In trang này
Thứ sáu, 18 Tháng 5 2018 09:20

Giới thiệu tổng quan về sự phát triển của chế độ phúc lợi xã hội ở Nhật Bản

1. Giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ hai

Nhật Bản cũng như nhiều nước khác tồn tại từ lâu các hình thức sơ khai của phúc lợi xã hội. Sự trợ giúp trước hết trong gia đình, dòng họ và về sau của cộng đồng là những biểu hiện rất sinh động về vấn đề này. Nét độc đáo của phương Đông thể hiện ở tính cộng đồng, tương thân tương ái giữa con người với con người đã trở thành một truyền thống tốt đẹp từ xa xưa. Tuy vậy, các hoạt động trợ giúp chỉ mới thực hiện trong phạm vi hẹp với qui mô nhỏ. Ở đây, nhà chùa và gia đình đóng vai trò chủ yếu trong các hoạt động này. Gia đình không chỉ là nơi sinh ra, trưởng thành của mọi người mà còn là nơi chịu trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau: bố mẹ có trách nhiệm với con cái, người khoẻ giúp đỡ người yếu, người có điều kiện hỗ trợ người gặp khó khăn... Các hoạt động này chỉ tiến hành trong khuôn khổ gia đình và về sau tuy có được mở rộng ra cộng đồng, song qui mô và mức độ rất hạn chế. Nói chung cuộc sống của người dân còn rất nghèo, bản thân người Nhật Bản được giáo dục từ nhỏ rằng không được trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội bất kể nguyên nhân nào. Dù có khó khăn, nghèo khổ cũng phải có ý chí và nghị lực tự vươn lên. Do vậy, các hoạt động trợ giúp thường mang tính tự phát và không thường xuyên.

Bản thân nhà nước ở thời kỳ này vẫn chưa có một chế độ đầy đủ với tư cách là một hoạt động phúc lợi chung. Có chăng nhà nước chỉ ban hành một số qui tắc chính sách hướng dẫn chung về sự trợ giúp xã hội. Có thể nêu ra một số qui định: chẳng hạn, biện pháp giúp đỡ người có thu nhập thấp trong bộ luật Taishi của Shotoku Taishi năm 701, hoặc luật “cứu bần” năm 1921, luật “cứu hộ” năm 1932. Những năm tiếp theo nhà nước đã có một số văn bản liên quan đến trợ giúp xã hội như giúp đỡ bà mẹ trẻ em (năm 1936), phụ cấp cho quân nhân (năm 1936), luật bảo hiểm y tế (năm 1941). Có thể nhận xét rằng ở giai đoạn trước chiến tranh phúc lợi xã hội với tư cách là một chế độ xã hội ở Nhật Bản thì chưa có gì phải bàn luận. Nhìn chung các hoạt động phúc lợi mang tính chất tự phát, qui mô và phạm vi nhỏ bé. Mặc dù nhà nước có ban hành một số qui định có nhiều bộ luật khá tiến bộ, song tính hiệu lực của nó trong thực tế còn kém. Thậm chí một số qui định của nhà nước chỉ được áp dụng ở một số khu vực hạn hẹp. Sự tham gia của nhà nước với tư cách là chủ thể chính của phúc lợi xã hội thường giới hạn ở mức tối thiểu.

Tuy vậy, các hình thức phúc lợi ở giai đoạn này đã tạo những tiền đề cần thiết cho các hoạt động phúc lợi xã hội sau này. Đặc biệt, sự giúp đỡ lẫn nhau đã dần dần trở thành ý thức và tình cảm của người dân và là nét đẹp truyền thống góp phần tạo nên sự ổn định và hài hoà trong xã hội. Xét ở góc độ đó sự đóng góp của những loại hình phúc lợi ban đầu này là hết sức quí giá và vô cùng cần thiết đối với sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

2. Giai đoạn từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay

Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay với một quãng thời gian chưa dài, bằng sự nỗ lực của chính mình Nhật Bản đã có những bước tiến nhảy vọt làm cho cả thế giới kinh ngạc. Cùng với thành tựu về tăng trưởng kinh tế, Nhật Bản cũng là nước gặt hái được nhiều kết quả về bảo đảm xã hội, trong đó có phúc lợi xã hội.

Để nghiên cứu sự phát triển của chế độ phúc lợi xã hội ở Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay có thể chia làm 3 thời kỳ chủ yếu: giai đoạn 1945- 1960, 1960-1973, và từ 1973 đến nay. Việc phân chia thành các giai đoạn để xem xét nội dung phúc lợi hoàn toàn mang tính chất tương đối. Trên thực tế có thể tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau mà người ta có cách phân định khác nhau. Ở đây, khi xem xét sự phát triển của chế độ phúc lợi của Nhật Bản chúng tôi căn cứ vào sự phân kỳ của các giai đoạn phát triển kinh tế của nước này.

a) Giai đoạn 1945-1960

Có thể nói đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của nước Nhật và cũng là thời kỳ mà “ý chí Nhật Bản” lại một lần nữa được thể hiện. Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng là thời điểm mà Nhật Bản bị kiệt quệ về mọi mặt. Hầu hết các cơ sở kinh tế chủ yếu của đất nước bị huỷ hoại. Đối với chính phủ và mỗi người dân lúc đó không có mục đích cấp thiết nào khác là cố gắng bảo đảm cho mình và gia đình được cung cấp những thứ thiết yếu như lương thực, quần áo, nhà cửa. Trong khi đó quân Đồng minh chiếm đóng ở đây ít quan tâm đến nhu cầu nhân đạo và cấp bách này mà tập trung vào các nhiệm vụ duy trì trật tự trong nước, nhanh chóng cải tổ và thay đổi thể chế kinh tế chính trị Nhật Bản. Mục tiêu của họ là thực hiện “phi quân sự hoá và dân chủ hoá” nhằm không để Nhật Bản trở thành mối đe dọa đối với các dân tộc và hoà bình thế giới.

Cùng với các cuộc cải cách khác, quân Đồng minh đã tiến hành cải cách chế độ phúc lợi xã hội của Nhật Bản. Mục tiêu của cải cách dù được tuyên bố là dân chủ song vẫn không ngoài ý định kiểm soát và thống trị Nhật Bản một cách gián tiếp. Bộ Tổng tư lệnh Đồng minh đã đưa ra 3 nguyên tắc chủ đạo chi phối toàn bộ chế độ phúc lợi của Nhật Bản.

Nguyên tắc thứ nhất, bình đẳng không phân biệt đối xử. Đây là nguyên tắc nhằm đưa lại công bằng bình đẳng trong việc hưởng thụ chế độ phúc lợi xã hội. Xét ở góc độ công bằng và nhân đạo việc đưa ra nguyên tắc này là hoàn toàn đúng đắn. Song nhiều nhà nghiên cứu phúc lợi Nhật Bản cho rằng mục tiêu của quân Đồng minh nhằm vào việc xoá bỏ các ưu tiên, ưu đãi đối với quân nhân, gia đình họ, một chế độ đã được duy trì trước chiến tranh và trong suốt thời gian chiến tranh.

Nguyên tắc thứ hai, đề cao vai trò và trách nhiệm của nhà nước. Nguyên tắc này khẳng định trách nhiệm quản lý điều hành các hoạt động phúc lợi xã hội của nhà nước không giao phó cho tư nhân.

Nguyên tắc thứ ba, không hạn chế số tiền trợ cấp. Mục đích của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo cho người dân một cuộc sống tối thiểu. Vì thế về mặt tài chính không được hạn chế vì bất kỳ lý do nào. Nếu so với trước chiến tranh thì nguyên tắc này khác rất nhiều và có thể coi đây là một sự thay đổi lớn lao. Bởi lẽ, trước chiến tranh người ta chỉ qui định cung cấp một số tiền cụ thể (1 ngày một người được trợ cấp 25 xu hay một gia đình chỉ được cấp 1 ngày 1 yên trở xuống). Vì thế, dù có biến động thì mức sống tối thiểu phải được duy trì, đây được coi là nguyên tắc chỉ đạo.

Trên cơ sở 3 nguyên tắc cơ bản trên chính phủ đã ban hành một hệ thống văn bản pháp luật làm cơ sở cho các hoạt động phúc lợi và triển khai các hoạt động này trong thực tế. Một số nội dung cụ thể của chế độ phúc lợi đã được thực hiện.

Thứ nhất, tiến hành trợ giúp cho những người gặp khó khăn.

Sau chiến tranh một bộ phận khá lớn dân cư Nhật Bản rơi vào hoàn cảnh khó khăn túng thiếu. Để giúp họ có một cuộc sống tối thiểu mà nhà nước đã tiến hành trợ giúp khẩn cấp và thường xuyên. Điều này được qui định rất rõ trong “cương lĩnh về đảm bảo khẩn cấp cuộc sống với những người khó khăn” mà nội các ban hành vào tháng 4/1946 có hiệu lực tháng 10/1946.

Thứ hai, ưu tiên cho việc chăm sóc trẻ em và những người tàn tật.

Mặc dù, chính quyền mới của Nhật Bản bề bộn với nhiều công việc cần giải quyết để ổn định và phát triển xã hội. Song việc chăm sóc trẻ em được chính phủ hết sức ưu tiên. Xác định trẻ em là nguồn lực cho tương lai và là lớp người quyết định đến sự phát triển sau này của đất nước, vì thế việc giành ưu đãi cho trẻ em là một việc làm hết sức thông minh. Điều đáng chú ý là nhiệm vụ chăm sóc trẻ em không chỉ chú trọng trẻ em nói chung mà cả với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Điều này được cụ thể hoá bằng luật “phúc lợi trẻ em” ban hành năm 1947, tiếp đó “Hiến chương về trẻ em” năm 1951, “luật ưu tiên liên quan đến vay vốn trong chế độ phúc lợi bà mẹ trẻ em năm 1952”. Ngoài trẻ em, những người tàn tật cũng là đối tượng được ưu tiên của thời kỳ này. Thực tế, sau chiến tranh ở Nhật Bản số lượng người bị tàn tật rất lớn. Đây không chỉ là nỗi bất hạnh của những người này mà còn là nỗi lo và trách nhiệm của xã hội. Vì vậy, nhiều văn bản pháp luật trợ giúp đối tượng này được ban hành: luật phúc lợi đối với người tàn tật (năm 1949), luật phúc lợi đối với người bị tâm thần (năm 1960)...

Thứ ba, tăng cường các hoạt động phúc lợi xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Đây là một trong những nội dung chủ yếu của phúc lợi thời kỳ này. Nhờ các qui định đó mà hoạt động y tế được đẩy mạnh và chất lượng chăm sóc sức khoẻ được nâng cao.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn này Nhật Bản đã đạt được mục tiêu đề ra là ổn định và thể chế hoá. Trong lĩnh vực phúc lợi xã hội bước đầu đã xây dựng được một hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh làm cơ sở cho các hoạt động sau này. Hầu hết người dân đều được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội nhất là các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt dù qui mô, mức độ có khác nhau. Vì thế hoạt động phúc lợi xã hội đã góp phần ổn định xã hội, tạo những cơ sở cần thiết cho sự phát triển xã hội Nhật Bản.

Tuy vậy, quan niệm về phúc lợi xã hội ở giai đoạn này vẫn chưa thật sự thống nhất. Nhất là từ sau khi Nhật Bản ký hiệp ước San Francisco kết thúc thời kỳ chiếm đóng của Mỹ, chuyển sang thời kỳ tự do. Bàn về hướng phát triển của phúc lợi xã hội có rất nhiều ý kiến khác nhau. Hai quan niệm trái ngược có thể nhận thấy là, một số người muốn Nhật Bản quay về với xã hội truyền thống trước kia, trong đó đề cao vai trò gia đình. Loại ý kiến khác muốn Nhật Bản thay đổi Hiến pháp hiện hành theo hướng tự do hơn. So với trước đây chế độ phúc lợi xã hội đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, về qui mô và phạm vi, nhưng nhiều đánh giá vẫn cho rằng các qui định luật pháp trên chịu sự chi phối và hướng dẫn của quân Đồng minh. Thực tế, những năm cuối của thời kỳ này nhiều qui định đã tỏ ra lạc hậu (chẳng hạn, khi mà các cơ sở phúc lợi tư nhân đã phát triển mạnh trong khi vẫn còn qui định không cho phép tư nhân tham gia) và chậm trễ so với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế. Do vậy, cần phải có sự điều chỉnh thay đổi nhanh chóng các hoạt động phúc lợi xã hội để đáp ứng và phù hợp với sự biến đổi chung của đất nước.

b) Thời kỳ 1960-1973.

Đây là thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh của Nhật Bản. Nhờ đó đã tạo điều kiện và thực tế đã làm thay đổi một cách cơ bản bộ mặt xã hội Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt xa con số trước chiến tranh: bình quân 11,8% (năm 1965-1970) so với 4,5% (1913-1938). Nhìn chung, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. So với năm 1968 năm 1973 thu nhập bình quân đầu người tăng 590 đôla[1]. Điều gây nên sự ngạc nhiên cho thế giới là từ sự đổ nát hoang tàn sau chiến tranh, chỉ có 3 thập kỷ Nhật Bản đã có được bước tiến thần kỳ. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Quá trình đô thị hoá nhanh, tăng nhu cầu lao động ở các khu công nghiệp tập trung... đòi hỏi phải có những thay đổi về chế độ phúc lợi xã hội để phù hợp với tình hình thực tế. Việc thu hút lực lượng lao động đông đảo vào các đô thị đã phá vỡ cấu trúc xã hội gia đình truyền thống. Kinh tế thị trường với những mặt trái của nó đã làm nảy sinh các hiện tượng mà buộc xã hội phải quan tâm. Đó là tầng lớp không có cơ may, không đủ khả năng để lao vào cơn xoáy của thị trường. Số lượng người già, những người tàn tật, phụ nữ... khá đông đảo bị gạt ra khỏi cơn lốc đó. Trong khi chi phí cho cuộc sống ngày càng đắt đỏ, thu nhập của họ không đủ để trang trải thì yêu cầu về hỗ trợ của xã hội ngày càng đòi hỏi cao hơn. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, khoảng cách chênh lệch về thu nhập và chất lượng cuộc sống giữa các tầng lớp dân cư ngày càng tăng. Đối với những người không có cơ may thì biên độ này ngày càng lớn hơn. Bản thân các chế độ phúc lợi xã hội dù đã đảm bảo để người dân có được cuộc sống tối thiểu, nhưng với sự biến đổi mạnh mẽ của thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh, các chế độ phúc lợi không đủ để coi là cái lưới an toàn cho xã hội. Vì vậy, khi nhu cầu trợ giúp của mọi người dần tăng lên thì cần thiết phải có sự sửa đổi và điều chỉnh các chế độ phúc lợi.

Để bổ sung và hoàn thiện các qui định pháp lý và triển khai thực hiện các chế độ phúc lợi xã hội chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản: luật phúc lợi cho người tâm thần (1960), luật phúc lợi cho người già (1963), phúc lợi cho trẻ em (1964). Ba luật này cùng với ba luật trước đây tạo thành một bộ 6 luật khá hoàn chỉnh về chế độ phúc lợi xã hội. Ngoài ra, cũng ở giai đoạn này một số chế độ mới được qui định đối với bà mẹ trẻ em và người già. Chẳng hạn, luật về chế độ phụ cấp trẻ em năm 1971, hoặc cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho người già năm 1973.

Xem xét các hoạt động phúc lợi và hình thức của nó phải nói rằng thời kỳ này được bổ sung khá đầy đủ ở một số khía cạnh sau:

Trước hết, đối tượng phúc lợi xã hội ở thời kỳ này được mở rộng. Nếu trước đây số người được hưởng chế độ trợ cấp chỉ giới hạn ở một số lượng không lớn thì nay được mở rộng. Chẳng hạn, năm 1973 tỷ lệ người được hưởng bảo hiểm y tế tăng từ 50% lên 60% số người được hưởng, tăng 2,5 lần mức trợ cấp quốc dân và bổ sung chính sách chống nghèo đói thông qua chế độ qui định mức trượt giá[2].

Nét nổi bật thứ hai của chế độ phúc lợi thời kỳ này là các hình thức phúc lợi được mở rộng và đa dạng hoá. Trong cả nước đã bắt đầu xuất hiện nhiều dịch vụ mới mà trước đây chưa có: chăm sóc tình nguyện, phục vụ tại nhà, nuôi dưỡng người già. Nhà nước đầu tư xây dựng thêm các cơ sở phúc lợi xã hội nhất là các trung tâm dưỡng lão: nếu năm 1963 chỉ có 1 cơ sở thì đến năm 1970 đã có tới 152 cơ sở. Người già đã trở thành một vấn đề trong chương trình nghị sự của chính phủ. Ngoài các cơ sở phúc lợi của nhà nước, các hoạt động của tư nhân về lĩnh vực này cũng được mở rộng, xuất hiện các tổ hợp phúc lợi xã hội do tư nhân thành lập và quản lý.

Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh ở giai đoạn này đã có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu tổ chức và trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề phúc lợi xã hội. Nhà nước Trung ương bắt đầu giao dần việc quản lý phúc lợi cho các địa phương. Trên thực tế các địa phương tỏ ra linh hoạt và có ưu thế trong việc giải quyết tốt các vấn đề mới phát sinh. Các hoạt động phúc lợi ở địa phương rất đa dạng và họ đã tìm được cách giải quyết phù hợp với điều kiện của mình. Bản thân người dân cảm thấy thuận tiện, thoả mãn khi các nhu cầu của mình được đáp ứng ở nơi mình sinh sống.

Thực tế, các chế độ phụ cấp cho trẻ em, dịch vụ y tế miễn phí cho người già được áp dụng ở các địa phương và đưa lại kết quả tốt và về sau trở thành chế độ phúc lợi chung cho cả nước. Việc cải cách quản lý phúc lợi xã hội bằng cách giao cho chính quyền địa phương thực hiện đã huy động được các nguồn lực, bảo đảm ổn định hài hoà và kết quả là người dân có thể hưởng được các chế độ đó một cách tốt nhất. Có thể coi giai đoạn này là thời kỳ thử nghiệm và mở rộng các chế độ phúc lợi xã hội và tạo lập các điều kiện cần thiết để đưa hoạt động này ngày càng tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

c) Thời kỳ từ năm 1973 đến nay

Hơn ba thập kỷ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục, cho đến đầu những năm 70 Nhật Bản đã dần dần thu hẹp khoảng cách với các nước hàng đầu của thế giới tư bản chủ nghĩa. Một khi kinh tế phát triển thì kéo theo nó là sự biến đổi các mặt của đời sống xã hội. Thu nhập tăng, cuộc sống của người dân được cải thiện, và luôn có nhu cầu được hưởng thụ và phục vụ tốt hơn. Đồng thời xã hội cũng có điều kiện để giúp đỡ những người không có cơ may. Trên thực tế, vào thời điểm này dù Nhật Bản đạt được tốc độ tăng trưởng cao song vẫn là “chú lùn” trong lĩnh vực phúc lợi xã hội. Đây luôn là lĩnh vực nóng bỏng của đấu tranh xã hội. Các thành quả phúc lợi xã hội được hình thành thông qua các sáng kiến và đấu tranh giữa các nhóm lợi ích xã hội khác nhau. Để khắc phục sự yếu kém về phúc lợi xã hội, chính phủ Nhật Bản đã coi năm 1973 là năm đầu tiên của “thời đại phúc lợi” và là điểm xuất phát để đuổi kịp các nước tiên tiến. Dự định này bước đầu không được thực hiện suôn sẻ bởi “cú sốc” dầu mỏ đánh mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản. Tình thế mới buộc chính phủ phải tập trung các nỗ lực đối phó để nhanh chóng khắc phục khó khăn. Để phù hợp với tình hình nhà nước đã phải tiến hành điều chỉnh và cải cách một số nội dung của chế độ phúc lợi xã hội phù hợp với nhu cầu về phúc lợi xã hội tăng nhanh.

Những điều chỉnh có thể nhận thấy ở việc thay đổi một số qui định về mức trợ cấp. Chẳng hạn, giảm tỷ lệ do nhà nước cung cấp đối với chế độ bảo đảm cuộc sống từ 8/10 xuống 7/10, với các dịch vụ phúc lợi xã hội từ 8/10 xuống 5/10 (năm 1986) hoặc năm 1989 tỷ lệ kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước và địa phương là 7,5/2,5 với đảm bảo xã hội và 5/5 với dịch vụ phúc lợi. Rõ ràng, phần gánh nặng đã được giao cho các địa phương. Điều này tạo nên sự chênh lệch về việc cung cấp các dịch vụ nhất là với địa phương nghèo.

Một số qui định về y tế bảo hiểm với người già cũng thay đổi. Chẳng hạn, tỷ lệ chi tiêu của người dân trong bảo hiểm y tế là 10% (xoá bỏ chế độ miễn phí cho người già), tăng phụ cấp đối với các bà mẹ sinh con thứ hai, hoặc từ năm 1986 giảm phụ cấp tuổi thọ.

Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng mặc dù phải điều chỉnh, nhất là chi tiêu song nhìn chung tỷ lệ chi cho đảm bảo xã hội vẫn có xu hướng tăng. Chẳng hạn, chi tiêu cho đảm bảo xã hội của Nhật Bản năm 1973 là 6,1 tỷ yên chiếm 6,38% GNP, năm 1975 là 11,7 tỷ yên (9,41% GNP) năm 1985 là 35,6 tỷ yên (14,01% GNP) và năm 1989 là 44,6 tỷ yên (14,02% GNP)[3].

Một nội dung cải cách và điều chỉnh ở giai đoạn này là nhà nước đã tiến hành đa dạng hoá các hoạt động phúc lợi. Nhà nước khuyến khích sự tham gia của tư nhân và cộng đồng vào lĩnh vực này. Thực tế hoạt động của tư nhân khá tốt, vì vậy người dân rất hài lòng khi mở rộng các dạng dịch vụ này. Đồng thời cũng xuất hiện loại hình phúc lợi xã hội kết hợp giữa tư nhân và nhà nước, trong đó chi phí đầu tư do nhà nước và điều hành do tư nhân. Để thúc đẩy các hoạt động phúc lợi, nhà nước đã ban hành một số qui định và chủ trương như: “Chương trình 10 năm bảo đảm phúc lợi cho người già” thành lập quĩ hoạt động chăm sóc sức khoẻ (1/8/1989), thành lập hiệp hội phúc lợi xã hội (1/4/1990).

Những điều chỉnh và cải cách về chế độ phúc lợi mà Nhật Bản đã tiến hành đã đưa lại nhiều kết quả tốt. Song sự biến đổi kinh tế xã hội luôn đặt ra trước những nhà lãnh đạo phải quan tâm giải quyết để có được một chế độ phúc lợi xã hội phù hợp. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và hết sức cấp bách ngay cả hiện nay khi Nhật Bản sau một thời gian suy thoái đã phục hồi và đang hy vọng nâng cao vị thế của mình không chỉ riêng kinh tế mà ở nhiều lĩnh vực trong đó có phúc lợi xã hội. Để hiểu biết thêm về hoạt động cụ thể của phúc lợi xã hội Nhật Bản chúng ta sẽ lần lượt xem xét các hình thức biện pháp mà nước này đã và đang thực hiện.
[1] Lê Văn Sang – Lưu Ngọc Trịnh: Đường đi tới một siêu cường kinh tế, NXB KHXH, 1991, tr.114

[2] Nguồn: Động hướng phúc lợi quốc dân năm 1994, số 12, t.41. Hiệp hội thống kê y tế và phúc lợi Nhật Bản.

[3] Nguồn: The Journal of Economic Vol, XXII No 3-5, 1992.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 13 Tháng 2 2019 09:40