Thứ hai, 19 Tháng 9 2016 02:16

Giới thiệu tổng quan về chính sách công

Theo tiến trình lịch sử, những quan tâm đầu tiên về chính sách công xuất hiện cùng với sự ra đời của nền dân chủ Hy Lạp, nhưng khoa học chính sách chỉ mới nổi lên từ giữa thế kỷ XIX, lúc mà khoa học chính trị bắt đầu chuyển trọng tâm nghiên cứu từ triết học - chính trị sang nghiên cứu các thể chế, cơ cấu tổ chức nhà nước, thái độ và hành vi ứng xử của các tổ chức và các cá nhân vi nhau trong hoạt động kinh tế, xã hội. Nhiều nhà khoa học trong thời kỳ này đã đi sâu nghiên cứu về các chuẩn mực giá trị hoặc hành vi của chính phủ với mục đích lựa chọn nội dung, phương thức hoạt động nhằm thoả mãn các nhu cầu của đời sống nhân dân. Những tư tưởng mới này là nguyên nhân gây ra các cuộc tranh luận gay gắt về vai trò của nhà nước, về quyền và nghĩa vụ của công dân và nhà nước. Đồng thời, sau các cuộc chiến tranh thuộc địa, hàng loạt các nước bị tàn phá có nhu cầu cơ cấu lại nhà nước của mình, các thể chế quốc tế mới cũng được thiết lập đã dẫn đến sự ra đời của một cách tiếp cận mới về công bằng, bình đẳng, về việc tìm kiếm các giá trị và biện pháp phát triển kinh tế - xã hội. Bối cảnh đặc biệt này làm nảy sinh một số cách tiếp cận mới về khoa học chính sách. Một số cách tiếp cận tập trung vào các hành vi ứng xử ở cấp vi mô, vào khía cạnh tâm lý của quần chúng, của các cử tri và nhà lãnh đạo; một số khác lại tập trung vào những đặc điểm văn hoá, xã hội và một số lại tập trung vào bản chất dân tộc và tính toàn cầu... Chính các cách tiếp cận theo hướng đổi mới trên đây đã tạo ra cơ sở nền tảng cho sự ra đời của khoa học chính sách.

“Chính sách” là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các tài liệu, trên các phương tiện truyền thông và trong đời sông xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là thuật ngữ khó có thể định nghĩa một cách cụ thể và rõ ràng. Theo từ điển tiếng Anh (Oxford English Dictionary) “chính sách” là “một đường lối hành động được thông qua và theo đuổi bởi chính quyền, đảng, nhà cai trị, chính khách...”. Theo sự giải thích này, chính sách không đơn thuần chỉ là một quyết định để giải quyết một vấn đề cụ thể, mà nó là một đường lối hay phương hướng hành động. Hugh Heclo (năm 1972) định nghĩa một chính sách có thể được xem như là một đường lối hành động hoặc không hành động thay vì những quyết định hoặc các hành động cụ thể. David Easton (năm 1953) cho rằng “chính sách bao gồm một chuỗi các quyết định và các hành động mà trong đó phân phối thực hiện các giá trị”. Smith (năm 1976) cho rằng “khái niệm chính sách bao hàm sự lựa chọn có chủ định hành động hoặc không hành động, thay vì những tác động của các lực lượng có quan hệ với nhau”. Smith nhấn mạnh “không hành động” cũng như “hành động” và nhắc nhở chúng ta rằng “sự quan tâm sẽ không chỉ tập trung vào các quyết định tạo ra sự thay đổi, mà còn phải thận trọng với những quyết định chống lại sự thay đổi và khó quan sát vì chúng không được tuyên bố trong quá trình hoạch định chính sách” . Quan niệm khác lại cho rằng chính sách là những hành động có tính toán của chủ thể để đối phó với đối tượng quản lý theo hướng đồng thuận hay phản đối...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành