Thứ tư, 25 Tháng 4 2018 07:33

Một số kiến nghị đối với các quy định về thi hành án tử hình trong luật Thi hành án hình sự

1. Khái quát sự hình thành các chế định liên quan đến thi hành án tử hình

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với việc xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 1946, ghi nhận chế độ xã hội, chế độ nhà nước, các nguyên tắc pháp lý của nền dân chủ nhân dân, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước, các quyền tự do dân chủ của công dân..., Nhà nước dân chủ nhân dân đã ban nhiều văn bản quan trọng về lĩnh vực hình sự quy định hệ thống tội danh và các loại hình phạt như: Sắc lệnh số 06/SL ngày 15/11/1946 về việc truy tố những người ăn trộm, ăn cắp, tự ý phá hủy, cắt dây điện thoại, điện tín; Sắc lệnh số 46/SL ngày 25/01/1946 về việc truy tố tội phá hủy công sản; Sắc lệnh số 223/SL ngày 17/11/1946 về trừng trị các tội hối lộ... Các hình phạt quy định trong thời kỳ này là tử hình, phạt tù, phạt tiền, quản chế, cấm làm một số nghề, cấm đảm nhiệm chức vụ, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản.

Song song với việc ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực hình sự, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thi hành án hình sự, quy định thủ tục, trình tự, cách thức thi hành án các loại hình phạt, vừa tạo cơ sở pháp lý cho việc thi hành án hình sự, vừa từng bước xác định vị trí, vai trò quan trọng của công cụ pháp luật trong quản lý nhà nước về công tác thi hành án hình sự.

Trong hoàn cảnh đất nước vừa giành được độc lập lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng kế thừa truyền thống lập pháp của các thời kỳ trước, pháp luật Thi hành án hình sự nước ta đã kịp thời có một số quy định cơ bản về tổ chức thi hành án tử hình.

Hình thức thi hành hình phạt tử mình đã có nhiều thay đổi mang tính nhân đạo của chế độ mới so với chế độ phong kiến, trong thông tư số 498 của Bộ Tư pháp ban hành ngày 31/10/1946 quy định Thi hành án tử hình từ nay dùng súng thay máy chém. Các quy định về chuẩn bị và kết thúc việc thi hành án cũng được quy định chi tiết trong Bản quy tắc trại giam được ban hành ngày 12/6/1951. Ngoài ra, trường hợp xét gảm án tử hình cũng được quy định cụ thể trong Thông tư số 335/ TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo thỉnh thị các vụ án tử hình như sau: sau khi Tòa án nhân dân đã lên án tử hình, phạm nhân vẫn có quyền đệ đơn lên Chủ tịch nước xin ân xá, ân giảm. Đơn xin ân xá, ân giảm do Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu chuyển lên Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp làm tờ trình lên Chủ tịch nước.

Pháp luật Thi hành án hình sự đã có những quy định cụ thể hơn về công việc chuẩn bị thi hành án tử hình: trình tự, thủ tục từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc cuộc thi hành án; những điều cần chú ý trong việc thi hành án tử hình và những trường hợp đặc biệt cần hoãn thi hành án tử hình kể từ sau năm 1954.

Do hướng dẫn Công an các địa phương thống nhất trong việc thi hành án tử hình, ngày 13/02/1974, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 138/KCT1 về việc thi hành án phạt tử hình. Nội dung của Chỉ thị đã quy định một số vấn đề như: lãnh đạo Khu, Sở, Ty Công an có thẩm quyền thành lập Hội đồng thi hành án phạt tử hình. Hội đồng thi hành án phạt tử hình gồm: đại diện cơ quan Công an, đại diện Viện kiểm sát nhân dân, đại diện Tòa án nhân dân, bác sỹ pháp y, người chứng kiến việc thi hành án là một đại diện của Ủy ban hành chính cơ sở nơi bố trí pháp trường; trình tự, cách thức thi hành án phạt tử tình; các trường hợp đặc biệt cần hoãn thi hành án phạt tử hình:

Phạm nhân tự thú những tội phạm nghiêm trọng khác của y mà thấy những việc cần điều tra, xác minh thêm để có kết luận; phạm nhân tố giác tội phạm của người khác mà xét thấy những việc có tính chất nghiêm trọng và việc điều tra, kết luận nhất thiết phải có mặt phạm nhân; phạm nhân kêu oan mà xét thấy việc đó có thể có căn cứ

Chỉ thị trên cũng đã qui định cụ thể thủ tục hoãn thi hành án phạt tử hình:

Nếu xảy ra trường hợp phải hoãn thi hành án phạt tử hình thì Sở, Ty Công an phải đề nghị với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng nhau bàn bạc tập thể trước khi tạm hoãn và phải báo cáo hỏa tốc lên Bộ để Bộ đưa ra bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao xét và quyết định ”.

Sau khi Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 138/KCT1, ngày 13/02/1974, Tòa án nhân dân ra Chỉ thị số 07/TATC ngày 12/3/1975 hướng dẫn nhiệm vụ cua Tòa án nhân dân trong thi hành án phạt tử hình. Chỉ thị đã quy định nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tống đạt cho phạm nhân quyết định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán: Tòa án nhân dân duyệt án tử hình (trường hợp phạm nhân không xin ân giảm) hoặc quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội (trường hợp phạm nhân có đơn xin ân giảm); nhiệm vụ công bố tóm tắt tội trạng của phạm nhân trước khi phạm nhân bị hành hình.

Trên cơ sở thực tiễ, kế thừa và phát triển những kinh nghiệm trong lĩnh vực Thi hành án hình sự từ những giai đoạn lịch sử đã qua, đồng thời quán triệt và thể hiện đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành BLHS và BLTTHS.

Ngày 27/6/1985, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua BLHS. Bộ luật hình sự có hiệu lực từ ngày 01/01/1986. Việc ban hành BLHS là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới trong kỹ thuật lập pháp ở nước ta nói chung và lĩnh vực hình sự nói riêng. Lần đầu tiên, chúng ta có một bộ luật mang tính pháp điển hóa cao. Kế thừa và trên cơ sở của BLHS năm 1985, ngày 21/12/1999, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X thông qua BLHS mới. BLHS năm 1999 đã quy định cụ thể chi tiết hệ thống hình phạt ở nước ta. Nó giúp cho việc áp dụng luật hình sự của các cơ quan bảo vệ pháp luật được thống nhất, đồng bộ hơn. Theo qui định của BLHS năm 1999, hệ thống hình phạt ở nước ta bao gồm các hình phạt chính như: cảnh cảo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình và các hình phạt bổ sung như: cấm đảm nhiệm những chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền khi không áp dụng hình phạt chính; trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính (Điều 28 BLHS năm 2003).

Kế tiếp sau việc ban hành BLHS ngày 28/6/1988, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua BLTTHS, Bộ luật tố tụng hình sự đã dành hẳn một phần ( Phần V) về thi hành bản án và quyết định của Tòa án. Đây là một sự kiện quan trọng ghi nhận sự phát triển của pháp luật về Thi hành án hình sự ở nước ta. Lần đầu tiên trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao quy định cụ thể cách thức thi hành và các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành bản án và quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Kế thừa và phát huy trên cơ sở của BLTTHS năm 1988, ngày 26/11/2003 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX kỳ họp thứ tư đã thông qua BLTTHS mới.

Trong BLTTHS năm 2003 việc thi hành án phạt tử hình được qui định tại Chương XXVI ( Điều 258 và Điều 259). Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành được qui định cụ thể tại Điều 258 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án TANDTC và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong thời hạn 7 ngày, Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

2. Bản án tử hình được thi hành, nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng VKSNDTC không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm án tử hình.

Trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tích nước bác đơn xin ân giảm”.

Việc thi hành hình phạt tử hình được quy định tại Điều 259 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành hình phạt tử hình gồm đại diện Toà án, Viện kiểm sát và Công an. Hội đồng thi hành án phải kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành án.

Trong trường hợp người bị kết án là phụ nữ thì trước khi ra quyết định thi hành án, Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm phải tổ chức kiểm tra các điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 của BLHS. Nếu có căn cứ người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 của BLHS thì Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Trước khi thi hành án đối với người bị kết án là phụ nữ thì Hội đồng thi hành án ngoài việc kiểm tra căn cước, phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình được quy định tại Điều 35 của BLHS.

Trong trường hợp Hội đồng thi hành án phát hiện người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 của BLHS thì Hội đồng thi hành án hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

2. Trước khi thi hành án phải giao cho người bị kết án đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nếu người bị kết án có đơn xin ân giảm án tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

3. Hình phạt tử hình được thi hành bằng xử bắn.

4. Việc thi hành hình phạt tử hình phải được lập biên bản ghi rõ việc đã giao các quyết định cho người bị kết án xem, những lời nói của họ và những thư từ, đồ vật mà họ gửi lại cho thân thích.

5. Trong trường hợp có tình tiết đặc biệt, Hội đồng thi hành án hoãn thi hành và báo cáo Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”.

Như vậy, lần đầu tiên việc thi hành án phạt tử hình được quy định tại văn bản luật có tính pháp lý cao - BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003. Đây là những sự kiện pháp lý quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành về kỹ thuật lập pháp ở nước ta.

So với các quy định về thi hành án phạt tử hình được ban hành trong các văn bản pháp luật trước đó, các quy định trong BLTTHS năm 2003 mang tính nhân đạo hơn, đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp luật hơn. Từ BLTTHS năm 1988 đã bãi bỏ chế độ duyệt án tử hình được quy định trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 và quy định thêm trình tự kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc của Viện trưởng VKSNDTC.

2. Kiến nghị hoàn thiện các quy định về thi hành án phạt tử hình

Những năm gần đây, tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, số lượng người bị kết án tử hình đang giam giữ trong các trại tạm giam để chờ thi hành án còn nhiều đang gây khó khăn cho việc quản lý, giam giữ số người bị kết án tử hình ở các trại tạm giam.

Người bị kết án tử hình thường có những biểu hiện tâm lý không bình thường như chán nản, suy nhược thần kinh, liều lĩnh. Nếu không quản lý chặt chẽ, những người bị kết án tử hình rất dễ tự sát, trốn, hoặc có những hành động gây nên những hậu quả đáng tiếc khác. Thực tế cho thấy việc kéo dài thời gian đợi Viện kiểm sát nhân dân tối cao không phải để đảm bảo độ chính xác của bản án tử hình mà còn do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó có sự bất cập của pháp luật thực định quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục tố tụng và sự thiếu trách nhiệm, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ làm các công việc liên quan đến hoạt động Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo quy định của BLTTHS năm 2015 sau khi bản án tuyên phạt tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái phẩm. Đối với người bị kết án, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án có quyền gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước. Bản án tử hình chỉ được đưa ra thi hành, khi không có kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong thời hạn luật định và phải có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước (nếu người bị kết án có đơn xin ân giảm). Tuy vậy, BLTTHS năm 2015, chưa quy định thời hạn ra quyết định ân giảm, cũng như thời hạn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải gửi ý kiến của mình về việc xin ân giảm án tử hình của người bị kết án lên Chủ tịch nước. Những bất cập nói trên là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bản án tử hình chậm được thi hành, có nhiều trường hợp kéo dài đến hàng năm, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giam giữ của trại tạm giam.

Thứ hai, những trường hợp người bị kết án tử hình không đề nghị xem lại bản án, không làm đơn xin tha tội chết mà làm đơn kêu oan thì việc xét giải quyết thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Viện kiểm sát, Toa án). Các cơ quan này phải tiến hành thẩm tra xác minh lại, mất nhiều thời gian. Có trường hợp do các cơ quan tiến hành tố tụng không cẩn thận về hồ sơ tài liệu (không thống nhất về tên gọi, tuổi, địa chỉ, nơi cư trú của người bị kết án tử hình..,) buộc phải tiến hành thẩm tra xác minh lại, mất nhiều thời gian.

Thứ ba, về hình thức thi hành hình phạt tử hình được BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003 quy định thi hành bằng hình thức xử bắn, Tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất, kiến nghị nên thay hình thức xử bắn bằng hình thức như dùng ghế điện, tiêm thuốc độc... nhằm thể hiện hơn nữa tính nhân đạo của pháp luật XHCN, giảm bớt sự đau đớn về thể xác của người bị kết án, đồng thời khắc phục một số ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý cho cán bộ, chiến sỹ do không chịu nổi áp lực và căng thẳng về tâm lý cũng như những quan niệm đạo đức truyền thống nên đã không yên tâm công tác, thậm chí có cán bộ, chiến sỹ sau một số lần thi hành án đã có biểu hiện bất ổn về tinh thần Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/ 2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Mặt khác, việc thay hình thức thi hành hình phạt tử hình bằng xử bắn sang một hình thức tiêm thuốc độc cònthể giảm được một khoản chi phí đáng kể như xây dựng trường bắn.

Đối với gia đình, thân nhân người bị kết án tử hình xin thi thể về mai táng, nhằm loại bỏ khả năng có thể xảy ra những phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự pháp luật Thi hành án hình sự hiện hành không cho gia đình, thân nhân người bị kết án tử hình đưa thi thể người bị thi hành hình phạt tử hình về mai táng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, để thể hiện tính nhân đạo, nên cho phép gia đình, thân nhân người bị kết án tử hình được đưa thi thể người bị thi hành hình phạt tử hình về mai táng nhưng trước khi đưa phải có những điều kiện ràng buộc nhất định (như phải làm cam đoan với cơ quan có thẩm quyền).

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành