Thứ ba, 28 Tháng 1 2014 00:00

Xu hướng tăng trưởng kinh tế xanh tại Việt Nam

          I. Phát triển kinh tế xanh – kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam

          1. Một số mô hình phát triển kinh tế xanh

Trong thời gian qua, các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với một tình hình chung, đó là các thách thức do hậu quả của các cuộc khủng hoảng về kinh tế xảy ra liên tiếp. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, dân số thế giới tăng cao kéo theo nhu cầu về nước, đất, nơi cư trú, năng lượng... cũng tăng nhanh chưa từng có.

Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế chưa chú ý đến môi trường, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, giá trị vốn tự nhiên chưa được định giá đúng và đủ, lãng phí tài nguyên trong sản xuất và tiêu dùng đang là những thách thức lớn đối với các quốc gia. Những thách thức này mang một ý nghĩa quan trọng, đặt ra nhu cầu tìm kiếm những công cụ mới và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện có để giải quyết hiệu quả các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, đồng thời có thể biến những thách thức thành cơ hội để phát triển và là động lực tăng trưởng mới trên con đường phát triển bền vững.

Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan... đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh.

Đến nay, thực tiễn phát triển kinh tế xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Điển hình như Hoa Kỳ đã dành 95 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế hơn 700 tỷ USD để phát triển các ngành năng lượng tái tạo và sản xuất tiết kiệm năng lượng với mục tiêu đến năm 2025, các loại năng lượng tái tạo sẽ chiếm 25% lượng phát điện; các nước EU đầu tư 105 tỷ Euro vào kinh tế xanh với mục tiêu giảm 20% lượng khí thải nhà kính, tăng năng lượng tái tạo lên 20% tổng tiêu thụ năng lượng của cả khối vào năm 2020; Đức đang có nhiều nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% “năng lượng xanh” vào năm 2050.

Một trong những quốc gia đang nỗ lực để trở thành nền kinh tế “năng lượng xanh” là Đức. Nước này đang có nhiều nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% “năng lượng xanh” vào năm 2050. Hiện nền công nghiệp năng lượng tái sinh trị giá 240 tỉ USD tại Đức sử dụng đến 1/4 triệu người và đến năm 2020, khu vực kinh tế mới mẻ này sẽ cung cấp việc làm nhiều hơn công nghiệp xe hơi.

Bị nhận định là khởi động “cuộc cách mạng xanh” hơi muộn, nhưng chiến lược “tăng trưởng xanh” của Hàn Quốc được cho là rất ấn tượng. Với 38 tỷ USD dành cho chiến dịch giảm thiểu CO2 và xanh hóa 9 ngành công nghiệp chủ lực. Hơn nữa còn tạo gần 1 triệu việc làm mới, kích thích khôi phục kinh tế mà không làm tổn hại môi trường. Theo họ, hiệu quả sử dụng năng lượng và tính thân thiện với môi trường đang trở thành yếu tố then chốt để tăng cường ưu thế cạnh tranh.

Mexico hoàn toàn có thể đi đầu trong nền kinh tế xanh. Năm 2007, Mexico xuất khẩu lượng sản phẩm pin mặt trời trị giá 2,3 tỉ USD. Chương trình procalsol (sưởi bằng năng lượng mặt trời) được triển khai khắp Mexico, đến cuối năm 2011 mang lại 100.000 việc làm mới.

Tại các nước trong khu vực, ví dụ như Lào cũng đang trong quá trình xây dựng một lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Campuchia cũng đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết sau khi ban hành lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Để tăng trưởng xanh, Trung Quốc cũng tiến hành những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao... Chỉ riêng trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo, mỗi năm, Trung Quốc đã kiếm được 17 tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 10 triệu người.

Các quốc gia ở trong khu vực ASEAN cũng đã đưa kinh tế xanh vào các kế hoạch và chương trình phát triển quốc gia trung và dài hạn. Philippines đã ban hành Chương trình phát triển xanh, tranh thủ hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á để phát triển các dự án tái chế và phát thải các-bon thấp; Malaysia đã đưa ra chính sách phát triển công nghệ xanh với 4 trụ cột chính là năng lượng, môi trường, kinh tế và xã hội.

Tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), APEC xác định cần phải giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế của khu vực bằng cách hướng đến nền kinh tế xanh, cacbon thấp, nâng cao an ninh năng lượng và tạo nguồn mới cho tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Trong năm 2012, APEC sẽ phát triển danh mục hàng hóa môi trường (hàng hóa xanh) và giảm thuế quan đối các mặt hàng này vào cuối năm 2015. APEC sẽ xóa bỏ rào cản phi thuế quan bao gồm các yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa đối với các dịch vụ và hàng hóa môi trường.

Để thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng xanh, APEC sẽ thực hiện các biện pháp như giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng của APEC vào năm 2035 so với năm 2005, kết hợp các chiến lược phát triển về thải carbon thấp vào các kế hoạch tăng trưởng kinh tế thông qua dự án Thành phố mẫu cacbon thấp...

2. Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, đó là cách tiếp theo từng khu vực của nền kinh tế, hoặc là cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề: sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”. Tiềm năng này thực tế bắt nguồn từ một sân chơi đang thay đổi đó là thế giới hiện nay với những rủi ro chúng ta đang đối mặt đã tạo ra những thay đổi cơ bản đòi hỏi chúng ta cần phải nhìn nhận toàn diện lại cách thức, mô hình phát triển kinh tế truyền thống, đồng thời cũng đòi hỏi một tư duy hoàn toàn mới về cách tiếp cận với nền kinh tế của chúng ta.

Trong xu hướng phát triển chung của thế giới, chúng ta đã xác định được vấn đề tăng trưởng xanh.

3. Khuyến nghị và giải pháp tạo ra nền kinh tế xanh

Ủy ban cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã đưa ra một báo cáo mang tên “Một tương lai xứng đáng để lựa chọn” (Resilient People, Resilient Planet: A Future worth Choosing) nhằm kêu gọi chính phủ các nước chú ý đầy đủ hơn tới vấn đề phát triển bền vững trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trái đất Rio+20. Trong đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm tái thiết nền kinh tế toàn cầu kết hợp với bảo vệ môi trường.

Trong báo cáo, ủy ban soạn thảo báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp nhằm tạo ra một nền kinh tế xanh như đưa phí môi trường vào giá thành sản phẩm để khi người dân mua sản phẩm thì họ cũng trả phí môi trường, giảm dần các trợ cấp phản tác dụng (đặc biệt là các trợ cấp cho nguyên liệu hóa thạch), yêu cầu các tổ chức kinh doanh hợp tác và nộp báo cáo hàng năm về việc thực hành bảo vệ môi trường cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế đồng thời thiết lập một chỉ số phát triển bền vững ngoài GDP để đo lường sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Nội dung quan trọng thứ hai của báo cáo liên quan đến việc tăng cường các thể chế quản lý. Báo cáo khuyến nghị các chính phủ cần thành lập các mục tiêu phát triển bền vững để bổ sung và tiếp nối Mục tiêu thiên niên kỷ 2015, thành lập Hội đồng Liên hợp quốc về phát triển bền vững mới, tạo ra một cơ chế bình đẳng để các khu vực có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đánh giá đây là một báo cáo thực sự cần thiết, là căn cứ cho các cam kết tại hội nghị thượng đỉnh Rio+20 diễn ra vào tháng 6/2012, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện các khuyến nghị của báo cáo, tạo điều kiện cho cuộc “Cách mạng xanh của thế kỷ 21”.

4. Nông nghiệp thân thiện hơn với môi trường

Trước các nguy cơ đang tăng lên về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, thế giới cần phát triển nông nghiệp có năng suất cao hơn, bền vững hơn và thân thiện với khí hậu hơn. Cần tận dụng các cơ hội để đưa nông nghiệp vào quá trình chuyển tiếp tiến tới tăng trưởng có mức độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp và có khả năng cao thích nghi với các điều kiện của biến đổi khí hậu, giảm khí thải và thích nghi với biến đổi khí hậu khí thải trong một nền nông nghiệp mới, đặc biệt là nông nghiệp ở các nước đang phát triển.

Cơ quan Nông Lương LHQ (FAO) đã công bố báo cáo trong đó kêu gọi ngành nông nghiệp ở các nước đang phát triển phải "thích ứng với thời tiết" ('climate-smart') hơn để có thể đối phó với thách thức kép là biến đổi khí hậu và dân số tăng. Theo FAO, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sự ổn định và thu nhập của lĩnh vực nông nghiệp ở nhiều khu vực vốn đã thiếu an ninh lương thực trầm trọng trên thế giới. Tuy nhiên, sản lượng nông nghiệp vẫn phải tăng 70% trong vòng bốn thập kỷ tới để có thể đáp ứng được nhu cầu của dân số thế giới đang tăng lên. Do đó, FAO nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ phù hợp và khuyến khích việc thực hiện các hoạt động nông nghiệp thích ứng với thời tiết.

FAO cũng cho rằng, cần phải có các hệ thống cảnh báo và bảo hiểm tốt hơn để hỗ trợ các cộng đồng nông nghiệp dễ chịu ảnh hưởng bởi các thảm họa liên quan đến thời tiết. Lĩnh vực nông nghiệp cũng phải tự giảm thiểu những tác động đến môi trường của mình như giảm việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính, mà không ảnh hưởng đến an ninh lương thực và phát triển nông thôn.

5. Nền nông nghiệp thông minh với khí hậu

Nông nghiệp và cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nông nghiệp có nguy cơ tổn thương rất lớn trước các tác động của biến đổi khí hậu, trong khi nông nghiệp cũng thải ra lượng khí thải lớn gây hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp thông minh với khí hậu là đường lối tìm kiếm giải pháp giúp nông nghiệp đối phó hiệu quả với các thách thức của biến đổi khí hậu. Nông nghiệp thông minh với khí hậu cần đáp ứng các điều kiện khác nhau ở mỗi nền nông nghiệp trên cơ sở địa lý, thời tiết và nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Biến đổi khí hậu có thể nhận thấy ở mọi nơi trên thế giới nên hành động sớm để giải quyết vấn đề này trở nên cấp thiết. hòa nhập biến đổi khí hậu đặc thù ở mỗi nước vào chiến lược nông nghiệp của nước này để thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu, phát triển các cơ chế đổi mới để gắn nguồn tài chính tài trợ khí hậu với đầu tư nông nghiệp thông minh với khí hậu, nhận dạng các cơ hội đặc thù của mỗi nước để mở rộng các thực tế thông minh với khí hậu, đồng thời xây dựng năng lực lập kế hoạch và thực hiện các dự án thông minh với khí hậu, có khả năng thu hút đầu tư quốc tế.

Ở Việt Nam,góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và bảo vệ môi trường cần được khuyến khích phát triển và nhân rộng như làng kinh tế sinh thái ở Lào Cai, canh tác cà phê bền vững ở Gia Lai, trồng su su ở Sa Pa, chăn nuôi lợn thịt, nuôi trồng thủy sản ở Hải Dương…

Mô hình làng sinh thái được Viện Kinh tế sinh thái nghiên cứu và thử nghiệm xây dựng từ năm 1993. Đến nay, nhiều cơ quan, tổ chức, ban ngành đã xây dựng thành công nghiều dự án Làng sinh thái lựa chọn tại 3 loại vùng sinh thái đặc thù, kém bền vững, từ vùng đồng bằng ngập úng nước, vùng cát hoang hóa ven biển cho đến những vùng đất trống đồi trọc.

Mô hình canh tác cà phê bền vững ở Gia Lai là một dạng của hệ thống nông lâm kết hợp, được áp dụng nhiều ở vùng Tây Nguyên. Người trồng cà phê thường trồng xen cây cà phê với sầu riêng, tiêu, điều hoặc muồng đen, hoặc trồng thêm cây lạc dại để che phủ đất, bảo vệ tầng đất mặt, giúp chống xói mòn và rửa trôi ở vùng đất dốc. Cà phê là cây ưa bóng nên trồng xen cây sầu riêng trong vườn không chỉ cho thu nhập thêm từ thu hoạch sầu riêng mà còn có tác dụng che bóng và chăn gió, giữ ẩm cho cây cà phê, giúp cà phê sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

Nhiều hộ dân ở xã Cộng Hòa (Hải Dương) đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn thịt, mỗi năm thu lợi 70 triệu đồng sau chi phí. Bên cạnh đó, người dân còn tận dụng nguồn phân lợn và xử lý chất thải, tránh ô nhiễm môi trường, các hộ gia đình còn đầu tư xây dựng hầm biogas với mục đích làm chất đốt. Sau một thời gian, người dân lấy phần chất thải còn lại trong hầm biogas trộn với vôi và lân, trát bùn lên phía trên, để từ 1 đến 2 tháng bón cho cây trồng. Như vậy, mô hình này vừa mang lại lợi ích kinh tế, giảm chi phí đầu tư cho phân bón cây trồng, tạo việc làm cho lao động địa phương, không lảm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cũng như môi trường xung quanh.

II. Phát triển nền kinh tế xanh trong nông nghiệp Việt Nam

1. Cơ hội và thách thức phát triển nền kinh tế xanh trong nông nghiệp Việt Nam

Thực tế cho thấy tăng trưởng xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững. Trong xu hướng đó, Việt Nam cũng đang xây dựng một chiến lược về phát triển xanh.

Trải qua những năm đổi mới và mở cửa phát triển kinh tế, Việt Nam đã và đang phải trả giá cho suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Nằm trong xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới với sự điều chỉnh về mô hình phát triển và thay đổi cơ cấu ngành nghề, Việt nam đã trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO), do vậy phát triển kinh tế của Việt Nam phải tuân theo những nguyên tắc chung của những cam kết với WTO trong xu thế phát triển Hội nhập toàn cầu. Hơn nữa Việt Nam được xếp vào danh sách một trong năm nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, do vậy hướng tới nền kinh tế xanh là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên sự lựa chọn này cần phải nhìn nhận rõ những cơ hội và thách thức để định hướng cho phát triển.

* Cơ hội: Hiện nay sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng thế giới là Biến đổi khí hậu. Nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, các quốc gia đang có nhiều nỗ lực, trong đó phát triển kinh tế cac bon thấp, tăng trưởng xanh đang là những xu hướng mới trong lộ trình tiến tới Nền kinh tế xanh. Việt Nam sẽ đón nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới trong nỗ lực chung giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở hướng tới Nền kinh tế xanh.

Việt Nam đang có những thay đổi cơ bản, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện, hướng tới một sự phát triển vì con người, những yếu tố đó được thực hiện trong một môi trường chính trị ổn định là cơ hội tốt cho triển khai thực hiện Nền kinh tế xanh.

Tiếp tục triển khai, thực hiện chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2015. Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng đã khẳng định: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Như vậy Việt Nam sẽ đẩy mạnh “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng” trong thời gian sắp tới. Đây là cơ hội để Việt Nam hướng tới Nền kinh tế xanh và Tăng trưởng xanh.

Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua tạo ra nội lực bên trong cho một xu thế phát triển mới. Những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên trong thời gian phát triển vừa qua đối với đất nước. Hướng tới một nền kinh tế xanh sẽ được sự đồng thuận cao của xã hội.

Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa Đông Nam Á, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là cơ hội cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới Nền kinh tế xanh.

*Thách thức: Bên cạnh những cơ hội như đã nêu ở trên, để phát triển Nền kinh tế xanh, Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức đòi hỏi phải vượt qua như sau:

Trước hết, về nhận thức, hiểu thế nào là một nền kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện.

Thứ hai, về cách thức tiến hành, mô hình Nền kinh tế xanh có sự thay đổi so với nền kinh tế truyền thống, cần xác định được việc cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, cac bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường… Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu Xây dựng nền kinh xanh, mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới Nền kinh tế xanh.

Thứ năm, cơ chế chính sách hướng tới thực hiện Nền kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay gần như chưa có, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ.

2. Hình thành môi trường pháp lý để phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp

Kinh tế xanh được coi là mô hình mới giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu là biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, an ninh năng lượng. Điều  này đã được Chính phủ Việt Nam thể hiện trong nỗ lực thực hiện mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, cải thiện tác động của biến đổi khí hậu, gắn tăng trưởng với công bằng xã hội, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường.

Tăng trưởng xanh là giải pháp để thế giới vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được mọi quốc gia mong đợi.

Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng các nước thành viên Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu cùng hành động để xanh hóa ASEM làm hạt nhân cho quá trình xanh hóa nền kinh tế toàn cầu.

Nông nghiệp chỉ là một phần của xã hội. Muốn có sự bền vững trong nông nghiệp, thì xã hội, như là một tổng thể, cần phải sử dụng các nguồn tài nguyên của nó như không khí, nước, đất, năng lượng và tất cả những thứ khác theo cách bền vững hơn. Đối với nông nghiệp Việt Nam, phát triển kinh tế xanh cần được xem như là một trong những giải pháp quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Sự phát triển kinh tế xanh trong ngành nông nghiệp không những góp phần sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà còn làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, cần có nhiều giải pháp từ truyền thông, chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường...

Trong các nguồn lực để phát triển kinh tế xanh thì vốn là nguồn lực quan trọng. Việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng "xanh" đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường, do đó cần có sự hỗ trợ nguồn vốn cho việc phát triển. Bên cạnh đó, phương thức, thủ tục cho vay, thu nợ cần phù hợp với đặc điểm của từng loại mô hình sản xuất. Về khoa học, công nghệ, các giải pháp nên tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Giải pháp về thị trường tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao do những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu, vì vậy để giảm thiểu rủi ro cần có chính sách về bảo hiểm cho nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực mới đối với cả nông dân và các tổ chức bảo hiểm nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao nhận thức, ý thức về kinh tế xanh cho hộ nông dân, các chủ trang trại, các nhà sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp.

3. Đầu tư nhiều cho doanh nghiệp nông nghiệp xanh

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, phát triển bền vững bằng những công nghệ thân thiện với môi trường; giảm tối đa phế thải độc hại và tăng cường khả năng tái chế; đầu tư công nghệ mới, sử dụng năng lượng hợp lý… là những giải pháp quan trọng cần được hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ, để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Trên thực tế, nước ta đã có chính sách đầu tư, khuyến khích áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường. Ở Việt Nam đã có một số chính sách đầu tư và hỗ trợ tài chính đối với công nghệ xanh trong hệ thống pháp luật bao gồm Luật Doanh nghiệp; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…

Việc đưa công nghệ xanh vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được năng lượng, nguồn nguyên liệu và góp phần bảo vệ môi trường, đây chính là tiêu chí để doanh nghiệp phát triển bền vững và là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.

Mặc dù lĩnh vực công nghệ xanh chưa được cụ thể hóa thành văn bản luật nhưng các chính sách ưu đãi hiện hành đã và đang dành những điều khoản chính sách ưu đãi lớn đối với các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư “công nghệ xanh” thuộc lĩnh vực công nghệ cao theo quy định của pháp luật thì được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10% trong 15 năm; miễn thuế tối đa trong 4 năm và giảm thuế tối đa trong 9 năm tiếp theo.

4. Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo hướng nền kinh tế xanh

Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển Nền kinh tế xanh là hướng tiếp cận mới, xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.

Với xu hướng Hội nhập và chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trong thời gian vừa qua, nhất là từ năm 1945 đến nay, mặc dù kinh tế thế giới đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng các mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn này theo kiểu nền kinh tế “nâu” - đó là một nền kinh tế khai thác và sử dụng quá nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước và đại dương, suy thoái đất, mất rừng và suy giảm đa dạng sinh học. Người ta đang cho rằng với phương thức phát triển cũ đã phát thải quá nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4… là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu diễn ra với quy mô toàn cầu đe dọa cuộc sống con người và gây ra tổn thất cho hoạt động kinh tế. Nhằm thay đổi tình trạng này, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra một hướng tiếp cận mới cho phát triển kinh tế được nhiều quốc gia đồng tình hưởng ứng, đó là phát triển nền kinh tế xanh (Green Economy).

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, kể từ khi “Đổi mới” và mở cửa với kinh tế thế giới (1986), nhất là từ sau Đại hội VI, Đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển sang phương thức phát triển mới “Xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước”, kể từ đó đến nay đã đạt được nhiều thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, hiện nay Kinh tế Việt Nam đã đạt đến mức phát triển trung bình. Tuy nhiên trong quá trình phát triển đó, Việt Nam đã phải trả giá cho sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường là không nhỏ. Để khắc phục tình trạng này và rút ngắn khoảng cách trong phát triển có tính dài hạn nhằm phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại phúc lợi tốt nhất cho người dân, yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là tất yếu  nhằm “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng đảm bảo phúc lợi và bảo vệ Tài nguyên mô trường”, muốn vậy nên tiếp cận theo hướng nền Kinh tế xanh.

5. Định hướng thực hiện nền kinh tế xanh trong nông nghiệp

Để thực hiện nền kinh tế xanh ở Việt Nam, những định hướng cơ bản sau đây cần thực hiện.

Về cơ chế chính sách, trên cơ sở cương lĩnh định hướng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Cơ chế chính sách cần tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, công nghệ thân thiện môI trường; Sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; Không gây ô nhiễm môi trường; Phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

Về nhận thức, tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng thay đổi nhận thức trước đây của xã hội từ nền Kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh để tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thay đổi quan niệm và nhận thức về một Nền kinh tế xanh. Trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, đổi mới giáo trình, bài giảng theo hướng tiếp cận phát triển Nền kinh tế xanh. Nâng cấp nội dung Kinh tế môi trường và Kinh tế tài nguyên thiên nhiên truyền thống theo hướng giảng dạy kinh tế xanh .

Đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của Nền kinh tế xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, công nghệ giảm thiểu phát thảI khí nhà kính; hạn chế tối đa gây ô nhiễm môI trường; Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

Đổi mới quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phúc lợi xã hội theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môI trường theo quy định tiêu chuẩn quốc tế.

CảI cách lại hệ thống thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môI trường hướng tới phát triển nền kinh tế xanh được điều chỉnh thông qua công cụ tài chính và thuế khóa nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường.

Rà soát, xem xét lại cơ chế chính sách đã có liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái và đầu tư cho phát triển rừng thời gian vừa qua, gắn phát triển rừng với xóa đói giảm nghèo trên cơ sở phát huy hiệu quả thể chế Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những ưu thế của công cụ kinh tế liên quan đến chi trả dịch vụ môI trường rừng, bổ sung và hoàn thiện công cụ này triển khai trong cả nước.

Dựa vào tiêu chí quốc tế như đã dự tính của UNEP, đầu tư công toàn cấu 2% GDP cho phát triển kinh tế xanh, tổng kết thời gian vừa qua mức độ đầu tư cho môi trường ở Việt Nam còn thiếu hụt bao nhiêu để tiếp tục bổ sung và hoàn thiện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Tích cực hợp tác quốc tế trong nỗ lực xây dựng Nền kinh tế xanh ở Việt Nam, huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế, nhất là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển Kinh tế xanh. Các cơ chế tài chính khác cho phát triển rừng như: Giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng (REDD+); Cơ chế phát triển sạch (CDM). Kinh nghiệm trước đây cho thấy Việt Nam thường bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư quốc tế cũng như các thể chế tài chính khác mà Việt Nam có ưu thế như CDM.

Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển Nền kinh tế xanh là hướng tiếp cận mới, tuy nhiên xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Hơn nữa Việt Nam là quốc gia phát triển sau, do vậy để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và phát triển bền vững cần hướng tới một Nền kinh tế xanh. Tuy nhiên mô hình phát triển và cơ cấu ngành nghề thế nào phù hợp với Nền kinh tế xanh trong điều kiện phát triển của Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, học tập cách thức tiến hành của các quốc gia đã thực hiện trước để từ đó có lộ trình và bước đi phù hợp.

          6. Giải pháp từ phía người dân

6.1. Tạo lập văn hóa môi trường – thói quen hành vi, nếp sống thân thiện với môI trường

Để cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn theo ý kiến nhà chuyên môn, biện pháp quan trọng nhất là thông qua vận động cộng đồng để thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện của người dân nông thôn. Giải pháp này không chỉ phù hợp điều kiện kinh tế hiện nay mà còn có tính chiến lược, lâu dài. Cần lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng nông thôn mới, đồng thời cung cấp dịch vụ thu gom rác thuận tiện cho người dân. Mặt khác, để gom rác thải hiệu quả, cần phải có đội ngũ với phương tiện, trang thiết bị và nhân lực đầy đủ. Tuy nhiên, ở các vùng chưa tổ chức được lực lượng, cách làm hiệu quả và đơn giản nhất là không vứt rác bừa bãi; tận dụng khu đất vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ; hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại cho môi trường như: túi ni-lông, các loại bao bì bằng nhựa…

6.2. Phát triển bền vững con người nông dân Việt Nam

Nghị quyết số 26 - NQ/TƯ về "Nông nghệp, nông dân và nông thôn" đã xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để giải quyết đồng bộ và toàn diện vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020.

Giải quyết mối quan hệ giữa "Tam nông" và môi trường thực chất là đề cập đến một khía cạnh cơ bản và quan trọng của vấn đề phát triển bền vững nền kinh tế nông nghiệp, xã hội nông thôn và con người nông dân Việt Nam.

Nghị quyết số 26 - NQ/TƯ đã chỉ rõ: Sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu toàn diện và to lớn. Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, môi trường ngày càng ô nhiễm, năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế, đời sống của người nông dân còn thấp... Những yếu kém đó tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn và con người nông dân.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững gắn chặt với sản xuất và tiêu dùng sạch. Người tiêu dùng, kể cả người dân nước ta ngày càng tỏ rõ thái độ không chấp nhận những sản phẩm nông nghiệp không sạch, gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Sản xuất nông nghiệp sạch liên quan trực tiếp đến khâu quy hoạch nông nghiệp và nông thôn, có tính đến yếu tố tài nguyên và môi trường. Cùng với việc giữ lại những vùng đất phì nhiêu dành cho nông nghiệp, cần quy hoạch những khu công nghiệp tập trung, thuận tiện trong việc xử lý chất thải và hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm cho vùng sản xuất nông nghiệp. Với thực trạng của nông nghiệp và nông thôn nước ta hiện nay, để có được sản xuất nông nghiệp sạch và nông thôn xanh, sạch thì cần tập trung giải quyết một vấn đề nổi cộm là xử lý chất thải và cải thiện môi trường hiện tồn. "Các con sông chết", chất thải làng nghề, hóa chất độc tồn lưu trong đất và những ô nhiễm bởi việc lạm dụng và sử dụng không hợp cách thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và bảo quản sản phẩm nông nghiệp đang là vấn đề bức xúc, tác động trực tiếp đến sản xuất và tiêu dùng sạch. Rừng bị tàn phá nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân của tình trạng úng ngập, lũ lụt gây tổn hại lớn đến sản xuất, tính mạng và cuộc sống của cả cộng đồng dân cư nông thôn.

Sự phát triển bền vững của nông thôn cũng có mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố của môi trường tự nhiên và xã hội. Nông nghiệp và nông thôn là khu vực nhạy cảm nhất với những tác động của thiên nhiên. Vì vậy trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa, quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn cần tính đến những tác động của nước biển dâng và biến đổi khí hậu, thiên tai và sự cố môi trường. Không dự tính đầy đủ các yếu tố này, nông nghiệp và nông thôn nước ta không có những điều kiện khách quan đầy đủ cho sự phát triển bền vững.

Khoảng cách về điều kiện sinh hoạt vật chất, văn hóa, tinh thần giữa thành thị và nông thôn là lực ly tâm kéo những thanh niên ưu tú ở nông thôn ra thành thị. Mặt khác, trong quy hoạch kiến trúc, xây dựng các làng xã trong tương lai nếu không giữ lại những nét đặc sắc vốn có của văn hóa làng xã Việt Nam thì lực hấp dẫn của nông thôn so với thành thị càng thấp. Do vậy, nông thôn Việt Nam càng khó phát triển bền vững.

7. Giải pháp từ phía xã hội

7.1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn

Trong sản xuất nông nghiệp, cần tuyên truyền bảo vệ môi trường, làm sạch môi trường sống và hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vỏ bao đúng nơi quy định để xử lý. Tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hoá học, không dùng phân tươi bón trực tiếp cho cây trồng.

Chính quyền địa phương cần quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn như làm rãnh thoát nước trong khu dân cư; xây dựng nơi xử lý và chứa rác thải thuận tiện cho người dân; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung đúng tiêu chuẩn; quy hoạch để dần đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường trong nông thôn.

Mỗi làng xóm có thể chọn một ngày nhất định trong tuần hoặc trong tháng làm ngày tổng vệ sinh chung. Mỗi hộ gia đình nên có sọt chứa rác và tự phân loại rác, bỏ đúng nơi quy định. Phân và nước thải trong chăn nuôi cần được xử lý bằng cách xây hầm biogas, nuôi giun, ủ phân trước khi sử dụng, không thải trực tiếp phân và nước thải ra môi trường. Về lâu dài, các hộ cần đăng ký sản xuất trong các khu chăn nuôi tập trung, đưa các trang trại ra ngoài đồng theo quy hoạch; xây dựng và sử dụng loại nhà tiêu hai ngăn, hay nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh.

7.2. Nâng cao nhận thức về môi trường sống đối với người dân

Chúng ta bàn nhiều về vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị, khu công nghiệp… mà chưa chú trọng giải quyết tới vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là các vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào các dân tộc. Nhưng thực tế hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn miền núi đang ở mức báo động mà nguyên nhân trước hết và chủ yếu là do ý thức, truyền thống và tập quán lạc hậu do chính người dân gây nên.

Trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, điều kiện cơ sở hạ tầng còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn và còn những phong tục, tập quán, lạc hậu làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Điều dễ nhận thấy là người dân chưa có ý thức về bảo vệ môi trường. Chính yếu tố này làm cho họ có hành động tuỳ tiện theo thói quen, theo phong tục. Đó là chăn nuôi gia súc thả rông, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi, khi gặp nắng bốc mùi, gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước. Phong tục, tập quán nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn làm ô nhiễm nặng môi trường sống của các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó những hố xí tạm bợ của người dân được làm gần  nhà, khi gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước hoặc phát sinh ruồi muỗi gây bệnh tật.

Hơn nữa thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn nói chung và nông thôn miền núi nói riêng còn do người dân sử dụng không đảm bảo an toàn các loại hoá chất bảo vê thực vật trong nông nghiệp (thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ dại..). Một điều dễ nhận thấy là sau khi phun thuốc trừ sâu hoặc cỏ dại, người nông dân rửa bình bơm, đổ thuốc thừa ở bất cứ nơi nào mà không chú ý đảm bảo an toàn tới nguồn nước; Bao bì, chai lọ chứa hoá chất độc vứt bừa bãi quanh nhà, quanh mương máng.....Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước và là tiền đề của bệnh tật mà người dân không thể nhận thức được.

Tại các vùng nông thôn miền núi, các loại rác thải không được thu gom và người dân tự do vứt các loại rác thải ra môi trường xung quanh, cộng với phân gia súc, gia cầm vương vãi càng làm cho môi trường sống ô nhiễm thêm nặng. Nếu không có biện pháp nuôi nhốt gia súc, gia cầm để thu gom và chế biến các nguồn phân hợp lý và khoa học thì vấn đề ô nhiễm môi tường ở nông thôn hiện nay tại các tỉnh miền núi ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy ô nhiễm môi trường chính là nguyên nhân phát sinh và làm gia tăng bệnh tật như các bệnh đường ruột, sốt xuất huyết, đau mắt, viêm đường hô hấp... đối với nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Trong khi chúng ta còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết ngay ô nhiễm môi trường nông thôn bằng công nghệ tiên tiến thì biện pháp cấp bách trước mắt là phải nâng cao nhận thức về môi trường sống đối với người dân miền núi như tuyên truyền, vận động, thậm chí cần phải có biện pháp mạnh đối với những gia đình tái vi phạm nhiều lần về vệ sinh môi trường nông thôn…. Từ đó để người dân có ý thức, chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải. Chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà ở và không được thả rông gia súc, có như thế từng bước chúng ta mới cải thiện được môi trường sống, giảm thiểu bệnh tật cho cộng đồng dân cư tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn miền núi.

8. Bài học thông qua các giải pháp

8.1. Tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ chính quyền địa phương

Một thực trạng hiện nay, dường như cấp uỷ, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng ở các địa phương nông thôn, miền núi thường chỉ tập trung vào các vấn đề lớn như: Xoá đói giảm nghèo, hạn chế việc sinh đẻ, xây dựng cơ sở hạ tầng đường, trường học, trạm y tế… chưa chú ý quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh, một việc làm rất cần thiết. Tránh ô nhiễm môi trường để chủ động phòng bệnh, chứ không thể để phát bệnh, phát dịch rồi mới chữa chạy phòng tránh. Mặc dù những năm gần đây, các địa phương đưa việc bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước làng bản, vệ sinh công cộng, khơi thông cống rãnh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà… song vấn đề này chưa thực sự trở thành phong trào thu hút toàn dân, tham gia. Đặc biệt, ở các thôn vùng cao, đồng bào dân tộc có vận động, tuyên truyền phát động xong chỉ bỏ đó, không mang lại hiệu quả.

Các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm, đưa ra giải pháp quyết liệt hơn nữa đến vấn đề vệ sinh, ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn, vùng núi; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức cho đồng bào tham gia làm cho môi trường ngày càng trong sạch nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

8.2. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý

Nguyên nhân từ năng lực cán bộ quản lý Khu kinh tế, làng nghề còn non kém, việc xử lý vi phạm còn nương tay. Cần sửa các thông tư liên quan trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường 2005.

Thực trạng môi trường của các Khu kinh tế, làng nghề, khi việc đấu tranh với các đối tượng vi phạm thường chỉ quyết liệt theo vụ việc. Cần tăng kinh phí cho bảo vệ môi trường lên 2% ngân sách; xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Việc đánh giá tác động môi trường hiện nay chưa toàn diện, do đó chưa phản ánh được chính xác hiện trạng môi trường. Cần có những quy chuẩn khác nhau khi đánh giá tác động môi trường của từng nhóm ngành nghề trong Khu kinh tế, từng lĩnh vực hoạt động khác nhau của các làng nghề, cụ thể như về thời điểm lấy mẫu, phương pháp bảo quản mẫu chuẩn, các chỉ tiêu cần đánh giá.

Thêm nữa, cần lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng nông thôn mới. Giải pháp này không chỉ phù hợp điều kiện kinh tế của người dân hiện nay mà còn có tính chiến lược lâu dài. Bởi vậy, vệ sinh môi trường nông thôn không còn là vấn đề của mỗi cá nhân mà cần sự hợp tác của tất cả các thành viên trong xã hội.

Bên cạnh đó, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương tại các vùng nông thôn trong tỉnh cũng cần vào cuộc bằng cách huy động nguồn lực tại chỗ, xây dựng các công trình vệ sinh công cộng; tổ chức làm tốt việc thu gom rác thải, cũng như mỗi địa phương nên dành một quỹ đất xa khu dân cư để tạo điểm thu gom, xử lý rác thải, chôn lấp rác theo đúng quy định, tránh tình trạng đổ, vứt rác tràn lan như hiện nay. Đó là những việc làm cần thiết cho một tương lai lâu dài vì sức khoẻ người dân và cộng đồng xã hội.

Cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với các luật đã được ban hành; tăng cường giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tại các Bộ, ngành, địa phương; tăng đầu tư từ nhiều nguồn cho công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều chính sách phù hợp, cần có chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 18 Tháng 8 2014 09:20

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành