Thứ hai, 27 Tháng 1 2014 00:00

Kinh tế xanh trong nông nghiệp Việt Nam

 1. Ô nhiễm môi trường hoạt động sản xuất nông nghiệp

a. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Việc sử dụng hoá chất trong chăm sóc, bảo quản nông sản đã trở thành phổ biến. Ngày càng có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng được sử dụng trên đồng ruộng. Nguồn gốc xuất xứ, thành phần hoá học phức tạp, trong đó có không ít loại có độ độc hại cao, khả năng lưu giữ trong môi trường lâu. Sử dụng các loại hoá chất trên lâu dài sẽ làm cho đất, nước nông sản bị ô nhiễm không bảo đảm sức khoẻ cho người sử dụng. Hoá chất sử dụng ngày càng nhiều nhưng các biện pháp làm sạch môi trường đồng ruộng, diệt trừ mầm bệnh trước khi bước vào vụ sản xuất mới lại ít được nông dân quan tâm thực hiện, do vậy lượng hoá chất bảo vệ thực vật còn đọng lại trong đất khá lớn. Kéo theo đó là việc nông sản bày bán tại các chợ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến những vụ ngộ độc đáng tiếc.

 

Nguy hiểm hơn khi thói quen trong canh tác và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân đã và đang khiến đồng ruộng ở nhiều địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và sức khỏe cộng đồng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bên cạnh mặt tích cực, những hoá chất trên cũng có nhiều tác động xấu tới môi trường. Các loại này có đặc điểm là rất độc đối với mọi sinh vật; tồn dư lâu dài trong môi trường đất và nước gây ra ô nhiễm. Tác dụng gây độc không phân biệt, nghĩa là, gây chết cả những sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất, nước.

b. Chăn nuôi

Giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, mỗi năm, tỉnh Bình Định nuôi khoảng 684.000 con lợn, trên 276.000 con trâu, bò..., đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh về nhu cầu thực phẩm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của số lượng đàn gia súc, gia cầm thì tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày một tăng lên. Bên cạnh các cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại được đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi tốt thì vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Chăn nuôi trong khu dân cư cũng là nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. Trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chăn nuôi có quy mô lớn. Những trang trại, gia trại xuất hiện đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/trang trại/năm, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Đa số các hộ gia đình đều nuôi với số lượng hàng chục, thậm chí hàng trăm con/lứa. Trong những năm qua, phong trào xây dựng hầm khí biogas nhằm thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế đã được nhân rộng. Phần lớn các hộ chăn nuôi ở nông thôn đã đầu tư xây dựng hầm khí biogas. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra vẫn chưa được xử lý triệt để. Nguyên nhân chính là do lượng chất thải thải ra lớn, trong khi dân cư sống tập trung, không gian, diện tích của các hộ gia đình đều được tận dụng để chăn nuôi nên không khí ít được lưu thông. Mặt khác, cống, rãnh thoát nước mặc dù đã được xây dựng nhưng còn nhỏ, chưa có nắp đậy lại phải gồng mình tải một lượng nước thải lớn thải ra hàng ngày.

Việc phát triển chăn nuôi và phát triển các loại hình sản xuất làng nghề đã đem lại thu nhập khá cho người dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, đặc biệt là những lao động nông nghiệp sau khi nhường đất cho phát triển công nghiệp. Nhưng do phát triển manh mún, cơ sở sản xuất lạc hậu, tận dụng nên hiện nay tại nhiều xóm, thôn của xã đã bị ô nhiễm nước thải nghiêm trọng. Để vừa phát triển chăn nuôi quy mô lớn, vừa giảm thiểu tới mức thấp nhất ảnh hưởng của chất thải chăn nuôi đối với khu vực dân cư, dự án đưa chăn nuôi tập trung ra ngoài khu dân cư đã được đề cập đến. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng cơ sở chăn nuôi tập trung được đưa ra ngoài khu dân cư còn rất hạn chế và những ảnh hưởng do ô nhiễm chất thải chăn nuôi vẫn đang diễn ra.

Thêm nữa, khi do nhu cầu phát triển kinh tế, người dân đang mở rộng quy mô chuồng trại nhưng vẫn áp dụng phương thức chăn nuôi theo kiểu “chuồng lợn cạnh nhà, chuồng gà cạnh bếp”, phân và nước thải gia súc chưa qua xử lý thải ra các kênh mương, ao hồ. Chất thải rắn có nguy cơ ô nhiễm do ít được xử lý triệt để như chất thải của trâu, bò, dê, lợn, cừu.

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cơ chế mở cửa của Nhà nước, các loại hình sản xuất thủ công truyền thống, hoặc được người dân mang từ nơi khác về ngày càng phát triển. Nhờ vậy kinh tế nông thôn có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do phát triển tự phát lại chủ yếu có quy mô kinh tế hộ gia đình nên việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, công nghệ tiên tiến còn hạn chế. Các cơ sở này chủ yếu sản xuất bằng phương thức thủ công, nhỏ lẻ, lượng chất thải thải ra trên một đơn vị sản phẩm nhiều, trong khi việc thu gom tái sử dụng ít được thực hiện. Thêm vào đó là hầu hết các cơ sở sản xuất này đều nằm trong khu dân cư với diện tích chỉ khoảng vài trăm m2, lại được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: xưởng sản xuất, kho chứa hàng, nơi ăn ở của gia đình... nên không gian được tận dụng tối đa.

Ở nhiều vùng nông thôn, người ta tận dụng tất cả các phần diện tích của gia đình, của thôn xóm đến cả rìa đường ô tô, đường sắt. Rác thải được đem từ khắp mọi nơi về đây với thành phần, thể loại khác nhau, sau khi được phân loại chỉ một phần nhỏ trong số chúng được tái chế. Phần không thể tái chế “đương nhiên” biến thành rác thải của khu dân cư. Lượng rác thải này ngày càng tăng nhanh trong khi việc thu gom, xử lý lại không được thực hiện. Diện tích dành cho sinh hoạt hàng ngày còn bị hạn chế nhường chỗ cho nơi sản xuất, kho chứa thì lấy đâu ra chỗ để xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải. Không được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải trong khi các loại hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp lại đa dạng, thành phần chất thải phức tạp nên khi thải trực tiếp ra môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao. Thực tế đáng buồn là ở nơi nào phát triển mạnh các loại hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát sinh nhiều chất thải như: tái chế phế liệu, sản xuất lương thực thực phẩm... thì nơi đó bị ô nhiễm do chất thải không được xử lý một cách triệt để, khoa học.

Bên cạnh ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, một số vùng nông thôn còn hàng ngày phải tiếp nhận các loại chất thải do sản xuất công nghiệp của các khu, cụm, nhà máy công nghiệp xung quanh, một số nơi cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngay trong khu dân cư, toàn bộ nước thải của doanh nghiệp, trong đó có không ít nước thải có nồng độ chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép bị doanh nghiệp thải ra nơi tiếp nhận chính là nguồn cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của khu dân cư.

Hàng ngày người dân nông thôn phải đối mặt với nhiều loại chất thải khác nhau nhưng việc đầu tư xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại dường như bị bỏ ngỏ. Hoạt động thu gom, xử lý chất thải chủ yếu được thực hiện thông qua việc xã hội hoá còn ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực này rất nhỏ. Ô nhiễm môi trường nông thôn một phần do chất thải thải ra nhưng một phần do cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn yếu kém, còn nhiều đường làng, ngõ xóm chưa được lát gạch, trải bê tông, độ rộng của đường lại hạn chế cũng khiến cho công tác thu gom, xử lý chất thải gặp khó khăn. Để hoàn thành mục tiêu về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như cung cấp cho người dân điều kiện sống tốt hơn, trong đó có vấn đề vệ sinh môi trường đòi hỏi có cơ chế chính sách, sự tham gia hướng dẫn hỗ trợ của, các cấp, ngành, địa phương và ý thức của tất cả người dân. Nhiệm vụ quan trọng chính là việc quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn để chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên, tình trạng sống chung với ô nhiễm ngày một giảm.

2. Rác thải ở nông thôn

Nếu như ở khu vực đô thị, môi trường sống chịu ô nhiễm với tình trạng tồn ứ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, ô nhiễm không khí do khói, bụi thì ở vùng nông thôn, ngày nay cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường bởi tổ hợp các tác nhân như chất thải của các nhà máy, rác thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp…

Rác ở trong nhà, ven đường, ngõ xóm đến kênh mương, ao hồ... Không chỉ ở những con kênh, người dân nhiều vùng nông thôn còn “tự quy hoạch” bãi rác bên lề đường, ngõ xóm. Trong khi, dịch vụ vệ sinh môi trường các các vùng nông thôn chưa phát triển. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người và cũng ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn.

Còn phải kể đến một khối lượng lớn bao bì chứa chất gây hại đến sức khoẻ con người vứt tràn lan ở bờ ruộng, bờ mương, sông ngòi sẽ ngấm dần vào nguồn nước ngầm…

Rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thải ra môi trường ở rất nhiều vùng nông thôn được gom chung với rác sinh hoạt. Ngoài tác động trực tiếp của quá trình canh tác, môi trường nông nghiệp còn chịu tác động của các hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã chuyển đổi để xây dựng nhà máy, xí nghiệp, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Nhưng do thiếu quy hoạch nên thường nằm xen kẽ với diện tích canh tác nông nghiệp. Chất thải trong quá trình sản xuất, trong đó có không ít chất thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường với hàm lượng các chất độc hại cao, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Một số chất còn ngấm vào thực vật và tồn tại dưới dạng hoá chất có thể gây hại đối với con người.

Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra nhận định, Việt Nam có thể chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP mỗi năm. Và ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, chất thải rắn... có xu hướng sẽ gia tăng, kéo theo hệ quả là tác động tới đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội ngày càng trầm trọng. Đây cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt xung đột về môi trường, điển hình là xung đột lợi ích giữa các nhóm cộng đồng trong khai thác sử dụng tài nguyên, giữa những nhóm gây ô nhiễm và cộng đồng bị ô nhiễm.

Bảo đảm vệ sinh môi trường trong nông thôn còn yếu, chưa kiểm soát được vấn đề ô nhiễm trong nông thôn. Tình hình xả chất thải trong sinh hoạt nông thôn và sản xuất nông nghiệp còn bừa bãi, hiện chưa có hệ thống thu gom chất thải để xử lý. Cả nước còn gần 30% dân số nông thôn chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh. Số lượng làng ung thư bị phát hiện ngày càng lớn gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Khu vực nông thôn có từ 30 - 40% số xã có tổ thu gom rác thải nhưng chủ yếu là các tổ thu gom tự quản, một số ít địa phương thành lập HTX dịch vụ nhưng hiệu quả còn hạn chế. Ước tính hiện nay, chỉ có khoảng 40-70% chất thải rắn được xử lý. Số còn lại thải thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch... Phương pháp xử lý chất thải rắn còn đơn giản. Chủ yếu tận dụng làm thức ăn cho cá, ủ phân hoai mục để bón cho lúa, hoa màu hoặc để nuôi giun... Chất thải rắn có nguy cơ ô nhiễm cao do thành phần và liều lượng chất gây ô nhiễm cao hơn rơi vào khu vực chăn nuôi lợn, bò sữa, gia cầm. Chất thải lỏng trong chăn nuôi cũng đang trong tình trạng bị bỏ ngỏ.

Thông qua các dự án về khí sinh học, một phần chất thải rắn và lỏng được xử lý bằng công nghệ biogas. Tuy vậy, số gia đình có hầm biogas chưa nhiều. Chất thải làng nghề đang là vấn đề bất cập, đa số các gia đình tự xử lý.

Xét trên những tiêu chí phát triển bền vững, môi trường của khu vực nông thôn đang đứng trước những thách thức lớn, nhiều vấn đề nóng về môi trường vẫn chưa được giải quyết.

3. Ô nhiễm môi trường ở các khu kinh tế, làng nghề

Vấn đề ô nhiễm làng nghề và nông thôn đang ngày càng trở nên nổi cộm, hiện đã có nhiều dự án hỗ trợ chuyển giao của các tổ chức trong và ngoài nước cho việc xử lý ô nhiễm làng nghề, bảo đảm vệ sinh môi trường vùng nông thôn nhưng thực tế ô nhiễm vẫn ngày càng trở nên nghiêm trọng với diện ngày càng rộng. Đa số các làng nghề bị ô nhiễm bởi chất thải sản xuất, bụi, khí độc, cặn bã, nước thải xả ra trong quá trình sản xuất được thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm cục bộ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Hiện cả nước có 3.597 làng nghề, trong đó có 1.316 làng nghề được công nhận và 2.281 làng có nghề, tạo việc cho hơn 11 triệu lao động; thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn. Ô nhiễm môi trường làng nghề làm gia tăng người mắc bệnh đang lao động và sinh sống tại chính làng nghề. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Số lượng các làng nghề và nghề trong làng ở nhiều địa phương có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đang đặt ra đối với không ít làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen khu sinh hoạt nên khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết có hiệu quả. Các ô nhiễm chủ yếu ở làng nghề là ô nhiễm chất hữu cơ, ô nhiễm chất vô cơ.

Vấn đề ô nhiễm ở nhiều làng nghề tồn tại từ lâu, nhưng chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả, dẫn đến việc ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, của cộng đồng dân cư. Tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhiều bệnh tật gia tăng như: Bệnh phụ khoa (13-38%), bệnh về đường tiêu hóa (8-30%), bệnh viêm da (4,5-23%), bệnh đường hô hấp (6-18%), bệnh đau mắt (9-15%)…

Ở nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Ở một số làng nghề có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5-10 năm so với làng không làm nghề.

Đánh giá tác động từ ô nhiễm môi trường của các khu kinh tế (KKT) lên sức khỏe con người, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: Theo Báo cáo của Chính phủ, các địa phương chưa thống kê được số người mắc bệnh, loại bệnh cũng như chưa có đánh giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra từ hoạt động của các KKT. Tuy nhiên, dự báo các tác động từ ô nhiễm môi trường có thể xảy ra trong tương lai như: Tác động từ hoạt động của các KKT lên môi trường không khí. KKT có hoạt động sản xuất công nghiệp với tần suất cao. Các nhà máy, phân xưởng sản xuất hóa chất, sơn, xi măng, nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, dầu FO, DO là nơi phát sinh các chất ô nhiễm như: Bụi, SO2, CO, NO2, các loại hơi khí độc và hóa chất khác nhau có khả năng thâm nhập sâu vào đường hô hấp, gây ra các bệnh về phổi, mắt, bệnh ngoài da, tim mạch.

Nước thải của các doanh nghiệp trong KKT có chứa các chất hữu cơ khó phân hủy, kim loại nặng, hóa chất độc hại và nhiều chủng vi sinh vật khiến cho môi trường nước mặt bị ô nhiễm và theo thời gian, nước ngầm cũng bị ô nhiễm. Nếu nước mặt và nước ngầm bị ô nhiễm nặng, sẽ gây ra tác động mạnh, có mức độ lan tỏa rất nhanh, phát sinh nhiều bệnh tật đối với con người và vật nuôi. Ô nhiễm nước sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của công nhân, nhân dân sinh sống trong KKT, gây ra các bệnh: Tiêu chảy, tả, viêm da, đau mắt, đường ruột, ung thư...

Sản xuất nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm” nên không có cơ chế tập trung trong bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển làng nghề tràn lan, thiếu khoa học, tiêu chí cụ thể như hiện nay đã khiến môi trường làng nghề bị ô nhiễm nặng.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng “tàn phá không thương tiếc” môi trường KKT và làng nghề hiện nay là chưa có hệ thống văn bản pháp luật và chế tài đủ mạnh để xử lý và buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, do chưa xác định rõ trách nhiệm của Bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý môi trường KKT, làng nghề, dẫn đến tình trạng ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm khi có sự cố môi trường xảy ra. Vì thế, trong thực tế nhiều doanh nghiệp vi phạm qui định về bảo vệ môi trường nhưng việc kiểm tra, xử lý không “đến nơi đến chốn” nên tình hình ngày xấu đi. Không hiếm địa phương vì muốn thu hút đầu tư nên đã “buông lỏng” yêu cầu về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án mới. Nên các chủ đầu tư chỉ làm “cho hoàn thiện hồ sơ” khiến môi trường chịu hậu quả nặng nề.

4. Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Nếu như chúng ta quan niệm nước sạch chỉ đơn giản là nước mưa, nước giếng khoan qua xử lý bằng bể lọc đơn giản chứ không phải nước sạch như đã được xử lý ở các thành phố lớn thì tỷ lệ người dân nông thôn, nhất là khu vực miền núi còn rất thấp. Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua bảng số liệu sau:

Bảng tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sạch ở các vùng:

TT

Vùng

Tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sạch (%)

1

Vùng núi phía Bắc

15

2

Trung du Bắc Bộ & Tây Nguyên

18

3

Bắc Trung Bộ & Duyên hải miền Trung

35-36

4

Đông Nam Bộ

21

5

Đồng bằng Sông Hồng

33

6

Đồng bằng Sông Cửu Long

39

Qua bảng trên, chúng ta có thể thấy rõ, những người dân ở nông thôn Việt Nam đang phải sinh hoạt với những nguồn nước như thế nào. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tỷ lệ cao nhất cũng chỉ 39% dân số được sử dụng nguồn nước (tạm coi là) sạch. Còn vùng thấp nhất là vùng núi phía Bắc, chỉ có 15% dân số được cấp nước sạch.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tác động trực tiếp đến sức khoẻ, là nguyên nhân gây các bệnh như tiêu chảy, tả, thương hàn, giun sán... Các bệnh này gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, kém phát triển gây tử vong nhất là ở trẻ em. Có đến 88% trường hợp bệnh tiêu chảy là do thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường kém .

5. Thực trạng nền nông nghiệp xanh ở Việt Nam

5. 1. Tài nguyên thiên nhiên suy thoái

Việc phát triển theo hướng kinh tế xanh trong nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế và đứng trước không ít những trở ngại. Nền nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác các lợi thế về tài nguyên và lực lượng lao động tập trung cao ở khu vực này, trong khi các nguồn tài nguyên có hạn và đang có xu hướng suy thoái. Tình trạng thoái hóa đất, suy thoái/ô nhiễm tài nguyên nước; suy thoái các hệ sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học… đang diễn ra ở nhiều nơi. Đa số các nông hộ, trang trại chưa được tuyên truyền, phổ biến những kiến thức và hiểu biết về phát triển kinh tế xanh và những lợi ích to lớn của nó. Việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật đã gây tồn dư nhiều hóa chất độc hại trong môi trường đất và nước. Điều này sẽ tác động đến các hệ sinh thái nông nghiệp và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng. Từ đó sẽ gây nên hậu quả khôn lường cho sức khỏe con người. Do vậy, việc tập huấn kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức về phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật cho nông dân là một yêu cầu cấp bách.

Mặc dù mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, song Việt Nam đã và đang phải đối đầu với các vấn đề môi trường nghiêm trọng - nhiều nghiên cứu gần đây đều chung nhận định trên. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tổn thất do ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã lên tới 5,5% GDP hằng năm.

Năm 2010, Việt Nam chỉ còn khoảng hơn nửa triệu hécta rừng nguyên sinh phân bố rất rải rác với khả năng phục hồi thấp. Theo ước tính của Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), cuối năm 2010, diện tích rừng toàn quốc đạt khoảng 13.390.000ha với độ che phủ ước đạt 39,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng.

Quá trình phát triển kinh tế thực sự đang đe dọa sự tồn tại và phát triển của rừng. Những năm qua, diện tích rừng mất "một cách hợp lý" do khai thác chiếm 34% và diện tích đất rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng lên tới hơn 42%. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng chủ yếu nhằm phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị như cao su, cà phê và đặc biệt là phục vụ ngành thủy điện. Điều đáng lo ngại là tốc độ phát triển thủy điện ngày một gia tăng, số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ngày một nhiều. Nếu như năm 2006, cả nước mới có 12 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thì đến năm 2008, cả nước có thêm 24 nhà máy, số nhà máy được tăng thêm vào năm 2010 là 19.

Sự tăng nhanh về dân số và việc khai thác quá mức tài nguyên nước cũng như tài nguyên đất và rừng đã làm suy kiệt nguồn nước. Theo tính toán, lượng nước mặt bình quân đầu người hiện nay trong tổng nguồn nước các con sông của Việt Nam chỉ khoảng 3.840 m3/người/năm. Nếu căn cứ theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước thì Việt Nam đang thiếu nước trầm trọng. Với tốc độ phát triển dân số như hiện nay, theo dự tính, đến năm 2025, lượng nước mặt bình quân đầu người của các con sông Việt Nam chỉ còn khoảng 2.830 m3/người/năm.

Rừng thu hẹp, nước cạn kiệt, nên tốc độ suy giảm đa dạng sinh học đang gia tăng nhanh chóng dẫu Việt Nam từng được Trung tâm Giám sát bảo tồn thế giới đánh giá là một trong 16 quốc gia có mức đa dạng sinh học cao nhất thế giới. 70% dân số Việt Nam có sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên đa dạng sinh học và trên thực tế, hoạt động khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trái phép diễn ra ngày càng mạnh mẽ và không thể kiểm soát đối với tất cả loại rừng. Tại vùng ven biển, nông dân đua nhau phá rừng ngập mặn, quai đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản. Thống kê cho thấy, trong hai thập kỷ qua, có tới 200.000ha rừng ngập mặn bị chặt phá để nuôi tôm. Bởi thế, không lạ là gần nghìn loại động, thực vật hoang dã trong thiên nhiên của nước ta đang bị đe dọa và nhiều loài sinh vật quý hiếm khác đã, đang ngày một hiếm.

Tài nguyên đất ở các vùng nông thôn vẫn đang tiếp tục bị suy thoái trầm trọng, làm biến đổi các tính chất đất và không còn tính năng sản xuất. Các loại hình thoái hoá đất chủ đạo ở nước ta là: Xói mòn, rửa trôi, sạt và trượt lở đất; suy thoái vật lý (mất cấu trúc, đất bị chặt, bí, thấm nước kém); suy thoái hoá học (mặn hoá, chua hoá, phèn hoá); mất chất dinh dưỡng khoáng và chất hữu cơ; đất bị chua; xuất hiện nhiều độc tố hại cây trồng như Fe3+, Al3+ và Mn2+; hoang mạc hoá; ô nhiễm đất cục bộ do chất độc hóa học, khu công nghiệp và làng nghề; suy thoái và ô nhiễm đất ở khu khai thác mỏ.

5.2. Cơ cấu cây trồng chưa hợp lý

Cơ cấu cây trồng chưa hợp lý vì hiện nay việc thâm canh tăng vụ để tăng sản lượng đang diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, việc này cũng chịu nhiều rủi ro về sâu bệnh và làm suy giảm độ phì nhiêu của đất. Thế nên việc chọn lựa mô hình sản xuất nông nghiệp nào cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng vùng là điều quan trọng. Nhiều vùng chăn nuôi tập trung chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Do không có sự quy hoạch ban đầu, nhiều xí nghiệp chăn nuôi, lò mổ, xí nghiệp chế biến thực phẩm còn nằm lẫn trong khu dân cư, sản xuất chăn nuôi còn nhỏ, manh mún, phân bố rải rác trong khi sản xuất nông nghiệp có lợi nhuận thấp, giá cả bấp bênh, thị trường ít ổn định.

5.3. Ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu

Ở nước ta trong những năm gần đây, số lượng người mất nhà cửa và kinh tế lâm vào khó khăn sau mỗi trận bão, lũ lụt… là rất lớn. Điển hình là cơn bão số 4 năm 2008 đã làm 162 người chết, làm sập, hỏng 11.500 căn nhà, trường học, gây ngập úng 27.200 ha lúa và hoa màu, làm sạt trôi và bồi lấp 2,3 triệu khối đất đá trên các công trình giao thông, thủy lợi và các khu nuôi trồng thủy sản, làm chết 28.000 gia súc, gia cầm, thiệt hại lên tới 1.900 tỉ đồng. Hậu quả của thiên tai không chỉ dừng lại ở đó, ảnh hưởng của chúng còn tồn tại sau một thời gian dài, chất lượng sống con người ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu ăn, thiếu nhà ở, y tế và giáo dục không đảm bảo.

Mới đây, theo báo cáo của Uỷ ban liên quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH), số ca tử vong và bệnh tật thông qua hậu quả của các dạng thiên tai như sóng nhiệt/nóng, bão, lũ lụt, hạn hán…, nhiều bệnh, dịch gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và hoàn cảnh sống, nhất là các bệnh truyền qua vật trung gian, như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, các bệnh đường ruột và các bệnh khác… Những bệnh này, đặc biệt phát tán nhanh ở các vùng kém phát triển, đông dân cư và có tỉ lệ đói, nghèo cao thuộc các nước đang phát triển. Nước ta, trong thời gian qua cũng đã xuất hiện một số bệnh mới ở người và động vật (cúm gia cầm, bệnh lợn tai xanh…), nhiều bệnh có diễn biến phức tạp và bất thường hơn (sốt xuất huyết) và gây ra nhiều thiệt hại đáng kể.

Về giao thông vận tải, thông tin liên lạc bị gián đoạn, các cơ sở hạ tầng, mạng thông tin bị hư hại nghiêm trọng sau những trận thiên tai. Việc củng cố, khắc phục sau các sự cố do BĐKH gây ra hết sức khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và kinh phí.

BĐKH tác động đến hầu hết các ngành kinh tế, trong đó ngành nông - lâm nghiệp ảnh hưởng nhiều nhất.

Tần suất xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thiên tai như bão, lũ lụt, mưa lũ tăng tạo nguy cơ ngập lụt đối với các vùng đất thấp, điển hình như đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng nhiễm mặn, nhiễm phèn trên diện rộng làm thiệt hại đến mùa màng; hạn hán thường xảy ra vào mùa khô, nắng nóng, lượng bốc hơi lớn hơn lượng mưa nhiều lần đã làm cây trồng khô héo nhanh chóng, có thể dẫn tới làm chết cây trồng hàng loạt. Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy, trong mùa khô, độ ẩm của đất ở các vùng không có cây che phủ chỉ bằng 1/3 so với độ ẩm của đất ở những nơi có rừng che phủ, nhiệt độ trên bề mặt đất có thể tăng cao tới 50-60 oC vào buổi trưa hè. Những đặc điểm cơ lý của đất như độ tơi xốp, độ liên kết, độ thấm, hàm lượng các chất dinh dưỡng và hàm lượng vi sinh bị giảm đi đáng kể, đất trở nên khô, cứng, bị nén chặt, không thích hợp với trồng trọt. Hàng triệu héc ta đất trống, đồi trọc mất rừng lâu năm, đất mặn bị biến đổi cấu tạo và lý hoá tính, trở nên dễ bị xói lở, rửa trôi mạnh, tích tụ sắt nhôm gây nên hiện tượng kết vón và đá ong hoá, đất loại này hoàn toàn mất sức sản xuất nông, lâm nghiệp. Hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng theo các chiều hướng khác nhau, nước biển dâng làm giảm diện tích rừng ngập mặn, tác động xấu đến rừng tràm, rừng trồng trên đất nhiễm phèn ở các tỉnh Nam Bộ. Ranh giới rừng nguyên sinh cũng như rừng thứ sinh có thể dịch chuyển, nguy cơ diệt chủng của động vật và thực vật gia tăng, một số loài thực vật quan trọng như trầm hương, hoàng đà, pơ mu, gỗ đỏ, lát hoa, gụ mật… có thể bị suy kiệt. Nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh… Qũy đất canh tác nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng bị thu hẹp đáng kể vì phần lớn đất trồng lúa nằm ở vùng đất thấp tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất lương thực; mất nơi sinh sống thích hợp của một số loài thuỷ sinh nước ngọt, cùng với nguy cơ nguồn nước sông bị suy giảm về lưu lượng, dẫn đến việc giảm năng lực nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. BĐKH cũng gây nhiều tác động tiêu cực tới trữ lượng các bãi cá và nghề đánh bắt trên các vùng biển nước ta. Cường độ mưa lớn làm cho nồng độ muối giảm đi trong một thời gian ngắn dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là loài nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò…) bị chết hàng loạt do không chống chịu nổi với nồng độ muối thay đổi. Các loại cá nhiệt đới kém giá trị kinh tế tăng, ngược lại các loại cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm hoặc mất hẳn. Thay đổi nhiệt độ còn là dịch bệnh xảy ra cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, cùng với môi trường nước xấu đi, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài vi sinh vật gây hại.

5.4. Yếu tố vốn và kỹ thuật

Nông dân còn thiếu vốn để đầu tư sản xuất, trong khi nhu cầu về tăng lượng sản xuất nông nghiệp và nhu cầu mưu sinh tiếp tục thôi thúc họ mở rộng khai thác các tài nguyên và nguồn lợi tự nhiên cho phát triển sản xuất, bất chấp những hệ quả to lớn làm suy thoái tài nguyên, môi trường. Tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… vẫn là mối đe dọa thường xuyên và gây tổn thất không ít cho phát triển nông nghiệp nói chung cũng như phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững.

Trong các nguồn lực để phát triển kinh tế xanh thì vốn là nguồn lực quan trọng. Việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng "xanh" đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường, do đó cần có sự hỗ trợ nguồn vốn cho việc phát triển. Bên cạnh đó, phương thức, thủ tục cho vay, thu nợ cần phù hợp với đặc điểm của từng loại mô hình sản xuất. Về khoa học, công nghệ, các giải pháp nên tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Giải pháp về thị trường tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Về khoa học, công nghệ, chưa tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Giải pháp về thị trường tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa. Thực tế hiện nay, việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp rất nhiều khó khăn do chưa tạo dựng được thương hiệu, bị tư thương ép giá, chưa có một đầu mối thu mua sản phẩm… vì vậy, nếu được đảm bảo về mặt đầu ra thì người nông dân sẽ yên tâm để đầu tư sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao do những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu, vì vậy để giảm thiểu rủi ro cần có chính sách về bảo hiểm cho nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực mới đối với cả nông dân và các tổ chức bảo hiểm nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao nhận thức, ý thức về kinh tế xanh cho hộ nông dân, các chủ trang trại, các nhà sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp.

6. Khuyến nghị

6.1. Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang tồn tại, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Có điều vấn đề này vẫn ít được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quan tâm, hoặc có biện pháp tích cực để xử lý.

Để cải thiện tình hình vệ sinh môi trường nông thôn hiện nay, một trong những biện pháp quan trọng là vận động cộng đồng dân cư nông thôn có ý thức và thay đổi tập quán, thói quen xả rác tuỳ tiện. Khuyến cáo bà con nên tận dụng vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại tới môi trường như: Túi ni lông, các sản phẩm bao bì bằng nhựa, thuỷ tinh…

Xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi “sạch”, hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi. Quy hoạch chăn nuôi và đẩy mạnh quản lý nhà nước về môi trường trong chăn nuôi. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Ngoài ra cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân cách sử dụng và hiểu về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường và với chính những sản phẩm người nông dân làm ra. Giám sát chặt chẽ sử dụng các hoá chất dùng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tổ chức thu gom, xử lý, chôn lấp tập trung chất thải rắn, chất thải nguy hại để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường nói chung và nguồn nước xung quanh.

6.2. Giám sát sâu hơn nữa về vấn đề môi trường

Để tiến tới kiềm chế, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn đến năm 2015, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã triển khai 6 giải pháp như: Rà soát, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường; hướng dẫn các quy định về quan trắc môi trường, đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường nông nghiệp; kiểm soát ô nhiễm và cảnh báo dịch bệnh trong các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên biển; phục hồi, cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ... để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn

Tuy nhiên, trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng còn nhiều điều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) mà chúng ta chưa làm được: Môi trường vẫn từng ngày, từng giờ bị chính các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của chúng ta làm cho ô nhiễm nghiêm trọng hơn, sự phát triển bền vững vẫn đứng trước những thách thức lớn lao. Điều này đòi hỏi mọi người, mọi nhà, mọi địa phương trong cả nước phải thường xuyên cùng nhau nỗ lực giải quyết, thực hiện nghiêm chỉnh Luật BVMT. Có như vậy chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai với môi trường sống ngày càng trong lành hơn.

Cần tiếp tục giám sát sâu hơn nữa về vấn đề môi trường, trong đó có môi trường làng nghề, khu kinh tế, không thể “phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ quên môi trường sinh thái”, cần giám sát môi trường ở cả cụm công nghiệp, chứ không chỉ khu kinh tế và làng nghề vì thực tế, ảnh hưởng môi trường người dân phần nhiều là từ các khu và cụm công nghiệp, nhất là khi cụm công nghiệp không có điều kiện để giải quyết ô nhiễm môi trường.

Xử lý tình trạng nhỏ lẻ, đưa các làng nghề vào các cụm công nghiệp không để lẫn trong các khu dân cư, cũng như đảm bảo kiểm soát được vấn đề xử thải, ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ra.

Nên sửa luật môi trường, và tăng chi phí ngân sách cho xử lý môi trường từ 1% lên thành 2% và “phải công bố công khai doanh nghiệp vi phạm môi trường, người tiêu dùng phải tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp gây ô nhiễm, có như vậy mới tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, khiến họ phải quan tâm đầu tư thỏa đáng cho bảo vệ môi trường.

Tương tự, bảo vê môi trường khu kinh tế, làng nghề cần được điều chỉnh trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các VBQPPL về môi trường. Qui định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong bảo vệ môi trường, cơ quan nào thẩm định phê duyệt dự án thì phải chịu trách nhiệm đến cùng về vi phạm xảy ra.

6.3. Quy rõ trách nhiệm, xử lý triệt để

Hệ lụy của phát triển làng nghề một cách tự phát là nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Để từng bước khắc phục ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, gắn trách nhiệm giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hầu hết các làng nghề hiện nay đều gây ô nhiễm do rác thải và nước thải không qua xử lý xả ra môi trường. Đất đai bị xói mòn, thoái hóa, chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh. Đặc biệt, diện tích nước mặt, đất canh tác trong các làng nghề đã hoặc đang bị lấp dần bởi chất thải. Người lao động trong làng nghề làm việc trong điều kiện chật hẹp, mức ô nhiễm cao.

 Thống kê của Bộ Nông nghiệp &PTNT, cả nước hiện có hơn 2.900 làng nghề, đều đang chật vật với gánh nặng về ô nhiễm môi trường. Tình trạng này tồn tại từ rất lâu, trở thành mối đe dọa môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng dân cư và sự tồn tại, phát triển của chính các làng nghề, tuy nhiên chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả. Nguyên nhân ô nhiễm do công nghệ sản xuất ở các làng nghề lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các hộ không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để đầu tư cải tiến công nghệ và bảo vệ môi trường. ở góc độ quản lý, chưa có cơ quan chủ trì quản lý môi trường ở các làng nghề, hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý môi trường còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp với đặc điểm làng nghề.

 Việc khắc phục ô nhiễm là trách nhiệm của người gây ra ô nhiễm. Các cơ sở sản xuất làng nghề nhất thiết phải tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ môi trường. Chính quyền cấp xã có trách nhiệm đôn đốc việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề. Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đầu tư, xây dựng, vận hành, duy tu và cải tạo các công trình thuộc kết cấu bảo vệ môi trường làng nghề địa phương mình trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện... Đồng thời, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm theo thẩm quyền... Cấp chính quyền huyện cần thực hiện việc quy hoạch, rà soát quy hoạch đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tổ chức di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư... UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm đánh giá mức độ ô nhiễm, xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí thực hiện khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường...

Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề là một quá trình lâu dài, với lộ trình hợp lý và cụ thể. Do đó, các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất làng nghề phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ để lợi ích kinh tế song hành lợi ích bảo vệ môi trường.

Sửa đổi lần cuối Thứ ba, 19 Tháng 8 2014 07:16

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành