In trang này
Thứ hai, 25 Tháng 3 2024 09:26

Khái quát chung về quá trình hình thành và phát triển các liên kết khu vực tự do thương mại

Đối với quá trình hình thành các liên kết khu vực tự do thương mại, có thể thấy có ba giai đoạn chính được phân chia dựa trên những đặc tính định lượng và định tính của quá trình khu vực hóa, trong quá trình phát triển của khu vực hóa cũng như xác định những dấu hiệu của giai đoạn thứ tư đang dần hình thành.

1. Giai đoạn “tiền khu vực hóa”

Giai đoạn thứ nhất có thể gọi là giai đoạn “tiền khu vực hóa”, là giai đoạn thiết lập các liên minh thuế quan song phương đầu tiên ở châu Âu trên cơ sở những động lực mạnh mẽ về chính trị. Sáng kiến thành lập thường xuất phát từ những cường quốc và họ sẽ trở thành hạt nhân của các liên minh này. Trong thời kỳ này xuất hiện các hiệp định thương mại song phương với các điều khoản về khả năng ưu đãi lẫn nhau. Theo thứ tự về thời gian, giai đoạn này có thể kéo dài khoảng gần 100 năm - từ khoảng giữa những năm 1800 cho đến giữa thế kỷ XX. Đây cũng là quãng thời gian mà kinh tế khu vực và sau đó là kinh tế toàn cầu được thiết lập và phát triển mạnh mẽ. Trong số những liên kết kinh tế khu vực đầu tiên có thể kể đến: Liên minh hải quan Áo - Hung (thành lập năm 1851), Liên minh hải quan Pháp - Mônacô (năm 1865), Liên minh hải quan Đức (được thành lập trong giai đoạn 1834-1867 và đặt nền móng cho một nhà nước Đức thống nhất), Liên minh thuế quan Na Uy - Thụy Điển (năm 1874, sụp đổ ngay sau khi được thành lập do mâu thuẫn giữa các quốc gia). Vào đầu những năm 20, thế kỷ XX xuất hiện các liên minh hải quan Ba Lan - Danzig và Thụy Sĩ - Líchtênxtanh. Liên minh Bỉ - Lúcxămbua (năm 1921) được coi là có nội dung tương đối hoàn thiện và chiếm giữ vị trí quan trọng trong thời kỳ này. Vào năm 1923, Liên minh này phát triển thành Liên minh ba bên gồm Bỉ, Lúcxămbua và Hà Lan. Trong giai đoạn này đã có những cố gắng trong việc sử dụng hình thái liên minh thuế quan trong cuộc chiến cạnh tranh giữa Mỹ và châu Âu để bảo vệ thị trường tiêu thụ truyền thống của mỗi bên. Từ năm 1910, Mỹ đã cố gắng thành lập Liên minh thuế quan liên Mỹ với các nước Mỹ Latinh dưới sự bảo trợ của mình nhưng những nước này phản đối sự mở rộng của các công ty Bắc Mỹ nên Liên minh nói trên đã không được hình thành. Đến năm 1929, khi bắt đầu cuộc đại suy thoái, Pháp đã đưa ra sáng kiến thành lập một liên minh thuế quan liên Âu với sự tham gia của hơn 20 nước với định hướng chống Mỹ rõ ràng. Tuy nhiên, sáng kiến đã không nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia do có những mâu thuẫn ngày càng gia tăng trong bối cảnh khủng khoảng và lo ngại phản ứng cứng rắn từ Hoa Kỳ.

2. Giai đoạn khu vực hóa “cổ điển”

Giai đoạn thứ hai của tiến trình khu vực hóa được gọi là thời kỳ “cổ điển” với những khởi điểm không thành công đầu tiên vào những năm 1947 - 1948 khi cố gắng thành lập Tổ chức quốc tế về thương mại và việc làm - với vai trò là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, việc 23 quốc gia ký kết thành công Hiệp định GATT năm 1947 đã đánh dấu sự khởi đầu của việc hình thành một hệ thống thương mại đa phương nhằm đáp ứng những thách thức chính trị và kinh tế của thời đại với các quy tắc đặc biệt đối với các hiệp định thương mại ưu đãi. Sau đó là sự hình thành một loạt các hiệp hội kinh tế kiểu mới ở châu Âu như Cộng đồng than và thép châu Âu (1951), Cộng đồng kinh tế châu Âu (1957), Liên minh kinh tế Benelux (1958), Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (1959). Cộng đồng kinh tế châu Âu đã trở thành một ví dụ điển hình về sự liên kết, hội nhập siêu quốc gia, đa tầng kiểu “cổ điển”. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực hóa trong khoảng hai thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai chủ yếu diễn ra ở khối các quốc gia phát triển. Các quốc gia đang phát triển ít chú ý đến lựa chọn này có thể vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trước Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như kết quả của cuộc chiến khiến những nước này ưu tiên lựa chọn thúc đẩy các giải pháp thay thế nhập khẩu - bằng cách tập trung vào mở rộng năng lực và thị trường nội địa.

Trong những thập kỷ tiếp theo, chính sự hoạt động hiệu quả của Cộng đồng kinh tế châu Âu cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của châu Âu cho đến khi hình thành thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU) đã có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của quá trình khu vực hóa và thể thức của các hiệp định thương mại. EU được mở rộng đã diễn ra việc định dạng lại cấu trúc thương mại - chính trị cả ở những vùng lân cận (các thỏa thuận giữa EU và các nước EACT, bao gồm cả việc hình thành Khu vực kinh tế châu Âu vào năm 1994; thành lập các liên minh thuế quan EU với Anđôra, Thổ Nhĩ Kỳ, Xan Marinô; các hiệp định của EU với các nước Địa Trung Hải). Tại các châu lục khác, mô hình của châu Âu đã được áp dụng kết hợp với việc tính đến những đặc thù và điều kiện riêng, đã dần hình thành (mặc dù chủ yếu mới chỉ là những tuyên bố) các liên minh thuế quan với sự tham gia của hàng loạt các quốc gia: Thị trường chung Trung Mỹ (1961), Cộng đồng và thị trường chung Caribe (1973), Cộng đồng Andean (1998), Thị trường chung Nam Mỹ (1991), Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (1993), Thị trường chung Đông và Nam Phi (1994), Liên minh thuế quan Nga - Bêlarút - Cadắcxtan (1997), Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi (1999), Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (2000)... Ở giai đoạn này, các nước đang phát triển gặp khó khăn nhiều hơn với cuộc khủng hoảng nợ công ở Mỹ Latinh (thập niên 80 - 90, thế kỷ XX) nên buộc phải tìm cách mở rộng xuất khẩu và dần từ bỏ lựa chọn trước đó về thúc đẩy sản xuất và thị trường nội địa, bằng cách cố gắng gia nhập GATT/WTO.

Giai đoạn thứ hai này diễn ra từ giữa thế kỷ XX đến đầu những năm 2000. Trong thời gian này Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - hệ thống thương mại đa biên cũng như bộ quy tắc hiện đại cho các thỏa thuận thương mại khu vực (RTA) - đã ra đời vào năm 1995 (Các hiệp định thương mại khu vực theo cách hiểu của WTO bao gồm các hiệp định về tự do hóa một phần thương mại, tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ, liên minh thuế quan. Các hiệp định về thương mại dịch vụ gần đây được WTO gọi là “hiệp định về hội nhập kinh tế” vì chúng ngụ ý tự do hóa đáng kể việc tiếp cận lẫn nhau vào thị trường, sự di chuyển của các yếu tố sản xuất và sự xích gần của các hệ thống quản lý). 

Tuy nhiên sự ra đời của Tổ chức này có thể không được coi như một cột mốc chấm dứt giai đoạn thứ hai của quá trình khu vực hóa bởi những lý do như sau: thứ nhất, trong những năm đầu tiên khi WTO được thành lập, tự do hóa thương mại vẫn tiếp tục trong khuôn khổ chương trình nghị sự “tích hợp sẵn” về dịch vụ và một số lĩnh vực khác, tức là ở giai đoạn này chưa xuất hiện những bất đồng, mâu thuẫn và sự không hài lòng của các thành viên đối với kết quả các vòng đàm phán đa phương - điều mà sau này được coi là sự “kích hoạt” cho việc tăng cường bùng nổ của tiến trình khu vực hóa; thứ hai, trong thời kỳ đầu tiên sau khi thành lập WTO, có những quy định chuyển tiếp về chế độ ưu đãi đặc biệt đối với các nước đang phát triển, làm cho các nước đang phát triển giữ lại một lượng ưu đãi đáng kể, bao gồm cả về tiếp cận thị trường, sử dụng trợ cấp, v.v.. Chính điều này một phần làm cho các nước đang phát triển lơ là trong việc hình thành các thỏa thuận thương mại khu vực; thứ ba, sự gia tăng số lượng các thỏa thuận thương mại trước và sau khi thành lập WTO, bên cạnh sự tích cực bên trong EU và khối Địa Trung Hải, phần lớn còn do việc ký kết các FTA (Hiệp định thương mại tự do) song phương giữa các quốc gia hậu Xô viết - những nước đang rất cần duy trì thương mại tự do cho hoạt động bình thường của các nền kinh tế vốn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; thứ tư, việc thành lập WTO không có ảnh hưởng đáng kể đến nội dung của các hiệp định thương mại khu vực chủ yếu tập trung vào hàng hóa và thuế quan bắt đầu từ những năm 2000.

Giai đoạn này được xem như giai đoạn khu vực hóa theo mô hình “cổ điển” khi chủ nghĩa khu vực đóng vai trò như một bộ phận hữu cơ của toàn cầu hóa, tạo ra sự chuẩn bị về không gian cho các nền kinh tế khu vực, bao gồm cả việc sử dụng các công cụ của chủ nghĩa bảo hộ tập thể, để tiến tới hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Một nội dung quan trọng của giai đoạn này là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tiến tới sự gia nhập của các chuỗi giá trị này lên cấp độ toàn cầu. Nội dung của khu vực hóa trong thời kỳ này thực sự tương ứng với tên gọi của chính hiện tượng này, khi mà các hiệp hội được tạo ra và các hiệp định thương mại được ký kết hầu như chỉ mang tính chất khu vực và mức độ thể chế hóa của chúng (hình thành các cấu trúc và cơ quan liên chính phủ) là khá cao. Tuy nhiên, tính cạnh tranh trên nền tảng khu vực hóa nhìn chung vẫn ở mức thấp, ngoại trừ khu vực châu Âu. Những thành tựu của giai đoạn này chủ yếu như sau: 

- Thiết lập xong thị trường thống nhất, liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu. Đây được cho là giai đoạn hội nhập cao nhất.

- Hình thành một khu vực hợp tác kinh tế ưu đãi rộng rãi xung quanh EU.

Các mô hình đầu tiên của FTA Plus (FTA+) xuất hiện không chỉ bao gồm hàng hóa mà còn bao gồm đầu tư, các vấn đề cạnh tranh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (sở hữu trí tuệ),... (ngoài các thỏa thuận có sự tham gia của EU, có thể kể đến trước hết đó là các thỏa thuận với Khối tự do thương mại Bắc Mỹ 1994 - NAFTA cũng như các hiệp định riêng biệt với sự tham gia của Mêhicô, Chilê, Xingapo, Ôxtrâylia và Niu Dilân).

Hình thành các khu vực liên kết ưu đãi theo trục Nam - Nam, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển và gia tăng sự hấp dẫn của các thị trường khu vực đối với đầu tư sản xuất từ các quốc gia phát triển (ngoài các liên minh thuế quan như đã nêu trên với sự tham gia của các nước phát triển là Hiệp định thương mại châu Á - Thái Bình Dương - APTA, Hiệp hội châu Mỹ Latinh - LAA; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN; Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG; Hiệp định thương mại ưu đãi Nam Á - SAPTA; Cộng đồng phát triển Nam Phi - SADC. Thỏa thuận thương mại giữa các nước đang phát triển chủ yếu có tính chất đa phương và bị giới hạn bởi phạm vi một phần các mặt hàng trong tiến trình tự do hóa, đồng thời giữ lại các ưu đãi đáng kể so với chế độ FTA.

Có thể thấy rằng, tiến trình “khu vực hóa” ở giai đoạn này tuy có dấu ấn của các liên minh chính trị, quân sự nhưng vẫn chủ yêu mang tính gắn kết về địa lý (NAFTA, ASEAN, EC, EFTA, CEFTA... là những minh chứng khá rõ ràng cho đặc trưng này). Có thể vì sự gần gũi địa lý giúp các quốc gia giải quyết được tốt hơn những vấn đề của giao thương hàng hóa trong bối cảnh các phương tiện vận tải và các tuyến đường quốc tế còn chịu sự chi phối lớn bởi sự chia rẽ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Cùng với đó là sự nghi ngại đối với hệ thống thương mại quốc tế trong khuôn khổ của GATT/WTO sau nhiều thất bại ở các vòng đàm phán cuối thập niên 90, thế kỷ XX.

3. Giai đoạn khu vực hóa hiện đại (khu vực hóa trên phạm vi toàn cầu

Sự khởi đầu của giai đoạn thứ ba trong quá trình khu vực hóa - giai đoạn mạng lưới khu vực hóa toàn cầu - có thể xem là được bắt đầu từ những năm 2000 và đang tiếp diễn cho đến hiện nay. Những yếu tố quan trọng mang tính chất bản lề quyết định việc khởi đầu giai đoạn mới trong tiến trình khu vực hóa có thể kể đến: (1) vòng đàm phán Doha năm 2001 của WTO và sự thất vọng nhanh chóng của các thành viên tham gia khí không đạt bất cứ kết quả đáng kể nào; (2) sự chuyển đổi của Mỹ sang chính sách tự do hóa cạnh tranh - điều đã làm gia tăng đáng kể sức nóng của công cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên WTO nhằm giành quyền tiếp cận thị trường; (3) sự gia tăng đáng kể tỷ trọng của giá trị thặng dư được trao đổi trong thương mại quốc tế phản ánh việc mở rộng hệ thống sản xuất quốc tế và đặt ra nhiệm vụ mở rộng thị trường một cách rộng rãi; (4) Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc năng động lớn nhất trong hoạt động thương mại quốc tế, loại bỏ dẫn các đối thủ cạnh tranh khỏi nhiều thị trường truyền thống, điều này đã thúc đẩy các quốc gia khác sử dụng tích cực hơn các công cụ chính trị - thương mại (ví dụ: các FTA); (5) việc 10 quốc gia Trung và Đông Âu gia nhập EU vào năm 2004 đã nhanh chóng làm giảm hiệu quả hoạt động của EU và giảm sức hấp dẫn của hình thức hội nhập siêu quốc gia bởi tính kém linh hoạt của hình thức này.

Đặc trưng đầu tiên của giai đoạn này là tốc độ nhanh chóng, thậm chí trong một số năm là sự bùng nổ về số lượng các thỏa thuận thương mại khu vực, như giai đoạn từ sau năm 2000 đến năm 2021 số lượng này đã tăng gấp 4 lần. Trên đường đua của các thỏa thuận thương mại khu vực hoạt động của các quốc gia đang phát triển có sự gia tăng đáng kể. Hiện nay, khoảng 2/3 trao đổi hàng hóa quốc tế được thực hiện trong khuôn khổ các FTA khu vực, trong đó vào năm 2015 chỉ số này trong xuất khẩu của Canađa đạt 80%, Hàn Quốc - 73,5%, Đức - 70,5%, Trung Quốc - gần 40%. Tỷ trọng xuất khẩu lẫn nhau trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các hiệp hội khu vực đối với EU là 63%, NAFTA - 50%, ASEAN - 25%, Cộng đồng phát triển Nam Phi - 18%.

Đặc trưng thứ hai của giai đoạn này là ngoài sự gia tăng và ảnh hưởng của các thỏa thuận thương mại khu vực, chương trình nghị sự của các thỏa thuận này ngày càng phong phú hơn, bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Thảo luận về thuế quan không còn là trọng tâm chính của các cuộc đàm phán, các vấn đề hài hòa hóa các quy định, tiếp cận thị trường dịch vụ, tự do chuyển dịch vốn, công nghệ, dòng thông tin, v.v. trở thành những nội dung chính của đàm phán.

Về bản chất, hình thành một mô hình không gian kinh tế chung, thay thế cho mô hình cổ điển, không có các yếu tố siêu quốc gia, linh hoạt hơn và không kém phần hiệu quả với nhiều cơ hội hợp tác sâu sắc hơn cho các nước tham gia. Trong số các RTA của những năm gần đây, ngày càng có nhiều các thỏa thuận liên khu vực hơn là thỏa thuận khu vực. Các khối thương mại bắt đầu tích cực tham gia vào quá trình đàm phán và ký kết các RTA.

Giai đoạn thứ ba của tiến trình khu vực hóa đang tiếp diễn ở thời điểm hiện tại với việc bảo tồn tính năng động cao, với sự đa dạng về nội dung và tính chất địa lý. Bên cạnh đó, ẩn sâu trong chính các RTA tiền để cho sự thay đổi về chất trong tiến trình khu vực hóa đang dần chín muồi, thúc đẩy sự chuyển dịch từ chủ nghĩa khu vực theo nghĩa hẹp sang chủ nghĩa siêu khu vực (Mega-regionalism). Chủ nghĩa siêu khu vực là một phạm trù phức tạp có tiềm năng to lớn trong việc ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới, hệ thống thương mại quốc tế cũng như sự phát triển của quá trình toàn cầu hóa. Chủ nghĩa siêu khu vực liên quan đến cả số lượng và chất lượng của các thành viên tham gia các thỏa thuận quốc tế mới cùng những chương trình nghị sự chuyên sâu chưa từng có về những thể chế điều chỉnh nâng cao, những thực tiễn hữu ích mà sau đó có thể hiện thực hóa vào hệ thống pháp luật của WTO. Trong suốt quá trình tổn tại của mình (1948-1994) GATT nhận được từ các quốc gia thành viên tuyên bố về 124 thỏa thuận thương mại khu vực, trong khi đó hơn 560 thông báo về các thỏa thuận thương mại khu vực (trong nhiều trường hợp vượt xa khỏi khuôn khổ điều chỉnh thương mại hàng hóa) đã được tiếp nhận kể từ sau khi WTO bắt đầu hoạt động vào năm 1995 cho đến tháng 6/20212. Nếu chỉ tính đến cuối năm 2007, số lượng các thỏa thuận thương mại khu vực đang có hiệu lực là khoảng 250, tức là có khoảng 300 thỏa thuận thương mại khu vực đã được bổ sung vào thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng (chiếm gần như một nửa số thỏa thuận thương mại khu vực có hiệu lực). Bên cạnh đó, vẫn còn hàng chục thỏa thuận thương mại khu vực theo thủ tục thông báo sớm của WTO đang được đàm phán hoặc ký kết nhưng chưa có hiệu lực. Ngoài ra, theo đánh giá của Ban thư ký WTO, còn gần 100 thỏa thuận thương mại khu vực đang thực sự hoạt động nhưng chưa được thông báo tới WTO. Con số các thỏa thuận thương mại khu vực thực tế có sự khác biệt với số lượng được thông báo tới WTO, nơi mà những thỏa thuận tự do hàng hóa (hay còn gọi là thỏa thuận thuế quan) và thỏa thuận về tự do thương mại (bao gồm cả thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, v.v.) được tính riêng, mặc dù chúng cũng được coi là những thỏa thuận thương mại khu vực. Ngoài ra, sự khác biệt về con số này còn được tạo ra bởi việc thông qua các thỏa thuận về việc mở rộng phạm vi các thỏa thuận thương mại khu vực có sẵn (có 24 thỏa thuận dạng này trong suốt thời kỳ của GATT/WTO và chủ yếu liên quan đến việc mở rộng EU). Các cường quốc phát triển và liên minh của các quốc gia này (EU, Mỹ, Nhật Bản, v.v.,) tham gia vào khoảng 35% trong tổng số các thỏa thuận thương mại khu vực được thông qua WTO và đang có hiệu lực. Ngoài ra, một số quốc gia như Xingapo hay Chilê cũng là những nước đang tích cực tham gia vào hoạt động này. Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Pêru, Panama, Mêhicô, Ân Độ cũng là những quốc gia tham gia nhiều thỏa thuận thương mại khu vực (từ 15 thỏa thuận trở lên).

Ngoài sự bùng nổ của các RTA vào những năm 2000, có thể nhận thấy xu hướng “tổng hợp hóa” của chủ nghĩa khu vực là một quá trình mà trong đó có sự tham gia của tất cả các châu lục, các nhóm quốc gia khác nhau; hình thành bản chất hội nhập của chủ nghĩa khu vực hiện đại không chỉ giới hạn bởi việc thiết lập các khu vực tự do thương mại mà còn bao gồm cả phạm vi rộng liên quan đến các vấn đề của thương mại dịch vụ, các hành động chung trong lĩnh vực đầu tư, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, môi trường, cạnh tranh, các chuẩn mực lao động, v.v… Những thỏa thuận này còn được gọi là các FTA thế hệ mới, có tác động kích thích rất mạnh mẽ tới dòng chảy thương mại và nền kinh tế của các nước thành viên. Nghiên cứu của WTO về “Các thỏa thuận thương mại khu vực và hệ thống thương mại đa phương” năm 2015 đã đưa ra kết quả về các quy định then chốt của các RTA được ký kết trong giai đoạn 2000-2014 cho thấy sự tăng cường tham vọng sử dụng các công cụ RTA để phát triển kinh tế (tỷ lệ các vấn đề chính được đề cập trong các RTA giai đoạn này như sau: cạnh tranh: 59%; thương mại - dịch vụ: 56%; đầu tư lẫn nhau: 54%; mua sắm công: 47%; sở hữu trí tuệ: 47%; bảo vệ môi trường: 31%; thương mại điện tử: 23% và quan hệ lao động: 22%)',

Vào những năm gần đây, có nhiều thỏa thuận thương mại được ký kết là các thỏa thuận liên khu vực, phổ biến là các thỏa thuận liên châu lục. Cách tiếp cận này được hình thành bởi sự phát triển của hệ thống sản xuất toàn cầu và được hỗ trợ bởi việc giảm thiểu các chi phí vận tải, cải thiện hệ thống thông tin liên lạc cũng như việc chuyển một phần đáng kể các hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực kỹ thuật số. Các FTA hiện đại ngày nay thường hàm chứa chương trình nghị sự theo mô hình WTO+ (tức là các vấn đề được WTO điều chỉnh, trong đó các bên thường có các nghĩa vụ tăng cường) và bên ngoài khuôn khổ WTO, khi chúng bao gồm cả các lĩnh vực và định hướng hợp tác chưa được đề cập bởi WTO nhưng là những lĩnh vực cần thiết để liên kết một cách hiệu quả nhất các nền kinh tế của các quốc gia thành viên (Một ví dụ điển hình về thỏa thuận hợp tác toàn diện về kinh tế và thương mại: RTA giữa EU và Canada, trong đó hủy bỏ khoảng 99% thuế quan trong thương mại lẫn nhau, mở ra khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và đảm bảo hài hòa hóa quy định một cách rộng rãi).

Chủ nghĩa siêu khu vực và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Giai đoạn mới nhất trong sự phát triển của chủ nghĩa khu vực gắn liền với sự xuất hiện của hiện tượng siêu khu vực (Mega-regionalism), các thỏa thuận tự do thương mại siêu khu vực (MRTA). Các FTA được hình thành trong giai đoạn này thường mang định dạng của MRTA. Với các nền kinh tế quốc gia, những thỏa thuận như vậy mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển, tăng trưởng thương mại và đầu tư cũng như sự hòa nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Các MRTA đầu tiên xuất hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như là một hệ quả của quá trình hội nhập phát triển nhanh chóng và sự cạnh tranh giữa những đối thủ lớn Mỹ và Trung Quốc - để dẫn đầu trong việc định hình các chương trình nghị sự hợp tác kinh tế và các quy tắc thương mại trong khu vực này. Theo chuyên gia Melendex Ο. người đứng đầu Trung tâm Thương mại quốc tế và phát triển bền vững Thụy Sĩ - MRTA là đại diện cho quan hệ đối tác hội nhập sâu rộng giữa các quốc gia và khu vực có tỷ trọng lớn trong thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có hai hoặc nhiều hơn các thành viên tham gia ở vị trí lãnh đạo chiếm ưu thế (paramount driver position) hoặc đóng vai trò là trung tâm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài khả năng tiếp cận thị trường, trọng tâm của quá trình hội nhập này là đạt được sự tương thích về quy định và bộ quy tắc nhằm mục đích xóa bỏ những khác biệt trong môi trường đầu tư và kinh doanh. Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới tháng 01/2016 về triển vọng kinh tế toàn cầu đã định nghĩa MRTA như là những "thỏa thuận khu vực có hệ quả mang tính hệ thống, toàn cầu" đủ lớn và đủ tham vọng để ảnh hưởng tới các quy tắc thương mại và dòng chảy thương mại ngoài phạm vi trực tiếp của chính các MRTA này.

Điểm khởi đầu của hiện tượng “siêu khu vực” được xem là đầu thập kỷ 10, thế kỷ XXI, khi bắt đầu các cuộc đàm phán thực sự về ba dự án lớn trong khu vực: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement - viết tắt là TPP) với sự tham gia của Hoa Kỳ và kết quả là có thêm 11 quốc gia (đàm phán bắt đầu từ tháng 3/2010). (Vào cuối năm 2016, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử, theo chính sách mới của Donald Trump, Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định này. Ngày 11/01/2017, các Bộ trưởng TPP đã đạt được thoả thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11, đồng thời thống nhất tên mới cho hiệp định là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans Partnership); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership viết tắt RCEP) với sự tham gia của ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Niu Dilân (đàm phán bắt đầu từ tháng 5/2013); Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership (TTIP) hay Transatlantic Free Trade Area) (TAFTA) giữa Hoa Kỳ và EU (tháng 6/2013). Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Ôxtrâylia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Niu Dilân) được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020. Hiệp định có hiệu lực trong hai năm tiếp theo, sau khi được phê chuẩn bởi các quốc gia thành viên. Vào giai đoạn 2010-2012, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á là Hàn Quốc đã ký FTA với Mỹ, EU và Ấn Độ - đây thực sự là những thỏa thuận song phương lớn giữa các khu vực. Theo học giả E. A. Likhatrov và Xpartac A. N., các MRTA ở giai đoạn này có một số đặc trưng khác biệt so với các RTA trước đây như sau:

Thứ nhất, tiềm năng thương mại cho phép các MRTA có ảnh hưởng tới những phạm vi ngoài khu vực có hiệu lực trực tiếp của chúng, trong đó có cả việc tác động tới những tiến trình kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tới việc phát triển các quy tắc thương mại quốc tế. Trong nửa đầu thập niên 10 của thế kỷ XXI, tất cả các thành viên của G7, gần như tất cả các nước OECD, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác - tất cả có 49 quốc gia, kiểm soát hơn 70% GDP toàn cầu và hơn 75% thương mại quốc tế - đều tham gia vào ba MRTA nói trên.

Thứ hai, MRTA khác biệt cơ bản với các RTA truyền thống ở chỗ có sự tham gia của ít nhất hai trong số những nền kinh tế lớn - ở các phương án khác nhau là Mỹ, các thành viên EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ. Điều này hết sức quan trọng để có thể có được sức mạnh tổng hợp từ các thị trường lớn nhất, tạo ra mỗi liên hệ hiệu quả bên trong MRTA cũng như các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các chuỗi giá trị xuyên biên giới.

Thứ ba, MRTA sâu sắc hơn các RTA trước đây về mặt nội dung, ở rất nhiều vấn đề đã vượt xa WTO (chủ yếu liên quan tới những MRTA với sự tham gia của Mỹ như là TTP và TTIP). Ngoài thuế quan và phi thuế quan, chương trình nghị sự còn bao gồm các vấn đề về sự xích lại gần của các hệ thống điều chỉnh nội bộ nhằm nâng cao tính nhất thể hóa về thể chế của các nền kinh tế; các nghĩa vụ chung về tiếp cận thị trường dịch vụ; sự hài hòa hóa các chuẩn mực trong lĩnh vực đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế hiện đại để bảo vệ các nhà đầu tư và các chủ sở hữu quyền; các biện pháp thúc đẩy thương mại điện tử và đảm bảo hoạt động tự do của môi trường kỹ thuật số và sự lưu chuyển các luồng thông tin, v.v..

Thứ tư, sự hình thành các MRTA, trái ngược với các RTA ở giai đoạn trước đây, mang trong mình những yếu tố chính trị - kính tế và địa chính trị rất đáng kể. Ví dụ: đối với Mỹ, TТР đồng nghĩa với việc thúc đẩy mô hình kinh tế tân tự do và chương trình nghị sự địa chính trị riêng của quốc gia này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua cơ chế của TTP và TTIP chính quyền Mỹ muốn gỡ lại tình thế trong phạm vi toàn cầu, cấu trúc lại không gian kinh tế toàn cầu vì lợi ích của mình, bởi ở giai đoạn toàn cầu hóa trước đó đối thủ cạnh tranh chiến lược của họ là Trung Quốc, theo quan điểm của Mỹ, đã nhận được những lợi thế không chính đáng. Trong chiến lược lãnh đạo dưới thời Tổng thống B. Obama, các MRTA được hình thành và hoạt động theo cơ chế tiếp tục phát triển thị trường của Mỹ, đồng thời tạo ra mức độ bảo hộ cần thiết khỏi các đối thủ cạnh tranh từ các nước thứ ba nhằm bảo đảm một thị trường tiêu thụ tổng hợp, đủ để đạt được khả năng thu hồi vốn nhanh và hiệu quả kinh tế bất chấp mọi kịch bản có thể xảy ra về dịch chuyển cơ cấu công nghệ trong nền kinh tế quốc gia và thế giới. Chương trình nghị sự của các thỏa thuận này đã được hình thành theo cách như vậy.

Cho đến hiện nay việc thực hiện các MRTA vẫn được triển khai theo lôgíc cạnh tranh khốc liệt. Giới lãnh đạo Mỹ không ít lần khẳng định về việc họ có dự định thông qua cơ chế hợp tác siêu quốc gia để giải quyết các nhiệm vụ địa chính trị và kinh tế dài hạn, hình thành các quy tắc thương mại quốc tế trong tương lai cũng như kìm hãm sự phát triển của các đối thủ cạnh tranh chiến lược của mình.

Liên kết thương mại siêu khu vực như là một hiện tượng kinh tế vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng. Hiện nay một vấn để được tiếp tục đặt ra là các thỏa thuận thương mại siêu khu vực liệu có trở thành nền tảng cho việc xuất hiện một hệ thống quản trị toàn cầu mới trong lĩnh vực kinh tế và thương mại quốc tế dưới hình thức WTO+ hay không? Khả năng này có thể xảy ra nhưng sẽ cần đòi hỏi một quãng thời gian dài cũng như cần tìm kiếm những mẫu số chung nhất giữa các FTA siêu khu vực vốn rất khác biệt về phạm vi và chiều sâu nội dung. Các FTA hiện đại ngày nay đã vượt xa các quy định của WTO, phạm vi các vấn đề được điều chỉnh trong liên kết thương mại giữa các thành viên ngày càng rộng. Diễn biến này thể hiện sự quan tâm của các quốc gia phát triển đối với các quốc gia đang phát triển trên nhiều khía cạnh, FTA thế hệ mới bao gồm các điều khoản về đầu tư, cạnh tranh, bảo vệ môi trường, di cư lao động, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ,... Để đạt được trình độ tương tác thương mại cao không những cần phải bãi bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ, chuyển dịch vốn và sức lao động, hoạt động của các liên kết kinh tế khu vực còn cần phải bao hàm một loạt các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Một trong những hiện tượng đặc trưng của thế kỷ XXI chính là “trí tuệ hóa” Thương mại quốc tế, tức là sự gia tăng của thành phần “trí cuệ" trong hàng hóa và dịch vụ được đưa vào lưu thông. Tại các quốc gia phát triển, quyền sở hữu trí tuệ từ lâu đã thực sự trở thành một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế. Chính các nhóm nước này đang tích cực vận động cho việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các thỏa thuận song phương, khu vực cũng như liên khu vực. Khác với các nước phát triển, phần lớn các nước đang phát triển trước đây không chú trọng tới việc hình thành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng quá trình quốc tế hóa ngày càng gia tăng trong nền kinh tế thế giới đã dẫn đến thực tế như đã đề cập ở trên - các quy định điều chỉnh việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các hệ thống thương mại tự do đa phương đã trở thành một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong các FTA thế hệ mới.

Như vậy, xu hướng khu vực hóa đã dần chuyển dịch từ chỗ dựa trên các nền tảng gần gũi về chính trị, văn hóa, địa lý ở giai đoạn đầu, tiến tới xây dựng các khối liên kết dựa trên nền tảng chính là ràng buộc kinh tế - thương mại, bất chấp những khác biệt về chính trị, văn hóa và khoảng cách địa lý. Xu hướng đó cũng cho thấy tác động đan xen phức tạp của các yếu tố bên trong và bên ngoài mỗi quốc gia liên quan đến hầu hết các khía cạnh quan trọng của đời sống quốc gia như chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh... là nguyên nhân thúc đẩy các quốc gia mở rộng, tăng cường, đa dạng hóa các liên kết của họ. Đối với những quốc gia có nền kinh tế yếu hơn, việc tham gia vào các liên kết khu vực nhằm duy trì và mở rộng yếu tố thị trường càng trở nên quan trọng bởi khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội mở rộng sản xuất nội địa (phục vụ thị trường xuất khẩu). Mặc dù các cơ chế đa phương như WTO vẫn là một kênh hữu ích đối với tất cả các quốc gia, nhưng những liên kết khu vực vẫn tỏ ra hấp dẫn nhờ vào một số lợi thế như:

Một là, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của các bên do không phải chờ đợi sự đồng thuận của quá nhiều bên. Chẳng hạn như các điều khoản, các quy tắc có thể đạt được sự đồng thuận nhanh chóng hơn; 

Hai là, mối quan tâm của các quốc gia thường không phân bổ đều khắp mà có trọng tâm theo từng giai đoạn. Vì thế, những liên kết khu vực sẽ giúp đạt được mục tiêu trọng điểm ở mỗi thời kỳ một cách hiệu quả hơn; 

Ba là, các liên kết khu vực có thể giúp kiềm chế, hoặc ít nhất là giảm bớt phụ thuộc vào các đối thủ tiềm tàng.

Với những lợi thế rõ ràng như vậy, khả năng phát triển hơn nữa của các liên kết khu vực là rất rõ ràng. Sự gia tăng của những liên kết khu vực như vậy chẳng những không mâu thuẫn với tiến trình toàn cầu hóa mà chính là sự bổ sung, thúc đẩy tự do hóa thương mại ở quy mô toàn cầu.