Thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ nên việc xây dựng hành lang pháp lý điều chỉnh hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và cấp thiết. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính cũng như sự phát triển về kinh tế xã hội thì việc xác thiết lập các tiêu chí để xác định dấu hiệu của hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Các giao dịch chứng khoán của cá nhân, tổ chức hầu hết được thực hiện nhanh chóng thông qua các phương tiện điện tử, thậm chí một số giao dịch còn có thể được thực hiện bằng công nghệ giao dịch tự động[1]. Do đó, với việc khẳng định thao túng giá cổ phiếu là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019, được thể chế hóa thành các quy phạm cấu thành hành vi vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và cấu thành tội phạm tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) được xem là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, giám sát, ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung.
Trên cơ sở tổng hợp các quy định pháp luật Việt Nam về chứng khoán, hành chính, dân sự và hình sự cho thấy các hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung được cấu thành bởi bốn yếu tố chủ đạo: mặt khách quan, mặt chủ quan, khách thể và chủ thể.
1. Xét về mặt khách quan
Bởi vì hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung thuộc phạm trù nội hàm của hành vi thao túng thị trường chứng khoán nên sẽ chịu sự điều chỉnh chung bởi các quy phạm về “thao túng thị trường chứng khoán". Bằng tư duy pháp lý và phương pháp luận như vậy, có thể nhận thấy hành vi tài chính trên cơ sở quy định pháp luật để cố gắng phân định một cách rõ ràng nhất có thể về những biểu hiện khách quan bên ngoài của hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung.
Theo đó, mặt khách quan của hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung được thực hiện thông qua các hành vi dưới đây:
Thứ nhất, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán cổ phiếu nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Thao túng giá cổ phiếu gián tiếp thông qua việc tạo cung cầu giả tạo là hành vi khá phổ biến trên thị trường chứng khoán tập trung, được thực hiện bởi một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau ngầm thông đồng. Dưới góc nhìn trực diện, đây được xem là hành vi thao túng cổ phiếu về mặt cung cầu (thao túng khối lượng hoặc thao túng thanh khoản), nhưng quan điểm tác giả cho rằng thanh khoản của cổ phiếu (quy luật cung cầu) suy cho cùng sẽ tác động lên giá của cổ phiếu và dù ảnh hưởng ít hay nhiều cũng là hành vi giả tạo nên vẫn có thể xem đây là hành vi thao túng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có vài khả năng xảy ra mà có thể là mục tiêu hướng đến của hành vi thao túng cung cầu cổ phiếu này đó là:
- Thao túng cung cầu để cổ phiếu đạt điều kiện về thanh khoản nhằm lọt rổ chỉ số VN30 hoặc các chỉ số khác nhằm hướng tới các khoản giải ngân của các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước;
- Thao túng cung cầu để tạo yếu tố thanh khoản cho cổ phiếu được cấp giao dịch ký quỹ margin bởi các công ty chứng khoán trên thị trường vì thanh khoản cổ phiếu là điều kiện tiên quyết hạn chế rủi ro cho các công ty chứng khoán cấp margin;
- Thao túng cung cầu để thế chấp cổ phiếu bảo đảm cho việc giải ngân các khoản vay tại các ngân hàng thương mại;
- Thao túng cung cầu để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước một đợt chào bán hoặc huy động vốn của tổ chức niêm yết.
Tất cả các khả năng có thể xảy ra liên quan đến hành vi thao túng cung cầu này bắt buộc phải có sự tham gia của dòng tiền thao túng (xem Chương IX) từ tổ chức có liên quan mật thiết đến cổ phiếu hoặc tổ chức phát hành, niêm yết. Đây là vấn đề rất phức tạp liên quan đến sở hữu chéo và mối quan hệ mật thiết của dòng tiền nên rất khó để chứng minh trên thực tế. Vì vậy, rất khó để chứng minh được hành vi đơn thuần chỉ tác động lên cung cầu của cổ phiếu và mục đích phía sau của việc tạo lập cung cầu này là gì? Nó thuộc trường hợp nào trong các trường hợp nói trên vì không ai nói lên điều đó, trừ khi mối quan hệ của các thuộc tính chứng cứ thể hiện mục đích đó. Trong trường hợp này, việc chứng minh thao túng cung cầu nhằm tác động lên giá sẽ dễ hơn nhiều vì bản chất giá cổ phiếu đã mặc nhiên bị chi phối bởi quy luật cung cầu.
Tài khoản sử dụng để tạo cung cầu giả là của chính đối tượng hoặc thông qua các tài khoản chứng khoán của người khác (thông qua ủy quyền quản lý tài khoản chứng khoán hoặc từ việc nhờ người khác mở tài khoản chứng khoán sau đó nhận mật khẩu để giao dịch trên các nền tảng số) với số lượng tài khoản có thể là một hoặc rất nhiều tài khoản chứng khoán của cá nhân, tổ chức. Khi đích danh thực hiện thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung thì thường các chủ thể sẽ phải mở nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán, vì theo quy định pháp luật chứng khoán mỗi cá nhân, tổ chức chỉ được mở 01 tài khoản tại mỗi công ty chứng khoán, trường hợp này việc giao dịch cổ phiếu giữa các tài khoản không có sự chuyển dịch quyền sở hữu cổ phiếu.
Đối với trường hợp sử dụng tài khoản chứng khoản của người khác để thao túng phải phân biệt làm hai trường hợp:
• Trường hợp 1: Nếu ý chí của “chủ tài khoản khác" đó nhận biết được việc tài khoản của mình bị sử dụng để thực hiện hành vi thao túng cần mà vẫn đồng ý thì đó là có sự thông đồng, kể cả trường hợp ủy thác quản lý tài khoản đầu tư và cần phải xem đây là chủ thể đồng phạm vì cùng thực hiện hành vi vi phạm.
• Trường hợp 2: Nếu tài khoản bị sử dụng để thực hành vi thao túng nằm ngoài nhận thức của chủ tài khoản thì thực chất chỉ có một đối tượng thao túng nhưng sử dụng tài khoản mượn danh.
Ví dụ: A mượn các giấy tờ tùy thân của B để mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho B và B đồng ý nhưng nghĩ rằng sau này có cơ hội sẽ giao dịch chứng khoán, tuy nhiên bằng một cách nào đó mà A có thể chuyển tiền vào tài khoản giao dịch chứng khoán của B và sử dụng tài khoản của B để giao dịch thao túng thông qua ứng dụng trên điện thoại. Trường hợp khác, X là môi giới của công ty chứng khoán có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, vì tin tưởng nên Y ủy thác cho X toàn quyền giao dịch đầu tư chứng khoán và thỏa thuận về thù lao bằng hợp đồng ủy thác. Tuy nhiên, X đã sử dụng nhiều tài khoản mà mình nhận ủy thác để giao dịch mua bán liên tục nhằm thao túng cổ phiếu. Trong hai trường hợp trên, rõ ràng là các đối tượng thực hiện hành vi thao túng nằm ngoài ý chí của các chủ tài khoản giao dịch chứng khoán nên không thể xem là họ có tham gia giúp sức, thông đồng trong quá trình thao túng. Thậm chí đối với trường hợp thứ hai, chủ tài khoản dù cho có nhận được các thông báo khớp lệnh cũng không thể biết được tài khoản bị lợi dụng thực hiện hành vi thao túng vì việc thao túng được xảy ra trên tổng thể nhiều tài khoản mà X nhận ủy thác.
Thứ hai, đặt lệnh mua và bán cùng loại cổ phiếu trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán cổ phiếu mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá cổ phiếu.
Trong hành vi này sẽ chứa đựng hai hành vi thao túng giá cổ phiếu độc lập khác nhau do thông đồng giao dịch không chuyển quyền sở hữu thực sự và đặt lệnh mua và bán liên tục cùng một mã cổ phiếu trong cùng ngày giao dịch.
Khi có sự tham gia của nhiều chủ thể cùng thông đồng, ngầm tạo cung, cầu giả tạo thì về mặt vật lý có sự chuyển dịch cổ phiếu giữa các tài khoản giao dịch nhưng hoàn toàn không có sự chuyển quyền sở hữu thực sự. Sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với cổ phiếu giữa chủ tài khoản chứng khoán nếu có chỉ là sự thỏa thuận ngầm về việc luân chuyển quyền sở hữu cổ phiếu giữa các thành viên tham gia thao túng với nhau. Đây là đặc điểm làm cho hành vi này rất khó bị phát hiện và xử lý trên thực tế vì ranh giới chứng minh giữa hợp pháp và bất hợp pháp là tương đối mong manh khi mà các giao dịch mua, bán diễn ra dường như bình thường, công khai trong mắt của thị trường. Trước sự nghiêm ngặt của thủ tục tố tụng hình sự và nguyên tắc suy đoán vô tội, chắc chắn sẽ đặt các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự gặp tình thế rất khó khăn khi phải chứng minh tội phạm trong bối cảnh công tác điều tra và thu thập chứng cứ trên thị trường chứng khoán tập trung trong thời đại công nghệ 4.0 chưa bao giờ là dễ dàng cả. Hệ quả của hành vi này làm cho quy luật cung cầu - một thiết chế cơ bản của thị trường có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu đã bị méo mó và bản chất của nó đã không còn được phản ánh chân thực và chính xác bởi ý chí giao dịch của các nhà đầu tư. Tất cả bức tranh giao dịch của cổ phiếu trên thị trường giờ đây chỉ là kết quả của sản phẩm lập trình từ hành vi thông đồng tạo cung cầu giả tạo để thao túng giá cổ phiếu của các đối tượng thao túng.
Trong vụ việc thao túng giá cổ phiếu FLC, theo kết luận của Cơ quan điều tra: Trịnh Văn Q đã chỉ đạo em gái cùng người thân thành lập 20 công ty, sử dụng chứng minh thư của 26 người để mở 450 tài khoản chứng khoán nhằm thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu FLC[2]. Đây được xem là xu hướng diễn biến phức tạp của hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung hiện nay vì đa phần mua, bán chứng khoán được thực hiện qua các ứng dụng bằng các phương tiện điện tử hiện đại nên chủ thể thực hiện hành vi chỉ cần số tài khoản, mật khẩu (kể cả tích hợp Smart OTP trên ứng dụng) là có thể giao dịch ở khắp mọi nơi. Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao các đối tượng này cần phải mở nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau để thao túng giá cổ phiếu? Câu trả lời là: nhiều tài khoản khác nhau sẽ tỷ lệ thuận với khả năng (hiệu quả) thao túng, nhưng tỷ lệ nghịch với khả năng bị giám sát, phát hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước. Với rất nhiều tài khoản giao dịch bởi các phương tiện điện tử khác nhau từ nhiều địa chỉ IP (Internet Protocol) ở khắp mọi nơi thì rất khó để hành vi này bị phát hiện, trừ khi chúng ta nhận thấy được sự bất thường thể hiện qua khối lượng, giá, lịch sử giao dịch của cổ phiếu để từ đó truy tìm các địa chỉ máy chủ và chứng minh được mối liên hệ mật thiết từ các tài khoản ngân hàng sử dụng để mở các tài khoản chứng khoán hoặc chuyển tiền.
Ở phương diện mong muốn tác động lên ý chí của nhà đầu tư, mục tiêu hướng đến của hành vi "đặt lệnh mua và bán liên tục cùng một mã cổ phiếu trong cùng ngày giao dịch” là để cổ phiếu được giao dịch sôi động, đánh lừa thị giác của nhà đầu tư về cung, cầu để họ tin rằng cổ phiếu đang tăng/giảm cầu hoặc đang tăng/giảm cung để đưa ra các quyết định mua, bán sai lầm về giá trị, tình hình giao dịch thật sự của cổ phiếu. Nếu muốn đẩy giá lên để thoát hàng, các đối tượng thao túng sẽ sử dụng các tài khoản mình kiểm soát để mua đuổi giá lên, bên bán cũng chính là cổ phiếu thuộc các tài khoản của mình đang đặt bán (tăng lượng cầu giả) và sẽ làm ngược lại (tăng lượng cung giả) nếu muốn gom mua cổ phiếu ở vùng giá thấp. Khi nhà đầu tư bị đánh lừa sẽ nghĩ là cổ phiếu dang giao dịch tích cực, tăng giá nên sẽ mua cổ phiếu ở giá cao và ngược lại họ bán ra vì cho rằng cổ phiếu đang bị bán mạnh, sẽ giảm. Một biểu hiện thường thấy của hành vi này là trong cùng một ngày giao dịch, các đối tượng đặt lệnh mua, bán cùng loại cổ phiếu hoặc thông đồng với nhau trong việc mua, bán cổ phiếu nhằm mục đích tạo lập cung cầu và giá cổ phiếu giả tạo mà không thực sự chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các đối tượng thông đồng. Nói một cách dễ hiểu, mục tiêu của hành vi này là tạo ra sự bình thường trong sự bất thường về biến động cung cầu của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung để qua đó tác động lên giá cổ phiếu thông qua việc trục lợi tâm lý và hành vi giao dịch sai lệch của nhà đầu tư hoặc bằng tài khoản của mình kiểm soát trực tiếp tạo giá cổ phiếu. Một số kỹ thuật/cách thức điển hình được các đối tượng thao túng sử dụng phổ biến là: làm tăng cầu hoặc tăng cung; tạo giao dịch giả tạo; đặt mua giá cao hoặc giao dịch ở giá cao liên tục, sử dụng tài khoản mượn danh, bơm giá rồi bán tháo, đè giá rồi gom cổ phiếu, phân phối giá sàn hoặc phân phối giá trần[3].
Thứ ba, liên tục mua hoặc bán cổ phiếu với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại cổ phiếu đó trên thị trường.
Hành vi này chỉ xuất hiện ở những thị trường có áp dụng hình thức khớp lệnh tự động ở phiên mở cửa ATO (15 phút đầu phiên) và phiên đóng cửa ATC (15 phút cuối phiên)[4]. Giá kết phiên ATO sẽ xem là giá bắt đầu giao dịch phiên khớp lệnh liên tục LO, giá ATC sẽ trở thành giá đóng cửa ngày giao dịch và trở thành giá tham chiếu (giá mở cửa) cho phiên giao dịch ngày kế tiếp. Cơ chế thiết lập giá ATO và ATC là “đặc sản” của quy luật cung cầu vì khi lệnh mua chiếm ưu thế về khối lượng mua và giá mua cao sẽ đẩy giá kết phiên ATO, ATC lên cao khi so lệnh khớp và ngược lại khi lệnh bán chiếm ưu thế về khối lượng và giá bán thấp sẽ kéo giá ATO và ATC xuống thấp. Tuy nhiên, bảng giá của sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) chỉ thể hiện lệnh mua/bán ưu tiên 1, 2 và ATO, ATC nên thường các chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu sẽ dùng kỹ thuật che giá ưu tiên 1, 2 để thiết lập giá bằng các lệnh có giá mua/bán mục tiêu cụ thể không hiện trên bảng giá (lệnh ATO, ATC không có đặt giá và được ưu tiên so khớp lệnh).
Để thực hiện hành vi thao túng giá ATO và ATC, thông thường lệnh mua hoặc bán sẽ được đẩy dồn dập vào hệ thống một cách bất ngờ vào những phút cuối phiên để đẩy giá lên hoặc kéo giá xuống, đặc biệt là phiên ATC luôn chứa đựng rất nhiều bất ngờ phút cuối từ hành vi thao túng giá cổ phiếu. Xét về mặt giá trị, thì giá đóng cửa ATC được thiết lập là đóng cửa ngày giao dịch, căn cứ tính các hệ số ký quỹ trên tài khoản margin, căn cứ xác lập giá trị tài sản bảo đảm và đồng thời trở thành giá tham chiếu bắt đầu phiên giao dịch ngày kế tiếp của cổ phiếu nên dù cho giá ATO, giá phiên khớp lệnh liên tục LO có cao hoặc thấp thì đều vẫn bị giá phiên ATC đè dập lên, xóa bỏ hết thành quả tạo lập phiên LO. Do đó, một khi xuất hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu ở phiên ATC thì giá biến đổi từ sàn lên trần hoặc từ trần xuống sàn trong vài phút cuối phiên là chuyện từng nhiều lần xảy ra trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, nhất là vào thời điểm đáo hạn phái sinh hoặc ngày cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư[5].
Thứ tư, giao dịch cổ phiếu bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu.
Về bản chất, hành vi này sử dụng phương thức giao dịch tương tự như các hành vi vừa trình bày ở phần trên vì đều có sự tham gia của nhiều tài khoản giao dịch và các lệnh mua, bán được thực hiện một cách liên tục. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là hành vi “cấu kết" hoặc "lôi kéo" thường được thực hiện theo hội, nhóm hoạt động thông qua các phương tiện thông tin trên nền tảng số (như Zalo, Viber, Facebook, Telegram,...) và có sự chuyển dịch quyền sở hữu cổ phiếu trên thực tế ở các tài khoản giao dịch. Đối với hành vi “lôi kéo” thì đặc điểm thường thấy là có người dẫn đầu (leader) là các môi giới viên hoặc người có kiến thức chuyên môn về chứng khoán hoặc lãnh đạo, quản lý của các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư. Để "lôi kéo" nhiều tài khoản giao dịch làm cho cung cầu sôi động, biến động giá lên, xuống thì người dẫn đầu phải đưa ra các ý kiến chuyên môn, cung cấp các thông tin về cổ phiếu, công ty niêm yết để các tài khoản giao dịch theo cùng hướng làm tăng/giảm cung hoặc tăng/giảm cầu; tăng/giảm giá cổ phiếu. Xét về bản chất hành vi “lôi kéo" có sự tác động lên ý chí của nhà đầu tư thông qua các thông tin, nhận định từ người có kiến thức chuyên môn chứng khoán để nhà đầu tư ít kiến thức tin tưởng và cùng hành động theo. Khi tất cả nhà đầu tư cùng hành động thông qua các lệnh giao dịch cùng mua hoặc cùng bán thì ngay lập tức sẽ tác động lên giá của cổ phiếu. Trường hợp này, các chủ tài khoản bị lôi kéo không bị xem là tham gia thao túng giá cổ phiếu như trường hợp cấu kết liên tục đặt lệnh mua bán cổ phiếu. Bởi lẽ, khi có sự cấu kết thì coi như ý chí của các chủ tài khoản cùng thực hiện giao dịch đã ý thức được việc thao túng cổ phiếu và có sự bàn bạc, trao đổi đi đến thống nhất liên tục đặt lệnh giao dịch cùng mua hoặc cùng bán để tác động lên giá cổ phiếu.
Phải thừa nhận rằng, hành vi này đang ngày càng phổ biến trong những năm gần đây và trở thành bài toán khó giải cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc làm trong sạch và minh bạch thị trường chứng khoán.
Thứ năm, đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một mã cổ phiếu, về tổ chức phát hành cổ phiếu nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của mã cổ phiếu đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với mã cổ phiếu đó.
Quyết định của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ít nhiều đều chịu sự chi phối bởi tâm lý đầu tư. Vậy nên việc tác động lên tâm lý nhà đầu tư sẽ dễ tạo hiệu ứng mua, bán dây chuyền giúp cho chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu đạt được mục tiêu thao túng. Thông thường các nhà đầu tư cá nhân là những người dễ bị ảnh hưởng tâm lý nhất vì đa phần không phải là người hành nghề chuyên môn trong lĩnh vực chứng khoán nên có rất ít kỹ năng đầu tư và trình độ am hiểu chuyên môn sâu về thị trường chứng khoán. Chỉ cần một ý kiến từ chuyên gia về một cổ phiếu hoặc tổ chức niêm yết sẽ gây ảnh hưởng đến quyết định mua, bán cổ phiếu của họ. Do đó, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để trục lợi trên thị trường chứng khoán đã trở nên phổ biến; nhất là trong bối cảnh thời đại công nghệ số càng làm cho những ý kiến nhận định về cổ phiếu, về tổ chức niêm yết đến với nhà đầu tư dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Với chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu, sau khi đã giao dịch và nắm giữ một vị thế (khối lượng cổ phiếu, giá vốn) nhất định sẽ lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để “đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” về cổ phiếu, về tổ chức niêm yết để gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nhằm đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Trên thực tế, đối tượng thực hiện thường sẽ là chuyên gia về chứng khoán hoặc là những người hoạt động chuyên nghiệp trong ngành chứng khoán khi họ đã nắm giữ một lượng cổ phiếu với giá mua nhất định. Mặc dù, việc đưa ra ý kiến có thể theo hướng tiêu cực để làm giảm giá cổ phiếu nếu như họ đã bán giá cao và muốn mua lại ở giá thấp (trading hoặc “lướt sóng”) nhưng đa phần ý kiến được đưa ra đều theo hướng tích cực nhằm đẩy giá cổ phiếu để bán ra cổ phiếu mà mình đang nắm giữ. Một điểm khác cũng đáng lưu ý trong nhận diện hành vi này đó là ý kiến đưa ra đôi khi trực tiếp đích danh tổ chức và cổ phiếu niêm yết nhưng cũng có thể chỉ là ý kiến gián tiếp (phổ biến hơn) nhưng thông qua đó nhà đầu tư sẽ nghĩ ngay đến cổ phiếu mà ý kiến đó nói tới.
Ví dụ: A là chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, sau khi đã nắm giữ 200.000 cổ phiếu REE thì A đã đưa ra ý kiến trực tiếp trên tài khoản Tiktok cá nhân của mình (có hơn 5 triệu lượt người theo dõi) như sau: “lợi nhuận và giá cổ phiếu REE sẽ bứt phá nhờ nắm giữ hàng loạt các dự án thủy điện trong lúc tình hình thủy văn đang rất thuận lợi". Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn ngay sau đó trên trang báo cafef.vn về “cổ phiếu ngành năng lượng - khủng hoảng ở châu Âu và dự báo cho Việt Nam", A đã đưa ra ý kiến như sau: “giá than và giá dầu tăng cao sẽ làm cho các doanh nghiệp điện gặp nhiều khó khăn hơn, trừ các doanh nghiệp lớn đang có nhiều nhà máy thủy điện, điện mặt trời và điện gió, lợi nhuận chắc chắn sẽ bứt phá và giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trong các tháng cuối năm 2022". Với một nhà đầu tư đang có ý định giải ngân, họ sẽ nghĩ đến cổ phiếu ngành điện và REE nhiều khả năng là sự lựa chọn đầu tiên. Hoặc A có đăng bài bằng các tài khoản ảo trên các hội nhóm có nhiều thành viên tham gia trên Facebook với nội dung: “Trong tháng 11 có tổ chức đấu thầu gói thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cho nhà ga hành khách sân bay quốc tế LT có giá hơn 35.000 tỷ đồng. Trong đó, REE có khả năng cao trúng thầu vì đã có kinh nghiệm lâu năm trong lắp đặt cơ điện lạnh cho các sân bay lớn". Trong trường hợp này, hành vi của A gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu bằng cách đưa ra ý kiến cả trực tiếp và gián tiếp thông qua phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, quan điểm tác giả cho rằng, nếu giả sử A không phải là chuyên gia hoặc người không có nhiều sự ảnh hưởng trong lĩnh vực tài chính và tài khoản Tiktok chỉ có vài người theo dõi thì không thể cấu thành hành vi này vì chưa đủ sự ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Trong hành vi này có một điểm rất đáng để bàn luận đó là khi chủ thể thao túng đưa ra ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp về một mã cổ phiếu hoặc một tổ chức phát hành để tác động lên giá cổ phiếu mà mình đang nắm giữ sau khi đã thực hiện giao dịch trước đó, đồng nghĩa với việc tác động lên ý chí quyết định giao dịch của nhà đầu tư dot gamma mức 50/50. Bởi vì khi tiếp nhận ý kiến đó thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể không thực hiện mua bán gì cả và khi đó giá cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có trường hợp phát sinh trên thực tiễn là Tổng Giám đốc A của Công ty X vừa mua 500 nghìn cổ phiếu của công ty mình, sau đó lại ký quyết định thưởng cuối năm cho công ty bằng tiền nhưng tiền này lại được chuyển để mua chính cổ phiếu của công ty mình và cổ phiếu đó thuộc về nhân viên. Trường hợp này mặc dù không đưa ra ý kiến nhưng quyết định của A đã tác động lên 100% ý chí của người khác vì khoản tiền thưởng này của họ, nhưng thông qua quyết định này buộc họ phải dùng tiến của mình để mua cổ phiếu của Công ty X. Đây chính là hành vi thao túng giá cổ phiếu mang tính trá hình và vẫn phải xem là vì phạm quy định này.
Thứ sáu, sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá cổ phiếu.
Trong hành vi này sẽ bao gồm hai hành vi khác nhau, trong đó một hành vi quy định ở hiện tại liên quan đến hành vi kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán và một hành vi khác mang tính dự trù cho tương lai là hành vi sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để thao túng giá cổ phiếu.
Ai cũng biết rằng thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với thông tin, còn tâm lý nhà đầu tư dễ bị tác động bởi tin tức thị trường nên việc tự tạo lập thông tin sai trái là phương thức để chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu một cách hiệu quả. Do đó, “cung cấp thông tin sai lệch”, “tung tin đồn sai sự thật” ra công chúng trở thành hành vi khá phổ biến của các đối tượng thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung với mục đích gây hoang mang tâm lý cho nhà đầu tư hoặc hướng nhà đầu tư đến những giá trị sai lệch của cổ phiếu, diễn biến xu hướng của thị trường. Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì thông tin sai sự thật là thông tin không chính xác; cơ sở để tham chiếu là thông tin thực tế, có thật hoặc thông tin đã được kiểm chứng (xác nhận, chứng thực) bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Một số dạng thông tin sai sự thật thường thấy là: “Tổ chức X hoặc lãnh đạo Y chuẩn bị bán ra một lượng lớn cổ phiếu Z"; "lãnh đạo Y bị khởi tố, cấm xuất nhập cảnh”; “quỹ đầu tư lớn X sẽ mua vào lượng lớn cổ phiếu Z để trở thành cổ đông lớn với giá gấp đôi giá đang giao dịch”; “lợi nhuận quý I của công ty Z vượt kế hoạch năm”, “công ty Z phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 15% cổ phiếu đang lưu hành) với chiết khấu 50% giá thị trường cho cổ đông chiến lược".... mục đích cuối cùng hướng tới của những tin đồn và các thông tin sai sự thật này là thao túng giá cổ phiếu. Điều 199 Đạo luật về Chứng khoán và Hợp đồng tương lai năm 2001 của Xingapo quy định: Cá nhân không được đưa ra một tuyên bố, phổ biến thông tin sai lệch hay gây hiểu lầm trong một tài liệu cụ thể có khả năng kích thích việc mua, bán chứng khoán của những người khác; hoặc gây ảnh hưởng (cho dù là đáng kể hay không) đến việc tăng, giảm, duy trì hoặc ổn định giá thị trường của chứng khoán, nếu người đó không quan tâm liệu tuyên bố hoặc thông tin đó là đúng hay sai; hoặc là người đó biết hoặc đáng lẽ phải biết rằng tuyên bố hoặc thông tin là sai lệch hoặc gây hiểu lầm trong một tài liệu cụ thể[6]. Rõ ràng đây là hành vi thao túng khá nhạy cảm, khó nhận diện và gây ra nhiều khó khăn cho công tác giám sát, xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước bởi sự tác động của thông tin sai lệch đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư tương đối khó xác định. Do đó, việc quy định chi tiết và khắt khe như Điều 199 Đạo luật về Chứng khoán và Hợp đồng tương lai năm 2001 của Xingapo là rất cần thiết.
Ngoài việc kết hợp thông tin sai sự thật thì các đối tượng còn có thể sử dụng các hành vi hoặc phương thức giao dịch khác để thao túng giá cổ phiếu. Đó được xem là một quy định dự liệu cho tương lai trong bối cảnh các hành vi thao túng giá cổ phiếu có xu hướng diễn biến phức tạp với những phương thức, hành vi khác khó nhận diện hơn mà pháp luật chứng khoán hiện tại chưa có quy định.
2. Yếu tố chủ quan
Về cơ bản, đây là mối quan hệ tâm lý bên trong của hành vi, bao gồm các yếu tố như lỗi, động cơ và mục đích[7]. Thông thường thì lỗi là dấu hiệu bắt buộc phải có, còn động cơ và mục đích thì lại không phải là dấu hiệu bắt buộc phải có trong cấu thành hành vi vi phạm. Tuy nhiên, với kỹ thuật lập pháp của khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì cả lỗi, động cơ và mục đích đều trở thành dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung.
• Về “lỗi”: rõ ràng khi thực hiện hành vi này, chủ thể đã nhận thức được thao túng giá cổ phiếu là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Chứng khoán nhưng vẫn cố tình thực hiện, trong khi chủ thể này có thể xử sự khác đi là không thực hiện. Như vậy, đây phải là lỗi cố ý.
• Về mục đích, động cơ, trục lợi thị trường chứng khoán và thu lợi bất hợp pháp là động cơ thôi thúc ý chí của chủ thể để thực hiện hành vi nhắm tới mục đích là kiểm soát hoàn toàn giá hoặc tạo lập giá giả tạo hoặc gây biến động lớn lên giá cổ phiếu; phục vụ cho động cơ trục lợi từ thị trường chứng khoán. Do đó, trong hành vi này, động cơ và mục đích có mối quan hệ nhân quả, tương hỗ lẫn nhau.
3. Khách thể
Thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà cụ thể là trái với các nguyên tắc cơ bản của thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến trật tự giao dịch của thị trường chứng khoán tập trung; xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức tham gia thị trường chứng khoán tập trung. Thông qua các thủ thuật giao dịch chuyên môn cao, hành vi này làm cho giá cổ phiếu bị giả tạo, không còn phản ánh đúng bản chất, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán tập trung; gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm mất niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán tập trung; đe dọa khả năng thực hiện kế hoạch huy động vốn của tổ chức niêm yết cổ phiếu; ảnh hưởng đến quy mô vốn hóa của thị trường và sự ổn định kinh tế - xã hội.
4. Chủ thể
Điều kiện về chủ thể của hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung sẽ tùy thuộc vào hình thức truy cứu trách nhiệm pháp lý được áp dụng tương xứng với mức độ vi phạm của hành vi. Do đó, việc xác định chủ thể của hành vi này sẽ căn cứ vào hình thức truy cứu trách nhiệm pháp lý như sau:
Thứ nhất, đối với trách nhiệm hành chính. Chủ thể là cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo khoản 1 Điều 2 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP:
• Cá nhân: căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2022 (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) thì chủ thể là cá nhân phải từ đủ 14 tuổi và không thuộc trường hợp người không có năng lực trách nhiệm hành chính (trách nhiệm hành chính) theo khoản 15 Điều 2 Luật này.
• Tổ chức: căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì các tổ chức nêu trên sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với mọi hành vi do mình gây ra khi có đủ các điều kiện, đó là: (i) Phải là pháp nhân theo quy định pháp luật dân sự hoặc tổ chức khác được thành lập theo quy định pháp luật; (ii) Hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung phải do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước[8].
Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể của hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung khi thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Thứ hai, đối với truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ thể là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại:
• Cá nhân: phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên; trường hợp là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội này thì áp dụng các quy định tại Chương XII (từ Điều 90 đến Điều 107) của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xử lý. Mặt khác, đây là tội phạm mà mức hình phạt cao nhất chỉ đến 07 năm tù (không phải là “tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”) nên người dưới 18 tuổi phạm tội mà có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật này[9].
• Pháp nhân thương mại: chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015, đó là hành vi phạm tội thực hiện phải nhân danh và “vì lợi ích của pháp nhân thương mại”, đồng thời phải “có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”. Cần lưu ý việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân[10].
Thứ ba, đối với truy cứu trách nhiệm dân sự. Chủ thể là cá nhân hoặc pháp nhân:
• Cá nhân: có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015[11], không thuộc trường hợp bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
• Pháp nhân: phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 86 Bộ luật Dân sự năm 2015[12]. Như vậy, điều kiện về chủ thể giữa các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là khác nhau, thực thi theo pháp luật chuyên ngành hành chính, dân sự hoặc hình sự. Do đó, tuỳ vào mức độ vi phạm của hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung mà đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu bằng hình thức trách nhiệm pháp lý tương xứng khi đáp ứng yêu cầu về điều kiện chủ thể.
5. Kết luận
Thao túng giá cổ phiếu là một “cá thể sống” rất phức tạp và rất khó để nhận diện trên thị trường chứng khoán tập trung. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy giá khớp lệnh và khối lượng giao dịch của cổ phiếu hiển thị trên bảng điện, còn phía sau cơ chế hình thành nên giá cổ phiếu đó có khách quan hay đã bị bóp méo bởi các hành vi thao túng thì cần phải có thời gian (bằng nghiệp vụ, kiến thức nhất định về pháp luật và chứng khoán) để tiến hành các cuộc điều tra, thu thập chứng cử nhằm chứng minh và kết luận.
Để có góc nhìn khách quan chi tiết về từng hành vi cụ thể trong hành vi thao túng giá cổ phiếu thì ngoài việc phân tích các dấu hiệu còn phân tích về mối quan hệ giữa hành vi thao túng giá cổ phiếu với một số hành vi bất hợp pháp khác giúp các nhà làm luật xây dựng các tiêu chí cho từng dấu hiệu nhận biết điều chỉnh hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung đảm bảo tính logic, tính khoa học, tính thống nhất và tính thực thi trong thực tiễn.
[1] Phần mềm tự động giao dịch bằng công nghệ phân tích trí tuệ nhân tạo.
[2] Việt Dũng: Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái, người thân mở 450 tài khoản chứng khoán, Báo Lao động, 2022, https://laodong.vn/phap-luat/ong-trinh-van-quyet-chi-dao-em-gai-nguoi-than-mo-450-tai-khoan-chung-khoan-1053636.ldo.
[3] Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Giao dịch tần suất cao để thao túng thị trường, Tạp chí Chứng khoán, số ấn phẩm 240, 15/10/2018; Lê Thị Thảo: Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam, Sđd, tr.40,41.
[4] Tại Việt Nam, chỉ có HOSE là áp dụng ATO và ATC, trong khi HNX chỉ áp dụng ATC. Trong khi rất ít thị trường trên thế giới áp dụng ATO và ATC nên có thể gọi là “đặc sản” của thị trường chứng khoán Việt Nam.
[5] Http://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan- chieu-193-bat-ngo-thao-chot-phien-atc-post264654.html.
[6] "199. A person must not make a statement, or disseminate information, that is false or misleading in a material particular and is likely
b) to induce the sale or purchase of securities, securities-based derivatives contracts or units in a collective investment scheme, by other persons; or
c) to have the effect (whether significant or otherwise) of raising, lowering, maintaining or stabilising the market price of securities, securities-based derivatives contracts or units in a collective investment scheme, if, when the person makes the statement or disseminates the information the person does not care whether the statement or information is true or false; or the person knows or ought reasonably to have known that the statement or information is false or misleading in a material particular".
[7] Trường Đại học Cần Thơ: Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam (Phần 2), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.170.
[8] Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
[9] Đinh Văn Quế: Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2018, tr.370-371, 403
[10] Đinh Văn Quế: Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2018, tr.403
[11] Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
[12] Điều 86. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào số đăng ký.
3. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.