In trang này
Thứ ba, 23 Tháng 7 2024 02:46

Phân tích một số vấn đề về ưu điểm và nhược điểm của tiền ảo

Có thể nói, tiền ảo về cơ bản là một loại tài sản ảo, là sản phẩm của ứng dụng công nghệ thông tin và Blockchain, tự hoạt động trên môi trường mạng, trong một cộng đồng mạng nhất định mà không phải do Ngân hàng nhà nước phát hành và quản lý.

Như vậy, cùng với xu thế phát triển ngày càng sâu rộng của tiền ảo, nhằm có những đề xuất xây dựng chính sách quản lý và kiểm soát sử dụng đồng tiền ảo trên thị trường Việt Nam, trước hết cần cân nhắc các ưu điểm và nhược điểm của đồng tiền ảo này.

1. Khái quát về ưu điểm và nhược điểm của tiền ảo nói chung

Về ưu điểm, tiền ảo có một số ưu điểm sau:

Tiền ảo là phương tiện thanh toán trung gian thuận tiện, nhanh chóng trong môi trường kỹ thuật số. Việc sử dụng tiền ảo trên mạng internet rất thuận lợi và nhanh chóng, chỉ cần một cái nhấn chuột máy tính là tiền ảo có thể được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác, không bị hạn chế bởi thời gian và địa điểm. Ngoài ra, chủ thể có thể chuyển hoặc nhận tiền ảo ngay lập tức mà không phải qua trung gian như ngân hàng, chính phủ... Tất cả những lợi thế này giúp hạn chế rủi ro và giảm thiểu chi phí trong quá trình thực hiện giao dịch.

Tiền ảo có độ bảo mật và an toàn cao: So với tiền và các loại tài sản truyền thống thì tiền ảo có độ bảo mật và an toàn cao, bởi lẽ việc lưu trữ và giao dịch tiền ảo trong không gian số đều được bảo đảm bởi những mật mã (password). Bất kỳ ai muốn xâm nhập hoặc chiếm đoạt tiền ảo đều gặp khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, tiền ảo còn có khả năng tạo tiềm năng phát triển cho thương mại điện tử: Việc ra đời của đồng tiền ảo là một bước đột phá của công nghệ và tạo ra những tiện ích đặc biệt làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Các giao dịch điện tử được thực hiện một cách nhanh chóng và dễ dàng. Đặc biệt, với sự ra đời và phát triển các hợp đồng thông minh (smart contract) luôn gắn liền với những đồng tiền ảo thì càng khẳng định sự tồn tại và phát triển của đồng tiền ảo là không thể thiếu trong hoạt động thương mại điện tử.

Ngoài ra, dưới góc độ bảo vệ môi trường: Khác với tiền truyền thống, việc tồn tại của đồng tiền ảo trên mạng internet được đánh giá là một sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường.

Về nhược điểm, tiền ảo có một số nhược điểm sau:

Tiền ảo sử dụng không theo cách thông thường như tiền truyền thống, với những người mới sử dụng thì cần phải có thời gian để làm quen với công nghệ và cách thức sử dụng. Đối với mỗi loại tiền ảo khác nhau cũng đòi hỏi một cách thức sử dụng khác nhau. Do đó, không phải bất kỳ ai trong xã hội cũng có thể tiếp cận và sử dụng được tiền ảo giống như việc sử dụng tiền hoặc các loại tài sản truyền thống khác.

Tiền ảo được chưa được chấp nhận rộng rãi trong xã hội, trên thực tế tiền ảo mới có lịch sử gần 10 năm hình thành và phát triển trong khi các loại tiền truyền thống đã có hàng nghìn năm phát triển, vì thế đồng tiền này chưa được chấp nhận rộng rãi như các loại tiền tệ truyền thống.

Là một sản phẩm mang tính giá trị công nghệ, hiện nay giá cả của các đồng tiền ảo lên xuống thất thường: Do không có sự bảo đảm giá trị và hầu hết các đồng tiền ảo không được bảo hộ bởi chính sách tiền tệ của bất kỳ một quốc gia nào nên giá trị của đồng tiền ảo biến động liên tục và gây tác động tiêu cực đối với cộng đồng.

Song song với đó, trên thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, kỹ thuật, vấn nạn rửa tiền, buôn lậu, các loai tội pháp quốc tế thì tiền ảo cũng được coi là công cụ thực hiện các hoạt động bất hợp pháp: Tiền ảo mang tính ẩn danh cao là “mảnh đất” mầu mỡ để các loại tội phạm như rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc các hoạt động phi pháp khác như mua bán ma tuý, đánh bạc... hoạt động. Việc phát hiện và xử lý đối với các hoạt động này cũng đang làm “đau đầu” chính phủ của các quốc gia trên thế giới.

Là một sản phẩm của khoa học kỹ thuật, tiền ảo cũng không thể tránh được những rủi ro “lỗ hồng” kỹ thuật: Tiền ảo ra đời và tồn tại dựa trên hệ thống công nghệ máy tính nên không thể khẳng định hệ thống này không có “lỗ hổng” kỹ thuật. Thực tế, một số “lỗ hổng” kỹ thuật của blockchain đã được các hacker tìm thấy và gây ra hàng hoạt vụ tấn công vào Các sàn giao dịch hàng đầu thế giới như Mt. Gox (Nhật Bản), Bithumb (Hàn Quốc)... gây ra không ít thiệt hại và hoang mang cho người dùng, mặc dù những “lỗ hổng” này Cã được nhanh chóng khắc phục.

2. Ưu điểm và nhược điểm của tiền ảo mã hoá

Tiền ảo mã hóa là một dạng tiền điện tử hay tiền kỹ thuật số sử dụng mật mã để bảo mật. Là một loại tiền ảo phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên thế giới hiện nay, tiền mã hoá đã đặt ra nhiều băn khoăn cho nhà quản lý cũng như người sử dụng về các ưu điểm và nhược điểm của nó. Qua nghiên cứu có thể rút ra một số ưu điểm và nhược điểm nhất định của tiền mã hoá như sau[1]:

Về ưu điểm, tiền mã hoá có một số ưu điểm sau:

Tính minh bạch: Các giao dịch về tiền tệ pháp định và các giao dịch liên quan đến các loại tài sản khác phải được quản lý thông qua một quá trình ghi chép và lưu trữ hồ sơ phức tạp và rườm rà. Đặc biệt, việc ghi chép các thông tin liên quan đến các loại giao dịch này thường dễ dẫn đến sai sót do cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Tuy nhiên, các giao dịch liên quan đến tiền ảo có tính minh bạch cao do được tạo ra trên nền tảng công nghệ blockchain.

Chuyên gia blockchain thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - Brian Forde - nhận định rằng: blockchain ngày càng được các chính phủ quan tâm và sử dụng, là tiền đề hình thành của tiền kỹ thuật số. Có thể nói tiền kỹ thuật số, tiền ảo mã hóa là một trong những sản phẩm thành công của blockchain. Mặc dù thời gian đầu blockchain được xây dựng với mục đích là mở rộng biên giới của các giao dịch, loại bỏ các vai trung gian, sự quản lý hành chính không cần thiết của chính quyền. Có thể nói, blockchain là một cơ sở dữ liệu mở được nhiều người cùng tham gia quản lý hệ thống phá vỡ sự quản lý tập trung quyền lực của một cơ quan nhà nước riêng lẻ.

Tiền mã hóa được xây dựng dựa trên nền tảng blockchain cung cấp nhiều bước tiến to lớn trong việc cải thiện tính minh bạch khi so sánh với cách thức ghi chép hồ sơ và sổ cái hiện hành. Những thay đổi này cho phép mọi người trong mạng lưới có thể xem xét số cái ngay khi giao dịch được khởi tạo và khi nhập vào blockchain các giao dịch không thể sửa đổi hay xóa bỏ[2].

Loại bỏ đơn vị trung gian: Hầu hết các giao dịch ngày nay giữa mọi người đều cần một trung gian, ví dụ như ngân hàng, để bảo đảm độ tin cậy và an toàn khi giao dịch. Một lợi thế của tiền mã hóa là khả năng loại bỏ các đơn vị trung gian bằng cách cho phép mọi người giao dịch trực tiếp với nhau thay vì qua một bên thứ ba nào đó.

Phi tập trung: Tiền mã hóa được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain có thể hoạt động trên mạng lưới máy tính phi tập trung, từ đó giảm thiểu rủi ro bị tấn công, thất thoát và ngụy tạo dữ liệu.

Bảo mật: Dữ liệu giao dịch tiền mã hóa nhập vào hệ thống blockchain gần như không thể sửa đổi, nhờ đó tránh được tình trạng gian lận qua việc ngụy tạo giao dịch và lịch sử dữ liệu. Các giao dịch chuyển tiền đưa vào blockchain sẽ tạo nên một lịch sử hoạt động rõ ràng từ điểm khởi đầu của blockchain, cho phép dễ dàng kiểm tra mọi giao dịch.

Tiết kiệm chi phí: Không giống như thẻ tín dụng, chi phí gửi tiền mã hóa hoàn toàn tự nguyện trả bởi người gửi (không phải người nhận). Phí gửi tiền mã hóa càng cao thì giao dịch đó càng được mạng lưới ưu tiên xử lý trước. Phí thanh toán bằng tiền mã hóa rẻ hơn rất nhiều so với việc thanh toán thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản. Nếu thanh toán quốc tế qua thẻ tín dụng, phía doanh nghiệp sẽ mất 2 - 3% chi phí thanh toán thẻ và khách hàng sẽ mất khoảng 5% phí chuyển đối ngoại tệ. Chỉ phí gửi tiền mã hóa không phụ thuộc số lượng gửi, giúp cho tiền mã hóa trở nên rất hấp dẫn với những người muốn gửi tiền số lượng lớn. Ví dụ: lượng tiền mã hóa trị giá hàng triệu USD có thể gửi đi bất kỳ đâu trên thế giới với lệ phí chỉ vài USD.

Đặc điểm này hoàn toàn trái ngược với hầu hết các giao địch liên quan đến tiền pháp định và các loại tài sản giữa các chủ thể hiện nay (đều cần có một đơn vị trung gian là ngân hàng, nhằm bảo đảm độ tin cậy và an toàn khi giao dịch). Hơn nữa, các giao dịch tài sản truyền thống thông qua đơn vị trung gian khiến cho độ bảo mật của giao dịch thấp. Một chủ thể bất kỳ có thể tìm hiểu các thông tin liên quan đến chủ thể của giao dịch và có thể có những động thái làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Việc thanh toán qua thẻ tín dụng ở Việt Nam hiện nay có thể phải chịu nhiều loại phí với mức khá cao như: Phí thường niên dao động từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/năm; phí rút tiền mặt (là phí mà ngân hàng thu của chủ thẻ tín dụng khi họ rút tiền mặt tại cây ATM) khá cao, dao động khoảng 4%/số tiền rút với mức phí tối thiểu là 50.000 đồng (tùy ngân hàng); phí chậm thanh toán khi không thanh toán, hoặc thanh toán ít hơn giá trị thanh toán tối thiểu (thông thường 5% của dư nợ cuối kỳ). Khoản phí này thông thường cũng dao động khoảng 3 - 4% tính trên tổng số tiền. Ví dụ: tổng chi tiêu bằng thẻ tín dụng là 10 triệu đồng; giá trị thanh toán tối thiểu cần phải trả khi đến kỳ thanh toan= 5% x 10 triệu đồng = 0 ,5 triệu đồng; phí chậm thanh toán = 4% x 0.5 triệu đồng = 20 nghìn đồng.

Phí vượt hạn mức tín dụng trên phần tiền vượt: Tuỷ theo mỗi ngân hàng quy định, mức phí này có thể được quy định một mức cụ thể, hay được tính phần trăm trên số tiền vượt hạn mức được cấp; phí đổi ngoại tệ nếu sử dụng thẻ để thanh toán cho các giao dịch bằng ngoại tệ tại nước ngoài. Số ngoại tệ này sẽ được chuyển đổi và thể hiện bằng tiền Việt Nam đồng trên bảng sao kê và khách hàng phải trả thêm phí chuyển đổi ngoại tệ. Mức phí này có thể là 2% hay 3% trên số tiền của mỗi giao dịch; lãi suất thẻ tín dụng sẽ áp dụng nếu như người dùng không thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ khi đến hạn thanh toán hoặc dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt. Lãi suất này sẽ điều chỉnh tuỳ theo thời điểm thị trường và theo quy định của từng ngân hàng. Giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng sẽ được tính lãi sau 30 - 45 ngày tuỳ theo quy định của mỗi ngân hàng nhưng lãi suất thẻ tín dụng sẽ được áp dụng ngay sau khi rút tiền mặt cho tới khi bạn hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã rút cho ngân hàng[3].

Các giao dịch liên quan đến tiền ảo được thực hiện mà không cần thông qua đơn vị trung gian, cho phép các chủ thể có thể trực tiếp giao dịch với nhau. Điều này giúp cho các chủ thể thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo chỉ phải chịu chỉ phí khá thấp nếu thông qua sàn giao dịch. Ví dụ: chi phí cho mỗi giao dịch qua sàn Poloniex là từ 0,15% đến 0,25% (thay đổi theo tổng số tiền giao dịch trong 30 ngày); qua sàn Bittrex là 0,25% (cố định); qua sàn Bitfinex là 0,1% đến 0,2% (chỉ phí thay đổi giống như Poloniex)[4]. Thậm chí, việc giao dịch tiền ảo qua các sàn giao dịch phi tập trung sẽ không phải chịu bất cứ khoản phí nào[5].

Về tốc độ, khả năng giao dịch: Khả năng loại bỏ các đơn vị trung gian và thiết lập trên sổ cái phân tán cho phép tăng tốc độ giao dịch cao hơn so với nhiều hệ thống hiện có.

Tính ẩn danh của chủ thể giao dịch: Tiền mã hóa là loại tiền tệ bán ẩn danh, tức là số tiền không gắn với thực thể trong thế giới thật, mà gắn với địa chỉ ví. Tuy chủ sở hữu địa chỉ tiền mã hóa không được xác định rõ ràng, nhưng các giao dịch lại được công khai. Ngoài ra, các giao dịch có thể được liên kết với cá nhân hoặc công ty thông qua việc phân tích dòng giao dịch (ví dụ: nếu các giao dịch chỉ tiêu từ nhiều nguồn đầu vào thì có thể các nguồn đó đều chung chủ) và kết hợp dữ liệu đến từ các nguồn đã được định danh (các sàn giao dịch tiền mã hóa có thể được yêu cầu lưu trữ thông tin cá nhân người sử dụng). Mặc dù vậy, cũng như tiền mặt, việc xác định địa chỉ tiền mã hóa nào gắn với người nào là tương đối khó, vì cả chủ thể phát hành và chủ thể sở hữu các đồng tiền mã hóa đều có thể ẩn danh. Tính ẩn danh của tiền mã hóa khiến cho các chủ thể tham gia vào các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa có thể gặp phải những rủi ro lớn. Khi nhà nước chưa ban hành khung pháp lý rõ ràng thì việc sở hữu cũng như giao dịch về tiền mã hóa chưa được bảo vệ. Do vậy, các chủ thể phải chấp nhận rủi ro liên quan đến các giao dịch mà mình tham gia.

Với những hệ quả có thể xảy ra từ đặc tính ẩn danh của các đồng tiền mã hóa mà pháp luật một số quốc gia cũng có những quy định nhằm hạn chế yếu tố này. Cụ thể như sau:

Theo một số nguồn tin thì “châu Âu đang tìm cách tiếp tục thắt chặt các quy định đối với tiền tệ kỹ thuật số bao gồm cả Bitcoin. Trước đây, Ủy ban châu Âu chỉ đề ra các quy định nghiêm ngặt đối với các sàn giao dịch tiền tệ kỹ thuật số và các nhà cung cấp dịch vụ. Ví dụ: Nghị viện châu Âu đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm điều chỉnh kinh doanh tiền tệ kỹ thuật số, bổ sung thêm vô số loại hình kinh doanh, cụ thể là không cho phép tính năng ẩn danh”[6].

Cũng theo tìm hiểu, cơ quan dịch vụ tài chính của Nhật Bản (Financial Services Agency - FSA) đang gây áp lực lên các sàn giao dịch tiền mã hóa của nước này nhằm loại bỏ các Altcoin mang tỉnh ẩn danh như Monero, Zcash và Dash ra khỏi danh sách giao dịch. FSA tuyên bố rằng các Altcoin thường khó theo dõi hơn Bitcoin (mặc dù trong một số trường hợp vẫn có thể, do lỗi người dùng và các yếu tố khác) và ngày càng trở nên “gần gũi” với thế giới tội phạm ngầm. Như các thông tin đã đưa trước đây, các sàn giao dịch tiền mã hóa được cấp phép của Nhật Bản đã thành lập một cơ quan tự quản lý, có quyền lực thực thi đối với các thành viên của nó.

Cơ quan này có thể sẽ đưa ra một danh sách các đồng tiền mà các sàn giao dịch được phép niêm yết. Điều này sẽ giúp FSA dễ dàng gây áp lực lên các sàn giao dịch, khiến họ phải hủy bỏ niêm yết các đồng coin không được chấp nhận, mà không cần phải đưa lệnh cấm thành chính sách chính thức[7].

Tính ẩn danh của tiền mã hóa không phải là đặc tính tuyệt đối. Bởi vì có những đồng tiền mã hóa được tạo ra yêu cầu chủ thể sở hữu nó và chủ thể sử dụng nó phải công khai danh tính. Theo Russia Today, quần đảo Marshall đang tạo ra một loại tiền tệ kỹ thuật số riêng để huy động tiền. Điều đó giúp quần đảo này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận tiền mật mã là loại tiền tệ hợp pháp. Quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đã thông qua Đạo luật Tiền tệ quốc gia để tạo ra đồng “Sovereign”, hoặc SOV vào ngày 05/3/2018, sau nhiều ngày tranh luận. Đồng tiền này sẽ có vị thế ngang với USD và không giống nhiều loại tiền mật mã khác, người dùng sẽ phải tiết lộ danh tính của họ khi sử dụng[8].

Sử dụng tiền ảo mã hóa và vấn đề lạm phát: Lạm phát là hiện tượng kinh tế trong đó tiền tệ lưu thông vượt quá nhu cầu cần thiết, làm cho chúng bị mất giá, dẫn đến giá cả hầu hết hàng hóa không ngừng tăng lên[9].

Lạm phát xảy ra có thể là do khối lượng tiền lưu hành trong xã hội tăng lên khi chính phủ không quản lý được khối lượng tiền lưu hành. Họ phát hành thêm tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách, trong khi lượng hàng hóa xã hội sản xuất ra vẫn không tăng. Lúc này sẽ xảy ra tình trạng thừa tiền, và kích thích người dân mua sắm nhiều, từ đó giá cả hàng hóa tăng. Lạm phát cũng có thể là do tác động của yếu tố bên ngoài: tiền nước ngoài đổ về nhiều dẫn đến thừa tiền, hoặc do giá của các mặt hàng thông dụng trên thế giới (như dầu thô...) tăng. Mặt khác, lạm phát xảy ra có thể là do chính sách lương của chính phủ (như tăng lương...) và còn khá nhiều nguyên nhân khác. Trên toàn thế giới nói chung trong năm 2017, lạm phát ngày càng có xu hướng tăng. Và nếu không thể kiểm soát được tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng, hậu quả là vô cùng lớn, ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của người dân mỗi nước[10].

Các đồng tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin, được tạo ra sẽ giúp kiểm soát được tình hình lạm phát của các nền kinh tế. Bitcoin được tạo nên từ việc giải các thuật toán, việc lưu hành, lưu giữ, giao dịch nó không cần tới một tổ chức chính thống nào mà chỉ cần thông qua internet. Các giao dịch sẽ được quản lý an toàn, thuế sẽ được chuyển từ thu nhập như các đồng tiền hiện nay sang một hệ thống chi phí công bằng hơn. Mọi người sẽ được khuyến khích sáng tạo, làm việc nhiều hơn. Hơn thế, khác với các loại tiền tệ chính thống hiện nay luôn được mở rộng, Bitcoin được giới hạn. Chỉ có 21 triệu Bitcoin tồn tại, một khi lượng đó được “đào” hết sẽ không có đồng tiền mới được tạo ra. Chính việc giới hạn này sẽ khiến đồng tiền không bị phá giá mà ngược lại giá của Bitcoin có thể sẽ ngày càng tăng theo thời gian. Dự kiến tới năm 2140, toàn bộ Bitcoin sẽ được “đào” hết, lúc đó giá trị của Bitcoin sẽ tăng lên. Và cho dù Bitcoin mới không được tạo ra thì các “thợ đào” vẫn thu được lợi từ việc “khai thác”. Nguồn cung được kiểm soát chặt chẽ và có thể dự đoán được, do đó nó giúp giải quyết vấn đề lạm phát hiệu quả hơn các đồng tiền khác[11].

Nhược điểm và rủi ro:

Thiếu tính riêng tư: Hệ thống tiền mã hóa phi tập trung thiếu tính riêng tư. Số dư tài khoản và các giao dịch đều có thể bị mọi người trên mạng lưới xem xét. Khi một người biết địa chỉ tiền mã hóa của người khác, họ có thể xem được thông tin số dư và toàn bộ lịch sử giao dịch chuyển tiền của người đó.

Lo ngại về bảo mật: Tiền mã hóa cũng giống như tiền mặt, nếu tiền trong ví bị mất hoặc bị đánh cắp, chủ sở hữu sẽ mất số tiền đó. Các hệ thống tiền mã hóa sử dụng mã hóa cao cấp an toàn hơn các mật khẩu tiêu chuẩn. Tuy nhiên, điều đó có thể gây rắc rối trong quá trình sử dụng. Có rất nhiều trường hợp người dùng quên mã khóa cá nhân nên không thể truy cập tài khoản của mình.

Không tồn tại quyền quản lý tập trung: Đối với mạng lưới blockchain như Bitcoin, những sự thay đổi phải nhận được đồng thuận của một đa số nào đó trong mạng lưới. Không một tổ chức đơn lẻ nào kiểm soát các thay đổi hoặc định hướng trong blockchain phi tập trung, điều này khiến người sử dụng có nguy cơ gặp rủi ro khi giao dịch vì họ không thể kiểm soát được thay đổi nào trong hệ thống và khó nhận được sự hỗ trợ. Đối với những tài khoản ngân hàng truyền thống, nếu bạn mất mật khẩu, bạn có thể tới ngân hàng và yêu cầu hỗ trợ cấp lại quyền truy cập. Nhưng đối với các loại tiền mã hóa dựa trên công nghệ blockchain thì bạn sẽ không nhận được hỗ trợ như vậy.

Chi phí giao dịch ngày càng tăng: Cần lượng điện năng lớn để vận hành. Theo ước tính, cứ nửa giờ hệ thống blockchain của Bitcoin tiêu thụ lượng điện bằng lượng điện mà các hộ gia đình thông thường tại Mỹ sử dụng trong 01 năm[12].

Khả năng mở rộng: Mạng lưới blockchain hiện tại có hiệu suất vẫn thấp hơn các hệ thống thanh toán hiện có. Mạng lưới Bitcoin chỉ có thể xử lý khoảng 07 giao dịch một giây trong khi mạng lưới Visa có thể xử lý trên 20.000 giao dịch một giây.

Giá trị biến động lớn: Tiền mã hóa có giá trị biến động lớn sẽ gây ảnh hưởng đến mục đích thanh toán. Với người dùng hiện nay, mục đích sử dụng tiền mã hóa phần lớn là đầu tư và mua bán.

Đối với tiền pháp định, giá trị của tiền do cơ quan phát hành ấn định thông qua mệnh giá và có giá trị ổn định trong suốt thời gian lưu hành trên thị trường. Nghĩa là giá trị của tiền pháp định là bất biến. Trong khi đó, giá trị của tiền mã hóa không ổn định mà có sự tăng, giảm thất thường. Sự tăng, giảm giá trị của tiền mã hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể liệt kê một số yếu tố tác động đến sự tăng, giảm giá trị của các đồng tiền mã hóa như sau:

Có thể nói, mô hình tiền kỹ thuật số hiện nay được hình thành theo bản chất giảm phát và thực tế hầu hết các đồng tiền này được dùng để đầu tư hoặc được xem là tài sản đầu tư[13].

Trên thực tế, khi các nhà đầu tư đã quan tâm đến thị trường tiền mã hóa nhiều hơn nhưng các nhà quản lý và chính phủ các quốc gia vẫn chưa có hành động gì nên giá của các đồng tiền mã hóa vẫn tăng vọt[14].

Mặt khác, do tính chất phi tập trung và thiếu cơ cấu quyền lực vốn có trong thế giới tiền kỹ thuật số, nhiều người xem quy định như là một chiến thuật có thể gây ra sự tăng trưởng bùng nổ về giá và giảm sự biến động trong ngành công nghiệp này[15].

Ngoài ra, một trong những lý do khiến cho giá Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác giảm mạnh đó là “chính phủ các nước muốn thắt chặt quản lý tiền điện tử”. Cụ thể: như ở Trung Quốc, Chính phủ nước này đang có kế hoạch hạn chế bớt lượng điện mà những người “đào” Bitcoin đang sử dụng, nên ngành kinh doanh loại tiền điện tử này sẽ gặp không ít trở ngại vì nó cần đến hệ thống mạng máy tính lớn cho phép xử lý giao dịch tốc độ cao. Trong một buổi họp kín, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra thông tin trên, tuy nhiên, sẽ cần đến sự đồng thuận rộng rãi hơn nữa trước khi được công bố.

Chính phủ Hàn Quốc đang bắt đầu điều tra 06 ngân hàng lớn, vì các ngân hàng này đang cung cấp tài khoản ảo cho những công ty có thực hiện giao dịch tiền mã hóa. Chính phủ Hàn Quốc đang lo ngại về khả năng tội phạm rửa tiền sẽ lợi dụng việc đầu tư Bitcoin cho mục đích xấu. Trong tháng 12/2017, Chính phủ Hàn Quốc công bố sẽ chỉ cho phép giao dịch tiền điện tử tại một số sàn được cấp phép, đồng thời cân nhắc áp thuế lợi tức thu được từ giao dịch tiền điện tử để ngăn chặn bớt “cơn sốt” đầu cơ tiền điện tử ở nước này.

Có thể thấy rằng, việc xem xét ưu, nhược điểm của từng loại tiền ảo sẽ giúp cho việc phân loại chúng hiệu quả hơn. Trong bối cảnh hiện nay khi tiền ảo ngày càng phát triển và được sử dụng rộng rãi ở một số nước trên thế giới, việc xem xét rõ đặc điểm, ưu nhược điểm của từng loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số sẽ là nền tảng cơ bản để từng bước xây dựng khung chính sách, các chế định pháp lý để điều chỉnh và quản lý việc sử dụng, sở hữu, giao dịch tiền ảo trên thị trường.

 


[1] Đinh Thanh Tùng, Khái niệm, phân loại và đặc điểm tiền mã hoá, Kỷ yếu Hội thảo: Tiền ảo - Các khía cạnh pháp lý, pháp luật một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, 4/2018

[2] https://tuoitre.vn/blockchain-vu-khi-minh-bach-hoa-cho-nha-nuoc-1402088.html (truy cập ngày 25/4/2018),

[3] The Bank - Chuyên gia tài chính của bạn, “6 loại phi phổ biến khi thanh toản bằng thẻ tín dung" https://thebank.vn/blog/7431-6-loai-phi-pho-bien-khi-thanh- toan-bang-the-tin-dung.html (truy cập ngày 25/9/2018)

[4] Coin tiền ảo, “So sánh chi phí giao dịch, mua bán trên sàn Bittrex, Poloniex và Bitfinex", https://cointienao.com/so-sanh-chi-phi-giao-dich-tren-san-bittrex-poloniex- va-bitfinex (truy cập ngày 25/9/2018)

[5] https://bigcoinvietnam.com/blockchain-hive-hoan-toan-phi-tap-trung-nhanh-chong-khong-mat-phi-va-khong-can-tho-dao-nao (truy cập ngày 25/4/2018).

[6] Kevin Helms, “Việc quy định tiền tệ kỹ thuật số ở châu Âu đang nóng hơn bao giờ hết!", http://bitbox.vn/tin-tuc/viec-quy-dinh-tien-te-ky-thuat-o-chau-au-dang- nong-hon-bao-gio-het.html (truy cập ngày 20/9/2018).

[7] CCN, Biên dịch bởi Blogtienao.com, “Nhật Bản muốn các sàn giao dịch loại bỏ các đồng Altcoin mang tính ẩn danh trên danh sách giao dịch", https://blogtienao.com/nhat-ban-muon-cac-san-giao-dich-loai-bo-cac-dong-altcoin- mang-tinh-an-danh-tren-danh-sach-giao-dich/ (truy cập ngày 01/10/2018)

[8] Mạnh Đức, “Quốc gia đầu tiên công nhận tiền ảo là tiền tệ chính thức", http://nhipcaudautu.vn/the-gioi/quoc-gia-dau-tien-cong-nhan-tien-ao-la-tien-te- chinh-thuc-3322881/ (truy cập ngày 15/9/2018).

[9] Ngọc Anh, “Lạm phát là gì? Tác động của lạm phát và cách khắc phục”, https://ketoanducminh.edu.vn/tin-tuc/103/2961/Lam-phat-la-gi-Tac-dong-cua-lam-phat-va-cach-khac-phuc.html (truy cập ngày 25/9/2018)

[10] Incryptol, “Bitcoin đã giải quyết vấn đề lạm phát như thế nào?”, https://incryptol.com/vi/bitcoin-da-giai-quyet-van-de-lam-phat-nhu-nao/ (truy cập ngày 26/9/2018).

[11] Incryptol, "Bitcoin đã giải quyết vấn đề lạm phát như thế nào?”, https://incryptol.com/vi/bitcoin-da-giai-quyet-van-de-lam-phat-nhu-nao/ (truy cập ngày 26/9/2018).

[12] Đình Thanh Tùng, Khái niệm, phân loại và đặc điểm tiền mã hoá, Kỷ yếu Hội thảo: Tiên ảo - Các khía cạnh pháp lý, pháp luật một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, 4/2018

[13] Nguyễn Phát Lộc, “Nguyên nhân tác động đến giá trị của tiền ảo - cryptocurrency", https://phatlocnguyen.com/nguyen-nhan-tac-dong-den-gia-tri- cua-tien-ao/ (truy cập ngày 01/10/2018)

[14]Nguyễn Phát Lộc, “Nguyên nhân tác động đến giá trị của tiền ảo - cryptocurrency", https://phatlocnguyen.com/nguyen-nhan-tac-dong-den-gia-tri- cua-tien-ao/ (truy cập ngày 01/10/2018).

[15]Nguyễn Phát Lộc, “Nguyên nhân tác động đến giá trị của tiền ảo - cryptocurrency", https://phatlocnguyen.com/nguyen-nhan-tac-dong-den-gia-tri- cua-tien-ao/ (truy cập ngày 01/10/2018).