Thứ tư, 15 Tháng 11 2017 03:45

Một số nét tương đồng giữa đô thị Việt Nam và Nhật Bản trong quản lý môi trường

  1. 1. Tương đồng về văn hóa

Nhật Bản và Việt Nam thuộc khu vực Đông Á - Đông Nam Á và có nhiều nét tương đồng văn hóa và tôn giáo. Cả Nhật Bản và Việt Nam nói chung, dân cư ở khu vực đô thị nói riêng đều chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, cùng chia sẻ các giá trị tinh thần trải dài qua nhiều thế kỷ. Ớ đó, các giá trị này sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tính cá nhân và tới cộng đồng, tạo lập nền tảng cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững.

Ở phương diện cá nhân đó là tính hướng thiện, sống ôn hòa, vị tha và nhân ái giữa các cá nhân với nhau. Họ sống hài hòa với tự nhiên. Đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng toàn cầu hóa và đô thị hóa, xu hướng trở lại với tự nhiên, gần với tự nhiên hơn đang trở thành một xu thế nổi trội ở cả Nhật Bản và Việt Nam. Chính những căng thẳng trong cuộc sống và trong công việc làm cho con người tìm kiếm môi trường trong lành hơn, sống với thiên nhiên nguyên thủy hơn để người ta thư giãn và “xả stress”. Điều này khơi dậy tính tự giác trong việc chấp hành và thực thi các chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái.

Ở phương diện cộng đồng, đó là sự kết gắn, đoàn kết và chia sẻ những niềm vui, khó khăn, hoạn nạn, cùng nhau thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đây được coi là nét tương đồng văn hóa tiêu biểu của cả người Việt Nam và Nhật Bản. Điều này không chỉ được phản ánh trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc mà còn cả trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, hoặc hòa mình với thiên nhiên. Người Nhật Bản được đánh giá là dân tộc có tính cộng đồng cao, tiêu biểu qua câu chuyện “Tinh thần Nhật Bản kết hợp với công nghệ phương Tây” từ thời Minh Trị, đã làm nên một nước Nhật hùng cường. Tinh thần ấy còn được phát huy trong công cuộc tái thiết đất nước mặt trời mọc, thời kỳ đổ nát sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thời kỳ sau động đất ở Kôbê (năm 1995) và gần đây nhất là khắc phục các hậu quả về môi trường, về kinh tế - xã hội sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011. Nhờ tinh thần đó mà người Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ bất kể có những khó khăn gì. Chính sự đoàn kết cộng đồng đã hun đúc nên câu chuyện thần kỳ Nhật Bản những năm 1960, giúp Nhật Bản vượt qua thảm họa kép.

Còn ở Việt Nam, tính cộng đồng đó tạo ra sự gắn kết từ làng xã, quê hương và góp phần tạo dựng một nước Việt Nam đổi mới như ngày hôm nay. Nếu không có tinh thần đoàn kết, thân ái, đồng cam cộng khổ thì chúng ta không thể làm nên những trang sử vẻ vang trong suốt hàng nghìn năm bảo vệ và xây dựng đất nước, tạo dựng nền tảng xã hội của dân, do dân và vì dân như ngày nay.

Có thể nhấn mạnh rằng, tính cộng đồng của cả người Việt Nam và người Nhật Bản là một đặc trưng vốn có trong tương đồng văn hóa của hai dân tộc và tạo nền tảng xã hội cho việc thực thi các nhiệm vụ gắn với bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục con trẻ, động viên lối xóm giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái trong cộng đồng dân cư.

  1. 2. Các nguyên tắc vận hành của cơ chế kinh tế thị trường

Cho dù Việt Nam và Nhật Bản có trình độ phát triển kinh tế khác nhau song lại có sự tương đồng về kinh tế thị trường. Người ta cho rằng, cơ chế thị trường là phức hợp của hệ thống các quy luật khách quan với hệ thống các luật lệ, chính sách điều hành mang tính chủ quan của Nhà nước, tạo thành hệ thần kinh điều khiển sự vận hành của nền kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò mang tính chủ quan của nhà nước chỉ là hỗ trợ còn vai trò của thị trường mang tính chi phối áp đảo. Điều này cũng có ý nghĩa là nói tới cơ chế kinh tế thị trường là nói tới việc tôn trọng các quy luật khách quan của thị trường.

Thực tế cho thấy, việc tôn trọng các nguyên tắc hoặc các quy luật kinh tế thị trường được thực hiện ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Trong lĩnh vực môi trường người ta thấy nếu doanh nghiệp bỏ ra những chi phí phù hợp cho bảo vệ môi trường thì lợi ích mà họ được hưởng chính là sản phẩm của doanh nghiệp không bị tẩy chay, hình ảnh của doanh nghiệp không bị lu mờ, doanh nghiệp sẽ được xã hội và người tiêu dùng tôn trọng. Còn nếu doanh nghiệp không chú ý đến bảo vệ môi trường, lạm dụng những kẽ hở của luật pháp để làm giàu song lại hại đến lợi ích của cộng đồng sẽ bị lên án. Ở Việt Nam, vụ việc Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam xả thải ra sông Thị vải năm 2008 bị xã hội lên án mạnh mẽ, người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm đã làm cho doanh nghiệp này điêu đứng là một ví dụ điển hình. Hệ quả là doanh nghiệp vẫn phải bồi thường cho người dân ở vùng này nhưng hình ảnh của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng. Còn ở Nhật Bản, trong thời kỳ tăng trưởng nhanh, một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất cũng xả thải vào môi trường và phải đền bù sau đó. Rõ ràng, chi phí và lợi ích là một nguyên tắc căn bản trong nền kinh tế thị trường buộc người ta phải thừa nhận và áp dụng. Cả Việt Nam và Nhật Bản ngày nay cũng đang áp dụng quy tắc này trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Tiếp đến là quyền của các chủ thể tham gia kinh tế thị trường vừa là nguyên tắc vừa là đặc trưng của cơ chế kinh tế thị trường và được bộc lộ rõ cả ở Việt Nam và Nhật Bản. Đó là quyền tự do của khách hàng trong việc chọn lựa các loại hàng hóa và dịch vụ mang tính cạnh tranh. Không ai có thể ép buộc khách hàng phải mua và chỉ mua một loại hàng hóa trong dịch vụ nào đó mà họ không muốn. “Khách hàng là thượng đế” là một triết lý kinh doanh song đây cũng là một quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này được áp dụng từ rất lâu tại Nhật Bản và ở cả Việt Nam kể từ khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tất nhiên, đối với những hàng hóa hiếm hoặc độc quyền thì triết lý đó không được thừa nhận, chẳng hạn, điện ở Việt Nam hay điện ở Nhật Bản thời kỳ động đất sóng thần vừa qua.

Đó là quyển tự do của các nhà kinh doanh trong việc lựa chọn loại hình kinh doanh, mở rộng kinh doanh, huy động vốn, phân chia rủi ro và lợi nhuận. Công bằng mà xét, ở Nhật Bản, quyền này được chấp thuận và có tiến trình phát triển lâu dài hơn ở Việt Nam; còn ở Việt Nam, quyền này cũng được thừa nhận và đang phát huy hiệu quả trong kinh doanh. Ở phương diện quản lý vĩ mô, việc thừa nhận và tôn trọng quyền này tạo nền tảng cho doanh nghiệp có trách nhiệm và chủ động trong hoạt động kinh doanh của họ, kể cả các lĩnh vực kinh doanh liên quan tới bảo vệ môi trường.

Và một nguyên tắc phổ biến trong nền kinh tế thị trường là nâng cao vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kết hợp với đảm bảo an sinh xã hội cho quốc gia. Điều này được cả Việt Nam và Nhật Bản chú trọng trong từng giai đoạn của tiến trình phát triển kinh tế của mỗi nước. Nhật Bản được đánh giá là quốc gia thành công trong vấn đề này.

Sự thịnh vượng của kinh tế Nhật Bản trong nhiều thập kỷ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là một minh chứng rõ ràng. Hiện nay, họ đang hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế sau thảm họa thiên nhiên, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 2 - 3%/năm kết hợp với việc đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân. Việt Nam đã có nhiều thành công trong tiến trình chuyển đổi nền kinh tế thị trường và đang hướng tới duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý từ 5 - 8%/năm, kết hợp giải quyết đồng thời với vấn đề an sinh xã hội theo hướng phát triển bền vững. Có thể nói, nâng cao vai trò và hiệu quả điều hành của nhà nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng đòi hỏi Chính phủ phải hoàn thiện đồng bộ các giải pháp điều chỉnh vĩ mô, trong đó có các giải pháp kiểm soát và bảo vệ môi trường sinh thái. Cả Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đang hoạt động theo hướng đó.

  1. 3. Các giá trị trong mô hình quản trị nhân sự

Thoạt nhìn người ta khó nhận thấy, song xem xét chi tiết chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng trong mô hình quản trị nhân sự hay nói rộng hơn là quản lý và sử dụng nguồn nhân lực của cả Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét “đồng điệu”. Nói cách khác là cả Việt Nam và Nhật Bản có thể chia sẻ các giá trị trong mô hình quản trị nhân sự ở cả tầm vĩ mô và vi mô, tức là ở cả tầm Chính phủ và tầm doanh nghiệp.

Như đã biết, mô hình quản trị nhân sự ở Nhật Bản nổi bật với các yếu tố mang tính truyền thống như thăng tiến theo thâm niên và làm việc suốt đời. Chế độ tăng lương và chức vụ của nhân viên gắn với kinh nghiệm làm việc và thời gian cống hiến. Người nào làm việc lâu năm cho doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước sẽ được đề bạt và tăng lương. Có người coi đề bạt và tăng lương dựa trên thâm niên công tác và kinh nghiệm làm việc là tạo động lực cho người lao động cống hiến. Điều này có nghĩa là cống hiến càng nhiều thì “ích lợi và bổng lộc” càng lớn. Trong nhiều thập niên, người Nhật Bản tự hào với cơ chế đề bạt này bỏi họ cho rằng đề bạt dựa trên kinh nghiệm và thâm niên tạo ra sự công bằng giữa những người lao động. Cơ chế này làm giảm thiểu yếu tố chủ quan trong việc đánh giá người lao động từ người sử dụng lao động, ở Việt Nam trong suốt thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa và cho đến tận bây giờ vẫn áp dụng chế độ đề bạt và tăng lương dựa trên thâm niên và kinh nghiệm làm việc. Có thể nói đây là điểm tương đồng rất đặc trưng của Việt Nam và Nhật Bản.

Chế độ việc làm suốt đời tạo ra tâm lý kết gắn người lao động với công ty và với công sở. Người ta coi công ty, công sở như gia đình nên họ có trách nhiệm và nghĩa vụ phải xây dựng và phát triển. Nhiều người Nhật Bản khi được hỏi, bạn làm nghề gì? Họ trả lời: “Tôi là người của Honda, tôi làm kế toán ở đó”; hay “Tôi là người của Sony, tôi làm quản trị marketing ở đấy”. Rõ ràng là họ tự hào về công ty nơi mình làm việc, gắn bó. Chế độ việc làm suốt đời được duy trì trên tinh thần làm việc tự giác, coi công ty như nhà của mình nên người lao động Nhật Bản rất có ý thức trong việc chấp hành các quy định của công ty, của công sở. Tính chuyên nghiệp của người lao động ngày càng cao. Dường như chế độ sử dụng lao động theo kiểu “biên chế’ trong mô hình quản trị nhân sự ở Việt Nam trùng khớp với chế độ việc làm suốt đời ở Nhật Bản đã góp phần tạo ra sự “thần kỳ Nhật Bản” và đưa nước Nhật trở thành siêu cường kinh tế thế giới và việc sử dụng lao động theo kiểu biên chế ở Việt Nam đã góp phần giúp Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chông Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước sau này. Phải chăng tính kỷ luật, lòng tin vào công việc, và được đảm bảo việc làm suốt đời không bị thất nghiệp là những động lực thực sự cho chế độ việc làm suốt đời.

Ngày nay ở cả Việt Nam và Nhật Bản, mô hình quản trị nhân sự kiểu này vẫn phát huy tác dụng, cho dù tự nó cũng bộc lộ những khiếm khuyết. Nhiều người phê phán mô hình này vì cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa gia tăng và tác động của chu kỳ kinh tế, mô hình quản trị nhân sự như của Việt Nam và Nhật Bản không còn thích hợp bởi thăng tiến theo thâm niên và kinh nghiệm sẽ làm thui chột những người có học vấn cao và những người trẻ tuổi có năng lực, còn chế độ việc làm suốt đời hay kiểu “biên chế suốt đời” sẽ đặt Chính phủ và doanh nghiệp vào tình thế bó tay khi phải đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ. Đây là một thực tế và chính trong bối cảnh đó người ta đã tiến hành cải cách và chuyển đổi hoặc bổ sung. Ở Việt Nam, khu vực nhà nước đã chuyển sang chế độ hợp đồng không thời hạn và bổ sung các kiểu hợp đồng ngắn hạn, còn khu vực tư nhân chuyển sang chế độ ký hợp đồng có thời hạn. về thực chất hợp đồng không thời hạn là tên gọi khác của “biên chế suốt đời”, nhưng để khắc phục những khiếm khuyết của kiểu thuê mướn này, chúng ta đã bổ sung các kiểu hợp đồng khác, ó Nhật Bản, sự chuyển đổi sang mô hình thuê mướn có thời hạn diễn ra nhanh hơn và rõ ràng hơn, kể cả ở khu vực tư nhân và khu vực nhà nước. Còn chế độ thăng tiến theo thâm niên và kinh nghiệm được kết hợp với thăng tiến theo trình độ đào tạo và học vấn.

  1. 4. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị kết hợp với bảo vệ môi trường, sinh thái

Nhật Bản là nước đi trước trong lĩnh vực này. Ngay từ thời kỳ tăng trưởng cao, Nhật Bản đã đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, đường bộ, đường hàng không, cảng biển và phát triển hệ thông giao thông đô thị. Tuyến đường sắt nối liền Tôkyô và Ôsaka vận hành có hiệu quả từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước. Trên cơ sở đó, hệ thống cao tốc này được quy hoạch và phát triển ra khắp các vùng, miền trong cả nước nối liền các đô thị lớn từ Hônshu, đến Kyushu, đến Hôkkaiđô. Có thể nói, Nhật Bản là quốc gia có hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ hiện đại nhất châu Á. Để có được điều này trong chiến lược phát triển hệ thống giao thông, Chính phủ Nhật Bản đã kết hợp chặt chẽ với quy hoạch và phát triển đô thị, vùng công nghiệp, các khu sinh quyển, rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Đã từ nhiều thập kỷ nay, ở Nhật Bản, người ta không thấy các khu rừng bị phá để dọn chỗ cho các tuyến đường. Quá trình xây dựng các công trình giao thông lớn, tại các khu đô thị, người ta kết hợp cả giao thông ngầm với giao thông trên mặt đất, trên cao cùng với việc tạo không gian xanh, giảm thiểu tiếng ồn và ảnh hưởng đến đời sống của người dân đô thị. Sự kết hợp này đã tạo ra một hệ thông giao thông an toàn, hiệu quả đồng thời môi trường sinh thái không bị xâm hại.

Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường cũng rất chú trọng tới việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết hợp với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Thực tế cho thấy, cùng với việc phát triển kinh tế, Việt Nam chú trọng xây dựng hệ thông đồng bộ đường hàng không, đường thủy, cải tạo và nâng cấp đường sắt, phát triển hệ thông giao thông đô thị, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, v.v... Với sự giúp đỡ của Nhật Bản, Việt Nam tiến hành cải tạo và nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A, xây dựng kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, xây mới tuyến đường bộ cao tốc nối hai đô thị đặc biệt này. Những tuyến đường mối kể trên được quy hoạch, xây dựng kết hợp với việc bảo tồn các khu sinh quyển và phát triển không gian xanh.

Cả hai nước đều chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ như tài chính, bảo hiểm y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội và có những chính sách ưu tiên trong việc quản lý môi trường ở khu vực đô thị. Rõ ràng, những tương đồng này là cơ sở để cả hai nước có thể chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành