Thứ năm, 18 Tháng 7 2024 08:15

Khái quát chung về phân biệt tiền ảo, tiền điện tử và các loại tài sản khác theo Bộ luật Dân sự Việt Nam

1. Phân biệt tiền ảo với tiền điện tử

Ngày nay, tiền ảo (virtual currency) hay tiền điện tử (e-money) hay bị nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm với nhau, do vậy cần có sự phân biệt về khái niệm, nội hàm giữa khái niệm tiền ảo và tiền điện tử nhằm phân định ranh giới, làm cơ sở cho việc ban hành và áp dụng pháp luật điều chỉnh về các loại tiền này trên thực tế.

1.1. Khái niệm tiền điện tử (electronic money hay e-money)

Theo khái niệm của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), tiền điện tử được định nghĩa như sau: “Tiền điện tử theo nghĩa rộng được định nghĩa là sự lưu trữ điện tử của một giá trị tiền tệ trên một thiết bị kỹ thuật mà có thể được sử dụng một cách rộng rãi để thanh toán cho một thể nhân mà không phải là nhà phát hành, trong đó không nhất thiết cần tới sự tham gia trực tiếp của các tài khoản ngân hàng trong giao dịch...”[1].

Theo Ủy ban Thanh toán, Ngân hàng Thanh toán quốc tế của Thụy Sĩ thì: “Tiền điện tử được định nghĩa là giá trị được lưu giữ hoặc sản phẩm trả trước trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu giữ trong một thiết bị thuộc sở hữu của khách hàng”. Định nghĩa này bao gồm cả thẻ trả trước và các sản phẩm trả trước dưới dạng phần mềm, sử dụng các hệ thống máy tính (còn được gọi là tiền mặt điện tử - digital cash)[2]”.

Qua các định nghĩa trên có thể hiểu tiền điện tử là một dạng tiền pháp định tồn tại dưới dạng kỹ thuật số.

1.2. Các loại tiền điện tử trên thế giới hiện nay

Với những tiện ích mà tiền điện tử mang lại, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay trên thế giới đã xuất hiện các dạng tiền điện từ sau:

Tiền điện tử offline: Là một trong những dạng tiền điện tử, ví dụ như thẻ trả trước hoặc thẻ thông minh. Thẻ trả trước là loại thẻ được ghi một giá trị nhất định lên nó, thông qua các hình thức như điện tử, từ hoặc quang và thường trông giống như một chiếc thẻ tín dụng. Khi khách hàng sử dụng, thiết bị chấp nhận thẻ sẽ xóa đi một phần tương ứng với lượng tiền sử dụng trên dải quang, từ hoặc điện tử.

Thẻ thông minh là dạng mở rộng của thẻ trả trước. Cũng giống như thẻ trả trước, thẻ thông minh lưu giữ một giá trị nhất định, nhưng khác với thẻ trả trước, thẻ thông minh thường có chíp điện tử. Do đó, thẻ thông minh có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Có thể coi đây là một dạng tiền điện tử, vì khi người dùng mua thẻ thông minh, họ đã chuyển tiền của mình từ dạng tiền truyền thống (tiền mặt, tài khoản thanh toán, xu...) sang tiền điện tử.

Tiền điện tử online: Hiện nay, có rất nhiều website cung cấp dịch vụ thanh toán online mà không thông qua tài khoản ngân hàng. Những website này hoạt động theo hình thức như sau: khách hàng đăng ký tài khoản và được cung cấp một ví điện tử với mã bảo mật và thông tin cá nhân. Sau đó, khách hàng chuyển tiền của mình từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử này và có thể trực tiếp sử dụng tiền từ ví điện tử của mình để mua hàng trực tuyến tại cửa hàng hoặc tham gia những hình thức mua bán trực tiếp giữa khách hàng với nhau trên các website đấu giá, mua bán như eBay hay Alibaba. Tiêu biểu nhất và phổ thông nhất trong các website này là PayPal, ngoài ra, còn có thêm rất nhiều các website tương tự và mức độ phổ biến của chúng đang ngày càng tăng. Ban đầu, các loại tiền điện tử này thường chỉ được sử dụng để mua bán giữa khách hàng với nhau, nhưng cảng ngày chúng càng được chấp nhận rộng rãi bởi các doanh nghiệp, các tổ chức bán hàng trực tuyến.

Tiền mặt điện tử (digital cash): được hiểu là một hệ thống cho phép một người có thể chi trả cho hàng hóa, dịch vụ bằng việc chuyển một dãy số từ máy tính này sang máy tính khác. Giống như số seri trên một tờ tiền thật, dãy số của tiền mặt điện tử là độc nhất. Mỗi dãy số được phát hành bởi một ngân hàng và đại diện cho một lượng tiền nhất định. Những người sử dụng loại tiền này có thể tải tiền từ tài khoản của mình ở ngân hàng về máy tính cá nhân, rồi khi duyệt web có thể chuyển tiền từ máy tính đến máy tính người bán để thanh toán.

1.3. Phân biệt tiền điện tử và tiền ảo

Có thể thấy rằng, tiền điện tử và tiền ảo có một số điểm tương đồng, như cả tiền điện tử và tiền ảo đều được thể hiện bằng hình thức số hóa và được lưu trữ, giao dịch thông qua kỹ thuật số, trực tuyến qua internet. Tiền điện tử và tiền ảo đều được ra đời dựa trên sự phát triển, tiến bộ của công nghệ và việc sử dụng rộng rãi internet trong đời sống.

Tuy nhiên, xem xét một cách toàn diện thì tiền điện tử và tiền ảo có những điểm khác biệt như sau:

Tiêu chí Tiền điện tử Tiền ảo
Về chủ thể phát hành Tiền điện tử được tổ chức phát hành bởi các cơ quan có thẩm quyền được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật mỗi nước (thường do ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng phát hành)

Tiền ảo thường do các tổ chức phi tài chính, các nhóm cá nhân, tổ chức tư nhân phát hành

Về pháp lý tính

Tiền điện tử có tính chất pháp lý của tiền thật và được chính phủ các nước bảo đảm thông qua chính sách tiền tệ của nhà nước Tiền ảo được thường các chính phủ chấp nhận như một loại tiền tệ hợp pháp. Hiện nay, tiền ảo có thể được công nhận dưới dạng phương tiện thanh toán, hàng hoá hoặc tài sản

Về khả năng bảo đảm giá trị

Tiền điện tử được đảm bảo bởi đồng tiền hợp pháp mà nó đại diện.

Tiền ảo không được đảm bảo bởi tiền hợp pháp. Giá trị của tiền ảo chủ yếu dựa trên lòng tin của người dùng.

Về khả năng chuyển đối của đồng tiền

Khả năng chuyển đổi của tiền điện từ rất linh hoạt.

Thông thường, các loại tiền ảo chỉ được sử dụng trong một cộng đồng mạng nhất định. Khả năng chuyển đổi của các loại tiền ảo phụ thuộc vào lòng tin của người sử dụng.

Về đơn vị tiền tệ

Tiền điện tử là đồng tiền truyền thống được ngân hàng trung ương, các tổ chức tài chính phát hành. Vì vậy, nó mang theo đơn vị tiền thật của quốc gia đó. Tiền ảo là đồng tiền phát minh không phải là tiền tệ chính thức của một quốc gia nên nó không biểu hiện cho đơn vị tiền tệ của bất kỳ quốc gia nào mà do chủ thể phát hành tự xác định.

Về biểu hiện

Tiền điện tử ngoài hình thức biểu hiện kỹ thuật số còn có thể biểu hiện ra bên ngoài dưới các dạng vật chất nhất định như tiền điện tử offline (thẻ trả trước, thẻ thông minh...). Tiền ảo luôn luôn tồn tại dưới dạng kỹ thuật số và phải hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường số để hoạt động mà không biểu hiện ra bên ngoài dưới bất kỳ dạng vật chất truyền thống nào.

Về tính ẩn danh

Tiền điện tử được phát hành và hoạt động thông qua trung gian là các ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác nên việc định danh chủ thể đối với tiền điện tử có thể được xác định thông qua việc kiểm soát của các chủ thể này.

Tiền ảo mang tính ẩn danh cao. Chủ thể của tiền ảo chỉ có thể xác định được trong một số trường hợp đặc biệt.

Về khả năng chấp nhận

Tiền điện tử được chấp nhận bởi toàn xã hội như tiền truyền thống. Tiền áo có thể chỉ được chấp nhận trong giới hạn một cộng đồng ảo hoặc một nền kinh tế ảo nhất định.

Về nguồn cung tiền

Tiền điện tử có nguồn cung cố định.

Tiền áo không có nguồn cung ứng cố định, nguồn cung phụ thuộc vào quyết định của người phát hành

Khả năng được giám sát

Tiền điện tử được giám sát bởi chính phủ và các ngân hàng trung ương.

Tiền ảo không được giám sát bởi nhà nước.

Về mức độ rủi ro

Rủi ro của tiền điện tử chủ yếu là các rủi ro trong hoạt động.

Rủi ro của tiền ảo có mức độ cao hơn, bao gồm các loại rủi ro như: rủi ro trong hoạt động, trong tín dụng, trong thanh khoản và trong pháp lý.

2. Phân biệt tiền ảo với các loại tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015

2.1. Phân biệt tiền ảo với tiền

Mặc dù cũng được gọi tên là “tiền” nhưng tiền ảo và tiền lại có những điểm khác biệt cơ bản.

Xét về mặt bản chất thì cho đến thời điểm hiện nay, tiền ảo chưa được thừa nhận tại Việt Nam nên chưa được coi là một loại tài sản. Trong khi đó tiền là một trong bốn loại tài sản được liệt kê tại Điều 105 Bộ luật Dân sự Việt 2015.

Về chủ thể phát hành thì tiền ảo có thể do bất cứ tổ chức, cá nhân nào tạo ra và không dựa trên bất cứ quy định hoặc nguyên tắc nào, còn tiền chỉ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành dựa trên lượng vàng tích trữ của quốc gia

Về phương thức phát hành tiền ảo được tạo ra trên nền tảng công nghệ blockchain với các thuật toán còn tiền được phát hành thông qua hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Xem xét về mặt giá trị thì giá trị của tiền ảo không ổn định, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, đặc biệt là nhu cầu của người dùng và các thông tin trên thị trường, chính sách của các quốc gia. Ngược lại, giá trị của tiền được xác định thông qua mệnh giá và có tính ổn định. Từ khi phát hành cho đến khi bị rút khỏi lưu thông, mệnh giá của đồng tiền không thay đổi.

Xét về chức năng hiện nay, tiền ảo được thừa nhận và được sử dụng ở nhiều quốc gia. Phụ thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia, tiền ảo lại có những chức năng khác nhau. Ví dụ như phương tiện thanh toán là một loại tiền tệ. Song thực tế, tiền ảo được sử dụng với chức năng đầu tư là chủ yếu. Ở Việt Nam, tiền ảo chưa được thừa nhận nên chủ yếu được sử dụng để đầu tư kiếm lợi.

Đối với tiền, tiền có các chức năng cơ bản như:

  • Là thước đo giá trị đối với mọi loại tài sản khác. Thậm chí hiện nay, tiền cũng được dùng để đo giá trị của các đồng tiền ảo;
  • Là phương tiện thanh toán đa năng, có thể được sử dụng để thanh toán cho mọi giao dịch trên thực tế;
  • Là phương tiện lưu thông: khi sản phẩm được sản xuất ra sẽ có những phần được dùng đưa vào lưu thông. Khi trao đổi hàng hoá với nhau, tiền được sử dụng làm trung gian của quá trình lưu thông hàng hoá. Không có tiền thì việc lưu thông sẽ trở nên khó khăn;
  • Phương tiện cất trữ: tiền là đại diện cho của cải của xã hội nên khi chủ sở hữu muốn tích luỹ của cải sẽ đổi ra tiền để bảo đảm việc cất trữ được thuận lợi.

Về trạng thái tồn tại:

Tiền ảo không tồn tại đưới bất cứ hình dạng, chất liệu cụ thể nào mà chỉ tồn tại trên môi trường mạng internet. Sự tồn tại của tiền ảo hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống mạng máy tính lưu trữ các thông tin liên quan đến tài khoản của chủ thể sở hữu tiền ảo. Do đó, nếu hệ thống mạng internet gặp trục trặc thì các chủ thể không thể thực hiện các giao dịch về tiền ảo.

Đối với trạng thái tồn tại của tiền tệ có thể thấy trong lịch sử, tiền đã được định dạng dưới nhiều hình dạng khác nhau và được sử dụng ở các quốc gia khác nhau như vỏ ốc, vỏ sò... Dần dần, qua thời gian, tiền kim loại và tiền giấy đã được sử dụng thay thế cho các loại tiền trước đó. Đến thời điểm hiện nay, tiền tồn tại trong thế giới thực với hình dạng cụ thể. Ở Việt Nam hiện nay, tiền bao gồm hai loại là tiền giấy với các mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng và tiền bằng chất liệu polimer tổng hợp với các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng...

Về sự bảo hộ của nhà nước:

Như đã phân tích, đến thời điểm hiện nay Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là tài sản trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời cũng chưa có bất cứ sự bảo hộ nào đối với việc “đào”, kinh doanh và sở hữu tiền ảo. Điều này thể hiện cụ thể trong Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 27/2/2014, trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra những cảnh báo như: Việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng; việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ[3]

Đối với tiền tệ Việt Nam, tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam[4] và được bảo hộ theo các hệ thống pháp luật khác nhau. Sự bảo hộ của Nhà nước đối với tiền thể hiện ở nhiều quy định khác nhau. Ví dụ, tại khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hoặc, ví dụ Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định các hành vi bị cấm liên quan đến việc phát hành tiền như: Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; Hủy hoại đồng tiền trái pháp luật; Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành... Ngoài ra, tiền cũng được bảo hộ bởi các quy định của pháp luật hình sự, hành chính liên quan đến các hành vi xâm phạm đến đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành cũng như chính sách tiền tệ của quốc gia.

Về không gian sử dụng

Tiền ảo có tính chất phi biên giới, phi quốc gia. Đồng tiền ảo được tạo ra ở quốc gia này có thể được sử dụng một cách dễ dàng mà không bị kiểm soát ở quốc gia khác.

Đối với không gian sử dụng tiền thì tiền của quốc gia nào phát hành chỉ được sử dụng một cách tự do ở quốc gia đó. Đối với tiền do quốc gia khác phát hành, việc lưu hành và sử dụng ở Việt Nam bị hạn chế theo các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các quy định khác có liên quan.

Về sự tiện lợi khi sử dụng

Việc quản lý và sử dụng tiền ảo đòi hỏi chủ thể phải đạt trình độ nhất định về công nghệ thông tin. Điều này xuất phát từ việc tiền ảo hình thành và tồn tại trong môi trường internet thông qua công nghệ chuỗi blockchain. Để có thể sử dụng được tiền ảo thì người chơi tiền ảo phải có những hiểu biết về các loại tiền ảo và đặc biệt phải có trình độ công nghệ thông tin đủ để có thể sử dụng vào việc “đào” hoặc các giao dịch về tiền ảo. Đó là phải biết sử dụng hệ thống email, các phần mềm máy tính có liên quan, biết sử dụng tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, để có thể chơi và sử dụng tiền ảo, người sử dụng phải biết cách lập và quản lý ví điện tử, đăng ký vào các sàn giao dịch tiền ảo, đồng thời phải có kỹ năng quản lý các giao dịch tiền ảo qua sàn đã đăng ký...

Trong khi đó, tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành tồn tại trong thế giới thực. Chủ sở hữu có thể dễ dàng kiểm soát, quản lý và chi phối tiền thuộc sở hữu của mình. Các giao dịch liên quan đến tiền cũng được thực hiện một cách dễ dàng hơn giữa các chủ thể. Việc quản lý và sử dụng tiền không đòi hỏi chủ thể phải có một trình độ nhận thức cơ bản nào về công nghệ thông tin nói chung và công nghệ blockchain nói riêng. Các giao dịch liên quan đến tiền diễn ra trong thế giới thực nên cũng không đòi hỏi người tham giao dịch phải biết sử dụng các phần mềm tin học, email, tài khoản ngân hàng...

Về khả năng kiểm soát lạm phát

Các đồng tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin được tạo ra sẽ giúp kiểm soát được tình hình lạm phát của các nền kinh tế. Bởi vì không giống như các loại tiền tệ chính thống hiện nay luôn được mở rộng, Bitcoin được giới hạn. Chỉ có 21 triệu Bitcoin tồn tại, một khi lượng đó được “đào” hết sẽ không có đồng tiền mới được tạo ra. Chính việc giới hạn này sẽ khiến đồng tiền không bị phá giá mà ngược lại giá của Bitcoin sẽ ngày càng tăng theo thời gian.

Trong khi các đồng tiền chính thống của các quốc gia trên thế giới nói chung, đồng tiền của Việt Nam nói riêng dễ rơi vào tình trạng mất giá khiến cho lượng tiền đưa vào lưu thông cao mới đủ cho nhu cầu sử dụng của người dân. Điều này là nguyên nhân khiến cho tình trạng lạm phát của các nền kinh tế thường xuyên xảy ra đối với đồng tiền chính thống.

2.2 Phân biệt tiền ảo với các loại tài sản khác (vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản) trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Về bản chất:

Đối với tiền ảo, mặc dù nhiều quốc gia đã thừa nhận tiền ảo là tài sản hoặc phương tiện thanh toán hoặc là một loại tiền, nhưng pháp luật Việt Nam chưa có bất cứ ghi nhận chính thức nào thể hiện sự công nhận tiền ảo là một loại tài sản. Do đó, ở Việt Nam hiện nay, tiền ảo không phải là tài sản.

Ngược lại, đối với vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản thì đây là các loại tài sản được quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 và là đối tượng của các giao dịch dân sự.

Về chủ thể tạo ra

Tiền ảo được tạo ra bởi một số cá nhân có trình độ cao về công nghệ thông tin nói chung, công nghệ blockchain nói riêng. Tuy nhiên, bất cứ cá nhân nào có khả năng ứng dụng công nghệ blockchain đều có quyền tạo ra các đồng tiền ảo.

Còn đối với vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản với mỗi loại tài sản khác nhau lại có quy chế pháp lý khác nhau liên quan đến hoạt động tạo ra các loại tài sản này. Đối với vật, có những loại vật có thể do bất cứ chủ thể nào tạo ra, nhưng có những loại vật chỉ có thể do những chủ thể có đủ điều kiện được pháp luật cho phép thực hiện hoạt động tạo ra vật đó, ví dụ chỉ các đơn vị lực lượng vũ trang mới có quyền sản xuất ra các loại vũ khí quân dụng. Đối với giấy tờ có giá, chỉ những chủ thể theo quy định của pháp luật liên quan mới có quyền phát hành các loại giấy tờ có giá. Ví dụ, chỉ có công ty cổ phần mới có quyền phát hành cổ phiếu. Đối với quyền tài sản, có thể là các quyền tài sản được nhà nước thừa nhận là tài sản (ví dụ quyền sử dụng đất) nhưng có những loại tài sản xuất hiện trên cơ sở các giao dịch dân sự (ví dụ quyền đòi nợ xuất hiện khi hợp đồng vay tài sản được giao kết).

Về quy chế pháp lý

Tiền ảo chưa được thừa nhận nên Việt Nam cũng chưa có bất cứ sự bảo hộ nào đối với tiền ảo. Theo quy định pháp luật hiện hành về việc phát hành và sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thì tiền ảo không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp. Tuy nhiên, pháp luật cũng không có quy định liên quan đến việc cấm các giao dịch liên quan đến tiền ảo. Các giao dịch về tiền ảo hiện nay dường như được “thả nổi”, “tự sinh tự diệt”. Các chủ thể tự khai thác giá trị của tiền ảo và tự gánh chịu các rủi ro xảy ra đối với việc kinh doanh và sở hữu tiền ảo.

Đối với vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản thì trong khoa học pháp lý dân sự hiện nay, mỗi loại tài sản đều có quy chế pháp lý khác nhau. Dựa vào quy chế pháp lý áp dụng đối với mỗi loại tài sản, tài sản được phân chia thành 03 loại: tài sản cấm lưu thông; Tài sản hạn chế lưu thông; Tài sản tự do lưu thông.

Về tính ẩn danh và rủi ro về giao dịch có liên quan

Hầu hết các đồng tiền ảo được tạo ra đều có tính ẩn danh về chủ thể tạo ra cũng như chủ sở hữu. Các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma tủy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.[5]

Tuy nhiên, một số đồng tiền ảo được tạo ra đòi hỏi chủ thể phải công khai danh tính khi sở hữu và sử dụng (Cộng hòa Quần đảo Marshall - một nước có chủ quyền và là thành viên Liên Hợp Quốc, ngày 22/5/2018 đã thông qua luật công nhận tiền ảo là tiền pháp định quốc gia, Các chủ thể sử dụng đồng tiền ảo này phải công khai danh tính)[6] hoặc một số quốc gia (ví dụ Nhật Bản) đòi hỏi việc giao dịch các đồng tiền ảo phải được thực hiện qua sàn giao dịch có đăng ký và chủ thể giao dịch phải công khai danh tính.

Việc lưu thông các loại tài sản phải được thực hiện theo các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, các điều kiện về chủ thể, về phạm vi phải được tuân thủ một cách triệt để. Ví dụ, tài sản đang có tranh chấp về quyền sở hữu không được phép chuyển nhượng dưới bất cứ hình thức nào như mua bán, trao đổi, tặng cho, thế chấp...

Đối với vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản các loại tài sản này được phân chia theo các nhóm khác nhau. Có những loại tài sản bắt buộc phải được đăng ký quyền sở hữu, ví dụ nhà ở hay quyền sử dụng đất, ô tô, xe máy... nên danh tính của các chủ sở hữu tài sản này sẽ được công khai. Các giao dịch liên quan đến các loại tài sản này thông thường phải tuân thủ theo hình thức bắt buộc bằng văn bản, văn bản có công chứng hoặc chứng thực nên các chủ thể loại trừ được các nguy cơ gặp rủi ro về giao dịch. Còn lại hầu hết các loại tài sản không bắt buộc đăng ký. Do đó, danh tính của các chủ thể không được xác định cụ thể đối với các loại tài sản này. Việc xác định chủ thể có quyền đối với các loại tài sản này thường dựa trên nguyên tắc suy đoán theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015. Các giao dịch liên quan đến các loại tài sản này thông thường cũng không chịu sự ràng buộc về một hình thức cụ thể nào. Tuy nhiên, các chủ thể tham gia giao dịch cũng có thể kiểm soát được rủi ro đối với các giao dịch mà mình tham gia. Điều này thể hiện ở việc chủ thể có thể lựa chọn hình thức phù hợp có minh chứng cho việc bảo vệ quyền lợi của mình trước hành vi xâm phạm. Ví dụ, để chứng minh cho quyền đòi nợ của mình là có cơ sở thì bên cho vay có thể lựa chọn hình thức xác lập hợp đồng vay bằng văn bản.

Về trạng thái tồn tại

Như đã phân tích, tiền ảo được tạo ra và tồn tại trên môi trường internet mà không tồn tại trong thế giới thực. Chính vì vậy, việc kiểm soát và sử dụng các tính năng của tiền ảo đòi hỏi chủ thể phải có trình độ nhận thức đầy đủ về công nghệ blockchain và các phần mềm máy tính.

Về vật, thì các loại tài sản này tồn tại ở một trạng thái rắn, lòng hoặc khí cụ thể. Một số loại tồn tại thông qua các phương tiện ghi nhận một cách gián tiếp như các quyền tài sản, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ. Việc sử dụng các loại tài sản này hầu như không đòi hỏi chủ thể phải có nhận thức cơ bản nào về công nghệ blockchain.

Về chức năng

Tiền ảo hiện nay được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, nhưng chủ yếu được sử dụng làm phương tiện kính doanh hoặc phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, tất cả các chức năng này chưa được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Thậm chí, việc phát hành và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán bị cấm và chủ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh có liên quan.

Đối với vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản mỗi loại tài sản này được tạo ra đều có những chức năng riêng. Chức năng của các loại tài sản này do các nhà sản xuất tạo ra nó quy định. Dưới góc độ kinh tế - chính trị, các loại tài sản này có hai thuộc tính đó là thuộc tính giá trị và giá trị sử dụng. Do đó, ngoài việc khai thác công dụng để phục vụ các nhu cầu từ cơ bản đến nhu cầu cao của con người, các loại tài sản này còn có thể được sử dụng làm thước đo giá trị trong chừng mực, ví dụ vàng được dùng làm thước đo giá trị và phương tiện thanh toán trong một số trường hợp.

Về sự bảo hộ của Nhà nước

Hiện nay, Việt Nam chưa thừa nhận tiền ảo là tài sản nên Nhà nước chưa có bất cứ quy định nào nhằm bảo hộ việc giao dịch cũng như sở hữu tiền ảo. Theo các khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chủ thể phải tự gánh chịu rủi ro liên quan đến các giao dịch về tiền ảo cũng như việc “đào” và sở hữu tiền ảo.

Đối với vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản đây là các loại tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015. Mỗi loại tài sản đều có quy chế pháp lý riêng, đòi hỏi các chủ thể khi xác lập các giao dịch liên quan đến các loại tài sản này đều phải tuân thủ. Song, quyền sở hữu và các quyền khác đối với các loại tài sản này được Bộ luật Dân sự năm 2015 bảo vệ theo một trong các phương thức được quy định tại các điều từ Điều 163 đến Điều 170. Đồng thời, pháp luật hình sự và pháp luật hành chính cũng có những quy định nhằm bảo vệ quyền sở hữu các loại tài sản này.

2.3 Phân biệt tiền ảo và tài sản ảo

Mặc dù đều chưa được thừa nhận là tài sản trong hệ thống pháp luật Việt Nam, và cũng chưa được pháp luật chính thức bảo hộ, song giữa tiền ảo và các loại tài sản ảo cũng có những điểm khác biệt cơ bản như sau:

Về bản chất

Như các phân tích đã chỉ ra, Việt Nam chưa có quy định thừa nhận tiền ảo là một loại tài sản.

Xét về bản chất, tài sản ảo chỉ là hình ảnh thể hiện ra bên ngoài của các thông tin tồn tại dưới dạng các đoạn mã máy tính. Các đoạn mã khác nhau tạo nên những loại tài sản ảo khác nhau. Chính vì vậy, tài sản ảo cũng có sự thống nhất của tính chất nội tại và hình ảnh bên ngoài như bất kỳ tài sản thông thường nào khác. Tuy nhiên, do các đoạn mã máy tính không tồn tại độc lập hoàn toàn nên không thể thực hiện quyền chiếm hữu như tài sản thông thường mà chỉ có thể thực hiện được quyền này thông qua giá trị bằng tiền của tài sản ảo đó[7]

Về tính ẩn danh

Hầu hết các giao dịch liên quan đến tiền ảo đều có tính ẩn danh về chủ thể. Hơn thế nữa, chính các chủ thể tạo ra tiền ảo và những người “đào” hoặc sở hữu tiền ảo cũng đều ẩn danh. Không ai có thể xác định được danh tính của người tạo ra đồng tiền ảo, người sở hữu và những người tham gia các giao dịch về tiền ảo nếu bản thân họ không tự lộ diện. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt, các chủ thể xác lập các giao dịch liên quan đến tiền ảo mới phải công khai danh tính. Điều này có thể đến từ các quy định của các quốc gia tạo ra và công nhận tiền ảo hoặc các quốc gia thừa nhận và quy định cụ thể về các giao dịch tiền ảo.

Đối với một số loại tài sản ảo, mặc dù thông tin về chủ sở hữu không hiển thị trên internet, nhưng các chủ thể quan tâm hoàn toàn có thể xác định các thông tin liên quan đến chủ sở hữu của loại tài sản đó. Về tính pháp lý, tài sản ảo là một khái niệm rất rộng như tên miền internet, địa chỉ hộp thư điên tử, các loại tài khoản game online..., phổ biến nhất là tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến, tên miền. Tiếp cận theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng ảo trong thế giới ảo, còn theo nghĩa rộng thì tài sản ảo được hiểu là những tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự. Khái niệm này được tiếp cận thông qua tư duy lý luận về quyền tài sản[8].

Trên thực tế, đối với các loại tài sản ảo là tên miền thì có thể tìm hiểu thông tin liên quan đến chủ sở hữu tên miền bằng nhiều cách như: truy cập vào chính tên miền đó hoặc sử dụng công cụ tìm kiếm như Google.com... sẽ giúp ích trong việc tìm thông tin người sở hữu tên miền; liên hệ với các nhà đăng ký tên miền...

Về quy chế pháp lý

Do chưa được thừa nhận là tài sản nên cũng chưa có quy chế pháp lý nào được áp dụng đối với việc “đào”, sở hữu và giao dịch tiền ảo. Chỉ có những quy định gián tiếp cấm việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Còn lại các hoạt động liên quan đến tiền ảo đều “tự sinh tự diệt” và các chủ thể phải tự gánh chịu rủi ro.

Đối với tài sản ảo, việc sở hữu và sử dụng một số loại tài sản ảo (điển hình là tên miền) cũng phải tuân theo những quy định pháp luật. Cụ thể là Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet. Đồng thời, các tranh chấp về tên miền cũng được giải quyết theo quy định cụ thể của Thông tư này.

Về sự bảo hộ

Theo Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 27/2/2014 đến tại thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa thừa nhận và bảo hộ việc “đào”, sở hữu cũng như các giao dịch liên quan đến tiền ảo.

Đối với tài sản ảo, một trong những loại tài sản ảo đang được bảo hộ bằng các quy định cụ thể Việt Nam hiện nay là tên miền. Do đó, khi chủ sở hữu tên miền nhận thấy có sự xâm phạm tên miền của mình thì hoàn toàn có thể áp dụng các phương thức bảo vệ tên miền đã được quy định tại Điều 76 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và Điều 16 Nghị 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tín trên mạng, đã quy định cụ thể về các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”[9]

Về chức năng

Chức năng của tiền ảo phụ thuộc vào nhu cầu của chính người sở hữu tiền ảo, song thông thường được sử dụng vào hai chức năng chính là phương tiện thanh toán và phương tiện đầu tư kinh doanh thu lợi nhuận.

Tài sản ảo có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng vì nó đáp ứng những nhu cầu của con người. Game online đáp ứng nhu cầu về giải trí; tên miền cung cấp một hình thức đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, thương hiệu[10]...

Như vậy, có thể thấy rằng, tiền ảo hiện nay được quy định và bảo hộ tại một số nước trên thế giới, tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam tiền ảo chưa được quy định là một loại tiền tệ hay tài sản theo quy định của Luật Dân sự 2015. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, tiền ảo cũng đã xuất hiện, tồn tại ở Việt Nam dù chưa được pháp luật công nhận. Xem xét khái niệm, phân loại, phân biệt tiền ảo đối với tiền, tài sản, vật hay quyền tài sản theo pháp luật Việt Nam nhằm tiến tới việc xây dựng khung chính sách quản lý nhà nước về sự tồn tại, phát triển tất yếu của tiền ảo trong nền kinh tế.

 


[1] European Central Bank, "Issue arising from the emergence of electronic money", ECB Monthly Bulletin, 11/2000, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/hdk/hdkhcn/htnc/htnc_chitiet;jsessionid=BTQv5s3bcV-Q-wobWUy-Z6RCTmqVLekCimkoygtHqX09TY62u6I5!524755695!-1314115871?centerWidth=80%25%20&dDocName=SBVWEBAPP01SBV077691&leftWidth=20%25%20&rightWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=fals%20e&_adf.ctrl-state=jaidlkir5_51&_afrLoop=59077861656321023#%40%3F_afrLoop%3D59077861656321023%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBVWEBAPP01SBV077691%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dnln3yt5kr4 (truy cập ngày 08/10/2018)

[2] Committee on payment and settlement system, Bank for International Settlement, "Survey on Electronic Money Development", Switzerland, 5/2000. 20 Nguyễn Thế Phong, Tiền điện tử và ảnh hưởng của tiền điện tử tới chính sách tiền tệ, Hợp tác nghiên cứu, website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/hdk/hdkhcn/htnc/htnc_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV WEBAPP01SBV077691&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop= 4808620840999000#%40%3F_afrLoop%3D4808620840999000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBVWEBAPP01SBV077691%26leftWidth3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26show Header%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D5bae7309z_9 (truy cập ngày 06/10/2018)

[3] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/sm/tcbc/ttvhdnhtt/ttvhdnhtt_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=CNTHWEBAP0116211755883&rightWidth=0%25&center Width=80%25&_afrLoop=6750386886398000#%40%3F_afrLoop%3D6750386886398000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DCNTHWEBAPO116211755883%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26sho wFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D18rofxlsji_9 (truy cập ngày 25/9/2018).

[4] Khoản 1 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

[5] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/sm/tcbc/ttvhdnhtt/ttvhdnhtt_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader-false&dDocName=CNTHWEBAP0116211755883&rightWidth=0%25&centerWidth=80%25&_afrLoop=6750386886398000#%40%3F_afrLoop%3D6750386886398000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DCNTHWEBAP0116211755883%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrlstate%3D18rofxlsji 9CCC (truy cập ngày 25/9/2018).

[5] Trường Giang, Quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận tiền ảo là tiền pháp định, https://vietnambiz.vn/quoc-gia-dau-tien-tren-the-gioi-cong-nhan-tien-ao-la- tien-phap-dinh-54636.html (truy cập ngày 25/9 /20 18)

 

[7] Phạm Thanh Bình, Cần luật hoá vấn đề tài sản ảo, đăng trên báo Pháp luật điện tử, http://baophapluat.vn/tu-phap/can-luat-hoa-van-de-tai-san-ao-207671.html (truy cập ngày 25/5 / 2018 )

[8] Công ty Luật Đại Việt, Văn phòng Công chứng Đại Việt, Có nên công nhận “tài sản ảo” là một loại tài sản? http://www.luatdaiviet.vn/xem-tin-tuc/co-nen- cong-nhan-tai-san-ao-la-mot-loai-tai-san (truy cập ngày 25/5/2018)

[9] Bộ Thông tin và Truyền thông, Quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", https://www.vnnic.vn/tranhchaptenmien/policy /quy-định-về-giải-quyết-tranh-chấp-tên-miền-quốc-gia-việt-nam-vn (truy cập ngày 25/9/2018).

[10] Công ty Luật Đại Việt, Văn phòng Công chứng Đại Việt, Có nên công nhận "tài sản ảo” là một loại tài sản, http://www.luatdaiviet.vn/xem-tin-tuc/co-nen- cong-nhan-tai-san-ao-la-mot-loai-tai-san (truy cập ngày 25/9/2018).

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành