Khi một vấn đề xã hội đã trở thành vấn đề chính sách thì cần nghiên cứu nhiều phương án để giải quyết vấn đề từ đó chọn ra một phương án tối ưu nhất. Xây dựng chính sách là một quá trình vận động, bao gồm nhiều khâu hoặc nhiều bước. Khi xây dựng một chính sách, có hai vấn đề cần lựa chọn, đó là lựa chọn mục tiêu và lựa chọn phương án chính sách.
Quá trình xây dựng phương án chính sách gồm ba bước, đó là chẩn đoán vấn đề; xác định mục tiêu chính sách; dự thảo các phương án để lựa chọn. Quá trình xây dựng một chính sách là một quá trình liên tục từ đầu tới cuối, bao gồm nhiều khâu, ảnh hưởng lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Như vậy, sẽ vừa có thể phát huy tác dụng của tổng thể, vừa có thể phát huy tác dụng của từng khâu.
Nêu vấn đề -> Xác định mục tiêu-> Dự thảo các phương án-> Lựa chọn phương án tối ưu-> Thực thi chính sách
Như vậy, qua phân tích quá trình xây dựng phương án chính sách, có thể thấy rằng quá trình xây dựng chính sách là một thể thống nhất, do nhiều khâu hợp thành, không thể tự ý giảm khâu nào; các khâu đó tạo thành một quá trình khép kín, tác động lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau; quan hệ giữa các khâu tương đối phức tạp, không thể thao tác theo thứ tự mà phải xuất phát từ thực tế.
Để xây dựng chính sách cần chú ý tới các nhân tố cơ bản. Quá trình xây dựng chính sách có hai nhân tố cơ bản. Đó là mục tiêu chính sách và phương án chính sách. Sau khi có mục tiêu đúng thì không những có thể có hướng phấn đấu mà còn có thể căn cứ vào mục tiêu đó để dự thảo các phương án chính sách rồi từ đó lựa chọn phương án tối ưu. Có mục tiêu đúng sẽ có thể cơ bản thống nhất tư tưởng của những người tham gia toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi chính sách, dù tín ngưỡng, quan niệm giá trị và lợi ích của họ khác nhau, khiến họ hợp tác với nhau một cách hữu hiệu, đồng thời cung cấp tiêu chuẩn để đánh giá kết quả chính sách. Một là việc thiết kế mục tiêu phải chính xác. Hai là những người tham gia có nhận thức thống nhất đối với mục tiêu chính xách. Phải đi sâu, phân tích toàn diện, phân biệt rõ đâu là mục tiêu chủ yếu (phải thực hiện), đâu là mục tiêu thứ yếu (cố gắng thực hiện), đâu là mục tiêu thứ yếu hơn (mong muốn thực hiện).
Để bảo đảm xác định mục tiêu một cách chính xác, cần đạt được các yêu cầu sau:
Thứ nhất, mục tiêu chính sách phải rõ ràng, cụ thể. Phân phối lợi ích một cách công bằng là xuất phát điểm của chính sách. Mục tiêu chính sách phải phù hợp với nguyên tắc công bằng, mục tiêu phải cao hơn mức thực hiện nhằm tạo ra tác dụng khích lệ, đồng thời có mức độ khó khăn nhất định để mọi người cảm thấy có động lực phấn đấu có thể thực hiện được. Mục tiêu phải có tính khả thi, xuất phát từ thực tế, phân tích toàn diện điều kiện khách quan, chủ quan để mục tiêu được xây dựng trên cơ sở khách quan vững chắc.
Thứ hai, các mục tiêu phải hài hòa. Một chính sách thường là sự kết hợp hữu cơ của nhiều mục tiêu. Nếu một hệ thống càng lớn, càng phức tạp thì càng phải nghĩ đến nhiều mục tiêu. Giữa các mục tiêu phải có sự hài hòa. Để thực hiện sự hài hòa giữa các mục tiêu, cần củng cố tính đồng nhất về phương hướng của các mục tiêu. Một hệ thống chính sách có nhiều mục tiêu. Việc thực hiện một mục tiêu có nhiều biện pháp. Do đó, sự phối hợp giữa mục tiêu và biện pháp rất phức tạp, để tránh sự đối lập giữa các mục tiêu của chính sách, cần chú trọng sự phối hợp giữa các biện pháp.
Thứ ba, phải có sự thống nhất giữa mục tiêu và biện pháp. Một hệ thống chính sách là một hệ thống mục tiêu rõ ràng về tầng nấc. Ngoài mục tiêu tổng thể, còn có nhiều mục tiêu con. Trong cơ cấu mục tiêu do mục tiêu tổng thể và các mục tiêu cụ thể tạo nên, các biện pháp để thực hiện mục tiêu của cấp trên thường là mục tiêu của cấp dưới, hoặc có thể nói mục tiêu của cấp dưới là biện pháp của cấp trên. Do đó, không thể chỉ xem xét mục tiêu của một cấp nào đó mà phải xem xét mối quan hệ giữa mục tiêu của cấp trên và mục tiêu của cấp dưới, không nên dùng mục tiêu của cấp trên để thay thế mục tiêu của cấp mình, cũng không nên dùng mục tiêu của cấp mình để can thiệp vào mục tiêu của cấp dưới.
Thiết kế phương án chính sách công
Trước khi quyết định phương án chính sách, cần thiết kế ít nhất là hai phương án, nêu rõ ưu, khuyết điểm của mỗi phương án rồi chọn lấy một phương án tốt nhất, không nên chỉ đưa ra một phương án. Việc lựa chọn phương án chính sách, trên thực tế là lựa chọn các yếu tố của hoạt động thực tiễn và phương án kết hợp các yếu tố đó. Trước hết là lựa chọn chủ thể thực tiễn, tức là giải quyết vấn đề “ai làm, ai không làm, ai làm là chính, ai làm là thứ yếu”. Chủ thể thực tiễn có thể là cá nhân, có thể là nhóm người. Tiếp đó là lựa chọn phương pháp hành động. Điều này có liên quan trực tiếp đến khả năng thực hiện mục tiêu và mức độ thực hiện. Cuối cùng là lựa chọn thời gian giải quyết, nơi giải quyết vấn đề, tức là giải quyết vấn đề điều kiện và môi trường tác động lẫn nhau giữa các khách thể của thực tiễn.
Khi dự thảo các phương án để lựa chọn, cần chú ý ba vấn đề:
- Các phương án được đưa ra để lựa chọn cần bao gồm tất cả các phương án đã chuẩn bị, bởi vì phương án bị bỏ sót có thể là phương án tốt nhất.
- Mỗi phương án được đưa ra phải là phương án độc lập. nếu các biện pháp hành động của phương án A đều có trong phương án B thì phương án A không thể coi là phương án độc lập.
- Các phương án được dự thảo phải xét đến nhiều nhân tố và mối quan hệ giữa chúng với nhau vì hành vi của chính phủ có đặc tính là liên quan đến nhiều mặt, nhiều mối liên hệ, nhiều tầng nấc phức tạp.
Việc dự thảo các phương án là một quá trình vận động, bao gồm nhiều bước, từ ý tưởng, thiết kế đến phân tích, sơ tuyển, đánh giá, đào thải. Quá trình này thường được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn mạnh dạn tìm tòi và giai đoạn thiết kế cụ thể.
Giai đoạn mạnh dạn tìm tòi là giai đoạn đưa ra ý tưởng sơ bộ cảu phương án. Đây là khâu then chốt trong việc xây dựng phương án. Trong giai đoạn này, người ta thường dựa vào kinh nghiệm và tri thức đã có đặc biệt là kinh nghiệm thành công. Nhưng không phải kinh nghiệm nào cũng thích hợp cho mọi tình huống. Do đó, cần phải biết kinh nghiệm nào là thích hợp, kinh nghiệm nào là không thích hợp, đồng thời phải nâng kinh nghiệm lên tầm lý luận, dùng tư tưởng khoa học để bổ sung cho kinh nghiệm. Giai đoạn này gồm hai nội dung chủ yếu: Một là đưa ra nhiều phương án chính sách để thực hiện mục tiêu đã định. Hai là vẽ sơ đồ của các phương án. Phải đảm bảo tính toàn diện và đa dạng của các phương án, dùng nhiều biện pháp, đưa tất cả các phương án đã chuẩn bị để lựa chọn.
Giai đoạn thiết kế chủ yếu gồm hai việc: Một là cụ thể hóa các phương án đã chuẩn bị, xác định các nhân tố và biện pháp quan trọng. Hai là đánh giá hiệu quả của phương án. Nếu không có sự đánh giá này thì sẽ không phân biệt được ưu, nhược điểm của mỗi phương án, do đó sẽ khó lựa chọn. Vì vậy, cần tính toán kỹ lưỡng, chứng minh nghiêm túc, kể cả việc xem xét các ý kiến phản đối, hoài nghi.
Phương pháp xây dựng chính sách công được sử dụng rộng rãi nhất là phương pháp trưng cầu ý kiến các chuyên gia. Đây là phương pháp căn cứ vào lĩnh vực có liên quan để nêu vấn đề với các chuyên gia. Sau khi có ý kiến trả lời, tiến hành tổng hợp, chỉnh lý, tập hợp rồi chuyển đi. Sau nhiều lần như vậy sẽ có được những ý kiến tương đối hữu dụng. So với phương pháp tổ chức hội thảo, phương pháp này có ưu điểm là:
Thứ nhất, những chuyên gia được trưng cầu ý kiến không biết nhau, do đó họ có thể thẳng thắn bộc lộ quan điểm, ý kiến, thay đổi quan điểm khi cần thiết, các luận điểm khác nhau đều có thể được đưa ra.
Thứ hai, qua các bản trưng cầu ý kiến của những lần khác nhau, các chuyên gia có thể biết được ý kiến của tập thể, lý do tán thành hay không tán thành trên cơ sở đó, đưa ra ý kiến mới.
Thứ ba, qua nhiều lần trưng cầu, có thể biết được ý kiến của tất cả các chuyên gia, tìm ra ý kiến thống nhất của đa số chuyên gia.
Việc sử dụng phương pháp này phải trải qua các bước sau:
Một là phải căn cứ vào lĩnh vực của vấn đề cần nghiên cứu, đưa ra bản kê các vấn đề cần thảo luận và hình thành bảng kê câu hỏi.
Hai là, cần lựa chọn đối tượng trưng cầu ý kiến
Những người được trưng cầu ý kiến không nhất thiết là chuyên gia trong lĩnh vực đó, mà là những người có quan điểm khác nhau. Khi đã chọn được một người thì đề nghị người đó giới thiệu hai người cùng quan điểm, cho đến lúc có được một số lượng người cần thiết để trưng cầu ý kiến.
Ba là, việc thiết kế câu hỏi phải làm nhiều lần. Các câu hỏi phải thể hiện được chủ đề, câu hỏi phải đơn giản, số lượng câu hỏi nên vừa phải, khi cần phải hướng dẫn tài liệu tham khảo, ở vòng thứ nhất, cần nêu rõ mục tiêu của việc đó, những điều kiện để thực hiện mục tiêu, biện pháp thực hiện mục tiêu, phân loại và phân cấp, tầm quan trọng của các đề mục có liên quan.
Bốn là, cần tính toán và phân tích những ý kiến giống nhau, khác nhau, tạo cơ sở cho vòng xin ý kiến lần hai.
Năm là, tổ chức diễn đàn để những người có liên quan thảo luận trực tiếp, phát biểu ý kiến.
Sáu là, viết báo cáo trình bày tất cả các ý kiến khác nhau, gửi đến người có thẩm quyền để lựa chọn phương án tối ưu.
Như vậy, có thể thấy, việc xây dựng chính sách cần có sự nghiên cứu, đầu tư và có phương pháp cụ thể. Tính hiệu quả của chính sách không chỉ phụ thuộc vào nội dung chính sách mà còn phụ thuộc vào phương pháp và kỹ thuật xây dựng chính sách đó.