Thứ sáu, 24 Tháng 10 2014 00:00

Yếu tố tác động đến kinh tế xã hội trong sử dụng FDI mang tính đặc thù ở một số nước

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

1. Nguy cơ gây thâm hụt thương mại ở nước tiếp nhận đầu tư

Thâm hụt thương mại được hiểu là nhập siêu, tức tổng kim ngạch nhập khẩu lớn hơn tổng kim ngạch xuất khẩu. Thâm hụt thương mại có thể tính cho từng ngành kinh tế hoặc toàn bộ nền kinh tế theo từng thị trường hoặc theo tất cả các thị trường.

Nhập siêu là khoản thiếu hụt của giá trị xuất khẩu hàng hoá so với giá trị nhập khẩu hàng hoá của một nước trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm). Nói cách khác, nhập siêu là khoản thiếu hụt hay thâm hụt cán cân thương mại hàng hoá của một nền kinh tế trong quan hệ trao đổi, mua bán hàng hoá với phần còn lại của thế giới trong một khoảng thời gian xác định (thường là một năm). Tỷ lệ nhập siêu là quan hệ so sánh giữa khoản giá trị nhập siêu với tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của nước đó trong cùng thời gian, được tính bằng số phần trăm (%).

Cán cân thương mại (hay còn gọi là cán cân xuất nhập khẩu hàng hoá) của một quốc gia là mối tương quan giữa giá trị các khoản nhập khẩu hàng hoá được tính theo giá CIF (giá cả hàng hoá - cost, chi phí bảo hiểm - Irsurance, và chi phí vận chuyển – Freight) với giá trị các khoản xuất khẩu hàng hoá được tính theo giá FOB (Free on board), tức chỉ tính giá mua được khách hàng nước ngoài chấp nhận, không tính chi phí bảo hiểm và vận chuyển.

Do khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thường có công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến, chất lượng sản phẩm có uy tín, khả năng canh tranh cao, mạng lưới sản xuất, phân phối và tiêu thụ rộng  khắp… nên kim ngạch xuất khẩu của khu vực này thường gia tăng nhanh, chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng ngày càng tăng trong cán cân thương mại của các nước tiếp nhận FDI. Vì vậy, ngoại tệ thu được từ xuất khẩu chủ yếu thuộc về nhà đầu tư nước ngoài và do đó họ có tiềm lực và sức mạnh tác động đến cán cân thương mại của nước tiếp nhận, thậm chí tác động đến cả việc điều chỉnh chính sách do chính phủ nước tiếp nhận đưa ra.

Thêm vào đó, hoạt động đầu tư thường tập trung chủ yếu vào các ngành gia công, lắp ráp để tận hưởng việc khai thác nguồn lao động dồi dào và rẻ, tài nguyên thiên nhiên… Trong khi đó, các quốc gia tiếp nhận thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, chưa thực sự quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để chủ động từng bước tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư với khu vực và toàn cầu. Trong điều kiện này, dù nước tiếp nhận có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng chỉ với tư cách cung cấp các nguồn nguyên vật liệu với chất lượng thấp, rất khó và thậm chí chưa thể tham gia vào mạng lưới cung cấp các yếu tố đầu vào cho các nhà đầu tư.

Do vậy, để thực hiện sản xuất kinh doanh, nước tiếp nhận và các nhà đầu tư nước ngoài đều phải nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị phụ tùng, linh kiện… từ nhiều đối tác nước ngoài (trong đó có cả công ty mẹ của nhà đầu tư). Tình hình này càng làm xấu đi tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, tức nhập siêu gia tăng ở các nước tiếp nhận.

Với vấn đề này, nghiên cứu của Vaitsos (1976) về tác động của FDI tới cán cân thanh toán cũng đã có kết luận, FDI có tác động tích cực đến cán cân thanh toán, nhưng không phải là trong sản xuất. Vì đầu tư sản xuất sẽ làm tăng nhập khẩu và có cơ chế định giá chuyển nhượng trong các MNC. Đi liền với tình trạng này là sự tăng lên mức độ phụ thuộc của nền kinh tế trong nước vào đầu tư nước ngoài, gia tăng mức độ cạnh tranh và sức ép đối với thị trường trong nước, gây nguy cơ phá sản của hàng loạt doanh nghiệp và làm mất cân đối cơ cấu ngành, vùng kinh tế và cơ cấu sở hữu trong nền kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư. Từ đây đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các quốc gia, mà trực tiếp là Chính phủ nước tiếp nhận phải điều chỉnh và bổ sung các chính sách đầu tư nhằm khắc phục và hạn chế các rủi ro trong thu hút và sử dụng vốn FDI.

Cần lưu ý rằng việc điều chỉnh, bổ sung luật pháp, chính sách về đầu tư, nếu không cân nhắc, tính toán một cách đầy đủ và toàn diện, không giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà đầu tư và nước tiếp nhận, không chú ý đến lợi ích của các nhà đầu tư… gây ra tình trạng chậm triển khai các dự án; đầu tư không hiệu quả sai lệch với mục tiêu của nước tiếp nhận; các nhà đầu tư giảm quy mô đầu tư, rút vốn đột ngột và chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành