Thứ hai, 15 Tháng 4 2024 09:20

Tổng hợp khái quát những nội dung cơ bản pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại

Các ngân hàng thương mại vừa thực hiện các hoạt động cấp tín dụng vừa thực hiện các hoạt đầu tư vốn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt nhằm bảo đảm tính bền vững trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.

Với hoạt động cấp tín dụng là phương thức hỗ trợ đầu tư phát triển kinh doanh, tiêu dùng cho nhiều chủ thể khác nhau (các tổ chức kinh tế, các cơ quan thuộc Chính phủ, các cá nhân và hộ gia đình). Những khoản cấp tín dụng phổ biến dưới hình thức cho vay có thể góp phần đem lại việc làm và thu nhập cho rất nhiều người dân, mặc dù trong số đó không phải ai cũng vay vốn trực tiếp của ngân hàng thương mại nhưng họ cũng là những người hưởng lợi gián tiếp từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, nội dung pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng được chia thành các nhóm chủ yếu sau:

Thứ nhất, nhóm quy định pháp luật về phương thức thực hiện hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại

Phương thức thực hiện hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại được hiểu là cách thức và phương pháp ngân hàng thực hiện hoạt động đầu tư. Bộ phận pháp luật này có ý nghĩa nhằm xác định phạm vi tham gia của ngân hàng thương mại vào các giao dịch có khả năng sinh lời thông qua việc đầu tư tiền hoặc tài sản. Hiện nay, đánh giá rủi ro và lợi ích từ hoạt động đầu tư do ngân hàng thương mại thực hiện không đồng nhất giữa các quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, thực trạng nền kinh tế, tài chính, trình độ quản lý, ý thức chấp hành pháp luật ở mỗi quốc gia đều có những đặc thù nhất định. Các yếu tố này tác động đến quy định pháp luật về phạm vi và mức độ ngân hàng tham gia thực hiện hoạt động đầu tư, từ đó tác động đến phương thức thực hiện hoạt động đầu tư của ngân hàng.

Mô hình ngân hàng đa năng (đa năng toàn phần và đa năng bán phần) và ngân hàng chuyên doanh là các xu hướng hiện nay đang tồn tại trong quản lý hoạt động của ngân hàng thương mại. Nhìn chung, mô hình ngân hàng đa năng, đặc biệt là đa năng toàn phần tạo ra một cơ chế rộng hơn cho ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đầu tư, theo đó ngân hàng thương mại có thể trực tiếp thực hiện hoạt động đầu tư chứng khoán, thực hiện góp vốn, mua cổ phần và các hoạt động đầu tư khác. Trong khi đó, mô hình chuyên doanh đặt ra ranh giới rõ ràng hạn chế sự tham gia của ngân hàng vào hoạt động đầu tư, đặc biệt đầu tư chứng khoán, bởi vậy phương thức ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đầu tư cũng giới hạn hơn.

Xét trong quy định pháp luật Việt Nam hiện hành thì các phương thức thực hiện hoạt động đầu tư do ngân hàng thương mại thực hiện gồm hoạt động góp vốn, mua cổ phần; hoạt động đầu tư chứng khoán; hoạt động ủy thác đầu tư.

Thứ hai, nhóm quy định pháp luật về các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại

Bộ phận pháp luật này được xác định là nội dung rất quan trọng trong cơ cấu pháp luật về đầu tư của ngân hàng thương mại. Sự tồn tại của các quy định nhằm bảo đảm an toàn hoạt động đầu tư sẽ duy trì sự cân bằng giữa quyền tự do kinh doanh của ngân hàng và sự bảo đảm an toàn hệ thống cần phải được duy trì. Ngân hàng thương mại vốn được coi là chủ thể có tiềm lực tài chính lớn được thành lập nhằm mục đích thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, bởi vậy hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại được pháp luật cho phép nhưng luôn song hành là các giới hạn và các biện pháp bảo đảm an toàn thể hiện qua nhiều nội dung: giới hạn góp vốn, mua cổ phần, tỷ lệ nắm giữ cổ phần, cổ phiếu tại một doanh nghiệp, các giao dịch hạn chế trong hệ thống công ty trực thuộc, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại, điều kiện, giới hạn trong việc mua bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, các giới hạn khi thực hiện ủy thác đầu tư.

Thứ ba, nhóm các quy định về các chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại

Trong lĩnh vực tài chính nói chung, hoạt động quản lý nhà nước thể hiện chủ yếu qua chức năng giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm cho các chủ thể kinh doanh thực hiện hoạt động đúng định hướng và có trách nhiệm, bảo vệ thị trường và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch. Mặc dù các điều kiện, trình tự, các biện pháp bảo đảm được pháp luật xác lập cũng nhằm mục tiêu trên, song với vị thế là chủ thể kinh doanh, các ngân hàng thương mại có thể hành động vì lợi ích của mình, không bảo đảm sự tuân thủ các quy định. Chính vì lý do này, pháp luật các quốc gia đều có quy định về các chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động tiền tệ nói chung trong đó bao gồm các hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại.

1. Pháp luật quy định về điều kiện để ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đầu tư

1.1. Pháp luật quy định về điều kiện để ngân hàng thương mại thực hiện góp vốn, mua cổ phần

Góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng là việc tổ chức tín dụng góp vốn cấu thành vốn điều lệ, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác, bao gồm cả việc cấp vốn, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng, góp vốn vào quỹ đầu tư và ủy thác vốn cho các tổ chức khác góp vốn, mua cổ phần. Trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư ngân hàng thương mại được thực hiện góp vốn, mua cổ phần để thành lập công ty con.

Điều kiện thực hiện góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại để thành lập công ty con (trừ công ty con là công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản)[1]:

- Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có nội dung hoạt động góp vốn, mua cổ phần;

- Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng trong 24 tháng liền kề trước tháng đề nghị và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;

- Đảm bảo tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng trong 24 tháng liền kề trước tháng đề nghị và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;

- Giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần không thấp hơn mức vốn pháp định;

- Kết quả hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm đề nghị đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập;

- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, góp vốn, mua cổ phần trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị;

- Có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ nhỏ hơn 3% trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị;

- Có cơ cấu tổ chức, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều kiện thực hiện góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản gồm:

- Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng có nội dung hoạt động góp vốn, mua cổ phần;

- Đảm bảo tỷ lệ góp vốn, mua cổ phẩn theo quy định tại Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;

- Có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ trên 3% trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị.

Hồ sơ đề nghị chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại gồm[2]:

+ Văn bản của tổ chức tín dụng đề nghị chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư số 51/2018/TT-NHNN;

+ Văn bản của cấp có thẩm quyền của ngân hàng thương mại chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần;

- Đề án của ngân hàng thương mại về việc góp vốn, mua cổ phần, trong đó tối thiểu bao gồm những nội dung sau:

+ Tên (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài), địa chỉ trụ sở chính của tổ chức tín dụng thực hiện góp vốn, mua cổ phần;

- Tên (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài), địa chỉ trụ sở chính, nội dung hoạt động, thời hạn hoạt động của doanh nghiệp nhận góp vốn, mua cổ phần;

+ Lý do, sự cần thiết của việc góp vốn, mua cổ phần;

+ Dự kiến số tiền góp vốn, tỷ lệ vốn góp; dự kiến số cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp nhận góp vốn, mua cổ phần;

+ Vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng thương mại trước khi thực hiện góp vốn, mua cổ phần;

+ Dự kiến vốn điều lệ, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng thương mại thực hiện góp vốn, mua cổ phần tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phẩn;

+ Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ của từng tháng trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị;

+ Tình hình chấp hành quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, góp vốn, mua cổ phần trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị;

+ Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong 12 tháng liền kề (đôi với trường hợp góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty liên kết) hoặc 24 tháng liền kề (đối với trường hợp góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty con) trước tháng đề nghị và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;

+ Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần trong 12 tháng liền kề (đối với trường hợp góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty liên kết) hoặc 24 tháng liền kề (đối với trường hợp góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty con) trước tháng đề nghị và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;

+ Cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng; cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và quy định của Ngân hàng Nhà nước;

+ Cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn của công ty con, công ty liên kết sau khi được thành lập, mua lại bởi ngân hàng thương mại theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước;

+ Đánh giá tác động của việc góp vốn, mua cổ phần đến tình hình tài chính, quản trị, điều hành và hoạt động của tổ chức tín dụng;

- Báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm để nghị của tổ chức tín dụng đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp nhận góp vốn, mua cổ phần.

Hồ sơ đề nghị chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại lập thành 02 bộ hồ sơ theo quy định gửi Ngân hàng Nhà nước thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Đồng thời, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại bổ sung hồ sơ[3].

1.2. Pháp luật quy định về điều kiện để ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đầu tư chứng khoán

Hoạt động đầu tư chứng khoán là việc bỏ vốn thường xuyên, lâu dài hoặc là trong ngắn hạn vào các chứng khoán có mức độ rủi ro khác nhau để mong kiếm được thu nhập từ quyền sở hữu các chứng khoán đó.

- Đặc điểm hoạt động đầu tư chứng khoán của các ngân hàng thương mại

Xuất phát từ đặc điểm của ngân hàng thương mại, hoạt động đầu tư chứng khoán có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cao, chất lượng đầu tư cao.

Với tư cách là một trung gian tài chính, chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, hoạt động kinh doanh chứng khoán của Ngân hàng thương mại được tổ chức và thực hiện một cách chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Sự chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa thể hiện ở đội ngũ nhân sự thực hiện công tác đầu tư, cách phân định chức năng nhiệm vụ cho các phòng ban. Thông thường các ngân hàng thương mại có một phòng chức năng riêng biệt thực hiện hoạt động đầu tư chứng khoán, một số ngân hàng có quy mô lớn hơn thì việc đầu tư vào chứng khoán nợ và chứng khoán vốn cũng được thực hiện và quản lý bởi các phòng, ban khác nhau... Bởi vậy, hoạt động đầu tư chứng khoán của các ngân hàng thương mại là hoạt động có chất lượng đầu tư cao, độ rủi ro thấp...

Thứ hai, quy mô đầu tư lớn, danh mục đầu tư linh hoạt và đa dạng.

Hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại ngày càng lớn do vai trò ngày càng quan trọng của nó trong hoạt động của ngân hàng thương mại, do sự tăng trưởng, phát triển của ngân hàng thương mại trên quy mô tài sản, nguồn vốn, do áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt... Để bảo đảm được yêu cầu về việc đáp ứng khả năng thanh khoản khi cần thiết, khả năng sinh lợi... ngân hàng thương mại thực hiện đầu tư vào một danh mục chứng khoán linh hoạt và đa dạng. Sự linh hoạt và đa dạng thể hiện ở các loại chứng khoán khác nhau, thời gian đáo hạn khác nhau, mức độ rủi ro, sinh lời khác nhau, khả năng chuyển đổi thành tiến khác nhau...

Thứ ba, yêu cầu an toàn vốn cao, chứng khoán có tỉnh thanh khoản lớn.

Với đặc điểm nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ, nguồn vốn huy động chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng nguồn vốn của ngân hàng thương mại, do vậy trong quá trình hoạt động yêu cầu an toàn vốn được đặt lên hàng đầu, điều đó đòi hỏi các chứng khoán được đầu tư phải có tính thanh khoản lớn, có lãi suất cố định. Các chứng khoán được đầu tư phải giữ được vai trò là dự trù thứ cấp cho ngân hàng trong vấn đề thanh khoản. Ngoài ra, nguồn vốn huy động từ các tổ chức và cá nhân chủ yếu phải trả lãi suất cố định nên để cân bằng thu nhập và chi phí trong hoạt động, bảo đảm có lãi, ngân hàng thường lựa chọn các chứng khoán có lãi suất cố định để đầu tư.

Thứ tư, hoạt động đầu tư bị kiểm soát.

Cũng giống như các hoạt động sử dụng vốn khác của ngân hàng thương mại, hoạt động đầu tư chứng khoán bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính bản thân ngân hàng và của Nhà nước. Hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại thường được quy định chi tiết trong Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định của ngân hàng thương mại và điều lệ của ngân hàng thương mại. Mục đích việc kiểm soát của bản thân các ngân hàng là nhằm đáp ứng yêu cầu về tính an toàn trong hoạt động. Mục đích của Nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động đầu tư chứng khoán là nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tránh xung đột lợi ích giữa các bên, bên cạnh đó còn nhằm bảo đảm an ninh kinh tế và an ninh chính trị cho đất nước. Việc kiểm soát hoạt động đầu tư chứng khoán được thực hiện trên các phương diện như nguồn vốn đầu tư, tài sản đầu tư và phương thức đầu tư. Tất cả sự kiểm soát này được thể chế hóa dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật như luật, quyết định,....

Thứ năm, sử dụng các công cụ phòng vệ.

Nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn, ổn định hóa lợi nhuận, các ngân hàng thương mại thường sử dụng các công cụ phòng vệ trong hoạt động đầu tư chứng khoán như hợp đồng trần, sàn lãi suất, hoán đổi lãi suất, tiền tệ, hoán đổi kỳ hạn và các sản phẩm kết hợp khác,....

Thứ sáu, phạm vi đầu tư lớn, đa dạng.

Hoạt động của các ngân hàng thương mại thường bao trùm lên hầu hết các ngành nghề, khu vực của nền kinh tế quốc dân, do đó các ngân hàng thương mại nắm được nhiều thông tin, cơ hội đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Tận dụng những cơ hội này trong hoạt động đầu tư chứng khoán, các ngân hàng thương mại có được phạm vi đầu tư lớn và đa dạng.

Về phạm vì sự tham gia của ngân hàng thương mại vào hoạt động chứng khoán trên thế giới, xét trong quan điểm hoạt động chứng khoán nói chung, sự tham gia của ngân hàng thương mại vào hoạt động này trên thế giới được xác lập qua hai mô hình, cụ thể:

- Mô hình ngân hàng đa năng hoàn toàn: Mô hình này không có sự tách bạch giữa hoạt động ngân hàng và chứng khoán. Ngân hàng thương mại không những được hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ mà còn tham gia trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm. Mô hình này được áp dụng ở các nước Bắc Âu, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Áo, tại châu Á có Ấn Độ, Philíppin[4].

- Mô hình đa năng một phần: Pháp luật một số quốc gia như Anh, Ôxtrâylia, Canada hay Nhật Bản và Việt Nam quy định các ngân hàng bắt buộc phải thành lập công ty con là công ty chứng khoán, hoạt động độc lập để thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đa dạng hóa hoạt động, các ngân hàng thương mại cũng có thể thực hiện một số giao dịch chứng khoán trực tiếp một cách hạn chế[5].

Về phạm vi hoạt động chứng khoán của ngân hàng, các nghiên cứu hiện nay trên thế giới và pháp luật ngân hàng thường tiếp cận trên phạm vi tương đối rộng.

Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Glass-Steagall năm 1933 khi đặt ra các quy định hạn chế hoạt động chứng khoán của ngân hàng cũng đề cập các hoạt động chứng khoán ngân hàng tham gia, bao gồm “phát hành, bảo lãnh, mua bán hoặc phân phối cổ phiếu, trái phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các loại chứng khoán khác[6]. Pháp luật ngân hàng Nhật Bản ghi nhận một số hoạt động kinh doanh chứng khoán các ngân hàng được thực hiện tự doanh, bảo lãnh phát hành[7]. Tác giả Arnold W.Sametx trong cuốn sách Hoạt động chứng khoán của ngân hàng thương mại (Securities Acivities of Commercial Banks) xuất bản năm 1981 cũng đề cập các hoạt động chứng khoán chủ yếu của ngân hàng thương mại bao gồm phát hành, tự doanh, bảo lãnh, môi giới chứng khoán.

Các nghiên cứu và tiếp cận này thường đề cập và liên hệ đến mô hình ngân hàng đầu tư với hoạt động chứng khoán làm nòng cốt, trong đó, nhiều hoạt động mang tính chất phục vụ khách hàng nhằm thu phí dịch vụ không thể hiện rõ “tính chất đầu tư” của hoạt động[8].

- Điều kiện thực hiện hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại

Hệ thống ngân hàng Việt Nam xác lập và duy trì mô hình ngân hàng đa năng bán phần, tuy nhiên các ngân hàng thương mại vẫn được trực tiếp thực hiện đầu tư vào một số loại chứng khoán. Điều kiện chung đối với việc thực hiện đầu tư chứng khoán là các giao dịch chứng khoán phải được ghi trong giấy phép hoạt động được ngân hàng nhà nước cấp.

Về điều kiện cụ thể, các hoạt động đầu tư chứng khoán xét về tính chất có “độ rủi ro thấp" như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, v.v. không có quy định cụ thể về điều kiện. Đối với chứng khoán có độ an toàn ít được đảm bảo hơn như trái phiếu doanh nghiệp, pháp luật quy định điều kiện ngân hàng thương mại phải tuân thủ đảm bảo an toàn nguồn vốn, khả năng thanh toán cho chính ngân hàng thương mại. Các điều kiện tập trung vào các tiêu chí nhằm xác lập quy trình hiệu quả thực hiện hoạt động đầu tư như phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp,... (Điều 3 Thông tư số 22/2016/TT-NHNN).

- Trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại.

Pháp luật ngân hàng Việt Nam hiện nay không quy định về trình tự thực hiện hoạt động mua, bán chứng khoán của ngân hàng. Hoạt động mua bán chứng khoán của ngân hàng thương mại thực hiện như nhà đầu tư khác trên thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán. Ở Nhật Bản[9], ngân hàng được thực hiện mua hoặc bán chứng khoán nhằm mục đích đầu tư (theo danh mục đầu tư). Hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng được điều chỉnh tại nhiều văn bản luật khác nhau: Luật Ngân hàng Nhật Bản xác định danh mục các loại chứng khoán ngân hàng được phép mua bán; Luật Giao dịch hàng hóa tài chính Nhật Bản quy định cụ thể hơn về việc nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng; Luật Chống độc quyền Nhật Bản không cho phép các ngân hàng mua hoặc nắm giữ trên 5% cổ phiếu đang lưu hành của một doanh nghiệp Nhật Bản nếu không có sự chấp thuận trước của Ủy ban thương mại công bằng (Fair Trade Commission).

Vấn đề đáng lưu ý tại Nhật Bản trong quản lý hoạt động chứng khoán của các ngân hàng nói chung và hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại nói riêng ở chỗ, cơ quan quản lý chuyên ngành tại Nhật Bản đối với lĩnh vực này là Bộ Tài chính ban hành bộ quy tắc riêng ràng buộc các ngân hàng phải thực hiện, bộ quy tắc này được điều chỉnh trong một vài năm theo tình hình và điều kiện thị trường. Đặc biệt, Bộ Tài chính giới hạn mức nắm giữ ở mức 10% hoặc thấp hơn các cổ phiếu đang lưu hành nếu các công ty này tham gia vào các hoạt động không được phép như bất động sản, đại lý du lịch, kinh doanh khách sạn, kho bãi, chuyển phát nhanh. Trong khi đó, pháp luật Hoa Kỳ, Đạo luật Galss - Steagal trước đây khi đặt ra giới hạn hoạt động chứng khoán đối với ngân hàng đầu tư không đặt ra điều kiện về tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu mà đặt ra giới hạn về chất lượng của chứng khoán và tính thanh khoản của chứng khoán[10].

2. Pháp luật quy định về điều kiện để ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động ủy thác đầu tư

Ủy thác là việc một bên (bên ủy thác) giao vốn bằng tiền cho một bên khác (bên nhận ủy thác) để thực hiện hoạt động theo quy định đối với đối tượng ủy thác, bên ủy thác chịu mọi rủi ro, bên nhận ủy thác được hưởng phí ủy thác. Ủy thác đầu tư vốn sẽ mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận an toàn, ổn định và sự tăng trưởng cho doanh nghiệp bởi tiền đầu tư được quản lý bởi những nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Hoạt động ủy thác đầu tư vốn cho phép ngân hàng thương mại có thể đầu tư vào nhiều ngành nghề trong danh mục đầu tư khác nhau theo hình thức đầu tư đa dạng hóa và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản. Thời hạn ủy thác là khoảng thời gian được tính từ thời điểm bên nhận ủy thác bắt đầu thực hiện nội dung ủy thác cho đến thời điểm hoàn thành nội dung ủy thác, được quy định tại hợp đồng ủy thác. Bên ủy thác phải giao cho bên nhận ủy thác một khoản vốn nhất định để thực hiện nội dung ủy thác. Đồng thời, bên ủy thác phải trả cho bên nhận ủy thác một khoản phí được quy định tại hợp đồng ủy thác. Ngân hàng thương mại chỉ được thực hiện ủy thác, nhận ủy thác theo quy định này đối với các hoạt động sau đây: (1) Cho vay; (2) Ủy thác cho thuê tài chính là việc bên ủy thác ủy thác cho bên nhận ủy thác để cho thuê tài chính đối với khách hàng thuê tài chính; (3) Ủy thác góp vốn, mua cổ phần là việc bên ủy thác ủy thác cho bên nhận ủy thác để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, (4) Nhận ủy thác đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng thương mại được ủy thác, nhận ủy thác để đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh của các tổ chức khác nhằm thu lợi nhuận. Nhận ủy thác đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh là việc ngân hàng thương mại nhận ủy thác của nhà đầu tư dự án để đầu tư vốn vào dự án sản xuất, kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh; (5) Ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp là việc bên ủy thác ủy thác cho bên nhận ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả trái phiếu chuyển đồi.

Hoạt động ủy thác của các ngân hàng thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về nghiệp vụ ủy thác và đại lý của ngân hàng thương mại như sau: "Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước".

Quy định về nguyên tắc ủy thác đầu tư vốn của ngân hàng thương mại được quy định tại Điều 4 Thông tư số 30/2014/TT-NHNN như sau:

+ Ủy thác phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản.

+ Bên ủy thác chỉ được ủy thác cho bên nhận ủy thác thực hiện những nội dung ủy thác mà bên ủy thác được thực hiện và được ủy thác theo quy định của pháp luật; bên nhận ủy thác chỉ được nhận ủy thác đối với những nội dung ủy thác mà bên nhận ủy thác được thực hiện và được nhận ủy thác theo quy định của pháp luật.

+ Bên nhận ủy thác không được ủy thác lại cho bên thứ ba.

+ Việc giao vốn ủy thác phải phù hợp với tiến độ thực hiện nội dung ủy thác.

+ Bên nhận ủy thác không được sử dụng vốn ủy thác trái với mục đích, nội dung ủy thác được quy định tại hợp đồng ủy thác.

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức khác phải tính số dư các khoản ủy thác trong các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác của ngân hàng mẹ, chi nhánh của ngân hàng mẹ ở nước ngoài để cho vay, mua trái phiếu thực hiện theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài, quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

+ Các khoản ủy thác bằng ngoại tệ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và các quy định của pháp luật có liên quan.

+ Bên ủy thác là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đôi với số dư ủy thác.

+ Bên nhận ủy thác là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với số dư nhận ủy thác.

+ Đối với việc ủy thác ra nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được ủy thác cho ngân hàng, công ty quản lý quỹ ở nước ngoài thực hiện một số hoạt động trong phạm vi hoạt động ngoại hồi trên thị trường quốc tế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

+ Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân để thực hiện đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh, cho thuê tài chính, cho vay phải đảm bảo tại thời điểm ủy thác, bên ủy thác là tổ chức, cá nhân không có dư nợ vay tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Quy định về các phương thức ủy thác và nhận ủy thác của ngân hàng thương mại được quy định tại Điều 10, Điều 11 Thông tư số 30/2014/TT-NHNN như sau:

+ Ngân hàng thương mại được ủy thác cho:

• Ngân hàng thương mại khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính để thực hiện cho vay đối với khách hàng;

• Ngân hàng hợp tác xã để thực hiện cho vay đối với khách hàng không phải là thành viên của ngân hàng hợp tác xã;

• Quỹ tín dụng nhân dân để thực hiện cho vay đối với khách hàng không phải là thành viên quỹ tín dụng nhân dân;

• Tổ chức tài chính vi mô để thực hiện cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ;

• Ngân hàng thương mại khác, tổ chức được phép kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác;

• Ngân hàng thương mại khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức được phép kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật để mua trái phiếu doanh nghiệp.

+ Ngân hàng thương mại được nhận ủy thác của:

• Ngân hàng thương mại khác, ngân hàng chính sách, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức để thực hiện cho vay đối với khách hàng;

• Ngân hàng thương mại khác, tổ chức được phép kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật để góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác;

• Ngân hàng thương mại khác, chỉ nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức được phép kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật để mua trái phiếu doanh nghiệp.

+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được ủy thác cho:

• Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, công ty tài chính để thực hiện cho vay đối với khách hàng;

• Ngân hàng hợp tác xã để thực hiện cho vay đối với khách hàng không phải là thành viên của ngân hàng hợp tác xã;

• Quỹ tín dụng nhân dân để thực hiện cho vay đối với khách hàng không phải là thành viên quỹ tín dụng nhân dân;

• Tổ chức tài chính vi mô để thực hiện cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ;

• Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ chức được phép kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật để mua trái phiếu doanh nghiệp.

+ Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận ủy thác của:

• Ngân hàng mẹ, chi nhánh khác của ngân hàng mẹ, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, chỉ nhánh ngân hàng nước ngoài khác, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức để thực hiện cho vay đối với khách hàng;

• Ngân hàng mẹ, chi nhánh khác của ngân hàng mẹ, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ chức được phép kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật để mua trái phiếu doanh nghiệp.

 


[1] Xem Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 51/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (Thông tư số 51/2018/TT-ΝΗΝΝ).

[2] Xem Điều 5 Thông tư số 51/2018/TT-NHNN.

[3] Xem khoản 1 Điều 6 Thông tư số 51/2018/TT-ΝΗΝΝ.

[4] Nguyễn Kiên Bích Tuyền: "Pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư", Tạp chí Tòa án, số 17/2017

[5] Nguyễn Kiên Bích Tuyền: "Pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư", Tạp chí Tòa án, số 17/2017

[6] Xem Đạo luật Glass-Steagall 1933 phần 16; Arnold W.Sametz (1981), Securities Activities of Commercial Banks.

[7] Luật Ngân hàng Nhật Bản (Banking Act 1981), Điều 10.2.; xem tại https://www.fsa.go.jp/en/news/2008/20080627-4/01.pdf.

[8] Xem Arnold W. Sametz, Michael Keenan, Ernest Bloch, and Lawrence Goldberg: Securities Activities of Commercial Banks: An Evaluation of Current Developments and Regulatory Issues, 2 U. Pa. J. Int'l L. 155.

[9] Xem Tô Thị Thanh Trúc: “Khu vực tài chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập tài chính ASEAN”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 2016.

[10] Xem Đạo luật Galss- Steagal, Điều 24 USC 199.4.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành