Thứ năm, 18 Tháng 1 2018 02:20

Thực hiện và đánh giá chính sách công

Việc lựa chọn chính sách công là rất quan trọng nhưng việc tổ chức thực thi và đánh giá chính sách công lại quyết định kết quả của hoạt động.

Cần phân tích hiện tượng vô hiệu trong quá trình thực hiện chính sách, bởi các chính sách công được đề ra trên cơ sở nhận thức mâu thuẫn giữa các sự vật khách quan của xã hội và quy luật của nó. Sự vật không ngừng phát triển, biến hóa, còn chính sách có tính ổn định tương đối. Đó là một sự mâu thuẫn. Vì vậy, mỗi chính sách đều có một quá trình vô hiệu. Để bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu đã định, cần khống chế mức độ vô hiệu của chính sách. Trong quá trình thực hiện chính sách, hiện tượng vô hiệu xảy ra ở giao đoạn đầu do tập quán truyền thống, do mọi người chưa hiểu chính sách và bản thân chính sách có thiếu sót nên trong thời gian này, chính sách có thể chưa có hiệu quả rõ ràng.

Bên cạnh đó, chính sách cũng có thể rơi vào tình trạng vô hiệu ngẫu nhiên do mọi người dần dần hiểu chính sách và đồng tình với chính sách và bản thân chính sách cũng từng bước được hoàn thiện, hiện tượng vô hiệu có thể vẫn tồn tại nhưng ở mức thấp. Ngoài ra, chính sách có thể rơi vào tình trạng vô hiệu ở cuối giai đoạn do điều kiện khách quan thay đổi, chính sách trở nên “lão hóa”, mức độ vô hiệu dần dần tăng lên, đòi hỏi phải được điều chỉnh hoặc xây dựng chính sách mới.

Vì vậy, trong giai đoạn đầu, nếu chính sách tỏ ra kém hiệu quả, không nên hoang mang mà cần phân tích nguyên nhân của nó để tìm cách giải quyết.

1. Tổ chức và con người thực hiện chính sách

Quá trình xây dựng chính sách có nhiều chủ thể tham gia nhưng việc tổ chức thực hiện chính sách về cơ bản chỉ có một chủ thể. Đó là các tổ chức của Chính phủ. Với số lượng nhân viên đông đảo, các tổ chức thực hiện chính sách có ảnh hưởng tương đối lớn trong quá trình thực hiện chính sách. Họ không những có nhiều quyền trong việc xây dựng chính sách mà còn nắm được những thông tin chủ yếu và chính trị và chính sách.

Trong quá trình thực hiện chính sách, các cấp, các ngành trước hết phải nghiêm chỉnh chấp hành những chính sách, biện pháp do trung ương quy định, vì những chính sách, biện pháp đó là xuất phát từ tình hình chung, trong phạm vi toàn quốc, mang tính phương hướng, tính toàn cục. Các địa phương phải dựa vào đó để xây dựng chính sách cụ thể một cách sáng tạo. Các cấp, các ngành vừa là người chấp hành chính sách của trung ương, vừa là người định ra các chính sách ở địa phương. Trong quá trình thi hành chính sách của trung ương, các địa phương phải căn cứ vào tình hình của địa phương để vận dụng linh hoạt, trong trường hợp cần thiết, có thể có những quy định bổ sung, nhưng không được trái với chính sách của trung ương.

2. Đối tượng chính sách

Đối tượng chính sách là những người, tập thể trực tiếp chịu ảnh hưởng của chính sách, được hưởng lợi từ chính sách. Chính sách công tác động đến họ và họ có tác động đến chính sách công. Hiệu quả của chính sách phụ thuộc vào quan hệ qua lại giữa người thực hiện chính sách và đối tượng chính sách.

Khi chính sách mới ra đời, nhận thức tư tưởng của mọi người thường không giống nhau. Thậm chí có một số ít người, sau khi chính sách đã được thực hiện một thời gian, vẫn chưa biết rằng có một chính sách liên quan đến lợi ích của họ. Do đó, Chính phủ phải tuyên truyền chính sách, chuẩn bị dư luận cho việc thực hiện chính sách để nhiều người đồng tình với chính sách. Cơ ban thực hiện chính sách phải tuyên truyền ý nghĩa, mục tiêu và bước đi, biện pháp thực hiện chính sách và hiệu quả chính sách.

Khi nhiều người hiểu được chính sách, đặc biệt là hiểu được lợi ích của chính sách, họ sẽ có thái độ khác nhau. Nếu chính sách mang lại lợi ích cho họ thì việc thực hiện chính sách sẽ thuận lợi. Nếu chính sách nhất thời không mang lại lợi ích cho họ thì việc thực hiện chính sách có thể gặp trở ngại.

Đối tượng chính sách có thể chi làm hai loại: tán thành và không tán thành. Trong số người tán thành lại có thể chia làm hai loại tán thành hoàn toàn và tán thành có mức độ. Các đối tượng chính sách khác nhau có thể căn cứ vào nguồn lực của mình để tác động trở lại đối với chính sách. Đối với một chính sách, trong xã hội có thể có 3 thái độ là phục tùng, chấp nhận, tích cực ủng hộ. Vì chính sách của Chính phủ có tính quy phạm, những người chống lại có thể bị phạt ở mức độ khác nhau nên một số người tỏ ra phục tùng trong tổng thể hoặc hình thức và do sức ép mạnh mẽ của chính sách nên họ chấp hành chính sách một cách bị động.

Loại thứ hai là do thói quan tôn trọng quyền lực công cộng nên họ tự nguyện thực hiện chính sách nhưng kết quả thực hiện chính sách rất khác nhau và thường phát sinh tình trạng xa rời mục tiêu hoặc thực hiện một cách cực đoan.

Loại thứ ba là hiểu đúng, hiểu rõ chính sách và tự giác hành động một cách tích cực.

Việc tiếp thu một chính sách nào đó chủ yếu có mấy nguyên nhân:

Một là qua nhiều năm giáo dục, một số người đã hình thành thói quen tôn trọng quyền lực Chính phủ, phục tùng các quyết định của Chính phủ.

Hai là qua so sánh, họ nhận thức được lợi ích của chính sách đối với họ, biết rằng nếu thực hiện thì có lợi gì, không thực hiện thì có bất lợi gì.

Ba là do chính sách được thông qua một cách hợp pháp nên những thành viên trong một xã hội pháp chế sẽ phải tuân theo.

Bốn là một số người do sợ bị phạt nên phải chấp hành.

Năm là đối với bất kỳ đối tượng nào, sự hiểu biết chính sách cũng trải qua một quá trình từ không đến có, từ ít đến nhiều.

3. Môi trường chính sách

Môi trường chính sách là những nhân tố liên quan đến việc xây dựng chính sách, là tổng hòa những điều kiện tự nhiên và xã hội quyết định hoặc ảnh hưởng đến việc xây dựng và thực thi chính sách.

Môi trường chính sách là căn cứ khách quan để Đảng và Chính phủ xây dựng chính sách đối nội, đối ngoại. Chỉ có xuất phát từ tình hình cụ thể của đất nước như tính chất xã hội, tình hình chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, dân số, tài nguyên, điều kiện tự nhiên và môi trường quốc tế mới có thể quy định một cách thực sự cầu thị nội dung của chính sách.

Ảnh hưởng của môi trường chính sách đối với việc xây dựng và thực thi chính sách có những đặc trưng sau:

Về tính đa dạng của chính sách. Trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến chính sách. Những người xây dựng chính sách phải tỉnh táo, có tầm nhìn toàn cục, nắm vững mâu thuẫn chủ yếu, chú trọng lợi ích căn bản của nhân dân, lợi ích lâu dài, lợi ích toàn thể, điều hòa mâu thuẫn giữa các nhân tố.

Về tính vận động của chính sách. Tất cả các nhân tố của môi trường đều vận động không ngừng. Trong toàn bộ xã hội, các mâu thuẫn cơ bản của xã hội luôn ở trong trạng thái vận động, phát triển, khiến cho tình hình xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa cũng thay đổi một cách tương ứng.

Về tính giao thoa của chính sách. Ảnh hưởng của các nhân tố môi trường đối với chính sách không chỉ là ảnh hưởng một chiều mà còn có ảnh hưởng ngược chiều, dẫn đến những tình huống phức tạp, bất ngờ. Các nhân tố môi trường ảnh hưởng đến chính sách, chính sách ảnh hưởng đến môi trường, dẫn đến các chính sách ảnh hưởng lẫn nhau.

Về tính đột xuất của chính sách, được thể hiện khi có những sự kiện thiên nhiên bất ngờ.

Do những đặc trưng trên, chính sách phải vừa có tính nguyên tắc vừa phải linh hoạt. Khi chấp hành chính sách, phải phân tích cụ thể đối với từng vấn đề cụ thể, phải kiên định về chính trị và linh hoạt về sách lược.

4. Giải quyết mâu thuẫn và điều chỉnh phương án trong quá trình chấp hành chính sách.

Giải quyết mâu thuẫn trong quá trình chấp hành chính sách, phải kéo dài, đồng thời phải phát hiện kịp thời những thay đổi của tình hình, những nhược điểm của phương án ban đầu. Muốn thế, các tổ chức hành chính quan trọng và người lãnh đạo các tổ chức đó phải dành sự ủng hộ hoàn toàn về chính trị đối với quá trình chấp hành chính sách, những người chấp hành chính sách ở cấp cao phải tán thành chính sách về bản chất, có kỹ năng quản lý về chính trị. Nếu không, những bất đồng nội bộ, những bất đồng với tổ chức, với người đồng cấp, với tổ chức cấp dưới, sẽ khiến việc chấp hành chính sách lâm vào tình thế khó khăn.

Trong quá trình chấp hành chính sách, cần áp dụng những phương pháp thích hợp để điều tiết các hoạt động chấp hành chính sách, giải quyết hoặc triệt tiêu mâu thuẫn, xung đột có thể xảy ra, hướng dẫn các cơ quan hành chính hoặc đối tượng chính sách phối hợp với nhau một cách thân thiện, nhất trí đề thực hiện mục tiêu chính sách. Trong thực tiễn, cách giải quyết mâu thuẫn có thể là dùng ý kiến của một bên hoặc ý kiến mang tính đại diện làm ý kiến chủ đạo, các bên khác phải phục tùng, hoặc là các bên thỏa hiệp, nhượng bộ lẫn nhau, thực hiện sự phân phối quyền lực và lợi ích mà các bên đều có thể chấp nhận, hoặc là các bên thống nhất với nhau đi đến một phương án mới, hoặc các bên không nhượng bộ lẫn nhau, cuối cùng cấp trên phải quyết định.

Xét theo quan hệ lợi ích, cải cách và phát triển là thay đổi quan hệ lợi ích cũng, là điều chỉnh quan hệ lợi ích. Khi các biện pháp chính sách đụng chạm đến quan hệ lợi ích đã hình thành, những người có lợi trong quan hệ lợi ích đã có sẽ phản đối, còn những người có thể được hưởng lợi từ chính sách mới sẽ ủng hộ. Lợi ích là động lực chấp hành chính sách, cũng là nguyên nhân cản trở việc chấp hành chính sách. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, chủ thể lợi ích rất nhiều và mỗi chủ thể đều muốn có được lợi ích lớn nhất. Những mâu thuẫn giữa họ với nhau sẽ phản ánh vào cơ quan chấp hành chính sách, khiến cho giữa các cơ quan đó cũng nảy sinh mâu thuẫn.

5. Điều chỉnh phương án

Một chính sách có thể thực hiện tốt hay không, trước hết là do nội dung của chính sách. Trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan xây dựng chính sách đã thông qua nhiều phương pháp và kỹ thuật để tìm ra phương án hài lòng nhất. Nhưng trong quá trình chấp hành, vẫn có thể có những điểu không phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng chính sách là một quá trình vận động, chấp hành chính sách cũng vậy. Do đó, trong quá trình chấp hành chính sách, cần chú ý thu thập thông tin, nhất là khi điều kiện chủ quan, khách quan có sự thay đổi. Nếu xét thấy cần điều chỉnh phương án ban đầu thì phải điều chỉnh, nếu trong quá trình chấp hành chính sách, thấy rằng mục tiêu chính sách đúng, nội dung phương án nhìn chung là hợp lý, chỉ có một số điểm không thích hợp thì nhất định phải điều chỉnh những điểm đó.

Quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đều cần đến những nguồn lực nhất định

Ở Trung Quốc, quyền lực quyết sách, phạm vi trách nhiệm, phân định lợi ích giữa các cấp chưa được quy định rõ ràng, giữa Chính phủ, xí nghiệp và cá nhân, giữa các ngành của Chính phủ, giữa các địa phương chưa có mối quan hệ phối hợp ổn định. Trong quá trình lựa chọn mục tiêu chính sách còn có tình trạng mặc cả, lợi dụng sơ hở của chính sách, thậm chí có những chính sách, ai cũng nói là nên làm nhưng không ai muốn đóng góp nguồn lực. Đó là điều nên tránh và cần giải quyết khi chấp hành chính sách.

Sửa đổi lần cuối Chủ nhật, 03 Tháng 6 2018 02:23

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành