Đánh giá kết quả học tập của học sinh là một quá trình ghi chép, lưu giữ và cung cấp thông tin về sự tiến bộ của người học trong suốt quá trình dạy học. Việc đánh giá cần đảm bảo nguyên tắc chính xác, khách quan và phân hóa, thường xuyên liên tục và định kỳ.
Đánh giá kết quả học tập của học sinh liên quan đến quá trình dạy của giáo viên và quá trình học tập của học sinh, chính vì vậy, việc kiểm tra đánh giá cần phải được cân nhắc tính toán và tích hợp bằng nhiều hình thức khác nhau như một thành tố quan trọng trong suốt quá trình dạy học của giáo viên thông qua các nhiệm vụ, tiêu chí cụ thể của việc đánh giá theo tiến trình. Sự tiến bộ của học sinh được đánh giá theo tiến trình nên cần được đánh tính toán và thiết kế ngay từ giai đoạn lập kế hoạch dạy học. Trong bối cảnh thực tiễn về chất lượng đào tạo giáo dục ở Việt Nam hiện nay cần đặt ra mục tiêu quan trọng làm thế nào để cải tiến các phương pháp dạy học và giúp người học thấy được các sản phẩm trung gian, sản phẩm cuối cùng cần có của quá trình dạy học.
Để thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI xác định đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là 1 trong 9 nhiệm vụ giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần làm rõ mức độ đạt được và chưa đạt được về các mục tiêu dạy học, tình trạng kiến thức, kĩ năng, kỉ xão, thái độ của HS so với yêu cầu của chương trình; phát hiện những sai sót và nguyên nhân dẫn tới những sai sót đó, giúp học sinh điều chỉnh hoạt động học tập của mình. Bên cạnh đó, cần công khai hóa các nhận định về năng lực, kết quả học tập của mỗi em học sinh và cả tập thể lớp, tạo cơ hội cho các em có kĩ năng tự đánh giá, giúp các em nhận ra sự tiến bộ của mình, khuyến khích động viên và thúc đẩy việc học tập ngày một tốt hơn. Từ đó, giúp giáo viên có cơ sở thực tế để nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động dạy, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.
Để xây dựng các yêu cầu liên quan đến đánh giá kết quả học tập, thi cử cần nghiên cứu đến những vấn đề như xu hướng tổ chức kiểm tra, đánh giá; phương thức tổ chức thi tốt nghiệp và bằng cấp chứng nhận, phương thức xét tuyển đại học. Dưới đây là những tổng hợp thông tin về những vấn đề nêu trên giúp các đại biểu có thêm thông tin về đánh giá kết quả học tập thi cử của một số nước có nền giáo dục phát triển.
Thứ nhất, về xu hướng tổ chức kiểm tra, đánh giá của các nước có nền giáo dục phát triển luôn hướng tới đánh giá năng lực người học, giúp người học tiến bộ chứ không chỉ tập trung vào đánh giá để xếp hạng, phân loại học sinh và chú trọng đánh giá quá trình, giúp học sinh biết tự đánh giá.
Thứ hai, về phương thức thi tốt nghiệp và cấp chứng nhận tốt nghiệp của các nước có nên giáo dục phát triển luôn được phân phân định mức độ đánh giá theo từng cấp học.
Đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở, thì có 16 nước/21 nước thực hiện thi cấp chứng chỉ ở cuối cấp trung học cơ sở, duy chỉ có Singapore tổ chức thi ở Tiểu học và trung học cơ sở.[1]
Đối với cấp Trung học phổ thông thì hầu hết các quốc gia được tổng quan đều tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia[2]. Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ở Singapore dựa trên cơ sở thi lấy chứng chỉ GCEA (General Certificate of Examination, Advance Level), đề thi được điều chỉnh từ đề thi của đại học Cambridge, do trường này chấm; điểm kiểm tra năng lực SAT1; bằng tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate).
Bằng tốt nghiệp GCSE ở Anh được tổ chức cấp quốc gia. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể thi lấy bằng nghề Vocational GCSEs ở 8 lĩnh vực: hội hoạ ứng dụng, kinh doanh, cơ khí, y tế, chăm sóc xã hội, công nghệ thông tin ứng dụng, du lịch và giải trí, khoa học ứng dụng, sản xuất. Bằng Vocational GCSEs tương đương với bằng GCSE. Học sinh có thể thi lại để lấy bằng này nếu các kì thi trước đó không đạt yêu cầu và được thi nhiều lần. Sau khi có bàng GCSE hoặc Vocational GCSEs học sinh có thể theo học hệ chuẩn bị đại học (6th form school/college) trong hai năm để lấy chứng chỉ “A levels” hoặc ”AS levels”.
Australia tổ chức kì thi tốt nghiệp cấp tiểu bang HSC (Hight School Certificate, tuỳ theo từng tiểu bang). Theo chuẩn HSC, học sinh phải thi đủ 12 unit (tín chỉ) theo sự lựa chọn của cá nhân ở lớp 11 và 12. Điểm HSC được tính toán trên cơ sở 3 loại: Điểm thi HSC; điểm trung bình cấp trung học phổ thông; điểm trong kì thi thử HSC (trial examination) theo đề thi của trường. Ba loại điểm thi có trọng số khác nhau và được phân tích xử lí theo mô hình tuyến tính liên quan đến thành tích nhà trường nơi thí sinh học. Chẳng hạn, một thí sinh có điểm trung bình trung học phổ thông cao nhưng điểm trung bình của trường em học thấp thì hệ số dành cho loại điểm này sẽ thấp hơn so với thí sinh khác có điểm trung bình trung học phổ thông cao như vậy nhưng lại học ở trường giỏi hơn.
Về phương thức tuyển sinh đại học ở hầu hết các hệ thống tuyển sinh đại học của các quốc gia đều sử dụng một số tiêu chí tuyển sinh như: điểm của một hoặc một vài kì thi quan trọng như thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển đầu vào, và thi chuẩn hoá năng lực; kết quả học tập ở trường trung học phổ thông; hồ sơ dự tuyển bao gồm một bài tự luận theo chủ đề do nhà trường đưa ra, thư giới thiệu... và các yếu tố nhân thân như nữ, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn....
Có thể phân chia hệ thống tuyển sinh của các quốc gia thành ba nhóm chính:
- Nhóm 1: Dựa hoàn toàn vào kết quả các kì thi do quốc gia hoặc tổ chức bên ngoài tổ chức để tuyển vào đại học. Ở nhóm này lại có các cách thức khác nhau: Chủ yếu dựa vào kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, có kết hợp đánh giá quá trình và thi đầu vào như ở Pháp; Chỉ dựa vào kết quả thi tuyển sinh đại học quốc gia như ở Trung Quốc; Thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và kết quả kiểm tra năng lực chuẩn hoá như ở Singapore và Hàn Quốc.
Riêng Liên bang Nga lại có một chính sách riêng là công bố tổ chức kì thi quốc gia sau Trung học phổ thông với 2 mục đích: đánh giá trình độ trung học phổ thông và đánh giá khả năng để học đại học. Đề thi đại hịc thường có 2 phần, phần để đánh giá trình độ học lực trung học phổ thông và phần giúp các trường đại học căn cứ vào đó để sơ bộ xét tuyển. Kì thi quốc gia thống nhất (viết tắt EGE) - là hình thức cơ bản đánh giá học sinh tốt nghiệp lớp 11 đã tốt nghiệp trung học phổ thông dành cho các trường trên lãnh thổ Liên bang Nga (từ năm 2009). Kết quả của EGE được dùng để xét tuyển vào học tại các trường đại học và cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp. EGE được tiến hành ở tất cả các lãnh thổ thuộc Liên bang Nga, cũng như ở các quốc gia nước ngoài dành cho HS tốt nghiệp các cơ sở giáo dục thuộc Đại sứ quán hoặc bộ phận quân đội Nga ở nước ngoài. Để thi phải đồng thời phân loại được “3 trình độ" đáp ứng các nguyện vọng của thí sinh và yêu cầu để tuyển sinh của các loại trường. Mức thấp chỉ kiểm tra kiến thức theo yêu cầu cơ bản trong chương trình khung chuẩn giáo dục phổ thông, nhằm đánh giá thí sinh chỉ muốn hay chỉ đạt mức tốt nghiệp phổ thông; loại câu khó hơn để phân loại, tuyển được vào các trường đại học diện rộng; loại khó nhất nhằm chọn được HS có năng lực chuyên sâu tuyển cho các trường đại học top đầu hoặc các chuyên khoa đặc biệt.
- Nhóm 2: Không chỉ sử dụng kết quả kì thi mà còn thêm vào những tiêu chí khác trong xét tuyển như: Dựa vào kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông và xét hồ sơ xin học như ở Anh, xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông như ở Australia; Dựa vào kết quả thi tuyển sinh đại học quốc gia và xét học bạ trung học phổ thông; dựa vào kết quả thi tuyển sinh đại học theo trường và xét học bạ trung học phổ thông; Xét kết quả kiểm tra năng lực chuẩn hoá và hồ sơ xin học như ở Mỹ và Hàn Quốc; Dựa vào kết quả thi tuyển sinh quốc gia và thi tuyển sinh theo trường như ở Pháp và hệ thống Grande Ecoles; Thi tuyển sinh quốc gia, thi tuyển sinh theo trường và xét học bạ trung học phổ thông; Thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh theo trường như ở Phần Lan;
- Nhóm 3: Không tổ chức thi mà chỉ xét học bạ trung học phổ thông như ở Na Uy, Canada và một số trường ở Hàn Quốc, hay xét hồ sơ xin học như ở một số trường ở Mỹ.
Đánh giá quốc gia và quốc tế:
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, các quốc gia đều tăng cường đánh giá quốc gia ở giáo dục bắt buộc như SAT1 ở Singapore; SAT ở Anh; SAT và CSAT ở Hàn Quốc; SAT, AIMS và Stanford 10 ở Mỹ... nhằm đánh giá năng lực của học sinh, chủ yếu tập trung vào năng lực đọc, viết và làm toán.
Ở một số nước, đánh giá quốc gia một lĩnh vực chương trình được thực hiện hằng năm như Anh, Uganda…, còn những nước khác lại thực hiện định kì. Các đánh giá này có thể thực hiện trên tất cả học sinh như Australia, Anh..., cũng có thể thực hiện trên mẫu như Hàn Quốc và đều dùng đề kiểm tra viết được chuẩn hoá để đánh giá các năng lực.
Anh thực hiện đánh giá quốc gia ở lớp 2, lớp 6 và lớp 8, với ba môn Toán, Tiếng Anh và Khoa học, trên tất cả học sinh.
Canada thực hiện đánh giá quốc gia SAIP từ năm 1993, trên mẫu ngẫu nhiên HS lứa tuổi 13 đến 16, với các môn Toán, Đọc, Viết, và Khoa học. Từ năm 2007 thực hiện thêm chương trình đánh giá năng lực mới là PCAP.
Ở Hàn Quốc, SAT được sử dụng hai năm/lần đối với các môn Ngôn ngữ, Toán, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, hai năm/lần đối với hai môn Tiếng Anh và Kĩ năng ICT và với khoảng 1% mẫu. CSAT bao gồm các môn học/lĩnh vực Tiếng Hàn Quốc, Toán, Tiếng Anh, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Các bài thi chủ yếu đánh giá khả năng tư duy bậc cao, khả năng phân tích và hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đánh giá quốc gia, nhiều quốc gia tham gia vào các kì đánh giá quốc tế (PISA, TIMS, PIRLS...) và xem xét các kết quả để điều chỉnh chương trình, chính sách giáo dục của mình. Nhờ đó, một số nước đã nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.
Chẳng hạn, ở Cộng hoà Liên bang Đức: Kết quả kì khảo sát trình độ học sinh quốc tế PISA 2000 là một cú sốc cho nước Đức khi học sinh Đức chỉ xếp loại trung bình và dưới trung bình. Nước Đức tiến hành một cuộc cải cách giáo dục thực sự. Từ sau năm 2000, Đức là một trong số ít các nước trên thế giới có thành tích PISA liên tục được cải thiện vị trí xếp hạng từ các năm 2003, 2006, 2009 và 2012 trong tất cả các lĩnh vực Toán, khoa học tự nhiên và đọc hiểu.
Qua việc tổng quan xu thế quốc tế về phát triển Chương trình giáo dục phổ thông, có thể thấy các quốc gia trên thế giới đã có bước phát triển mới về giáo dục phổ thông, đã xích lại gần nhau và có nhiều điểm chung về cách thức phát triển chương trình. Từ những vấn đề quan trọng mang tính xu thế trong phát triển Chương trình giáo dục phổ thông đã trình bày ở trên, có thể hình dung được những bài học, những định hướng mà Việt Nam cần hướng tới trong quá trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, xét về mặt hệ thống, khó có thể áp dụng tất cả những ưu điểm và những xu thế nêu trên trong việc phát triển chương trình của mỗi nước do điều kiện kinh tế xã hội rất khác nhau vào Việt Nam, sẽ có thể tạo ra một kiểu nhà trường mới chỉ trên lí thuyết và mang tính không tưởng, không thể bắt rễ vững chắc vào hoàn cảnh kinh tế xã hội và các điều kiện thực tiễn khác ở nước ta. Do vậy, khi tiến hành xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học của Việt Nam, cần tiếp tục phân tích từng vấn đề để thấy những nội dung nào có thể vận dụng được và vận dụng như thế nào để chúng ta có một chương trình vừa tiếp cận với xu thế hiện đại, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.
Khi học tập kinh nghiệm của các nước, vấn đề quan trọng là cần phải nhìn nhận tới cách tiến hành đổi mới giáo dục của từng nước, và một trong những điểm Việt Nam cần tìm hiểu là kinh nghiệm của những nước đã thành công trong quá trình phát triển Chương trình giáo dục phổ thông cũng như các quốc gia đã từng có giai đoạn phải học tập các nước khác và đã từng thành công trong phát triển giáo dục.
Các quốc gia được lựa chọn giới thiệu trong các chương dưới đều là những minh chứng tiêu biểu cho xu thế phát triển Chương trình giáo dục phổ thông, nhưng ở từng nước, do đặc điểm cụ thể của mình, có những kinh nghiệm nổi bật trên một số phương diện và sẽ được phân tích kĩ hơn.
[1] Theo thống kê của INCA.
[2] Thống kê của INCA cho thấy, cả 21 nước được xem xét đều có cấp bằng tốt nghiệp THPT.