Thứ hai, 24 Tháng 11 2014 00:00

Những vấn đề cơ bản về ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

1. Khái niệm ngân hàng thương mại

Khi đề cập đến khái niệm Ngân hàng thương mại (NHTM), có rất nhiều phát biểu khác nhau tuỳ vào từng quốc gia. Tuy nhiên, tựu trung lại các khái niệm đều có điểm chung là dựa trên chức năng và phương thức hoạt động. Chẳng hạn:

Ở Mỹ khái niệm ngân hàng thương mại được quy định là một công ty kinh doanh chuyên cung cấp dịch vụ tài chính và hoạt động trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính.

Trong khi đó ở Thổ Nhĩ Kỳ quy định ngân hàng thương mại là hội trách nhiệm hữu hạn được thiết lập nhằm mục đích nhận tiền ký thác và thực hiện các nghiệp vụ hối đoái, nghiệp vụ chiết khấu và những hình thức vay mượn hay tín dụng khác.

Ở Pháp hệ thống ngân hàng thương mại được quy định là một xí nghiệp hay cơ sở mà nghiệp vụ thường xuyên là nhận tiền gửi của công chúng dưới hình thức ký thác hay dưới hình thức khác và sử dụng tài nguyên đó cho chính họ trong các nghiệp vụ về chiết khấu, tín dụng và dịch vụ tài chính.

Ngân hàng thương mại ở Ấn Độ là cơ sở nhận các khoản ký thác để cho vay hay tài trợ các khoản đầu tư.

Đối với Việt Nam khái niệm NHTM trong Luật các TCTD số 47/2010/QH 12 được Quốc hội thông qua vào ngày 16/06/2010 thì phát biểu như sau: “Ngân hàng thương mại là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động khác có liên quan nhằm mục tiêu lợi nhuận”. Luật này còn định nghĩa: “Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau: nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”.

Như vậy qua các định nghĩa trên thì có thể khái quát lại khái niệm về ngân hàng thương mại như sau: “Ngân hàng thương mại là một định chế tài chính trung gian có khả năng thực hiện toàn bộ các dịch vụ tài chính ngân hàng vì mục tiêu lợi nhuận”.

Hoạt động của NHTM với mục tiêu hoàn toàn vì lợi nhuận. NHTM là loại hình hoạt động mạnh nhất và đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh doanh tiền tệ hiện nay, nó giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Nhờ NHTM mà các nguồn tiền nhàn rỗi nằm rải rác trong xã hội sẽ được huy động tập trung lại, đồng thời sử dụng số vốn đó để cấp tín dụng cho các chủ thể trong nền kinh tế nhằm phát triển kinh tế xã hội.

2. Mô hình hoạt động của NHTM

Tùy từng nước và từng thời kỳ, mô hình hoạt động của các ngân hàng thương mại có thể áp dụng khác nhau. Có 3 mô hình hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại: ngân hàng chuyên doanh, ngân hàng kinh doanh tổng hợp, ngân hàng đa năng.

- Ngân hàng chuyên doanh: là những ngân hàng chỉ chuyên hoạt động trong một lĩnh vực nhất định như: ngân hàng công nghiệp, ngân hàng nông thôn, ngân hàng đô thị…

- Ngân hàng kinh doanh tổng hợp: là những ngân hàng có thể thực hiện đồng thời nhiều loại nghiệp vụ truyền thống và trong nhiều lĩnh vực. Thực chất ngân hàng làm nghiệp vụ tổng hợp của nhiều ngân hàng chuyên doanh.

- Ngân hàng đa năng: Là ngân hàng ngoài thực hiện các nghiệp vụ của ngân hàng kinh doanh tổng hợp còn thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh khác ngoài lĩnh vực ngân hàng như bảo hiểm, chứng khoán. Có hai loại ngân hàng đa năng:

Thứ nhất, ngân hàng đa năng trực tiếp. Theo mô hình này, các ngân hàng thương mại ngoài các nghiệp vụ kinh doanh về lĩnh vực ngân hàng còn trực tiếp kinh doanh về lĩnh vực chứng khoán hoặc bảo hiểm … mà không cần mở công ty chứng khoán hay công ty bảo hiểm trực thuộc. Mô hình ngân hàng này được áp dụng ở Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ.

Thứ hai, đó là mô hình ngân hàng đa năng gián tiếp. Theo mô hình này, các ngân hàng thương mại ngoài các nghiệp vụ kinh doanh về lĩnh vực ngân hàng không được trực tiếp kinh doanh về lĩnh vực chứng khoán hay bảo hiểm … mà phải mở công ty chứng khoán hay công ty bảo hiểm trực thuộc để hoạt động. Mô hình ngân hàng này được áp dụng ở Liên hiệp Vương quốc Anh và các nước có quan hệ mật thiết với Anh như: Canada, Australia …

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, nghiệp vụ ngân hàng truyền thống và nghiệp vụ ngân hàng hiện đại với nghiệp vụ chứng khoán và bảo hiểm ngày càng xích lại gần nhau, do đó mô hình ngân hàng đa năng ngày càng trở nên phổ biến hơn ở các nước.

Mỹ và Nhật Bản là điển hình của những nước thực hiện mô hình ngân hàng kinh doanh tổng hợp, tách biệt pháp lý giữa công nghiệp ngân hàng và công nghiệp chứng khoán theo đạo luật Glass-Steagall ở Mỹ và Đạo luật chứng khoán Nhật Bản gọi là “bức tường lửa”. Nhưng thực tế hiện nay, “bức tường lửa” cũng đang dần tàn lụi, ở cả hai nước, NHTM đang tiến hành ngày càng nhiều các hoạt động chứng khoán, tiến dần tới mô hình hoạt động của NHTM theo kiểu Anh - mô hình ngân hàng đa năng gián tiếp. Ở Việt Nam hiện nay NHTM hoạt động theo mô hình ngân hàng đa năng gián tiếp...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành