Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 00:00

Định hướng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động trung gian thương mại

Sau gần 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, chúng ta đã từng bước xây dựng và hình hành tương đối đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, trong đó có pháp luật về thương mại và đầu tư, làm nền tảng pháp lý quan trọng cho đầu tư kinh doanh và thúc đẩy giao lưu thương mại. Đối với lĩnh vực hoạt động trung gian thương mại, pháp luật thương mại cũng có những bước phát triển lớn. Đặc biệt, sau sự ra đời của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại năm 2005, nhìn chung pháp luật Việt Nam hiện hành đã điều chỉnh  tương đối  đầy đủ  các vấn đề  liên  quan đến  hoạt  động trung gian thương mại. Tuy nhiên, bên  cạnh những ưu điểm đó, các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động trung gian thương mại cũng bộc lộ một số bất cập, cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển loại hoạt động này trong nền kinh tế thị  trường, đặc biệt  trong xu thế hội nhập kinh tế  quốc tế hiện  nay. Việc hoàn thiện pháp luật về các hoạt động trung gian thương mại ở nước ta cần thực hiện dựa trên những cơ sở và tuân theo những định hướng dưới đây:

1. Pháp  luật điều chỉnh  hoạt  động trung gian thương mại  phải phù hợp với đặc điểm  của nền kinh tế đang chuyển  đổi ở Việt Nam

Pháp luật nói chung và pháp luật về  các hoạt  động trung gian thương mại  nói riêng  là  một bộ phận của kiến  trúc thượng  tầng nên  chịu sự ảnh hưởng rất lớn của các  yếu  tố tồn tại  khách  quan trong xã  hội. Một trong những yếu tố có tác động khá lớn tới sự hình thành và phát triển của pháp luật về hoạt động trung gian thương mại ở nước ta là  đặc điểm  và  trình độ phát triển của nền kinh tế  nói chung, của hoạt động trung gian thương mại nói riêng. Việc xác định đúng tính chất, đặc điểm  và  trình   độ  phát triển của hoạt  động trung gian thương mại  trong điều kiện  nền  kinh tế  đang chuyển đổi  để hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động trung gian thương mại đồng bộ, phù hợp có ý nghĩa quan trọng.

Dựa vào sự tác động đối với các quan hệ xã hội được pháp luật về hoạt động trung gian thương mại điều chỉnh,  theo chúng tôi những đặc điểm  sau đây của nền kinh tế Việt  Nam có ảnh hưởng đến việc hoàn thiệnpháp luật về các hoạt động trung gian thương mại.

Thứ nhất, nền kinh tế thị trường Việt Nam được chuyển đổi từ nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung.

Trong cơ chế kế hoạch hóa, nhà nước quản lý nền kinh tế thông qua hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch chi tiết với chế độ cấp phát và giao nộp theo quan hệ hiện vật. Do đó, các hoạt động dịch vụ thương mại nói chung và các hoạt động trung gian thương mại nói riêng không có điều kiện  để  phát triển tự do theo đúngnghĩa của các dịch vụ vì lợi nhuận. Các hoạt động trung gian thương mại được sử dụng như một biện pháp để nhà nước quản lý thị trường thông qua sự phân công và hợp tác giữa một bên là doanh nghiệp nhà nước và một bên là các chủ thể khác. Các công cụ hành chính được sử dụng chủ yếu trong quản lý hoạt động trung gian thương mại. Trong thời kỳ này, pháp luật điều chỉnh  hoạt động trung gian thương mại còn rất hạn hẹp  về phạm vi điều chỉnh,  nội dung điều chỉnh  còn nặng  về hành chính. Nhìn chung, hoạt động trung gian thương mại cũng như hoạt động thương mại nói chung còn có nhiều rào cản, chưa bảo đảm quyền tự do trong hoạt động thương mại của cá nhân, tổ chức.

Chuyển sang nền kinh tế thị trường, pháp luật điều chỉnh hoạt động trung gian thương mại  cần phải có sự thay đổi  lớn về  phạm vi điều chỉnh,  về nội dung, và cơ chế điều chỉnh đảm bảo phù hợp với các quy luật khách quan của kinh tế thị  trường, đồng thời phải bảo đảm quyền tự do thực hiện các hoạt động thương mại  này của thương nhân. Tuy nhiên,  trong nhiều vấn đề  liên quan đến các hoạt động trung gian thương mại (tiêu biểu là hoạt động đại lý), tư duy cũ, quan niệm cũ vẫn còn ảnh hưởng đến việc  soạn thảo và ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh  loại hoạt động thương mại này. Trong một số trường hợp, Nhà nước vẫn còn can thiệp khá sâu đến việc hình  thành quan hệ hợp đồng phát sinh trong hoạt động trung gian thương mại. Điều này được thể hiện rõ trong quy định khá chi tiết về nội dung chủ yếu của hợp đồng đại lý bảo hiểm, hợp đồng đại lý lữ hành (Luật du lịch năm 2005, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000) hoặc trong các quy định về điều kiện  để ký hợp đồng đại lý xăng dầu của bên đại lý...). Đặc điểm này đòi hỏi những giải pháp hoàn thiện pháp luật về các hoạt động trung gian thương mại phải được xây dựng trên quan điểm là phải thay đổi căn bản và triệt để  tư duy pháp lý điều chỉnh  mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, "xin-cho" sang tư duy mới  là bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền  bình đẳng giữa các bên trong các hoạt động trung gian thương mại. Để làm được điều này, nhà nước cần tháo bỏ các rào cản về chính  sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến  quyền tự do thực hiện hoạt động trung gian thương mại của thương nhân.

Các rào  cản về  chính  sách,  pháp luật  cần được  loại  bỏ gồm: các  quy định gây cản trở đến việc hình thành quan hệ hợp đồng trong hoạt động trung gian thương mại; các quy định thiếu tính phù hợp,  không bảo đảm quyền lợi của các  bên  tham gia, gây  khó khăn  trong quá  trình thực hiện hoạt  động trung gian thương mại; ngoài ra cũng cần phải bổ sung các quy định về nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ (bên giao đại lý, bên uỷ thác) với bên  thứ ba trong các hoạt động đại lý, uỷ thác.

Thứ hai, nền kinh tế thị trường Việt Nam được xây dựng và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Điều 15 Hiến pháp 1992 (sửa đổi) khẳng  định: Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Báo cáo chính  trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng  khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  X của Đảng cũng đã chỉ rõ: tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm xây dựng nền kinh tế thị trường Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi hiểu mô hình kinh tế thị  trường ở Việt Nam là mô hình kết hợp  những nhân tố hợp  lý của nền kinh tế thị trường trên thế giới và những ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

Nền kinh tế thị  trường mà Việt Nam đang xây dựng là một nền kinh tế thị trường xã hội, phù hợp với các điều kiện lịch sử, đặc điểm  của đất nước và hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ sở chính trị xác định các hoạt động kinh tế phát triển theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Xuất phát từ đặc điểm  phát triển nền kinh tế thị  trường Việt Nam theo định hướng  xã hội chủ nghĩa, những giải pháp hoàn thiện pháp luật về hoạt động trung gian thương mại  cần phải bảo đảm  tính hai mặt. Một mặt, pháp luật về hoạt động trung gian thương mại phải thể hiện những giá trị tiến bộ, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, mặt khác phải tuân theo những nguyên tắc vốn có của nền kinh tế thị  trường. Hay nói một cách khác, pháp luật về các hoạt động trung gian thương mại ngoài việc phản ánh những điều kiện  cụ thể của nền kinh tế thị  trường Việt Nam, còn phải tiếp thu những quan điểm lập pháp tiến bộ phổ biến trên thế giới.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có đặc điểm quan trọng là thành phần kinh tế nhà nước được xác định giữ vai trò chủ đạo. Đặc điểm này của nền kinh tế Việt  Nam tiếp tục được khẳng  định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4/2006). Trong lĩnh vực phân phối, lưu thông hàng hoá, đặc  thù này đã được  thể hiện  rõ trong Quyết định 27/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-02-2007 về phê  duyệt đề  án  phát  triển  thương mại  trong nước  đến  năm  2010 và  định hướng đến năm 2020 là: cần tạo ra các mối liên kết kinh tế và tổ chức các loại hình thương mại theo các mối liên kết giữa sản xuất-lưu thông-tiêu dùng  và giữa các khâu, các công đoạn của quá trình lưu thông, nhằm hạn chế những biến động của thị trường, đặc biệt  trên một số mặt hàng trọng yếu (xăng dầu, sắt thép,  phân  bón, thuốc chữa bệnh v.v...) và các  mặt  hàng đặc  thù (rượu, thuốc lá v.v...) Để làm được điều này cần phát huy vai trò định hướng và tổ chức thị trường của các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu  tư nước ngoài thiết  lập hệ thống kinh doanh, tạo ra thị trường cạnh tranh.

Những đòi hỏi của việc thiết lập hệ thống phân phối bằng nhiều phương thức trong đó có phương thức phân phối qua thương nhân trung gian nói trên đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật thương mại nói chung và pháp luật về các hoạt động trung gian thương mại nói riêng phải xử lý tốt tính hai mặt của các mối quan hệ kinh tế phức tạp có liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác. Trước hết, pháp  luật về  các  hoạt  động trung gian thương mại  phải bảo đảm  cho các thương nhân nước  ngoài cũng như thương nhân Việt  Nam thuộc các  thành phần kinh tế  thực hiện hoạt  động trung gian thương mại  tại  Việt Nam theo nguyên tắc bình  đẳng trước pháp luật, cùng  tồn tại và phát triển  lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác, pháp luật phải thể hiện vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước đối với  việc phát triển các hoạt động trung gian thương mại ở Việt Nam, chú trọng phát huy vai trò của công ty nhà nước trong vị trí đầu  mối của các hệ thống dịch vụ thương mại qua trung gian như: dịch vụ đại lý lữ hành, môi giới bảo hiểm, môi giới chứng khoán...

Như vậy, yêu  cầu đặt  ra đối với  pháp luật về các hoạt động trung gian thương mại là phải tạo ra môi trường pháp lý bình đẳng giữa các thương nhân trong hoạt động trung gian thương mại  nhưng đồng thời phải xác lập cơ sở pháp lý để nhà nước có thể điều tiết nền kinh tế thông qua các công ty thuộc sở hữu nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực này.

 Thứ ba, nền kinh tế thị trường Việt Nam thiếu dịch vụ phân phối hiện đại và chưa được quản lý tốt

Nền kinh tế thị  trường Việt Nam được chuyển đổi từ nền kinh tế hiện vật, nơi mà các  quan hệ phân  phối dưới  hình thức giá  trị  không được  chú trọng. Do đó, khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam thường ít có chiến lược kinh doanh nên cũng chưa xây dựng được chiến l−ợc phân phối rõ ràng, chưa thiết lập được mạng phân phối riêng,  đặc biệt chưa thấy được tác dụng của việc sử dụng các hình thức trung gian thương mại để  phân phối hàng hoá cho mình . Mặt khác, xuất phát từ nền sản xuất nhỏ, lạc hậu nên hoạt động phân phối hàng hoá ở nước ta chủ yếu dựa vào đội ngũ các nhà kinh doanh buôn bán nhỏ (chiếm trên 90% lực lượng thương nhân của cả nước).   Họ có vốn kinh doanh nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, không có khả năng tổ chức và điều phối hệ thống phân phối hàng hoá hiện đại trên thị trường, sự liên  kết trong phân phối đặc biệt  liên  kết trong các hoạt động trung gian thương mại ít  có khả năng thực hiện. Trong thực tế, doanh nghiệp Việt Nam thường do dự trong việc chủ động phát triển  hệ thống phân phối hàng hoá vì lý do thiếu vốn và cơ sở vật chất kỹ thuật. Để giải quyết vấn đề này, hiện nay các doanh nghiệp cần phát triển  hệ thống phân phối hàng hoá, dịch vụ thông qua các nhà trung gian chuyên  nghiệp dưới hình thức "đại lý, đại diện, môi giới" nhằm tạo nên sự liên kết vững chắn, ổn định, giúp việc tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ được thực hiện môt cách nhanh chóng, có hiệu quả.

Trước  thực trạng  nêu  trên  về hệ  thống phân phối ở nước  ta, việc hoàn thiệnpháp luật điều chỉnh  hoạt động trung gian thương mại phải nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các liên  kết có quy mô lớn,  vững chắc, lâu dài giữa nhà sản xuất và các trung gian thương mại, đồng thời phải có những quy định cụ thể rõ ràng giúp thương nhân dựa vào đó  để thoả thuận thiết lập và thực hiện các hoạt động trung gian thương mại.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 10 Tháng 11 2014 03:14

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành