Thứ tư, 22 Tháng 10 2014 00:00

Những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh mang tính đặc thù trong FDI ở một số nước châu á

 1. Một số vấn đề tác động đặc thù trong FDI

1.1. Phát sinh tranh chấp, xung đột giữa chủ sử dụng lao động và người lao động

Tình trạng tranh chấp lao động trong các doanh nghiệp FDI ở Trung Quốc xảy ra khá nghiêm trọng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thu hút FDI. Nguyên nhân phát sinh các xung đột và tranh chấp lao động có từ hai phía và xoay quanh việc trả lương, bảo hiểm lao động, đảm bảo việc làm, quan hệ ứng xử chủ - thợ… Một mặt, do người lao động chưa quen với tác phong làm việc (tác phong công nghiệp) trong các doanh nghiệp có tư bản nước ngoài, sự khác biệt về tập quán, lối sống nên trong quan hệ ứng xử nhiều khi chưa phù hợp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp FDI trả lương cho người lao động không thỏa đáng, chưa đảm bảo việc làm và điều kiện an toàn trong lao động. Trong khi đó, cường độ lao động lại rất cao và sức ép lớn. Ở một số doanh nghiệp FDI còn xuất hiện tình trạng xâm phạm quyền lợi hợp pháp và quyền lợi dân chủ của người lao động như ngược đãi công nhân, lục soát công nhân bất hợp pháp, thời gian làm việc của công nhân quá dài và nhiều doanh nghiệp không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ví dụ, theo phòng An ninh Xã hội và lao động thành phố Thượng Hải, 10 tháng đầu năm 2001, thành phố này đã có 10.000 vụ tranh chấp lao động giữa chủ và thợ, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2000. Trong số đó, các vụ tranh chấp trong các liên doanh và doanh nghiệp tư nhân vượt quá số vụ tranh chấp trong các doanh nghiệp nhà nước. Ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp liên doanh mang nhiều vụ tranh chấp đến với Phòng. Trong các vụ kiện này, 70% gây thiệt hại cho các ông chủ.

Tuy vậy, gần đây các phát sinh xung đột và tranh chấp giữa giới chủ và thợ trong các doanh nghiệp FDI có phần thuyên giảm do Trung Quốc tăng cường điều chỉnh các chính sách về quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp này.

 1.2. Tác động xấu tới cán cân thanh toán

Trung Quốc và một số nước khác thường duy trì được cán cân thương mại. Thậm chí những năm gần đây, Trung Quốc luôn là nước xuất siêu. Trong khi đó, ở Malaysia, việc đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Nếu Malaysia hạn chế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các doanh nghiệp FDI và dĩ nhiên sẽ gây hạn chế xuất khẩu. Hệ lụy là tác động xấu tới cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Nếu đẩy mạnh xuất khẩu dựa vào việc tăng nhập khẩu thì giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu sẽ thấp và không thúc đẩy việc liên kết giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước. Đây là mâu thuẫn khó giải quyết mà Malaysia gặp phải trong một thời gian dài, sau khi thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu.

Một hạn chế cơ bản đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Malaysia là tình trạng nhập siêu ở một số ngành và lĩnh vực, tiêu biểu là ngành điện tử. Malaysia luôn phải đối mặt với tình trạng “khó xử” khi cân bằng lợi ích nhập khẩu và xuất khẩu hàng công nghệ cao. Nếu đẩy mạnh xuất khẩu thì đồng thời chấp nhận gia tăng nguồn nhập khẩu các yếu tố đầu vào dẫn tới tình trạng giá trị gia tăng thấp và ít khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sản xuất cung cấp mặt hàng hỗ trợ trong nước. Ngược lại, nếu tìm cách hạn chế nhập khẩu yếu tố nguyên liệu đầu vào dẫn tới hạn chế khả năng sản xuất của doanh nghiệp FDI, từ đó làm giảm khả năng xuất khẩu...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

 

Sửa đổi lần cuối Thứ ba, 06 Tháng 1 2015 08:48

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành