I. Trái phiếu
1. Khái niệm, đặc điểm trái phiếu
1.1. Khái niệm
Trái phiếu thể hiện mối quan hệ kinh tế giữa người đi vay và người cho vay, giữa họ có mối liên hệ qua lại lẫn nhau thông qua vận động giá trị vốn và nó không chỉ đơn thuần là một hình thức vận động về tiền tệ mà còn là mối quan hệ về xã hội (như mối quan hệ về lòng tin). Có nhiều loại trái phiếu như trái phiếu công ty, trái phiếu của các tổ chức tín dụng, trái phiếu Chính Phủ.... Trái phiếu cũng chính là một loại chứng khoán bởi nó có thể được giao dịch, mua bán trên thị trường chứng khoán. Dù trong điều kiện nào, người sở hữu trái phiếu cũng đều có quyền hưởng đủ các khoản thanh toán lãi và hoàn trả gốc khi đáo hạn như đã cam kết. Có rất nhiều khái niệm về trái phiếu như:
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định. Người phát hành có thể là Chính Phủ, chính quyền địa phương hay doanh nghiệp. Người mua trái phiếu, hay trái chủ, có thể là cá nhân, doanh nghiệp hoặc Chính Phủ. Tên của trái chủ có thể được ghi trên trái phiếu (trường hợp này gọi là trái phiếu ghi danh) hoặc không được ghi (trái phiếu vô danh)”.
Tác giả Bùi Nguyên Hoàn định nghĩa: “Trái phiếu là một chứng khoán nợ, người nắm giữ trái phiếu là chủ nợ của đơn vị phát hành”.
Giáo trình Thị trường chứng khoán của trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: “trái phiếu là một loại chứng khoán qui định nghĩa vụ của người phát hành (người đi vay) phải trả cho người đứng tên sở hữu chứng khoán (người cho vay) một khoản tiền nhất định bao gồm cả gốc và lãi trong những khoảng thời gian cụ thể”.
Theo Luật Chứng khoán xác định: “trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành”.
Như vậy có thể hiểu rằng trái phiếu là một loại chứng khoán nợ, quy định nghĩa vụ của người phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ (người cho vay) một khoản tiền lãi được xác định tại một thời gian cụ thể trong tương lai và hoàn trả phần gốc vay ban đầu khi đến hạn.
1.2. Đặc điểm trái phiếu
Cho dù trái phiếu được phân thành nhiều loại khác nhau nhưng chúng đều có đặc điểm chung là:
Thứ nhất, trái phiếu là công cụ nợ, mà nhà phát hành đi vay theo phương thức có hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Người cho vay sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào về kết quả hoạt động sử dụng vốn của người vay, và trong mọi trường hợp, nhà phát hành phải có trách nhiệm hoàn trả cho trái chủ theo các cam kết đã được xác định trong hợp đồng vay.
Thứ hai, trường hợp chủ thể phát hành trái phiếu bị phá sản hoặc giải thể, chủ sở hữu trái phiếu được ưu tiên trong quá trình thanh lý tài sản so với các cổ đông của công ty. Do chủ thể phát hành bị ràng buộc bởi nghĩa vụ thanh toán nên trái phiếu có độ an toàn cao, tính thanh khoản lớn và thường do các trung gian tài chính, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nắm giữ.
Thứ ba, trái phiếu là công cụ đầu tư. Nhà đầu tư được hưởng lợi tức từ tiền lãi mà trái chủ phải thanh toán trong suốt kỳ hạn của trái phiếu và các quyền lợi khác nếu có. Lợi tức của trái phiếu được xem là chi phí đối với chủ thể phát hành, do vậy nếu là doanh nghiệp phát hành trái phiếu được hưởng lợi do tiết kiệm thuế.
Thứ tư, là một loại công cụ nợ nên trái phiếu có: Tính sinh lời (trái phiếu là chứng chỉ vay nợ của Chính Phủ và doanh nghiệp, do vậy, khi đầu tư vào trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ thu lại được một khoản lợi tức kỳ vọng trong tương lai); Tính rủi ro (mức độ rủi ro cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất, đặc thù của từng loại trái phiếu. Khi nền kinh tế có những biến động về lạm phát, lãi suất, tỷ giá... sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư vào trái phiếu); Tính thanh khoản (đó chính là khả năng chuyển đổi trái phiếu thành tiền mặt, mỗi một loại trái phiếu có khả năng thanh khoản khác nhau: TPCP thông thường có tính thanh khoản cao hơn so với các loại trái phiếu khác).
1.3. Hình thức trái phiếu
Trái phiếu có thể được phát hành dưới dạng chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Đối với hình thức chứng chỉ, Bộ Tài chính sẽ quy định nội dung để tổ chức phát hành in và phân phối cho các tổ chức trúng thầu; Đối với hình thức bút toán ghi sổ sẽ do Trung tâm Giao dịch chứng khoán (Sở Giao dịch chứng khoán) và các tổ chức lưu ký ghi và quản lý sổ sách. Tuy nhiên dù là loại trái phiếu nào thì các nội dung được thể hiện trên trái phiếu có những thông tin sau:
- Mệnh giá: Là số tiền ghi trên trái phiếu mà tổ chức phát hành cam kết sẽ trả cho người sở hữu trái phiếu vào ngày đáo hạn và nó được xem như là số nợ gốc ghi trên tờ trái phiếu.
- Ngày đến hạn: Là ngày tổ chức phát hành phải thanh toán số tiền theo mệnh giá ghi trên trái phiếu cho chủ sở hữu.
- Kỳ hạn của trái phiếu: Là khoảng thời gian từ thời điểm phát hành đến ngày đến hạn phải thanh toán trái phiếu của tổ chức phát hành. Hiện nay việc phân chia trái phiếu phổ biến là trung hạn từ 1 đến 10 năm và dài hạn là trên 10 năm. Kỳ hạn của trái phiếu có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì lợi tức trái phiếu phụ thuộc nhiều vào thời hạn của nó.
- Lãi suất: trong từng loại trái phiếu đều có ghi lãi suất của người phát hành cam kết thực hiện trả cho người sở hữu một số tiền lãi vào một ngày được xác định cụ thể. Lãi suất của trái phiếu là tỷ lệ phần trăm giữa tiền lãi với tiền gốc của trái phiếu trong khoảng thời gian nhất định (thường được xác định là 01 năm).
Lãi suất là một trong những yếu tố cơ bản nhất của trái phiếu, có ảnh hưởng rất lớn đến giá trái phiếu, lợi tức của trái phiếu và được xác định dưới nhiều hình thức tạo nên sự phong phú của trái phiếu như lãi suất coupon, lãi suất chiết khấu, lãi đơn, lãi gộp... Lãi suất của trái phiếu tuỳ thuộc vào các yếu tố như thời hạn, khả năng thanh khoản, lạm phát và tình hình thị trường.
- Giá thực tế của trái phiếu (giá mua): là khoản tiền thực tế mà người mua bỏ ra để được quyền sở hữu trái phiếu. Giá mua có thể ngang giá, ví dụ trái phiếu có giá 100 nghĩa là bằng 100% mệnh giá; cũng có thể là giá cao hơn hoặc thấp hơn mệnh giá ghi trên trái phiếu (giá trái phiếu thấp hơn mệnh giá (ví dụ như 90) được gọi là giá chiết khấu; giá cao hơn mệnh giá (chẳng hạn như 110) thì gọi là giá gia tăng).
Dù dưới hình thức nào đi chăng nữa, tiền lãi luôn được xác định dựa trên mệnh giá ghi trên trái phiếu và đến thời hạn thanh toán, người sở hữu đều được thanh toán theo đúng các thông số ghi trên trái phiếu...
Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.