Thứ sáu, 29 Tháng 3 2024 15:56

Một số vấn đề về xu hướng phát triển của hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại ngày nay

Trong bối cảnh phát triển của thị trường thế giới và khu vực, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ trong thị trường nội địa mà ở cả các quốc gia khác trên thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng đến quyết định thâm nhập thị trường cũng như chuyển giao công nghệ ra nước ngoài. Mức độ đầu tư sẽ sụt giảm đối với các quốc gia nơi có những khuôn khổ pháp lý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trình độ thấp hơn. Do vậy, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở cấp độ khu vực và quốc tế có liên quan mật thiết đến sự phát triển công nghệ - kỹ thuật và văn hóa toàn cầu nói chung cũng như việc tạo dựng, phân phối và sử dụng các công nghệ độc quyền đã có và những thành quả công nghệ mới nhất. Thị trường sở hữu trí tuệ hiện đại toàn cầu đã được hình thành với sự tham gia tích cực của WIPO và WTO, tạo ra những điều kiện thống nhất cho việc lưu thông quyền sở hữu trí tuệ (hệ thống hóa các khái niệm và đối tượng bảo hộ và các loại giao dịch có liên quan) với mục tiêu hình thành các dòng tài chính quốc tế. Bên cạnh phạm vi địa lý ngày càng gia tăng, chương trình nghị sự của các sáng kiến hội nhập ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Những vấn đề đàm phán trong khuôn khổ các thỏa thuận siêu khu vực bao gồm một loạt các vấn đề về thuế quan, phi thuế quan và cơ chế điều chỉnh. Trong bối cảnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan truyền thống được cắt giảm đáng kể (vốn được ghi nhận trong cả WTO và các thỏa thuận thương mại khu vực), những vấn đề mới chưa được giải quyết hoặc chưa được thống nhất hoàn toàn trong các định dạng WTO+ và WTO- đang trở nên đặc biệt quan trọng trên quan điểm tạo ra động lực đáng kể để tăng cường thương mại giữa các đối tác thương mại. Các vấn đề đó bao gồm: thương mại dịch vụ, quy định về đầu tư, mua sắm chính phủ, bảo đảm tính minh bạch, bảo vệ môi trường và đặc biệt là về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Những thay đổi về kinh tế, xã hội, chính trị cũng như công nghệ đã có những tác động mang tính nền tảng tới việc tạo dựng, khai thác và sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Các hệ thống hiện hành về sở hữu trí tuệ liên tục thích ứng với những thay đổi về chính trị - kinh tế - xã hội. Nội dung phân tích dưới đây sẽ đề cập những xu hướng chính trong sự phát triển của hệ hống sở hữu trí tuệ trong bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa hiện nay.

1. Mở rộng phạm vi địa lý do sự gia nhập của các quốc gia mới vào hệ thống quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Trong thời điểm hiện nay có 4 hiệp định lớn của WIPO (Công ước Stockholm về thành lập tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới năm 1967; Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1883; Công ước Berne về bảo hộ quyền giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học năm 1886 (sau đây viết là Công ước Berne) và Hiệp ước PCT với hơn 100 quốc gia thành viên tham gia). Chỉ riêng năm 2015 đã chứng kiến một số lượng lớn các thành viên mới tham gia các hiệp định của WIPO. Kể từ tháng 9/2015, đã có 42 văn kiện về việc gia nhập các hiệp định, con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Năm 2016 cũng là năm Hiệp định Marrakesh về tạo điều kiện tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho người mù, người khiếm thị hoặc có khiếm khuyết về khả năng nhận biết các ấn phẩm in (Marrakesh Treaty to Facilitate Access to Published Works for Persons Who Are Blind, Visually Impaired, or Otherwise Print Disabled) có hiệu lực. Bên cạnh đó, sự gia tăng trong sử dụng dữ liệu, hệ thống, nền tảng công nghệ thông tin toàn cầu do WIPO quản lý cũng được ghi nhận; phạm vi dịch vụ cung cấp, phạm vi các cơ quan, tổ chức tham gia cũng như người sử dụng ngày càng được mở rộng. Đối với các quốc gia có trình độ phát triển trung bình thì sức hấp dẫn của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn thể hiện ở việc các hệ thống này cho phép họ đạt được mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần thiết để kích thích đầu tư nước ngoài. Trong số các hệ thống quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải kể đến TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ) hình thành thông qua WTO từ năm 1994. Việc thông qua TRIPS vào thời điểm đó đã được thúc đẩy bởi mục tiêu của các tập đoàn đa quốc gia (đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm) cũng như các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai. Họ đã gây áp lực buộc các chính phủ phải tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo nhận được lợi nhuận từ việc sử dụng các công nghệ của họ ở nước ngoài, duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ cũng như ngăn chặn việc sao chép công nghệ bởi các nước có chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém hơn. Hiệp định TRIPS thực sự đã chuyển đổi hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn cầu và đưa cơ chế bảo hộ này lên một tầm cao mới vì đây là Hiệp định đầu tiên bao gồm các tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu trong một loạt các lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ mà các bên tham gia phải thực thi. Đồng thời, TRIPS cũng yêu cầu các bên tham gia phải phát triển các cơ chế thực thi bắt buộc các quyền sở hữu trí tuệ. Sau khi Hiệp định được ban hành, toàn cầu hóa quyền sở hữu trí tuệ đã thúc đẩy phát triển kinh tế nhờ vào việc cải thiện chuyển giao công nghệ trên toàn thế giới. Theo WTO, các khoản thanh toán qua biên giới dưới hình thức tiền bản quyền và tiền chuyển giao license vào năm 2014 ước tính khoảng 300 tỷ USD[1]. Bên cạnh đó, theo tác giả Sugurov M.V., TRIPS nâng cao vị thế của các chủ thể quyền, nhưng đồng thời cũng không thể quên rằng việc nâng cao vị thế này được cân bằng bởi các cơ chế linh hoạt - là kết quả của sự thỏa hiệp giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Với những cơ chế linh hoạt này, TRIPS không thể được coi là công cụ chỉ phục vụ một nhóm các quốc gia.

Trong giai đoạn tiếp theo, các FTA (HIệp định thương mại tự do) thế hệ mới không chỉ mở rộng nội dung thỏa thuận về sản phẩm và dịch vụ, mà còn được mở rộng về không gian địa lý. Các FTA thời kỳ đầu được khuyến khích bởi các quốc gia kề cận về không gian địa lý, bước sang giai đoạn thứ hai, các FTA bao gồm hai hoặc nhiều hơn các thành viên có thể không kề cận về địa lý[2].

2. Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển các cơ chế cho phép khôi phục sự cân bằng lợi ích và ngăn chặn lạm dụng từ phía các chủ thể quyền

Cân bằng lợi ích được xem là cơ sở nền tảng cho sự phát triển của hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh phát triển mới cần có cách tiếp cận có tính hệ thống và tích hợp trong việc xác định tất cả các bên có liên quan đến hoạt động tạo dựng, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nghiên cứu lợi ích của họ, từ đó đề xuất các lựa chọn cho một cơ chế pháp lý cân bằng, đầy đủ dưới góc độ pháp luật quốc gia, khu vực và quốc tế. Các căn nguyên về kinh tế không thể được coi là kim chỉ nam duy nhất trong sự phát triển của quyền sở hữu trí tuệ. Ý tưởng thúc đẩy sáng tạo chính là nền tảng của cơ chế quyền sở hữu trí tuệ. Đó cũng chính là lợi ích chung gắn kết các bên liên quan trong các quan hệ về sở hữu trí tuệ. Tất cả các lợi ích cá nhân (tìm kiếm lợi nhuận từ việc sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ trước các hành vi xâm phạm; sử dụng tự do;...) đều phải được kết hợp theo cách hướng tới đóng góp vào sự tiến bộ chung của xã hội. Ngay từ khi mới hình thành, trong cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã thể hiện rất rõ ràng về việc: độc quyền cho một bên chủ thể cần được thực hiện trên cơ sở sự cân bằng lợi ích giữa người trực tiếp sáng tạo, người đầu tư vào hoạt động sáng tạo với người sử dụng. Thế giới hiện đại ngày nay đòi hỏi phải mở rộng hơn nữa thành phần các bên liên quan, tính đến các lợi ích mang tính đặc thù, các lợi ích có tính cạnh tranh lẫn nhau, trong số đó bao gồm:

Một, nhà nước. Trong bối cảnh hiện đại, nhà nước trong quan hệ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở cấp độ khu vực và quốc tế có thể là một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ có những lợi ích đặc biệt của mình, phản ánh chính sách, chiến lược sở hữu trí tuệ của quốc gia đó. Cũng có những khi một nhóm các quốc gia cùng có chung một số lợi ích nhất định. Đặc biệt, có những quốc gia là những nước theo truyền thống bị cáo buộc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách phổ biến và thiếu kiểm soát (ví dụ: Trung Quốc, Nga,...). Cũng có những quốc gia chủ yếu là xuất khẩu các sản phẩm sở hữu trí tuệ (Mỹ, Nhật Bản, các nước phát triển là thành viên EU,...). Lợi ích của các quốc gia này sẽ không trùng lặp với lợi ích của các quốc gia tiêu thụ sản phẩm sở hữu trí tuệ nhiều hơn là cung cấp các sản phẩm này ra thị trường nước ngoài. Như vậy, giao lưu thương mại các đối tượng được bảo hộ đồng nghĩa với việc tài sản của nước nghèo được chuyển sang các nước giàu có hơn. Vấn đề cân đối lợi ích mâu thuẫn giữa các quốc gia được đặt ra. Những nước đang phát triển cho rằng sở hữu trí tuệ phải là tài sản của chung toàn xã hội, do vậy công nghệ cần phải được chuyển giao từ quốc gia này sang quốc gia khác mà không cần bất cứ sự cản trở nào. Mặc dù, đối với các quốc gia đang phát triển, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Vấn đề là thiết lập sự bảo hộ dưới góc độ nào, quan điểm nào. Đôi khi, các nước này ủng hộ quan điểm cho rằng: trình độ bảo hộ sở hữu trí tuệ cao sẽ dẫn đến việc tăng giá thành những sản phẩm được sản xuất dựa trên các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Với danh nghĩa vì sự phát triển kinh tế, vì lợi ích chung của cộng đồng các nước này luôn mong muốn hạn chế việc bảo hộ: mở rộng việc cấp lixăng không tự nguyện, thậm chí đòi hỏi các sản phẩm được bảo hộ cần được sản xuất trong nước,... Hệ quả của những đối kháng trên chính là cuộc đấu tranh không ngừng vì sự phát triển của hệ thống pháp luật quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cuộc đấu tranh này, theo các tác giả, có thể được chia ra làm 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1: kéo dài cho đến thập niên 50 của thế kỷ XX. Đó là giai đoạn các nước kém phát triển duy trì hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tương đối hạn chế, hoặc là không gia nhập các thoả thuận quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ với những chuẩn mực bảo hộ tương đối cao hoặc họ gia nhập các công ước đó chỉ trên giấy tờ, còn trên thực tế họ hoàn toàn không thực hiện các điều khoản quy định.

Giai đoạn 2: hầu như tất cả các quốc gia đều thiết lập hệ thống bảo hộ phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nhưng một số nước vẫn không thể và không muốn bảo đảm trên thực tế việc tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.

Giai đoạn 3: không lâu kể từ thời điểm có quy định rằng các nước thành viên của WTO đều phải có nghĩa vụ bảo đảm việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên cam kết hình thức và trên thực tế. Giai đoạn này tuy chưa hoàn thành, nhưng hiện nay đã bắt đầu giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 4: có đặc trưng là những cố gắng nhằm mục đích tư hữu hóa những sản phẩm trí tuệ thuộc về quyền sử dụng chung của toàn xã hội. Những công ty cũng như các quốc gia là những nhà xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm trí tuê đang có xu hướng tăng cường sự bảo hộ cho các sản phẩm đó và cố gắng đưa chúng ra khỏi lĩnh vực sử dụng chung. Ví dụ: các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển đang có xu hướng kéo dài hơn thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm của công dân nước mình theo pháp luật quốc gia so với quy định tối thiểu trong Công ước Berne. Theo đó, thời hạn bảo hộ quyền tài sản đối với tác phẩm tại Mỹ và Liên minh châu Âu là suốt cuộc đời tác giả và 70 năm sau khi tác giả qua đời.

Ngoài ra, trong quá trình thiết lập các chuẩn mực quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mâu thuẫn lợi ích còn nảy sinh giữa chính các nước phát triển với nhau. Với việc thông qua Hiệp định TRIPS vào tháng 4/1994 tại vòng đàm phán Uruguay đã gặp phải không ít tranh luận với những lập trường khác nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển. Bên cạnh đó, giữa các nước phát triển cũng nảy sinh những mâu thuẫn nhất định về các quan điểm bảo hộ. Trong giai đoạn đầu của vòng đàm phán, tất cả các nước công nghiệp phát triển đều thống nhất về việc nhấn mạnh nhu cầu xem xét các quy định về sở hữu trí tuệ. Trong quá trình đàm phán tiếp theo, những bất đồng bắt đầu nảy sinh giữa các nước phát triển, trong đó chủ yếu là những mâu thuẫn giữa Mỹ và các nước còn lại (Mỹ là nước xuất siêu các sản phẩm sở hữu trí tuệ nhiều nhất trên thế giới, kể cả với các đối thủ cạnh tranh như Nhật Bản). Những mâu thuẫn lợi ích giữa Mỹ với một số quốc gia (chủ yếu là Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác trong đó có các nước phát triển và đang phát triển) xoay quanh những vấn đề như: về việc có đưa bảo hộ quyền tỉnh thần vào phạm vi điều chỉnh của Hiệp định hay không; về chế độ bảo hộ đối với quyền liên quan; về quyền cho thuê tác phẩm; về mở rộng phạm vi bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý; về thẩm quyền cấp lixăng cưỡng chế; về phạm vi áp dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO đối với những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; v.v.. Văn bản được thông qua của TRIPS thể hiện phương án ít nhiều trung hòa được những bất đồng về quan điểm bảo hộ giữa các nước phát triển[3].

Chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các hệ thống toàn cầu và khu vực đáp ứng lợi ích của các quốc gia phát triển. Việc mở rộng phạm vi bảo hộ thông qua việc gia tăng thời hạn bảo hộ, tăng cường quyền năng đối với các đối tượng được bảo hộ và bổ sung các đối tượng mới được bảo hộ, ví dụ: công nghệ sinh học, phương pháp và kết quả công nghệ gen (được xem xét tại Điều 27 TRIPS) sẽ dẫn đến việc hạn chế chuyển giao công nghệ. Tình trạng tăng cường bảo hộ như vậy sẽ có lợi cho các chủ thể quyền và được các bên quan tâm đến tiếp nhận công nghệ nhìn nhận một cách tiêu cực bởi sẽ hạn chế khả năng đổi mới trong bối cảnh ngân sách R&D hạn chế. Cùng với những tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế nói chung, quyền sở hữu trí tuệ nếu bị lạm dụng sẽ có tác động tiêu cực[4]. Trong đó, có một vấn đề cấp bách đối với các nước đang phát triển là tăng cường hệ thống bảo đảm ở cấp độ quốc tế để ngăn chặn việc lạm dụng độc quyền trong chuyển giao công nghệ quốc tế. Trong các hoạt động hợp tác phát triển nói chung, xu hướng hiện nay cho thấy các quốc gia, khu vực đang dần tách khỏi các nền tảng chung đã thiết lập (nhưng không phải từ bỏ mà dựa trên đó) để tạo ra những liên kết nhỏ hơn nhưng có chiều sâu, nhằm hướng đến những “luật chơi” mới, khắc phục “tính phổ quát” của các quy tắc cũ. Một trong số các biểu hiện rõ ràng cho thấy xu hướng này là việc các quốc gia cùng nhau ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hoặc đa phương. Xu hướng này tuy mới, nhưng cũng không nằm ngoài mục tiêu liên kết tìm kiếm lợi nhuận lớn nhất, lợi ích lớn nhất từ các nền kinh tế. Do đó, cần phải có những phân tích thấu đáo để tiến trình vận động vừa phù hợp với xu thế quốc tế, mà vẫn bảo đảm được tính bền vững cho các giá trị cốt lõi của quốc gia - đó chính là các quyền và lợi ích của người dân phải ngày càng được củng cố. Do các FTA chủ yếu được xem xét dưới góc độ hợp tác kinh tế nên việc tìm đến với các liên kết FTA có thể được nhìn nhận từ hai khía cạnh. Đối với những nền kinh tế mạnh, mục tiêu của họ là nhằm tìm kiếm các liên minh có tính chiến lược và thiết lập ở đó những quy tắc nền tảng mà ẩn chứa sau đó là các cam kết, thỏa thuận giữa các thành viên về an ninh kinh tế, thương mại lâu dài (ví dụ như Liên minh châu Âu, dù đây không đơn thuần là một liên hiệp về kinh tế, thương mại). Trong khi đó, các quốc gia nhỏ hơn coi việc tham gia vào các FTA với các đối tác lớn giống như việc tìm kiếm cơ hội để có được những thị trường rộng lớn của các đối tác này thông qua những nhượng bộ (qua lại lẫn nhau) về các rào cản thương mại của các bên sẽ giúp tạo những thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường cũng như các đồng thuận về các tiêu chuẩn mà ở đó các bên đều có lợi, bất kể các nước tham gia lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, mục đích kinh tế nhiều khi không phải là ưu tiên của các quốc gia trong bài toán FTA. Một số quốc gia coi việc tham gia vào FTA giống như một bước đệm để tiến tới các mục tiêu xa hơn trong tương lai. Trong những trường hợp như vậy, mục tiêu ẩn chứa đằng sau các giá trị kinh tế dường như là cơ hội hoàn thiện hệ thống pháp lý trong nước để từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn. Nhờ đó, quốc gia sẽ sớm thiết lập được khuôn khổ pháp lý nội bộ nhằm bảo đảm sự an toàn cho việc tham gia của chính họ vào các liên kết lớn hơn[5]. Đồng thời, thông qua việc ký kết các FTA như vậy, cũng giúp các quốc gia nhận được sự hỗ trợ của đối tác trong tiến trình cải cách. Ví dụ, đối với Việt Nam, sau khi ký kết Hiệp định song phương với Hoa Kỳ đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ trong thực hiện các cam kết (theo dự án STAR) như cung cấp trợ giúp kỹ thuật trong các lĩnh vực cải cách pháp lý, hải quan, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch cho Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như cung cấp cho Việt Nam những kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu trong thực thi các cam kết thương mại,

Hai, chủ sở hữu quyền. Quan tâm của chủ thể quyền là thu nhận được tối đa lợi ích kinh tế từ việc sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ mà chủ sở hữu có được từ người trực tiếp sáng tạo trên cơ sở những căn cứ pháp lý khác nhau. Giá trị của các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, những tiến bộ về công nghệ đã khiến cho việc tạo ra hàng hóa giả mạo mà không làm giảm sút chất lượng của chúng ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Trong thế giới hiện đại ngày nay, việc chống lại các hành vi sử dụng trái phép các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên khó khăn hơn với chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Các công nghệ như peer-to-peer (chia sẻ ngang hàng) hay bit-torent (giao thức dùng để chia sẻ các tệp ngang hàng) không chỉ làm giảm đáng kể thu nhập của các chủ sở hữu quyền (các nhà sản xuất bản ghi âm, các nhà làm phim,...) mà thậm chí còn đặt ra vấn đề đối với chính sự tồn tại của các chủ thể này[6].

Ba, tác giả. Nhờ có công sức lao động sáng tạo của tác giả thì mới xuất hiện các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (trừ các đối tượng là chỉ dẫn thương mại, các bản ghi âm, ghi hình hay chương trình phát sóng). Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, tác giả - người mà quyền lợi được bảo vệ bởi các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ - không còn là nhân vật đóng vai trò chủ chốt. Vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển pháp luật về sở hữu trí tuệ sự khác biệt giữa lợi ích của chủ sở hữu và tác giả là không rõ ràng. Tính thanh khoản của các đối tượng sở hữu trí tuệ sẽ không thể thực hiện được nếu như không có những khoản đầu tư đáng kể cũng như việc tổ chức hoạt động sáng tạo từ phía chủ sở hữu quyền. Hệ quả là tác giả dần bị xa rời cả hoạt động sử dụng các sản phẩm sáng tạo cũng như cả quá trình sáng tạo.

Bốn, người sử dụng. Phía người sử dụng bao gồm tất cả các chủ thể vì các mục đích cá nhân hoặc thương mại sử dụng, tiêu dùng hay ứng dụng các thành quả của lao động sáng tạo và thành tựu khoa học kỹ thuật và những gì có thể coi là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong bất cứ lĩnh vực nào như khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, v.v.. Điều 2 của Tuyên bố chung về sở hữu trí tuệ ngày 26/6/2000 của WIPO đã đưa định nghĩa về người tiêu dùng tương tự như vậy. Với định nghĩa này, có thể thấy, tất cả mọi người, bằng cách này hay cách khác đều là những người sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Thế giới hiện đại ngày nay được sắp xếp theo cách thức mà bất cứ người nào cũng có thể đã nhiều lần sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Người sử dụng có thể đóng vai trò là chủ thể quyền. Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng là chủ thể quyền. Chỉ có những người sử dụng chưa được chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ thì mới thuộc nhóm này (nhóm người sử dụng không phải là chủ thể quyền). Họ có thể sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo các căn cứ do pháp luật quy định về sử dụng tự do, sử dụng không phải xin phép hoặc sử dụng một cách trái pháp luật. Quyền sở hữu trí tuệ thiết lập sự cân bằng lợi ích chặt chẽ giữa người sử dụng và các chủ thể quyền bằng cách tuân thủ độc quyền khai thác, sử dụng đối tượng của chủ thể quyền trong một khoảng thời gian nhất định cũng như quyền của các chủ thể khác (người sử dụng) đối với một số dạng hành vi sử dụng đối tượng (sử dụng tự do) do pháp luật quy định trong thời gian bảo hộ. Mâu thuẫn toàn cầu của thời đại ngày nay là phạm vi những người sử dụng trái phép rất rộng lớn và họ ngày càng tuyên bố mạnh mẽ hơn về những lợi ích đặc biệt của họ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Bất cứ một thiết bị điện tử đơn giản nào (máy tính bảng, điện thoại di động, v.v.) cũng đều liên quan tới việc sử dụng thường xuyên chương trình máy tính, tác phẩm cũng như các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác. Hành vi xâm phạm của chủ sở hữu các thiết bị này thường xảy ra một cách vô thức. Hơn nữa, thực tiễn này đã trở nên phổ biến tới mức việc hạn chế khả năng tải xuống miễn phí các bản nhạc chuông, nhạc chờ, sách, phim, v.v. (chính là toàn bộ hoặc một phần các tác phẩm âm nhạc, văn học, tác phẩm nghe nhìn, v.v.) có thể bị coi là vi phạm quyền tự do thông tin, tiếp cận, trao đổi thông tin. Trong bối cảnh hiện nay, người sử dụng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của quyền sở hữu trí tuệ. Vị trí của người sử dụng cần được coi trọng, tuy nhiên, cần phải xem xét nó dưới nguyên tắc cân bằng lợi ích. Theo quan điểm yêu cầu của người tiêu dùng phải tương thích lợi ích của các bên liên quan (còn gọi là stakeholders) và phải được ghi nhận trong pháp luật hiện hành. Người sử dụng, trước tiên là đại diện cho cộng đồng mạng nên từ bỏ các tuyên bố về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ nói chung mà nên chú trọng tới bản quyền và các quy tắc bảo vệ đối tượng sở hữu trí tuệ, trong đó cần tập trung vào các đặc điểm sử dụng trong môi trường kỹ thuật số cũng như bản chất thông tin đặc biệt của một số loại hình tác phẩm như chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu. Internet là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của quyền sở hữu trí tuệ theo hướng thiết lập các chuẩn mực bảo hộ cao hơn và bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Nền kinh tế trên cơ sở chia sẻ thông tin xuyên biên giới trong không gian ảo có xuất phát điểm dựa trên nền tảng sử dụng miễn phí tối đa các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy, vị thế của người tiêu dùng, mặc dù có thể thấp hơn các chủ thể quyền nhưng vẫn được xác định trên cơ sở các tiêu chí mang tính chất tài chính. Có quan điểm cho rằng, trong bối cảnh phát triển hiện nay của quyền sở hữu trí tuệ, để giải quyết vấn đề cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và người sử dụng, cần thiết phải xem xét, đánh giá lại việc thiết lập bản thân cơ chế bảo hộ. Việc độc quyền cấp cho một người/nhóm người nhằm ngăn cản việc sử dụng tự do bởi những người khác cần phải có những luận lý nghiêm túc. Trên thực tế hiện nay, dung lượng kiến thức xã hội ngày càng gia tăng, do vậy, cần mở rộng phạm vi các yếu tố không được bảo hộ trong mọi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ: tác phẩm, sáng chế, nhãn hiệu, v.v.. Phải thừa nhận rằng, dưới góc độ kỹ thuật thì thế giới hiện đại không thể tồn tại mà thiếu sự tham khảo, vay mượn từ sáng tạo của người khác. Do vậy, dưới góc độ pháp lý, phải chấp nhận một số trường hợp không bảo hộ hoặc cho phép sử dụng tự do đối với các đối tượng được bảo hộ.

Ví dụ điển hình là vụ việc Google với phán quyết về vụ kiện giữa Google LLC và Oracle American, Inc liên quan đến cấu trúc chương trình Java API của Oracle có thể được xem là minh họa rõ nét về mối quan hệ giữa các trao đổi thông tin và công nghệ. Android thuộc sở hữu của Google LLC đã sử dụng Giao diện lập trình ứng dụng (API) của Java để xây dựng Hệ điều hành Android cho thiết bị di động từ năm 2005. Java thuộc sở hữu của Sun Microsystems sau đó được Oracle mua lại vào năm 2009. Vào năm 2005, Google đã bất lực trong việc xin phép quyền sử dụng với mục đích sửa đổi nền tảng dựa trên ngôn ngữ lập trình Java và các công nghệ đi kèm dành cho các thiết bị di động. Khi đó Google quyết định tạo ra phần mềm riêng của mình và đã sao chép độc lập tất cả các chức năng cần thiết của các ứng dụng Java API. Tỷ trọng vay mượn của Google đã dẫn đến việc sử dụng các mô tả (tiêu đề) của Java API. Ngoài ra, Google có sử dụng mã chương trình riêng của mình. Oracle lần đầu tiên đệ đơn kiện vi phạm bản quyền vào năm 2010 nói rằng Google đã vi phạm bản quyền của API và 11.500 dòng mã. Trong phiên tòa xét xử đầu tiên, thẩm phán đã ra phán quyết có lợi cho Oracle khi nói rằng Google đã vi phạm bản quyền của Oracle liên quan đến hàm kiểm tra phạm vi chín dòng, SSO (cấu trúc, trình tự và tổ chức) của API và dòng mã. Các bên sau đó đã kháng cáo Bản phúc thẩm thứ nhất khẳng định phán quyết của Tòa án quận và đã gửi lại vụ việc cho Tòa án quận để có phán quyết khác về “sử dụng hợp lý" API và dòng mã. Vào tháng 5/2012, Tòa án quận Bắc California cho rằng Google không sao chép trực tiếp các giao diện của Java API mà chỉ tập trung vào các chức năng của chương trình. Kết quả điều tra cho thấy, 97% dòng mã do Google viết ra khác biệt với các dòng tương ứng của mã Oracle, sự trùng lặp chỉ chiếm 3%.

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ có một bản tóm tắt amicus để biết lập trường của họ về vụ việc. Bản tóm tắt của Chính phủ ủng hộ lập trường của Oracle trong khi một số “gã khổng lồ” công nghệ hàng đầu như Microsoft, Mozilla, IBM, v.v., Google nói rằng một quyết định có lợi cho Oracle sẽ làm tổn hại đến thế giới điện toán nói chung. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đứng về phía Google trong một quyết định quan trọng mà một số chuyên gia pháp lý ca ngợi là một chiến thắng cho các lập trình viên và người tiêu dùng. Tòa án đã phán quyết rằng Google không vi phạm luật bản quyền khi đưa các phần của mã lập trình Java của Oracle vào hệ điều hành Android của mình - chấm dứt cuộc chiến pháp lý trị giá hàng tỷ USD kéo dài một thập niên qua[7].

Không hài lòng với phán quyết này, Oracle đã kháng cáo phán quyết này tại Tòa án mạch liên bang, nơi đã ra phán quyết có lợi cho Oracle rằng Google đã sao chép các API, việc sử dụng của Google không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào trong các yếu tố về sử dụng hợp pháp và cho rằng Android đang sử dụng API cho mục đích thương mại. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ có một bản tóm tắt amicus để biết lập trường của họ về vụ việc. Bản tóm tắt của Chính phủ ủng hộ lập trường của Oracle trong khi một số “gã khổng lồ” công nghệ hàng đầu như Microsoft, Mozilla, IBM, v.v., Google nói rằng một quyết định có lợi cho Oracle sẽ làm tổn hại đến thế giới điện toán nói chung. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đứng về phía Google trong một quyết định quan trọng mà một số chuyên gia pháp lý ca ngợi là một chiến thắng cho các lập trình viên và người tiêu dùng. Tòa án đã phán quyết rằng Google không vi phạm luật bản quyền khi đưa các phần của mã lập trình Java của Oracle vào hệ điều hành Android của mình - chấm dứt cuộc chiến pháp lý trị giá hàng tỷ USD kéo dài một thập niên qua[8].

Trong trường hợp này, một nguyên tắc có lợi cho bị đơn đã được áp dụng - đó chính là nguyên tắc không thể xác lập độc quyền đối với phương thức thể hiện duy nhất có thể sử dụng. Trong phán quyết của Tòa án đã nêu rõ những lập luận về ranh giới giữa “sử dụng hợp lý" và chế độ bảo hộ đối với chương trình máy tính, từ đó người sử dụng có thể định hướng cho mình trong việc tạo ra các chương trình tương thích. Trong đó, cần nhấn mạnh rằng học thuyết “sử dụng hợp lý" được áp dụng hết sức linh hoạt, đặc biệt là đối với chương trình máy tính. Chương trình máy tính, ở một góc độ nhất định, rất khác biệt với các tác phẩm dạng khác bởi chúng luôn hướng tới phục vụ mục đích chức năng. Do sự khác biệt này mà “sử dụng hợp lý” có vai trò quan trọng đối với việc tạo ra và nâng cấp các chương trình máy tính, trong điều kiện giữ được độc quyền đối với bản quyền chương trình máy tính trong giới hạn hợp pháp của nó. Phán quyết này có thể giúp cho các ngành công nghệ phần mềm tiếp tục phát triển, không gặp vướng mắc trong các tiêu chuẩn hoặc chương trình đã lỗi thời. Trong khi Oracle cho rằng phán quyết trên đã hợp thức hóa hành vi trộm cắp của Google, nhờ đó mà hãng này đạt được tăng trưởng ngoạn mục. Nhưng đây lại là một tiền lệ rất có lợi cho các lập trình viên và người sử dụng, khuyến khích các lập trình viên tiếp tục cho ra đời các sản phẩm và dịch vụ phục vụ lợi ích người tiêu dùng. Đây là cách tiếp cận đơn giản được xem là có lợi cho người sử dụng và công chúng thông qua việc giảm thiểu chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

 


[1] Шугуров М.В. Соглашение ТРИПС, международный трансфер технологий и последствия усиления защиты прав интеллектуальной Собственности // Международное право и международные организации, 2015, № 4,

[2] Xem Vũ Văn Hà: Vai trò của các hiệp định thương mại tự do thế mệ mới trong thương mại quốc tế. Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/nghien-u--trao-doi/trao-doi-binh-luan/vai-tro-cua-cac-hiep-dinh-thuong-mai-1-do-the-he-moi-trong-thuong-mai-quoc-te-122913.html.

[3] Xem Nguyễn Thị Quế Anh: Nhìn nhận về xu hướng phát triển của hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2/2009

[4] TRIPS cũng đề cập vấn đề này tại khoản 2 Điều 8 “Có thể cần đến những biện pháp phù hợp, miễn là không trái với các quy định của Hiệp định này, để ngăn ngừa sự lạm dụng các quyền sở hữu trí tuệ bởi những người nắm quyền hoặc ngăn chặn các hành vi gây cản trở hoạt động thương mại một cách bất hợp lý hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc chuyển giao công nghệ quốc tế” và khoản 1 Điều 40 “Các thành viên thừa nhận rằng một số hoạt động hoặc điều kiện cấp lixăng gắn liền với các quyền sở hữu trí tuệ có tính chất hạn chế cạnh tranh có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động thương mại và có thể cản trở việc chuyển giao và phổ biến công nghệ".

[5] Xem Nguyễn Anh Đức: Tham gia các hiệp định thương mại tự do dựa trên tiếp cận quyền con người, bài viết trong Lê Thị Hoài Thu và Vũ Công Giao chủ biên: Ảnh hưởng của thương mại tự do đến nhân quyền, sách chuyên khảo, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2017, tr.45-46.

[6] Xem Bộ Thương mại: Báo cáo tổng hợp một số vấn đề chủ yếu cần xử lý khi thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ và tiến trình tham gia WTO của Việt Nam, Đề tài cấp bộ, Hà Nội, 2004

[7] Xem Oracle America, Inc. v. Google Inc., 3:10-cv-03561, No. 1190 (N.D.Cal. May. 23, 2012) [Electronic resource] // Doceket Alarm. - Mode of access: <https://www.docketalarm.com/cases/California_Northern_ District_Court/3--10-cv-03561/Oracle_America_Inc_v_Google_Inc/1190/>. 2. Xem thêm Vấn đề bản quyền trong vụ kiện giữa Google và Oracle. Nguồn: http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Van-de-ban- quyen-trong-vu-kien-giua-Google-va-Oracle-637121/ và Trường hợp Vi 112

[8] Xem Supreme court of "The United states. Syllabus. Google llc v. oracle America, inc. Certiorari to The United states court of appeals for the federal circuit. No. 18-956. Argued October 7, 2020 Decided April 5, 2021, https://www.supremecourt.gov/opinions/20pdf/18-956_d18f.pdf.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành