Thứ tư, 27 Tháng 8 2014 00:00

Tổng quan về đảm bảo quyền con người trong hoạt động xét xử hình sự

1. Quyền con người và mối quan hệ giữa quyền con người và quyền công dân

a. Quyền con người

Quyền con người luôn luôn trở thành nội dung quan trọng thu hút được sự quan tâm cả về phương diện lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn của mỗi quốc gia, của từng khu vực và mang tính toàn cầu.

Quan niệm về quyền con người đã được các nhà tư tưởng bàn đến từ thời cổ đại và không ngừng được phát triển, bổ sung cùng với quá trình phát triển của lịch sử nhân loại. Khi bàn đến quyền con người Jaeque Mourgeon trong cuốn “Các quyền con người” đã cho rằng: Quyền con người trước hết được hiểu là những đặc quyền tự nhiên mà con người có. Đó là khả năng hành động có ý thức, trách nhiệm nhất là tự bảo vệ. Nhưng bản thân đặc quyền (quyền tự nhiên) chưa phải là quyền con người. Mà để đạt đến cái gọi là “quyền” thì phải có yếu tố thứ hai là pháp luật. Chỉ khi được pháp luật ghi nhận thì các đặc quyền của cá nhân mới trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật mới trở thành quyền con người.

Trên cơ sở quan niệm đúng đắn và khoa học về con người, chủ nghĩa Mác đã xác định: “con người là “con người xã hội” “bản chất của con người trong tính hiện thực của nó là sự “tổng hoà các quan hệ xã hội”, cho nên quyền con người thể hiện sâu sắc giá trị các quan hệ xã hội và hiển nhiên mang bản chất đó.

Trên cơ sở các quan niệm về quyền con người năm 1776, lần đầu tiên quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền được bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Năm 1791, trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp, quyền con người từng bước được các quốc gia thừa nhận và quy định trong pháp luật của nước mình. Ở nước ta, vấn đề quyền con người đã được nghiên cứu và phản ánh một cách phong phú và đa dạng thể hiện trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước và các văn bản pháp luật.

Theo từ điển giải thích thuật ngữ pháp lý thông dụng: “Quyền con người là các quyền tất yếu mà con người phải được hưởng và các quốc gia phải tôn trọng”.

Theo quan niệm chung hiện nay, “Quyền con người là những giá trị, năng lực, nhu cầu vốn có và chỉ có ở con người với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại được thể chế hoá bằng pháp luật quốc gia và các thoả thuận pháp lý quốc tế”.

Quyền con người là giá trị thắng lợi chung của nhân loại, nhưng do điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội ở các châu lục, các khu vực, các quốc gia phát triển không giống nhau nên ở các quốc gia khác nhau thì năng lực và nhu cầu của mỗi thành viên xã hội sẽ không giống nhau mà phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội nhất định mà thành viên đó sinh sống. Cho nên, ở các quốc gia, quyền con người được thể hiện thành quyền công dân và được đảm bảo thực hiện bởi hệ thống pháp luật quốc gia đó.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề này, khoa học pháp lý đã chia quyền con người theo các lĩnh vực hoạt động của đời sống con người thành các nhóm:

- Nhóm các quyền tự do dân chủ về chính trị, bao gồm: Quyền bầu cử, ứng cử;

quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; quyền bình đẳng nam nữ; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin; quyền tự do tín ngưỡng.

- Nhóm quyền về dân sự (quyền tự do cá nhân), bao gồm: Quyền tự do đi lại và cư trú trong nước; quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền được an toàn và bí mật về thư tín, điện thoại, điện báo, quyền khiếu nại, tố cáo ...

- Nhóm các quyền về kinh tế - xã hội, bao gồm: Quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền sở hữu hợp pháp về thừa kế; quyền học tập;quyền nghiên cứu, phát minh, sáng chế; quyền được bảo vệ sức khoẻ; quyền được bảo vệ hôn nhân và gia đình; quyền trẻ em; quyền người già ...

Thế giới hiện đại với sự thay đổi thường xuyên và nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị- xã hội, cho nên quyền con người được phát triển không ngừng, phong phú hơn cả về nội dung lẫn hình thức. Cho nên, trong quá trình phát triển của nhân loại, một số quyền con người mới được xuất hiện như:

* Quyền phát triển: quyền phát triển được Uỷ ban liên Hợp Quốc chuẩn bị từ năm 1981, được thông qua tại kỳ họp thứ 41 của Đại hội đồng liên hợp quốc ngày 4/12/1986 dưới hình thức Tuyên ngôn toàn cầu về phát triển.

Đó là quyền của các quốc gia, dân tộc đối với chủ quyền trên lãnh thổ của mình như: Quyền tự do lựa chọn các thể chế chính trị, kinh tế, quyền được trợ giúp về kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Quyền phát triển là sự hiện thực hoá quyền con người ở thế hệ thứ ba, khi mà nhiều quốc gia từng phải gánh chịu các hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh và đang gặp phải những khó khăn trầm trọng về kinh tế như đói nghèo, dốt nát, bệnh tật.... vì vậy họ có quyền được giúp đỡ về kinh tế, tài chính từ các quốc gia, tổ chức khác.

* Quyền được sống trong hoà bình và môi trường trong sạch: Ngày nay nhân loại đang đứng trước nhiều hiểm hoạ mang tính toàn cầu như hiểm hoạ chiến tranh hạt nhân, nạn khủng bố mang tính quốc tế, khủng hoảng nghiêm trọng về lương thực, thực phẩm, những cuộc xung đột về tôn giáo, chủng tộc, căn bệnh AIDS đến nay chưa có phương pháp cứu chữa thật sự hiệu quả..... Thực trạng đó đã và đang đe doạ đến sự tồn tại và phát triển của loài người. Do đó yêu cầu về quyền được sống trong một thế giới hoà bình, bền vững đang là vấn đề cấp bách thật sự của các quốc gia, khu vực và cộng đồng trên thế giới. Chính vì thế, pháp luật quốc tế ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến cuộc sống trong hoà bình của con người như vấn đề giải trừ quân bị, loại trừ vũ khí hạt nhân, ngăn chặn khủng bố, ngăn chặn các cuộc xung đột, thành lập toà án quốc tế để xét xử tội diệt chủng, tội phạm chiến tranh và đến ngày 01/7/2002, Liên Hợp Quốc đã thành lập Toà án hình sự quốc tế hoạt động một cách thường xuyên, độc lập với Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, do sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, loài người đang đứng trước nguy cơ suy thoái và ô nhiễm về môi trường ngày càng nặng nề. Vì thế, hàng loạt các hội nghị quốc tế đã được tổ chức như: Năm 1972, Hội nghị quốc tế về môi trường được tổ chức tại StôcKhôn (Thuỵ Điển); năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về môi trường tại BraZin; năm 1993 Hội nghị về nhân quyền được tổ chức tại Viêng năm 1997 Hội nghị về môi trường tại TôKyô....., Hội nghị này đã xác định rõ: “Môi trường sinh thái đang là vấn đề thách đố toàn cầu...”. Cho nên, để con người được sống trong môi trường trong sạch cần thiết phải đảm bảo:

1. Quyền được thông tin và nâng cao nhận thức của con người về môi trường.

2. Quyền được tham gia hoạch định các chính sách và thể chế bảo vệ môi trường.

3. Quyền được đền bù thiệt hại do sự huỷ hoại môi trường gây ra.

Đồng thời, các hội nghị cũng đề ra trách nhiệm quốc tế và trách nhiệm của các quốc gia trong việc xây dựng quy chế pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả vấn đề môi trường. Vì các mục tiêu của quyền phát triển và quyền được sống trong hoà bình và môi trường trong sạch, tháng 9/2003, Hội nghị thượng đỉnh địa cầu được tổ chức tại Johanneburg (Nam Phi) gồm hơn 100 nguyên thủ quốc gia tham gia với nội dung: Tìm biện pháp làm giảm nghèo đói trước thời điểm 2005 và giảm nhẹ thiệt hại môi trường...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 24 Tháng 11 2014 08:17

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành