Thứ sáu, 25 Tháng 4 2014 00:00

Phân tích pháp luật điều chỉnh hoạt động trung gian thương mại

1. Khái niệm pháp luật điều chỉnh hoạt động trung gian thương mại

Các hoạt động trung gian thương mại xuất hiện từ rất sớm do nhu cầu của hoạt động kinh doanh. Sự tồn tại và phát triển các hoạt động này là cơ sở thực tiễn cho sự ra đời và phát triển của pháp luật điều chỉnh  các hoạt động trung gian thương mại.

Hoạt động trung gian thương mại do nhiều chủ thể tham gia với  những nội dung và mục đích khác nhau. Do đó, sự điều chỉnh  của pháp luật đối với hoạt động trung gian thương mại nhằm tác động lên  những hành vi của các chủ thể trong hoạt động này cần được làm rõ ở hai phạm vi khác nhau: theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp.

Theo nghĩa rộng, xuất phát từ  quan niệm hoạt động trung gian thương mại theo nghĩa rộng là các hoạt động trong đó có sự tham gia của bên trung gian làm cầu nối cho các bên  xác lập, thực hiện hoạt động thương mại. Chủ thể tham gia các hoạt động trung gian thương mại theo nghĩa rộng rất phong phú đa dạng và có thể làm nảy sinh nhiều quan hệ xã hội khác nhau, bao gồm:

- Quan hệ uỷ quyền giữa bên uỷ quyền (bên giao đại diện, bên giao đại lý, bên uỷ thác, có thể là nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ, nhà phân phối ) với bên được uỷ quyền (bên đại diện, bên đại lý, bên nhận uỷ thác là thương nhân trung gian) để  thực hiện các hoạt động thương mại như: mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại v.v...

- Quan hệ mua bán hàng hoá giữa doanh nghiệp sản xuất với  nhà phân phối (nhà bán buôn, nhà bán lẻ) và giữa các nhà phân phối với người tiêu dùng cuối cùng.

- Quan hệ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ giữa bên được uỷ quyền hoặc bên uỷ quyền với bên thứ ba.

- Quan hệ giữa cơ quan thương vụ của Bộ Thương mại ở nước ngoài với các thương nhân khi họ muốn cơ quan này cung cấp các thông tin, giới  thiệu và chắp nối họ với các đối tác phù hợp để thiết lập các giao dịch thương mại.

- Quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, về đầu tư trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các thương nhân tìm kiếm đối tác thực hiện dự án đầu tư hoặc giải quyết các vướng mắc, yêu cầu của các thương nhân, của các nhà đầu tư.

Từ đó, có thể thấy, pháp luật về hoạt động trung gian thương mại theo nghĩa rộng có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ xã hội phát sinh trong đó, chủ thể trung gian làm cầu nối giúp các bên thiết lập, thực hiện các giao dịch thương mại. Với  đối tượng điều chỉnh  như vậy, pháp luật về hoạt  động trung gian thương mại  theo nghĩa rộng có thể được định nghĩa  là hệ thống các quy phạm  pháp luật điều chỉnh các  quan hệ xã hội phát  sinh khi bên  trung gian thực hiện các hoạt  động giúp các bên tìm hiểu, thiết lập, thực hiện giao dịch thương mại. Đây là bộ phận pháp luật, bao gồm các quy phạm được quy định trong các văn bản thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như Luật thương mại, các luật chuyên  ngành (Luật chứng khoán, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật kinh doanh bất động sản), Luật dân sự, Luật quốc tế v.v... trong đó, chủ yếu là lĩnh vực pháp luật thương mại.

Theo nghĩa hẹp, xuất phát từ quan niệm hoạt động trung gian thương mại là những hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại qua thương nhân trung gian. Trong đó, thương nhân trung gian được thuê trên cơ sở hợp đồng để tham gia vào việc thiết lập, thực hiện giao dịch mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ theo yêu cầu của bên thuê dịch vụ. Do đó, theo nghĩa này, pháp luật về hoạt động trung gian thương mại là một bộ phận của pháp luật thương mại, điều chỉnh hai nhóm quan hệ xã hội sau:

(i) Quan hệ hợp đồng giữa bên thuê dịch vụ với bên trung gian thực hiện dịch vụ. Đây là nhóm quan hệ chủ đạo trong hoạt động trung gian thương mại. Nhóm quan hệ này phát sinh trên cơ sở thoả thuận, theo đó thương nhân trung gian được trao quyền tham gia hoặc thực hiện các giao dịch pháp lý với  bên thứ ba theo yêu cầu của bên thuê dịch vụ. Bởi vậy, pháp luật điều chỉnh  hoạt động trung gian thương mại còn được xem là một bộ phận của pháp luật hợp đồng điều chỉnh các loại hợp đồng cụ thể: hợp đồng đại diện thương mại, hợp đồng môi giới thương mại, hợp đồng uỷ thác thương mại.

Các quan hệ hợp  đồng đại diện thương mại và uỷ thác thương mại thực chất là quan hệ hợp đồng uỷ quyền. Bởi lẽ, trong quan hệ này, bên trung gian (bên đại diện hay bên nhận uỷ thác) được trao quyền thay mặt bên uỷ quyền (bên  được  đại diện  hay bên  uỷ thác)  thiết  lập  và  thực hiện  các  giao dịch thương mại vì lợi ích của bên uỷ quyền. Tuy nhiên, quan hệ hợp đồng đại diện cho thương nhân và hợp đồng uỷ thác thương mại là những quan hệ hợp đồng uỷ quyền đặc biệt  vì chúng có một số điểm  đặc thù riêng so với quan hệ hợp đồng uỷ quyền trong giao lưu dân sự. Đó là những đặc thù về chủ thể và đối tượng của hợp đồng.

- Quan hệ  hợp  đồng đại diện theo uỷ quyền trong giao lưu dân sự có phạm vi và đối tượng nhận uỷ quyền rất rộng, gồm nhiều lĩnh vực và bên uỷ quyền có thể uỷ quyền cho bất cứ ai đại diện cho mình. Trong quan hệ hợp đồng đại diện thương mại và hợp đồng uỷ thác thương mại bên được uỷ quyền thường là một thương nhân độc lập thực hiện các dịch vụ trung gian thương mại một cách thường xuyên và chuyên nghiệp.

- Đối tượng  của hợp  đồng đại diện  thương mại  và  hợp  đồng uỷ thác thương mại là công việc vật chất như mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên uỷ quyền và luôn được hưởng thù lao khi thực hiện dịch vụ. Việc trả thù lao cho bên đại diện trong dân sự không phải là bắt buộc trừ khi các bên có thoả thuận về điều này.

Do có những điểm riêng biệt giữa quan hệ hợp đồng uỷ quyền trong hoạt động thương mại với hợp đồng uỷ quyền trong giao lưu dân sự nên pháp luật cần có những quy định riêng bổ sung cho những quy định chung về hợp đồng uỷ quyền trong giao lưu dân sự để  đảm bảo quyền lợi của các bên  tham gia phù hợp với những đặc thù của những quan hệ đó. Để điều chỉnh  có hiệu quả các quan hệ uỷ quyền trong hoạt động thương mại pháp luật của nhiều nước đã ban hành một số quy định riêng về các vấn đề liên quan đến hình  thành hợp đồng, đến quyền và nghĩa vụ của các bên, đến việc  chấm dứt hợp  đồng giữa bên thuê dịch vụ và bên trung gian.

 (ii) Quan hệ giữa bên thuê dịch vụ, bên trung gian thực hiện dịch vụ với bên thứ ba

Đây là nhóm quan hệ phái sinh từ nhóm quan hệ thứ nhất, nhưng không thể thiếu được  trong hoạt  động trung gian thương mại.  Nhóm quan hệ  này thuộc đối tượng điều chỉnh  của nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Pháp luật về hoạt động trung gian thương mại chủ yếu quy định trách nhiệm của bên uỷ quyền, bên được uỷ quyền với bên thứ ba đối với các giao dịch do bên được uỷ quyền thiết lập vì lợi ích của bên uỷ quyền. Những vấn đề  khác phát sinh từ quan hệ giữa bên  uỷ quyền, bên  được uỷ quyền với  bên  thứ ba chịu sự điều chỉnh của lĩnh vực pháp luật khác như: pháp luật về mua bán hàng hoá hoặc pháp luật cung ứng một dịch vụ cụ thể.

Chức năng chủ yếu của pháp luật về  hoạt  động trung gian thương mại nhìn chung được xây dựng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các chủ thể tham gia các quan hệ này, bảo đảm lợi ích của các bên không đi ngược lại với lợi ích của nhà nước. Với  chức năng như vậy, nội dung cơ bản của pháp luật về hoạt động trung gian thương mại là những quy phạm ghi nhận quyền tự do thực hiện hoạt động trung gian thương mại cũng như những quy định nhằm đảm bảo lợi ích  của các chủ thể tham gia các hoạt  động trung gian thương mại, hạn chế rủi ro có thể xẩy ra cho các bên cũng như cho toàn xã hội.

Do đối tượng điều chỉnh là các quan hệ xã hội dựa trên sự thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia quan hệ nên pháp luật về các hoạt động trung gian thương mại  sử dụng phương pháp điều chỉnh  của luật tư (tự do, bình đẳng, thoả thuận). Các quan hệ phát sinh trong hoạt động trung gian thương mại  do các bên  tự quyết định  nhưng phải phù  hợp  với  ý chí  của nhà nước. Bằng quy định pháp luật, nhà nước định hướng và tạo cơ sở pháp lý để các bên căn cứ vào đó thoả thuận nội dung cụ thể phù  hợp  với khả năng và điều kiện của mình. Mặt khác, pháp luật cũng là căn cứ để  giải thích rõ nội dung của các phần mà các bên thể hiện chưa rõ đồng thời nhằm bổ sung các phần mà các bên chưa xác định  để đảm bảo quyền lợi của họ.

 Từ việc  phân  tích đối  tượng  và phương pháp điều chỉnh  pháp luật các hoạt động trung gian thương mại, chúng tôi cho rằng, theo nghĩa hẹp (nghĩa mà luận án tập trung nghiên cứu), pháp luật điều chỉnh các hoạt  động trung gian thương mại là tổng hợp  các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành khi một thương nhân được trao quyền tham gia vào việc xác lập, thực hiện giao dịch thương mại với bên thứ ba để hưởng thù lao.

Các nước theo truyền thống luật Anh-Mỹ, không có sự phân biệt pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng uỷ quyền nhằm mục đích kinh doanh và các quan hệ uỷ quyền nhằm mục đích khác. ở các nước theo hệ thống pháp luật này, pháp luật điều chỉnh  các quan hệ uỷ quyền bất kể nhằm mục đích gì đều thuộc pháp luật về  đại diện  và là một nhánh  của pháp luật hợp  đồng. Các nguyên tắc của pháp luật hợp  đồng được áp dụng cho pháp luật về uỷ quyền. Nguồn luật điều  chỉnh  hoạt  động uỷ quyền (bao gồm cả uỷ quyền trong hoạt động thương mại) ở các nước này rất phong phú, gồm nhiều loại nguồn như : văn bản pháp luật, tập quán, án lệ.

Các nước theo hệ thống luật châu Âu lục địa, điển hình  là Pháp, Đức, các quy định pháp luật điều chỉnh từng loại trung gian thương mại được ghi nhận trong BLTM. Ngoài ra, hoạt động trung gian trong các lĩnh vực thương mại đặc thù như: môi giới  chứng khoán, môi giới  bảo hiểm... còn được quy định trong các luật riêng.  Mặt khác, ở các nước này, hoạt động trung gian thương mại được xác định là một loại giao dịch dân sự đặc  thù nên còn được điều chỉnh bởi BLDS. Ví  dụ, ở Pháp, các hoạt động môi giới,  uỷ thác, đại diện thương mại không chỉ được quy định trong BLTM hiện hành mà còn được điều chỉnh bởi BLDS tại các Điều 1987, 1988,1991, 1998.

ở Việt Nam, pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động trung gian thương mại được đề  cập trong nhiều văn bản luật như: BLDS năm 2005, LTM năm 2005, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Bộ Luật hàng hải năm 2005, Luật du lịch năm 2005, Luật chứng khoán năm 2006, Luật kinh doanh bất động sản năm 2006 và trong rất nhiềuvăn bản dưới luật. Các văn bản pháp luật này đã tạo nên một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh quy định nhiều vấn đề xoay quanh các  hình  thức hoạt  động trung gian thương mại  ở  Việt  Nam. Nguyên tắc xác định thứ bậc văn bản pháp luật áp dụng điều chỉnh  các hoạt động thương mại  nói chung và hoạt  động trung gian thương mại, nói riêng, nhằm hạn chế xung đột luật đã được xác định rõ tại Điều 4 LTM năm 2005 là: mọi hoạt động thương mại phải tuân theo LTM và pháp luật có liên quan; hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó; hoạt động thương mại không được quy định trong LTM và trong các luật khác thì áp dụng quy định của BLDS...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 10 Tháng 11 2014 03:36

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành