Thứ sáu, 19 Tháng 1 2018 02:23

Xây dựng chính sách công

1. Quá trình xây dựng chính sách công

Khi một vấn đề xã hội đã trở thành vấn đề chính sách thì cần nghiên cứu nhiều phương án để giải quyết vấn đề rồi từ đó chọn ra một phương án tối ưu. Xây dựng chính sách là một quá trình vận động, bao gồm nhiều khâu hoặc nhiều bước. Khi xây dựng chính sách, có hai vấn đề cần lựa chọn, đó là lựa chọn mục tiêu và lựa chọn phương án chính sách.

Phân tích tổng hợp

Quá trình xây dựng phương án chính sách bao gồm chuẩn đoán vấn đề, xác định mục tiêu chính sách, dự thảo các phương án để lựa chọn. Quá trình xây dựng một chính sách là một quá trình liên tục từ đầu chí cuối, bao gồm nhiều khâu, ảnh hưởng lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Như vậy, sẽ vừa có thể phát huy tác dụng của tổng thể, vừa có thể phát huy tác dụng cả từng khâu.

Qua phân tích quá trình xây dựng phương án chính sách, có thể kết luận:

Quá trình xây dựng chính sách là một thể thống nhất, do nhiều khâu hợp thành, không thể thiếu bất kỳ khâu nào, không thể tự ý giảm khâu nào.

Các khâu đó tạo thành một quá trình khép kín, tác động lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau.

Quan hệ giữa các khâu tương đối phức tạp, không thể thao tác theo thứ tự mà phải xuất phát từ thực tế.

2. Các nhân tố cơ bản trong việc xây dựng chính sách

Quá trình xây dựng chính sách có hai nhân tố cơ bản. Đó là mục tiêu chính sách và phương án chính sách. Sau khi có mục tiêu đúng thì không những có thể hướng phấn đấu mà còn có thể căn cứ vào mục tiêu đó để dự thảo các phương án chính sách rồi từ đó lựa chọn phương án tối ưu. Có mục tiêu đúng sẽ có thể cơ bản thống nhất tư tưởng của những người tham gia toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi chính sách, dù tín ngưỡng, quan niệm giá trị và lợi ích của họ khác nhau, khiến họ hợp tác với nhau một cách hữu hiệu, đồng thời cung cấp tiêu chuẩn để đánh giá kết quả chính sách. Hiệu quả của mục tiêu chính sách phụ thuộc vào hai khâu chủ yếu: Một là việc thiết kế mục tiêu phải chính xác. Hai là những người tham gia có nhận thức thống nhất đối với mục tiêu chính sách. Phải đi sâu, phân tích toàn diện, phân biệt rõ đâu là mục tiêu chủ yếu (phải thực hiện) đâu là mục tiêu thứ yếu (cố gắng thực hiện), đâu là mục tiêu thứ yếu hơn (mong muốn thực hiện).

Để bảo đảm xác định mục tiêu một cách chính xác, cần đạt được các yêu cầu sau:

Thứ nhất, mục tiêu chính sách phải rõ ràng, cụ thể. Phân phối lợi ích một cách công bằng là xuất phát điểm của một chính sách. Mục tiêu chính sách phải phù hợp với nguyên tắc công bằng, mục tiêu phải cao hơn mức thực hiện nhằm tạo ra tác dụng khích lệ, đồng thời có mức độ khó khăn nhất định để mọi người cảm thấy thông qua phấn đấu có thể thực hiện được. Mục tiêu phải có tính khả thi, xuất phát từ thực tế, phân tích toàn diện điều kiện khách quan, chủ quan để mục tiêu được xây dựng trên cơ sở khách quan vững chắc.

Thứ hai, các mục tiêu phải hài hòa. Một chính sách thường là sự kết hợp hữu cơ của nhiều mục tiêu. Nếu hệ thống càng lớn, càng phức tạp thì càng phải nghĩ đến nhiều mục tiêu. Giữa các mục tiêu phải có sự hài hòa. Để thực hiện sự hài hòa giữa các mục tiêu, cần củng cố tính đồng nhất về phương hướng của các mục tiêu, giảm bớt sự khác nhau về phương hướng của các mục tiêu. Một hệ thống chính sách có nhiều mục tiêu. Việc thực hiện một mục tiêu có nhiều biện pháp. Do đó, sự phối hợp giữa mục tiêu và biện pháp rất phức tạp, để tránh sự đối lập giữa các mục tiêu của chính sách, cần chú trọng sự phối hợp giữa các biện pháp.

Thứ ba, phải có sự thống nhất giữa mục tiêu và biện pháp. Một hệ thống chính sách là một hệ thống mục tiêu rõ ràng về tầng nấc. Ngoài mục tiêu tổng thể, còn có nhiều mục tiêu con. Trong cơ cấu mục tiêu do mục tiêu tổng thể và các mục tiêu cụ thể tạo nên, các biện pháp để thực hiện mục tiêu của cấp trên thường là mực tiêu của cấp dưới, hoặc có thể nói mục tiêu của cấp dưới là biện pháp của cấp trên. Do đó, không thể chỉ xem xét mục tiêu của một cấp nào đó mà phải xem xét mối quan hệ giữa mục tiêu của cấp trên và mục tiêu của cấp dưới, không nên dùng mục tiêu của cấp trên để thay thế mục tiêu của cấp mình, cũng không nên dùng mục tiêu của cấp mình để can thiệp vào mục tiêu của cấp dưới.

3. Thiết kế phương án chính sách

Trước khi quyết định phương án chính sách, cần thiết kế ít nhất là hai phương án, nêu rõ ưu, khuyết điểm của mỗi phương án rồi chọn lấy một phương án tốt nhất, không nên chỉ đưa ra một phương án. Việc lựa chọn phương án chính sách, trên thực tế là lựa chọn các yếu tố của hoạt động thực tiễn và phương án kết hợp các yếu tố đó. Trước hết là lựa chọn chủ thể thực tiễn, tức là giải quyết vấn đề “ai làm, ai không làm, ai làm là chính, ai làm là thứ yếu”. Chủ thể thực tiễn có thể là cá nhân, có thể là nhóm người. Tiếp đó là lựa chọn phương pháp hành động. Điều này có liên quan trực tiếp đến khả năng thực hiện mục tiêu và mức độ thực hiện. Cuối cùng là lựa chọn thời gian giải quyết, nơi giải quyết vấn đề, tức là giải quyết vấn đề điều kiện và môi trường tác động lẫn nhau giữa các khách thể của thực tiễn.

Khi dự thảo các phương án để lựa chọn, cần chú ý ba vấn đề:

Thứ nhất, các phương án được đưa ra để lựa chọn cần bao gồm tất cả các phương án đã chuẩn bị, bởi vì phương án bị bỏ sót có thể là phương án tốt nhất.

Thứ hai, mỗi phương án được đưa ra là phương án độc lập. Nếu các biện pháp hành động của phương án A đều có trong phương án B thì phương án A không thể coi là phương án độc lập.

Thứ ba, các phương án được dự thảo phải xét đến nhiều nhân tố và mối quan hệ giữa chúng với nhau vì hành vi Chính phủ có đặc điểm là liên quan đến nhiều mặt, nhiều mối liên hệ, nhiều tầng nấc phức tạp.

Việc dự thảo các phương án là một quá trình vận động, bao gồm nhiều bước, từ ý tưởng, thiết kế đến phân tích, sơ tuyển, đánh giá, đào thải. Quá trình này thường được chia làm hai giai đoạn mạnh dạn tìm tòi và giai đoạn thiết kế cụ thể.

Giai đoạn mạnh dạn tìm tòi là giai đoạn đưa ra ý tưởng sơ bộ của phương án. Trong giai đoạn này người ta thường dựa vào kinh nghiệm và tri thức đã có, nhất là kinh nghiệm thành công. Nhưng không phải kinh nghiệm nào cũng thích hợp cho mọi tình huống. Do đó, chúng ta phải biết kinh nghiệm nào là thích hợp, kinh nghiệm nào là không thích hợp, đồng thời phải nâng kinh nghiệm thành lý luận, dùng tư tưởng khoa học để bổ sung cho kinh nghiệm. Giai đoạn này gồm hai nội dung chủ yếu: Một là đưa ra nhiều phương án chính sách để thực hiện mục tiêu đã định. Hai là vẽ sơ đồ của các phương án. Phải đảm bảo tính toàn diện và đa dạng của các phương án, dùng nhiều biện pháp, đưa tất cả các phương án đã chuẩn bị lên bàn để lựa chọn.

Giai đoạn thiết kế chủ yếu là cụ thể hóa các phương đã đã chuẩn bị, xác định các nhân tố và biện pháp quan trọng và đánh giá hiệu quả của phương án. Nếu không có sự đánh giá này thì sẽ không phân biệt được ưu, nhược điểm của mỗi phương án, do đó sẽ khó lựa chọn. Vì vậy, cần tính toán kỹ lưỡng, chứng minh nghiêm túc, kể cả việc xem xét các ý kiến phản hồi, hoài nghi.

4. Kỹ năng xây dựng chính sách công

Để chính sách công thực sự có hiệu quả khi đi vào cuộc sống khi xây dựng cần phải đảm bảo một số yêu cầu cụ thể trong đó yêu cầu về trưng cầu ý kiến là một trong những yêu cầu quan trọng. Căn cứ vào lĩnh vực có liên quan để nêu vấn đề với các chuyên gia. Việc trưng cầu ý kiến được tiến hành sau khi có ý kiến trả lời, tiến hành tổng hợp, chỉnh lý, quy nạp rồi lại gửi đi. Sau nhiều lần như vậy, sẽ có được những ý kiến tương đối tin cậy, bởi những chuyên gia được trưng cầu ý kiến không biết nhau nên họ có thể mạnh dạn phát biểu ý kiến và thay đổi ý kiến khi cần thiết, các luận điểm khác nhau đề có thể được nêu ra. Bên cạnh đó, việc trưng cầu ý kiến của những lần khác nhau, các chuyên gia có thể biết được ý kiến của tập thể, lý do tán thành hay không tán thành và trên cơ sở đó, đưa ra ý kiến mới.

Qua nhiều lần trưng cầu ý kiến có thể biết được ý kiến của tất cả các chuyên gia, tìm ra ý kiến thống nhất của đa số chuyên gia. Khi trưng cầu ý kiến cần chú ý tới các căn cứ trong lĩnh vực của vấn đề cần nghiên cứu, đưa ra bản kê các vấn đề cần thảo luận và hình thành bản kê câu hỏi.

Những người được trưng cầu ý kiến không nhất thiết là chuyên gia mà là những người có quan điểm khác nhau. Khi đã chọn được một người thì đề nghị người đó giới thiệu hai người cùng quan điểm, cho đến lúc có được một số lượng người cần thiết để trưng cầu ý kiến.

Việc thiết kế câu hỏi phải làm mấy vòng. Các câu hỏi phải thể hiện được chủ đề, câu hỏi phải đơn giản, số lượng câu hỏi nên vừa phải, khi cần phải hướng dẫn tài liệu tham khảo. Ở vòng thứ nhất, cần nêu rõ mục tiêu của việc đó, những điều kiện để thực hiện mục tiêu, biện pháp thực hiện mục tiêu, phân loại và phân cấp, tầm quan trọng của các đề mục có liên quan.

Ngoài ra, cần phải tính toán và phân tích những ý kiến giống nhau, khác nhau, tạo cơ sở cho vùng trưng cầu thứ hai. Việc tổ chức những người có liên quan thảo luận trực tiếp, phát biểu ý kiến và việc việc báo cáo trình bày tất cả các ý kiến khác nhau, gửi đến người chính sách thẩm quyền để lựa chọn phương án tối ưu cũng là các kỹ năng quan trong trong quá trình xây dựng chính sách công.

Sửa đổi lần cuối Chủ nhật, 03 Tháng 6 2018 02:34

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành