Thứ năm, 16 Tháng 8 2018 07:31

Dấu hiệu nhận biết rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Xác định chính xác nguồn gốc sinh ra các rào cản về thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước là việc làm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi, chi có như thế mới có thể đưa ra được các giải pháp thực sự đúng, có cơ sở khoa học và có tính khả thi để khắc phục. Tuy nhiên, trên thế giới đây là vấn đề ít được đề cập một cách trực tiếp. Ở Việt Nam, thời gian gần đây, quá bức xúc về các rào cản do thể chế kinh tế gây ra đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, nên mới được các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Để giúp các nhà hoạch định chính sách có được thông tin trong quá trình nghiên cứu và phân tích, trong chuyên đề này xin được giới thiệu khái quát những phân tích, nhận định của các nhà nghiên cứu về dấu hiệu nhận biết rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

Việc xác định nguồn gốc sinh ra các rào cản về thể chế từ cách nhìn trực giác có thể là do tư duy, phương thức, công cụ quản lý điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp chưa phù hợp với thực trạng của nền kinh tế[1]. Tuy nhiên, đứng ở góc độ tư duy để xem xét lại có quan điểm cho rằng, nguồn gốc của các rào cản về thể chế kinh tế chính là có sự lạc hậu về tư duy phát triển của bộ máy lãnh đạo đất nước. Nhưng khi đứng ở góc độ chính trị thì nguồn gốc của các rào cản về thể chế kinh tế lại được nhìn nhận là sự không phù hợp giữa thể chế chính trị và thể chế kinh tế, từ đó dẫn đến sự không đồng bộ về mô hình lãnh đạo và quản lý đất nước, mô hình lãnh đạo và quản lý kinh tế - xã hội.

Như vậy, có thể thấy rằng, xuất phát từ khái niệm “Rào cản về thể chế kinh tế là những cản trở của “luật chơi” và cách thức tổ chức thựcthi “luật chơi” đối với hoạt động của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế ở một thời kỳ nhất định”, thì muốn xác định đúng nguồn gốc sinh ra rào cản về thể chế kinh tế. cần phải chỉ ra được người tạo ra “luật chơi” và người tổ chức thực thi “luật chơi” đó ở từng quốc gia cụ thể, trong từng thời kỳ cụ thể. Nguồn gốc của rào cản về thể chế kinh tế là sự bất cập của thể chế chính trị, tư duy phát triển của bộ máy lãnh đạo và quản lý kinh tế - xã hội của một quốc gia ở một thời kỳ nhất định không theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội ở quốc gia đó. Với những phân tích như trên, nguồn gốc sinh ra rào cản thể chế kinh tế xuất phát từ các yếu tố sau:

4.1. Nhân tố khách quan

Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế chính là những nhân tố khách quan sinh ra rào cản thể chế kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

Thứ nhất, những mặt trái của kinh tế thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, các nước trên thế giới ở những mức độ khác nhau nhưng đều dựa trên cơ chế thị trường để phát triển kinh tế. Cơ chế này dựa trên những nguyên tắc cơ bản là đa sở hữu, cạnh tranh tự do và lợi nhuận. Những nguyên tắc cơ bản này vừa tạo động lực cho kinh tếphát triển, nhưng cũng vừa tạo ra những rào cản về thế chế kinh tế.

- Đa sở hữu tôn trọng quyền của các chủ sở hữu. Nó làm cho chủ sở hữu sử dụng nguồn lực của mình một cách có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đa sở hữu cũng tạo ra rào cản cho sự phát triển trên hai phương diện. Một mặt, việc thừa nhận quyền sở hữu của các chủ thể là cho các chủ sở hữu tách biệt với nhau về lợi ích kinh tế. Trong điều kiện đó, sự tranh giành lợi ích có thể dẫn đến sự xung đột giữa các thể chế kinh tế, tạo nên những rào cản cho sự phát triển. Mặt khác, đa sở hữu đòi hỏi các hình thức sở hữu phải được bình đẳng thực sự trong chiếm hữu và sử dụng nguồn lực. Những ưu ái với hình thức sở hữu này, không ưu ái với hình thức sở hữu khác, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các hình thức sở hữu; hay nói cách khác, thừa nhận đa sở hữu một cách hình thức cũng tạo ra rào cản thể chế cho sự phát triển.

- Cạnh tranh tự do là một vấn đề mang tính quy luật của kinh tế thị trường, nó đòi hỏi mọi hình thức sở hữu, mọi loại hình doanh nghiệp phải được tự do sản xuất kinh doanh, tự do đầu tư tham gia vào, ra các ngành không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, không bị pháp luật ngăn cấm. Với chức năng như thế, tự do cạnh tranh tạo nên sự linh hoạt của các nhà kinh doanh trong sử dụng nguồn lực để thoả mãn nhu cầu của con người với chi phí thấp nhất và đem lại hiệu quả cao nhất. Chính tự do cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới vàsáng tạo, làm cho lực lượng sản xuất xã hội phát triển không ngừng. Tuy vậy, tự do cạnh tranh cũng tạo ra rào cản cho thể chế kinh tế. Một mặt, tự do cạnh tranh có thể đưa các nhà kinh doanh chạy theo lợi ích của mình mà đầu tư quá mức, đầu tư ồ ạt vào một ngành, một lĩnh vực kinh doanh nào đó, dẫn đến cung vượt quá cầu và sinh ra khủng hoảng thừa. Ngược lại, việc ngăn chặn hoặc hạn chế cạnh tranh kinh tế sẽ thủ tiêu sự sáng tạo mà khuyến khích ỷ lại, dựa dẫm của doanh nghiệp cũng là rào cản thể chế đối với sự phát triển.

- Lợi nhuận là nguyên tắc hoạt động của kinh tế thị trường. Không thể chấp nhận kinh doanh mà không có lợi nhuận (ngoại trừ một số ngành, một số lĩnh vực vì mục tiêu phát triển xã hội có thể chấp nhận trực tiếp không tạo ra lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ, nhưng những ngành này có vai trò tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác làm tăng lợi nhuận và tổng số lợi nhuận của toàn xã hội vẫn tăng lên). Sở hữu, cạnh tranh tạo điều kiện sản sinh lợi nhuận; nhưng lợi nhuận lại củng cố sở hữu và thúc đẩy cạnh tranh. Điều đó làm cho kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, việc chạy theo lợi nhuận cũng sinh ra các rào cản thể chế kinh tế. Một mặt, nếu chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp nhu cầu cuộc sống con người, đưa ra thị trường những hàng hóa với chi phí nhỏ nhất mà không bảo đảm chất lượng để kiếm lời, sẽ gây ra tổn hại chung cho xã hội. Song mặt khác, nếu chấp nhận các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không có lợi nhuận một cách tràn lan, thua lỗtriền miên mà vẫn tìm cách “hà hơi” tiếp sức cho nó tôn tại thì đó cũng chính là rào cản đối với sự phát triển chung của xã hội.

Thứ hai, trong điều kiện kinh tế hiện đại, thể chế kinh tế chịu tác động rất lớn của hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế của một nước phát triển. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế cũng tạo ra những rào cản kinh tế đối với các nước. Vì nhiều mục tiêu khác nhau, các nước có thể đưa ra những rào cản thuế quan và phi thuế quan, rào cản kỹ thuật để kiểm soát thương mại và đầu tư quốc tế. Điều đó đòi hỏi muốn hội nhập được với nền kinh tế thế giới các nước cần phải tìm hiểu và vượt qua các rào cản kinh tế do quá trình hội nhập quốc tế sinh ra.

4.2. Nhân tố chủ quan

Bên cạnh những nhân tố khách quan do mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, rào cản thể chế kinh tế còn do các nhân tố chủ quan sinh ra. Xét về tầm quan trọng thì các nhân tố chủ quan lại có vai trò quyết định đối với rào cản thể chế kinh tế.

Có nhiều yếu tố chủ quan sinh ra rào cản thể chế kinh tế, ở đây chỉ đề cập đến một số yếu tố chủ yếu sau:

Thứ nhất, giữa sự tương đồng thể chế chính trị và thể chế kinh tế.

Thực chất đây là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị. Theo triết học Mác - Lênin,trong mối quan hệ này thì kinh tế là cơ sở, quyết định chính trị. Sự quyết định này thể hiện ở chỗ, thể chế kinh tế thế nào thì thể chế chính trị phải như thế ấy. Thể chế kinh tế thay đổi thì thể chế chính trị cũng phải thay đổi theo. Nhưng chính trị cũng có tác động ngược lại, sẽ thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển kinh tế. Khi thể chế kinh tế thay đổi, đòi hỏi phải thay đổi thể chế chính trị, có như thế mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nếu thể chế chính trị không, hoặc chậm thay đổi sẽ tạo ra rào cản rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tư duy và quan hệ lợi ích xuất phát chung từ lợi ích của đất nước, lợi ích của dân tộc.

Xét đến cùng thì lợi ích chi phối quyết định của con người, kể cả tổ chức và cá nhân. Ai hoạt động cũng có mục đích và vì lợi ích. Lợi ích đó có thể là về kinh tế hoặc về chính trị. Nó gồm ba cấp độ: lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội. Lợi ích cá nhân chi phối hoạt động của từng cá nhân. Lợi ích tập thể chi phối hành động tập thể. Lợi ích xã hội chi phối sự phát triển chung của toàn xã hội. Ba lợi ích này có mối quan hệ biện chứng. Trong xã hội nếu ba lợi ích là thống nhất thì sẽ tạo ra động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển. Khi các lợi ích xung đột nhau sẽ tạo ra lực cản cho sự phát triển. Lịch sử phát triển đất nước ta cho thấy, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì không chỉ từng cá nhân, từng tập thể (làng xóm, xã, huyện, tỉnh...) mà toàn xã hội vì sự độc lập, tự do của dân tộc đã đoàn kết một lòng thực hiện cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Nhưng khi giành được độc lập dân tộc, mỗi cá nhân, tập thể đôi khi vì lợi ích của cá nhân hoặc đơn vị mình làm tổn hại đến lợi ích cá nhân hoặc tập thể khác. Nếu xung đột lợi ích xảy ramà không kiểm soát được thì đất nước có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Điều đó cho thấy, nếu tư duy và quan hệ lợi ích xuất phát từ lợi ích chung, lợi ích xã hội sẽ tạo điều kiện thúc đẩy xã hội phát triển. Xã hội phát triển thì từng tập thể và từng cá nhân cũng phát triển theo. Nói cách khác, tăng lợi ích xã hội sẽ nâng cao lợi ích cá nhân. Một khi không xuất phát từ lợi ích chung, lấy lợi ích cá nhân hoặc tập thể (nhóm) làm đầu, chỉ quan tâm đến lợi ích củamình mà bỏ qua lợi ích của cá nhân, tập thể khác tất yếu sẽ tạo ra sự xung đột xã hội, là rào cản cho sự phát triển đất nước nói chung.

Thứ ba, năng lực, trình độ của bộ máy cầm quyền theo kịp yêu cầu quản lý nền kinh tế.

Tổ chức bao giờ cũng có vai trò quan trọng trong sự phát triển. V.I. Lênin đã từng nói: Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, chúng tôi sẽ đảo lộn cả nước Nga. Nói đến tổ chức là nói đến bộ máy lãnh đạo và quản lý điều hành. Khi có bộ máy lãnh đạo và quản lý điều hành phù hợp sẽ tạo điều kiện định hướng và điều tiết sự phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng. Khi bộ máy lãnh đạo và quản lý điều hành không phù hợp, chẳng hạn cồng kềnh, quá nhiều hoặc quá ít khâu trung gian, bố trícác bộ phận cấu thành trong bộ máy quá to hoặc quá nhỏ, các quy định quản lý thiếu rõ ràng, minh bạch... đều làm cản trở cho sự vận hành kinh tế - xã hội, hay tạo ra rào cản ngăn trở sự phát triển.

Thứ tư, phát huy năng lực tham gia của các chủ thể trong việc xây dựng và thực thi thể chế kinh tế.

Nhân tố cuối cùng sinh ra rào cản thể chế kinh tế - xã hội là các chủ thể trong xây dựng và thực thi thể chế. Xét đến cùng, mọi thể chế do con người sinh ra và do con người vận hành nó. Nếu các chủ thể tham gia xây dựng và tổ chức thực thi thể chế kinh tế có đủ năng lực trình độ và đạo đức nghề nghiệp thì sẽ bảo đảm xây dựng được thể chế kinh tế phù hợp và vận hành thể chế đó thông suốt. Khi các chủ thể không đủ năng lực, trình độ hoặc đạo đức nghề nghiệp thấp thì việc xây dựng và vận hành thể chế sẽ không đạt được như mong muốn.

5. Tác động của các rào cản về thể chế kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

5.1. Đối với vận hành và điều hành nền kinh tế

Các rào cản về thể chế kinh tế sẽ làm cho nền kinh tế vận hành khó khăn, không trôi chảy, đặc biệt là không tuân theo các yêu cầu và các quy luật của nền kinh tế thị trường. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, bởi nó làm cho nền kinh tế thị trường phát triển méo mó, từ đó dễ gặp những rủi ro khó lường trong sự phát triển (tạo ra các nhu cầugiả tạo, những cơn sốt giả tạo, từ đó có thể dẫn đến sự khủng hoảng cục bộ trong nền kinh tế).

Các rào cản về thể chế kinh tế sẽ làm cho việc điều hành nền kinh tế của bộ máy quản lý nhà nước kém hiệu lực và hiệu quả, không đạt được các mong muốn và các mục tiêu đã đề ra. Đáng quan ngại nhất là tình trạng trên bảo dưới không nghe, trên chỉ đạo một đường, dưới làm một nẻo. Hậu quả là các nguồn lực thì tiêu tốn nhiều, nhưng kết quả mang lại rất hạn chế, kinh tế vẫn chậm phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân chậm được cải thiện và nguy cơ tụt hậu xa so với các nước trong khu vực và thế giới vẫn không hề giảm.

5.2. Đối với phát triển kinh tế - xã hội

Các rào cản về thể chế kinh tế làm nản lòng các chủ thể tham gia hoạt động trong nền kinh tế (kể cả hoạt động đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh - dịch vụ). Điều nguy hại hơn là tạo điều kiện, mở đường cho họ đi vào con đường làm ăn bất chính, phi pháp như: chụp giật, trốn thuế, lậu thuế, làm hàng giả...

Các rào cản về thể chế kinh tế làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước (kể cả khả năng cạnh tranh của sản phẩm, của ngành hàng, của doanh nghiệp và quốc gia), bởi các tiêu cực từ các rào cản sinh ra sẽ làm tăng các chi phí không cần thiết, từ đó làm cho giá thành các sản phẩm do các chủ thể tham gia thị trường làm ra bị đội lên cao và giá thành cao thì không thể cạnh tranh đượctrên thị trường. Mặc khác, các tiêu cực do các rào cản sinh ra cũng làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giảm sút, từ đó làm cho họ ít có khả năng đầu tư đổi mới kỹ thuật và công nghệ sản xuất. Công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, sản phẩm làm ra chất lượng thấp, giá thành cao thì cũng sẽ không cạnh tranh được.

Các rào cản về thể chế kinh tế làm lãng phí, thất thoát các nguồn lực phát triển của đất nước, đặc biệt là nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực. Khi để lãng phí, thất thoát thì sản xuất sẽ không có hiệu quả, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm. Kinh tế chậm phát triển sẽ làm ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề về xã hội và môi trường, đặc biệt là nghèo đói, bất công, tội phạm, ô nhiễm môi trường, v.v..

Các rào cản về thể chế kinh tế góp phần làm hư hỏng, tha hóa đội ngũ doanh nhân và đội ngũ công chức nhà nước. Tha hóa ở đây kể cả đạo đức, lối sống, cách thức làm ăn, cách thức giải quyết các vấn đề có liên quan đến công việc được đảm trách, đến lợi ích của cộng đồng và quốc gia...

Các rào cản về thể chế kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng làm giảm lòng tin của người dân đối với nhà nước, làm xấu hình ảnh của quốc gia đối với thế giới.

Những tác động nêu trên của các rào cản về thể chế kinh tế sẽ tạo ra những lực cản rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cho đất nước luôn rơi vào tình trạng kinh tế chậm phát triển, xã hội không ổn định, lòng dân không yên, tình trạng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và thế giới ngày càng gia tăng.

Vì vậy, để kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mạnh, bền vững, thu nhập của người lao động ngày một tăng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, đất nước sớm theo kịp các nước phát triển trong khu vực và thế giới, con đường duy nhất là phải cải cách thể chế kinh tế, dỡ bỏ nhanh, toàn diện và triệt để các rào cản về thể chế kinh tế đang tồn tại.

 


[1] Theo quan điểm của Nguyễn Thị Luyến, năm 2017

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành