In trang này
Chủ nhật, 18 Tháng 6 2017 03:51

Tổng quan về thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

1. Khái niệm “thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước”

Trong khoa học và thực tiễn pháp luật ở Việt Nam, “thi hành pháp luật” được giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Các tài liệu giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam thường cho rằng “thi hành pháp luật” (hoặc “chấp hành pháp luật”) chỉ là một trong bốn hình thức “thực hiện pháp luật”. “Thực hiện pháp luật” được hiểu là hành vi thực tế, hợp pháp có mục đích của các chủ  thể pháp luật nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật, làm cho chúng đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật”. Thi hành pháp luật được hiểu chỉ là một hình thức thực hiện pháp luật, theo đó, nghĩa vụ pháp lý của chủ thể pháp luật được hiện thực hóa thông qua hành động tích cực của chủ thể này (ví dụ: doanh nghiệp nộp tiền thuế, người lao động đóng bảo hiểm xã hội, v.v.). Bên cạnh thi hành pháp luật, các hình thức thực hiện pháp luật khác gồm: “tuân thủ pháp luật” (theo đó, chủ thể pháp luật ứng xử theo hướng không thực hiện các điều cấm của pháp luật), “sử dụng pháp luật” (theo đó, chủ thể pháp luật thực hiện quyền năng pháp lý của mình), và “áp dụng pháp luật” (theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện quy định của pháp luật hoặc tự mình ban hành các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể).

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thi hành pháp luật là mọi hoạt động nhằm pháp vào cuộc sống, biến quy định pháp luật trở thành hành vi của các chủ thể. Thi hành pháp luật được xem là công đoạn tiếp nối quá trình xây dựng pháp luật. Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật được xem là hai mặt hoạt động cơ bản của một nhà nước. Quan niệm như thế khá phù hợp với thực tiễn quy định pháp luật ở nước ta. Cụ thể, ngay từ Hiến pháp năm 1946, khi quy định về thẩm quyền của Chính phủ và cơ quan hành chính ở địa phương, Hiến pháp đã quy định rõ thẩm quyền “thi hành” pháp luật của các cơ quan này. Cụ thể, Điều thứ 52 Hiến pháp năm 1946 quy định Chính phủ có quyền “thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện”. Điều thứ 59 Hiến pháp năm 1946 quy định ủy ban hành chính có trách nhiệm “thi hành các mệnh lệnh của cấp trên”. Điều 112 (khoản 2) Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định rõ Chính phủ có trách nhiệm “bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật”. Điều 115 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền “Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban thưởng vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, Chính phủ ra nghị quyết, nghị định, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó”. Điều 96 Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ “tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”. Điều 98 Hiến pháp năm 2013 quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ “tổ chức thi hành pháp luật”. Điều 99 Hiến pháp năm 2013 quy định Bộ trưởng “chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc”. Điều 100 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật”. Điều 112 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương”. Điều 114 Hiến pháp năm 2013 quy định: “ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương”.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.