Thứ năm, 23 Tháng 10 2014 00:00

Tác động của FDI trong phát triển kinh tế xã hội

1. FDI và tính tất yếu khách quan của những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh

1.1. Tổng quan về FDI

Hiện nay có khá nhiều quan niệm về FDI.

Theo IMF, FDI là khoản đầu tư được thực hiện nhằm thu lợi lâu dài trong doanh nghiệp hoạt động ở một số nền kinh tế khác với nền kinh tế thuộc nước của chủ đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư còn mong muốn giành được quyền quản lý doanh nghiệp đó.

Theo UNCTAD (1999), FDI là hoạt động đầu tư có mối liên hệ dài hạn, phản ánh lợi ích và sự kiểm soát lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài hoặc công ty mẹ đối với doanh nghiệp của mình ở một nền kinh tế khác.

Trong hai khái niệm trên, hoạt động FDI gắn liền với mục đích lợi nhuận và quyền kiểm soát của nhà đầu tư nước ngoài.

OECD (1999) cho rằng, FDI phản ánh lợi ích lâu dài mà một thực thể trong một nền kinh tế (nhà đầu tư trực tiếp) đạt được thông qua một cơ sở kinh tế tại một nền kinh tế khác với nền kinh tế thuộc nước của nhà đầu tư (doanh nghiệp đầu tư trực tiếp). Lợi ích lâu dài này thể hiện các mối quan hệ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp, trong đó nhà đầu tư giành được sự ảnh hưởng quan trọng và có hiệu quả trong quản lý doanh nghiệp. Đầu tư trực tiếp bao hàm các giao dịch đầu tiên, tiếp đến là các giao dịch về vốn giữa hai thực thể được liên kết chặt chẽ. Trong đó, nhà đầu tư trực tiếp được hiểu là người nắm quyền kiểm soát từ 10% vốn của một doanh nghiệp trở lên. Theo khái niệm này, có thể thấy động cơ chủ yếu của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài là thông qua phần vốn được sử dụng ở nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài giành quyền kiểm soát hoặc ảnh hưởng nhất định trong việc quản lý doanh nghiệp.

Một số nhà kinh tế Trung Quốc coi FDI là sự sở hữu tư bản tại nước tiếp nhận đầu tư bằng cách mua hoặc kiểm soát một thực thể kinh tế của nước đó.

Khoản đầu tư này phải đạt tỷ lệ cổ phần đủ lớn để tạo ảnh hưởng quyết định, chi phối đối với thực thể kinh tế đó. Theo khái niệm này, Trung Quốc đã chú trọng tới tỷ lệ vốn đầu tư phải đủ lớn để nắm giữ quyền chi phối, kiểm soát doanh nghiệp.

Theo Luật đầu tư của Việt Nam năm 2005 (điều 3), đầu tư nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác để tiến hành hoạt động đầu tư theo quy định của Luật. Khái niệm nêu trong Luật đầu tư của Việt Nam chủ yếu đề cập đến xuất xứ của nguồn vốn.

Mặc dù có những điểm đánh giá khác nhau về FDI, nhưng có thể hiểu khái quát: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một loại hình đầu tư quốc tế, trong đó nhà đầu tư của một nền kinh tế đóng góp một số vốn hoặc tài sản lớn vào một nền kinh tế khác để sở hữu hoặc điều hành, kiểm soát đối tượng họ bỏ vốn đầu tư nhằm mục đích lợi nhuận hoặc các lợi ích kinh tế khác.

FDI là hoạt động tất yếu và không thể thiếu đối với mọi quốc gia, được luận giải bởi nhiều lý thuyết khác nhau của các nhà kinh tế học. Có thể dẫn ra một số lý thuyết chủ yếu như lý thuyết chiết trung (J.H.Dunning) đưa ra ba yếu tố là lợi thế về sở hữu (Ownership), lợi thế về vị trí (Location) là yếu tố quyết định địa điểm sản xuất và lợi thế về gắn kết nội bộ (Internalizatinon) của doanh nghiệp để trả lời cho ba câu hỏi “tại sao MNEs muốn đầu tư ra nước ngoài, địa điểm nào được MNEs lựa chọn đầu tư và MNEs thực hiện đầu tư như thế nào?”. Các yếu tố này là căn cứ để nhà đầu tư quyết định đầu tư. Tuy nhiên, lý thuyết này bị coi là quá cầu toàn.

Lý thuyết năng suất biên của Mc.Dougall - Kemp giải thích sự di chuyển vốn là do khác nhau về năng suất biên và điều tất yếu là vốn di chuyển từ nơi có năng suất biên thấp sang nơi có năng suất biên cao hơn. Tuy nhiên, lý thuyết này chưa giải thích được lý do đối với một quốc gia vì sao có dòng vốn di chuyển ra và cả dòng vốn di chuyển vào. Thực thế cho thấy Mỹ vừa là quốc gia giàu vốn, vừa là quốc gia thu hút một khối lượng vốn đầu tư hàng đầu thế giới.

Lý thuyết chu kỳ sống quốc tế của sản phẩm (Vernon, 1966) xem xét đầu tư quốc tế là sự phản ứng của các nhà đầu tư thích ứng với thay đổi trạng thái sản phẩm. Để duy trì sự tồn tại và phát triển sản phẩm, các nhà đầu tư di chuyển vốn ra thị trường nước ngoài.

Lý thuyết về quyền lực thị trường khẳng định nhà đầu tư cần có khả năng chi phối thị trường thông qua bí quyết công nghệ, bí quyết thương mại hoặc kiến thức, kỹ năng đặc biệt, lợi thế vượt trội của nhà đầu tư này so với nhà đầu tư khác. Đây là những yếu tố cốt lõi để nhà đầu tư thành công.

Ngoài ra, lý luận về động lực thúc đẩy đầu tư nước ngoài được xây dựng và phát triển bởi rất nhiều nhà kinh tế học như Hymer, Kindleger, Hecksher, Ohlin, Casson, Vernon và Dunning. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Dunning tổng kết thành bốn động lực thúc đẩy đầu tư nước ngoài, đó là “sự tìm kiếm tài nguyên, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguồn lực và tìm kiếm tài sản chiến lược”. Lý luận về động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và bốn động lực tìm kiếm của họ đều nhằm mục đích cuối cùng là mở rộng thị trường, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh để tối đa hoá lợi nhuận.

Một trong số những đặc điểm quan trọng của FDI là nhà đầu tư vừa là người sở hữu, vừa là người sử dụng vốn đầu tư. FDI là hình thức đầu tư bằng vốn của tư nhân, cho nên nhà đầu tư có quyền tự chủ và tự quyết định từ việc lập dự án đầu tư đến khâu tổ chức, quản lý và điều hành các dự án đầu tư, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh, tự chịu rủi ro và được quyền thu lợi nhuận. Chính vì vậy, FDI thường mang tính khả thi và hiệu quả cao.

FDI là hình thức chuyển giao lớn về vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý. Thông qua FDI, nước tiếp nhận đầu tư (mà trực tiếp là các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh của nước tiếp nhận) có thể tiếp nhận được công nghệ tiên tiến, học hỏi các kinh nghiệm quản lý hiện đại.

FDI có thể diễn ra theo hai hướng, là đầu tư nước ngoài vào trong nước và đầu tư từ trong nước ra nước ngoài. Cả hai dòng đầu tư này đều có vai trò và tác động hết sức quan trọng đối với một quốc gia. Tuy nhiên, sự tác động ở mức độ khác nhau đối với kinh tế, xã hội, trong đó có cán cân thanh toán quốc tế. FDI được thực hiện chủ yếu bởi các công ty xuyên quốc gia. Đây là những tập đoàn có tiềm lực lớn về vốn, công nghệ cao, nhãn hiệu sản phẩm có uy tín và danh tiếng, có khả năng cạnh tranh và tính năng động cao,…

FDI được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh; doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh sở hữu hoàn toàn; các hoạt động mua lại & sáp nhập… Bên cạnh đó, FDI có thể được thực hiện thông qua khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, BOT, BTO, BT…

Trong điều kiện toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại, các quốc gia đều có xu hướng cải cách, điều chỉnh luật pháp, chính sách theo hướng giảm thiểu các rào cản đối với FDI nhằm vừa tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy việc thu hút, vừa thực hiện tốt việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Điều đó góp phần làm cho dòng vốn FDI ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, đối với mỗi quốc gia, bên cạnh việc tận dụng tốt các tác động tích cực, cần thực hiện các chính sách, biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do các vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh trong FDI gây ra...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành