Thứ tư, 20 Tháng 9 2017 07:26

Phân tích tình trạng khủng hoảng nợ công Châu Âu và bài học cho Việt Nam

Khủng hoảng nợ công như một cơn bão bắt nguồn từ Hy Lạp và đang lan rộng tại châu Âu. Cơn bão này hôm nay đã lan đến đâu? Ảnh hưởng của nó như thế nào? Liên minh châu Âu (EU) đã đối phó ra sao? Việt Nam có thể và cần phải rút ra những bài học gì?

Chính phủ áp dụng chính sách phát hành nợ công để huy động các nguồn vốn vay trong nước và quốc tế cho ngân sách quốc gia, nhằm tăng nguồn lực cho đầu tư và chi tiêu của chính phủ phục vụ các mục đích công cộng. Chính vì vậy, có thể thấy rằng nếu chính phủ quản lý tốt nguồn vốn vay và sử dụng có hiệu quả các khoản vay nợ của chính phủ để có thể thay thế hoặc giảm thiểu việc phát hành thêm tiền với mục tiêu thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết các vấn đề phúc lợi mà không kích thích lạm phát và phát sinh chi phí xã hội. Tuy nhiên, các khoản nợ vay sẽ phải trả lãi cao cho những dự án kém hiệu qủa dẫn đến lãi vay sẽ tăng lên vượt qua khả năng thanh toán của chính phủ. Trường hợp chính phủ vay nợ mới với lãi suất ngày càng cao và với những điều kiện ngày càng bất lợi nếu không thể tăng thuế hay tìm được nguồn thu nào khác để trả nợ cũ thì nguy cơ khủng hoảng, thậm chí vỡ nợ quốc gia là điều khó tránh khỏi cùng với đó sẽ dẫn đến hàng loạt hậu quả là kinh tế sẽ suy thoái, xã hội sẽ bất ổn.

Tuy nhiên, để có thể đánh giá hay so sánh đầy đủ và khách quan tình hình nợ công giữa các quốc gia thì không thể chỉ căn cứ vào số nợ mà còn phải tính đến các yếu tố rất quan trọng khác, đó là khả năng vay nợ và trả nợ của quốc gia đó được tính theo chỉ số tín nhiệm tài chính quốc gia, lãi suất phải trả thường được các quỹ cho vay xác định căn cứ vào mức độ rủi ro tài chính của nước đi vay, cơ cấu nợ nước ngoài, nợ trong nước, nợ ngân hàng hay tổ chức tín dụng, nợ cá nhân, nguy cơ bị chủ nợ đầu cơ hay thao túng, nguồn thu trả nợ thuế hay nguồn khác, cơ cấu phân bổ và hiệu quả sử dụng vốn vay.

Chẳng hạn, tại Pháp, dù nợ công có tỷ lệ khá cao trên GDP và tăng liên tục trong nhiều năm qua, Chính phủ Pháp vẫn có thể đi vay không mấy khó khăn với lãi suất thấp, trong khi nhiều nước khác có tỷ lệ nợ công thấp hơn nhưng đi vay lại khó hơn, phải chịu lãi suất cao hơn và điều kiện ngặt nghèo hơn.

Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang Economist vẫn đang quay liên tục theo chiều tăng, cho thấy sự gia tăng không ngừng nghỉ mức nợ công của thế giới. Tính đến 15 giờ 30 phút chiều ngày 4-9-2012 theo giờ Việt Nam, đồng hồ này cho thấy mức nợ công toàn cầu đạt 48.771.025.370.197 USD (gần 48,8 nghìn tỷ USD) và ước tính đến 31/12/2015 nợ công toàn cầu đạt 57.490.472.443.423 USD. Từ số liệu của Economist cũng cho thấy, vào năm 2001, nợ công của thế giới mới ở mức hơn 18 nghìn tỷ USD. Như vậy, trong gần 18 năm qua, nợ công của thế giới đã tăng gấp gần 3,5 lần.

Trên bản đồ nợ được đặt dưới đồng hồ nợ công, Economist thực hiện phân loại các quốc gia theo mức nợ công tính trên đầu người, tổng mức nợ công, mức nợ công thay đổi theo năm, tổng nợ công tính trên GDP. Trong đó, những quốc gia nặng nợ nhất được tô màu đỏ, còn những quốc gia ít nợ nần nhất được tô màu xanh đậm.

Theo số liệu của Economist công bố những khu vực như Bắc Mỹ, Braxin, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Ôxtrâylia có tổng mức nợ công tuyệt đối. Trong đó, Nhật Bản là nước có con số nợ công lên đến 12,6 nghìn tỷ USD, tiếp theo là Mỹ với 11,2 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó những nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu con số nợ công cũng lên đến hàng nghìn tỷ USD như Đức, Pháp và Ý.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nước có con số nợ công lên đến 1.268 tỷ USD, nhưng nếu tính nợ công bình quân đầu người của Trung Quốc lại chỉ hơn 955USD và mức nợ công so với GDP của Trung Quốc cũng chỉ chiếm 15,7%. Trong khi đó tổng mức nợ công của Việt Nam năm 2015 dự kiến vào khoảng 224 tỷ USD tương đương với 61% GDP, với mức nợ bình quân đầu người là 2.336 USD.

Tính đến giữa năm 2011 con số nợ công của Chính phủ Hy Lạp đã lên tới 350 tỷ Euro, đẩy đất nước vào tình trạng suy thoái toàn diện và vỡ nợ quốc gia. Chính phủ Hy Lạp đã phải trông chờ vào các khoản cứu trợ 130 tỷ euro từ khu vực đồng euro và Quỹ Tiền tệ quốc tế với điều kiện đặt ra là các đảng phái chính trị lớn tại Hy Lạp phải cam kết cắt giảm chi tiêu của chính phủ, bao gồm việc cắt giảm 3,3 tỷ euro tiền lương và trợ cấp hưu trí; cắt giảm 15.000 việc làm trong khu vực công; hạ 20% mức lương tối thiểu từ 751 euro xuống còn 600 euro/tháng; tự do hóa luật lao động. Hậu quả là, bạo loạn đã xảy ra từ sự tức giận và thất vọng của người dân Hy Lạp.

Nhìn rộng ra EU, nợ công của các nền kinh tế khu vực đồng euro từ năm 2007 đã vượt ngưỡng trần 60% GDP được quy định tại Hiệp ước Maastricht, tăng liên tục trong 5 năm qua, từ 66,3% lên 87,9% (2011) và tiếp tục tăng lên 88,7% trong năm 2012. Ngoài ra, EU cũng đang lo ngại về nguy cơ phá sản ở một số nền kinh tế khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia,... Nợ công của các quốc gia này đang ở mức báo động, mặc dù các chính phủ luôn luôn trấn an dư luận rằng họ vẫn đang kiểm soát tốt tình hình.  

Hiện Italia là một trong những nước có nợ công cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 120% GDP, một nhân tố chủ yếu đẩy nước này vào trung tâm của khủng khoảng nợ công khu vực Eurozone. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Italia công bố ngày 14-5-2012, nợ công của nước này đã tăng đến mức cao kỷ lục, 1.946,083 tỷ euro vào tháng 3-2012. Trước đó, trong tháng 1-2012, nợ công của Italia được ghi nhận ở mức 1.934,98 tỷ euro.

Riêng tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu sau Đức, nợ công cũng tăng từ 1.147,6 tỷ euro (66,8% GDP) năm 2005 lên 1.692,7 tỷ euro (86,2% GDP) năm 2011. Nhìn lại từ năm 1978, nợ công của Pháp liên tục tăng không có điểm dừng và bắt đầu vượt ngưỡng 60% GDP từ năm 2003.  

Ủy ban Châu âu lập kế hoạch đối phó với khủng hoảng nợ công và duy trì tăng trường kinh tế cho tất cả các nước thành viên EU trên cơ sở tăng cường kỷ luật tài khóa thông qua việc khống chế mức thâm hụt ngân sách không quá 5%, nước nào vi phạm sẽ phải nộp phạt 1% GDP vào Quỹ bình ổn châu Âu. Đồng thời, tái phân bổ các nguồn lực cho việc tạo công ăn việc làm (hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới, dạy nghề cho người lao động, ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng chỗ thực tập cho sinh viên tại doanh nghiệp). Việc giảm gánh nặng thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho sinh hoạt của người dân nói chung và đặc biệt cho công việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng được Ủy ban Châu Âu đưa vào kế hoạch ứng phó với khủng hoảng nợ công của các nước thành viên EU.

Trong kế hoạch đối phó với khủng hoảng nợ công của Ủy ban Châu Âu còn đặt ra giải pháp tăng khả năng di chuyển lao động qua biên giới thông qua việc điều chỉnh quy định về công nhận bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp, bao gồm cả việc cấp thẻ hành nghề châu Âu, hộ chiếu kỹ năng châu Âu, bổ sung các quyền hưu trí cho lao động nhập cư cùng với chiến lược phát triển thương mại điện tử, bao gồm cả việc sử dụng chữ ký điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến. Bên cạnh đó, các chính sách cụ thể về phát triển kinh tế cũng được đề cập đến như thỏa thuận về tiêu chuẩn hóa; sử dụng năng lượng hiệu quả; đơn giản hóa quy định về kế toán và quy định mua sắm công; hiện đại hóa quy định về bảo hộ bản quyền nhằm phát huy hiệu quả của nền kinh tế kỹ thuật số và cuối cùng là chính sách gỡ bỏ rào cản thương mại để khuyến khích xuất khẩu và đầu tư và ngân hàng Trung ương châu Âu tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng này mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tăng cường chế tài đối với những giao dịch đầu cơ tài chính phi sản xuất.

Song song với các quyết định nêu trên của EU, một số chính phủ cũng đã hoặc đang chuẩn bị ban hành một số biện pháp giảm phần đóng góp của giới chủ đối với chi phí bảo hiểm xã hội cho người sử dụng nhằm giảm chi phí lao động và khuyến khích giới chủ hạn chế việc chuyển công ăn việc làm ra nước ngoài. Cụ thể, tại Pháp, ước tính giới chủ sẽ tiết giảm được khoảng 13 tỷ euro nhờ chính sách này. Đồng thời, thuế VAT đã được điều chỉnh tăng từ 19,6% lên 21,2%, thuế lợi tức và thuế thu nhập từ đầu tư tài chính tăng từ 8,2% lên 10%. Thời gian áp dụng từ ngày 1-10-2012. Cùng với đó, Chính phủ cho phép tăng 30% diện tích xây dựng nhà ở trên tổng diện tích đất có khả năng xây dựng nhằm tăng nguồn cung nhà ở và giảm giá thuê nhà. Việc tăng tỷ lệ bắt buộc nhận người học nghề từ 4% lên 5% đối với các công ty có 250 nhân công trở lên để khuyến khích việc học nghề, đào tạo nghề mới cho người thất nghiệp. Chính phủ Pháp đã thành lập Ngân hàng Công nghiệp với số vốn ban đầu 1 tỷ euro để cấp vốn cho các xí nghiệp công nghiệp và đánh thuế các giao dịch tài chính 0,1% từ tháng 8-2012 nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1 tỷ euro/năm bên cạnh việc kêu gọi giới chủ và các đối tác xã hội tiến hành đàm phán để ký thỏa thuận về điều chỉnh tuần làm việc 35 giờ do cánh tả thông qua trước đây.

Từ những phân tích trên đây có thể thấy các nguồn nhân dẫn đến khủng hoảng nợ công của các nước như sau:

Thứ nhất, tình hình thực hiện chi ngân sách nhà nước luôn vượt quá giới hạn cho phép do Quốc hội phê duyệt hàng năm do kỷ luật về chính sách tài khóa lỏng lẻo cùng với việc phân bổ ngân sách chi cho tiêu dùng cao hơn chi cho đầu tư phát triển.

Thứ hai, hiệu quả sử dụng vốn thấp, thời gian thực hiện các dự án kéo dài nên tiền lãi phải trả trên nợ vay tăng cùng với trách nhiệm của người tham gia quyết định vay nợ không hẳn là những người sẽ phải lo trả nợ, nhất là khi người vay không có cơ hội tái đắc cử.

Thứ ba, Chính phủ không công bố công khai những vấn đề bất cập của tình hình nợ công trong một thời gian khá dài nên việc điều chỉnh chính sách khắc phục không được kịp thời.

Thứ tư, năng lực quản lý và điều hành của EU, mà cụ thể là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chưa được tốt, có sự mâu thuẫn lợi ích giữa các nước thành viên Eurozone, dẫn đến sự chậm trễ và không nhất quán trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước thành viên và có sự trục trặc trong cơ chê điều hành chung của khu vực đồng euro: trong khi EU có một ngân hàng trung ương (ECB) chung để điều hành một đồng tiền chung, nhưng mỗi thành viên lại có một bộ tài chính riêng để tự quyết định thu, chi cho quốc gia của mình.

Để không bị cuốn vào khủng hoảng nợ công, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, một trong những nước đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về nợ công, cần tránh vay nợ nước ngoài vượt quá 50% tổng số nợ công và không có xác định được khả năng trả nợ. Bên cạnh đó cần hạn chế việc vay nợ công với mức lãi xuất cao hơn lãi suất vay thương mại để phục vụ mục đích chi tiêu của Chính phủ thay vì đầu tư cho phát triển kinh tế.

Ngoài ra, cần phải có các chính sách cụ thể để xử lý đối với các quyết định vay nợ trong một phạm vi hẹp những người có quyền lực mà thiếu sự phản biện và trách nhiệm cá nhân đầy đủ và cần công khai và minh bạch hóa tình hình nợ công và các vấn đề liên quan đến nợ công, chú trọng việc quản lý và sử dụng các khoản vay và đầu tư công một cách tùy tiện, không tôn trọng triệt để cam kết đi vay và tính hiệu quả.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành