Thứ sáu, 25 Tháng 4 2014 00:00

Phương hướng và nội dung hoàn thiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án hình sự

1. Những phương hướng hoàn thiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án hình sự

Lý luận chung về quản lý Nhà nước (QLNN) và yêu cầu của QLNN trong lĩnh vực thi hành án hình sự (THAHS) cho thấy việc xây dựng phương hướng chung, tăng cường hoàn thiện QLNN trên lĩnh vực này chính là việc cải cách những yếu tố của quản lý làm cho QLNN tác động có hiệu lực và hiệu quả đến việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức THAHS trước những đòi hỏi khách quan của thực tiễn.

Trên cơ sở phân tích những yếu tố khách quan tác động nội dung điều chỉnh thực trạng QLNN về THAHS (nhất là những mặt tồn tại, hạn chế, vướng mắc) và dự báo xu hướng phát triển hoàn thiện QLNN trong lĩnh vực THAHS, cần tiến hành theo những phương hướng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đảm bảo các điều kiện cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để QLNN trong lĩnh vực THAHS có hiệu quả cao cần phải tạo mọi điều kiện cho thi hành bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật một cách nhanh chóng, đầy đủ, đúng pháp luật, nhằm nâng cao hiệu lực xét xử của Tòa án, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của đất nước, nâng cao hiệu lực của pháp luật.

Để đạt được điều trên, QLNN trong lĩnh vực THAHS phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất quản lý của Nhà nước và sự tham gia có ý thức của toàn dân; đồng thời huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan nhà nước; tổ chức chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân trước hết là phát huy vai trò sức mạnh của hệ thống cơ quan tư pháp.

Thứ hai, phát huy vai trò phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quản lý về THAHS cần phải tiến hành đồng bộ trên tất cả các mặt, các yếu tố khác nhau của quá trình quản lý, đặc biệt là phát huy vai trò của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và giải quyết mối quan hệ phối hợp có tính chất nguyên tắc dựa trên cơ sở pháp luật trong quá trình hoạt động của các cơ quan ấy, nhằm huy động và sử dụng vai trò của nó trong công tác quản lý. Tập trung trước hết là điều chỉnh sắp xếp tổ chức lại bộ máy và hình thành hệ thống chuyên trách, tập trung thống nhất, chuyên sâu; cơ chế phù hợp; đơn giản hóa được các thủ tục phát sinh ngoài quy định của hoạt động tư pháp; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền QLNN trong lĩnh vực THAHS; đổi mới hình thức và phương pháp quản lý nhất là quy trình ra quyết định và ban hành văn bản có tính pháp lý, thực hiện có hiệu quả trên thực tế các quyết định quản lý về THAHS; cấp thiết nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức công tác trong lĩnh vực quản lý và tổ chức THAHS; tăng cường áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong quản lý; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động quản lý...

Thứ ba, đề cao vai trò của QLNN về THAHS, tăng cường QLNN bằng pháp luật theo phương hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, thực chất là đề cao vai trò của pháp luật trong QLNN về THAHS. Tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền và QLNN bằng pháp luật đều có nội hàm chung là nâng cao vai trò của công cụ pháp luật trong QLNN, quản lý xã hội.

Pháp luật là công cụ rất quan trọng để QLNN trong lĩnh vực THAHS. Ở đây cần phải nhấn mạnh rằng tổ chức và hoạt động quản lý của các chủ thể QLNN trên lĩnh vực này cũng phải được Hiến định và Luật định. Pháp luật tạo lập điều kiện, môi trường cho hoạt động QLNN, là cơ sở để tăng cường pháp chế XHCN trong hoạt động QLNN về THAHS. Đồng thời để pháp luật có vai trò tích cực trong việc tăng cường QLNN trong lĩnh vực THAHS, cần phải quán triệt và tuân thủ một cách đầy đủ các yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ tổ chức THAHS trong tất cả các quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật khác có liên quan. Điều này có nghĩa là, trước hết phải quan tâm xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp về THAHS, mà cốt yếu là sớm xây dựng và ban hành luật thi hành án, bổ sung hoàn thiện BLHS và BLTTHS phù hợp với yêu cầu của công tác THAHS hiện nay.

2. Những nội dung cơ bản của việc hoàn thiện QLNN trong lĩnh vực thi hành án hình sự

Việc hoàn thiện QLNN trong lĩnh vực THAHS bao gồm nhiều vấn đề khác nhau, nhưng chủ yếu gồm những nội dung sau:

a) Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong QLNN về thi hành án hình sự

Trong hệ thống chính trị nước ta-Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò là hạt nhân lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của toàn bộ hệ thống chính trị, bảo đảm sự thống nhất và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Vì vậy, Nhà nước, các tổ chức và đoàn thể quần chúng trong hệ thống chính trị phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Lịch sử hình thành và phát triển của Nhà nước Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành tựu to lớn mà nhân dân ta giành được trong Cách mạng tháng Tám và cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ Nhà nước từ năm 1945 đến nay, cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay là bằng chứng về tính tất yếu khách quan của sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Tuy nhiên, sự lãnh đạo của Đảng được biểu hiện dưới nhiều phương pháp và dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào tính chất và đặc điểm của từng lĩnh vực hoạt động nhà nước. Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 ghi rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là điều kiện đảm bảo cho quyền lực chính trị, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường sức mạnh QLNN. Trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước đóđiều kiện quyết định, bảo đảm cho Nhà nước giữ đúng bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, làm cho Nhà nước đủ hiệu lực quản lý về mặt chính trị, xã hội, kinh tế, an ninh, quốc phòng.Trong đó có QLNN trong lĩnh vực THAHS.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan QLNN trong lĩnh vực THAHS đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực tư pháp nói chung và lĩnh vực THAHS nói riêng. Đảng lãnh đạo cơ quan QLNN trong lĩnh vực THAHS toàn diện và chặt chẽ về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, từ quá trình xây dựng đường lối, quan điểm đến chỉ đạo việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực THAHS. Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với các cơ quan QLNN trong lĩnh vực THAHS là yêu cầu khách quan và cần thiết để đảm bảo cho cơ quan QLNN trong lĩnh vực THAHS thể hiện bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm cho các cơ quan QLNN trong lĩnh vực THAHS thực hiện đúng quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hạn chế các sai sót có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Để đạt được những yêu cầu đó, cần phải đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với những đặc thù về tổ chức và hoạt động của cơ quan QLNN trong lĩnh vực THAHS, bảo đảm cho cơ quan quản lý hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tuân theo pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nội dung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong QLNN về THAHS tập trung vào các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, Đảng đề ra những quan điểm chỉ đạo, những định hướng xây dựng tổ chức và hoạt động của các cơ quan QLNN trong lĩnh vực THAHS, đồng thời giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quan điểm và định hướng đó. Sự lãnh đạo của Đảng đối với QLNN trong lĩnh vực THAHS trước hết là đề ra chủ trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ quan QLNN về THAHS. Trên cơ sở đó, Đảng chỉ đạo việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực THAHS thành pháp luật, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý và tổ chức THAHS. Những quan điểm chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực THAHS được thể hiện trên các mặt: quan điểm chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý, tổ chức THAHS trong nhà nước pháp quyền Việt Nam; quan điểm về tội phạm, chính sách hình sự và hình phạt; chính sách THAHS.

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo trên, Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa thành các quy định của pháp luật về THAHS làm cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn, đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức THAHS, bảo đảm cho hoạt động THAHS theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của nhà nước, tôn trọng quyền, tự do, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là chỉ đạo việc xây dựng kiện toàn bộ máy QLNN trong lĩnh vực THAHS; lãnh đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bổ nhiệm, quản lý đội ngũ cán bộ chủ chốt hoạt động trong các cơ quan quản lý và tổ chức THAHS; giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, quan điểm lập trường, phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực chuyên môn cho những cán bộ đảng viên của Đảng trực tiếp hoặc gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực THAHS. Tăng cường những đảng viên có phẩm chất đạo đức, có năng lực chuyên môn cho các cơ quan quản lý và tổ chức THAHS.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chỉ đạo xây dựng mối quan hệ phối hợp trong công tác giữa các cơ quan tư pháp và cơ quan quản lý, tổ chức THAHS, khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm làm hạn chế hiệu quả hoạt động tư pháp và hoạt động THAHS.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc giáo dục, động viên quần chúng nhân dân tham gia và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào hoạt động quản lý và tổ chức THAHS tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan QLNN thực hiện có hiệu quả, nhiệm vụ của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Thứ năm, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Đảng đối với các cơ quan quản lý và THAHS trong việc chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót lệch lạc của các cơ quan tư pháp trong hoạt động THAHS. Đảng lãnh đạo, kiểm tra hoạt động của các cơ quan quản lý và tổ chức THAHS theo pháp luật, tôn trọng chức năng, quyền hạn của các cơ quan quản lý và THAHS theo pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ được giao, không làm thay và không can thiệp vào hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan quản lý và THAHS.

Đổi mới và tăng cường sự vai trò lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực THAHS vừa là yêu cầu vừa là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện QLNN trong lĩnh vực THAHS trong tiến trình cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 10 Tháng 11 2014 03:53

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành