Thứ bảy, 20 Tháng 12 2014 00:00

Mục tiêu xây dựng công cụ phòng vệ chống bán phá giá

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

1. Khái niệm bán phá giá

Khái niệm có nội hàm bán phá giá đã xuất hiện cách đây hơn 100 năm, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật của Canada ban hành năm 1904[1] với thuật ngữ “định giá chiếm đoạt” (predatory pricing) nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nước này khỏi các công ty sản xuất thép của Mỹ. Sau đó khái niệm này được các nước khác sử dụng và quy định trong luật quốc gia khác[2]. Khái niệm định giá chiếm đoạt được cho là một khái niệm mượn trong lĩnh vực chính sách cạnh tranh nội địa vì chính sách cạnh tranh được xây dựng để hạn chế những hành vi phi cạnh tranh chủ yếu do các công ty trong nước thực hiện trong đó có hành vi định giá thấp hơn chi phí để loại các đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường nhằm duy trì vị trí thống lĩnh. Việc định giá chiếm đoạt để thực hiện đạt được và khai thác vị thế độc quyền, hạn chế cạnh tranh ở thị trường nội địa và làm tổn hại quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc định giá độc quyền trong thời gian dài. Do đó, kinh tế học định nghĩa “bán phá giá” (dumping) là “định giá chiếm đoạt”, theo nghĩa là hành động của doanh nghiệp bán hàng hóa với mức giá thấp để cạnh tranh nhằm loại bỏ hàng hóa của đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Như vậy, bán phá giá là thuật ngữ kinh tế có nguồn gốc chỉ hành động định giá thấp của doanh nghiệp.

Khái niệm này ban đầu không phân biệt thị trường nội địa hay thị trường quốc tế. Tuy nhiên, luật pháp các nước thường quy định về bán phá giá cho cả thị trường nội địa là một loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh và có quy định riêng về bán phá giá quốc tế áp dụng đối với hàng nhập khẩu. Do vậy, ngày nay nói đến bán phá giá là nói đến bán phá giá quốc tế.

Với nghĩa là định giá thấp, các nghiên cứu kinh tế học chia bán phá giá thành hai loại: bán phá giá theo giá (price dumping) và bán phá giá theo chi phí (cost dumping). Bán phá giá theo giá là định giá thấp hơn (đáng kể) so với mức giá thông thường, áp dụng trong thương mại quốc tế được gọi là sự phân biệt giá quốc tế (international price discrimination). Bán phá giá theo chi phí là việc bán hàng hóa ở mức giá thấp hơn chi phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Trong thương mại quốc tế thì giá hàng hóa nhập khẩu không chỉ phụ thuộc vào giá bán của nhà xuất khẩu mà còn phụ thuộc vào tỷ giá của đồng tiền nước xuất khẩu và đồng tiền nước nhập khẩu. Chính vì vậy, giá của hàng hóa nhập khẩu có thể bị hạ thấp nếu như nước xuất khẩu áp dụng chính sách tỉ giá thấp nghĩa là hạ thấp tỉ giá của đồng tiền nước mình. Trong trường hợp đó, giá của tất cả hàng hóa xuất khẩu của nước đó quy đổi ra đồng tiền nước nhập khẩu sẽ giảm xuống và tạo ra lợi thế cạnh tranh của hàng hóa đó trên thị trường nước nhập khẩu. Trường hợp như vậy được gọi là phá giá tiền tệ (hay phá giá tỉ giá - exchange rate - induce anti - dumping).

Như vậy, phá giá tiền tệ có khác biệt cơ bản với bán phá giá hàng hóa ở chỗ, một hành vi là của nhà nước, một hành vi là của doanh nghiệp và tác động tạo ra của phá giá tiền tệ là tác động đến tất cả hàng hóa xuất khẩu chứ không chỉ riêng hàng xuất khẩu của một doanh nghiệp.

Tuy vậy, trong điều kiện các nước đều theo đuổi mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường, trong đó chính sách tỉ giá được thực hiện trên cơ sở cung cầu của thị trường (mặc dù có sự can thiệp nhất định của nhà nước) nên việc bán phá giá tiền tệ (trong thời gian đủ dài) là rất khó xảy ra trên thực tế. Chính vì vậy, ngày nay khi nói đến bán phá giá – dumping – là nói đến hành vi bán phá giá (hàng hóa) của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường nước nhập khẩu.

Trong pháp luật quốc tế, vấn đề bán phá giá (và chống bán phá giá) lần đầu được quy định trong Hiệp định GATT năm 1947 và dần trở thành một trong những chủ đề gây tranh cãi trong WTO cũng như các diễn đàn kinh tế, thương mại. Quan điểm chính sách trong ứng xử với hành vi bán phá giá, cũng như quan điểm coi thế nào là bán phá giá (cần phải chống) của các nước cũng khác nhau, bị chi phối bởi quan điểm kinh tế chính trị của từng nước trong từng thời kỳ, thể hiện trong quy định của pháp luật và thực tiễn thực thi chống bán phá giá.

Mặc dù về mặt kinh tế học, chưa có nghiên cứu kinh tế nào chứng minh được lý do kinh tế cho việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, nhưng rõ ràng, việc chống lại các hành động bán phá giá vẫn được coi là tích cực về mặt kinh tế nếu chúng được chứng minh là phá giá chiếm đoạt.

Từ điển kinh tế học của Đại học Oxford định nghĩa bán phá giá là bán hàng hóa ở một nước khác với một mức giá mà các nhà sản xuất địa phương cho là mức giá thấp, không lành mạnh (unfairly low). Cụ thể hóa định nghĩa này thành hành vi mang tính quy phạm, luật quốc tế và luật các nước đều quy định bán phá giá là trường hợp phân biệt giá quốc tế mà ở đó, giá của một sản phẩm bán sang thị trường nước nhập khẩu thấp hơn giá của sản phẩm đó bán ở thị trường nước xuất khẩu.

Mặc dù vậy, nếu như Giá xuất khẩu (GXK) của một mặt hàng có thể dễ dàng xác định thì giá của hàng hóa đó ở thị trường nước xuất khẩu có thể không xác định được vì lý do có thể hàng hóa đó không được bán ở thị trường nước xuất khẩu. Trong trường hợp này bắt buộc phải lấy một mức giá tham chiếu “hợp lý” nhất để so sánh. Do đó, xảy ra các khả năng: Một là giá bán ở thị trường nước xuất khẩu được sử dụng để so sánh là giá của sản phẩm tương tự; Hai là, giá tại thị trường nước xuất khẩu được tham chiếu đến GXK của sản phẩm đó (hoặc sản phẩm tương tự) sang thị trường nước thứ ba. Ba là giá được sử dụng để so sánh được tính dựa trên chi phí sản xuất của hàng hóa đó ở nước xuất khẩu.

Rõ ràng, về mặt khoa học, mỗi phương pháp xác định đều có những ưu và nhược điểm riêng. Do đó cũng tồn tại nhiều quan điểm về việc ưu tiên phương pháp nào. Đối với hai phương pháp đầu tiên thì việc xác định sản phẩm tương tự sẽ là vấn đề phức tạp. Phương pháp thứ ba sẽ cần có đủ dữ liệu về chi phí sản xuất của nhà sản xuất ở nước xuất khẩu.

Xuất phát từ thực tế đó, Hiệp định ADA định nghĩa  “một sản phẩm bị coi là bán phá giá, tức là được đưa vào lưu thông thương mại của một nước khác với giá thấp hơn Giá thông thường (GTT) của sản phẩm đó, nếu như Giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại bình thường” (Điều 2.1). Khi xảy ra trường hợp này, hành vi bán hàng hóa của nhà xuất khẩu được cho là hành vi thương mại không công bằng (cạnh tranh không lành mạnh) và do đó, đây là lý do để các nước áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Luật pháp và thông lệ quốc tế thừa nhận bán phá giá có thể dẫn đến thương mại không công bằng vì ngành sản xuất nội địa nhập khẩu có thể chịu thiệt hại từ việc bán phá giá đó. Trong trường hợp đó, và khi một số yêu cầu được đáp ứng, cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu có thể thực thi các hành động chống lại việc bán phá giá (chống bán phá giá - anti-dumping).

Như vậy, khái niệm bán phá giá, bắt nguồn từ kinh tế học là việc định giá chiếm đoạt được luật hóa thành hành vi, hành vi bán hàng hóa với mức giá thấp hơn mức “giá thông thường” của hàng hóa đó – là hành vi của doanh nghiệp, có thể bị trừng phạt bởi chính sách của chính phủ bằng các biện pháp thương  mại – được  gọi  là  biện  pháp  chống  bán  phá  giá  (anti-dumping measures)...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành