In trang này
Chủ nhật, 27 Tháng 7 2014 00:00

Tổng quan về pháp luật xuất nhập khẩu Nhật Bản

1. Đặc điểm của hệ thống pháp luật Nhật Bản

Nhật Bản được coi là một quốc gia phát triển ở trình độ cao trên thế giới với một nền lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa đậm nét. Hệ thống pháp luật của Nhật Bản có những đặc điểm sau:

Thứ nhất:  Hệ thống pháp luật Nhật Bản có những đặc điểm của dòng họ Civil Law.

Về hệ thống Tòa án: Hệ thống tòa án của Nhật được xây dựng trên mô hình hệ thống tòa án của các nước thuộc hệ thống pháp luật Civil Law mà chủ yếu là của Đức và Pháp và chịu sự giám sát của cơ quan hành pháp. Sau chiến tranh thế giới thứ II, hệ thống tòa án của Nhật đã có sự thay đổi, không còn chịu sự can thiệp của Chính phủ như trước mà đã có vị trí độc lập trong bộ máy Nhà nước. Hệ thống Tòa án của Nhật ngày nay cũng phân ra các cấp – tương tự như hệ thống pháp luật các nước châu Âu.

Về nguồn Luật: Cũng giống như các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ Civil Law, nguồn luật quan trọng nhất ở Nhật Bản là luật thành văn, phán quyết của Tòa án không chính thức được coi là nguồn của pháp luật mặc dù trên thực tế, phán quyết của tòa án cũng đóng vai trò quan trọng với tư cách là nguồn luật bổ trợ. Nguồn luật quan trọng và được ưu tiên áp dụng thứ hai ở Nhật Bản đó là tập quán Pháp. Bộ Luật Dân sự Nhật Bản chịu ảnh hưởng cả từ Bộ Luật Dân sự Đức và Bộ Luật Dân sự Pháp. Năm 1882, giảng viên Trường Luật Paris Boissonnade giúp Nhật Bản soạn thảo dự thảo Bộ Luật Dân sự. Năm 1898, Nhật Hoàng đã ban hành Bộ Luật Dân sự mới với nội dung chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bộ Luật Dân sự mới của Đức (1896) nhưng giữ được những yếu tố cốt lõi từ bản dự thảo của Boissonnade. Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều Bộ Luật đã được ban hành như: Bộ Luật Tố tụng Dân sự 1890 sửa đổi năm 1899, Bộ Luật Thương mại năm 1899, Bộ Luật Hình sự năm 1907, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 1922. Ngoại trừ hai Bộ Luật Tố tụng, các Bộ luật khác vẫn còn hiệu lực đến ngày nay.

Thứ hai:  Hệ thống pháp luật Nhật Bản cũng mang đặc điểm của dòng họ Common Law.

Sự du nhập của dòng họ Common Law vào Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới II đã tác động đến hệ thống pháp luật của Nhật Bản, nguyên nhân của sự tác động này là do những thay đổi của các yếu tố chính trị, lịch sử mang lại. Những ảnh hưởng của dòng họ Common Law đối với pháp luật Nhật Bản được thể hiện rõ nhất trong các chế định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về tố tụng và tổ chức của hệ thống tòa án. Chế định quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp Nhật Bản 1946 và Bộ Luật Dân sự năm 1947. Hiến pháp Nhật Bản 1946 do người Mỹ thảo ra nên nhiều chế định trong đó chịu ảnh hưởng sâu sắc của hệ thống pháp luật Mỹ.

Thứ ba:  Hệ thống pháp luật Nhật Bản vẫn kế thừa các yếu tố của pháp luật truyền thống.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều từ pháp luật hiện đại du nhập vào Nhật Bản nhưng hệ thống pháp luật Nhật Bản vẫn giữa được các yếu tố của pháp luật truyền thống điều đó được thể hiện trong các chế định về hôn nhân và gia đình, chế định thừa kế, trong phương thức giải quyết tranh chấp và sử dụng nguồn luật. Mặc dù tính dân chủ được đề cao ở Nhật Bản nhưng người dân Nhật vẫn không thích tham gia vào những lĩnh vực hoạt đồng công quyền, tâm lý ngại kiện tụng, có xu hướng không muốn can thiệp của pháp luật dẫn đến phương thức giải quyết tranh chấp không qua hệ thống tòa án vẫn khá phổ biến ở Nhật.

Có thể nói sự kết hợp giữa pháp luật truyền thống với dòng họ pháp luật Civil Law và Common Law đã tạo nên hệ thống pháp luật của Nhật Bản và cũng chính sự kết hợp này đã tạo nên một dòng họ pháp luật hỗn hợp và Nhật Bản là một đại diện.

2. Hệ thống pháp lý về xuất nhập khẩu của Nhật Bản.

2.1. Tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng hàng hoá.

2.1.1 Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JIS)

Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JIS)là một trong những tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản. Tiêu chuẩn này dựa trên “Luật tiêu chuẩn hoá công nghiệp” được ban hành vào tháng 6/1949. Theo qui định của điều 26 trong luật này, tất cả các cơ quan của chính phủ phải ưu tiên đối với các sản phẩm được đóng dấu chất lượng JIS khi mua hàng hoá để phục vụ hoạt động của các cơ quan này.

Hệ thống tiêu chuẩn JIS áp dụng đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp và khoáng sản, trừ những sản phẩm được áp dụng các tiêu chuẩn chuyên ngành.

Giấy phép đóng dấu chứng nhận JIS trên nhãn hàng hoá do Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại cấp cho nhà sản xuất. Những ai cố ý đóng dấu chất lượng JIS lên hàng hoá mà không phải là nhà sản xuất đã được Bộ Trưởng Bộ công nghiệp và Thương mại cấp giấy phép sẽ phải chịu án tù tới 1 năm hoặc nộp phạt tới 500.000 yên.

2.1.2. Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản (JAS)

Hệ thống tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản (JAS) qui định các tiêu chuẩn về chất lượng, đưa ra các qui tắc về việc ghi nhãn chất lượng và đóng dấu chất lượng tiêu chuẩn JAS. Ngày nay, hệ thống JAS đã trở thành cơ sở cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm chế biến.

Danh sách các sản phẩm được điều chỉnh bởi hệ thống JAS gồm: Đồ uống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, mỡ, các nông – lâm sản chế biến. Tuy hiện nay, không phải tất cả các hàng hoá đều được liệt kê trong danh sách các sản phẩm do JAS điều chỉnh nhưng các tiêu chuẩn JAS bao quát cả các sản phẩm được sản xuất trong nước và các sản phẩm nhập khẩu.

Tuy vây, việc sử dụng dấu chứng nhận chất lượng JAS trên nhãn hiệu sản phẩm là tự nguyện và các nhà sản xuất cũng như các nhà bán lẻ không bị bắt buộc phải sản xuất hay kinh doanh các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng JAS.

Ngoài tiêu chuẩn JIS và JAS, còn có nhiều loại dấu chất lượng khác được sử dụng ở Nhật Bản như: Dấu Q chỉ chất lượng và độ đồng nhất của sản phẩm, dấu G chỉ thiết kế, dịch vụ sau khi bán và chất lượng, dấu S chỉ độ an toàn, dấu S.G chỉ độ an toàn (bắt buộc), dấu SIF chỉ các hàng may mặc có chất lượng tốt,...

2.1.3 Các qui định về ghi nhãn sản phẩm

Đối với một số sản phẩm, qui đinh về ghi nhãn sản phẩm là bắt buộc. Đó là bốn nhóm sản phẩm sau: Sản phẩm dệt, sản phẩm nhựa, đồ điện và thiết bị điện và nhiều loại sản phẩm khác như bột giặt, găng tay da, ô, kính râm,...

Các nhãn chất lượng được dán lên sản phẩm gia dụng giúp cho người tiêu dùng biết thông tin về chất lượng sản phẩm và lưu ý khi sử dụng.

2.1.4.  Dấu tiêu chuẩn môi trường Ecomark

Dấu tiêu chuẩn môi trường Ecomark được dùng để đóng cho sản phẩm thoả mãn ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau:

- Việc sử dụng sản phẩm đó không gây ô nhiễm môi trường hoặc có nhưng ít.

- Chất thải sau khi sử dụng không gây hại cho môi trường hoặc gây hại rất ít.

- Sản phẩm đóng góp đáng kể vào bảo vệ môi trường ngoài các cách kể trên...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.