Thứ bảy, 23 Tháng 9 2017 07:48

Tác động của đồng euro đến cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu

Sự ra đời, những lợi ích và bất cập của đồng euro, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra rất gay gắt hiện nay tại châu Âu đã và đang là đề tài nóng, gây ra nhiều tranh cãi và bất đồng giữa các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách và kinh tế trong Liên minh châu Âu và trên thế giới. Đồng euro có thực sự là sự lựa chọn khôn ngoan của các nước thành viên EU, và nó có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế - tài chính toàn cầu hay không, đó là những câu hỏi rất bức xúc đặt ra cho giới học giả ở châu Âu và trên thế giới phải giải quyết. Trong chuyên đề này xin trình bày những vấn đề cơ bản liên quan đến sự ra đời, lợi ích và bất cập của đồng euro đối với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện nay.

1. Những cơ sở nền tảng của đồng euro

Đồng euro nổi lên trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập kinh tế đã trở thành xu thế của thời đại. Trải qua 60 năm hội nhập khu vực, Liên minh châu Âu (EU) đã phát triển từ một khu vực tự do thương mại, liên minh thuê quan chung, thị trường chung, liên minh kinh tế tiền tệ, một đồng tiền chung (euro) và cuối cùng là một liên minh chính trị cho tất cả các nước thành viên. Liên minh châu Âu thực sự đã đi một chặng đường dài trong việc xây dựng và phát triển để trở thành một liên minh về kinh tế, chính trị như hiện nay.

Lý thuyết khu vực đồng tiền ưu

Đầu tiên, đồng euro bắt nguồn từ ý tưởng về lý thuyết “khu vực đồng tiền tối ưu”, được giới thiệu bởi học giả đạt giải Nobel kinh tế Robert Mundell vào năm 1961. Lập luận chung cho rằng, các cá nhân, tổ chức và nhà nước sẽ nhận được nhiều lợi ích từ việc chia sẻ một đồng tiền chung khi nó được chấp nhận và sử dụng ở mọi nơi mà không cần phải chuyển đổi ngoại tệ khi đi du lịch, cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu. Lý thuyết “khu vực đồng tiền tối ưu” vì thế cố gắng trả lời một câu hỏi hóc búa là: “Số lượng đồng tiền tối ưu được sử dụng và lưu thông trong một khu vực là bao nhiêu?”.

Từ góc độ kinh tế có thể nhận thấy khu vực đồng tiền chung tối ưu xảy ra khi chi phí và lợi nhuận chênh lệch gặp nhau, khi một đồng tiền chung được sử dụng bởi các nước thành viên. Khi nhiều đồng tiền được lưu thông sử dụng trong khu vực sẽ mang lại sự đa dạng, tuy nhiên cũng sẽ có những bất ổn nhất định gây hiệu ứng sốc bất cân xứng đối với các nước thành viên tham gia đồng tiền chung do có sự khác biệt về cấu trúc hệ thống và cấu trúc kinh tế xã hội được thể hiện trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nợ công hay hệ thống chính sách pháp luật .v.v…

Với những ý tưởng đóng góp của nhiều học giả từ thập kỷ 1960-1970, nhằm giảm bớt hiệu ứng sốc bất cân xứng giữa các nền kinh tế khi tham gia khu vực đồng tiền tối ưu, có bảy điều kiện đã được đưa ra cho một khu vực đồng tiền tối ưu và được thể hiện ở vấn đề vốn, lao động, chu trình kinh doanh, chính sách mở đối với nền kinh tế và sự đang dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố liên quan đến chính trị như chủ nghĩa liên bang về tiền tệ, hội nhập chính sách và mức độ tương đồng về lạm phát.

 Đối với khu vực Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU), đồng Euro được đưa vào lưu thông và xem như là đồng tiền chung các nước trong khu vực với các tiêu chí đồng euro, thị trường chung và hệ thống điều phối chính sách chung. Như vậy, đồng tiền của các nước phải nằm trong hệ thống cơ chế tỷ giá hối đoái cũ với mức lạm phát không vượt quá 1,5% so với mức trung bình của ba nền kinh tế có mức lạm phát thấp nhất Châu Âu cùng với các mức lãi suất dài hạn không vượt quá 2%,  mức thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP và mức nợ công dưới 60% GDP.

Cùng với ngân hàng Trung ương Châu Âu và các ngân hàng trung ương của các nước thành viên gọi tắt là (ECB), EMU được thành lập có nhiệm vụ điều phối các chính sách tiền tệ chung của khu vực với mục tiêu bình ổn giá với các chỉ số như lạm phát dưới 2% cho khả khu vực đồng euro, bảo đảm phát triển kinh tế xã hội, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên phải tuân theo những quy tắc chung của khối nhưng vẫn được quản lý các chính sách tài khóa của mình. Tuy nhiên, các nước thành viên vẫn gặp những bất lợi về chính sách tiền tệ, hiệu ứng sốc bất cân xứng, sự thay đổi hệ thống tài khóa .v.v… nhưng nhìn chung các nước vẫn có lợi đặc biệt là trong thương mại quốc tế khi tham gia sử dụng đồng tiền chung euro.

Việc sử dụng đồng tiền chung euro đã giúp các nước thành viên Liên minh Châu Âu nâng cao vị thế tài chính và chính trị của mình trên thị trường tài chính quốc tế. Sau khi đồng euro ra đời nền kinh tế thế giới được định hình bởi ba đồng tiền chính là USD, Yên và Euro. Việc điều phối chính sách tiền tệ trong khu vực EU đã có kết quả tốt hơn cho các nước thành viên, nên EMU đã đưa ra những chính sách tiền tệ nhằm kết hợp giữa hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt với tỷ giá hối đoái cố định.

Đồng euro sẽ thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững của các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu cũng như đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế. Các doanh nghiệp thuộc khối Liên minh Châu Âu cũng được hưởng hệ thống lãi suất thấp giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển thị trường. Ngoài ra, các chính sách này cũng sẽ có tác động tích cực đến người dân trong khu vực bởi được hưởng thị trường cạnh tranh như du lịch, mua sắm, giá hàng hóa tiêu dùng rẻ.

Các chính sách chung về thị trường tài chính của các nước sử dụng đồng tiền chung được hưởng lợi bởi sự bình ổn lớn cho hệ thống hối đoái

Từ góc độ tài chính, có một số lợi ích cơ bản như:

Thứ nhất, đồng euro đã mang lại sự bình ổn lớn hơn cho hệ thông hối đoái trao đổi ngoại tệ khi loại bỏ những rủi ro do sự thay đổi tỷ giá giữa các đồng tiền quốc gia. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trong hoạt động ngoại thương trong khu vực đồng euro.

Thứ hai, đồng euro loại bỏ nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ giữa các nước thành viên: việc sử dụng một đồng tiền chung euro đã tiết kiệm 30 tỷ đôla mỗi năm cho chi phí giao dịch chuyển đổi ngoại tệ khi các ngân hàng quốc tế thường tính mức phí từ 1-2% cho mỗi giao dịch khi chuyển đổi từ một ngoại tệ này sang ngoại tệ khác.

Thứ ba, đồng euro mang tính minh bạch và tiệm cận về giá cả giữa các nước thành viên trong liên minh Châu Âu. Khi giá cả sản phẩm và dịch vụ trong khu vực đồng euro trở nên minh bạch và tiệm cận hơn, chính phủ sẽ ít phải sử dụng những rào cản để hạn chế thương mại. Ngoài ra, nó cũng giúp ngăn chặn các hoạt động mua bán ngoại tệ kiếm lời của giới đầu cơ ngắn hạn.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kinh doanh và thương mại quốc tế giữa các nước thành viên trong khu vực đồng euro sẽ có một hệ thống tỷ giá hối đoái ổn định và phát triển bền vững, các nước thành viên sẽ “mở hơn” và “giao dịch thương mại nhiều hơn” trong “khu vực đồng tiền tối ưu”. Lý do đã được đề cập ở trên là: một đồng euro an toàn hơn không chỉ giảm thiểu chi phí giao dịch, mà còn giúp loại bỏ những rủi ro thay đổi về tỷ giá giữa các đồng tiền.

Theo các kết quả nghiên cứu khác nhau, mức tăng từ 5-20% về thương mại nội khối trong Liên minh châu Âu (so sánh với các nước không phải thành viên) đã được chứng minh bởi nhiều học giả (Nitsch và Pisu, 2008). Nghiên cứu gần đây của nhóm học giả (Baldwin, Di Nino, Fontagne, De Santis, và Taglioni, 2008) cho ủy ban châu Âu, lại tập trung giải thích đồng euro đã giúp tăng trưởng về thương mại. Họ thấy rằng, việc tăng trưởng thương mại này chủ yếu là do số lượng các doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu được trao đổi thương mại giữa các nước thành viên ngày càng nhiều hơn. Do loại bỏ được chi phí cô định và các chi phí khác nên đồng euro đã giúp cho “những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu đã bắt đầu tìm kiếm được những cơ hội xuất khẩu” và “những doanh nghiệp đã xuất khẩu bắt đầu mở rộng quy mô cũng như danh mục sản phẩm của mình ra thị trường bên ngoài”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nền kinh tế của các quốc gia khu vực đồng euro thực sự đã được hội nhập sâu rộng từ trước khi đồng euro ra đời sẽ có rất ít tác động của đồng tiền này vào hoạt động thương mại của các nước thành viên ban đầu và mức tăng trưởng thương mại thực chất chỉ là sự tiếp nối xu thế phát triển trong dài hạn, kết quả của một loạt các chính sách hội nhập kinh tế mạnh mẽ của EMU.

Đối với các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên kết và sáp nhập (M&A) trong khối Liên minh Châu Âu cũng được hấp dẫn hơn, có tác động tích cực và ước tính đầu tư nội khối giữa các nước thành viên tăng 15-200%. Tuy nhiên, tác động này chỉ bằng một nửa so với các dòng đầu tư nội khối giữa các nước thành viên, trong khi tác động của đồng euro vào FDI tại lĩnh vực sản xuất lớn hơn rất nhiều so với lĩnh vực dịch vụ. Với các nước khác, khu vực đồng euro, do số dân và thị trường rộng lớn, sử dụng một đồng tiền chung sẽ mang lại những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiêm cơ hội hợp tác cùng phát triển.

Xét về lợi ích với các nước trên thế giới thì đồng euro không chỉ mang lại lợi ích cho các nước EU mà còn mang lại lợi ích cho các nước khác trên thế giới, bởi sự ra đời của đồng euro đã giảm thiểu rủi ro về nguy cơ đôla hóa nền kinh tế toàn cầu do sự phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ.

2. Đồng euro và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu

Cuộc khủng hoảng nợ công xảy ra trầm trọng ở châu Âu hiện nay (Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ailen và Italia) có rất nhiều nguyên nhân, cả bên trong lẫn bên ngoài, trực tiếp và gián tiếp. Nhưng phần lớn đều có liên quan đến đồng euro và những vấn đề của hệ thông tài chính - ngân hàng châu Âu. Đầu tiên, việc ECB đưa ra chính sách lãi suất thấp đã khuyến khích các chính phủ và doanh nghiệp vay tiền các ngân hàng một cách dễ dàng để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, chi tiêu công. Điều này cuối cùng dẫn đến việc chi tiêu vượt mức và làm tăng nợ công. Thứ hai, giá trị đồng euro trở nên đắt lên tương đối so với đồng đôla Mỹ bởi ít nhất hai lý do: chiến lược đồng đôla yếu của Mỹ; chính sách tiền tệ không linh hoạt của ECB (để đạt mục tiêu lạm phát thấp). Thứ ba, hoạt động làm méo mó thị trường của giới đầu cơ ngoại tệ. Thủ tướng Hy Lạp, Tây Ban Nha và đặc biệt là bà A. Merkel, Thủ tướng Đức cho rằng, chính các quỹ và giới đầu cơ đã lợi dụng tình hình và làm xấu hơn cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và các quốc gia khác khi bán khổng đồng euro để kiêm lời (Business Week, 2011). Việc đồng euro “đắt lên” như vậy làm cho sản phẩm xuất khẩu khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa vào nội địa, làm tăng chi tiêu công. Mặt khác, do các nước quản lý kinh tế yếu kém, chi nhiều hơn thu, thiếu minh bạch, làm ít hưởng nhiều, “vung tay quá trán”, tô hồng, thổi phồng các báo cáo, biến nợ xấu của tư nhân thành nợ xấu của nhà nước,...

Cuộc khủng hoảng năm 2008 bắt nguồn từ khu vực tư nhân, đầu tiên là các doanh nghiệp không tạo ra doanh thu và thanh toán được các khoản nợ đến hạn. Doanh nghiệp bắt đầu cầu cứu chính phủ, giãn nợ, đảo nợ hay mua lại nợ, khiến nợ tư nhân chuyển thành nợ công, cuối cùng dẫn đến tình trạng nợ công ngày càng cao.

Một nguyên nhân sâu xa hơn của các khoản nợ là bong bóng tài chính được thổi lên từ giai đoạn 2000-2007, thời kỳ nền kinh tế toàn cầu khởi sắc đã tạo ra một nguồn thặng dư tài chính khổng lồ (36.000 tỷ đôla năm 2000 tới 70.000 tỷ đôla năm 2007). Các nhà đầu tư và tổ chức bắt đầu tìm kiếm những thị trường mang lại lợi nhuận cao hơn và tạo ra những bong bóng ở phạm vi toàn cầu. Khi những bong bóng này bắt đầu nổ, giá trị tài sản giảm, gánh nặng nợ nần đặt lên vai doanh nghiệp và chính phủ cùng với hệ thông tài chính - ngân hàng (với Ailen là bóng bóng thị trường bất động sản, Hy Lạp là trái phiếu chính phủ, Aixơlen là sự phát triển quá nóng của hệ thống ngân hàng,...).

Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể kể đến là: toàn cầu hóa tài chính ngày càng sâu rộng và có tính lan tỏa nhanh, điều kiện cho vay tín dụng dễ dàng của các nước Eurozone trong giai đoạn 2002-2008, sự mất cân bằng về thương mại quốc tế, bong bóng bất động sản bị thổi phồng, tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu, những quyết định chính sách tài khóa không hợp lý trong thu, chi của các quốc gia, v. v..

Con đường 60 năm phát triển kinh tế của Liên minh châu Âu đã được thế giới khẳng định. Tuy vậy, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (từ năm 2008), đặc biệt từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu (từ năm 2009), sự liên kết kinh tế của EU nói chung, mô hình phát triển kinh tế của EU nói riêng đã bị khủng hoảng nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng nợ công đã giáng những đòn trí mạng vào các nền kinh tế châu Âu. Khởi phát từ Hy Lạp, kéo theo là hàng loạt các nước thành viên như Ailen, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Cộng hòa Síp,... các nước thành viên Eurozone đang lún sâu vào nợ công, thâm hụt ngân sách nặng nề. Các nền kinh tế đầu tàu của châu Âu như Anh, Pháp, Đức cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nợ công cao xấp xỉ 100% GDP, thâm hụt ngân sách cao gấp 3-4 lần mức trần cho phép. Năm 2010, 26/27 nước EU đều có tỷ lệ tăng trưởng âm. Cuộc khủng hoảng nợ công đã làm bộc lộ rõ những khuyết điểm có tính hệ thống trong cơ chế, chính sách của EU, đặc biệt là trong quản lý kinh tế như thiếu cơ quan quản lý tài chính và điều phối kinh tế ở cấp độ Liên minh. Điều đó chứa đựng những nguy cơ lớn đối với sự ổn định kinh tế - chính trị - xã hội tại EU.

Để khắc phục cuộc khủng hoảng nợ công, Liên minh châu Âu đã đưa ra các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn như sau:

Về ngắn hạn

Xây dựng Quỹ bình ổn tài chính  châu Âu (EFSF):ngày 9-5-2010, 27 nước châu Âu đã đồng ý thành lập Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, một công cụ tài chính hợp pháp giúp bảo đảm ổn định tài chính tại châu Âu.

Xây dựng Cơ chế bình ổn chính châu Âu ngày 5-1-2011, Liên minh châu Âu thành lập Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu, đây là một quỹ khẩn cấp lấy vốn từ các thị trường tài chính và ngân sách của Liên minh châu Âu, được bảo đảm bởi ủy ban châu Âu.

Hiệp ước Brussels: ngày 26-10-2011, lãnh đạo 17 nước đã họp tại Brussels và đồng ý xóa 50% nợ cho Hy Lạp bằng quỹ cứu trợ do Quỹ bình ổn tài chính châu Âu thực hiện.

Sự can thiệp của ECB: ECB đã thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế tính bất ổn và nâng cao tính thanh khoản của thị trường tài chính. Đầu tiên, ECB bắt đầu mua lại các khoản nợ của chính phủ và tư nhân, lên tới 200 tỷ euro cho đến cuối tháng 10-2011. Tiếp theo, ECB công bố kế hoạch phân phối các hoạt động tái cung cấp vốn dài hạn. Thứ ba, ECB khởi động lại hợp đồng hoán đổi với đồng đôla dưới sự hỗ trợ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Sẽ tiến hành cải tổ và tái cơ câu: đối với hệ thông tài chính - ngân hàng, quản lý nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế, khu vực đầu tư công, tăng tính cạnh tranh tại các khu vực kinh tế yếu kém trong một môi trường minh bạch và công bằng hơn,...

Về dài hạn

Liên minh tài khóa châu Âu (European Fiscal Union): Đức, Pháp và các nước đã tiến thêm một bước nữa trong việc thiết lập một liên minh tài khóa trong khu vực Eurozone, với những cơ chê kiểm soát tài khóa chặt chẽ và trừng phạt nghiêm khắc với các thành viên trong hiệp ước của Liên minh châu Âu. Anh là nước không đồng ý tham gia Liên minh này.

Trái phiếu châu Âu (Eurobonds): ngày 21-10-2011, ủy ban châu Âu đề đạt phát hành trái phiếu châu Âu cho 17 nước khu vực Eurozone, đây là một cách hiệu quả để giải quyết khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Jose Manuel Barroso, kế hoạch này phải kèm theo hệ thông giám sát tài khóa chặt chẽ và điều phối chính sách kinh tế để tránh những hậu quả do các quyết định chính trị gây tổn hại cho những nước có ít tiếng nói cũng như bảo đảm nguồn tài chính công bền vững.

Cơ chế bình ổn châu Âu (European Stability Mechanism): là một chương trình quỹ giải cứu dài hạn tiếp theo Quỹ bình ổn tài chính châu Âu và Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu vào giữa năm 2012.

Quỹ Tiền tệ châu Âu (European Monetary Fund): là một sáng kiến chuyển đổi từ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu vào ngày 20-10-2011, trong đó có thể cung cấp cho các chính phủ trái phiếu châu Âu có lãi suất ở định ở mức thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng kinh tế trong trung hạn (BBC, 2011).

3. Kết luận

Đồng euro đang trải qua thời khắc khó khăn nhất kể từ khi ra đời, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra căng thẳng và khó lường như hiện nay. Tuy nhiên, nhìn một cách khác, đây cũng là cơ hội để thể nghiệm tính ưu việt cũng như quyết tâm chính trị được theo đuổi từ rất lâu của các nhà lãnh đạo châu Âu. Việc cho ra đời Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, đề cao vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tái cấu trúc các nền kinh tế yếu kém, kiểm soát chặt chẽ hệ thống tài chính - ngân hàng và chi tiêu của các nước thành viên, sẽ là những bước đi đầu tiên và cần thiết giúp châu Âu vượt qua khó khăn, vẫn giữ vững vai trò của đồng euro và Eurozone tiếp tục sẽ là khu vực quan trọng của nền kinh tế châu Âu và thế giới.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành