Thứ năm, 18 Tháng 7 2024 03:27

Một số vấn đề liên quan đến tiền ảo theo quy định của pháp luật Việt Nam

1. Tiền ảo theo quy định của pháp luật ngân hàng

Xét về mặt bản chất và theo quy định của pháp luật ngân hàng nói chung, tiền ảo không phải là một loại tiền và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Khoản 1 Điều 2 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khoản 8 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định Ngân hàng Nhà nước có quyền: Tổ chức in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền giấy, tiền kim loại; thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu hủy tiền giấy, tiền kim loại. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010). Như vậy, ngoài tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành ra thì hiện nay có phương tiện thanh toán hợp pháp nào được thừa nhận và tiền ảo có phải là phương tiện thanh toán tại Việt Nam hay không. Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, tại khoản 7 Điều 4 Nghị định này cũng quy định: Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này.

Như vậy, theo các quy định được trích dẫn ở trên, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là bất hợp pháp tại Việt Nam. Bởi vì, tiền ảo không phải là séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng hay bất cứ phương tiện thanh toán nào khác được quy định trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, tiền ảo không phải là một trong các loại ngoại hối theo pháp luật Việt Nam. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 và điểm a khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, thì tiền ảo không phải là một trong các loại ngoại hối.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một số bất cập khi thực hiện các giao dịch mang tính quốc tế giữa các chủ thể là người Việt Nam với người nước ngoài khi mà pháp luật của các nước khác lại công nhận tiền ảo là tài sản, thậm chí là phương tiện thanh toán. Bên cạnh đó cũng dẫn đến những bất cập khi phải thi hành án liên quan đến tiền ảo mà các bản án đó đã được giải quyết bằng pháp luật nước ngoài và cần thi hành tại Việt Nam.

2. Quy định của pháp luật về thuế liên quan đến tiền ảo

Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, được sửa đổi, bổ sung các năm 2013, 2014 và 2016 (Luật Thuế giá trị gia tăng).

Theo quy định tại Điều 2 Luật này, thuế giá trị gia tăng được hiểu là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Như vậy, bất cứ hoạt động sản xuất, lưu thông hoặc tiêu dùng hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ nào mà có sự phát sinh chênh lệch tăng thêm so với giá trị ban đầu đều phải chịu thuế giá trị gia tăng. Vậy, tiền ảo có là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng không?

Trên thực tế, sự biến động không ngừng về giá trị các đồng tiền ảo, đặc biệt là đồng Bitcoin đã khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền ảo có được những khoản lợi lớn. Tháng 6/2011, giá của Bitcoin đã bắt đầu ở khoảng 0,95 USD, và đó được coi là một trong những thời điểm giá Bitcoin thấp nhất, đến tháng 11/2017 đã có lúc giá của đồng Bitcoin được đẩy lên tới mức 20.000 USD trước khi tụt dốc[1]. Như vậy, so với thời điểm thấp nhất, giá Bitcoin ở thời điểm cao nhất vượt hơn 20 nghìn lần. Ở Việt Nam, nhiều người tham gia mua Bitcoin cũng có thể kiếm được những khoản lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý cụ thể về các đồng tiền ảo nói chung, đồng Bitcoin nói riêng nên chúng ta không thể thu thuế được đối với các giá trị tăng thêm này. Bởi vì, ở Việt Nam hiện nay, tiền ảo không được coi là một trong các loại tài sản trong pháp luật dân sự, nên tiền ảo không được xác định là một trong các loại hàng hoá. Chính vì vậy, tiền ảo không phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và người kinh doanh tiền ảo không phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005[2], hàng hóa bao gồm: Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; Những vật gắn liền với đất đai. Như vậy, để được xác định là hàng hoá trong Luật Thương mại năm 2005 thì trước hết tiền ảo phải được thừa nhận là tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, do chưa được thừa nhận là tài sản nên tiền ảo cũng không phải là hàng hoá nên không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, được sửa đổi, bổ sung các năm 2012 và 2014 (Luật Thuế thu nhập cá nhân).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập của cá nhân từ kinh doanh phải chịu thuế bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Như đã phân tích ở trên, tiền ảo không được xác định là hàng hoá, dịch vụ nên thu nhập có được từ việc kinh doanh tiền ảo không thuộc đối tượng chịu thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, được sửa đổi, bổ sung các năm 2013 và 2014 (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp)

Như vậy, về phương diện pháp lý, hoạt động kinh doanh tiền ảo và các hoạt động khác liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích sinh lợi không chịu sự điều chỉnh của các luật về thuế ở Việt Nam. Điều này xuất phát từ nguyên nhân Việt Nam chưa có khung pháp lý về tiền ảo. Thực tế hiện nay, tiền ảo không được coi là tài sản trong Bộ luật Dân sự và không được coi là hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật thương mại. Do đó, bản thân các đồng tiền ảo và các hoạt động kinh doanh tiền ảo không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể có liên quan. Thậm chí, ngay cả khi tiền ảo được xác định là tài sản mà chúng ta không có một cơ chế quản lý đủ mạnh thì cũng không thể thu được các loại thuế liên quan đến tiền ảo, bởi vì các chủ thể liên quan đến tiền ảo luôn ẩn danh.

Về phương diện lý luận, việc kinh doanh tiền ảo hiện nay chưa được Nhà nước bảo hộ. Điều này đã được thể hiện rõ trong thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 27/2/2014, trong đó khẳng định: “Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác”[3]. Khi Nhà nước đã không bảo hộ quyền của các chủ thể đối với việc sở hữu và kinh doanh tiền ảo thì không có lý do nào Nhà nước lại đặt ra và thu các loại thuế liên quan đến tiền ảo. Việc áp thuế đối với tiền ảo khi chưa có cơ chế bảo vệ quyền lợi của chủ thể là một hành động vi hiến, bởi vì khoản 1 Điều 15 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”. Điều này có thể được hiểu là khi Nhà nước đặt ra một nghĩa vụ thì đồng thời phải đặt ra một quyền tương ứng.

Như vậy, đến thời điểm hiện nay, chúng ta chưa được quyền thu các loại thuế liên quan đến tiền ảo. Một minh chứng cụ thể là ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã ra phán quyết với nội dung hủy Quyết định số 714 của Chi cục Thuế thành phố Bến Tre về việc truy thu hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1,6 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân đối với một cá nhân vì có hoạt động tham gia trao đổi tiền điện tử (Bitcoin). Theo Hội đồng xét xử, hiện chưa có luật công nhận tiền điện tử Bitcoin là hàng hoá. Việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là mặc nhiên công nhận loại tiền này là hàng hoá trong khi đề án về khung pháp lý để quản lý, xử lý loại tiền này chỉ mới đang được xây dựng. Việc truy thu thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch bất hợp pháp... Mặt khác, tại quyết định truy thu thuế, cơ quan thuế có ghi nhận rằng không xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân đó do hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế còn chậm. Điều đó thể hiện việc mua bán loại tiền này chưa có văn bản hướng dẫn thi hành[4]...

Với những phân tích và minh chứng ở trên cho thấy, mặc dù việc Toà án tỉnh Bến Tre hủy quyết định truy thu thuế là hoàn toàn phù hợp, nhưng rõ ràng hoạt động kinh doanh tiền ảo cũng là một hoạt động được phép thực hiện ở Việt Nam. Và thực tế, người thực hiện hoạt động kinh doanh này đã thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc chưa có khung pháp lý về tiền ảo đã khiến cho hoạt động kinh doanh tiền ảo và các thu nhập phát sinh từ tiền ảo không phải chịu thuế, khiến cho ngân sách nhà nước bị thất thu một lượng lớn tiền thuế. Nếu không kịp thời ban hành khung pháp lý về tiền ảo thì sẽ còn nhiều vụ việc liên quan đến tiền ảo mà chú thể kính doanh không phải nộp thuế.

Trên thế giới, hiện đã có một số quốc gia đánh thuế từ việc kinh doanh tiền ảo: Tại Nhật Bản, nhà đầu tư cổ phiếu và ngoại tệ hiện phải chịu mức thuế khoảng 20% đối với khoản lợi nhuận mà họ thu được. Tuy nhiên, thuế đối với lợi nhuận tiền ảo sẽ cao hơn, dao động từ 15 - 55%. Mức thuế cao nhất sẽ áp dụng đối với các nhà đầu tư tiền ảo có mức lợi nhuận hàng năm từ 40 triệu Yên, tương đương 365.000 USD[5].

Ở Hàn Quốc, từ ngày 22/01/2018, đến cuối tháng 3/2018, các sàn giao dịch tiền ảo sẽ phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp trên lợi nhuận năm ngoái, và cuối tháng 4 phải trả thuế thu nhập địa phương. Theo luật hiện hành, tất cả công ty tại Hàn Quốc có lợi nhuận trên 20 tỷ Won (18,7 triệu USD) sẽ phải trả 22% thuế thu nhập doanh nghiệp và 2,2% thuế thu nhập địa phương. Bithumb - một trong những sàn giao dịch lớn tại Hàn Quốc, được dự báo trả 60 tỷ Won thuế. Như vậy, mức thuế đối với hoạt động kinh doanh tiền ảo ở Hàn Quốc có thể lên đến hơn 24%[6].

Tại Mỹ, Sở Thuế vụ Mỹ quy định đánh thuế Bitcoin dưới danh nghĩa một dạng tài sản ảo thay vì một loại tiền tệ chính thống. Bất kỳ giao dịch nào sử dụng Bitcoin sẽ được đánh thuế dựa theo quy tắc tính thuế áp dụng với tài sản. Điều này đồng nghĩa các giao dịch liên quan đến Bitcoin phải được báo cáo đầy đủ về Sở Thuế vụ, để phục vụ quản lý thuế. Người đóng thuế tại Mỹ nếu bán hàng hóa đổi lấy Bitcoin phải thêm giá trị Bitcoin nhận được vào báo cáo thuế thu nhập hàng năm. Giá trị này được tính theo tỷ giá tại thời điểm người đóng thuế nhận được tiền thuật toán, hay tại thời điểm in trên hóa đơn bán hàng. Nếu Bitcoin được tích trữ dưới dạng vốn (tương tự như cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản đầu tư khác), người nộp thuế ở Mỹ phải báo cáo đầy đủ lãi, lỗ. Nếu đầu tư có lãi, thuế sẽ được thu tương tự như thu nhập đến từ cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản đầu tư khác. Người “đào” Bitcoin cũng là đối tượng phải đóng thuế. Những cá nhân thực hiện việc “đào” Bitcoin tại Mỹ sẽ phải đóng thuế cho khoản giá trị Bitcoin “đào” được, nộp vào khoản thuế thu nhập cá nhân hàng năm. Giá trị Bitcoin được tính theo tỷ giá thị trường ngày “đào” được. Thù lao, lương thưởng trả dưới dạng Bitcoin cũng sẽ được tính thuế, tương tự với Bitcoin được sử dụng trong quá trình chi trả, thanh toán bằng Bitcoin. Người nộp thuế không thực hiện những nghĩa vụ thuế với Bitcoin sẽ bị xử phạt theo luật định Mỹ. Sở Thuế vụ Mỹ yêu cầu các giao dịch liên quan đến Bitcoin phải được ghi sổ sách để phục vụ quản lý thuế[7].

Ở Liên minh châu Âu, năm 2015, Tòa án Công lý châu Âu đã quy định việc chuyển khoản Bitcoin phải được đánh thuế giá trị gia tăng. Cũng theo tòa này, Bitcoin là một dạng tiền tệ, không phải là tài sản. Việc mua và bán Bitcoin sẽ không bị tính thuế giá trị gia tăng, nhưng việc chuyển khoản giữa các giao dịch này sẽ được đánh thuế dưới dạng lãi đầu tư hoặc thuế thu nhập.

Ở Anh, Bitcoin được quy định là một dạng ngoại tệ và được áp dụng các quy định thuế như với ngoại tệ. Cơ quan chịu trách nhiệm về thuế của Anh, Cục thuế Hoàng gia Anh cho rằng các giao dịch liên quan đến Bitcoin “sẽ được xem xét trên cơ sở bản chất và hoàn cảnh riêng của từng giao dịch”[8].

Tại Đức, Bitcoin được coi là một dạng tiền tệ tư nhân từ năm 2013. Dù Bitcoin bị đánh thuế lợi nhuận đầu tư 25% tại Đức, loại thuế này chỉ được áp dụng nếu lợi nhuận từ Bitcoin được thu về trong một năm kể từ thời điểm mua vào. Nếu nhà đầu tư giữ Bitcoin lâu hơn một năm, lợi nhuận sẽ không bị đánh thuế, tương tự các loại hình đầu tư khác như cổ phiếu và cổ phần[9].

Tại Australia, giao dịch sử dụng Bitcoin và các loại tiền thuật toán được coi là hoạt động trao đổi tài sản. Cơ quan thuế Australia không coi Bitcoin là một loại tiền tệ mà là một dạng tài sản có thể tăng giảm vốn. Các doanh nghiệp có nhận khoản thanh toán dưới dạng Bitcoin sẽ phải kê khai giá trị giao dịch sang đồng Đô la Australia (AUD) như thu nhập thông thường. Giao dịch Bitcoin tại Australia được miễn thuế với hai điều kiện: Một là, Bitcoin phải được sử dụng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ phục vụ sử dụng cá nhân; hai là, giá trị giao dịch phải dưới 10.000 AUD. Hoạt động “đào” và giao dịch Bitcoin với mục đích thương mại sẽ được tính thuế tương tự như giao dịch cổ phiếu[10].

Với những con số về mức thuế được áp dụng tại các quốc gia ở trên cho thấy, lượng thuế thu được từ các hoạt động liên quan đến tiền ảo rất lớn. Ở Việt Nam, lượng thuế thất thoát từ việc kinh doanh tiền ảo không phải là nhỏ. Tuy nhiên, như những phân tích liên quan đến các luật thuế ở trên cho thấy, chúng ta chưa có cơ sở pháp lý để thu và quản lý thuế theo Luật Quản lý thuế, bởi vì “về mặt pháp lý và kinh doanh, khi khai báo sổ sách không hề xuất hiện từ Bitcoin, lĩnh vực Bitcoin hiện đang mang mã số kinh doanh “000... thấy”, việc đăng ký một mã số thuế và việc nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân dựa trên doanh thu, thu nhập và mã ngành nghề, mã kinh doanh”[11].

Có nhiều lý do để Việt Nam phải nhanh chóng ban hành khung pháp lý về tiền ảo. Trong đó, ngoài việc bảo đảm tạo ra sự cân bằng lợi ích giữa các chủ thể tham gia hoạt động liên quan đến tiền ảo thì lý do cơ bản và quan trọng nhất là khắc phục việc thất thu các khoản thuế từ hoạt động kinh doanh tiền ảo - một hoạt động kinh doanh hoàn toàn hợp pháp theo pháp luật Việt Nam hiện hành. Ngoài ra, việc không đánh thuế đối với hoạt động kinh doanh tiền ảo còn tạo ra sự bất bình đằng giữa các nhà kinh doanh tiền ảo với các nhà kinh doanh các loại hàng hoá, dịch vụ theo pháp luật hiện hành. Chính sự bỏ ngỏ này có thể khiến cho các nhà kinh doanh hàng hoá, dịch vụ sẽ tìm cách trốn thuế thông qua việc sử dụng các loại tiền ảo.

3. Quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012

Việc sử dụng các đồng tiền ảo (đặc biệt là đồng Bitcoin) làm công cụ rửa tiền đã bắt đầu xuất hiện trong những năm gần đây trên thế giới.

Tại châu Âu, theo Cơ quan cảnh sát châu Âu - Europol, giới tội phạm tại khu vực này đang dùng các đồng tiền ảo để hợp pháp hoá số tiền phi pháp lên tới 5,5 tỷ USD (4 tỷ Euro)[12].

Ngày 26/7/2017, theo yêu cầu của giới chức an ninh Mỹ, một nghi phạm người Nga đã bị cảnh sát Hy Lạp bắt giữ khi đang lẩn trốn tại nước này, vì bị nghi ngờ tham gia và điều hành đường dây rửa tiền trị giá đến 4 tỷ USD bằng đồng tiền ảo Bitcoin. Đây được xem là vụ rửa tiền ảo quy mô lớn nhất trong lịch sử[13].

Ngày 28/5/ 2013 Bộ Tư pháp Mỹ công bố “vụ rửa tiền lớn nhất nước Mỹ”, qua việc truy tố Công ty ngoại hối Liberty Reserve và 07 lãnh đạo công ty này, bị kết tội đã “rửa” 6 tỷ USD trong vòng 07 năm. Theo cáo trạng của Công tố viên tại Manhattan (Mỹ), tiền ảo của Liberty Reserve được gọi là “LR”. Người dùng mở tài khoản tại đây chỉ cần tên, địa chỉ, ngày sinh. Liberty Reserve thậm chí cho phép người dùng mở tài khoản bằng cả tên ảo. Các nhân viên điều tra giả dạng thử tạo một tài khoản với mục đích sử dụng là “mua cocaine”. Nhưng mạng này thậm chí không kiểm tra, xác minh những thông tin này. Từ đây, tội phạm có thể sử dụng lượng tiền ảo mang tên “LR” này để mua bán, trao đổi nhiều hàng hóa, thanh toán trên các trang cá độ, mua các phần mềm, thiết bị công nghệ, mạng dotnet... bằng cách chuyển tiền ảo qua lại giữa các tài khoản của Liberty Reserve. Khách hàng sử dụng đồng “LR” có thể tìm đến một nhà giao dịch khác để chuyển đồng “LR” sang USD hoặc bất kỳ loại tiền tệ nào trên thế giới. Liberty Reserve sẽ đánh phí 1% đối với mỗi giao dịchbằng tiền ảo “LR” cùng một khoản “phí bảo mật” khoảng 75 cent để giấu kín số tài khoản giao dịch của người dùng, khiến cho các giao dịch này không thể bị truy ra. Đặc biệt, Liberty Reserve không lưu trữ bất kỳ thông tin nào về giao dịch hay hoạt động qua ngân hàng từ bên thứ ba. Họ cũng cho phép người dùng giấu số tài khoản Liberty Exchange khi thực hiện giao dịch. Việc này một lần nữa tạo cơ hội cho những người dùng muốn che giấu thông tin cá nhân thật. Trong cáo trạng của Tư pháp Mỹ, có nhắc tới Việt Nam như là một nơi đặt trụ sở của các đơn vị trao đổi, trung gian mua bán tiền “LR”. Một loạt website thực hiện việc trung gian mua bán tiền “LR” tại Việt Nam như lr.com.vn; mualr.com; transfer.vn; hygold.com; libertyreserve.com.vn; xchange.vn; exchange.mmo4me.com; moneyexchange.vn... đã ngừng giao dịch, chỉ một ngày sau khi hệ thống tiền ảo này bị Chính phủ Mỹ phong tỏa. Đáng chú ý, ngay trong trang chủ của website libertyreserve.com.vn có phần hỗ trợ cho phép người dùng mua và bán tiền “LR” và theo giới thiệu, việc chuyển tiền sẽ được gửi qua một trong 04 ngân hàng của Việt Nam là Vietcombank, Vietinbank, Đông Á và Á Châu[14].

Như vậy, với những thông tin ở trên cho thấy, hoạt động rửa tiền thông qua việc sử dụng tiền ảo đã xuất hiện ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Việt Nam chưa công nhận và bảo hộ các hoạt động liên quan đến tiền ảo, vậy việc sử dụng các đồng tiền ảo để thực hiện hành vi rửa tiền có được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền không?

Quốc hội khoá XIII đã ban hành Luật số 07/2012/QH13 về phòng, chống rửa tiền. Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền[15]. Trong đó, rửa tiền được hiểu là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: a) Hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự; b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản[16].

Như vậy, việc thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền thuộc đối tượng điều chỉnhcủa Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Kể cả khi Việt Nam chưa công nhận và bảo hộ các loại tiền ảo mà cá nhân, tổ chức lợi dụng các giao dịch liên quan đến tiền ảo để thực hiện mục đích rửa tiền cũng đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Người thực hiện hành vi rửa tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức xử phạt tương ứng với hành vi của mình tại các điều từ Điều 39 đến Điều 46 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Người sử dụng các giao dịch liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

4. Quy định của pháp luật về hành chính và hình sự liên quan đến tiền ảo

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tiền ảo không phải là tài sản và không bảo hộ các giao dịch của các chủ thể liên quan đến tiền ảo, song, nếu chủ thể lợi dụng các giao dịch về tiền áo nhằm thực hiện các hành vi bị cấm (như rửa tiền, tài trợ khủng bố) hoặc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi. Cụ thể như sau:

Về trách nhiệm hành chính:

Như vậy, có thể thấy rằng, theo quy định của pháp luật, tiền ảo không phải là một phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, do đó, các chủ thể sử dụng tiền ảo làm công cụ thanh toán sẽ bị coi là sử dụng công cụ thanh toán bất hợp pháp tại Việt Nam. Trường hợp chủ thể vi phạm quy định về sử dụng phương tiện thanh toán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo quy định tại điểm này, chủ thể phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt từ 150 đến 200 triệu đồng. Mức xử phạt này không dựa trên giá trị của lần thanh toán bằng tiền ảo lớn hay nhỏ. Đồng thời, chủ thể này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm[17] và bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm[18].

Trường hợp chủ thể thực hiện các giao dịch tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm theo quy định tại các điều từ Điều 39 đến Điều 46 Nghị định số 96/2014/ND - CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chỉnh trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Về trách nhiệm hình sự:

Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (Bộ luật Hình sự năm 2015), tức là kể từ thời điểm này việc sử dụng tiền ảo mà cấu thành các tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự thì chủ thể phải chịu trách nhiệm tương ứng. Có thể liệt kê các hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến tiền ảo như sau:

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam:

Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi “phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp” có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Theo quy định tại Điều này và dựa vào những phân tích ở trên, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là bất hợp pháp và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi rửa tiền thông qua các giao dịch về tiền ảo:

Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy định rửa tiền được hiểu là hành vi của cá nhân, tổ chức nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm cả hành vi đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi được coi là phạm tội rửa tiền có thể là “tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Theo đó, giao dịch khác không được xác định cụ thể là giao dịch gì nên có thể hiểu mọi giao dịch (ngoài giao dịch tài chính, ngân hàng) nhằm mục đích đã được xác định tại điểm này đều phạm tội rửa tiền. Tuy nhiên, động cơ của tội phạm này phải nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có. Trong khi đó, tiền ảo lại chưa được công nhận là tiền hay tài sản ở Việt Nam nên tùy từng trường hợp chủ thể có thể bị xác định là phạm tội rửa tiền hoặc không. Ví dụ, một người được nhận hối lộ bằng tiền ảo và sau đó thực hiện các hoạt động rửa số tiền này thì không phạm tội nhưng một người nhận hối lộ bằng tiền thật sau đó đổi sang tiền ảo rồi lại thực hiện các hoạt động rửa tiền khác thì lại có thể phạm tội rửa tiền. Điều này chứng minh sự bất hợp lý trong quy định của pháp luật khi cùng một hành vi có trường hợp hành vi đó phạm tội, nhưng cũng có trường hợp hành vi đó lại không phạm tội.

Trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng các giao dịch tiền áo nhằm mục đích rửa tiền sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định tại Điều này, cá nhân là người phạm tội có thể phải chịu mức hình phạt tù lên đến 15 năm, đồng thời có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội này thì có thể bị phạt tiền lên đến 20 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo:

Cũng giống như những phân tích đối với hai hành vi ở trên, chủ thể sử dụng tiền ảo nhằm mục đích tài trợ khủng bố sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội tài trợ khủng bố được quy định tại Điều 300 Bộ luật Hình sự.

Về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113 Bộ luật Hình sự):

Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự, người nào thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải chịu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể là tử hình. Việc tài trợ khủng bố có thể bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều luật này không liệt kê cụ thể hành vi nào được xác định là hành vi tài trợ khủng bố. Thậm chí, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 113, chỉ cần thành lập hoặc tham gia tổ chức tài trợ khủng bố là đã cấu thành tội phạm về tội này, bất kể hành vi tài trợ khủng bố được thực hiện ở mức độ nào.

Về tội tài trợ khủng bố (Điều 300 Bộ luật Hình sự)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 300 Bộ luật Hình sự, người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Như vậy, hành vi tài trợ khủng bố có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Bộ luật Hình sự không giới hạn hình thức tài trợ khủng bố mà chỉ quan tâm đến việc hành vi đó có nhằm huy động, hỗ trợ tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố hay không. Đối tượng tài trợ theo Điều luật cũng phải là tiền hoặc tài sản. Quy định này một lần nữa khẳng định việc không quy định tiền ảo là một loại tài sản sẽ gây khó khăn cho việc xác định rất nhiều hậu quả pháp lý của các hành vi liên quan đến tiền ảo trong đó có việc xác định tội phạm khủng bố.

Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là một loại tài sản, tiên ảo không phải là tiền pháp định và không phải là một trung gian thanh toán hợp pháp. Các hoạt động như “đào”, trao đổi, kinh doanh, đầu tư tiền ảo không bị cấm tại Việt Nam và trên thực tế vẫn diễn ra một cách sôi nổi. Do đó, chưa có chính sách điều chỉnh phù hợp và kịp thời về các hoạt động tạo, kinh doanh, đầu tư tiền ảo đang diễn ra sôi nổi trong xã hội.

 


[1] Trâm Anh, “Lịch sử tăng giảm giá đáng sửng sốt của Bitcoin", https:/tienmatma.org/2018/02/19/lich-su-tang-giam-gia-dang-sung-sot-cua- bitcoin/ (truy cập ngày 08/10/2018).

[2] Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tương tự như những phân tích ở phần thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, tiền ảo không phải là hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam nên việc thu nhập có được từ việc kinh doanh tiền ảo không thuộc thu nhập chịu thuế.

[3] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, “Thông cáo báo chí về bitcoin và các loại tiền áo tương tự khác", https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/sm/tcbc/ttvhdnhtt/ttvhdnhttchitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=CNTHWEBAP0116211755883&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=5042820314273000#%40%3F_afrLoop%3D5042820314273000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DCNTHWEBAP0116211755883%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26s how Footer%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl- state%3D1dk4e6jy9c_9 (truy cập ngày 20/9/2018).

[4] Phương Loan, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, “Tòa tuyên án vụ thu thuế tiền điện tử Bitcoin", http://cafef.vn/toa-tuyen-an-vu-thu-thue-tien-dien-tu-bitcoin-20170922134614789.chn (truy cập ngày 08/10/2018).

[5] Diệp Vũ, “Nhật Bản sẽ đánh thuế nhà đầu tư tiền ảo tới 55%, http://vneconomy.vn/nhat-ban-se-danh-thue-nha-dau-tu-tien-ao-toi-55- 20180209080352822.htm (truy cập ngày 08/10/2018).

[6] Hà Thu, “Hàn Quốc đánh thuế hơn 24% các sàn tiền ảo", https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/han-quoc-danh-thue-hon-24-cac-san-tien-ao-3702538.html (truy cập ngày 08/10/2018).

[7] Ngô Minh, “Thế giới đánh thuế giao dịch Bitcoin như thế nào?”, https://news. zing.vn/the-gioi-danh-thue-giao-dich-bitcoin-nhu-the-nao-post790489.html (truy cập ngày 10/10/2018).

[8] Ngô Minh, “Thế giới đánh thuế giao dịch Bitcoin như thế nào?”, https://news. zing.vn/the-gioi-danh-thue-giao-dich-bitcoin-nhu-the-nao-post790489.html (truy cập ngày 10/10/2018).

[9] Ngô Minh, “Thế giới đánh thuế giao dịch Bitcoin như thế nào?”, https://news. zing.vn/the-gioi-danh-thue-giao-dich-bitcoin-nhu-the-nao-post790489.html (truy cập ngày 10/10/2018).

[10] Ngô Minh, “Thế giới đánh thuế giao dịch Bitcoin như thế nào?”, https://news. zing.vn/the-gioi-danh-thue-giao-dich-bitcoin-nhu-the-nao-post790489.html (truy cập ngày 10/10/2018).

[11] Hoàng Nhật, “Việt Nam không thể thu thuế bằng Bitcoin thì không nơi nàot thu được”, https://baomoi.com/viet-nam-khong-the-thu-thue-bang-bitcoin-thi- khong-noi-nao-thu-duoc/c/24357633.epi (truy cập ngày 10/10/2018).

[12] Đức Anh, VnEconomy, “Giới tội phạm châu Âu “rửa” 5,5 tỷ USD thông qua tiền ảo”, http://vneconomy.vn/gioi-toi-pham-chau-au-rua-55-ty-usd-thong-qua- tien-ao-20180212211829446.htm (truy cập ngày 08/10/2018).

[13] Trần Anh, Báo nhân dân, - Vu rửa tiền ảo gây chấn động”, http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-quocte/baothoinay-quocte- nhanvatsukien/item/33635902-vu-rua-tien-ao-gay-chan-dong.html (truy cập ngày (10/10/2018 )

[14] Hùng Phan - Song Anh (tổng hợp), “Toàn cảnh vụ rửa tiền chấn động thế giới", cập ngày 10/10/201/toan-canh-vu-rua-tien-chan tiến chấn động thế giới-110202.html (truy cập ngày 10/10/2018)

[15] Khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

[16] Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012

[17] Khoản 8 Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

[18] Điểm b khoản 9 Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành