Thứ sáu, 22 Tháng 3 2024 09:43

Giới thiệu sơ lược về thị trường chứng khoán tập trung

1. Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán hiện đại ngày nay là một bộ phận cấu thành quan trọng của thị trường tài chính, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nhưng các đạo luật chứng khoán đầu tiên chỉ mới ra đời tại Hoa Kỳ vào những năm 1933, 1934. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao mà các tư liệu nghiên cứu về thị trường chứng khoán lại tổn tại nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về thị trường chứng khoán. Xét về mặt bản chất, có thể định nghĩa thị trường chứng khoán là “một định chế tài chính trực tiếp, nơi tập trung và phân phối các nguồn vốn tiết kiệm hoặc tạm thời nhàn rỗi, nơi giao dịch các công cụ tài chính của thị trường vốn". Định nghĩa này tiếp cận theo hướng chức năng và vai trò của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế, được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực tài chính. Ở cách tiếp cận khác, thị trường chứng khoán được hiểu đơn giản hơn, “là nơi trao đổi, mua bán các chứng khoán hay các giấy tờ có giá. Việc trao đổi mua bán này được thực hiện theo những quy tắc ấn định trước". Từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý Việt Nam cũng định nghĩa khá tương đồng, “thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các giao dịch mua bán, trao đổi các loại chứng khoán...".

Là một trong số ít các đạo luật chứng khoán có đưa ra định nghĩa về “thị trường chứng khoán" nhưng khoản 1 Điều 2 Luật Chứng khoán và thị trường tương lai Hàn Quốc năm 1976, sửa đổi, bổ sung năm 1994, 2008 cũng chỉ quy định một cách rất chung chung là thị trường được thành lập bởi Sở giao dịch chứng khoán cho mục đích giao dịch chứng khoán. Dưới góc độ nghiên cứu khoa học pháp lý, có học giả cho rằng “thị trường chứng khoán là một loại thị trường vốn trung và dài hạn, nơi diễn ra các hoạt động phát hành, trao đổi, mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán nhằm mục đích lợi nhuận", Dường như, rất khó để xác lập hoặc tìm thấy một định nghĩa thống nhất về thị trường chứng khoán trong các tài liệu nghiên cứu khoa học vì đa phần các học giả khi đưa ra định nghĩa về thị trường chứng khoán thường dựa trên sự tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau dưới lăng kính của lĩnh vực chuyên môn mà mình nghiên cứu. Trong khi đó, Luật Chứng khoán năm 2019 của Việt Nam lại không có định nghĩa nào về thị trường chứng khoán mà chỉ giải thích về "thị trường giao dịch chứng khoán" là "địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán" (khoản 27 Điều 4).

Những phân tích và luận giải nêu trên có thể tìm thấy sự giao thoa của các nội dung cơ bản trong các định nghĩa về thị trường chứng khoán được đề cập, đó là:

- Là một thị trường vốn - bộ phận cấu thành nên thị trường tài chính.

- Nơi diễn ra các hoạt động phát hành, giao dịch chứng khoán - một loại hàng hóa đặc biệt.

- Được thành lập bởi Sở giao dịch chứng khoán.

- Hoạt động niêm yết và giao dịch chứng khoán tuân thủ các quy định được thiết lập.

Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu vừa rút ra, có thể định nghĩa về thị trường chứng khoán như sau:

Thị trường chứng khoán là thị trường vốn đặc biệt hoạt động theo một thiết chế vận hành nhất định, đặt dưới sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán; là nơi diễn ra các hoạt động phát hành, lưu ký, chào bán, niêm yết, trao đổi, mua bán, giao dịch ký quỹ, cầm cố chứng khoán theo các quy định của pháp luật về chứng khoán và pháp luật khác có liên quan.

2. Thị trường chứng khoán tập trung

Theo Luật Chứng khoán năm 2019, chứng khoán là tài sản, bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phiếu, chứng chỉ lưu ký; chứng khoán phái sinh; và các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định (khoản 1 Điều 4). Thực tiễn cho thấy chứng khoán đa dạng về loại và có tính thanh khoản cao nên việc xây dựng các phương thức tổ chức và giao dịch chứng khoán hiệu quả, an toàn và minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán ở mỗi quốc gia. Trên thị trường thứ cấp hiện nay, có hai phương thức tổ chức giao dịch đang được áp dụng song song là thị trường tập trung và thị trường phi tập trung (Over the Counter - OTC). Điểm khác biệt cơ bản giữa hai phương thức giao dịch này là cách thức tổ chức thực hiện giao dịch và chứng khoán đủ điều kiện được phép niêm yết, giao dịch. Nếu như chứng khoán giao dịch trên thị trường OTC không bắt buộc phải niêm yết và thường có độ tín nhiệm thấp, tính minh bạch ít hơn thì ở chiều ngược lại chứng khoán muốn đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung phải đáp ứng những tiêu chí khắt khe theo Luật Chứng khoán để được chấp thuận niêm yết bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán. Do đó, mức độ tín nhiệm và tính thanh khoản của chứng khoán giao dịch trên thị trường tập trung luôn ở mức cao hơn nhiều so với chứng khoán giao dịch trôi nổi, khá tự do trên thị trường OTC.

Sự khác biệt về cách thức tổ thức giao dịch là: chứng khoán đủ điều kiện niêm yết sẽ thực hiện giao dịch tại địa điểm tập trung được tổ chức bởi Sở giao dịch chứng khoán dưới phương thức mua bán, khớp lệnh tự động trên hệ thống giao dịch trực tuyến của Sở giao dịch chứng khoán thông qua các tài khoản chứng khoán của cá nhân, tổ chức mở tại các công ty chứng khoán là thành viên. Tất cả giao dịch được kết nổi bằng hệ thống giao dịch điện tử trực tuyến, kết nối xuyên suốt theo các nguyên tắc quản lý và vận hành cụ thể về thời gian, xác định giá của cổ phiếu trong phiên, bước giá, biên độ tăng giảm, quy tắc khớp lệnh,... Trong khi đó, các giao dịch ở thị trường OTC lại diễn ra rất thông thoáng, khá tự do, không cố định một nơi và đồng thời không chịu sự ràng buộc từ các nguyên tắc, quy định giao dịch khắt khe như thị trường tập trung mà chủ yếu đến từ sự thỏa thuận giữa các bên giao dịch.

Vì vậy, có thể khái lược định nghĩa về thị trường chứng khoán tập trung như sau: Thị trường chứng khoán tập trung là thị trường chứng khoán mà ở đó chứng khoán đã được niêm yết và giao dịch tập trung tại Sở giao dịch chứng khoán thông qua tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại các công ty chứng khoán thành viên; niêm yết và giao dịch chứng khoán tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán và pháp luật khác có liên quan.

3. Nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán tập trung

Hệ thống các nguyên tắc của thị trường chứng khoán tập trung là rất điển hình, bảo đảm cho thị trường này được vận hành một cách thông suốt, ổn định, hiệu quả, công khai, minh bạch để hạn chế tối đa sự can thiệp đến các yếu tố thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước.

Giống như các thị trường hàng hóa khác, hệ thống các nguyên tắc giao dịch được ví như bộ khung giúp cho thị trường chứng khoán có thể hoạt động ổn định và hiệu quả theo đúng định hướng mà Nhà nước thiết lập. Cũng là một loại thị trường hàng hóa nhưng vì hàng hóa giao dịch trên thị trường chứng khoán là chứng khoán - một loại tài sản đặc biệt nên thị trường chứng khoán vừa hoạt động dựa trên các nguyên tắc chung sẵn có của thị trường hàng hóa như: các quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh,.... vừa hoạt động dựa trên những nguyên tắc riêng, đó là:

- Tổ chức, cá nhân được tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.

- Tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán.

- Bảo đảm sự công bằng, công khai và minh bạch trong các hoạt động giao dịch, đầu tư chứng khoán của tổ chức, cá nhân trên thị trường; các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường đều bình đẳng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia thị trường chứng khoán.

- Tự chịu trách nhiệm về những rủi ro.

Bên cạnh đó, do phương thức tổ chức giao dịch tập trung qua Sở giao dịch chứng khoán nên ngoài những nguyên tắc trên của thị trường chứng khoán còn có những nguyên tắc riêng như sau:

- Giao dịch mua bán qua trung gian môi giới: đây là nguyên tắc thể hiện sự tập trung mua bán chứng khoán, giúp cho việc giao dịch được thuận tiện và dễ dàng quản lý, kiểm soát hơn. Theo đó, các công ty chứng khoán thành viên đóng vai trò là trung gian môi giới chứng khoán giúp cho các lệnh mua, bán chứng khoán từ tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư được thiết lập và đẩy lên hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán để người mua và người bán có thể gặp nhau và hình thành giao dịch thành công thông qua hệ thống giao dịch khớp lệnh tập trung, tự động của Sở giao dịch chứng khoán; các bên thực hiện giao dịch mua, bán thành công phải trả phí môi giới cho công ty chứng khoán. Điều này vô hình trung làm cho thị trường chứng khoán tập trung trở nên thú vị hơn khi mà người mua và người bán hoàn toàn không biết nhau; bảo đảm cho thị trường hoạt động lành mạnh và phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư, hạn chế các giao dịch chứng khoán mang tính giả tạo, lừa đảo. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể ủy quyền cho bên trung gian môi giới thay mình thực hiện các giao dịch mua, bán theo các mục tiêu mà mình mong muốn để có một giao dịch thành công. Bởi vì suy cho cùng, việc xác định giá trị đối với loại hàng hóa đặc biệt này chưa bao giờ là dễ dàng với các “nhà đầu tư tay ngang", trong khi bên trung gian môi giới là những tổ chức tư vấn, đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và rất am hiểu thị trường, doanh nghiệp niêm yết. Việc ủy quyền giao dịch như vậy không chỉ mang lại hiệu suất cao mà còn hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư khi thực hiện các kỹ thuật giao dịch mua, bán.

- Khớp lệnh cạnh tranh thông qua đấu giá chứng khoán: Nguyên tắc này thể hiện tối đa quy luật cung cầu được thực thi trên thị trường chứng khoán tập trung. Nghĩa là các bên giao dịch đóng vai trò nhà tạo lập thị trường và giá chứng khoán sẽ được thiết lập bởi cán cân cung cầu thông qua các lệnh mua, bán của họ. Khi các lệnh được đẩy lên hệ thống thì ngay lập tức sẽ được so sánh theo phương thức đấu giá và đấu lệnh. Các lệnh mua giá cao và sớm nhất sẽ được ưu tiên, ngược lại các lệnh bán giá thấp và sớm nhất sẽ ưu tiên khớp lệnh cho đến khi hết khối lượng đặt lệnh. Thông qua phương thức này nhà đầu tư có thể hoạch định chiến lược đầu tư, lựa chọn cho mình giá giao dịch tốt nhất để thực hiện. Việc đặt lệnh với “giá bao nhiêu? Khi nào? Khối lượng ra sao?” hoàn toàn do ý chí của nhà đầu tư quyết định để có thể cạnh tranh khớp lệnh với các lệnh khác trên thị trường. Phương thức đấu giá này thường được gọi là “đấu giá tự động” đang được áp dụng tại thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam.

- Thiết lập giới hạn rủi ro cho nhà đầu tư trên cơ sở quy chế giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán: Tỷ lệ tăng giảm giá chứng khoán trong một ngày giao dịch có thể bị giới hạn nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Hiện nay, do đang trong giai đoạn chuyển tiếp của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) nên chúng ta vẫn còn duy trì song song Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Theo quy định, biên độ tăng, giảm giá cổ phiếu trong một phiên giao dịch của sàn HNX là 10% và của sàn HOSE là 7%, so với giá tham chiếu đầu ngày giao dịch. Như vậy, biên độ tỷ lệ giữa giá sàn với giá trần của một cổ phiếu trên sàn HNX là 20%, còn sàn HOSE là 14%. Đây là mức tỷ lệ được duy trì trong nhiều năm qua tại thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam. Mặt khác, nguyên tắc hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư còn được thiết lập trong trường hợp nhà đầu tư đặt nhẩm lệnh giao dịch giá mua hoặc giá bán thì thị trường sẽ khớp ở mức giá gần nhất (giá ưu tiên 1) để hạn chế những tổn thất không đáng có từ sơ suất đặt lệnh của nhà đầu tư.

- Công khai thông tin: Ở thị trường chứng khoán tập trung, việc công khai thông tin được xem là một nguyên tắc quan trọng giúp cho thị trường này bảo đảm được nguyên tắc công bằng, công khai và minh bạch. Đây là nguyên tắc chủ đạo của thị trường chứng khoán, theo đó các chủ thể có nghĩa vụ công bố thông tin xác thực, kịp thời cho cơ quan quản lý chuyên ngành và các nhà đầu tư nhằm bảo đảm rằng các nhà đầu tư đều có cơ hội tiếp cận thông tin như nhau trên thị trường chứng khoán. Thật vậy, tất cả các thông tin liên quan đến công ty niêm yết như: quản trị công ty, tài chính, chiến lược kinh doanh, các khoản đầu tư lớn, lãnh đạo mua bán cổ phiếu hoặc tổ chức, cá nhân đáng ký mua/bán lượng lớn cổ phiếu,.... đều có tác động trực tiếp, nhanh chóng đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư và biểu hiện thông qua sự tăng/giảm giá hoặc thanh khoản của cổ phiếu. Do đó, nếu pháp luật chứng khoán không đặt ra những quy định chặt chẽ về công khai thông tin; giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các trường hợp các vi phạm về công khai thông tin thì thị trường chứng khoán tập trung sẽ không thể phát triển một cách lành mạnh, ổn định và bền vững.

4. Cổ phiếu và biểu hiện giá của cổ phiếu

4.1. Cổ phiếu

Trên thị trường chứng khoán tập trung, cổ phiếu là đối tượng được giao dịch chủ yếu, là cơ sở để hình thành các chứng khoán phái sinh khác như chứng quyền, chứng chỉ lưu ký hoặc cấu thành các rổ chỉ số mô phỏng như VN30, VNDiamond, VNFin,... Do đó, cổ phiếu được xem là hạt nhân đặc trưng của thị trường chứng khoán tập trung, giữ vai trò quan trọng chi phối, quyết định đến quy mô vốn hóa, các sản phẩm phái sinh và sự tăng trưởng của thị trường.

Về mặt pháp lý, cổ phiếu được xem là một loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành dưới dạng chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử (theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022). Tổ chức phát hành ở đây chính là công ty đại chúng niêm yết (công ty cổ phần thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán năm 2019). Nói theo cách khác, cổ phiếu chính là bằng chứng thể hiện mối quan hệ sở hữu giữa các cổ đông (những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung) đối với công ty đại chúng niêm yết.

Với tính chất như vậy nên cổ phiếu có các đặc trưng cơ bản sau:

- Là chứng nhận góp vốn vào công ty phát hành.

- Không có kỳ hạn mà tồn tại cùng với sự tồn tại của tổ chức phát hành.

- Được chuyển nhượng.

- Người sở hữu cổ phiếu được bảo đảm quyền khi công ty phát hành bị phá sản theo quy định pháp luật phá sản.

- Người sở hữu cổ phiếu được quyền tham gia quản lý công ty, biểu quyết các nội dung của công ty theo quy định của pháp luật chứng khoán, pháp luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

4.2. Các hình thức biểu hiện về giá của cổ phiếu

Một cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung thường có bốn hình thức biểu hiện về giá như sau:

Thứ nhất, mệnh giá: Là mức giá ấn định cho một cổ phiếu khi phát hành để xác định vốn góp hình thành vốn điều lệ của công ty. Mệnh giá chỉ mang giá trị danh nghĩa và không ảnh hưởng đến giá trên thị trường giao dịch cổ phiếu (mệnh giá của 01 cổ phiếu chào bán ra công chúng theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2019 là 10.000 đồng).

Thứ hai, giá trị số sách: Là giá trị được xác định dựa trên cơ sở các báo cáo tài chính hoạt động của công ty sau một khoảng thời gian nhất định. Thường thì trong các báo cáo tài chính định kỳ của các công ty đại chúng niêm yết sẽ thể hiện mức giá trị cơ bản tăng thêm của 01 cổ phiếu. Dưới góc độ phân tích đầu tư thì giá trị sổ sách có giá trị tham khảo khá cao đối với các tổ chức, cá nhân khi tìm hiểu chuyên sâu trong hoạt động đầu tư cổ phiếu.

Thứ ba, giá trị nội tại: Đây được xem là mặt biểu hiện giá trị khó xác định và mang tính chuyên sâu nhất của cổ phiếu. Thông thường chỉ các cá nhân, tổ chức chuyên môn mới có thể tính toán một cách gần như tiệm cận giá trị nội tại của cổ phiếu thông qua các báo cáo tài chính, tình hình hoạt động và mô hình định giá cổ phiếu. Tuy nhiên, đối với một số công ty có giá trị tài sản vô hình thậm chí lớn hơn tài sản hữu hình thì việc đoán định giá trị nội tại công ty là dường như bất khả thi.

Thứ tư, giá trị thị trường: Trong điều kiện bình thường, hình thức biểu hiện giá trị này của cổ phiếu được quyết định bởi hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư và tuân theo các quy luật của thị trường chứng khoán tập trung. Giá thị trường là giá trị khớp lệnh tại thời điểm xác định khi cổ phiếu giao dịch trên thị trường và trở thành cơ sở quan trọng để cổ phiếu tham gia các giao dịch liên quan, xác định mức vốn hóa thực tại của tổ chức niêm yết. Thông thường giá thị trường của cổ phiếu sẽ biến động liên tục trong ngày giao dịch và giá kết ngày giao dịch sẽ trở thành giá tham chiếu cho phiên giao dịch ngày tiếp theo.

5. Các yếu tố tác động lên giá của cổ phiếu

Thị trường chứng khoán luôn chứa đựng rất nhiều biến động khó lường mà không ai có thể đoán định trước được, kể cả các tổ chức, chuyên gia hoạt động lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán. Trong sự vận động liên tục của thị trường và sự biến động không ngừng nghỉ của giá cổ phiếu, các chỉ số đo lường thị trường dường như trở thành một ẩn số rất khó dự đoán. Tất cả các yếu tố từ chính trị, kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật, tình hình kinh doanh, quản trị công ty, đến những tin tức trên thị trường đều có thể tác động đến giá và thanh khoản của cổ phiếu. Do đó, thật không quá khi nói rằng thị trường chứng khoán tập trung rất “nhạy cảm” trước các yếu tố diễn biến xung quanh các vấn đề từ vi mô đến vĩ mô. Từ thực tế nghiên cứu diễn biến của thị trường chứng khoán tập trung, có thể thấy một số yếu tố điển hình có thể tác động đến giá cổ phiếu (tuỳ theo mức độ phản ứng của thị trường), cụ thể như sau:

Thứ nhất về chính trị: Trong nền kinh tế hiện đại, thị trường chứng khoán là thước đo sự năng động của nền kinh tế của một quốc gia. Do đó, chỉ cần một bất ổn từ chính trị sẽ ngay lập tức tác động rất tiêu cực đến thị trường chứng khoán, bởi vì kinh tế quốc gia sẽ không thể phát triển khi chính trị thiếu ổn định. Lịch sử thị trường chứng khoán đã cho thấy khi những bất ổn chính trị xảy ra thì ngay lập tức nhà đầu tư sẽ kích hoạt các lệnh bán trên diện rộng, nhanh chóng rời khỏi thị trường để tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn khác như “vàng” hoặc “ngoại tệ” nhằm dự phòng rủi ro. Vì vậy, giá cổ phiếu sẽ rơi vào xu hướng giảm liên tục, thậm chí mất thanh khoản nếu các vấn đề bất ổn chính trị liên tiếp nảy sinh.

Thứ hai, về vinh tế - xã hội: Điều kiện kinh tế - xã hội ổn định và phát triển là động lực cốt lõi giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty gặp nhiều thuận lợi, có lợi nhuận tăng trưởng để chi trả cổ tức hằng năm cho cổ đông. Khi đó nhà đầu tư sẽ có xu hướng đầu tư vào cổ phiếu để nhận cổ tức và hy vọng vào sự tăng trưởng này, làm cho giá cổ phiếu tăng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, lạm phát, lãi suất tăng cao, kinh tế vĩ mô không thật sự thuận lợi thì nhà đầu tư sẽ có xu hướng bán cổ phiếu để tìm kiếm các kênh đầu tư khác an toàn, ít chịu biến động hơn hoặc nắm giữ tiền mặt.

Thứ ba, về chính sách và pháp luật: Phải thừa nhận là khi một chính sách, pháp luật mới được ban hành có tác động tích cực đến lĩnh vực kinh doanh của công ty niêm yết nào đó thì ngay lập tức sẽ phản ánh vào xu hướng tăng giá và thanh khoản cổ phiếu của công ty đó trên thị trường. Những tác động của chính sách, pháp luật đối với hoạt động của một công ty và phản ánh vào giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung là rất rõ ràng, chẳng hạn như: “ngân hàng được tăng room tín dụng”, “siết trái phiếu và tín dụng bất động sản”, “áp dụng giao dịch T0 đối với cổ phiếu”, “tăng cường giải ngân đầu tư công", "quy hoạch điện”, “điều tiết giá xăng, dầu",... Tất cả đều tác động theo một cách rất riêng và nhanh chóng đến các nhóm cổ phiếu nhất định trên thị trường chứng khoán tập trung.

Thứ tư, về kết quả hoạt động kinh doanh: Là yếu tố then chốt tác động trực tiếp lên giá cổ phiếu của công ty, vì suy cho cùng thị trường chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng vào tăng trưởng. Một doanh nghiệp kinh doanh tốt, có sự tăng trưởng qua các năm, có tình hình tài chính lành mạnh, bền vững, dòng tiền kinh doanh tốt thì chắc chắn sẽ thúc đẩ giá cổ phiếu tăng trưởng trong tương lai. Tất cả nhà đầu tư đều mong muốn mình sở hữu cổ phiếu của công ty có tình hình hoạt động kinh doanh tốt để hy vọng vào sự tăng trưởng của công ty trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, cũng không ít các công ty có kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng của nhà đầu tư và hậu quả tất yếu là lượng lớn cổ phiếu bị bán ra, khiến cho giá cổ phiếu giảm trước hoặc sau khi công bố báo cáo tài chính - kinh doanh.

Thực tế cho thấy, khi quyết định đầu tư thì đa phần các nhà đầu tư thường căn cứ vào những dự báo tiềm năng tăng trưởng kinh doanh của công ty để quyết định triển khai kế hoạch đầu tư theo một mức sinh lời dự kiến đối với giá cổ phiếu, cổ tức.

Thứ năm, về quy luật cung cầu: Trên thị trường chứng khoán tập trung, cổ phiếu chịu sự tác động chỉ phối chủ yếu bởi quy luật này. Khi lượng cổ phiếu được nhà đầu tư mua vào (cầu) tăng vượt lượng cổ phiếu đăng ký bán ra (cung) thì tất yếu xu hướng giá cổ phiếu sẽ tăng. Ngược lại, nếu lượng cung vượt cầu thì xu hướng giá cổ phiếu sẽ đi xuống. Lịch sử của thị trường chứng khoán tập trung đã từng chứng kiến rất nhiều phiên “trắng bên bán" dù giá cổ phiếu đang khớp trần với khối lượng dư mua lên đến vài chục triệu đơn vị hoặc “trắng bên mua" dù lượng cổ phiếu dư bán giá sàn lên đến hàng trăm triệu đơn vị. Điều đó, cho thấy quy luật cung cầu có sự tác động rất lớn đến giá cổ phiếu.

Thứ sáu, về quản trị công ty: Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu và hoạt động kinh doanh của tổ chức niêm yết. Quản trị công ty ổn định sẽ làm tăng sự tín nhiệm của nhà đầu tư đối với ban lãnh đạo và công ty, qua đó thúc đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng cùng với sự kỳ vọng nhất định. Trong quan điểm đầu tư thì một công ty có quản trị tốt sẽ giúp hạn chế những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của công ty, giúp các chiến lược của công ty được thực hiện tốt hơn, hạn chế vi phạm pháp luật. Đầu tư vào công ty có mô hình quản trị tốt giúp cho khoản đầu tư của nhà đầu tư trở nên an toàn và có thể gia tăng lợi nhuận trong tương lai một cách bền vững hơn.

Thứ bảy, về tin tức trên thị trường: Thị trường chứng khoán tập trung là nơi chứa đựng rất nhiều những thông tin, tin tức có kiểm chứng hoặc chưa được kiểm chứng đang hằng ngày tác động lên thị trường, giá cổ phiếu và tâm lý của nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư lại là những người rất nhạy cảm với tin tức trên thị trường, bằng chứng là họ có thể mua vào liên tục đẩy giá cổ phiếu lên khi nhận tin tốt về cổ phiếu hoặc bán tháo liên tục kéo giá cổ phiếu xuống nếu thấy tin xấu đối với cổ phiếu mà mình đang nắm giữ. Do đó, tin tức trên thị trường có tác động rất lớn đến giá cổ phiếu giao dịch mà điển hình là sau khi xuất hiện tin tức vụ đấu giá đất Thủ Thiêm thì cổ phiếu CII của công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (đang nắm nhiều quỹ đất quanh khu vực Thủ Thiêm) đã dư mua trần rất nhiều phiên liên tục.

Thứ tám, về tâm lý nhà đầu tư: Đây là thứ rất khó để dự đoán vì thị trường không thể biết trước được nhà đầu tư sẽ phản ứng và hành động như thế nào trước những diễn biến của các yếu tố tác động xung quanh. Chỉ cần một sự phản ứng thái quá hình thành trong tâm lý của nhà đầu tư và bắt đầu lan rộng ra thì ngay lập tức một cuộc bán tháo cổ phiếu hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí còn tạo nên hiệu ứng đôminô và gây hệ lụy đến các cổ phiếu khác. Khi đó, giá cổ phiếu rơi thẳng đứng và lâm vào tình trạng mất kiểm soát.

Thực tế, các chủ thể khi thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu đều nghiên cứu rất kỹ điều này để tung ra những tin đồn bất lợi về công ty niêm yết để mong muốn kích hoạt tâm lý hoang mang, bán tháo của nhà đầu tư trên thị trường.

Như vậy, thị trường chứng khoán tập trung là nơi chứa đựng rất nhiều mối quan hệ phức tạp và đa chiều, được cấu thành bởi nhiều chủ thể với các hành vi, giao dịch và tâm lý rất khác nhau khi biểu hiện trên thị trường. Vì vậy, việc hiểu được các vấn đề cơ bản của thị trường chứng khoán tập trung và các yếu tố tác động đến giá của cổ phiếu đang niêm yết, giao dịch trên thị trường là rất quan trọng để có thể tiếp cận nghiên cứu về hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường này một cách hiệu quả và chuyên sâu.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành