

[4] https://iclg.com/practice-areas/international-arbitration-laws-and-regulations/brunei.

[5] . Xem J.B.Casey: Arbitration Law of Canada: Practice and Procedure, 2d ed, JurisNet 2011 ("Casey"), chapter 3 and chapter 7

[6] Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam quy định có phần hẹp hơn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài, theo đó, trọng tài (thương mại) chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc các dạng sau: (1) tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại: (2) tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (3) tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

[7] Xem Brenda Horrigan, Leon Chung. Chad Catterwell, Guillermo Garcia-Perrote and Stewart McWilliam: Arbitration procedures and practice in Australia: overview, https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/1-618-2164? transitionType=Default&contextData=(sc.Default)&firstPage=true#co_anchor_a899265.

[8] Điều 10 Luật Trọng tài Niu Dilân năm 1996.

[9] https://www.bmaj.cl/wp-content/uploads/2020/01/26.04.2018-Chile_- Arbitration-Andrés-Jana-y-Rodrigo-Gil.pdf.

[10] https://iclg.com/practice-areas/international-arbitration-laws-and regulations/japan.

[11] Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2018 của Việt Nam

[12] Điều 62 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022 của Việt Nam.

[13] Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành