Thứ bảy, 20 Tháng 1 2018 02:34

Chế độ đối với cán bộ công chức nhà nước của Trung Quốc

Ý nghĩa của chế độ công chức

Công chức nhà nước là những người làm việc cho nhà nước. Nói chung, công chức nhà nước là do nhà nước tuyển dụng để thực hiện công việc công cộng của xã hội và hưởng lương từ ngân sách. Chế độ công chức là những quy phạm và chuẩn mực về hành vi quản lý của công chức, bao gồm quyền và nghĩa vụ công chức, chế độ tuyển dụng, sát hạch, thưởng phạt, thăng chức, đào tạo, tiền lương, bảo hiểm, phúc lợi, nghỉ hưu. Việc quản lý công chức phải tuân theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh, liêm khiết, pháp chế, gọn nhẹ và phục vụ, phù hợp với kinh tế thị trường và nền chính trị dân chủ.

Chế độ công chức là một bộ phận hợp thành của chế độ chính trị. Do chế độ chính trị và lịch sử, văn hóa của các nước khác nhau nên tính chất, hình thức và yêu cầu của chế độ công chức không giống nhau. Chế độ công chức ở các nước phương Tây được xây dựng sau cách mạng tư sản, trên cơ sở phân chia quyền lực giữa các chính đảng. Nó vừa thể hiện yêu cầu cơ bản của nền kinh tế thị trường, vừa mang dấu ấn của nền chính trị dân chủ tư sản. Ví dụ, để giảm bớt ảnh hưởng của sự cạnh tranh đa đảng đối với sự vận hành của chính phủ và nguyên tắc cạnh tranh công bằng, các nước tư bản đã chia công chức nhà nước thành 2 loại chính là chính vụ và sự vụ. Loại thứ nhất do chính đảng đã giành được thắng lợi trong bầu cử phân phối trong nội bộ của đảng của họ. Loại thứ hai là do thi tuyển, thường xuyên làm việc và trung lập về chính trị, không được tham gia hoạt động chính trị có tính chất đảng phái.

Hiện nay, chế độ công chức của Trung Quốc được xây dựng theo yêu cầu cải cách nền kinh tế có kế hoạch, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và nền chính trị dân chủ. Một mặt nó sửa chữa những khuyết điểm của chế độ công chức cũ như nhà nước thống nhất kế hoạch phân bổ nguồn lực nhân tài cả nước, phương thức quản lý cán bộ đơn nhất, thiếu những quy định pháp luật trong việc dùng người, xây dựng chế độ công chức mới. Mặt khác, nó thể hiện những đặc điểm và yêu cầu của chế độ chính trị. Cụ thể như, công chức phải kiên quyết ủng hộ và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không đi theo cái gọi là trung lập chính trị. Chế độ chính trị ở Trung Quốc là chế độ hợp tác nhiều đảng và chế độ hiệp thương chính trị do Đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng cộng sản Trung Quốc và các đảng phái dân chủ “cùng tồn tại lâu dài, giám sát lẫn nhau, chân thành hợp tác, vinh nhục có nhau”. Các đảng phái dân chủ đều tham gia chính sự.Trong các việc lớn của đất nước, Đảng cộng sản và các đảng phái dân chủ cùng bình đẳng bàn bạc, không có sự đấu tranh lẫn nhau. Công chức tích cực tham gia hoạt động chính trị không những không ảnh hưởng đến sự ổn định của chính phủ và sự cạnh tranh công bằng mà còn có lợi cho việc quán triệt đường lối, phương châm, chính sách của đảng cầm quyền trong hoạt động công vụ, giúp cho các cơ quan hành chính có thể vận hành với hiệu quả cao.

Phạm vi và phân loại công chức

Do chế độ chính trị và tập quán khác nhau nên khái niệm công chức ở các nước là không giống nhau. Ví dụ, ở Anh và một số nước thuộc khối Liên hiệp Anh, công chức bao gồm những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, nhưng không bao gồm thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng do bầu cử hoặc bổ nhiệm, cũng không bao gồm quan tòa, những người làm việc trong các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp, không bao gồm cả quân nhân. Ở Mỹ, Canada, công chức được gọi là nhân viên chính phủ. Đó là những người làm thuê cho Chính phủ, kể cả những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công cộng, những nhà quản lý trong các xí nghiệp do Chính phủ kinh doanh, nhưng không bao gồm những quan chức do bầu cử hoặc bổ nhiệm và những người do quan chức thuê với danh nghĩa cá nhân. Ở Nhật bản và Hàn quốc, công chức là những người làm việc trong cơ quan nhà nước, quốc hội, tòa án, xí nghiệp và đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Luật công chức không áp dụng đối với những người do bầu cử hoặc bổ nhiệm.

Mặc dầu phạm vi công chức ở các nước có rộng hẹp khác nhau, nhưng đa số các nước coi công chức là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, nhưng không tính những người do bầu cử và bổ nhiệm.

Ở Trung Quốc, công chức là những cán bộ làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trừ nhân viên bình thường, tức là những người làm việc trong cơ quan quốc vụ viện, cơ quan chính quyền tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố (châu tự trị), huyện, xã (thị trấn), không tính nhân viên bình thường.

So với các nước khác, việc xác định phạm vi công chức ở Trung Quốc có hai đặc điểm: Một là, những cán bộ do đại hội đại biểu nhân dân các cấp bầu ra và quyết định bổ nhiệm cũng là công chức. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm những công chức này không giống việc bổ nhiệm, miễn nhiệm những công chức thông thường mà phải theo trình tự do pháp luật quy định, còn các mặt khác thì giống như công chức bình thường. Hai là, đối với những cán bộ chuyên trách trong cơ quan quyền lực nhà nước, tòa án, viện kiểm sát, khi ban hành chế độ công chức năm 1993, không đưa vào phạm vi công chức mà chỉ áp dụng một số chế độ công chức giống như một số đơn vị sự nghiệp có chức năng quản lý hành chính. Nguyên nhân là việc cải cách chế độ công chức cần có một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm nên lúc đầu chưa muốn mở rộng phạm vi. Ngoài ra, việc quản lý những cán bộ này không hoàn toàn giống việc quản lý cán bộ của cơ quan hành chính. Nhưng qua quá trình nghiên cứu về lý luận cũng như thực tiễn cho thấy, những cán bộ đó vẫn nên đưa vào phạm vi công chức và xây dựng thành quy phạm thống nhất.

Phân loại công chức

Công chức là một lực lượng đông đảo ở các nước. Muốn quản lý công chức một cách hữu hiệu, trước hết phải phân loại công chức.Việc phân loại công chức có liên quan đến cơ cấu công chức, chế độ công chức và là cơ sở để khoa học hóa công tác quản lý.

Phương pháp phân loại công chức, tiêu chuẩn phân loại công chức ở các nước là không giống nhau. Cụ thể, căn cứ vào nguyên tắc sử dụng và yêu cầu chính trị, có thể chia ra công chức chính vụ và công chức nghiệp vụ. Căn cứ theo chủ thể sử dụng, có thể chia thành công chức quốc gia và công chức địa phương. Căn cứ theo tính chất cơ quan, có thể chia ra thành công chức cơ quan hành chính, công chức cơ quan lập pháp, công chức cơ quan tư pháp. Căn cứ theo phương thức sử dụng, có thể chia ra thành công chức bổ nhiệm và công chức làm thuê. Căn cứ theo thời gian sử dụng, có thể chia ra công chức thường xuyên và công chức theo nhiệm kỳ. Căn cứ theo tính chất nghiệp vụ, có thể chia thành công chức của các ngành nghề khác nhau.

Nói chung, có hai cách phân loại công chức. Một là phân loại theo tầng nấc chính trị. Ví dụ, công chức chính vụ và công chức nghiệp vụ, công chức trung ương và công chức địa phương. Đối với các nước theo chế độ chính trị đa đảng, cách phân loại này là không thể thiếu được, nhưng ở các nước không theo chế độ chính trị đa đảng thì không nhất thiết cần đến. Đối với những nước theo chế độ liên bang, việc phân chia công chức trung ương và địa phương là cần thiết, nhưng ở các nước không theo chế độ liên bang thì không cần thiết. Hai là phân loại theo tầng nấc quản lý. Ví dụ, phân loại theo phương thức sư dụng, tính chất ngành nghề, theo cấp bậc công chức.

Phương pháp phân loại tầng nấc quản lý chủ yếu có hai dạng. Một là phân loại theo tính chất công việc, mức độ khó dễ, trách nhiệm nặng nhẹ, điều kiện cần có. Ví dụ, ở Mỹ chia các chức vị trong chính quyền thành 27 nhóm, 569 ngành nghề, 18 chức. Cách phân công này có ưu điểm là tiêu chuẩn khách quan, chức quyền rõ ràng, công việc như nhau thì hưởng lương như nhau, đây là một cách phân công quản lý một cách khoa học. Nhược điểm của nó là khó phân loại, quá tỉ mỉ, tiêu chuẩn cứng nhắc, không có lợi cho việc đào tạo nhân tài toàn diện và phát huy tính năng động của công chức. Hai là phân loại theo phẩm hàm, tức là căn cứ vào trình độ học vấn, quá trình làm việc, chức vụ cao thấp. Nước Anh là điển hình của cách phân loại này.

Do sự phát triển của xã hội, phương pháp và tiêu chuẩn phân loại công chức cũng thay đổi. Ví dụ, trước kia nguyên tắc thành tích không áp dụng đối với những công chức chính vụ, chỉ áp dụng đối với công chức nghiệp vụ, nhưng hiện nay phạm vi không áp dụng nguyên tắc thành tích đã được mở rộng, bao gồm:

-  Những người do dân bầu ra như tổng thống, phó tổng thống, thống đốc bang, thị trưởng, huyện trưởng

-  Những người của các ủy ban đặc biệt

-  Những người được bổ nhiệm, tức là những người được các chức vụ dân cử đề nghị và quốc hội đồng ý như bộ trưởng.

-  Các chuyên gia được thuê theo hợp đồng đặc biệt. Trước kia, các công chức nghiệp vụ thực hiện chế độ làm việc lâu dài, nhưng bây giờ số người làm việc theo hợp đồng đang tăng lên nhiều.

Ở Trung Quốc, không phân loại công chức theo chính vụ và nghiệp vụ, cũng không phân loại thành công chức trung ương và địa phương mà phân thành công chức giữ cương vị lãnh đạo và công chức không giữ cương vị lãnh đạo.

Theo quy định hiện nay, công chức Trung Quốc có 15 bậc, tương ứng với 12 chức vụ. Ví dụ, Thủ tướng quốc vụ viện là bậc 1, phó thủ tướng bậc 2, ủy viên quốc vụ viện là bậc 2-3, bộ trưởng, tỉnh tưởng là bậc 3-4, thứ trưởng, phó tỉnh trưởng bậc 4-5, vụ trưởng, giám độc sở, thanh tra bậc 5-7, vụ phó, phó giám đốc sở, trợ lý thanh tra bậc 6-8, trưởng phòng, huyện trưởng, nghiên cứu viên bậc 7-10, phó trưởng phòng, phó huyện trưởng, trợ lý nghiên cứu viên bậc 8-11…

Nội dung chủ yếu của chế độ công chức bao gồm những quy phạm quản lý về các mặt tuyển dụng, sát hạch, khen thưởng, xử phạt, thăng cấp, đào tạo, tiền lương, phúc lợi, về hưu, quyền và nghĩa vụ của công chức, kỷ luật, bảo đảm quyền lợi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy định cụ thể của mỗi nước không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, có nước quy định công chức mới tuyển dụng không được qúa 35 tuổi, cũng có nước không quy định độ tuổi.Có nước quy định tuổi về lưu của công chức nam và nữ khác nhau. Nhưng về tinh thần và nguyên tắc thì các nước có nhiều điểm giống nhau hoặc gần giống nhau như cạnh tranh công bằng, chức quyền rõ ràng, kỷ luật nghiêm minh, quản lý bằng pháp luật.

Chế độ công chức của Trung Quốc hiện nay vừa kế thừa những truyền thống tốt đẹp trong chế độ công chức trước đây như Đảng quản lý cán bộ, dùng người theo tiêu chuẩn, đức tài trọn vẹn, phục vụ nhân dân, cần kiệm liêm chính, đồng thời có những cải cách quan trọng về phương thức, phương pháp quản lý, tiếp thu và nhấn mạnh những nguyên tắc, yêu cầu cơ bản được sử dụng phổ biến trong công tác quản lý nhân sự, phù hợp với kinh tế thị trường và nền chính trị dân chủ.

Chế độ công chức ngày càng được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, trên cơ sở sử dụng năng lực, tuy nhiên, cần phải tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng tuyển dụng, bổ nhiệm công chức căn cứ trên những vấn đề như:

Thứ nhất, kiên trì nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh, chọn người tốt.Khi tuyển dụng công chức, cơ quan chính quyền các cấp đều tổ chức thi tuyển công khai, nghiêm túc.Điều kiện dự tuyển, phương pháp và trình tự thi tuyển đều được thông báo công khai. Mọi công dân có đủ điều kiện quy định đều có quyền và cơ hội dự tuyển, không phân biệt gia đình, xuất thân, nam nữ, nghề nghiệp, tình trạng tài sản. Việc thăng cấp cho công chức đều phải căn cứ theo tiêu chuẩn đức tài kết hợp, chú trọng thành tích công tác thực tế, thông qua sát hạch, khảo sát để lựa chọn.

Thứ hai, quy định rõ chức trách, kiểm tra chặt chẽ, xây dựng chế độ trách nhiệm trong công tác, dùng kết quả công tác để xem xét việc thưởng phạt, thăng cấp, nâng lương.

Thứ ba, công chức có thể vào ra, lên, xuống. Một mặt, cần thông qua sát hạch công khai để thu hút, tuyển dụng người giỏi, thông qua trao đổi để cải thiện cơ cấu cán bộ. Mặt khác, cần kiện toàn chế độ nghỉ hưu. Khi công chức không muốn làm việc trong cơ quan nữa, có thể từ chức theo yêu cầu và trình tự do pháp luật quy định. Đối với những người không nên tiếp tục làm việc trong cơ quan, cơ quan quản lý sẽ trên cơ sở sát hạch, căn cứ vào những điều kiện đã quy định để cho thôi việc. Đối với một số chức vụ, có thể áp dụng chế độ thuê, khi hết thời hạn, có thể rời khỏi cơ quan. Ngoài ra, nên từng bước hạn chế độ tuổi tối đa của các chức vụ nhằm tạo ra cơ cấu hợp lý về tuổi tác của công chức, tăng cường sức sống cho cơ quan.

Thứ tư, nêu cao yêu cầu liêm khiết. Vừa tăng cường giáo dục, vừa có chế độ phòng ngừa cần thiết, coi liêm khiết là một chuẩn mực quan trọng đối với công chức. Điều này phải được quán triệt trong các khâu quyền lợi và nghĩa vụ, tuyển dụng, sát hạch, thăng cấp. Đồng thời với việc giáo dục công chức, cần xây dựng chế độ kỷ luật nghiêm minh, những người vi phạm phải bị trừng phạt, có những hạn chế đối với một số công chức trong việc sử dụng người nhà, tránh mưu lợi cá nhân. Đối với một số công chức giữ một số cương vị đặc biệt, cần có chế độ định kỳ thay đổi nhằm giảm bớt ảnh hưởng của quan hệ xã hội đối với họ, đảm bảo cho công chức làm việc đúng pháp luật. Ngoài ra, cần hoàn thiện chế độ tiền lương, không ngừng nâng cao mức lương, tạo môi trường hành chính liêm khiết.

Thứ năm, kiện toàn hệ thống pháp chế, thực hiện việc quản lý theo pháp luật, nguyên tắc pháp trị trong quản lý nhân sự, ban hành luật công chức nhà nước để quản lý công chức có chỗ dựa về pháp lý. Khi quyền lợi chính đáng của công chức bị xâm phạm, có thể khởi kiện. Các quy định về quản lý công chức đều được thông báo công khai cho xã hội và chịu sự giám sát của xã hội.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành