Chủ nhật, 21 Tháng 12 2014 00:00

Yêu cầu hoàn thiện chính sách thuế nhà ở, đất ở tại việt nam đến năm 2020

1. Các giải pháp hoàn thiện quy trình chính sách và quản lý thuế nhà ở, đất ở

1.1. Hoàn thiện công tác hoạch định chính sách thuế nhà ở, đất ở

Hoạch định chính sách đúng đắn, khoa học sẽ xây dựng được chính sách tốt, là tiền đề để chính sách đó đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, hoạch định sai sẽ cho ra đời chính sách không phù hợp với thực tế, thiếu tính khả thi, và có thể mang lại hậu quả không mong muốn trong quá trình quản lý. Để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác hoạch định chính sách, càn thực hiện các giải pháp sau:

- Nâng cao năng lực nhận diện các vấn đề chính sách. Nhận diện vấn đề chính sách là công đoạn đầu tiên trong quy trình chính sách, nhận diện vấn đề sai thì sẽ không bao giờ giải quyết được những yêu cầu của thực tế đặt ra, nhận diện vấn đề đúng là yếu tố căn bản để có thể ban hành được một chính sách phù hợp. Một thực tế trở thành vấn đề chính sách khi có những lo ngại về mất mát lợi ích, tuyệt vọng hay mất niềm tin của số đông, và số đông này thực sự có nhu cầu, hay bộc lộ đòi hỏi giải pháp. Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý ba điểm: thứ nhất, sự đòi hỏi của cộng đồng không hàm ý đòi hỏi của toàn thể; thứ hai, đòi hỏi của số đông chưa chắc đã đúng; thứ ba, nhiều khi nhu cầu cần phải có sự can thiệp về chính sách không được thể hiện trực tiếp, mà nó ẩn đằng sau hiện trạng, và người làm chính sách, người làm luật cần phải nhận diện nhu cầu đó. Chúng ta chưa có được một cơ chế để nhận biết và phân tích các vấn đề đang phát sinh trong cuộc sống, hiện nay, chúng ta nhận biết các vấn đề chủ yếu thông qua các số liệu thống kê, báo cáo tổng kết của các cơ quan chức năng, ý kiến cử tri, dư luận xã hội, thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, khiếu nại và tố cáo của công dân. Tuy nhiên, cần phân biệt vấn đề với hiện tượng, nhiều khi tưởng chừng như “vấn đề” hiển nhiên lộ diện trong sự kiện nào đó, nhưng trên thực tế, vấn đề lại nằm chỗ khác. Do trong thời gia qua không làm tốt khâu nhận diện vấn đề chính sách nên có những văn bản thật sự cần thiết phải ban hành thì lại chưa được dự kiến hoặc chưa được ban hành, trong khi đó có những văn bản chưa hoặc không thực sự cần thiết lại được đưa vào chương trình.

- Trong mỗi chính sách cần xác định rõ mục tiêu chiến lược, cũng như mục tiêu cụ thể của chính sách. Mục tiêu của chính sách là những giá trị trong tương lai mà chính sách theo đuổi và muốn đạt tới, đây là bộ phận cơ bản của chính sách. Sau khi đã xác định được vấn đề chính sách đặt ra, bước tiếp theo là cần làm rõ mục tiêu của chính sách, điều quan trọng nhất là các nhà hoạch định chính sách cần chỉ rõ được đâu là mục tiêu chính, đâu là mục tiêu phụ khi giải quyết vấn đề. Xác định mục tiêu càng rõ thì giải pháp càng chính xác, do đó, mục tiêu càng được lượng hoá, càng trọng tâm thì càng thuận lợi cho các công đoạn khác của quy trình chính sách, nên cần phải đặt ra được những mục tiêu và kết quả cụ thể cho mỗi chính sách.

- Hình thành các phương án chính sách để lựa chọn. Chính dựa trên cơ sở mục tiêu này mà hình thành ra các phương án chính sách khác nhau. Điều đáng lưu ý ở đây là cần có sự cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn các giải pháp chính sách sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn. Ngoài ra, việc tham khảo kinh nghiệm của các ngoài, đặc biệt của các nước trong khu vực, cũng như các nước có trình độ phát triển gần với chúng ta là việc làm rất hữu ích trong việc hoạch định chính sách. Khi giải pháp chính sách đưa ra, cũng cần nghiên cứu với sự đồng bộ về mặt pháp lý với các chính sách khác, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và sự thống nhất giữa luật pháp và đường lối, chủ trương của Đảng. Cũng cần chú ý rằng, khó để có thể có một giải pháp chính sách toàn vẹn và phù hợp với tất cả các đối tượng mà chỉ có giải pháp chính sách tối ưu nhất trong các phương án chính sách đề ra mà thôi. Tất nhiên để lựa chọn được một chính sách tối ưu, cần thiết phải có những tiêu chí đánh giá cụ thể, điều này nên được làm một cách bài bản, nhất là trong việc đánh giá các tác động của chính sách, cũng như phải dự tính được kết quả khi chính sách đi vào thực thi.

1.2. Nâng cao năng lực tổ chức thực thi chính sách thuế nhà ở, đất ở

Trong giai đoạn tới để bảo đảm thực thi tốt chính sách cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

- Tăng cường công tác phân công, phân cấp trong việc tổ chức thực hiện các chính sách thuế nhà ở, đất ở. Chính thông qua phân cấp sẽ giúp các nội dung công việc chính sách được minh bạch, xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của từng cấp để mỗi cấp có ý thức trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng thời, cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phối hợp công tác, đảm bảo sự liên thông trong việc thực thi chính sách thuế nhà ở, đất ở trên toàn quốc. Chính thông qua những quy định này sẽ tạo điều kiện tốt cho việc giám sát thực hiện chính sách từ trung ương tới địa phương, qua đó phát hiện và điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý trong quá trình tổ chức thực thi chính sách.

- Hiện đại hóa công tác quản lý thuế và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thuế. Hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ, áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ được các đối tượng chịu thuế, các tổ chức cá nhân nộp thuế, giảm thiểu thất thu và thu đúng, thu đủ, kịp thời là mục tiêu chung của việc cải cách thuế. Đối với chính sách thuế nhà ở, đất ở, gồm những loại thuế khá phức tạp trong việc quản lý nên việc nâng cao công tác quản lý để có thể triển khai chính sách thuế một cách toàn diện và đồng bộ là giải pháp cần phải làm ngay và làm liên tục...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành